Kính Sợ và Nhìn Biết Đấng Thánh
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire:https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive:https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
“Sự kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là khởi đầu của sự khôn sáng và sự tri thức Đấng Thánh là sự thông sáng.” (Châm Ngôn 9:10).
Trái với sự tin tưởng của nhiều người, Thánh Kinh không bao giờ chứng minh sự thực hữu của Thiên Chúa. Thánh Kinh đương nhiên công nhận sự thực hữu của Thiên Chúa; toàn bộ nội dung của Thánh Kinh là giới thiệu và bày tỏ về Thiên Chúa cho nhân loại. Thánh Kinh mở đầu với câu: “Vào lúc ban đầu của sự Thiên Chúa sáng tạo các tầng trời và đất” và kết thúc với câu: “Thật! Ta sẽ đến mau chóng!” (Sáng Thế Ký 1:1; Khải Huyền 22:20). Thiên Chúa đã dựng nên trời đất và mọi sự trong trời đất. Ngài đặt ra những định luật vật lý để vận hành và bảo tồn muôn vật; rồi trao quyền cai trị đất và mọi vật trên đất cho loài người. Thiên Chúa cũng đặt ra những định luật thuộc linh, mà loài người chúng ta quen gọi là luật đạo đức hay luật của lương tâm, để loài người theo đó mà cư xử với Thiên Chúa, với nhau; và cai trị đất cùng muôn vật trên đất.
Vì Thiên Chúa thực hữu và là Đấng Tạo Hóa, cho nên loài người có bổn phận kính sợ và nhìn biết Ngài. Vì Thiên Chúa đã trao quyền cai trị đất và muôn vật trên đất cho loài người, nên loài người phải chịu trách nhiệm về thế gian này trước mặt Ngài. Một ngày kia, Thiên Chúa sẽ đến, để chúng ta khai trình với Ngài. Nếu chúng ta không làm tròn bổn phận của chúng ta với Thiên Chúa và trách nhiệm của chúng ta về thế giới này, thì chúng ta sẽ bị Thiên Chúa xét đoán. Thánh Kinh chép rằng: “…Chúa sẽ phán xét dân của Ngài. Sa vào tay Thiên Chúa Hằng Sống là sự đáng kinh khiếp thay!” (Hê-bơ-rơ 10:30-31).
I. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Thánh
“Vì Ta là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của các ngươi; Ta là thánh, nên các ngươi phải nên thánh, thì sẽ được thánh.” (Lê-vi Ký 11:44a).
“…Hãy nên thánh, vì Ta Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu các người, vốn là thánh.” (Lê-vi Ký 19:2).
“…Thiên Chúa là Đấng Thánh nên thánh trong sự công bình.” (Ê-sai 5:16).
Trước hết, chúng ta cần phải ý thức rằng: Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa mà Thánh Kinh bày tỏ là Đấng Thánh. Khi nói đến danh từ “thánh” chúng ta thường nghĩ đến những sự tốt lành, trong sạch; vì thế mà chúng ta có những danh từ: “thánh thiện”, “thánh khiết”. Chúng ta thường nghĩ rằng “thánh” là trái ngược với sự ác và sự ô uế. Từ sự suy nghĩ đó, chúng ta kết luận rằng: hễ ai không làm điều ác, không phạm sự ô uế thì đó là thánh nhân. Thực ra, không làm điều ác, không phạm ô uế chưa phải là thánh; bởi vì thánh không chỉ có nghĩa là sự vắng mặt của điều ác và sự ô uế, mà còn là sự thể hiện tích cực của sự thiện và sự trong sạch.
Nghĩa đen của chữ “thánh” trong Thánh Kinh là: chỉ có một, và hoàn toàn khác với tất cả những thứ khác, hoàn toàn riêng biệt với tất cả những thứ khác. Trong ý nghĩa đó, Thiên Chúa là Đấng Thánh, vì Ngài chỉ có một, và hoàn toàn khác biệt với muôn sự. Chỉ Thiên Chúa là Đấng Tự Có và Còn Đến Mãi Mãi; chỉ Thiên Chúa là sự sống và là nguồn của sự sống. Danh xưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là tên tự xưng của Ngài, và có nghĩa: Ta là Đấng Tự Có và Hằng Có! (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14-15). Vì muôn vật, từ những vật thấy được cho đến những vật không thấy được, đều do Thiên Chúa dựng nên, cho nên Thiên Chúa khác với muôn vật và biệt riêng với muôn vật.
II. Kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu
Chữ “kính sợ” trong nguyên tác của Thánh Kinh có nghĩa là: “tôn kính trong tiêu chuẩn đạo đức”. Vua Đa-vít trong Thi Thiên 19:9 gọi đó là “sự kính sợ trong sạch” và là “sự kính sợ còn mãi”. Kính sợ ở đây không hề có sự hãi hùng. Thánh Kinh chép:
“Chẳng có sự sợ hãi trong tình yêu, nhưng tình yêu trọn vẹn thì cất đi sự sợ hãi; vì sự sợ hãi có hình phạt. Ai sợ hãi thì không được trọn vẹn trong tình yêu.” (I Giăng 4:18).
Sự kính sợ ở đây là sự tôn kính dẫn đến sự yêu thương, thờ phượng, và vâng phục Thiên Chúa. Sự kính sợ Chúa thật lòng luôn luôn thể hiện: tình yêu của chúng ta dành cho Chúa, sự thờ phượng của chúng ta dành cho Chúa, và sự vâng phục của chúng ta dành cho Chúa.
1. Yêu thương
“Chúng ta yêu Ngài, vì Ngài đã yêu chúng ta trước.” (I Giăng 4:19). Chúng ta yêu Chúa hơn cả mạng sống của mình (Giăng 15:13).
2. Thờ phượng
Chúng ta thờ phượng Chúa trong thần trí và trong lẽ thật: “Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần trí và trong lẽ thật.” (Giăng 4:24). Chúng ta thờ phượng Chúa bằng cách dâng hiến thân thể của mình cho Chúa (Rô-ma 12:1).
3. Vâng phục
Chúng ta vâng phục Chúa theo gương Đức Chúa Jesus: “Vâng phục cho đến chết” (Phi-líp 2:8); thậm chí chết bằng những cái chết nhục nhã và tàn khốc nhất!
Sự kính sợ Chúa không phải là một chọn lựa mà là một mệnh lệnh:
“…Ngươi sẽ hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết tâm trí mà yêu Chúa là Đức Chúa Trời của ngươi…” (Lu-ca 10:27).
Chữ “yêu” trong bản dịch Việt ngữ của chúng ta được dịch từ động từ “agapao” của tiếng Hy-lạp, có nghĩa là “yêu vô điều kiện”, “yêu mặc dầu”, yêu đến nỗi có thể chết cho người mình yêu (Giăng 15:13).
Chữ “lòng” trong nguyên tác là “trái tim”, dùng để diễn tả trung tâm điểm của toàn vẹn một con người, tức là trung tâm điểm của tâm thần, linh hồn, và thể xác chúng ta.
Chữ “linh hồn” chỉ về toàn bộ sự sống trong chúng ta; nghĩa là mục đích của đời sống chúng ta và niềm vui trong đời sống của chúng ta là yêu Chúa. Khi chúng ta “hết linh hồn” yêu Chúa thì linh hồn chúng ta sẽ được Chúa bồi bổ lại, được Chúa làm cho vui vẻ, và được Ngài bảo hộ (Thi Thiên 23:3; 94:19; 97:10).
Chữ “sức” chỉ về toàn bộ năng lực của chúng ta; nghĩa là tất cả phương tiện, tài năng, sức mạnh của chúng ta được dâng hiến cho Chúa, dùng vào công tác phục vụ Ngài, làm những việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta. Khi chúng ta “hết sức” yêu Chúa thì chính Đức Chúa Jesus Christ thêm sức cho chúng ta để khiến cho chúng ta làm những việc lớn hơn Ngài đã làm khi Ngài nhập thế làm người, và trở nên trọn vẹn như Cha của chúng ta, Đấng ở trên trời, là trọn vẹn. (Phi-líp 4:13; Giăng 14:12; Ma-thi-ơ 5:48).
