Hỏi & Đáp: Ngày Nay Chúa Có Phán Trực Tiếp Với Chúng Ta Hay Không?

3,579 views

Chào chú Tim, con có một thắc mắc là “Ngày nay Chúa có phán trực tiếp với chúng ta không?” Con cũng nghe nhiều người giải thích nhưng mỗi người một quan điểm. Xin chú giúp con dựa trên những gì mà Thánh Kinh dạy dỗ.

Xin Chúa ban phước trên gia đình và chức vụ của chú.

Tuấn Lê

Đáp:

Chào Tuấn Lê,

Thánh Kinh chép:

“Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên tri phán dạy tổ phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian.” (Hê-bơ-rơ 1:1, 2)

“Ta đã nói những điều đó với các ngươi đang khi Ta còn ở cùng các ngươi. Nhưng Đấng Yên ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhơn danh Ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều Ta đã phán cùng các ngươi.” (Giăng 14:25, 26)

“Ta còn có nhiều chuyện nói với các ngươi nữa; nhưng bây giờ những điều đó cao quá sức các ngươi. Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến. Ấy chính Ngài sẽ làm sáng danh Ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về Ta mà rao bảo cho các ngươi. Mọi sự Cha có, đều là của Ta; nên Ta nói rằng Ngài sẽ lấy điều thuộc về Ta mà rao bảo cho các ngươi vậy.” (Giăng 16:12-15)

Vậy, theo Thánh Kinh:

1. Thời Cựu Ước Đức Chúa Trời dùng các tiên tri để phán dạy tổ phụ của dân Israel. Khi chúng ta đọc các sách tiên tri thì thấy Đức Chúa Trời phán trực tiếp với các tiên tri rồi các tiên tri mới truyền lại cho dân Chúa.

2. Thời Tân Ước, trước khi Đấng Christ thăng thiên, Đức Chúa Trời phán dạy loài người trực tiếp bởi Đấng Christ. Sau khi Đấng Christ thăng thiên, Đức Chúa Trời phán dạy Hội Thánh trực tiếp bởi Đức Thánh Linh.

Nhưng trên đây là nói về sự phán dạy. Tôi nghĩ rằng, Tuấn Lê muốn hỏi là thời nay Đức Chúa Trời có trò truyện trực tiếp với chúng ta hay không? Thánh Kinh không ghi rõ điều này nhưng dựa vào những câu Thánh Kinh sau đây và lời chứng của những con dân, tôi tớ Chúa trải mọi thời đại, chúng ta có thể tin rằng Đức Chúa Trời luôn phán dạy và trò truyện trực tiếp với con dân Ngài:

“Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu ai yêu mến Ta, thì vâng giữ lời Ta, Cha Ta sẽ thương yêu người, Chúng Ta đều đến cùng người và ở trong người.” (Giăng 14:23)

“Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” (I Cô-rinh-tô 6:19)

Cả Ba Ngôi Đức Chúa Trời đều ở trong người tin nhận Chúa thì đương nhiên phải có sự tương giao mật thiết. Chúng ta thưa trình với Ba Ngôi Đức Chúa Trời qua sự tôn vinh, cầu nguyện, suy gẫm về Chúa qua Lời Chúa và Ba Ngôi Đức Chúa Trời phán dạy, trò truyện trực tiếp với chúng ta.

Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy:

