NYTTN: Cùng, Lại, Với

2,864 views

Cùng, Lại, Với

Huỳnh Christian Timothy

Trong tiếng Việt, ba từ ngữ “cùng,” “lại,” “với” thường bị dùng sai nghĩa của chúng. Sự dùng sai đó trở thành thói quen trong văn nói cũng như văn viết. Ngay trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống, là một bản dịch được sự đóng góp chính của nhà văn lớn Phan Khôi, cũng có nhiều chỗ dùng sai các từ ngữ này. Đành rằng, ngôn ngữ là phương tiện để diễn đạt tư tưởng, miễn sao người nói và người nghe hiểu được ý nhau thì ngôn ngữ đã hoàn thành chức năng của nó. Tuy nhiên, ngôn ngữ cũng là một nghệ thuật, một khoa học, cho nên, ngôn ngữ vẫn cần được sử dụng đúng theo quy luật để tôn cao nét đẹp cùng sự chính xác của ngôn ngữ.

Hôm nay, tôi suy nghĩ đến việc sử dụng cho đúng các từ ngữ này trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và trong các bài viết của tôi. Tôi không phải là một học giả hay một nhà ngôn ngữ học. Tôi ghi lại những ý tưởng này không phải để “dạy đời” mà chỉ là nói lên những gì mình nhận thấy được trong việc dùng chữ, mong giúp ích phần nào trong việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

1. Cùng: là một tính từ, có nghĩa là “chung, bao gồm, như nhau.” Thí dụ: Anh và tôi cùng là người Việt Nam. Anh ấy là bạn học cùng trường của tôi. Tin Lành cứu rỗi của Đức Chúa Trời được ban cho dân I-sơ-ra-ên cùng các dân tộc khác.

2. Lại: (1) là một động từ, có nghĩa là “tới, đến, về.” Thí dụ: Mời anh ngày mai lại nhà tôi. Sau khi nhận được điện thoại của anh, tôi đã quay lại Saigon. Anh ấy sẽ trở lại trước khi mặt trời lặn. (2) Là một phân từ, có nghĩa là “lần nữa.” Thí dụ: Anh ấy lại đến thăm tôi. Cô ấy lại quên khóa cửa nhà. Động đất lại xảy ra ở Nhật Bản. (3) Là một giới từ, dùng để xác định một túc từ. Thí dụ: Họ chống lại kẻ thù cho đến hơi thở cuối cùng.

3. Với: (1) là một liên từ, có nghĩa là “và.” Thí dụ: Anh với tôi là anh em trong Chúa. Phân biệt thiện với ác. (2) Là một tính từ, có nghĩa là “chung.” Thí dụ: Tôi đi cắm trại với các em thiếu niên. Tôi làm việc với anh ấy trong ban phiên dịch Thánh Kinh. (3) Là một giới từ, dùng để xác định một túc từ. Thí dụ: Anh ấy nói với tôi. Tôi thưa với Chúa. Họ làm ra những việc nghịch với Thánh Kinh.

Như vậy, chúng ta không nên nói và viết:

  • “Phân sáng ra cùng tối” (Sáng Thế Ký 1:4) mà nên nói và viết: “phân sáng ra khỏi tối.”

  • “Rắn nói cùng người nữ” (Sáng Thế Ký 3:1) mà nên nói và viết: “Rắn nói với người nữ.”

  • “Ta sẽ làm cho ngươi cùng người nữ, dòng dõi ngươi cùng dòng dõi người nữ nghịch thù nhau” (Sáng Thế Ký 3:15) mà nên nói và viết: “Ta sẽ làm cho ngươi và người nữ, dòng dõi ngươi và dòng dõi người nữ nghịch thù nhau.”

  • “…đứng vững mà địch cùng mưu kế của ma quỷ” (Ê-phê-sô 6:11) mà nên nói và viết: “…đứng vững mà địch lại mưu kế của ma quỷ”

  • “Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải cùng thịt và máu, bèn là cùng chủ quyền, cùng thế lực, cùng vua chúa của thế gian mờ tối nầy, cùng các thần dữ ở các miền trên trời vậy” (Ê-phê-sô 6:12) mà nên nói và viết: “Vì chúng ta đánh trận, chẳng phải với thịt và máu, bèn là với chủ quyền, với thế lực, với vua chúa của thế gian mờ tối nầy, với các thần dữ ở các miền trên trời vậy”

Bản thân tôi trước giờ cũng dùng sai ba từ “cùng, lại, với” trong khi nói và viết rất nhiều. Tôi cầu xin Chúa giúp tôi từ nay luôn ghi nhớ cách dùng đúng ba từ này. Cảm tạ Chúa. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
28.4.2013

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?3tj2ehjyitgbzyw

Bấm vào đây để đọc các bài “Những Ý Tưởng Trong Ngày” khác:
https://www.timhieutinlanh.com/?page_id=2209