NYTTN: Đức Tin của Cơ-đốc Nhân tại Nepal

4,648 views

Đức Tin của Cơ-đốc Nhân tại Nepal

Huỳnh Christian Timothy
“Những ý Tưởng Trong Ngày:” https://www.timhieutinlanh.com/?page_id=2209

Chiều Thứ Bảy 20.4.2013 gia đình tôi nhận lời mời của một khách quen, đến trang trại của gia đình ông, cách chỗ chúng tôi khoảng 30km, để dự một buổi ăn thịt nướng ngoài trời (BBQ), và nghe lời làm chứng của hai nhà truyền giáo về công việc truyền giáo tại Nepal (Nê-ba).

Nepal là một quốc gia nhỏ nằm trong dãy Hy-mã-lạp Sơn, phía bắc giáp Trung Quốc, ba phía còn lại giáp Ấn Độ. Tên chính thức là “Liên Bang Cộng Hòa Dân Chủ Nepal” (Federal Democratic Republic of Nepal). Nepal có diện tích là 147,181 cây số vuông (tương đương 1/3 diện tích của Việt Nam) với dân số khoảng 27 triệu người. Trong đó, có hơn một triệu là Cơ-đốc nhân (không phải Công Giáo).

Hai nhà truyền giáo thuyết trình về công việc Chúa tại Nepal là hai mẹ con. Người mẹ vừa mới về hưu sau 44 năm cùng chồng truyền giáo tại Nepal. Người con trai với vợ của anh ta vẫn tiếp nối công việc của cha mẹ mình (cha anh qua đời năm 2009). Theo lời kể của bà Nancy Watters thì vợ chồng bà bắt đầu công cuộc truyền giáo tại Nepal vào năm 1969. Lúc bấy giờ, chỉ có vài chục người tin Chúa tại Nepal.

Nepal là một quốc gia nặng về Ấn Giáo. Khoảng 80% dân chúng theo Ấn Giáo và 20% còn lại theo Phật Giáo, Hồi Giáo, Thông Linh, và Vật Linh [1]. Vợ chồng Waters là nhân viên của hội những nhà phiên dịch Thánh Kinh “Wycliffe Bible Translators USA,” đến dạy học tại Nepal nhưng mục đích là để học tiếng địa phương và phiên dịch Thánh Kinh sang tiếng Nepal. Vài năm sau, khi đã có con, con cái của họ cùng sống với họ tại Nepal, thỉnh thoảng cả gia đình mới về lại quê hương là Hoa Kỳ trong vài tháng. Hiện nay, đứa con trai lớn của họ (cũng là nhân viên của “Wycliffe Bible Translators USA”) cùng với vợ và hai con cũng sống tại Nepal và tiếp tục công việc của cha mẹ mình.

Trong buổi họp mặt, tôi được trò chuyện riêng với cả hai mẹ con bà Nancy Watters. Qua cuộc chuyện trò, và qua lời làm chứng của họ sau đó, tôi học được nhiều điều thật là phước hạnh:

1. Tôi học được tinh thần dấn thân hầu việc Chúa của gia đình Walters. Họ sẵn sàng từ bỏ đời sống văn minh, tiện nghi, và tự do tại Mỹ để đến sống giữa những người dân Nepal nghèo khó, rao giảng về tình yêu của Thiên Chúa cho những con người ở nơi hẻo lánh và lạc hậu. Họ sẵn sàng hy sinh tiện nghi và sự an ninh của bản thân và ngay cả của con cái họ để hầu việc Chúa. Họ chịu sự bắt bớ của chính quyền nặng về Ấn Giáo, bị bắt cóc bởi quân du kích cộng sản, chiến đấu với thời tiết khắc nghiệt của vùng Hy-mã-lạp Sơn. Cho đến nay, nhà họ ở tại Nepal cũng không có hệ thống máy lạnh và máy sưỡi. Điện lực thường xuyên bị cắt, việc kết nối Internet bị giới hạn rất nhiều.

