Hội Thánh – Phần 08: Chức Vụ Chấp Sự và Các Chức Vụ Khác

3,427 views

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

 Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Trước khi chúng ta cùng nhau tìm hiểu về chức vụ chấp sự trong Hội Thánh, chúng ta hãy cùng nhau điểm qua một số chức vụ khác, như đã được kể ra trong I Cô-rinh-tô 12:28-30:

“Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh, thứ nhất là sứ đồ, thứ nhì là tiên tri, thứ ba là người dạy, kế đến người làm phép lạ, rồi người được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng. Có phải cả thảy là sứ đồ sao? Cả thảy là tiên tri sao? Cả thảy đều là người dạy sao? Cả thảy đều làm phép lạ sao? Cả thảy đều được ơn chữa bịnh sao? Cả thảy đều nói các ngoại ngữ sao? Cả thảy đều thông giải các ngoại ngữ sao?”

Ngoài các chức vụ: sứ đồ, tiên tri, người dạy, người chăn và giám mục (cai quản) mà chúng ta đã tìm hiểu trong các chương trước thì còn lại các chức vụ sau đây:

1. Làm Phép Lạ.

2. Chữa Bệnh.

3. Cứu Giúp.

4. Nói Các Ngoại Ngữ.

5. Thông Giải Các Ngoại Ngữ.

Vì là các chức vụ được liệt kê chung với các chức vụ: sứ đồ, tiên tri, và người dạy mà chúng ta có thể hiểu, đây là các chức vụ thuộc về những trưởng lão trong Hội Thánh.

Làm Phép Lạ

Trong Thánh Kinh Tân Ước có ba từ ngữ liên quan đến nhau, được dùng để nói đến những sự lạ lùng, siêu nhiên; đó là:

1. “δύναμις,” /đu-nơ-mít/ [1], với nghĩa đen là năng lực tự nhiên trong một vật thể hoặc năng lực do một vật thể phát ra. Nghĩa bóng khi được dùng dưới hình thức số ít là năng lực để làm ra những hiện tượng siêu nhiên, vượt trên các định luật vật lý và mọi suy luận, năng lực làm phép lạ. Nghĩa bóng khi được dùng dưới hình thức số nhiều là những phép lạ.

2. “τέρας,” /te-rát/ [2], có nghĩa là sự lạ lùng, một hiện tượng vượt ra ngoài định luật vật lý, như nước hóa thành rượu, năm cái bánh và hai con cá hóa thành thức ăn cho hơn 5,000 người ăn, người mù được thấy, người què được đi, người chết được sống lại, v.v..

3. “σημεῖον,” /xê-mai-on/ [3], có nghĩa là dấu hiệu mang một ý nghĩa nào đó, khi được dùng chung với “δύναμις,” /đu-nơ-mít/ hoặc “τέρας,” /te-rát/ thì có nghĩa là dấu lạ.

Hai từ ngữ “sự lạ” (“τέρας,” /te-rát/) và “dấu lạ” (“σημεῖον,” /xê-mai-on/) thường được dùng chung với nhau để gọi những phép lạ minh chứng cho ý nghĩa của Tin Lành về sự chữa lành, phục hồi, và tái sinh trong Đức Chúa Jesus Christ. Riêng từ ngữ “δύναμις,” /đu-nơ-mít/ khi đi chung với hai từ ngữ nói trên, nếu là hình thức số nhiều, thì có nghĩa là những phép lạ; nếu là hình thức số ít thì có nghĩa là năng lực để làm ra những phép lạ.

Chúng ta hãy so sánh cách dùng ba từ ngữ nói trên trong các câu Thánh Kinh dưới đây:

“Hỡi người I-sơ-ra-ên, hãy nghe lời nầy: Đức Chúa Jesus ở Na-xa-rét, tức là Người đẹp lòng Đức Chúa Trời mà Đức Chúa Trời đã dùng làm việc quyền phép (“δύναμις,” /đu-nơ-mít/), sự lạ (“τέρας,” /te-rát/) và dấu lạ (“σημεῖον,” /xê-mai-on/) ở giữa các ngươi, để làm chứng cho Người trong vòng các ngươi, như chính các ngươi đều biết” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:22).

Dịch sát nghĩa là: “Hỡi những người đàn ông I-sơ-ra-ên, hãy nghe những lời này: Jesus xứ Na-xa-rét là một người được đẹp lòng Đức Chúa Trời ở giữa các ngươi, qua những phép lạ, những sự lạ, và những dấu lạ mà Đức Chúa Trời đã bởi Ngài, làm ra ở giữa vòng các ngươi, như chính các ngươi cũng đã biết.”

“Ê-tiên được đầy ơn và quyền (“δύναμις,” /đu-nơ-mít/) làm dấu kỳ (“σημεῖον,” /xê-mai-on/) phép lạ (“τέρας,” /te-rát/) rất lớn trong dân” (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:8).

Dịch sát nghĩa là: “Ê-tiên được đầy ơn và năng lực làm phép lạ, đã làm ra những dấu lạ và những sự lạ lớn trong dân chúng.”

