Lễ Vượt Qua Đầu Tiên và Lễ Vượt Qua Khi Đức Chúa Jesus Bị Bắt và Bị Đóng Đinh

97 views

YouTube: https://youtu.be/KeH86tArpKE

202508 Bài Giảng Trong Năm 2025
Lễ Vượt Qua Đầu Tiên và Lễ Vượt Qua
Khi Đức Chúa Jesus Bị Bắt và Bị Đóng Đinh

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Kính thưa Hội Thánh,

Hôm nay là ngày Lễ Vượt Qua của năm 2025. Nhân dịp này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu trình tự các sự việc đã xảy ra trong Lễ Vượt Qua đầu tiên; đồng thời tìm hiểu về thời điểm Đức Chúa Jesus cùng các môn đồ của Ngài giữ Lễ Vượt Qua, trong đêm Ngài bị bắt.

Lễ Vượt Qua là lễ hội đầu tiên trong bảy kỳ lễ hội tiêu biểu cho bảy mục vụ của Đấng Christ, do Đức Chúa Trời quy định và ban hành cho dân I-sơ-ra-ên.

Lễ Vượt Qua được Đức Chúa Trời quy định vào ngày 14 tháng Nisan. Đó cũng là ngày Đức Chúa Trời giáng hình phạt thứ mười xuống dân Ê-díp-tô bằng cách giết chết các con đầu lòng của họ, từ loài người đến các loài súc vật; và giải phóng dân I-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ của họ bằng cách đem dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô, vào trong xứ Ca-na-an. Tên gọi “Vượt Qua” có nghĩa là Đức Chúa Trời vượt qua nhà của dân I-sơ-ra-ên trong khi Ngài hình phạt dân Ê-díp-tô.

Lễ Vượt Qua đầu tiên xảy ra vào năm 1446 TCN và được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 12.

Lễ Vượt Qua ghi lại sự kiện Đức Chúa Trời bảo vệ dân I-sơ-ra-ên và giải phóng họ khỏi ách nô lệ. Lễ Vượt Qua là hình ảnh tiên tri về sự Đức Chúa Jesus Christ hy sinh mạng sống của Ngài, dùng nó làm của lễ chuộc tội loài người. Bởi sự đổ máu của Đức Chúa Jesus Christ mà loài người được Đức Chúa Trời bỏ qua sự phạm tội của họ, đem họ ra khỏi sự chết đời đời, vào trong sự sống đời đời.

Từ thời của Đức Chúa Jesus cho tới nay, dân I-sơ-ra-ên giết chiên con của Lễ Vượt Qua trong khoảng thời gian từ 3 tới 5 giờ chiều ngày 14 tháng Nisan. Bữa ăn Lễ Vượt Qua được diễn ra sau khi mặt trời lặn của ngày 14, là lúc đã bước sang ngày 15. Rất có thể đây là cách thức dân I-sơ-ra-ên giữ Lễ Vượt Qua, từ sau thời kỳ bị lưu đày 70 năm tại Ba-bi-lôn. Tuy nhiên, thời điểm giết chiên con như vậy không đúng với lời phán truyền của Đức Chúa Trời, như đã được ghi lại trong Thánh Kinh:

“Các ngươi hãy bắt trong bầy chiên hoặc dê, một con đực, tuổi giáp niên, chẳng có tì vết, để dành cho tới ngày mười bốn tháng này; rồi cả hội chúng I-sơ-ra-ên sẽ giết nó, vào giữa hai buổi chiều.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:5-6).

Theo Thánh Kinh, một ngày bao gồm hai buổi chiều: buổi chiều đầu ngày và buổi chiều cuối ngày.

Buổi chiều đầu ngày bắt đầu ngay sau khi mặt trời lặn cho tới khi bóng tối hoàn toàn bao phủ mặt đất. Tại Trung Đông, vào ngày Lễ Vượt Qua, khoảng thời gian này kéo dài trung bình 30 phút.
Buổi chiều cuối ngày bắt đầu từ khoảng 3 giờ chiều cho tới khi mặt trời lặn.
Một ngày mới theo Thánh Kinh bắt đầu ngay sau khi mặt trời lặn của ngày hiện tại.

