YouTube: https://youtu.be/Ay0Wd7PHapE
202309 Bài Giảng Trong Năm 2023
Mười Điều Suy Ngẫm về Ngày Chúa Đến
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Với đức tin và lòng mong chờ ngày Đức Chúa Jesus Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, chúng tôi có mấy điều suy ngẫm về ngày Chúa đến. Trước hết, chúng tôi xin nhắc lại là chúng tôi tin rằng, Đức Chúa Jesus Christ có thể đến bất kỳ lúc nào. Ngoài sự kiện dân I-sơ-ra-ên được tái lập quốc vào ngày 14/05/1948, hoàn toàn chiếm lại chủ quyền trên thành thánh Giê-ru-sa-lem vào ngày 07/06/1967, và được Hoa Kỳ công nhận Giê-ru-sa-lem là thủ đô vào ngày 06/12/2017 để chứng minh dân I-sơ-ra-ên là cây vả đã được Đức Chúa Trời trồng trở lại trên vùng Đất Hứa Ca-na-an và đã đâm chồi, nứt lộc, sẵn sàng cho Kỳ Tận Thế thì không còn có một lời tiên tri nào cần được ứng nghiệm, trước khi Đấng Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Chúng tôi rất mong rằng, Đấng Christ sẽ đến trước khi năm 2027 kết thúc. Vì ngày Lễ Vượt Qua năm 2027 là thời điểm tròn 2.000 năm dân I-sơ-ra-ên chối bỏ Đấng Christ, khiến Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá. Đó chính là thời điểm thích hợp để Đức Chúa Trời phục hồi dân I-sơ-ra-ên theo lời tiên tri trong Ô-sê 6:1-2 [1], [2].
Chúng tôi đang sống với tâm trạng nôn nao, mong chờ Đấng Christ hiện ra giữa chốn không trung, kêu gọi Hội Thánh cùng lên với Ngài. Chính lòng mong chờ đó giúp cho chúng tôi dễ dàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách; thắng mọi cám dỗ; và sốt sắng phụng sự Thiên Chúa, trong những ngày còn lại rất ngắn trong cuộc đời này. Khi nghĩ đến ngày Đấng Christ trở lại đón Hội Thánh, chúng tôi có suy ngẫm mấy điều mà hôm nay chúng tôi xin chia sẻ cùng Hội Thánh.
Chúng tôi xin nói rõ, đây là sự suy ngẫm và sự hiểu của chúng tôi, dựa trên một số chi tiết trong Lời Chúa, không phải là giáo lý trong Thánh Kinh. Đây là sự dựa trên Lời Chúa để suy luận một số vấn đề trong cuộc sống. Dù quý ông bà anh chị em tiếp nhận hoặc không tiếp nhận những gì chúng tôi chia sẻ trong bài này cũng không ảnh hưởng gì đến sự cứu rỗi của mỗi người.
Điều suy ngẫm thứ nhất của chúng tôi là về thời điểm trong ngày, khi Đấng Christ đến. Theo lời phán của Đức Chúa Jesus Christ được ghi lại trong Lu-ca 17:34 thì chắc chắn là Ngài sẽ đến vào ban đêm:
“Ta phán với các ngươi, trong đêm đó, sẽ có hai người trên một giường, một người sẽ được đem đi, còn người kia sẽ bị bỏ lại.”
Nhưng liền theo đó, trong câu 35 và 36, Đức Chúa Jesus Christ lại nói đến người làm việc ngoài đồng ruộng và người làm việc trong nhà, hàm ý, Ngài đến vào ban ngày, khi người ta đang lao động bình thường:
“Sẽ có hai người xay cối với nhau, một người sẽ được đem đi, còn người kia sẽ bị bỏ lại.”
“Hai người sẽ ở ngoài đồng ruộng, một người sẽ được đem đi, còn người kia sẽ bị bỏ lại.”
Ma-thi-ơ 24:40-41 cũng nói đến vào thời điểm Đấng Christ đến thì người ta đang lao động bình thường, hàm ý, Ngài đến vào lúc ban ngày:
“Lúc ấy, hai người sẽ ở ngoài đồng ruộng, một người sẽ được đem đi và một người sẽ bị bỏ lại.”
“Hai người đang xay cối, một người sẽ được đem đi và một người sẽ bị bỏ lại.”
