Quyền phép trở nên con cái Đức Chúa Trời

9,919 views

1. Quyền tự do chọn lựa: Đức Chúa Trời không bao giờ bắt ép một người nào làm con của Ngài và Ngài cũng không bao giờ ngăn cản một người nào muốn trở nên con cái của Ngài. Trong thực tế, Ngài cất đi hết tất cả những trở ngại để một người có thể tự do chọn lựa được trở nên con cái của Ngài, và Ngài kiên nhẫn chờ đợi trước cửa lòng của mỗi người. Con cái của Đức Chúa Trời là những người hoàn toàn tự do chọn lựa đến với Chúa, tự do chọn lựa kính yêu, thờ phượng Chúa, tự do chọn lựa sống nếp sống thánh khiết đẹp lòng Chúa.

“Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa.” (Ga-la-ti 5:1)

“Trong Ngài chúng ta nhờ đức tin đến Ngài mà được tự do đến gần Đức Chúa Trời cách dạn dĩ.” (Ê-phê-sô 3:12)

2. Quyền tự do hành động: Con cái của Đức Chúa Trời chẳng những được tự do trong sự chọn lựa mà còn được tự do hành động. Nếu chỉ có tự do chọn lựa mà không được tự do hành động thì sự tự do chọn lựa sẽ trở thành vô ích. Một người được tự do chọn lựa đi theo Chúa cũng sẽ được ban cho quyền tự do làm bất cứ điều gì cần thiết phải làm để có thể đi theo Chúa. Tuy nhiên, con cái của Đức Chúa Trời phải cẩn thận hành sử quyền tự do Chúa ban để không lạm dụng mà trở thành phạm tội với Chúa.

“Mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự tôi có phép làm, nhưng chẳng để sự gì bắt phục được tôi.” (I Cô-rinh-tô 6:12)

“Mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều có ích; mọi sự đều có phép làm, nhưng chẳng phải mọi sự đều làm gương tốt.” (I Cô-rinh-tô 10:23)

“Hỡi anh em, anh em đã được gọi đến sự tự do, song chớ lấy sự tự do đó làm dịp cho anh em ăn ở theo tánh xác thịt, nhưng hãy lấy lòng yêu thương làm đầy tớ lẫn nhau.” (Ga-la-ti 5:13)

3. Sức chịu đựng về thể chất: Con cái của Đức Chúa Trời đang sống trong thân thể vật chất cho nên còn được Ngài ban cho sức chịu đựng về thể chất khi trải qua nghịch cảnh, cám dỗ, và thử thách để dự phần trong sự thương khó của Đấng Christ, dự phần trong sự tôn vinh Ngài. Phao-lô ba lần cầu xin Chúa cất đi sự yếu đuối trong thể xác của ông nhưng Chúa không cất sự yếu đuối đi mà chỉ ban thêm ân điển để ông chịu đựng.

“Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi. Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nha, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.” (I Cô-rinh-tô 12:8-10)

“Vậy, vì Đấng Christ đã chịu khổ trong xác thịt, thì anh em cũng phải lấy sự đó làm giáp trụ, vì người nào đã chịu khổ trong xác thịt, thì đã dứt khỏi tội lỗi.” (I Phi-e-rơ 4:1)

“Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo hóa thành tín.” (I Phi-e-rơ 4:19)

“Lại nếu chúng ta là con cái, thì cũng là kẻ kế tự: kẻ kế tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh hiển với Ngài.” (Rô-ma 8:17)

“Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.” (Phi-líp 4:13)

Chúng ta hãy xem qua những gương chịu khổ về thể chất được ghi lại trong Thánh Kinh:

“Có kẻ khác chịu nhạo cười, roi vọt, lại cũng chịu xiềng xích, lao tù nữa. Họ đã bị ném đá, tra tấn, cưa xẻ; bị giết bằng lưỡi gươm; lưu lạc rày đây mai đó, mặc những da chiên da dê, bị thiếu thốn mọi đường, bị hà hiếp, ngược đãi, thế gian không xứng đáng cho họ ở, phải lưu lạc trong đồng vắng, trên núi trong hang, trong những hầm dưới đất.” (Hê-bơ-rơ 11:36-38)

