Nhấp vào nút play ► để nghe
Lòng tin
Mặc dù lòng tin được thiết lập sau khi kiểm chứng nhưng không phải lúc nào lòng tin cũng đem đến cho chúng ta kết quả chắc chắn. Đã từng có trường hợp ngân hàng bị phá sản và tiền gửi vào ngân hàng bị mất, đã từng có trường hợp máy bay bị rớt và mọi người trên máy bay đều tử nạn, đã từng có trường hợp chiếc ghế ngồi bị gảy, đổ khiến cho người ngồi bị té nặng… Trong thực tế, nhiều khi lòng tin của chúng ta bị phản bội bởi vì ngay từ ban đầu đối tượng mà chúng ta tin tưởng đã không đáng tin, đã cố tình đánh lừa chúng ta, hoặc có những điều vượt quá sự kiểm soát của chúng ta.
Có lòng tin là một việc, nhưng có can đảm để hành động theo lòng tin là một việc khác. Chúng ta có thể xem và thán phục những người biểu diễn nhảy dù, chúng ta có thể hiểu biết đầy đủ những gì cần biết về kỷ thuật nhảy dù, chúng ta có thể được trang bị với những phương tiện và dụng cụ tối tân nhất, an toàn nhất để nhảy dù, và chúng ta hoàn toàn tin tưởng chúng ta sẽ an toàn trong sự nhảy dù, nhưng nếu chúng ta không có đủ can đảm thì chúng ta sẽ không thể thực hiện sự nhảy dù!
Trong tác phẩm “Anh em nhà Karamazov” của Văn Hào Dostoievsky, có ghi lại câu chuyện cậu bé Kolya đánh cá với bạn của mình rằng, cậu dám nằm giữa hai đường rày xe lửa để cho chuyến tàu tốc hành Moscow chạy ngang qua. Bạn của Kolya chấp nhận đánh cá và Kolya đã thản nhiên nằm xuống chính giữa hai đường rày xe lửa, để cho chuyến tàu tốc hành rầm rộ chạy qua, trong khi bạn của cậu đứng nhìn và sợ run. Sau khi chuyến tàu qua khỏi, Kolya nằm im vài giây, trước khi trổi dậy, không hề trầy trụa, huýt sáo và bước đi với số tiền thắng cá trong tay, để lại thằng bạn vẫn còn run sợ điếng người.
Dĩ nhiên, Kolya đã tin chắc rằng mình sẽ an toàn khi nằm giữa hai thanh đường rày với cả chuyến tàu chạy ngang qua. Trước đó, Kolya đã quan sát thật kỹ con tàu khi nó nằm yên trên sân ga. Cậu đã đi dọc theo toàn chiều dài của con tàu để chắc chắn rằng một người có thể nằm giữa hai thanh đường rầy khi con tàu lướt qua mà sẽ không bị hề hấn gì. Nhưng lòng tin vẫn đòi hỏi lòng can đảm kèm theo. Nếu không có đủ can đảm, Kolya không thể thực hiện điều mà mình tin. Trong cuộc sống, luôn luôn có những sự bất ngờ, vượt ngoài sự kiểm soát của chúng ta khiến cho lòng tin của chúng ta kết thúc bằng thảm họa. Đã nhiều lần trong chương trình thám hiểm không gian, thảm họa vẫn thỉnh thoảng xảy ra, cho dù những phi hành gia đầy lòng tin và lòng can đảm. Trong câu chuyện của Kolya, Văn Hào Dostoievsky đã thêm vào một chi tiết lý thú như sau: Trong khi Kolya đang nằm giữa hai đường rầy và con tàu rầm rộ lướt qua, cậu bé đã sợ đến thất thần nên nằm yên như chết. Chính vì sự sợ hãi quá lớn đó mà Kolya đã không còn đủ sức để ngồi bật dậy sau khi chuyến tàu đã qua khỏi. Vài giây sau, Kolya mới hồi phục lại tinh thần và mới có thể trổi dậy.
Có lẽ Văn Hào Dostoievsky muốn nhấn mạnh đến điều quan trọng sau đây: Trong thực tế của đời sống, cho dù chúng ta có cẩn thận tính toán và chuẩn bị đến mức nào đi nữa, thì vẫn có một yếu tố độc lập hoàn toàn chi phối kết quả cuối cùng các hành động của chúng ta; trong nhiều trường hợp, dường như có một “ai đó” đầy lòng thương xót đã nắm giữ chúng ta cho đến khi sự nguy hiễm hoặc khó khăn qua khỏi! Và, đó chính là sự khác biệt giữa lòng tin với đức tin.
