Sự Yêu Thương và Sự Đoán Xét
(Bấm vào đây để download toàn bài viết)
Những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012.
Phần 1: Sự lạm Dụng Lời Chúa — Tình Yêu Trong Chúa
Huỳnh Christian Timothy
Dẫn Nhập
Ngày nay, có lẽ hai từ ngữ bị lạm dụng nhiều nhất trong Hội Thánh là “sự yêu thương” và “sự đoán xét.” Lạm dụng một điều gì có nghĩa là dùng điều đó không đúng cách, đúng nghĩa, đúng lúc, miễn sao đạt được mục đích đã nhắm sẵn. Sự lạm dụng từ ngữ phát sinh bởi sự lạm dụng Lời Chúa.
Có hai thành phần lạm dụng Lời Chúa. Thành phần thứ nhất là những người còn non kém trong đức tin và trong sự hiểu biết Đạo Chúa, chưa sẵn lòng sống theo lẽ thật của Lời Chúa; chưa dứt khoác được với những sự ưa muốn của xác thịt, là những điều trái với sự ưa muốn của Đức Thánh Linh (Ga-la-ti 5:16, 17); nếu sự ưa thích hoặc quyền lợi cá nhân bị đụng chạm thì họ sẽ tìm cách bẻ cong Lời Chúa để bao che cho những điều sai trái của họ. Những thói xấu của xác thịt nổi bật nhất trong họ là: thói tà dâm, lòng tham lam, lòng tự ái và lòng kiêu ngạo. Thành phần thứ hai là những người giả tin Chúa để tìm kiếm tư lợi trong Hội Thánh mà Chúa gọi họ là cỏ lùng, dê và sói, tức là những kẻ giả hình, những tay Pha-ri-si thời đại. Họ lạm dụng Lời Chúa một cách xảo quyệt và có dự tính. Họ chính là những tôi tớ của Sa-tan giả mạo làm những người giúp việc công bình (II Cô-rinh-tô 11:13-15). Theo thời gian, thành phần thứ nhất có thể suy thoái, mất đức tin và biến thành thành phần thứ hai.
Những câu Thánh Kinh thường bị hai thành phần này lạm dụng là:
I Cô-rinh-tô 13:7 “Tình yêu che chở mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.”
I Phi-e-rơ 4:8 “Nhứt là trong vòng anh em phải có tình yêu chân thật; vì tình yêu che đậy vô số tội lỗi.”
Ma-thi-ơ 7:1 “Các ngươi đừng đoán xét ai, để mình khỏi bị đoán xét.”
Lu-ca 6:37 “Đừng đoán xét ai, thì các ngươi khỏi bị đoán xét; đừng lên án ai, thì các ngươi khỏi bị lên án; hãy tha thứ, người sẽ tha thứ mình.”
I Cô-rinh-tô 4:5 “Vậy, chớ xét đoán sớm quá, hãy đợi Chúa đến; chính Chúa sẽ tỏ những sự giấu trong nơi tối ra nơi sáng, và bày ra những sự toan định trong lòng người; bấy giờ, ai nấy sẽ bởi Đức Chúa Trời mà lãnh sự tôn vinh mình đáng lãnh.”
Nạn nhân của sự lạm dụng Lời Chúa cũng có hai thành phần. Thành phần thứ nhất là chính những người thiếu hiểu biết Lời Chúa và chưa dứt khoác được với những sự ưa muốn của xác thịt. Họ vừa là người lạm dụng và vừa là nạn nhân của chính họ và của những kẻ giả hình. Thành phần thứ hai là những người hiểu biết Lời Chúa,nhận thức được có điều sai trái trong sự áp dụng Lời Chúa của những người lạm dụng. Tuy nhiên, không có bao nhiêu người có thể dùng Lời Chúa để phản bác sự sai trái đó, khiến cho sự sai trái đó theo thời gian trở thành một thứ “giáo lý” trong Hội Thánh. Phản ứng tiêu cực của thành phần thứ hai là lánh xa những kẻ lạm dụng. Phản ứng đó cần phải có đối với những kẻ giả hình nhưng đối với những người thật lòng tin Chúa mà đức tin còn yếu kém thì cần phải có một phản ứng tích cực. Phản ứng tích cực là giúp cho họ hiểu được họ đã áp dụng sai Lời Chúa như thế nào.