1. Đức Thánh Linh giảng Lời Chúa cho chúng ta. Ngài làm việc đó khi chúng ta đọc và suy gẫm Thánh Kinh. Sự giảng dạy của Đức Thánh Linh tuôn tràn như thác nước khiến cho chúng ta có cảm giác như bị chìm ngập trong tri thức mà Ngài đang giảng giải. Sự giảng giải ấy rõ ràng là có tiếng, có lời vang lên trong tâm thức nhưng không thể biết được bằng loại ngôn ngữ nào. Tất cả những sự giảng giải đó đều hướng về Đấng Christ và tri thức đó khó mà diễn đạt trở lại bằng ngôn ngữ của chúng ta. Đức Thánh Linh khiến chúng ta nhận thức cách sâu nhiệm về mọi phương diện của Đấng Christ: từ sự vinh hiển vô cùng của Đấng Christ đến tình yêu vô biên của Đấng Christ và sự thống khổ tột cùng mà Đấng Christ đã gánh thay cho nhân loại. Đức Thánh Linh cũng giảng dạy cho chúng ta sự kỳ vọng của Đấng Christ về tình yêu của chúng ta đối với Đấng Christ, sự kỳ vọng của Đấng Christ về nếp sống thánh khiết mà chúng ta tự nguyện sống trong Danh Ngài… Chính nhờ sự giảng giải của Đức Thánh Linh trong tâm thần của chúng ta mà chúng ta mới nhận thức được cả Thánh Kinh đều nói về Đấng Christ, tình yêu và công việc của Ngài. Sự giảng giải này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào: khi chúng ta đang thức, đang ngủ, đang làm việc, đang đọc Lời Chúa, miễn là lúc ấy chúng ta đang suy gẫm về Lời Chúa… Điều lạ lùng là: Khi ấy, chúng ta như đang cùng một lúc sống trong hai thế giới. Sự giảng dạy của Đức Thánh Linh không ảnh hưởng, gián đoạn việc chúng ta đang làm trong xác thịt. Thí dụ: trong vài chục giây đồng hồ ngưng xe chờ đèn đỏ chuyển sang xanh, Ngài có thể giảng cho chúng ta một khối lượng tri thức nhiều bằng nghe một người giảng trong mấy tiếng đồng hồ mà chúng ta vẫn không mất ý thức về sự việc đang diễn tiến chung quanh. Tất cả những tri thức đến từ những sự giảng dạy như thế làm cho đức tin của chúng ta trở nên mạnh mẽ, tăng thêm lòng yêu mến Chúa của chúng ta.

Đức Thánh Linh cũng dùng Lời Chúa trong Thánh Kinh để hướng dẫn, cáo trách, nhắc nhở chúng ta trong nếp sống đạo, trong mục vụ, hoặc để an ủi chúng ta khi chúng ta đối diện với đau thương, hoạn nạn, bắt bớ, bệnh tật…

2. Đức Chúa Jesus phán dạy trực tiếp với chúng ta về những việc Ngài giao phó riêng cho cá nhân chúng ta làm (như giao phó cho công tác chăn bầy, truyền giáo, cáo trách người có tội trong Hội Thánh…) Ngài cũng trò truyện với chúng ta như một người bạn về mọi phương diện trong cuộc sống của chúng ta hoặc phán dạy chúng ta trong các khải tượng cá nhân.

3. Đức Chúa Cha thường đối đáp với chúng ta trong khi chúng ta cầu xin. Mỗi khi cầu nguyện, chúng ta cần dành thời gian để nghe Chúa phán dạy.

Thường thì Đức Chúa Jesus và Đức Chúa Cha dùng ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng ta để trò truyện với chúng ta, thỉnh thoảng Đức Chúa Jesus và Đức Chúa Cha cũng dùng ngoại ngữ mà chúng ta biết nếu từ ngữ đó không có trong tiếng mẹ đẻ của chúng ta hoặc từ ngữ đó diễn tả bằng ngoại ngữ sẽ sâu sắc hơn. Chúng ta nghe được tiếng của Chúa như Ngài đang phán dạy bên tai phải hoặc phía sau chúng ta hoặc phía trên đầu chúng ta.

Nói tóm lại, theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy: Sự kiện Ba Ngôi Đức Chúa Trời phán dạy, trò truyện trực tiếp với người thực lòng tin nhận Chúa và vâng phục Lời Ngài là điều hiển nhiên. Ngôn ngữ Đức Thánh Linh dùng là một ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của loài người. Ngôn ngữ Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con dùng là những ngôn ngữ loài người mà chúng ta thông biết.

Tuấn Lê hãy nhờ ơn Chúa, xin Chúa giúp mình từ bỏ lòng yêu mến thế gian và những sự thuộc về thế gian (tức là từ bỏ mọi tội lỗi); xin Chúa giúp mình yêu Chúa và Lời Chúa càng hơn (tức là yêu Chúa hơn tất cả mọi sự và say mê đọc, suy gẫm Lời Chúa); dành thời gian để đọc và suy gẫm Lời Chúa; dành thời gian để tương giao với Chúa (Tuấn Lê có thể tương giao với Chúa trong khi làm việc, học hành, và ngay cả trong giấc ngủ bằng cách hướng lòng về Chúa, suy gẫm Lời Ngài và nói chuyện trong tâm trí với Ngài) thì sẽ kinh nghiệm được sự Chúa phán dạy, trò truyện trực tiếp với mình cách cá nhân.

Tim Huỳnh
25/06/2009