Lời Cầu Nguyện của Đức Chúa Jesus Christ
Trong Vườn Ghết-sê-ma-nê
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Hàng năm, vào thời điểm kỷ niệm sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ, câu chuyện sự thương khó của Chúa, được ghi chép trong cả bốn sách Tin Lành: Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, và Giăng, thường được con dân Chúa nhắc lại. Gọi là bốn sách Tin Lành vì cả bốn sách đều ghi lại tin tức tức tốt lành về sự cứu rỗi Đức Chúa Trời ban cho loài người qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus.
Cả bốn sách Tin Lành cùng ghi lại đời sống và sự giảng dạy của Đức Chúa Jesus Christ, nhưng được viết bởi bốn người khác nhau, dưới bốn góc nhìn khác nhau, với nhiều chi tiết giống nhau và một số chi tiết khác nhau. Các chi tiết khác nhau giữa bốn sách Tin Lành không tạo ra mâu thuẫn, nhưng bổ sung lẫn nhau để kết thành một sử liệu đầy đủ.
Trong bài này, chúng ta hãy cùng nhau học về lời cầu nguyện của Đức Chúa Jesus Christ trong vườn Ghết-sê-ma-nê, trước khi Ngài bị bắt. Khi chúng ta kết hợp các chi tiết từ trong các sách Tin Lành, chúng ta có được bối cảnh khi Chúa cầu nguyện như sau:
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/4o6my7i5iuouky6/201706_LoiCauNguyenCuaDucChuaJesusChrist.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNTQyMjY0NjFf/201706_LoiCauNguyenCuaDucChuaJesusChrist.mp
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201706-loi-cau-nguyen-cua-duc-chua-jesus-christ
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
Sau khi rời khỏi nơi ăn Lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jesus dẫn mười một sứ đồ ra khỏi thành Giê-ru-sa-lem, hướng về vườn Ghết-sê-ma-nê ở chân núi Ô-li-ve. Chúng ta không biết từ căn nhà Chúa và các môn đồ ăn bữa ăn Lễ Vượt Qua đến tường thành Giê-ru-sa-lem là bao xa, nhưng theo Công Vụ Các Sứ Đồ 1:12 thì từ tường thành phía đông của Giê-ru-sa-lem đến núi Ô-li-ve là một khoảng đường dài chừng một ngày đường trong ngày Sa-bát. (Thánh Kinh không hề đưa ra giới hạn là trong ngày Sa-bát thì một người chỉ được phép đi bao xa. Sự giới hạn là do những thầy dạy luật trong Do-thái Giáo đặt ra. Theo theo truyền thống của Do-thái Giáo thì trong ngày Sa-bát, một người không được đi quá 2,000 cu-bít [1]. Một cu-bíc là chiều dài của một cánh tay người lớn, từ cùi chỏ đến đầu ngón tay giữa, trung bình là ½ mét. Hai ngàn cu-bít cu-bít tương đương 1 km.)
Khi vào đến vườn Ghết-sê-ma-nê, Đức Chúa Jesus phán bảo các sứ đồ ngồi lại một chỗ, chờ Ngài cầu nguyện, và Ngài khuyên họ cũng hãy cầu nguyện để khỏi bị rơi vào sự cám dỗ (Ma-thi-ơ 26:36; Mác 14:31; Lu-ca 22:40). Rồi, Ngài đem theo Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng, đi một khoảng, cách chỗ ngồi của tám sứ đồ khác. Ngài phán với họ:
“Linh hồn Ta buồn bực cho đến chết; các ngươi hãy ở đây và tỉnh thức với Ta.” (Tổng hợp từ: Ma-thi-ơ 26:38; Mác 14:34).
Ngài bước cách họ ít bước, sấp mình xuống đất và cầu nguyện. Sau đó, Đức Chúa Jesus trở lại chỗ của Phi-e-rơ, Gia-cơ, và Giăng, thấy họ đã ngủ; Ngài gọi Phi-e-rơ và phán với ông:
“Si-môn! Ngươi ngủ sao? Thế thì các ngươi không thể tỉnh thức với Ta trong một giờ được sao? Hãy thức canh và cầu nguyện, để các ngươi không rơi vào sự cám dỗ! Tâm thần thật muốn lắm nhưng xác thịt thì yếu đuối.” (Tổng hợp từ: Ma-thi-ơ 26:40; Mác 14:37-38).