Hiểu Biết và Áp Dụng Lời Chúa
Sự hiểu biết Lời Chúa và áp dụng sự hiểu biết đó vào trong cuộc sống được gọi là nếp sống Đạo. Đạo tức là Lời Chúa. Nếp sống Đạo là mọi tư tưởng, lời nói, hành động đều vâng theo Lời Chúa. Người ta có thể hiểu sai Lời Chúa cho nên áp dụng sai và người ta cũng có thể hiểu đúng Lời Chúa nhưng lại áp dụng sai.
· Hiểu sai áp dụng sai:I Phi-e-rơ 4:8 “Nhứt là trong vòng anh em phải có tình yêu chân thật; vì tình yêu che đậy vô số tội lỗi.” Người hiểu sai cho rằng: vì yêu thương cho nên người ấy phải bảo bọc, che chở mọi hành động tội lỗi. Sự bảo bọc, che chở cho tội lỗi như vậy giống như một người suốt đời không tắm mà chỉ dùng dầu thơm xức lên người để che đậy mùi hôi.
· Hiểu đúng áp dụng sai:I Cô-rinh-tô 13:7 “Tình yêu che chở mọi sự, tin mọi sự, trông cậy mọi sự, nín chịu mọi sự.” Một người có thể hiểu đúng ý nghĩa của câu Thánh Kinh này nhưng lại áp dụng sai vì không phối hợp với các nguyên tắc khác của Thánh Kinh là nguyên tắc về quở trách, sửa trị người có lỗi và nguyên tắc dứt thông công với người có tội mà không cải hối. Sự hiểu đúng mà áp dụng sai khiến cho một người trở thành nạn nhân của những kẻ lạm dụng Lời Chúa và trở thành kẻ tiếp tay hoặc khuyến khích người khác tiếp tục sống trong tội.
Tình Yêu Trong Chúa
Tình yêu trong Chúa là tình yêu vị tha, nghĩa là tình yêu vì người khác mà sống (vị = vì; tha = người khác). Là con dân Chúa, trước hết, chúng ta sống cho Chúa rồi qua sự dẫn dắt, ban ơn của Chúa mà chúng ta sống cho anh chị em trong Chúa, cuối cùng là chúng ta sống cho những người chưa biết Chúa.
Sống cho Chúa là vâng giữ mọi Lời Chúa, vui thỏa trong Lời Chúa, thể hiện Lời Chúa thành hành động mỗi ngày trong cuộc sống. Sống cho anh chị em trong Chúa là quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ, quở trách, sửa trị, và mang lấy mọi gánh nặng cho nhau từ thuộc thể đến thuộc linh. Sống cho những người chưa biết Chúa là hy sinh mọi sự, tìm đủ mọi cách, tận dụng mọi cơ hội để rao giảng hoặc góp phần trong sự rao giảng Tin Lành cho họ và khi họ có nhu cầu thì hết lòng giúp đỡ họ theo ơn Chúa ban.
Tình yêu trong Chúa không phải chỉ thể hiện qua sự cảm thông, tha thứ, cứu giúp lẫn nhau mà còn thể hiện qua sự quở trách, sửa trị người có lỗi và dứt thông công với người có tội mà không cải hối. Tình yêu trong Chúa không có nghĩa là bỏ qua những sự sai trái và để cho kẻ xấu tha hồ lợi dụng.
Khi Phi-e-rơ theo ý riêng, ngăn cản Chúa về thành Giê-ru-sa-lem để chịu khổ và chịu chết thì Chúa đã phán: “Hỡi Sa-tan, hãy lui ra đàng sau Ta! Ngươi làm gương xấu cho Ta; vì ngươi chẳng nghĩ đến việc Đức Chúa Trời, song nghĩ đến việc người Ta” (Ma-thi-ơ 16:23). Ai dám nói Đức Chúa Jesus không có tình yêu dành cho Phi-e-rơ vì Ngài đã không “dung thứ mọi sự” và “nín chịu mọi sự” đối với ông? Khi Phi-e-rơ chìu theo sự yếu đuối của xác thịt làm ra hành động giả hình, xúc phạm con dân Chúa tại Hội Thánh An-ti-ốt và làm gương xấu cho Ba-na-ba thì Phao-lô đã quở trách Phi-e-rơ trước Hội Thánh: “Nhưng khi Sê-pha đến thành An-ti-ốt, tôi có ngăn can trước mặt người, vì là đáng trách lắm. Bởi trước lúc mấy kẻ của Gia-cơ sai đi chưa đến, thì người ăn chung với người ngoại; vừa khi họ đã đến thì người lui đứng riêng ra, bởi sợ những kẻ chịu phép cắt bì. Các người Giu-đa khác cũng dùng một cách giả dối như vậy, đến nỗi chính Ba-na-ba cũng bị sự giả hình của họ dẫn dụ. Nhưng khi tôi thấy họ không đi ngay thẳng theo lẽ thật của Tin Lành, thì nói với Sê-pha trước mặt mọi người rằng: nếu anh là người Giu-đa, mà ăn ở theo cách dân ngoại, không theo cách người Giu-đa, thì làm sao anh ép dân ngoại phải theo thói Giu-đa” (Ga-la-ti 2:11-14).