Điều này khiến cho chúng tôi hiểu rằng, Đấng Christ sẽ đến vào lúc đang là ban đêm tại một số quốc gia, khi người ta đang ngủ, nhưng lại là ban ngày đối với một số quốc gia khác, khi người ta đang lao động. Thí dụ: Nếu Đấng Christ đến vào lúc 12 giờ trưa ở Việt Nam thì tại tiểu bang Texas, Hoa Kỳ của chúng tôi là 11 giờ đêm, hoặc 12 giờ đêm nếu vào mùa tiết kiệm ánh sáng ban ngày (từ Chủ Nhật thứ nhì của tháng Ba cho tới Chủ Nhật thứ nhất của tháng Mười Một). Rất có thể Đấng Christ sẽ đến vào lúc giữa đêm tại quốc gia I-sơ-ra-ên, như khi Đức Chúa Trời đem dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô vào đêm Lễ Vượt Qua. Giữa đêm tại I-sơ-ra-ên tương đương 4:00 chiều tại Việt Nam và 4:00 sáng tại Texas, vào mùa tiết kiệm ánh sáng ban ngày.
Điều suy ngẫm thứ nhì của chúng tôi là trong ngày Đấng Christ đến, điều gì sẽ xảy ra cho trẻ con chưa có ý thức phạm tội nhưng có cha mẹ không tin Chúa. Trong bộ truyện nổi tiếng “Bị Bỏ Lại” (Left Behind) [3], tác giả Tim LaHaye cho rằng, tất cả trẻ con dưới 12 tuổi, dù cha mẹ có tin Chúa hay không tin Chúa, cũng đều sẽ được Đấng Christ đem ra khỏi thế gian. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, Đấng Christ đến là để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Chỉ những ai thuộc về Hội Thánh thì mới được Ngài đem ra khỏi thế gian. Vì thế, trẻ con chưa có ý thức phạm tội nhưng cha mẹ không tin Chúa, không thuộc về Hội Thánh, thì không thể được cất lên cùng Hội Thánh.
Thánh Kinh cho thấy, trẻ con vào thời Nô-ê vẫn bị diệt trong Cơn Lụt Lớn; trẻ con trong thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ vẫn bị diệt bởi lửa; trẻ con trong thành Giê-ri-cô và nhiều thành khác của dân Ca-na-an vẫn bị diệt bởi gươm.
Chúng tôi nghĩ rằng, chỉ có trẻ con chưa có ý thức phạm tội nhưng cha hoặc mẹ là người tin Chúa thì mới được cất lên cùng Hội Thánh. Trẻ con đã có ý thức phạm tội mà không tự mình ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Chúa, dù cha mẹ là người tin Chúa, chúng vẫn bị bỏ lại. Vì chúng sống trong tội, không thuộc về Hội Thánh của Chúa. Trẻ con chưa có ý thức phạm tội nhưng cha mẹ không tin Chúa sẽ bị bỏ lại. Chắc chắn Đức Chúa Trời có chương trình cho chúng và Ngài sẽ làm thành ý muốn của Ngài trên chúng.
Điều suy ngẫm thứ ba của chúng tôi là trong ngày Đấng Christ đến, điều gì sẽ xảy ra cho những thú nuôi trong nhà của con dân Chúa, như: chó, mèo? Chúng tôi có xem thấy trên mạng một vài người kể rằng, họ nằm mơ, thấy được cất lên chung với các thú nuôi của họ. Chúng tôi nghĩ rằng, điều đó có thể xảy ra.
Trong tuần qua, có một con dân Chúa hỏi chúng tôi về việc, có chỗ nào trong Thánh Kinh nói đến sau khi chết thì linh hồn loài vật trở về cùng Thiên Chúa và trên thiên đàng có loài vật hay không.
Thánh Kinh không hề nói gì về việc linh hồn của loài vật sẽ đi đâu sau khi chết, cũng không nói đến sự phục sinh của loài vật. Thánh Kinh cũng không nói trên thiên đàng có đủ các loài động vật như trên đất, ngoại trừ có nói đến ngựa. Nhưng chúng tôi tin rằng, những gì được Thiên Chúa sáng tạo trên đất thì trên thiên đàng cũng có. Nói cách khác, muôn vật trên đất được dựng nên theo kiểu mẫu của muôn vật trên thiên đàng.
