Nguồn Gốc của Sự Cám Dỗ
Huỳnh Christian Timothy
“Những ý Tưởng Trong Ngày:” https://www.timhieutinlanh.com/?page_id=2209
Một trong những thói quen của loài người là, sau khi phạm tội thì đổ thừa cho người khác, cho hoàn cảnh, cho ma quỷ, và thậm chí cho Thiên Chúa! Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại những lời sau đây của A-đam và Ê-va:
“Giê-hô-va Thiên Chúa kêu A-đam mà phán hỏi rằng: Ngươi ở đâu? A-đam thưa rằng: Tôi có nghe tiếng Chúa trong vườn, bèn sợ, bởi vì tôi lỏa lồ, nên đi ẩn mình.Thiên Chúa phán hỏi: Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng mình lỏa lồ? Ngươi có ăn trái cây Ta đã dặn không nên ăn đó chăng? Thưa rằng: Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi cho tôi trái cây đó và tôi đã ăn rồi. Giê-hô-va Thiên Chúa phán hỏi người nữ rằng: Ngươi có làm điều chi vậy? Người nữ thưa rằng: Con rắn dỗ dành tôi và tôi đã ăn rồi” (Sáng Thế Ký 3:9-13).
Chúng ta thấy, sự phạm tội đem đến mặc cảm tội lỗi, mặc cảm tội lỗi đem đến sự sợ hãi, sự sợ hãi khiến cho kẻ có tội sẵn sàng trút đổ trách nhiệm cho người khác, ngay cả cho người thân yêu nhất của mình, và trực tiếp hoặc gián tiếp trút đổ trách nhiệm cho Thiên Chúa.
A-đam đổ lỗi cho người khác (người nữ), cho Chúa, và cho hoàn cảnh (gần bên tôi). Ê-va đổ lỗi cho Ma Quỷ (con rắn). Lời bào chữa của A-đam đáng trách hơn lời bào chữa của Ê-va. A-đam nói: “Người nữ mà Chúa đã để gần bên tôi…” Câu nói đó chẳng khác nào nói rằng, tôi phạm tội vì Chúa đã tạo ra hoàn cảnh để tôi phạm tội. Không còn sự vui mừng và lòng biết ơn chân thành đối với Chúa vì Chúa đã ban cho ông một người giúp đỡ giống như mình. Không còn câu nói mặn nồng tình nghĩa: “Người nầy là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi mà ra!”
Sự phạm tội đã làm cho loài người trở nên hèn hạ, ích kỷ, vô ơn, và độc ác! Trong lời bào chữa của Ê-va, dù không trắng trợn đổ trách nhiệm cho Chúa, nhưng vẫn có hàm ý đó, bởi vì, con rắn là một tạo vật của Thiên Chúa. Điều quan trọng là, cả A-đam lẫn Ê-va không nhận trách nhiệm phạm tội. Từ đó, bản tính chạy tội bằng cách đổ thừa trách nhiệm cho người khác, cho hoàn cảnh, cho ma quỷ, cho Thiên Chúa đã di truyền cho cả dòng dõi của loài người!
Mặc dầu ma quỷ thật sự là những kẻ cám dỗ, luôn tìm cách khiến cho loài người phạm tội, nhưng nguồn gốc của sự cám dỗ là nuôi dưỡng lòng ham muốn không công chính của mỗi người:
“Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình” (Gia-cơ 1:14).
Ăn và uống là nhu cầu thuộc thể chính đáng của loài người do Thiên Chúa thiết lập. Thèm ăn khát uống không phải là cám dỗ hay tội lỗi, nhưng thèm ăn khát uống một cách không công chính (tức là sự ham muốn nghịch lại Lời Chúa) là sự cám dỗ và nếu tiếp tục nuôi dưỡng sự thèm muốn ấy thì đó là tội lỗi. Giả sử bà Ê-va đang đói và thèm ăn. Bà đi ngang cây biết điều thiện và điều ác, nhìn lên, thấy trái của cây đó bộ ăn ngon và đẹp mắt, lại quý, vì có thể mở trí khôn (Sáng Thế Ký 3:6). Lúc ấy, bà chưa phạm tội và cũng chưa bị cám dỗ, đó chỉ là một sự nhận thức về ngoại cảnh, ngoại vật. Nhưng nếu bà bắt đầu nảy sinh ra ý muốn được đụng chạm, được nếm thử hương vị, được cảm giác năng lực của trái cây ấy thì ý muốn đó sự cám dỗ. Sự cám dỗ chưa phải là tội lỗi và bà Ê-va có thể chọn khước từ sự ham muốn bất chính đó, nếu bà yêu Chúa hơn tất cả mọi sự và hoàn toàn tin cậy Lời Chúa.