Mệnh đề “vào giữa hai buổi chiều” chỉ khoảng thời gian ngay khi mặt trời vừa khuất bóng, ngày cũ đã qua và ngày mới bắt đầu. Buổi chiều thứ nhất là buổi chiều cuối ngày của ngày cũ. Buổi chiều thứ nhì là buổi chiều đầu ngày của ngày mới.

Như vậy, vào ngày 14 tháng Nisan, chiên con của Lễ Vượt Qua bị giết “vào giữa hai buổi chiều” có nghĩa là nó bị giết trong khoảng thời gian buổi chiều đầu ngày của ngày 14, tức là ngay sau khi mặt trời lặn, kết thúc buổi chiều cuối ngày của ngày 13, như Lời Chúa đã khẳng định:

“Ngươi không được giết con sinh về Lễ Vượt Qua trong các thành của các ngươi mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi. Nhưng giết nó trong nơi mà Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi, sẽ chọn để đặt danh của Ngài. Tại đó, ngươi sẽ giết con sinh về Lễ Vượt Qua, vào buổi chiều, khi mặt trời lặn, vào mùa mà ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:5-6).

Sau khi chiên con bị giết và nướng trên lửa thì dân I-sơ-ra-ên ăn thịt của nó cùng với bánh không men và rau đắng. Cũng trong đêm đó, Đức Chúa Trời hình phạt xứ Ê-díp-tô.

“Đêm đó, họ sẽ ăn thịt nướng trên lửa với bánh không men, và họ sẽ ăn với rau đắng.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:8).

“Đêm đó, Ta sẽ đi qua đất Ê-díp-tô, đánh chết mọi con đầu lòng của đất Ê-díp-tô, cả loài người lẫn loài thú. Ta sẽ thi hành án phạt trên mọi thần linh của Ê-díp-tô. Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:12).

Nhóm chữ “đêm đó” trong hai câu trên đây được dùng để gọi đêm 14. Đêm 14 bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn cho tới khi mặt trời mọc của ngày 14.

Nếu chiên con bị giết trong khoảng thời gian ngay sau khi mặt trời lặn của ngày 13 và bắt đầu của ngày 14 thì thời điểm ăn bữa ăn Lễ Vượt Qua có lẽ vào khoảng 7 hay 8 giờ tối ngày 14.

Dưới đây là trình tự các sự việc xảy ra trong Lễ Vượt Qua đầu tiên, đã được ghi lại trong Thánh Kinh:

1. Sau khi mặt trời lặn vào lúc khoảng 6:15 chiều ngày 13 để kết thúc ngày 13 và mở ra ngày 14 tháng Nisan thì chiên con Lễ Vượt Qua bị giết. Đây là thời điểm “giữa hai buổi chiều”: buổi chiều cuối ngày 13 và buổi chiều đầu ngày 14.

“Các ngươi hãy bắt trong bầy chiên hoặc dê, một con đực, tuổi giáp niên, chẳng có tì vết, để dành cho tới ngày mười bốn tháng này; rồi cả hội chúng I-sơ-ra-ên sẽ giết nó, vào giữa hai buổi chiều.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:5-6).

2. Sau khi chiên con bị giết và được nướng trên lửa, dân I-sơ-ra-ên ăn Lễ Vượt Qua vào khoảng 7 hoặc 8 giờ tối ngày 14 tháng Nisan.

“Đêm đó, họ sẽ ăn thịt nướng trên lửa với bánh không men, và họ sẽ ăn với rau đắng.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:8).

3. Vào giữa đêm 14 tháng Nisan, khoảng 12 giờ đêm, các con đầu lòng của người và súc vật trong xứ Ê-díp-tô bị Thiên Chúa đánh chết.

“Vào giữa đêm, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu hành hại mọi con đầu lòng tại xứ Ê-díp-tô, từ thái tử của Pha-ra-ôn đang ngồi trên ngai mình, cho đến con cả của người bị tù, và hết thảy con đầu lòng của súc vật.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:29).

