Nhấp vào nút play ►để nghe
Bối cảnh các ngụ ngôn
Trước khi Đức Chúa Jesus phán dạy các ngụ ngôn nói trên thì môn đồ đến gần Ngài để xin Ngài nói cho họ biết: (1) Khi nào thì sự tàn phá đền thờ xảy ra. (2) Điềm chỉ về sự Chúa đến. (3) Điềm chỉ về sự tận thế.
Chúa không trả lời cho câu hỏi thứ nhất vì trước đó Chúa đã phán: “… Máu vô tội bị tràn ra trên mặt đất, đổ về các ngươi… Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mọi điều đó sẽ xảy đến cho dòng dõi này” (Ma-thi-ơ 24:35, 36). Lịch sử cho biết 40 năm sau đó, thành Giê-ru-sa-lem bị thất thủ vào tay quân La-mã, đền thờ bị thiêu hủy, dân Giê-ru-sa-lem bị tàn sát từ trẻ con cho đến người già. Nguyên đoạn 24 của sách Ma-thi-ơ ghi lại sự trả lời của Chúa về điềm Chúa đến và điềm tận thế, ngụ ngôn về sự phán xét những người chăn bầy trong ngày Chúa đến. Đoạn 25 ghi lại ngụ ngôn về sự khôn ngoan và ngu dại của những người tin Chúa trong thời kỳ liền trước Cơn Đại Nạn, ngụ ngôn về sự phán xét mỗi tín đồ trong muôn dân trên đất vào cuối Cơn Đại Nạn. Sự phán xét này là sự phán xét những kẻ sống vào cuối Cơn Đại Nạn, khác với sự phán xét trước Tòa Án Trắng và Lớn sau thời đại Vương Quốc Ngàn Năm, là sự phán xét những kẻ chết được ghi chép trong Khải Huyền 20:11-15.
Điềm Chúa đến và điềm tận thế là hai sự kiện khác nhau. Nhiều người lẫn lộn nhập chung hai sự kiện này làm một. Khi chúng ta cẩn thận tra xét và đối chiếu các lời tiên tri trong Thánh Kinh, chúng ta sẽ nhận thấy sự Chúa đến và sự tận thế bao gồm trong ba giai đoạn:
– Giai đoạn 1: Trước hết, Chúa đến giữa các đám mây để đem Hội Thánh lên không trung hội hiệp với Ngài (Ma-thi-ơ 24:32-42; I Cô-rinh-tô 15:52; I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18).
– Giai đoạn 2: Kế tiếp, Chúa giáng các tai vạ xuống thế gian trong một thời khoảng là 2520 ngày, tương đương với 7 năm Nguyệt Lịch (một năm có 360 ngày, chia đều cho 12 tháng). Chi tiết về các tai vạ này được ghi lại trong Khải Huyền từ đoạn 6 đến đoạn 18, và được tóm lược trong Ma-thi-ơ 24:15-22; Lu-ca 21:25-26.
– Giai đoạn 3: Sau cùng, Chúa và Hội Thánh tái lâm trên đất để tiêu diệt Antichrist cùng những kẻ tôn thờ hắn, phán xét muôn dân trên đất, nhốt Satan vào vực sâu, và thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm (Xa-cha-ri 14; Ma-thi-ơ 24:29-31; Lu-ca 21:27; Khải Huyền 19:11 – 20:6).
Ngụ ngôn về đầy tớ trung tín và đầy tớ không trung tín
Trong Lu-ca 12:35-48 có ghi lại lời Chúa phán dạy các sứ đồ về sự tỉnh thức và sự trung tín làm tròn bổn phận được giao phó qua ngụ ngôn về người quản gia trung tín và người quản gia không trung tín. Dù được Chúa phán dạy vào một thời điểm khác nhưng ngụ ngôn về người quản gia trung tín và người quản gia không trung tín trong Lu-ca có cùng một ý nghĩa dạy dỗ như ngụ ngôn về đầy tớ trung tín và đầy tớ không trung tín trong Ma-thi-ơ.