Đức Chúa Jesus lại đi cách xa họ một khoảng, để tiếp tục cầu nguyện. Khi Ngài trở lại với họ thì thấy họ vẫn ngủ. Ngài lại đi cách xa họ một khoảng, vừa tầm ném một viên đá, để cầu nguyện lần thứ ba. Sau đó, Ngài trở lại, đánh thức các môn đồ, phán với họ:
“Bây giờ, các ngươi ngủ và nghỉ ngơi sao? Sao các ngươi ngủ? Hãy trỗi dậy, cầu nguyện, kẻo các ngươi rơi vào sự cám dỗ. Này, giờ đã đến, Con Người sẽ bị nộp trong tay những kẻ có tội. Hãy trỗi dậy! Chúng ta hãy đi! Kìa, kẻ phản Ta đã đến.” (Tổng hợp từ: Ma-thi-ơ 26:45-46; Mác 14:41-42; Lu-ca 22:46).
Chúng ta hãy liệt kê ra các câu Thánh Kinh ghi chép lại lời cầu nguyện của Ngài:
“Rồi, Ngài bước tới một chút, sấp mặt xuống đất mà cầu nguyện. Ngài thưa: Hỡi Cha của con! Nếu được, xin cho chén này lìa khỏi Con! Nhưng không như Con muốn, mà như Ngài {muốn}.” (Ma-thi-ơ 26:39).
“Ngài lại đi lần thứ nhì mà cầu nguyện, Ngài thưa: Hỡi Cha của con! Nếu chén này không thể lìa khỏi Con mà Con phải uống nó, thì xin ý của Cha được nên.” (Ma-thi-ơ 26:42).
“Ngài thưa: A-ba! Hỡi Cha! Mọi việc {là} có thể được đối với Ngài. Xin Ngài cất chén này khỏi Con. Nhưng không {theo} điều Con muốn, mà {theo} điều Ngài {muốn}.” (Mác 14:36).
“Ngài thưa: Hỡi Cha, nếu Ngài muốn, xin cất chén này khỏi Con! Dù thế nào, không phải ý của Con, mà {ý} của Ngài được nên!” (Lu-ca 22:42).
Dựa trên văn mạch của Ma-thi-ơ 26, Mác 14, và Lu-ca 22, chúng ta nhận thấy, Ma-thi-ơ ghi lại lời cầu nguyện lần thứ nhất và thứ nhì, Mác ghi lại lời cầu nguyện lần thứ nhì, và Lu-ca ghi lại lời cầu nguyện lần thứ ba. Kết hợp các câu Thánh Kinh trên, chúng ta sẽ có ba lời cầu nguyện của Đức Chúa Jesus, như sau:
Lần thứ nhất, Đức Chúa Jesus Christ cầu nguyện rằng, nếu có thể được, thì xin Đức Chúa Trời cất đi chén đắng; nhưng nếu Đức Chúa Trời cất đi chén đắng, thì đó là theo ý muốn của Đức Chúa Trời chứ không theo ý muốn của Ngài:
“Hỡi Cha của con! Nếu được, xin cho chén này lìa khỏi Con! Nhưng không như Con muốn, mà như Ngài {muốn}.”
Lần thứ nhì, Đức Chúa Jesus Christ cầu nguyện rằng, Ngài biết chắc Đức Chúa Trời có quyền làm thành mọi việc, nên Ngài xin Đức Chúa Trời hãy cất chén đắng ra khỏi Ngài. Tuy nhiên, Ngài cũng nhấn mạnh rằng, Đức Chúa Trời hãy làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời chứ đừng làm theo ý muốn của Ngài. Và nếu ý muốn của Đức Chúa Trời là Đức Chúa Jesus Christ phải uống chén đắng, thì Đức Chúa Jesus Christ chấp nhận làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời:
“A-ba! Hỡi Cha của con! Mọi việc {là} có thể được đối với Ngài. Xin Ngài cất chén này khỏi Con. Nhưng không {theo} điều Con muốn, mà {theo} điều Ngài {muốn}. Nếu chén này không thể lìa khỏi Con mà Con phải uống nó, thì xin ý của Cha được nên.”