Đức Chúa Jesus Christ đã từng động lòng thương xót, chữa bệnh, giảng Đạo và hóa bánh ra cho trên năm ngàn người ăn (Ma-thi-ơ 14:14-21); nhưng Ngài cũng lìa bỏ họ khi nhận biết họ chỉ đến với Ngài để tìm lợi vật chất (Giăng 6:14-27). Đức Chúa Jesus Christ cũng từng quở trách sự cứng lòng, không chịu cải hối của dân các thành đã được nghe Ngài giảng Đạo và thấy Ngài làm nhiều phép lạ: “Vì dân các thành mà Đức Chúa Jesus đã làm rất nhiều phép lạ rồi, không ăn năn, nên Ngài quở trách rằng: Khốn nạn cho mầy, thành Cô-ra-xin! Khốn nạn cho mầy thành Bết-sai-đa! Vì nếu các phép lạ đã làm giữa các ngươi, đem làm trong thành Ty-rơ và Si-đôn, thì hai thành đó thật đã mặc áo gai, đội tro, ăn năn từ lâu rồi. Vậy nên Ta bảo các ngươi, đến ngày phán xét, thành Ty-rơ và thành Si-đôn sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn các ngươi. Còn ngươi, Ca-bê-na-um là thành đã được cao tới trời, sẽ hạ xuống tới âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm giữa ngươi, đem làm trong thành Sô-đôm, thì thành ấy còn lại đến ngày nay. Vậy nên Ta rao bảo rằng, đến ngày phán xét, xứ Sô-đôm sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn ngươi” (Ma-thi-ơ 11:20-14). Khi các môn đồ của Chúa không tin lời của Ma-ri Ma-đơ-len và các phụ nữ khác làm chứng về sự Chúa đã sống lại thì Đức Chúa Jesus đã quở trách họ: “Sau nữa, Ngài hiện ra cho mười một sứ đồ đang khi ngồi ăn, mà quở trách về sự không tin và lòng cứng cỏi, vì chẳng tin những kẻ từng thấy Ngài đã sống lại” (Mác 16:14). Khi trong Hội Thánh tại Cô-rinh-tô có người phạm tội tà dâm, Hội Thánh đã theo lời dạy của Sứ Đồ Phao-lô mà quở trách kẻ phạm tội đó: “Kẻ đó đã bị phần nhiều người trong anh em quở trách, ấy là đủ rồi” (II Cô-rinh-tô 2:6).
Tình yêu trong Chúa không cho phép con dân Chúa “vui về điều không công bình” (I Cô-rinh-tô 13:6). Khi con dân Chúa đối diện với sự không công bình trong Hội Thánh thì phải lên tiếng quở trách, bởi vì mỗi con dân Chúa là một “thầy tế lễ của Đức Chúa Trời” (Khải Huyền 1:6). Hình ảnh thầy tế lễ thời Cựu Ước khán nghiệm bệnh phung và đuổi kẻ bị phung ra khỏi hội chúng cho đến khi kẻ phung được lành tiêu biểu cho việc thầy tế lễ thời Tân Ước chỉ ra tội lỗi và đuổi kẻ có tội mà không cải hối ra khỏi Hội Thánh cho đến khi kẻ đó ăn năn. Bất cứ sự gì nghịch lại Lời Chúa thì đều là những sự không công bình và “mọi sự không công bình đều là tội” (I Giăng 5:17). Theo nguyên ngữ của Thánh Kinh thì “sự không công bình” là “sự vi phạm luật pháp,” và luật pháp trong Thánh Kinh chính là Lời Chúa. Lời Chúa dạy rõ:
Châm Ngôn 27:5 “Một lời quở trách tỏ tường hơn là thương yêu giấu kín.”