Đức tin trong các tín ngưỡng và tôn giáo thế tục
Loài người có ý thức và kinh nghiệm về thế giới thần linh, ý thức cùng kinh nghiệm đó tạo ra tín ngưỡng và tôn giáo. Trong mỗi tín ngưỡng và tôn giáo đều có những điều người ta tin mà không thể kiểm chứng trước khi tin, và chúng ta gọi đó là đức tin. Có thể nói, đức tin trong các tín ngưỡng và tôn giáo đều giống nhau ở một điểm, đó là lòng hy vọng và khiếp sợ của loài người đối với thế giới thần linh. Sự hy vọng và khiếp sợ của loài người đối với thế giới thần linh tùy thuộc vào quan điểm của loài người về thế giới thần linh và kinh nghiệm của họ đối với thế giới thần linh. Mỗi dân tộc, mỗi thời đại, mỗi địa phương, nghĩa là mỗi nền văn hóa có các quan điểm khác nhau về thế giới thần linh nhưng luôn có cùng một kinh nghiệm. Vì thế, chúng ta thấy loài người đã sáng tạo ra biết bao nhiêu là tín ngưỡng và tôn giáo nhưng mẫu số chung vẫn là thờ lạy hình tượng. Mỗi người có thể gọi tên các thần linh mà họ tin tưởng bằng những tên khác nhau, thờ phượng bằng những nghi thức khác nhau, nhưng sự thờ phượng luôn luôn thông qua các hình tượng.
Riêng trong Đạo của Đấng Christ, đức tin mang một ý nghĩa hoàn toàn khác biệt.
Đức tin trong Đạo Chúa
Đức tin trong Đạo Chúa không đến từ loài người, nhưng đến từ Đức Chúa Trời. Đức tin trong Đạo Chúa không dựa trên những gì loài nguời hy vọng nơi Đức Chúa Trời nhưng dựa trên những gì Đức Chúa Trời đã làm cho loài người. Trong các tín ngưỡng và tôn giáo thế tục, loài người đến với các thần linh, thờ phượng các thần linh hy vọng nhận được phước hạnh và tránh khỏi cơn thạnh nộ từ các thần linh mà họ thờ lạy. Trong Đạo Chúa, loài người được đón nhận tất cả các phước hạnh trong tình yêu Đức Chúa Trời dành cho họ và họ thờ phượng Đức Chúa Trời để bày tỏ lòng biết ơn Ngài, không có sự sợ hãi nào trong mối quan hệ giữa họ và Đức Chúa Trời (I Giăng 4:18). Đức tin trong Đạo Chúa là mối quan hệ cá nhân giữa một người với Đức Chúa Trời: là sự nương cậy hoàn toàn của một người nơi tình yêu và quyền năng của Đức Chúa Trời đồng thời dâng hiến trọn vẹn tấm lòng, cuộc đời của mình cho Chúa.
Trở lại với câu chuyện về lòng tin của cậu bé Kolya trên đây. Giả sử Kolya chưa bao giờ có sự quan sát để kết luận rằng một người có thể nằm giữa hai đường rầy xe lửa trong khi xe lửa chạy qua mà không hề hấn gì. Giả sử một hôm mẹ của Kolya hỏi cậu rằng: Con có yêu mẹ không? Kolya nhìn mẹ, lòng tràn đầy xúc động và thưa rằng: Thưa mẹ, mẹ biết rằng con yêu mẹ! Bà mẹ nói: Nếu con thật yêu mẹ thì hãy nằm xuống giữa hai đường rầy xe lửa chờ cho chuyến tàu tốc hành Moscow chạy qua. Đừng hỏi tại sao, nhưng hãy tin mẹ và làm theo lời mẹ. Kolya ngước nhìn mẹ, cậu không hiểu lý do của lời yêu cầu nhưng cậu yêu mẹ và tin cậy mẹ. Kolya đi ra chỗ đường rầy và nằm xuống với đức tin.