Thánh Kinh không nói nhưng chúng tôi tin rằng, trong Vương Quốc Ngàn Năm, thú nuôi của con dân Chúa sẽ được sống lại và đoàn tụ với chủ của chúng. Còn trong Vương Quốc Đời Đời thì tất cả các loài thú sẽ được sống lại và vui sống đời đời với loài người. Vì loài thú không phạm tội chống nghịch Thiên Chúa nhưng phải cùng chịu khổ với loài người, bởi sự phạm tội của loài người. Muôn vật được sáng tạo rất tốt lành (Sáng Thế Ký 1:31), thể hiện sự khôn sáng và quyền năng của Thiên Chúa, làm tôn vinh danh Ngài nên không có lý do gì chúng không tồn tại đời đời.
Điều suy ngẫm thứ tư của chúng tôi là trong ngày Đấng Christ đến, con dân chân thật của Chúa đang sống, thân thể được biến hóa và được cất lên chốn không trung để gặp Chúa thì có để lại quần áo, trang sức, cùng các vật tùy thân khác hay không. Theo bộ truyện “Bị Bỏ Lại” thì các thứ đó đều bị bỏ lại, kể cả răng giả, kính sát tròng, máy trợ tim, các thỏi kim loại ghép nối xương… Nhưng chúng tôi nghĩ rằng, trong khoảnh khắc thân thể xác thịt của con dân Chúa được biến hóa, rất có thể tất cả những gì đang ở trên hoặc ở trong thân thể ấy mà không là xác thịt thì sẽ tan biến thành hơi. Nghĩa là, người tin Chúa sẽ bỗng nhiên biến mất mà không để lại dấu tích gì.
Dĩ nhiên sẽ có nhiều tai nạn xảy ra, khi bỗng nhiên nhiều chiếc xe, nhiều tàu thuyền, nhiều máy bay mà những người lái chúng là con dân Chúa được Chúa cất đi. Và sự biến mất không để lại vết tích của một số người đó sẽ được các nhà cầm quyền đổ cho là bị những người ngoài trái đất bắt cóc. Đó cũng là lý do mà Quốc Hội Hoa Kỳ công khai mở cuộc nghe điều trần về người ngoài trái đất và những vật bay không xác định (UFO) vào ngày 26/07/2023 vừa qua. Ba người là cựu nhân viên quân sự đã làm chứng rằng, chính phủ Hoa Kỳ có giữ trong tay xác chết của người ngoài địa cầu và các mãnh vụn của vật thể bay không xác định [4].
Rõ ràng, Sa-tan đang chuẩn bị phương cách để bác bỏ sự kiện Đấng Christ cất Hội Thánh ra khỏi thế gian. Điều này cũng giúp cho chúng ta thấy, ngày Đấng Christ đến đã rất gần.
Điều suy ngẫm thứ năm của chúng tôi là trong ngày Đấng Christ đến, sẽ không có nhiều con dân chân thật của Chúa đang sống, mặc dù số người mang danh là con dân Chúa hiện nay đã lên đến gần 2,4 tỉ người [5]. Lời Chúa phán rất rõ ràng:
“Chẳng phải ai nói với Ta: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Thì người ấy sẽ vào trong Vương Quốc Trời. Nhưng người làm theo ý muốn của Cha Ta, Đấng ở trên các tầng trời. Trong ngày đó, nhiều người sẽ thưa với Ta: Lạy Chúa! Lạy Chúa! Chúng tôi chẳng từng nhân danh Ngài nói tiên tri sao? Nhân danh Ngài trừ quỷ sao? Nhân danh Ngài làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, Ta sẽ khẳng định với họ: Ta chẳng hề biết các ngươi! Hãy lui ra khỏi Ta! Hỡi những kẻ làm ác!” (Ma-thi-ơ 7:21-23).
Ý muốn của Đức Chúa Trời là loài người vâng giữ Mười Điều Răn của Ngài, ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Trong số gần 2,4 tỉ người mang danh là con dân Chúa trong thế gian, có bao nhiêu người thật sự có đức tin nơi Chúa, nghĩa là nghe và làm theo Lời Chúa? Nghĩa là thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đấng Christ, và vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời?