Châm Ngôn 28:23 “Ai quở trách người nào, về sau sẽ được ơn hơn là kẻ lấy lưỡi mà dua nịnh.”
Lu-ca 17:3 “Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm tội, hãy quở trách họ; và nếu họ ăn năn, thì hãy tha thứ.”
Ê-phê-sô 5:11 “…chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách chúng nó thì hơn.”
I Ti-mô-thê 5:19 “Kẻ có lỗi, hãy quở trách họ trước mặt mọi người, để làm cho kẻ khác sợ.“
Tít 2:15 “Hãy dạy các điều đó, lấy quyền đầy đủ mà khuyên bảo quở trách. Chớ để ai khinh dể con.”
Kỷ Luật Trong Hội Thánh
Có hai hình thức kỷ luật trong Hội Thánh, được Thánh Kinh nêu lên: (1) kỷ luật đối với người phạm tội nghịch cùng một chi thể, tức là một cá nhân trong Hội Thánh, và (2) kỷ luật đối với người phạm tội nghịch cùng toàn thân thể, tức là tất cả mọi người trong Hội Thánh.
1. Kỷ luật đối với người phạm tội nghịch cùng cá nhân: Trong Ma-thi-ơ 18:15-17 Đức Chúa Jesus đã phán dạy chúng ta rất rõ ràng về cách đối xử người phạm tội nghịch cùng cá nhân chúng ta: “Nếu anh em ngươi phạm tội cùng ngươi, thì hãy trách người khi chỉ có ngươi với một mình người; như người nghe lời, thì ngươi được anh em lại. Ví bằng không nghe, hãy mời một hai người đi với ngươi, hầu cứ lời hai ba người làm chứng mà mọi việc được chắc chắn. Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng Hội Thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội Thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy.”
Trước hết, chúng ta cần ghi nhớ rằng: Đây là cách thức đối xử với người phạm tội nghịch cùng cá nhân chúng ta chứ không phải người phạm tội nghịch cùng Hội Thánh, bởi vì, những kẻ phạm tội nghịch cùng Hội Thánh phải bị quở trách trước Hội Thánh để làm gương cho mọi người. Mệnh lệnh của Chúa đưa ra bốn giai đoạn trong việc kỷ luật một người phạm tội nghịch cùng cá nhân chúng ta:
a) Giai đoạn thứ nhất: quở trách người phạm tội cách riêng tư, mong rằng người ấy sẽ cải hối.
b) Giai đoạn thứ nhì: nếu người ấy không cải hối thì mời thêm vài anh chị em khác trong Hội Thánh đến gặp người ấy để quở trách một lần nữa trước sự chứng kiến của họ.
c) Giai đoạn thứ ba: nếu người ấy vẫn không cải hối thì đưa sự việc ra trước Hội Thánh.
d) Giai đoạn thứ tư: nếu người ấy vẫn không cải hối sau khi bị Hội Thánh quở trách thì Hội Thánh phải cư xử với người ấy như cách cư xử với một người không tin Chúa và một người phạm nhiều tội trọng. Trong xã hội Do-thái, từ ngữ “kẻ thâu thuế” mang nghĩa bóng là “người phạm nhiều tội trọng với Thiên Chúa và dân tộc.” Những người thâu thuế cho Đế Quốc La-mã thời xưa thường dựa vào thế lực của La-mã và địa vị viên chức thâu thuế của mình để gian lận và bốc lột chính đồng hương của mình, làm ra nhiều việc ác để thủ lợi, làm giàu. Người Do-thái xem khinh những kẻ thâu thuế còn hơn là xem khinh một người dân ngoại không chịu cắt bì và thờ lạy hình tượng. Người Do-thái cho rằng những người dân ngoại là ô uế nên xem khinh dân ngoại như chó, là loài vật ô uế. Điều đó có nghĩa là người Do-thái xem khinh những kẻ thâu thuế còn hơn là xem khinh loài chó.