Một câu chuyện khác kể lại rằng: Có hai cha con cùng đi săn với nhau. Hai cha con đang nép mình đàng sau hai gốc cây lớn cách nhau vài thước để chờ con mồi. Đột nhiên, người cha nói nhỏ nhẹ với đứa con: Con ơi! con có yêu cha không? Cậu bé ngạc nhiên nhìn cha mình và đáp: Thưa cha, cha biết là con yêu cha! Người cha nói: Như vậy, con hãy làm chính xác theo lời cha đây. Mặc dù cha làm gì, con hãy bình tĩnh, đứng yên, đừng lên tiếng, đừng bỏ chạy, hãy biết rằng cha yêu con hơn tất cả mọi sự. Cậu bé nhìn chăm chăm vào cha mình và đáp: Dạ! Người cha từ từ nâng nòng súng của mình lên, nhắm về phía đỉnh đầu của cậu con. Cậu con xanh mặt, từ từ nhắm mắt lại, đứng yên, chờ đợi, với đức tin. Một tiếng nổ vang lên, một con trăn lớn rơi xuống bên chân cậu bé. Người cha chạy đến ôm choàng lấy con mình trong tay…
Cách nay hơn 4000 năm, Áp-ra-ham đã vâng lời Đức Chúa Trời dâng chính đứa con trai yêu dấu của mình làm của lễ thiêu theo sự đòi hỏi của Ngài. Thánh Kinh cho biết, Áp-ra-ham vâng phục Đức Chúa Trời vì ông có đức tin nơi Đức Chúa Trời:
“Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử thách: người là kẻ đã nhận lãnh lời hứa, dâng con một mình. Người tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại; cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình.” (Hê-bơ-rơ 11:17, 19)
Đức tin trong Đạo Chúa không có lý luận, không có kiểm chứng, mà chỉ hoàn toàn dựa vào tình yêu của Đức Chúa Trời mạc khải cho loài người qua kinh nghiệm cá nhân hoặc trong Thánh Kinh. Áp-ra-ham không hề lý luận: tại sao một Đức Chúa Trời nhân từ, thương xót, hay làm ơn lại khiến ông phải dâng đứa con yêu dấu của ông làm của lễ thiêu. Ông Gióp trong một ngày mất hết tài sản, chết 10 đứa con, sau đó thân thể bị chứng ung độc hành hạ, đã nói rằng:
“Mặc dầu xảy đến cho ta điều gì… Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài.” (Gióp 13:13, 15)
Thánh Kinh định nghĩa đức tin rất ngắn gọn nhưng cũng rất đầy đủ và rõ ràng, như sau:
“Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.” (Hê-bơ-rơ 11:1)
Đức tin, trước hết là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong. Khi đã biết một cách chắc chắn và vững vàng rồi, thì sự hiểu biết đó trở thành bằng cớ cho những điều mình chẳng xem thấy.
Những điều một người tin nhận Chúa đang trông mong chỉ có thể là những gì có ích lợi cho người đó vì lời Chúa dạy rõ:
“Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.” (Rô-ma 8:28)
“Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng sẽ ban mọi sự luôn với Con ấy cho chúng ta sao?” (Rô-ma 8:32)
Một người có đức tin nơi Chúa là một người biết chắc bất cứ điều gì xãy ra cho mình cũng nằm trong thánh ý của Chúa và vì lợi ích của mình, và người ấy luôn mong đợi thánh ý của Chúa được thể hiện mỗi ngày trong đời sống của mình.
Khi nghịch cảnh, khổ đau, bệnh tật, tai ương xảy ra trong đời sống của chúng ta chúng ta không có đức tin mù quáng để bảo rằng những điều đó không có thật. Chúng ta chấp nhận thực tế với đức tin vững vàng rằng “mọi sự hiệp lại có ích” cho chúng ta, và Chúa là nguồn trông cậy duy nhất của chúng ta. Chúng ta có đức tin vững vàng nơi sự thành tín của Chúa rằng:
“Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.” (I Cô-rinh-tô 10:13)
Ngay cả khi Chúa không giải cứu chúng ta ra khỏi những nghịch cảnh của đời này, thì chúng ta vẫn trung tín với Chúa như ba người thanh niên Hê-bơ-rơ khi đối diện với Vua Nê-bu-cát-nết-xa:
“Nầy, hỡi vua! Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực, và chắc cứu chúng tôi khỏi tay vua. Dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu việc các thần của vua, và không thờ phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng.” (Đa-ni-ên 3:17, 18)
Chính sự biết chắc chắn và vững vàng của chúng ta (tức đức tin) về tình yêu và sự thành tín của Đức Chúa Trời dẫn đến thái độ đúng đắn của chúng ta đối với mọi cảnh ngộ trong cuộc sống và những thái độ đó trở thành bằng cớ của những điều mà chúng ta tin.
Kết luận
Chúng ta được cứu rỗi nghĩa là được tha tội, được làm cho sạch tội, và được xưng công bình bởi đức tin vào Đức Chúa Trời qua Đấng Christ, và chúng ta cũng chỉ sống bởi đức tin (Rô-ma 1:17; 3:25, 28; Ga-la-ti 3:11). Chúng ta chỉ có thể được Đức Chúa Trời tiếp nhận khi chúng ta có đức tin nơi Ngài. Thánh Kinh cho biết:
“Vả, không có đức tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm kiếm Ngài.” (Hê-bơ-rơ 11:6)
Đức Chúa Trời không khiến cho chúng ta yêu Ngài một cách máy móc nhưng Ngài bày tỏ tình yêu của Ngài đối với chúng ta và để cho chúng ta tự do chọn lựa sự đáp ứng. Chúng ta có thể toàn quyền chối bỏ tình yêu của Ngài hoặc hết lòng đáp ứng tình yêu của Ngài. Khi chúng ta đáp ứng tình yêu của Đức Chúa Trời bằng cách hết lòng tin cậy và đầu phục Ngài là chúng ta có đức tin nơi Ngài.
Huỳnh Christian Timothy
19/08/2007