Chính Đức Chúa Jesus đã tiên tri:
“Ta nói với các ngươi rằng, trong sự vội vàng, Ngài sẽ làm sự bênh vực họ. Dù vậy, khi Con Người đến, Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng?” (Lu-ca 18:8).
Câu: “Ngài sẽ tìm thấy đức tin trên đất chăng” hàm ý, trong ngày Đấng Christ đến, Ngài sẽ không tìm thấy có bao nhiêu người thật sự có đức tin, làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Ngày hôm nay, có gần 2,4 tỉ người xưng mình là môn đồ của Đấng Christ nhưng hầu hết trong số đó ngang nhiên chối bỏ điều răn thứ tư của Đức Chúa Trời, là điều răn được giải thích nhiều nhất trong Mười Điều Răn. Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời được chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17. Trong đó, điều răn thứ tư được Chúa dùng nhiều lời hơn hết để nói đến và giải thích một cách rất rõ ràng, cụ thể. Thậm chí cho biết chính xác, ngày nào là ngày Sa-bát của Chúa, gọi đó là ngày Sa-bát của Thiên Chúa.
Chúng tôi tin rằng, mặc dù sẽ có hàng triệu con dân Chúa đã chết trong Chúa được sống lại trong ngày Đấng Christ đến; nhưng số người đang sống, được biến hóa, được cất lên không trung gặp Đấng Christ sẽ là không nhiều.
Điều suy ngẫm thứ sáu của chúng tôi là trong ngày Đấng Christ đến, con dân Chúa lẫn những người không tin Chúa vẫn đang sinh hoạt bình thường. Ban ngày thì lao động kiếm sống, ban đêm thì ngủ nghỉ. Chúa sẽ đến cách bất ngờ và đem những ai thật sự thuộc về Ngài, đi với Ngài. Vì thế, không có chuyện con dân chân thật của Chúa bỏ công ăn, việc làm, tụ lại một nơi nào đó để chờ Chúa đến. Trái lại, con dân Chúa vẫn sinh hoạt bình thường với tấm lòng sẵn sàng để ra đi với Chúa, bất kỳ lúc nào.
Điều suy ngẫm thứ bảy của chúng tôi là trong ngày Đấng Christ đến, điều gì sẽ xảy ra cho những người bị Hội Thánh dứt thông công, đã nói lời ăn năn nhưng chưa được Hội Thánh chính thức tiếp nhận trở lại, vì Hội Thánh đang chờ xem kết quả của sự ăn năn. Chúng tôi nghĩ rằng, Hội Thánh không nhìn biết tấm lòng của họ nên phải chờ xem kết quả sự ăn năn của họ. Nhưng Đấng Christ thấy rõ tấm lòng của họ. Nếu họ thật lòng ăn năn thì Ngài đã tiếp nhận họ trở lại và họ sẽ được ra đi cùng Hội Thánh, trong ngày Đấng Christ đến. Trên một phương diện khác, nếu có ai trong Hội Thánh đang âm thầm sống trong tội, mặc dù Hội Thánh chưa biết để dứt thông công người ấy nhưng Đấng Christ biết và Ngài đã mửa người ấy ra khỏi miệng Ngài. Trong ngày Đấng Christ đến, người ấy sẽ bị bỏ lại.
Điều suy ngẫm thứ tám của chúng tôi là trong ngày Đấng Christ đến, điều gì sẽ xảy ra cho con dân Chúa lỡ phạm tội mà chưa kịp ăn năn. Chúng tôi nghĩ rằng, những ai vô ý phạm tội, nghĩa là phạm tội mà không biết mình phạm tội thì vẫn được Chúa tha thứ và đem đi. Nhưng những ai cố ý phạm tội mà chưa kịp ăn năn thì sẽ bị bỏ lại. Vì khi con dân Chúa cố ý phạm tội là đã cố ý giày đạp Đấng Christ, sỉ nhục Đấng Thần Linh (Hê-bơ-rơ 10:29). Con dân Chúa cố ý phạm tội thì đáng trách phạt hơn người không tin Chúa phạm tội.