Chữ “tâm trí” chỉ về toàn bộ nhận thức của chúng ta; nghĩa là chúng ta luôn nghĩ về Chúa, suy ngẫm về Chúa, học biết về Chúa qua lời của Ngài. Khi chúng ta “hết tâm trí” yêu Chúa thì Đức Thánh Linh sẽ ban sự thông sáng cho chúng ta và dẫn chúng ta “vào trong mọi lẽ thật” (Giăng 16:13).
Câu phán trên đây của Đức Chúa Jesus có thể diễn ý như sau:
“Ngươi sẽ yêu Chúa vô điều kiện bằng toàn thể tâm thần, linh hồn, và thể xác của ngươi, nghĩa là yêu Chúa với tất cả sự sống, tất cả năng lực, và tất cả tâm trí của ngươi!”
III. Nhìn biết Đấng Thánh
Sự kính sợ Chúa là khởi đầu của sự khôn sáng; và sự khôn sáng dẫn chúng ta đến với sự nhận biết Chúa, thông biết lẽ thật; khiến chúng ta được giải phóng khỏi sự ngu muội, tội lỗi, và sự chết! Nhìn biết Chúa là nhìn biết bản thể và thuộc tính của Ngài. Nhìn biết Chúa là nhìn biết thánh ý của Ngài cho chúng ta, và qua đó, chúng ta biết được: mục đích, ý nghĩa, và nếp sống của chính mình.
1. Nhìn biết bản thể của Chúa
Là nhìn biết Thiên Chúa Hằng Sống: Thánh Khiết, Công Chính, và Yêu Thương.
2. Nhìn biết thuộc tính của Chúa
Là nhìn biết Thiên Chúa Hằng Sống: Toàn Tại, Toàn Tri, và Toàn Năng.
3. Nhìn biết thánh ý của Chúa
Là nhìn biết Thiên Chúa Hằng Sống:
a) muốn cho mọi người được cứu và thông biết lẽ thật:
“Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.” (I Ti-mô-thê 2:4).
b) muốn cho mọi người được làm con nuôi của Ngài:
“Ngài đã định trước cho chúng ta được trở nên những con nuôi của chính Ngài bởi Đức Chúa Jesus Christ, theo ý muốn tốt lành của Ngài.” (Ê-phê-sô 1:5).
c) muốn cho mọi người được nên thánh:
“Vì đây là ý muốn Đức Chúa Trời cho sự nên thánh của các anh chị em. Các anh chị em phải tránh khỏi sự tà dâm.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:3).
d) muốn cho mọi người tạ ơn Ngài trong mọi sự:
“Trong mọi sự, hãy tạ ơn! Vì đó là ý muốn của Thiên Chúa trong Đấng Christ Jesus đối với các anh chị em.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:18).
e) muốn cho mọi người làm việc lành mà Ngài đã sắm sẵn:
“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).
f) muốn cho mọi người nhẫn nại, chịu khổ trong khi làm lành:
“Vậy, những ai chịu khổ theo ý muốn của Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo Hóa Thành Tín.” (I Phi-e-rơ 4:19).
g) muốn cho mọi người không bị lừa đảo mà lạc Đạo nhưng rao giảng lẽ thật trong sự yêu thương:
“…để chúng ta không còn là trẻ con, bị chao đảo, dời đổi theo mỗi phong trào của giáo lý trong sự dối trá của loài người và mưu kế mà họ rình chờ để lường gạt; nhưng nói ra lẽ thật trong tình yêu, để trong mọi sự chúng ta đều được lớn lên trong Ngài, Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ.” (Ê-phê-sô 4:14-15).
Kết luận
Chúng ta thực sự phải kính sợ Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Đấng Tự Có và Còn Đến Mãi Mãi, Đấng tạo dựng nên và tể trị muôn loài vạn vật, là Nguồn Sự Sống. Sự kính sợ đó phải được thể hiện bằng hành động trong nếp sống của chúng ta.
Sự kính sợ Chúa khởi đầu cho sự khôn sáng; sự khôn sáng dẫn đến sự nhìn biết Chúa; và sự nhìn biết Chúa dẫn đến sự sống đời đời:
“Và đây là sự sống vĩnh cửu, rằng họ nhìn biết Ngài, tức là Thiên Chúa có một và thật, cùng Jesus Christ, là Đấng Ngài đã sai đến.” (Giăng 17:3).
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Chủ Nhật 21/01/2007