4. Ngay trong đêm 14 tháng Nisan, có lẽ vào khoảng 1, 2 giờ khuya, Pha-ra-ôn của xứ Ê-díp-tô truyền cho Môi-se vào cung diện kiến để cho phép Môi-se dẫn dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô.

“Trong đêm đó, Pha-ra-ôn truyền gọi Môi-se và A-rôn, mà phán rằng: Hai ngươi và dân I-sơ-ra-ên hãy trỗi dậy, ra khỏi giữa vòng dân ta mà đi hầu việc Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, như các ngươi đã nói. Cũng hãy dẫn bò và chiên đi, như lời các ngươi đã nói, và cầu phước cho ta nữa.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:31-32).

5. Từ khi giết chiên con của Lễ Vượt Qua vào chiều ngày 14, dân I-sơ-ra-ên không ra khỏi nhà cho tới sáng ngày 14 tháng Nisan.

“Vậy, Môi-se nhóm lại các trưởng lão I-sơ-ra-ên mà nói rằng: Hãy đi bắt một con trong bầy cho mọi nhà các ngươi, và giết nó làm Lễ Vượt Qua. Kế tiếp, hãy lấy một chùm kinh giới nhúng vào máu trong chậu, bôi lên thanh ngang trên và hai cây cột cửa. Rồi thì trong các ngươi chớ ai ra khỏi cửa nhà mình cho đến sáng mai.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:21-22).

6. Trong khoảng thời gian ban ngày của ngày 14, dân I-sơ-ra-ên đi xin dân Ê-díp-tô những đồ bằng bạc và bằng vàng cùng áo xống.

“Dân I-sơ-ra-ên có làm y theo lời Môi-se đã dặn, xin người Ê-díp-tô những đồ bằng bạc và bằng vàng cùng áo xống.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:35).

7. Sau khi mặt trời lặn, kết thúc ngày 14 và bắt đầu ngày 15, dân I-sơ-ra-ên khởi hành để rời khỏi xứ Ê-díp-tô. Chặng hành trình đầu tiên của họ là từ Ram-se đến Su-cốt.

“Các ngươi hãy giữ Lễ Bánh Không Men, vì chính ngày đó Ta rút quân đội của các ngươi ra khỏi đất Ê-díp-tô. Vậy, các ngươi sẽ luôn luôn giữ ngày này trải qua các đời của các ngươi theo luật.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:17).

“Con cháu I-sơ-ra-ên ra đi từ Ram-se đến Su-cốt, số đàn ông mạnh sức đi bộ vào khoảng sáu trăm ngàn, không kể trẻ con. Và có vô số người thuộc các dân tộc cũng đi lên cùng họ, với những bầy chiên, những bầy bò… rất nhiều gia súc. Chúng hấp bánh không men bằng bột của mình đã đem theo từ xứ Ê-díp-tô; bột không men, vì cớ bị đuổi khỏi xứ Ê-díp-tô không thể chậm trễ, và cũng chẳng sắm kịp lương thực gì được.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37-39).

“Họ ra đi từ Ram-se vào tháng thứ nhất. Ngày mười lăm tháng thứ nhất, ngày sau Lễ Vượt Qua, con dân I-sơ-ra-ên ra đi với tay đưa cao trước mắt của tất cả dân Ê-díp-tô.” (Dân Số Ký 33:3).

“Hãy giữ tháng lúa trổ làm Lễ Vượt Qua cho Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, vì ấy trong tháng lúa trổ, mà Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi, đang ban đêm đem ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:1).

Ram-se là vùng đất trù phú mà dân I-sơ-ra-ên định cư trong xứ Ê-díp-tô (Sáng Thế Ký 47:11). Với trẻ con, súc vật, xe do súc vật kéo, chở tài vật thì vận tốc trung bình của dân I-sơ-ra-ên trong hành trình ra khỏi Ê-díp-tô sẽ vào khoảng 2 km/giờ. Từ Ram-se đến Su-cốt là khoảng đường dài chừng 20 km. Như vậy, dân I-sơ-ra-ên cần khoảng 10 tiếng đồng hồ để đi, cùng với thời gian nghỉ ngơi. Nếu họ khởi hành từ Ram-se vào khoảng 7 giờ tối ngày 15 thì có lẽ họ đến Su-cốt vào khoảng 7 giờ sáng cùng ngày.