Điều suy ngẫm thứ chín của chúng tôi là sự tái ngộ những người thân yêu đang sống cách xa nhau trên đất, hoặc đã qua đời trước đó, trong ngày Đấng Christ đến. Chúng tôi nghĩ rằng, những người trong cùng một gia đình, ngay cả ông bà và con cháu chưa từng biết mặt nhau, sẽ gặp nhau và nhận ra nhau giữa chốn không trung. Khi xưa, Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng đã từng nhận ra Môi-se và Ê-li, khi họ thấy hai ông trên Núi Hóa Hình. Chúng tôi nghĩ rằng, con dân Chúa trong cùng Hội Thánh địa phương cũng sẽ xuất hiện bên cạnh nhau, giữa chốn không trung. Chúng tôi mong sẽ được gặp quý con dân Chúa trong các Hội Thánh địa phương Việt Nam giữa chốn không trung.
Điều suy ngẫm thứ mười của chúng tôi là Đấng Christ sẽ đến trong ngày lễ hội nào của bảy kỳ lễ hội tiêu biểu cho các việc làm của Đấng Christ. Như chúng ta đã biết, Đức Chúa Trời đặt ra bảy kỳ lễ hội trong thời Cựu Ước để tiêu biểu cho bảy điều Đấng Christ sẽ thực hiện trong thời Tân Ước.
Lê-vi Ký đoạn 23 ghi lại bảy ngày lễ hội tiêu biểu cho các việc làm của Đức Chúa Jesus Christ. Ngày và tháng được tính theo lịch mà Đức Chúa Trời ban cho họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:2), ngày nay gọi là Lịch Hê-bơ-rơ hoặc Lịch Do-thái.
-
Ngày 14 tháng 1: Lễ Vượt Qua tiêu biểu cho sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Vì thế, Đức Chúa Jesus Christ được gọi là Chiên Con Lễ Vượt Qua: “Vậy, hãy làm cho mình sạch men cũ, để các anh chị em trở nên bột nhồi mới không men, như các anh chị em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là Chiên Con Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết thay cho chúng ta.” (I Cô-rinh-tô 5:7).
-
Ngày 15-21 tháng 1: Lễ Bánh Không Men, kéo dài bảy ngày. Ngày đầu và ngày cuối đều là ngày Sa-bát, tức là ngày nghỉ ngơi khỏi mọi công việc lao động để nhóm hiệp, thờ phượng Thiên Chúa. Lễ Bánh Không Men tiêu biểu cho đời sống thánh khiết của Đức Chúa Jesus Christ và đời sống mới thánh khiết của những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Ngày Sa-bát đầu làm hình bóng cho sự con dân Chúa được mãi mãi yên nghỉ khỏi sự nô lệ cho tội lỗi (Rô-ma 6:6-7). Ngày Sa-bát cuối làm hình bóng cho sự con dân Chúa được bước vào sự yên nghỉ khỏi sự lao khổ của xác thịt khi họ ra khỏi cuộc đời này (Khải Huyền 14:13). Bảy ngày của Lễ Bánh Không Men còn tiêu biểu cho sự trọn vẹn suốt cuộc đời còn lại của con dân Chúa, kể từ khi họ tin nhận Chúa cho tới khi họ ra khỏi cuộc đời này, sống một nếp sống thánh khiết trong Chúa.
-
Ngày 16 tháng 1: Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa tiêu biểu cho sự phục sinh của Đức Chúa Jesus Christ và sự phục sinh của những ai ở trong Ngài: “Nhưng bây giờ, Đấng Christ đã được sống lại từ những người chết, trở thành trái đầu mùa của những người ngủ. Vì sự chết đến bởi một người, thì sự sống lại của những kẻ chết cũng đến bởi một người. Như trong A-đam mọi người đều chết, thì cũng vậy, trong Đấng Christ mọi người đều sẽ được sống lại. Nhưng mỗi người theo thứ tự riêng của mình: Đấng Christ là trái đầu mùa; sau đó, là những ai thuộc về Đấng Christ, trong sự đến của Ngài.” (I Cô-rinh-tô 15:20-23).