Lần thứ ba, Đức Chúa Jesus Christ cầu nguyện rằng, nếu Đức Chúa Trời muốn, thì xin Đức Chúa Trời hãy cất chén đắng khỏi Ngài. Dù chén đắng có được cất khỏi Đức Chúa Jesus Christ hay không, thì điều quan trọng là ý muốn của Đức Chúa Trời được nên chứ không phải ý muốn của Đức Chúa Jesus Christ:
“Hỡi Cha, nếu Ngài muốn, xin cất chén này khỏi Con! Dù thế nào, không phải ý của Con, mà {ý} của Ngài được nên!”
Trước hết, chữ “chén” được dùng trong lời cầu nguyện của Đức Chúa Jesus Christ có nghĩa là “chén rượu”. Theo truyền thống của các dân tộc Á-Đông, có hai loại chén rượu: chén rượu thưởng và chén rượu phạt. Chén rượu thưởng là chén rượu quý, thơm ngon, do vua ban thưởng cho những người có công với triều đình, hoặc do chủ ban thưởng cho những tôi tớ trung tín, hoặc do các tướng quân ban thưởng cho những thuộc hạ lập được chiến công. Chén rượu phạt là rượu có pha thuốc độc, dùng để xử chết người có tội.
Thánh Kinh dùng thành ngữ: “Chén thịnh nộ” hoặc “chén giận” của Thiên Chúa, của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, của Đức Chúa Trời, để nói đến sự hình phạt tội lỗi từ Đức Chúa Trời (Ê-sai 51:17, 22; Giê-rê-mi 25:15; Khải Huyền 14:10; 16:19). Chữ “chén” trong lời cầu nguyện của Đức Chúa Jesus có nghĩa là “chén thịnh nộ của Đức Chúa Trời về sự hình phạt tội lỗi trên toàn thể nhân loại”. Tức là sự đau đớn, sự nhục nhã, và sự chết vì tội lỗi của toàn thể nhân loại, từ khi sáng thế cho đến khi kết thúc Vương Quốc Ngàn Năm.
Có lẽ hầu hết trong chúng ta từng có lần bị đau đớn và nhục nhã vì đã làm ra một điều gì sai trái, bị công bố và bị hình phạt trước nhiều người. Dù là sự đau đớn, nhục nhã xứng với việc làm sai trái của chúng ta, nhưng đó không phải là điều dễ gánh chịu.
Thế nhưng, nếu chúng ta bị vu oan mà phải gánh lấy sự đau đớn và nhục nhã thì sự khó chịu càng gấp nhiều lần hơn là khi chúng ta thật có lỗi. Hãy tưởng tượng rằng, bỗng nhiên, chúng ta bị bắt, bị đưa ra trước tòa án, bị kết đủ các thứ tội: lường gạt, dối trá, cờ bạc, say sưa, nghiện ma túy, mua bán ma túy, tham lam, trộm cắp, bắt cóc, tống tiền, giết người, hiếp dâm, làm điếm, tà dâm, ngoại tình, loạn luân, phạm thượng… rồi bị đánh, bị nhiếc móc, bị chê cười, cuối cùng bị giết, thì chúng ta sẽ cảm nhận như thế nào?
Hãy nhân gấp hàng tỷ lần cái cảm giác ấy lên! Đó chính là “chén cay đắng của sự đau đớn, nhục nhã, và sự chết” mà Đức Chúa Jesus Christ đã phải đối diện trong vườn Ghết-sê-ma-nê năm nào! Ngài hoàn toàn vô tội nhưng Ngài sắp phải gánh lấy sự đau đớn và nhục nhã vì sự phạm tội của biết bao tỷ con người trong mọi thời đại! Và cuối cùng, Ngài phải chịu chết! Ngài phải gánh lấy sự kinh khủng của sự chết mà biết bao tỷ tội nhân phải đối diện! Có những người vì sợ chết mà trở nên điên loạn. Nhưng Đức Chúa Jesus Christ đã phải gánh lấy sự sợ chết của biết bao tỷ người trong mọi thời đại! Thật là khủng khiếp biết bao!