Điều quan trọng chúng ta cần ghi nhớ là:

  • Chiên con của Lễ Vượt Qua đã bị giết ngay sau khi mặt trời lặn kết thúc buổi chiều của ngày 13, và bắt đầu buổi chiều của ngày 14 tháng Nisan.
  • Dân I-sơ-ra-ên đã ăn bữa ăn Lễ Vượt Qua vào khoảng 7, 8 giờ tối ngày 14 tháng Nisan.
  • Dân I-sơ-ra-ên đã bắt đầu ra khỏi xứ Ê-díp-tô vào khoảng 7, 8 giờ tối ngày 15 tháng Nisan.

Theo ghi chép của Thánh Kinh, Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài đã ăn bữa ăn Lễ Vượt Qua đúng với thời điểm đã được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:8.

Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca đã ghi rõ thời điểm Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài dự Lễ Vượt Qua, trong đêm Ngài bị bắt, như sau:

Ma-thi-ơ 26:17-21

17 Ngày thứ nhất của những ngày bánh không men, các môn đồ đã đến với Đức Chúa Jesus, thưa rằng: “Ngài muốn chúng tôi dọn cho Ngài ăn Lễ Vượt Qua nơi nào?”

18 Ngài đã đáp rằng: “Các ngươi hãy đi vào trong thành, đến một người kia và bảo người, Thầy nói: “Giờ của Ta đã gần. Ta sẽ giữ Lễ Vượt Qua với các môn đồ của Ta cùng ngươi.””

19 Các môn đồ đã làm như lời Đức Chúa Jesus đã dạy họ mà sửa soạn Lễ Vượt Qua.

20 Buổi tối đã đến, Ngài đã ngồi xuống với Nhóm Mười Hai.

21 Họ đang ăn, Ngài đã phán: “Thật sự, Ta bảo các ngươi rằng, một trong các ngươi sẽ phản Ta.”

Mác 14:12-18

12 Ngày thứ nhất của những ngày bánh không men, khi người ta đã giết sinh tế Lễ Vượt Qua, các môn đồ của Ngài đã thưa với Ngài: “Ngài muốn chúng tôi đi dọn cho Ngài ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?”

13 Ngài sai hai môn đồ của Ngài đi, và bảo họ: “Các ngươi hãy đi vào thành, các ngươi sẽ gặp một người xách vò nước, hãy theo người.

14 Bất cứ người vào nhà nào, các ngươi sẽ nói với chủ nhà rằng: Thầy phán: “Cái phòng Ta sẽ dùng ăn Lễ Vượt Qua với các môn đồ của Ta ở đâu?”

15 Người sẽ chỉ cho các ngươi một cái phòng lớn trên lầu có đồ đạc sẵn sàng, hãy dọn tại đó cho chúng ta.”

16 Các môn đồ của Ngài đã đi, đến trong thành, gặp mọi điều như Ngài đã bảo họ. Họ đã dọn Lễ Vượt Qua.

17 Buổi chiều, Ngài đến với Nhóm Mười Hai.

18 Họ đang ngồi ăn, Đức Chúa Jesus đã phán: “Thật sự, Ta bảo các ngươi, một người trong các ngươi ăn với Ta, sẽ phản Ta.”

Lu-ca 22:7-14

7 Ngày của những ngày bánh không men đã đến. Trong ngày ấy, chiên con của Lễ Vượt Qua phải bị giết.

8 Ngài đã sai Phi-e-rơ và Giăng, phán rằng: “Hãy đi! Dọn Lễ Vượt Qua cho chúng ta, để chúng ta ăn.”

9 Họ đã thưa với Ngài: “Ngài muốn chúng tôi dọn tại đâu?”

10 Ngài đã bảo họ: “Này, khi các ngươi đã vào trong thành, một người mang vò nước sẽ gặp các ngươi. Hãy theo người vào nhà mà người sẽ vào.