-
Ngày 6 tháng 3: Lễ Các Tuần Lễ, còn gọi là Lễ Ngũ Tuần, nhằm ngày thứ 50 kể từ ngày sau ngày Sa-bát đầu tiên của Lễ Bánh Không Men (không phải là Chủ Nhật thứ bảy sau Chủ Nhật Easter của Cơ-đốc Giáo). Ngày này cũng là một ngày Sa-bát. Lễ Các Tuần Lễ (Lễ Ngũ Tuần) kỷ niệm ngày Đức Chúa Trời ban hành Mười Điều Răn và các điều luật cho loài người tại Núi Si-na-i, tiêu biểu cho sự tái sinh của những ai tin nhận Đấng Christ (I Cô-rinh-tô 15:20-23); tiêu biểu cho sự thành lập Hội Thánh (Công Vụ Các Sứ Đồ 2); tiêu biểu cho sự luật pháp của Thiên Chúa được chép trong lòng con dân Chúa (Hê-bơ-rơ 8:10; Giê-rê-mi 31:33). Ngày Sa-bát của lễ này tiêu biểu cho sự con dân Chúa được yên nghỉ khỏi gánh nặng của hình phạt từ các điều luật định tội của luật pháp (Rô-ma 8:1).
-
Ngày 1 tháng 7: Lễ Thổi Kèn. Ngày này cũng là một ngày Sa-bát. Lễ Thổi Kèn tiêu biểu cho sự Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian, được nhóm hiệp với Đấng Christ trong thiên đàng; tiêu biểu cho sự nhóm hiệp sau Kỳ Tận Thế của con dân Chúa, là những người tin Chúa trong Cơn Đại Nạn: “Trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, những người chết sẽ được sống lại, không có tính hư nát, và chúng ta sẽ được biến hóa.” (I Cô-rinh-tô 15:52). “Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước. Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16-17). “Ngài sẽ sai các thiên sứ của Ngài với tiếng kèn lớn; họ sẽ nhóm lại những người đã được lựa chọn của Ngài từ bốn hướng gió, từ cuối phương trời này đến cuối phương trời kia.” (Ma-thi-ơ 24:31). Ngày Sa-bát của lễ này tiêu biểu cho sự Hội Thánh được yên nghỉ khỏi sự hầu việc Chúa trên đất, con dân Chúa trong Thời Đại Nạn được yên nghỉ khỏi sự bách hại của thế gian.
-
Ngày 10 tháng 7: Lễ Chuộc Tội. Ngày này cũng là một ngày Sa-bát. Lễ Chuộc Tội tiêu biểu cho sự cứu chuộc của Tin Lành chung cho toàn thể loài người (I Giăng 4:10) và riêng cho toàn dân I-sơ-ra-ên trong Kỳ Tận Thế (Rô-ma 11:25-27). Ngoài ra, Lễ Chuộc Tội cũng tiêu biểu cho sự những ai không ở trong sự cứu rỗi sẽ bị phân rẽ khỏi con dân Chúa, như trong sự phán xét cuối Kỳ Tận Thế (Ma-thi-ơ 25:31-46) và sự phán xét chung cuộc (Khải Huyền 20:11-15), theo ý nghĩa của con dê đực mang tội lỗi của con dân Chúa bị đuổi vào đồng vắng, trong nghi thức làm Lễ Chuộc Tội (Lê-vi Ký 16). Ngày Sa-bát của Lễ Chuộc Tội làm hình bóng cho sự những ai ở trong Chúa được yên nghỉ khỏi mọi sự hình phạt (Rô-ma 8:1).
-
Ngày 15-22 tháng 7: Lễ Lều Trại, kéo dài suốt bảy ngày. Ngày đầu là ngày Sa-bát. Ngày thứ tám theo sau lễ cũng là ngày Sa-bát. Lễ Lều Trại tiêu biểu cho sự Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người ở giữa loài người (Giăng 1:14); tiêu biểu cho sự Đấng Christ ở giữa loài người, cai trị Vương Quốc Ngàn Năm (Khải Huyền 20:1-6); tiêu biểu cho sự Đức Chúa Trời cùng Thiên Chúa Ngôi Lời trong danh Chiên Con, sẽ ở giữa loài người trên đất trong Vương Quốc Đời Đời (Khải Huyền 21-22). Ngày Sa-bát đầu làm hình bóng cho sự con dân Chúa được yên nghỉ trong Vương Quốc Ngàn Năm, khỏi sự băng hoại của thế gian tội lỗi. Ngày Sa-bát cuối làm hình bóng cho sự con dân Chúa được yên nghỉ đời đời, trong Vương Quốc Đời Đời khỏi mọi sự đau khổ, khó nhọc. Đây cũng chính là ngày Sa-bát được nói đến trong Hê-bơ-rơ 4:9-10.