Trong cả hai ngụ ngôn đều đưa ra hình ảnh của một người chủ đi vắng, giao cho người quản gia hoặc người đứng đầu trong các đầy tớ lo việc chăm sóc và quản trị các đầy tớ của chủ. Người quản gia hoặc người đứng đầu các đầy tớ có thể tận tâm, trung tín làm tròn bổn phận hoặc lạm dụng tài sản của chủ và đối xử độc ác với những đầy tớ khác dưới quyền của mình. Hai thái độ khác nhau mang lại hai hậu quả khác nhau. Người trung tín được khen thưởng, kẻ bất trung bị hình phạt và mang lấy số phận của “kẻ giả hình.” Chúng ta có thể hiểu rằng hai ngụ ngôn này dạy về những người lãnh đạo trong Hội Thánh.
Toàn thể thành viên trong Hội Thánh đều là tôi tớ của Đức Chúa Trời, vì mỗi người đều là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 2:9; Khải Huyền 1:6). Tuy nhiên, trong Hội Thánh có những người lãnh đạo được Chúa lập ra để chăm sóc Hội Thánh (I Cô-rinh-tô 12:28; Ê-phêsô 4:11).
Công việc của những người lãnh đạo này là “cho đồ ăn đúng giờ” cho Hội Thánh. Đồ ăn có hai nghĩa:
– Lời Chúa:
“Đức Chúa Jêsus đáp: ‘Có lời chép rằng: Người ta sống chẳng phải chỉ nhờ bánh mà thôi, song nhờ mọi lời nói ra từ miệng Đức Chúa Trời.'” (Ma-thi-ơ 4:4)
– Việc lành Chúa muốn người tin Chúa làm:
“Đức Chúa Jêsus phán rằng: Đồ ăn của ta tức là làm theo ý muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công việc Ngài.” (Giăng 4:34)
“Vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo.” (Ê-phê-sô 2:10)
Bổn phận của người quản gia hoặc người đứng đầu các đầy tớ của Đức Chúa Trời đối với Hội Thánh là “cho đồ ăn đúng giờ” nghĩa là kịp thời rao giảng lời Chúa và hướng dẫn cho từng thành viên trong Hội Thánh biết áp dụng lời Chúa vào đời sống, biết làm những việc lành mà Chúa đã giao phó cho họ.
Trong Hội Thánh của Chúa luôn luôn có những quản gia, những người lãnh đạo, những người chăn thuộc linh trung tín và tận tâm trong chức vụ. Tuy nhiên, trong Hội Thánh cũng không thiếu những người chăn giả hình, hoặc bất trung mà Đức Chúa Jesus gọi đó là những kẻ chăn thuê vô trách nhiệm (Giăng 10:12), và Sứ Đồ Phao-lô gọi họ là những người làm công gian ác (Phi-líp 3:2).
Những kẻ chăn thuê vô trách nhiệm khi thấy muông sói đến thì bỏ bầy chiên mà chạy trốn để bảo tồn sự sống của mình, để mặc cho muông sói xông vào cướp lấy chiên và làm cho chiên bị tản lạc (Giăng 10:12). Những người làm công gian ác thì: “đánh kẻ cùng làm việc với mình, và ăn uống với phường say rượu.”
Người quản gia hoặc đầy tớ bất trung “đánh kẻ cùng làm việc với mình” là hình ảnh của người chăn bất trung bức hiếp và làm thiệt hại tín đồ trong Hội Thánh. Mỗi người trong Hội Thánh đều đồng công với người chăn trong công tác mở mang và xây dựng Nước Trời. Khi người chăn lạm dụng, lợi dụng, dối gạt, nói xấu, và đối xử bất công với tín đồ, dù dưới bất kỳ hình thức nào, là người chăn đã phạm vào tội “đánh kẻ cùng làm việc với mình.”
Người quản gia hoặc người đầy tớ bất trung “ăn uống với phường say rượu” là hình ảnh của người chăn bất trung liên kết, thỏa hiệp, hoặc thông công với người của thế gian. Đầy dẫy Thánh Linh là đặc điểm của Thánh Đồ Đấng Christ còn say rượu là đặc điểm của người thế gian (Ê-phê-sô 5:18). Say rượu tượng trưng cho sự say mê thế gian và những sự thuộc về thế gian, bao gồm: tiền bạc, của cải, địa vị, danh vọng, quyền thế, sắc đẹp…
Một số điểm quan trọng trong hai ngụ ngôn trên đây mà chúng ta cần ghi nhận:
1. Người quản gia hoặc đầy tớ bất trung tưởng rằng chủ của mình về muộn cho nên thất trách trong bổn phận là hình ảnh của những người chăn biếng nhác rao giảng lời Chúa, biếng nhác hướng dẫn con dân Chúa sống theo lời Chúa và hầu việc Chúa.