11 Các ngươi sẽ nói với chủ nhà rằng: “Thầy bảo ngươi: Phòng khách ở đâu, nơi Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đồ của Ta?”

12 Người sẽ chỉ cho các ngươi một cái phòng rộng và cao, đồ đạc sẵn sàng; các ngươi hãy dọn tại đó.”

13 Họ đã đi và đã gặp như Ngài đã bảo họ. Họ đã dọn Lễ Vượt Qua.

14 Khi giờ đã đến, Ngài đã ngồi vào bàn ăn. Mười hai sứ đồ cùng ngồi với Ngài.

Mặc dù Lễ Bánh Không Men bao gồm bảy ngày, từ ngày 15 tới ngày 21 tháng Nisan, nhưng dân I-sơ-ra-ên bắt đầu ăn bánh không men vào buổi tối Lễ Vượt Qua, tức là sau buổi chiều đầu ngày của ngày 14.

“Ngày mười bốn tháng thứ nhất, vào buổi tối, các ngươi sẽ ăn bánh không men cho tới buổi tối ngày hai mươi mốt tháng đó.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:18).

Các câu sau đây:

  • “Ngày thứ nhất của những ngày bánh không men” (Ma-thi-ơ 26:17; Mác 14:12);
  • “Ngày của những ngày bánh không men” (Lu-ca 22:7);

chính là nói đến ngày 14 tháng Nisan, khi dân I-sơ-ra-ên bắt đầu ăn bánh không men trong Lễ Vượt Qua. Ngày này khác với ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men, là ngày 15 tháng Nisan. Trong ngày 14, chiên con của Lễ Vượt Qua bị giết vào buổi chiều, ngay sau khi mặt trời lặn, kết thúc ngày 13. Vài tiếng sau đó, vào khoảng 7 hay 8 giờ tối của ngày 14 thì dân I-sơ-ra-ên ăn Lễ Vượt Qua.

Điều đó có nghĩa là chiên con của Lễ Vượt Qua bị giết vào buổi chiều và được ăn vào buổi tối của ngày 14; thịt của chiên con không được chừa lại cho tới sáng ngày 14, theo mệnh lệnh của Chúa:

“Các ngươi chớ để phần nào của nó còn lại cho đến buổi sáng. Nếu phần nào của nó còn lại cho đến buổi sáng thì hãy thiêu bằng lửa.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:10).

Dựa vào các ghi chép của Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca, chúng ta hiểu rằng, sau khi mặt trời lặn của ngày 13, vừa bước sang ngày 14, khi chiên con của Lễ Vượt Qua đã bị giết thì các môn đồ của Chúa đã đến để hỏi Ngài về nơi mà Ngài muốn ăn Lễ Vượt Qua. Phi-e-rơ và Giăng đã đi và làm theo lời phán dạy của Đức Chúa Jesus để sắp xếp cho bữa ăn Lễ Vượt Qua. Họ đã đến gặp một người trong thành Giê-ru-sa-lem và nói cho người ấy biết, Chúa và họ sẽ ăn Lễ Vượt Qua với gia đình của người ấy. Người ấy có thể là Mác. Vài tiếng đồng hồ sau đó, Chúa và các môn đồ đã đến, dự bữa ăn Lễ Vượt Qua.

Như vậy, Đức Chúa Jesus và các môn đồ của Ngài đã giữ Lễ Vượt Qua đúng thời điểm đã được Thiên Chúa phán truyền trong Xuất Ê-díp-tô Ký đoạn 12.

Tuy nhiên, các thầy tế lễ và những người Pha-ri-si vào thời ấy và có lẽ số đông dân I-sơ-ra-ên đã giữ Lễ Vượt Qua muộn hơn thời điểm đã được phán truyền bởi Thiên Chúa. Theo ghi chép của Sứ Đồ Giăng thì họ đã giết chiên con của Lễ Vượt Qua vào buổi chiều, trước khi mặt trời lặn để kết thúc ngày 14. Sau đó vài tiếng, khi đã bước sang ngày 15, thì họ ăn bữa ăn của Lễ Vượt Qua. Chính vì thế mà buổi sáng ngày 15, khi Đức Chúa Jesus bị giải vào trường án của Phi-lát thì họ đã không vào để tránh bị ô uế.