Như vậy, có hai ngày lễ thích hợp làm ngày Đấng Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Đó là Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa và Lễ Thổi Kèn. Trong hai ngày đó, có lẽ ngày Lễ Thổi Kèn là thích hợp hơn hết.
Xét về sự ứng nghiệm thì các ngày Lễ Vượt Qua, Lễ Bánh Không Men, Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, và Lễ Ngũ Tuần đã ứng nghiệm trên Đấng Christ và Hội Thánh. Đấng Christ đã chết như chiên con của Lễ Vượt Qua để chuộc tội cho loài người. Đấng Christ đã sống một đời sống thánh khiết không phạm tội như bánh không men và đã ban sự sống thánh khiết đó cho những ai tin nhận Ngài. Đấng Christ đã sống lại như trái đầu mùa của sự sống lại và sức sống phục sinh của Ngài đã được ban cho những ai được dựng nên mới trong Ngài. Đấng Christ đã thành lập Hội Thánh và luật pháp của Đức Chúa Trời đã được viết trong lòng của những ai thuộc về Hội Thánh.
Còn lại ba ngày Lễ Thổi Kèn, Lễ Chuộc Tội, và Lễ Lều Trại sẽ được ứng nghiệm, khi Đấng Christ trở lại thế gian. Chúng tôi nghĩ rằng, ngày Lễ Thổi Kèn sẽ ứng nghiệm trong sự Đấng Christ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian để hội hiệp với Ngài trên thiên đàng và trong sự Đấng Christ sẽ nhóm hiệp những ai tin nhận Ngài trong bảy năm đại nạn, vào cuối Kỳ Tận Thế. Vì thế, mỗi năm chúng tôi nao nức đón chờ ngày Lễ Thổi Kèn. Dưới đây là thứ tự các ngày Lễ Thổi Kèn từ năm 2023 đến năm 2027, theo Dương Lịch:
-
2023: Thứ Bảy 16/09/2023
-
2024: Thứ Năm 03/10/2024
-
2025: Thứ Ba 23/09/2025
-
2026: Thứ Bảy 12/09/2026
-
2027: Thứ Bảy 02/10/2027
Rất có thể lắm, ngày Đấng Christ đến sẽ rơi vào ngày Sa-bát của Lễ Thổi Kèn trong năm 2023, hoặc 2026, hoặc 2027.
Chắc chắn Đấng Christ sẽ đến giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, trước khi Đức Chúa Trời phán xét toàn thế gian bằng Kỳ Tận Thế. Đấng Christ có thể đến bất kỳ lúc nào nhưng Ngài có thể đến vào một trong các ngày Lễ Thổi Kèn, nhất là Lễ Thổi Kèn rơi vào ngày Sa-bát cuối tuần. Điều quan trọng cho mỗi con dân Chúa là sốt sắng mong chờ ngày Đấng Christ trở lại, sống một nếp sống vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin của Đức Chúa Jesus (Khải Huyền 14:12). Chính Đức Chúa Trời, Cha Yêu Thương ở trên trời của chúng ta sẽ khiến cho chúng ta được nên thánh trọn vẹn, sẵn sàng cho sự đến của Đấng Christ:
“Nhưng chính Đức Chúa Trời của Sự Bình An khiến các anh chị em nên thánh trọn vẹn. Tâm thần, linh hồn, và thân thể của các anh chị em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta! Ngài là thành tín! Đấng đã kêu gọi các anh chị em. Ngài cũng sẽ làm điều ấy!” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23-24).
Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
29/07/2023
Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.
[1] https://kytanthe.net/067-ky-tan-the-va-nam-2027/
[2] https://kytanthe.net/075-ky-tan-the-va-cac-nam-2030-2040/
[3] Con dân Chúa có thể tải xuống miễn phí bộ truyện “Left Behind” trong tiếng Anh tại đây: https://thegospel.ng/download-all-tim-lahaye-ebooks-pdf/
Có thể dùng Google Translate để dịch Anh-Việt.
[4] https://www.nbcnews.com/politics/congress/are-5-memorable-moments-congress-ufo-hearing-rcna96476
[5] https://worldpopulationreview.com/country-rankings/religion-by-country
Karaoke Thánh Ca: “Từ Ngàn Xưa Thiên Chúa Đã Yêu Tôi”
https://karaokethanhca.net/tu-ngan-xua-thien-chua-da-yeu-toi/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.