2. Sự độc ác của người quản gia hoặc đầy tớ bất trung là hình ảnh của những người chăn độc ác. Biếng nhác rao giảng lời Chúa, biếng nhác hướng dẫn tín đồ sống theo lời Chúa và hầu việc Chúa là thất trách nhưng lạm dụng, lợi dụng, dối gạt, nói xấu, và đối xử bất công với tín đồ là những hành động độc ác.
3. Sự ham mê ăn uống với phường say rượu của người quản gia hoặc đầy tớ bất trung là hình ảnh của những người chăn say mê đua đòi vật chất.
4. Chủ trở về trừng phạt người quản gia hoặc đầy tớ bất trung một cách nghiêm khắc là hình ảnh khi Chúa đến Ngài sẽ xử phạt nghiêm khắc những người chăn bất trung.
5. Số phận của kẻ giả hình, bất trung là “nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng” là ở ngoài Nước Trời (Lu-ca 13:28), là hoả ngục (Ma-thi-ơ 13:42, 50).
6. Những ai trung tín làm tròn bổn phận sẽ được Đức Chúa Trời ban thưởng.
Nhiều tín đồ không thích đề cập tới sự khen thưởng. Rất nhiều người cho rằng động cơ khiến họ trung tín hầu việc Chúa là lòng yêu Chúa, yêu người chứ không phải vì phần thưởng. Tuy nhiên, phần thưởng và hình phạt đi đôi với việc làm của chúng ta như bóng với hình. Đã có việc làm thì phải có phần thưởng hoặc hình phạt. Sứ Đồ Phao-lô là cột trụ của Hội Thánh mà ông nói rằng:
“Nhưng tôi cứ làm một điều: quên lửng sự ở đằng sau, mà bươn theo sự ở đằng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ.” (Phi-líp 3:14)
Giựt giải tức là nhận lấy phần thưởng. Chúng ta hầu việc Chúa vì yêu Chúa và yêu người nhưng nếu sự hầu việc Chúa không đem lại một ích lợi gì cho chúng ta thì việc làm đó trở thành vô nghĩa. Ít nhất, sự kiện hầu việc Chúa phải đem lại cho chúng ta niềm vui. Niềm vui đó, tự nó đã là phần thưởng. Đức Chúa Trời là Đấng giàu có vô lượng vô biên. Ngài không chỉ ban thưởng cho chúng ta bằng niềm vui. Ngài chắc chắn sẽ ban thưởng cho chúng ta theo sự giàu có và vinh hiển của Ngài.
Kết luận
Mỗi một con dân Chúa đã trưởng thành trong đức tin đều có bổn phận chăm sóc những tín đồ Chúa đã giao phó cho mình. Chúng ta có thể được Chúa kêu gọi làm người chăn cho một bầy chiên là Hội Thánh địa phương nhưng cũng có thể Chúa kêu gọi chúng ta làm người chăn cho chỉ một con chiên. Con chiên đó là bất kỳ người lân cận nào: trong gia đình, trong khu phố, trong trường học, trong chỗ làm… Vì thế, về mặt tổng quát, hai ngụ ngôn trên đây có thể áp dụng cho mỗi một con dân của Chúa.
Công việc của người chăn là cho chiên ăn đúng giờ nghĩa là kịp thời dùng lời Chúa để khuyên răn, dạy bảo, khích lệ, và kỷ luật những con chiên mà Đức Thánh Linh đã lập mình làm người coi sóc (Công Vụ 20:28). Người chăn tận trung hết lòng chu toàn bổn phận sẽ được Chúa khen thưởng xứng đáng. Người chăn bất trung, thất trách, cư xử độc ác với chiên của Chúa, hòa mình với những kẻ ham mê thế gian… sẽ bị ném ra khỏi Nước Trời.
Huỳnh Christian Timothy
09/12/2007