“Kế đó, họ giải Đức Chúa Jesus từ Cai-phe đến toà án. Bấy giờ đang còn sớm, và họ không vào trong tòa án, cho khỏi bị ô uế, để họ được ăn Lễ Vượt Qua.” (Giăng 18:28).

Lời tường thuật của Sứ Đồ Giăng trong Giăng 13:1-2 khiến cho có sự hiểu lầm là ghi chép của ông mâu thuẫn với ghi chép của Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca. Vì cách ghi của Giăng khiến cho người đọc hiểu rằng, bữa ăn Lễ Vượt Qua của Đức Chúa Jesus đã xảy ra “Trước kỳ lễ hội của Lễ Vượt Qua”.

Giăng 13:1-2

1 Trước kỳ lễ hội của Lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jesus đã biết rằng, giờ của Ngài đã đến, để Ngài lìa khỏi thế gian này, đến với Đức Cha. Ngài đã yêu những người thuộc về mình, là những người trong thế gian, Ngài vẫn yêu họ cho tới cuối cùng.

2 Khi bữa ăn tối đang diễn ra, thì Ma Quỷ đã gieo vào lòng của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, con trai của Si-môn, rằng, ông phải phản Ngài.

Nhưng chúng ta có thể hiểu Giăng 13:1-2 như sau: Mệnh đề “Trước kỳ lễ hội của Lễ Vượt Qua” được dùng để chỉ khoảng thời gian liền trước khi bước vào buổi chiều đầu ngày của ngày 14, là thời điểm trước khi mặt trời lặn cuối ngày 13. Mệnh đề “Khi bữa ăn tối đang diễn ra” được dùng để chỉ bữa ăn Lễ Vượt Qua vào khoảng 7, 8 giờ tối của ngày 14. Nghĩa là trước khi bữa ăn Lễ Vượt Qua xảy ra trong buổi tối đầu ngày 14 thì Đức Chúa Jesus đã có sự nhận biết, ngày Lễ Vượt Qua là ngày Chúa sẽ bị bắt và bị giết để hoàn thành sự cứu chuộc loài người. Hiểu như vậy thì Giăng 13:1-2 không mâu thuẫn với Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca.

Chỉ có Giăng là ghi lại sự giữ Lễ Vượt Qua không đúng thời điểm của các thầy tế lễ, những người Pha-ri-si, và số đông dân I-sơ-ra-ên, qua Giăng 18:28. Sự giết chiên con của Lễ Vượt Qua và sự ăn bữa ăn của Lễ Vượt Qua không đúng thời điểm có lẽ đã có từ sau khi dân I-sơ-ra-ên trở về sau 70 năm phu tù tại Ba-bi-lôn. Suốt 70 năm đó họ đã không giữ Lễ Vượt Qua, cũng không có sự dâng sinh tế mỗi ngày hai lần lên Thiên Chúa, vì họ đang sống trong cảnh phu tù và Đền Thờ Thiên Chúa đã bị phá hủy.

Sau khi Đền Thờ Thiên Chúa được tái thiết, sự dâng sinh tế ngày hai buổi sớm chiều cùng sự dâng sinh tế trong các trường hợp khác cũng được tái lập. Vì sinh tế được dâng vào mỗi buổi chiều bị giết trong khoảng từ 3 tới 5 giờ chiều, trong giờ cầu nguyện buổi chiều, nên có lẽ chiên con của Lễ Vượt Qua cũng bị giết vào cùng thời điểm, khiến cho sự ăn bữa ăn của Lễ Vượt Qua trở thành vào buổi tối của ngày 15, thay vì là buổi tối của ngày 14. Đó là quyết định tắc trách của các thầy tế lễ, khiến cho việc giết chiên con Lễ Vượt Qua và việc ăn bữa ăn Lễ Vượt Qua từ đó trở thành không còn đúng với thời điểm Đức Chúa Trời đã quy định trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12.