Một người không tin Chúa là một người không có sự thông công với con dân Chúa, không được phép tham dự thờ phượng Chúa với con dân Chúa. Một người phạm nhiều tội trọng là một người mà ai ai cũng cần cẩn thận khi giao tiếp với, thứ nhất là tránh tiêm nhiễm những thói xấu của người ấy và thứ nhì là tránh bị người ấy lừa gạt, hãm hại. Người không tin Chúa là kẻ thù tự nhiên của Hội Thánh. Giăng 15:19 ghi lại lời phán của Đức Chúa Jesus Christ về thái độ của thế gian đối với con dân Chúa như sau: “Nếu các ngươi thuộc về thế gian, thì người đời sẽ yêu kẻ thuộc về mình; nhưng vì các ngươi không thuộc về thế gian và Ta đã lựa chọn các ngươi giữa thế gian, bởi cớ đó người đời ghét các ngươi.” Dầu vậy, con dân Chúa vẫn có bổn phận cầu nguyện, chúc phước, và cứu giúp người không tin Chúa:
Ma-thi-ơ 5:43, 44 “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Hãy yêu người lân cận, và hãy ghét kẻ thù nghịch mình. Song Ta nói cùng các ngươi rằng: Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi.”
Lu-ca 6:27, 28 “Nhưng Ta phán cùng các ngươi, là những người nghe Ta: Hãy yêu kẻ thù mình, làm ơn cho kẻ ghét mình, chúc phước cho kẻ rủa mình, và cầu nguyện cho kẻ sỉ nhục mình.”
Lu-ca 6:35 “Song các ngươi hãy yêu kẻ thù mình; hãy làm ơn, hãy cho mượn, mà đừng ngã lòng. Vậy, phần thưởng của các ngươi sẽ lớn, và các ngươi sẽ làm con của Đấng Rất Cao, vì Ngài lấy nhơn từ đối đãi kẻ bạc và kẻ dữ.”
Rô-ma 12:20 “Vậy nếu kẻ thù mình có đói, hãy cho ăn; có khát, hãy cho uống; vì làm như vậy, khác nào mình lấy những than lửa đỏ mà chất trên đầu người.”
Châm Ngôn 25:21, 22 “Nếu kẻ thù nghịch con có đói, hãy cho nó ăn; nếu có khát, hãy cho nó uống; vì như vậy con chất than cháy đỏ trên đầu nó, và Đức Giê-hô-va sẽ báo lại cho con.”
Thành ngữ “chất than cháy đỏ trên đầu nó” mượn hình ảnh quặng chì được chất vào lò và than lửa được đổ lên trên nó khiến cho chất chì tan chảy vào chỗ hứng bên dưới, bỏ lại các tạp chất bị thiêu cháy trong lò, để nói lên ý nghĩa: những hành động thương xót sẽ khiến cho tâm trí của kẻ thù bị tan chảy và những tư tưởng thù nghịch sẽ bị tan biến.
2. Kỷ luật đối với người phạm tội nghịch cùng Hội Thánh: Đối với người phạm tội nghịch cùng Hội Thánh thì sự quở trách phải công khai giữa Hội Thánh để làm gương như cách Sứ Đồ Phao-lô kỷ luật Sứ Đồ Phi-e-rơ tại Hội Thánh An-ti-ốt đã nêu trên đây. Phao-lô cũng chỉ thị cho Hội Thánh Cô-rinh-tô thi hành kỷ luật đối với người phạm tội tà dâm trong Hội Thánh. Đức Thánh Linh, qua ngòi bút của Sứ Đồ Phao-lô, đã ghi lại nguyên tắc đó trong I Ti-mô-thê 5:20 “Kẻ có lỗi, hãy quở trách họ trước mặt mọi người, để làm cho kẻ khác sợ.”
Trong sự việc có người phạm tội tà dâm trong Hội Thánh Cô-rinh-tô, Phao-lô đã chỉ thị cho Hội Thánh trong I Cô-rinh-tô 5, như sau:
1 Có tin đồn ra khắp nơi rằng trong anh em có sự dâm loạn, dâm loạn đến thế, dẫu dân ngoại cũng chẳng có giống như vậy: là đến nỗi trong anh em có kẻ lấy vợ của cha mình.