“Họ là kẻ hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Ừ, tôi nói như kẻ dại dột, tôi lại là kẻ hầu việc nhiều hơn! Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm. Lại nhiều lần tôi đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối; chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ.” (II Cô-rinh-tô 11:23-27)

4. Sức chịu đựng về thuộc linh: Chẳng những Đức Chúa Trời ban cho con cái của Ngài có sức chịu đựng các đau khổ về thể chất mà Ngài còn ban cho họ sức chịu đựng các đau khổ và thử thách về mặt thuộc linh. Chính Đức Chúa Jesus đang khi ở trong xác thịt của loài người cũng từng trải những sự đau đớn về thuộc linh:

“Đoạn, Ngài bèn đem Phi-e-rơ và hai người con của Xê-bê-đê đi với mình, tức thì Ngài buồn bực và sầu não lắm. Ngài bèn phán: Linh hồn ta buồn bực cho đến chết; các ngươi hãy ở đây và tỉnh thức với ta.” (Ma-thi-ơ 26:37, 38)

và có một thiên sứ đã từ trên trời hiện đến để thêm sức cho Ngài (Lu-ca 22:43). Sứ đồ Phao-lô cũng vì công việc Chúa mà trải qua những sự đau đớn về thuộc linh:

“Tôi nói thật trong Đấng Christ, tôi không nói dối, lương tâm tôi làm chứng cho tôi bởi Đức Chúa Trời: tôi buồn bực lắm, lòng tôi hằng đau đớn.” (Rô-ma 9:1, 2)

“Hỡi các con, vì các con mà ta lại chịu đau đớn của sự sanh nở, cho đến chừng nào Đấng Christ thành hình trong các con.” (Ga-la-ti 4:19)

Những đau đớn về thuộc linh thường khi khó chịu đựng hơn những đau đớn về thể chất, nhưng Đức Chúa Trời luôn mở đường cho con cái của Ngài ra khỏi, Chúa không bao giờ để cho cám dỗ, thử thách vượt quá sức chịu đựng mà Ngài đã ban cho chúng ta:

“Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.” (I Cô-rinh-tô 10:13)

5. Sức ảnh hưởng: Suốt gần hai ngàn năm qua, Tin Lành của Đức Chúa Trời đã ảnh hưởng đến mọi nền văn hóa của loài người. Văn hóa là lối suy nghĩ, là quan niệm, và là nếp sống của một tập thể. Bên cạnh những ảnh hưởng tốt cũng có nhiều ảnh hưởng xấu mạo nhận danh Chúa, điển hình là các phong tục về lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh. Sức ảnh hưởng chân thật của đạo Chúa không phải là những nghi thức, tục lệ do loài người đặt ra, mà là những gì phát xuất từ những việc lành đúng theo lời dạy của Chúa trong Thánh Kinh.

“Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời.” (Ma-thi-ơ 5:16)

“Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” (Ê-phê-sô 2:10)

“Lời nầy là chắc chắn, ta muốn con nói quyết sự đó, hầu cho những kẻ đã tin Đức Chúa Trời lo chăm chỉ làm việc lành: đó là điều tốt lành và có ích cho mọi người.” (Tít 3:8)

“Bấy giờ, vua sẽ phán cùng những kẻ ở bên hữu rằng: Hỡi các ngươi được Cha ta ban phước, hãy đến mà nhận lấy nước thiên đàng đã sắm sẵn cho các ngươi từ khi dựng nên trời đất. Vì ta đói, các ngươi đã cho ta ăn; ta khát, các ngươi đã cho ta uống; ta là khách lạ, các ngươi tiếp rước ta; ta trần truồng, các ngươi mặc cho ta; ta đau, các ngươi thăm ta; ta bị tù, các ngươi viếng ta. Lúc ấy, người công bình sẽ thưa rằng: Lạy Chúa, khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đói, mà cho ăn; hoặc khát, mà cho uống? Lại khi nào chúng tôi đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà mặc cho? Hay là khi nào chúng tôi đã thấy Chúa đau, hoặc bị tù, mà đi thăm viếng Chúa? Vua sẽ trả lời rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.” (Ma-thi-ơ 25:34-40)