Dưới đây là trình tự các sự việc xảy ra trong ngày Lễ Vượt Qua Đức Chúa Jesus bị bắt và bị đóng đinh, như đã được ghi lại trong Thánh Kinh:

1. Sau khi mặt trời lặn, kết thúc buổi chiều của ngày 13 và bắt đầu buổi chiều của ngày 14, Đức Chúa Jesus sai môn đồ vào Thành Giê-ru-sa-lem, đến nhà của một người, có lẽ là Mác, báo tin cho người ấy là Đức Chúa Jesus sẽ ăn bữa ăn Lễ Vượt Qua với người ấy.

2. Sau đó vài tiếng, khoảng 7, 8 giờ tối, Đức Chúa Jesus và các môn đồ đã đến dự bữa ăn Lễ Vượt Qua.

3. Trong bữa ăn, Đức Chúa Jesus rửa chân cho các môn đồ và dạy cho họ nhiều điều.

4. Trong bữa ăn, Sa-tan đã nhập vào Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, thúc giục ông phản Chúa.

5. Đức Chúa Jesus đã từ bữa ăn Lễ Vượt Qua mà thiết lập Tiệc Thánh.

6. Đức Chúa Jesus và các môn đồ ra khỏi thành, đi vào vườn Ghết-sê-ma-nê để cầu nguyện.

7. Khoảng giữa đêm, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt theo lệnh của các thầy tế lễ thượng phẩm, dẫn lính canh Đền Thờ đến bắt Chúa.

8. Đức Chúa Jesus bị giải đến trước Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Cai-phe.

9. Đức Chúa Jesus bị giải đến trước Thống Đốc Phi-lát.

10, Đức Chúa Jesus bị giải đến trước Vua Hê-rốt An-ti-ba.

11. Vua Hê-rốt An-ti-ba trả Đức Chúa Jesus lại cho Tổng Đốc Phi-lát.

12. Mặc dù đã ít nhất ba lần tuyên bố Đức Chúa Jesus là vô tội, nhưng trước áp lực của dân Do-thái, Tổng Đốc Phi-lát đã ra lệnh đóng đinh Đức Chúa Jesus.

13. Đức Chúa Jesus bị lính La-mã đánh đòn và chế nhạo.

14. Đức Chúa Jesus vác thanh ngang của thập tự giá, đi từ trong Thành Giê-ru-sa-lem ra Đồi Gô-gô-tha.

15. Đức Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá, tại Đồi Gô-gô-tha.

16. Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín, có cơn tối tăm khắp đất.

17. Vào khoảng giờ thứ chín, Đức Chúa Jesus trút hơi thở cuối cùng.

18. Có cơn động đất, bức màn trong Đền Thờ bị xé làm hai từ trên xuống dưới.

19. Nhiều mồ mả được mở ra và nhiều thánh đồ được sống lại.

20. Giô-sép người A-ri-ma-thê và Ni-cô-đem đã chôn cất xác Chúa, trước khi mặt trời lặn của ngày 14.

Chiên con của Lễ Vượt Qua bị giết tiêu biểu cho Đức Chúa Jesus Christ chịu chết thay cho loài người để gánh lấy hình phạt cho sự phạm tội của loài người (Giăng 1:29; 1 Cô-rinh-tô 5:7). Người ăn thịt chiên con tiêu biểu cho người tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời (Giăng 6:53-56). Máu của chiên con được bôi trên hai cây cột cửa và thanh ngang trên cửa của những nhà nào ăn thịt nó tiêu biểu cho máu thánh của Đấng Christ bảo vệ và giải cứu người tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 9:22; I Phi-e-rơ 1:18-19).