“Các bằng cớ (“σημεῖον,” /xê-mai-on/) về chức sứ đồ tôi đã tỏ ra trong anh em bởi sự nhịn nhục mọi đàng, bởi các phép lạ” (“σημεῖον,” /xê-mai-on/) (II Cô-rinh-tô 12:12).

Dịch sát nghĩa là: “Thật vậy, những dấu lạ của sứ đồ đã làm ra giữa các ngươi trong mọi sự nhẫn nại, bởi những dấu lạ, những sự lạ, và những phép lạ.”

“Kẻ đó sẽ lấy quyền của quỷ Sa-tan mà hiện đến, làm đủ mọi thứ phép lạ, dấu dị (“σημεῖον,” /xê-mai-on/) và việc kỳ dối giả” (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:9).

Dịch sát nghĩa là: “Kẻ ấy bởi việc làm của Sa-tan mà đến với tất cả năng lực, và những dấu lạ, cùng những sự lạ giả dối.”

“Đức Chúa Trời cũng dùng những dấu kỳ (“σημεῖον,” /xê-mai-on/) sự lạ (“τέρας,” /te-rát/) và đủ thứ phép mầu (“δύναμις,” /đu-nơ-mít/), lại dùng sự ban cho của Thánh Linh mà Ngài đã theo ý muốn mình phát ra, để làm chứng với các kẻ đó” (Hê-bơ-rơ 2:4).

Dịch sát nghĩa là: “Đức Chúa Trời làm chứng với họ bởi cả những dấu lạ, những sự lạ, cùng với những phép lạ khác nhau và những sự ban cho Thánh Linh theo ý muốn Ngài.”

Thánh Kinh ghi lại trường hợp Ê-tiên, Phi-líp, và Phao-lô được Chúa ban cho năng lực làm ra các phép lạ, như sau:

“Ê-tiên được đầy ơn và năng lực làm phép lạ, đã làm ra những dấu lạ và những sự lạ lớn trong dân chúng” (Công Vụ Các Sứ Đồ 6:8).

“Đoàn dân nghe người giảng và thấy các dấu lạ người làm, thì đồng lòng lắng tai nghe người nói; vì có những tà ma kêu lớn tiếng lên mà ra khỏi nhiều kẻ bị ám, cùng kẻ bại và què được chữa lành cũng nhiều” (Công Vụ Các Sứ Đồ 8:6-7).

“Đức Chúa Trời lại dùng tay Phao-lô làm các phép lạ khác thường, đến nỗi người ta lấy khăn và áo đã bận vào mình người mà để trên các kẻ đau yếu; thì họ được lành bịnh, và được cứu khỏi quỷ dữ” (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:11-12).

Ngày nay, hầu như chúng ta không thấy phép lạ do những người được ơn làm phép lạ trong Hội Thánh làm ra. Thay vào đó, thì có đầy dẫy những phép lạ trong các phong trào nói tiếng lạ, do những thuật sĩ của Sa-tan mạo danh Chúa và mạo danh Hội Thánh của Chúa làm ra. Tuy nhiên, chức vụ làm phép lạ vẫn còn trong Hội Thánh cho đến khi Hội Thánh được cất ra khỏi thế gian; vì đó là chức vụ do Đức Chúa Trời lập ra trong Hội Thánh. Chúng tôi tin rằng, sự kiện khan hiếm người làm phép lạ trong Hội Thánh là vì đức tin nơi Chúa và lòng yêu kính Chúa của Hội Thánh bị nguội lạnh. Không riêng gì những người ở trong chức vụ làm phép lạ khan hiếm mà ngay cả những người chăn bầy chân thật cũng khan hiếm!

Chữa Bệnh

Qua các câu Thánh Kinh được trích dẫn trên đây, chúng ta thấy sự chữa lành tật bệnh được bao gồm trong các phép lạ. Như vậy, có sự khác biệt nào giữa người có năng lực làm phép lạ chữa lành tật bệnh với người được ơn chữa bệnh?

Chúng tôi cho rằng, người được ơn chữa bệnh chỉ có thể chữa lành tật bệnh mà không có năng lực để làm ra các phép lạ khác, là những phép lạ không liên quan đến việc chữa bệnh.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phân biệt chức vụ làm phép lạ và chữa bệnh của một số trưởng lão trong Hội Thánh với năng lực dùng danh Chúa trừ quỷ và đặt tay trên người bệnh để chữa lành mà mỗi một con dân chân thật của Chúa đều có (Mác 16:17-18). Khi có sự hiện diện của những trưởng lão được Chúa ban cho chức vụ làm phép lạ và chữa bệnh thì chúng ta nên nhường việc trừ quỷ và chữa bệnh cho họ.

Cứu Giúp

Người cứu giúp là người có tấm lòng đồng cảm với người khác, được Chúa ban cho năng lực và phương tiện để giúp người khác thoát khỏi những hoàn cảnh khó khăn, đau khổ. Sự cứu giúp trong Hội Thánh bao gồm sự tiếp trợ về nhu cầu vật chất cho những người bị thiếu thốn và sự dùng Lời Chúa để khích lệ và an ủi lẫn nhau trong nghịch cảnh.