Không ai muốn và cũng không ai có thể đứng vào vị trí của Đức Chúa Jesus Christ để uống chén mà Ngài đã uống. Người nào muốn uống chén ấy thì người ấy không có tâm trí bình thường. Không ai có tâm trí bình thuờng mà muốn cho bản thân mình phải chịu đau đớn, nhục nhã. Ngay cả khi chúng ta có tội, chúng ta cũng không muốn bị hình phạt, dù chúng ta chấp nhận rằng, hình phạt dành cho tội lỗi của chúng ta là công chính. Chúng ta muốn được tha chứ chúng ta không muốn bị hình phạt. Nhưng nếu phải chịu hình phạt thì chúng ta đành chấp nhận. Chúng ta có thể bằng lòng làm một điều gì đó mà lòng chúng ta thì không muốn làm chút nào.
Chính Đức Chúa Jesus Christ cũng không muốn uống “chén cay đắng của sự đau đớn, nhục nhã, và sự chết”; và Ngài có quyền khước từ chén ấy. Nhưng Ngài đã cam lòng uống cạn chén ấy theo ý muốn của Đức Chúa Trời, vì Ngài yêu loài người và không có phương cách nào khác để cứu loài người ra khỏi hậu quả của sự phạm tội. Uống chén ấy tức là bằng lòng chịu khổ, chịu nhục, và chịu chết thay cho toàn thể loài người.
Đức Chúa Trời là Thiên Chúa Toàn Năng, không việc gì mà Ngài không làm được; nhưng Ngài chọn không làm ra những việc nghịch lại sự yêu thương, thánh khiết, và công chính của Ngài. Vì Ngài là thánh khiết, nên Ngài không thể chấp nhận tội lỗi. Vì Ngài là công chính, nên Ngài phải hình phạt sự phạm tội. Vì Ngài là yêu thương, nên Ngài phải ban sự cứu rỗi cho người phạm tội. Để cùng một lúc thỏa mãn cả ba phẩm chất thánh khiết, công chính, và yêu thương của Đức Chúa Trời thì chỉ có một phương cách duy nhất: Thiên Chúa phải trở nên loài người, để gánh thay hình phạt cho loài người.
Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa thành người. Ngài tự bỏ đi sự toàn năng của Thiên Chúa để mặc lấy sự yếu đuối của loài người:
“Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người; được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự.” (Phi-líp 2:6-8).
Trong hình thể yếu đuối của loài người, chịu sự giới hạn của loài người, Đức Chúa Jesus phải mang lấy sự thịnh nộ của Đức Chúa Trời giáng xuống trên sự phạm tội của hàng trăm, hàng ngàn tỷ người trong mọi thời đại, nếu Ngài muốn cứu chuộc loài người ra khỏi sức mạnh và hậu quả của tội lỗi. Và chúng ta cần ghi nhớ điều quan trọng này: Cho dù rất nhiều người không tiếp nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, nhưng Đức Chúa Jesus Christ cũng đã gánh chịu hình phạt của mọi tội lỗi thay cho họ. Nhận hay không là tự do lựa chọn của mỗi người, nhưng ơn cứu rỗi đã được ban cho và giá cứu chuộc đã được trả.
Gần kề giờ phút cuối cùng hoàn thành kế hoạch cứu rỗi loài người, Đức Chúa Jesus cầu xin Đức Chúa Trời rằng, nếu có cách nào khác để có thể cứu rỗi loài người mà Ngài không phải uống chén đắng, thì xin Đức Chúa Trời thực hiện. Nhưng điều ấy hoàn toàn theo ý muốn của Đức Chúa Trời chứ không vì ý muốn của Đức Chúa Jesus.
Câu hỏi được đặt ra là: Đức Chúa Jesus là Thiên Chúa thành người. Trong thân vị Thiên Chúa, Ngài đương nhiên biết là không có cách nào khác để ban sự cứu rỗi cho loài người, ngoài sự Ngài phải uống cạn chén đắng. Vậy, sao Ngài còn cầu xin Đức Chúa Trời, nếu có thể được, hãy cất chén đắng khỏi Ngài?