Sự Đức Chúa Trời giết chết những con đầu lòng trong xứ Ê-díp-tô thể hiện quyền năng tể trị của Ngài và tiêu biểu cho sự hình phạt tội lỗi (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:12). Sự dân I-sơ-ra-ên lột tài sản của dân Ê-díp-tô là để trả cho công giá họ đã làm nô lệ cho dân Ê-díp-tô, và cũng tiêu biểu cho sự con dân Chúa thu thập và tận dụng những tài nguyên của thế gian để phục vụ chính mình và phụng sự Thiên Chúa trong nếp sống mới (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:35-36). Sự dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô trong đêm tiêu biểu cho sự người tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời được giải cứu khỏi bóng đêm của tội lỗi (Cô-lô-se 1:13). Sự dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô vào ngày đầu tiên của Lễ Bánh Không Men tiêu biểu cho sự con dân Chúa được giải cứu khỏi nếp sống cũ nô lệ cho tội lỗi, bước vào nếp sống thánh khiết trọn vẹn, trong ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 5:7-8).

Đức Chúa Jesus Christ chính là “Chiên Con Lễ Vượt Qua”, Đấng ban chính mạng sống của Ngài để cứu chuộc loài người ra khỏi hậu quả và sức mạnh của tội lỗi. Ngài đã từ bữa ăn Lễ Vượt Qua mà thiết lập Tiệc Thánh với bánh không men và nước nho được dùng trong bữa ăn (Ma-thi-ơ 26:26-28). Bánh không men tiêu biểu cho thân thể vô tội của Ngài đã chịu khổ hình vì gánh thay án phạt của tội lỗi cho loài người, đồng thời cũng tiêu biểu cho nếp sống mới thánh khiết của những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Nước nho tiêu biểu cho máu thánh của Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch mọi tội cho những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài, đồng thời cũng tiêu biểu cho sự sống dư dật của Thiên Chúa ban cho con dân Chúa trong Giao Ước Mới (Giăng 6:56).

Có một chi tiết chúng ta cần chú ý là nước nho dùng trong Lễ Vượt Qua và Tiệc thánh không phải là rượu nho. Vì rượu nho là nước nho đã lên men.

Thánh Kinh Tân Ước dùng danh từ “οἶνος” (oinos) /oy’-nos – oi-nót/ (G3631) để chỉ về rượu nho, như trong sự kiện Đức Chúa Jesus hóa nước thành rượu tại thành Ca-na, hoặc lời khuyên chớ say rượu trong Ê-phê-sô 5:18, hoặc lời Phao-lô khuyên Ti-mô-thê thỉnh thoảng uống rượu trong I Ti-mô-thê 5:23.

Trong Ma-thi-ơ 26:29, Mác 14:25, Lu-ca 22:18, Đức Chúa Jesus phán rõ là Ngài “không uống từ trái nho” và sẽ “uống từ trái nho mới” giúp cho chúng ta hiểu rằng, thức uống trong bữa ăn Lễ Vượt Qua và Tiệc Thánh là nước nho chưa lên men, được ép trực tiếp từ trái nho. Điều này thích hợp với sự ăn bánh không men.

Lễ Vượt Qua diễn ra vào tháng Ni-san, cách mùa thu hoạch nho khoảng 4-6 tháng. Vì thế, nước nho dùng trong Lễ Vượt Qua thường là nước nho được bảo quản đặc biệt, như được đun sôi thành si-rô rồi pha lại, để giữ được độ tươi. Tuy nhiên dân I-sơ-ra-ên đã theo truyền thống có lẽ có từ sau thời kỳ bị phu tù 70 năm tại Ba-bi-lôn mà dùng rượu nho trong bữa ăn Lễ Vượt Qua. Nhiều giáo hội mang danh Chúa cũng đã theo Giáo Hội Công Giáo dùng rượu nho trong Tiệc Thánh.

Con dân Chúa nên dùng bánh không men và nước nho trong Tiệc Thánh.

Chúng ta kết thúc bài tìm hiểu này tại đây.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà, anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
12/04/2025

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Con Xin Muôn Đời Dựa Nương nơi Chúa”:
https://karaokethanhca.net/con-xin-muon-doi-dua-nuong-noi-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible, chọn phiên bản “Hiệu Đính”.

Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được thêm vào cho đúng ngữ pháp tiếng Việt. Các chữ nằm trong hai dấu { và } là chú thích của người dịch, không có trong nguyên văn của Thánh Kinh. Các chữ nằm trong hai dấu ( và ) là chú thích của người viết Thánh Kinh.