2 Anh em còn lên mình kiêu ngạo! Anh em chẳng từng buồn rầu, hầu cho kẻ phạm tội đó bị trừ bỏ khỏi vòng anh em thì hơn!
3 Về phần tôi, thân dầu xa cách mà lòng ở tại đó, (vì anh em và lòng tôi được hội hiệp với quyền phép của Đức Chúa Jesus, là Chúa chúng ta),
4 nên tôi đã dường như có mặt ở đó, nhơn danh Đức Chúa Jesus là Chúa chúng ta, tuyên án kẻ phạm tội đó
5 rằng, một người như thế phải phó cho quỷ Sa tan, để hủy hoại phần xác thịt, hầu cho tâm thần được cứu trong ngày Đức Chúa Jesus.
6 Thật anh em chẳng có cớ mà khoe mình đâu! Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao?
7 Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới không men, như anh em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi.
8 Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian ác, độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật thà và của lẽ thật.
9 Trong thơ tôi viết cho anh em, có dặn đừng làm bạn với kẻ gian dâm,
10 đó tôi chẳng có ý nói chung về kẻ gian dâm đời nầy, hay là kẻ tham lam, kẻ chắt bóp, kẻ thờ hình tượng, vì nếu vậy thì anh em phải lìa khỏi thế gian.
11 Nhưng tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chưởi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy.
12 Vì chưng có phải tôi nên đoán xét kẻ ở ngoài sao? Há chẳng phải anh em nên đoán xét những người ở trong sao?
13 Còn như kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ đoán xét họ. Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi anh em.
Sự kiện phạm tội tà dâm “lấy vợ của cha mình” của một người tín đồ trong Hội Thánh Cô-rinh-tô, vừa là hành động phạm tội nghịch cùng cha mình vừa là hành động phạm tội nghịch cùng Hội Thánh, vì nó xảy ra công khai khiến cho “có tin đồn ra khắp nơi,” gây tiếng xấu cho Hội Thánh và Đạo Chúa. Vì thế, sự thi hành kỷ luật cũng phải công khai. Chúng ta không biết rõ chi tiết phạm tội nhưng có lẽ người phạm tội đã công khai lấy người vợ bé hoặc vợ kế của cha mình làm vợ, sau khi cha ông ta qua đời.
Hình thức kỷ luật được Phao-lô nêu rõ:
a) Đừng làm bạn với kẻ không cải hối.
b) Không nên ăn chung với kẻ không cải hối.
c) Trừ bỏ “kẻ gian ác,” tức là kẻ không cải hối, khỏi Hội Thánh.
Đối với những kẻ theo tà giáo, tức là theo hoặc rao giảng những giáo lý nghịch lại Thánh Kinh thì hình thức kỷ luật được Thánh Kinh nêu ra như sau: “Nhưng hãy lánh những điều cãi lẽ dại dột, những gia phổ, những sự cạnh tranh nghị luận về luật pháp, vì mấy sự đó đều là vô ích và hư không. Sau khi mình đã khuyên bảo kẻ theo tà giáo lần thứ nhất và lần thứ nhì rồi, thì hãy tránh khỏi” (Tít 3:9, 10).
Tất cả những điều trên đây là những hình thức kỷ luật cần áp dụng chung trong Hội Thánh khi có người phạm tội.
Ngày nay, trong các tổ chức giáo hội mang danh Chúa, chẳng những kẻ phạm tội không bị quở trách, kỷ luật mà ngược lại, họ lạm dụng Lời Chúa, mong bịt miệng những ai nêu lên sự sai trái của họ, nhất là các chức sắc trong giáo hội. Nhiều người nghĩ rằng phải có chức sắc trong giáo hội mới có thể lên tiếng quở trách người phạm tội mà không hiểu rằng: mỗi cá nhân trong Hội Thánh đều là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, cho nên, ai cũng có nhiệm vụ chỉ ra các “vết phung thuộc linh” và khai trừ “người phung thuộc linh” ra khỏi Hội Thánh. Đó cũng là một trong những lý do con dân chân thật của Chúa phải thoát ly các tổ chức giáo hội mang danh Chúa do loài người lập ra với những điều lệ, nội quy, truyền thống, thói tục, giáo lý, tư tưởng thần học… hầu hết không có trong Thánh Kinh và nghịch lại Thánh Kinh.
(Xin xem tiếp phần 2: “Đặc Tính và Kết Quả của Tình Yêu”)