Câu trả lời: Lời cầu nguyện thống thiết của Đức Chúa Jesus Christ vừa nói lên sự kinh khiếp của chén đắng, vượt quá sức chịu đựng của một người hàng tỷ lần, vừa nói lên Ngài thật sự là loài người, với sự giới hạn của loài người. Trong thân vị loài người, Ngài không giữ lại năng lực biết hết mọi sự của Thiên Chúa. Chính vì thế mà đang khi mang thân thể xác thịt loài người, sống giữa thế gian, Ngài không biết về ngày và giờ mà Ngài sẽ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian (Mác 13:32). Chính vì thế mà Ngài cầu xin Đức Chúa Trời rằng, trong sự toàn năng của Đức Chúa Trời, nếu Đức Chúa Trời có thể làm được điều gì để ban sự cứu rỗi cho loài người, mà Ngài không phải uống chén đắng, thì xin Đức Chúa Trời hãy làm theo thánh ý của Đức Chúa Trời. Ngay cả các phép lạ Đức Chúa Jesus Christ làm ra cũng là bởi thần quyền của Thiên Chúa, được ban cho bởi Đức Thánh Linh (Ma-thi-ơ 12:28; Lu-ca 4:1). Là Thiên Chúa, Ngài là toàn năng và chính Ngài dựng nên trời đất cùng muôn vật trong trời đất. Là loài người, Ngài phải nhận thần quyền từ Đức Thánh Linh để làm ra những việc siêu nhiên.
Khi Thiên Chúa Ngôi Lời nhập thế làm người, mang tên Jesus, Ngài không giữ lại hình thể và sự toàn năng, toàn tri của Thiên Chúa, mà chỉ giữ lại sự yêu thương, sự thánh khiết, sự công chính, cùng với sự sống đời đời của Thiên Chúa trong thân vị loài người của Ngài. Chúng ta nên nhớ, A-đam đầu tiên có quyền tự do chọn vâng theo Lời Chúa, ăn trái của cây sự sống, để được sự sống đời đời. Nhưng Đức Chúa Jesus Christ, là A-đam sau cùng, thì tự trong Ngài có sự sống đời đời, vì Ngài là Thiên Chúa thành người. Chính Ngài phán rằng: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống!” (Giăng 14:6).
Để hoàn thành sự cứu rỗi loài người, Đức Chúa Jesus Christ phải hy sinh tất cả các sự ấy. Ngài phải gánh lấy trách nhiệm phạm tội của loài người. Thân thể thánh khiết của Ngài phải trở thành thân thể ô uế của kẻ tội phạm và gánh chịu hình phạt dành cho kẻ tội phạm. Tình yêu của Ngài được đáp trả bằng sự ghét bỏ. Sự công chính của Ngài được đáp trả bằng sự bất công. Sự sống đời đời của Ngài cũng bị cất đi khỏi thân thể xác thịt của Ngài.
Bài học dành cho chúng ta qua lời cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê của Đức Chúa Jesus Christ là:
1. Sự đau khổ là hậu quả của tội lỗi, của sự lựa chọn sai trái của chúng ta, nhưng cũng có thể là vì sự phạm tội của người khác.
2. Không muốn chịu đau khổ là lẽ tự nhiên, không có gì là sai trái trong sự không muốn chịu đau khổ, kể cả khi đó là hậu quả sự phạm tội của chúng ta.
3. Có những sự đau khổ vượt quá sức chịu đựng của chúng ta. Chúng ta cần dâng trình lên Đức Chúa Trời, xin Ngài cất chúng ra khỏi chúng ta. Nhưng không theo ý muốn của chúng ta, mà theo ý muốn của Đức Chúa Trời:
“Chớ lo phiền gì hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, khẩn xin, và sự tạ ơn mà trình các sự mình xin lên Đức Chúa Trời.” (Phi-líp 4:6).