Giả sử bà Ê-va không đưa tay lên hái trái cây ấy và ăn, nhưng trong lòng vẫn tưởng tượng ra những cảm giá thú vị khi được sờ chạm trái của cây ấy, tưởng tượng đến hương vị và năng lực bà sẽ cảm nhận khi ăn trái của cây ấy, thì bà đã phạm tội trong tư tưởng. Giả sử bà Ê-va nói với ông A-đam rằng, “Trái của cây này đẹp quá, chắc là hương vị của nó rất tuyệt vời. Nó có công dụng khiến cho chúng ta được mở trí khôn. Ước gì, Thiên Chúa cho phép chúng ta được ăn chỉ một trái mà thôi!” Thì bà đã phạm tội trong lời nói, vì lời nói của bà nghịch lại lời Thiên Chúa phán. Giả sử, bà Ê-va đi đến một cây khác, hái trái của cây ấy ăn, nhưng trong khi cầm trái của cây ấy trong tay thì lại tưởng tượng ra đang cầm trái của cây biết điều thiện và điều ác, trong khi ăn trái của cây ấy thì tưởng tượng ra hương vị trái của cây biết điều thiện và điều ác… thì bà đã phạm tội trong hành động, dù trong thực tế bà không ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác! (Tương tự như vậy là việc có những người ăn chay để tránh sát sinh nhưng lại đặt tên các món ăn chay theo tên các món ăn mặn, và cố tạo cho các món ăn ấy có hương vị của các món ăn mặn)!
Ma Quỷ không thể biết trong lòng của bà Ê-va vì chỉ có Thiên Chúa mới biết được tư tưởng của các thiên sứ và loài người. Tuy nhiên, Ma Quỷ đã tinh ranh, dò dẫm bằng lời nói để đoán biết là bà Ê-va có sự ham muốn bất chính trong lòng, rồi nó nói dối để xui giục bà phạm tội. Chúng ta hãy chú ý đến câu nói của Ma Quỷ:
“Mà chi! Thiên Chúa há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao” (Sáng Thế Ký 3:1)?
Chữ “mà chi” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ có nghĩa là “có thật như vậy không?” Dĩ nhiên, Ma Quỷ biết Thiên Chúa cho phép loài người ăn trái của tất cả các cây trong vườn, chỉ ngoại trừ duy nhất cây biết điều thiện và điều ác. Nhưng Ma Quỷ đã đặt câu hỏi như vậy để đo lường phản ứng của bà Ê-va đối với lời phán của Thiên Chúa. Bà Ê-va đã trả lời:
“Chúng ta được ăn trái các cây trong vườn, song về phần trái của cây mọc giữa vườn, Thiên Chúa có phán rằng: Hai ngươi chẳng nên ăn đến và cũng chẳng nên đá-động đến, e khi hai ngươi phải chết chăng” (Sáng Thế Ký 3:2-3).
Trong câu trả lời của mình, bà Ê-va đã thêm vào điều mà Thiên Chúa không hề phán: “và cũng chẳng nên đá-động đến.” Bà đã vu khống Thiên Chúa và đã tỏ cho Ma Quỷ thấy là bà không vui về mạng lệnh của Thiên Chúa. Ma Quỷ đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội, buông lời dối trá, cám dỗ bà phạm tội:
“Rắn bèn nói với người nữ rằng: Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Thiên Chúa biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Thiên Chúa, biết điều thiện và điều ác” (Sáng Thế Ký 3:4).
Trong câu nói của Ma Quỷ, sự dối trá nằm trong mệnh đề: “Hai ngươi chẳng chết đâu.” Phần còn lại: “nhưng Thiên Chúa biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Thiên Chúa, biết điều thiện và điều ác” chỉ là phân nửa của sự thật. Phân nửa còn lại của sự thật là: Hai ngươi sẽ biết điều thiện và điều ác nhưng hai ngươi sẽ không có năng lực để làm điều thiện và tránh điều ác, và hai ngươi sẽ mãi mãi làm ác, mãi mãi đứng về phía chống nghịch sự Thiện, là Thiên Chúa.
Mặc dầu Ma Quỷ tung lời nói dối và dùng phân nửa sự thật để cám dỗ bà Ê-va phạm tội, nhưng quyết định phạm tội thuộc về bà Ê-va, và vì thế, bà chính là người phải chịu trách nhiệm phạm tội của bà. Thánh Kinh ghi rõ, bà phạm tội vì bà đã không kiềm chế tư dục của mình:
“Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quý vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa” (Sáng Thế Ký 3:5).
Vì thế, nguồn gốc của sự cám dỗ là chính bản thân của mỗi người. Thánh Kinh chép:
“Chớ có ai đương bị cám dỗ mà nói rằng: Ấy là Đức Chúa Trời cám dỗ tôi; vì Đức Chúa Trời chẳng bị sự ác nào cám dỗ được, và chính Ngài cũng không cám dỗ ai. Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi mắc tư dục xui giục mình. Đoạn, lòng tư dục cưu mang, sanh ra tội ác; tội ác đã trọn, sanh ra sự chết” (Gia-cơ 1:13-15).
Tuy nhiên, Thánh Kinh cũng chép:
“Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (I Cô-rinh-tô 10:13).
“Phước cho người bị cám dỗ; vì lúc đã chịu nổi sự thử thách rồi, thì sẽ lãnh mão của sự sống mà Chúa đã hứa cho kẻ kính mến Ngài” (Gia-cơ 1:12).
Cảm tạ Chúa! Xin Ngài giúp cho chúng con hiểu được lẽ thật về sự cám dỗ và hết lòng tin cậy nơi Lời Hằng Sống của Ngài, đế chúng con sống một đời sống đắc thắng và sung mãn trong Chúa. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
12.4.2013
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?rywuxyx9ywuqwuj