2. Ngày nay, sau khi cha qua đời, mẹ về hưu, Steve Walters, đứa con trai lớn của gia đình Walters cùng với vợ và hai con, một trai, một gái ở lứa tuổi thiếu niên, tiếp tục mục vụ của cha mẹ mình. Hai con của Steve không bị những tiện nghi và văn minh của nước Mỹ cám dỗ. Hai bé vui sống kham khổ với cha mẹ mình và kết thân với các trẻ em người Nepal. Tấm gương trung tín và tận tụy hầu việc Chúa của các bậc cha mẹ rõ ràng đem lại ảnh hưởng tốt lành và sâu đậm trên con cái của họ. Đó cũng chính là sự ban phước của Chúa. Tôi tin rằng, nếu các em bé đó lớn lên mà Chúa chưa đến, thì các em cũng sẽ tiếp nối bước chân truyền giáo của ông bà, cha mẹ.

3. Từ chỗ chỉ có vài chục người tin Chúa tại Nepal vào năm 1969, đến nay, 2013, đã có trên một triệu Cơ-đốc nhân (không Công Giáo) giữa dân số 27 triệu người, trong khi họ không có Thánh Kinh trong tiếng Nepal, không có cơ sở gọi là nhà thờ. Thánh Kinh Tân Ước tiếng Nepal vừa mới được hoàn tất trong năm qua và Thánh Kinh Cựu Ước đang được bắt đầu dịch. Thế nhưng, đức tin của Cơ-đốc nhân tại Nepal vô cùng vững chắc. Tại Nepal, ai tin nhận Chúa phải trả một giá rất lớn, vì bị gia đình và xã hội ruồng bỏ, bị chính quyền bắt tù và phạt vạ. Mọi sự nhóm họp đều thầm lén trong nhà riêng của các môn đồ. Người Nepal sẵn sàng chịu khổ vì danh Chúa mặc dù phần lớn trong số họ chỉ nghe nói về Chúa chứ chưa hề được đích thân đọc Lời Chúa trong tiếng mẹ đẻ của mình. Mãi đến năm 2012 họ mới có được Lời Chúa phần Tân Ước trong tiếng Nepal. Steve Walters làm chứng rằng: Khi nói có khoảng một triệu người là Cơ-đốc nhân tại Nepal là nói đến một triệu người tin Chúa với một đức tin vững chắc, đã trải qua thử nghiệm.

Nhìn lại khoảng một triệu tín đồ Tin Lành giữa dân số 90 triệu của Việt Nam, với thời gian hơn 100 năm Tin Lành được rao giảng, có Thánh Kinh Việt Ngữ toàn bộ từ năm 1926, có nhiều trường Thánh Kinh Thần Học, có ít ra là 64 năm được tự do truyền giáo tại miền nam… thế nhưng, trong một triệu người mang danh là tín đồ ấy, có được bao nhiêu người cùng một đức tin vững chắc, sẵn sàng chịu khổ vì danh Chúa như những người Nepal?

Cầu xin Thiên Chúa thương xót, cho thêm Hội Thánh Chúa tại Việt Nam và dân tộc Việt Nam cơ hội để thức tỉnh, ăn năn, quay lại với lẽ thật và đức tin trong Lời Chúa, sẵn sàng cho ngày Đức Chúa Jesus Christ đến. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
22.4.2013

[1] Thông Linh là tín ngưỡng đồng bóng giao thông với thế giới tà linh để cầu phước. Vật Linh là tín ngưỡng cho rằng mỗi vật đều có linh hồn hoặc có thần linh trú ngụ, kể cả đất đá, sông hồ, rừng núi…

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?5ryxnny2w33wz23

Mọi góp ý xin email đến: lienlac@timhieutinlanh.com
Chúng tôi sẽ chọn những lời góp ý có tính cách xây dựng và khích lệ để đăng vào trang
Ý Kiến Bạn Đọc