4. Có những lúc ý muốn của Đức Chúa Trời đối với chúng ta là chúng ta phải chịu đau khổ để hoàn thành thánh ý của Đức Chúa Trời:
“Vì Đấng Christ, các anh chị em đã được ban cho: không chỉ tin Ngài mà còn chịu khổ vì Ngài, có cùng một cuộc tranh đấu như các anh chị em đã thấy trong tôi và hiện nay còn nghe nói có trong tôi.” (Phi-líp 1:29-30).
5. Nếu sự đau khổ đến với chúng ta bởi thánh ý của Đức Chúa Trời quá sức chịu đựng của chúng ta, thì Đức Chúa Trời sẽ thêm sức cho chúng ta, như Ngài đã thêm sức cho Đức Chúa Jesus Christ trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Lu-ca 22:43).
6. Đức Chúa Jesus Christ cũng sẽ ban thêm sức cho chúng ta để qua Ngài chúng ta làm thành thánh ý của Đức Chúa Trời trong đời sống của chúng ta, làm trọn mọi việc lành Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:10):
“Qua Đấng Christ là Đấng ban thêm sức cho tôi, tôi làm được mọi sự.” (Phi-líp 4:13).
7. Ân điển của Đức Chúa Jesus Christ sẽ khiến cho chúng ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối của chúng ta:
“Nhưng Ngài phán với tôi: Ân điển của Ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của Ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ vui lòng thà khoe mình trong sự yếu đuối của tôi, để cho sức mạnh của Đấng Christ ngự trên tôi.” (II Cô-rinh-tô 12:9).
Vậy, mỗi khi chúng ta dâng trình lên Đức Chúa Trời những nan đề của chúng ta, chúng ta hãy hết lòng vững tin nơi sự yêu thương và toàn năng của Đức Chúa Trời, để chúng ta luôn nói ra sự cảm nhận và ý muốn của mình. Tuy nhiên, chúng ta cũng sẵn sàng vâng theo thánh ý của Đức Chúa Trời cho dù ý muốn của Đức Chúa Trời khác với ý muốn của chúng ta; bởi vì Đức Chúa Trời biết rõ điều gì là tốt nhất cho chúng ta.
Nhiều người có thói quen đến với Đức Chúa Trời, đưa ra một bản liệt kê những gì họ muốn và yêu cầu Đức Chúa Trời ban cho họ những điều họ muốn. Đó là thái độ vừa thiếu khôn ngoan, vừa trịch thượng. Chúng ta đến với Đức Chúa Trời để tìm kiếm thánh ý của Ngài mà làm theo, không phải để yêu cầu Đức Chúa Trời phải làm theo ý muốn của mình. Nếu có điều gì chúng ta vô cùng ưa thích, ham muốn, yêu quý… muốn có được, thì chúng ta cứ dâng trình lên Đức Chúa Trời, nhưng hãy khôn ngoan xin Đức Chúa Trời ban điều ấy cho mình theo ý của Ngài, chứ không theo ý của chúng ta. Đừng đắm chìm trong đau khổ khi chúng ta không có được điều mình muốn, mà hãy cảm tạ Chúa vì Ngài đã không ban điều ấy cho mình, và xin Chúa cất sự ưa thích, ham muốn, yêu quý ấy ra khỏi lòng mình. Nếu Chúa không cho phép chúng ta có điều ấy thì chỉ có hai lý do duy nhất: Một là chưa đến thời điểm thích hợp; hai là có được điều ấy sẽ không tốt đối với chúng ta.
Nguyện Đức Thánh Linh, thân vị Thiên Chúa ngự trong chúng ta, ban cho chúng ta sự khôn sáng trong khi cầu nguyện, để chúng ta biết cầu nguyện cách phải lẽ, đẹp lòng Đức Chúa Trời, được Ngài vui nhận lời cầu xin của chúng ta.
Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
15/04/2017
Ghi Chú
Karaoke Thánh Ca: “Đêm Ấy Trong Vườn Ghết-sê-ma-nê”
http://thanhca.timhieutinlanh.com/karaoke-dem-ay-trong-vuon-ghet-se-ma-ne/
[1] http://www.biblestudytools.com/encyclopedias/isbe/sabbath-days-journey.html