“Sự tin đạo thanh sạch không vết, trước mặt Đức Chúa Trời, Cha chúng ta, là thăm viếng kẻ mồ côi, người góa bụa trong cơn khốn khó của họ, và giữ lấy mình cho khỏi sự ô uế của thế gian.” (Gia-cơ 1:27)

“Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.” (Giăng 13:35)

6. Quyền lợi đặc biệt: Mặc dù Đức Chúa Trời làm ơn cho người công bình lẫn người gian ác (Ma-thi-ơ 5:45) nhưng con cái của Đức Chúa Trời có những đặc quyền mà thế gian không thể có được:

a) Nhận được sự bình an của Đức Chúa Trời trong Đấng Christ: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.” (Giăng 14:27)

“Sự bình an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ gìn giữ lòng và ý tưởng anh em trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 4:7)

b) Nhận được sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời từ Đấng Christ: “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài, mà Ngài đã rải ra đầy dẫy trên chúng ta cùng với mọi thứ khôn ngoan thông sáng.” (Ê-phê-sô 1:7, 8)

“Cho nên, chúng tôi cũng vậy, từ ngày nhận được tin đó, cứ cầu nguyện cho anh em không thôi, và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa.” (Cô-lô-se 1:9)

c) Nhận được đầy đủ mọi sự cần dùng: “Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 4:19)

d) Được tha tội và làm cho sạch tội: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” (I Giăng 1:9)

e) Vượt khỏi sự chết mà vào sự sống đời đời: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai nghe lời ta mà tin Đấng đã sai ta, thì được sự sống đời đời, và không đến sự phán xét, song vượt khỏi sự chết mà đến sự sống.” (Giăng 5:24)

f) Nhận được Đức Thánh Linh và được Thánh Linh dẫn dắt: “Còn Chúng ta đây là kẻ làm chứng mọi việc đó, cũng như Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời đã ban cho kẻ vâng lời Ngài vậy.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:32)

“Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắt dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 8:14)

g) Nhận được các ân tứ của Đức Thánh Linh: “Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh… Đức Thánh Linh tỏ ra trong mỗi một người, cho ai nấy đều được sự ích chung.” (I Cô-rinh-tô 12:4, 7)

7. Quyền cai trị: Mỗi con cái của Đức Chúa Trời đều có năng lực để cai trị xác thịt của mình, bắt nó phải vâng phục nếp sống thánh khiết đẹp lòng Chúa, cai trị nhà riêng của mình theo sự dạy dỗ của lời Chúa, cai trị Hội Thánh khi được kêu gọi vào các chức vụ trong Hội Thánh. Một ngày kia, con cái của Đức Chúa Trời sẽ đồng trị với Đấng Christ.

“Song tôi đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng.” (I Cô-rinh-tô 9:27)

“Phải khéo cai trị nhà riêng mình, giữ con cái mình cho vâng phục và ngay thật trọn vẹn; vì nếu có ai không biết cai trị nhà riêng mình, thì làm sao cai trị được Hội thánh của Đức Chúa Trời?” (I Ti-mô-thê 3:4, 5)

“Vậy ta muốn những gái góa còn trẻ nên lấy chồng, sanh con cái, cai trị nhà mình, khỏi làm cớ cho kẻ thù nghịch nói xấu.” I Ti-mô-thê 5:14)

“Lại nếu chúng ta chịu thử thách nổi, thì sẽ cùng Ngài đồng trị; nếu chúng ta chối Ngài, thì Ngài cũng sẽ chối chúng ta.” (II Ti-mô-thê 2:12)

Để có thể trở nên con cái của Đức Chúa Trời chúng ta cần phải nhận lãnh quyền phép từ nơi Đấng Christ. Quyền phép đó chỉ được ban cho những ai tin vào danh Chúa và tiếp nhận Ngài. Chúng ta có thể đã tin vào danh Chúa, đã nhận Ngài làm Cứu Chúa của mình, đã được ban cho quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời nhưng chúng ta sẽ không bao giờ trở nên con cái của Đức Chúa Trời cho đến khi chúng ta hành sử quyền phép đã ban cho chúng ta.

Huỳnh Christian Timothy
08/07/2007