Năng lực Chúa ban để cứu giúp người khác cũng có thể là năng lực làm ra một phép lạ. Phương tiện để cứu giúp người khác bao gồm: sức khỏe, kỹ năng, sự khôn ngoan, thời gian, tiền bạc, của cải, quyền thế, uy tín…

Nói Các Ngoại Ngữ

Theo Thánh Kinh thì mục đích của ơn nói các ngoại ngữ là:

1. Người nói tự gây dựng chính mình:

“Kẻ nói ngoại ngữ, tự gây dựng lấy mình; song kẻ nói tiên tri, gây dựng cho Hội Thánh” (I Cô-rinh-tô 14:4).

2. Tỏ ra những sự cao trọng của Đức Chúa Trời:

“…chúng ta đều nghe họ lấy tiếng chúng ta mà nói những sự cao trọng của Đức Chúa Trời” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:11b).

“Vì các tín đồ nghe họ nói các ngoại ngữ và tôn vinh Đức Chúa Trời” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:46).

Có thể nói, sự tự gây dựng chính mình qua ơn nói ngoại ngữ là nhu cầu trong Hội Thánh giữa vòng những dân tộc không phải là I-sơ-ra-ên, là các dân tộc chưa bao giờ biết đến Lời Chúa. Điển hình là Hội Thánh tại Cô-rinh-tô. Cô-rinh-tô thời bấy giờ là một thành phố thương mãi rất lớn của dân Hy-lạp. Tại đó, nổi tiếng nhất là đền thờ nữ thần Vệ Nữ, luôn luôn có sẵn 1,000 nữ tế sư phục vụ tình dục cho khách hành hương. Nếp sống của dân Cô-rinh-tô trụy lạc đến nổi có câu tục ngữ: “giống như người Cô-rinh-tô,” để gọi những kẻ sống thác loạn về tình dục.

Trong bối cảnh xã hội đồi trụy đó, những tân tín hữu tại Cô-rinh-tô được Chúa ban cho ơn nói ngoại ngữ. Điều đó ấn chứng rằng, dầu nếp sống cũ tội lỗi của họ đáng ghê tởm như thế nào, thì Thánh Linh của Chúa vẫn thánh hóa họ, dựng họ nên mới trong Đấng Christ. Rất có thể, ngoại ngữ Chúa ban cho các tân tín hữu tại Cô-rinh-tô là tiếng Hê-bơ-rơ hoặc tiếng A-ra-mai của người I-sơ-ra-ên. Rất có thể, họ được Chúa thần cảm để nói ra những câu Thi Thiên và những lời tiên tri trong Thánh Kinh Cựu Ước bằng tiếng Hê-bơ-rơ! Chính nhờ đó mà họ được ấn chứng rằng, họ đã thật sự thuộc về Hội Thánh của Chúa và được khích lệ lớn để từ bỏ nếp sống cũ tội lỗi.

Ơn nói ngoại ngữ là bởi sự thần cảm mà nói ra những sự cao trọng của Đức Chúa Trời bằng một ngôn ngữ mà trước đó người nói không biết. Người được ơn nói ngoại ngữ luôn có người hiểu biết ngoại ngữ đó ấn chứng. Tất cả những hiện tượng lấp ba lấp bấp những âm thanh vô nghĩa, không phải là ngôn ngữ, trong phong trào nói tiếng lạ ngày nay, chỉ là sự bị tà linh điều khiển.

Như các thứ ơn khác và các chức vụ khác Chúa đã ban cho Hội Thánh, ơn và chức vụ nói ngoại ngữ vẫn còn trong Hội Thánh cho đến khi Chúa cất Hội Thánh ra khỏi thế gian. Chức vụ nói ngoại ngữ trong Hội Thánh chỉ có khi trong Hội Thánh cũng có người được ban cho chức vụ thông giải. Mạng lệnh của Chúa là những người được ơn nói ngoại ngữ chỉ được phép nói theo thứ tự và nói khi có người thông giải. Nếu không có người thông giải thì người được ơn nói ngoại ngữ không được nói ngoại ngữ giữa Hội Thánh.

Thông Giải Các Ngoại Ngữ

Chức vụ thông giải các ngoại ngữ có thể được ban cho một người đã thông thạo ngoại ngữ hoặc một người chưa từng biết đến ngoại ngữ nào. Trong cả hai trường hợp, người được ban cho chức vụ đều được sự thần cảm để thông giải những gì mà một người dùng tiếng ngoại quốc để nói trong Hội Thánh.

Chấp Sự

Từ ngữ “chấp sự” trong nguyên tác Hy-lạp là “διακονέω,” /đi-a-kô-neo/ [4], có nghĩa là người hầu bàn, người phục vụ, người chăm lo cho nhu cầu của người khác.

Chức vụ chấp sự trong Hội Thánh là chuyên về những việc giúp cho nhu cầu vật chất của con dân Chúa trong Hội Thánh. Chức vụ chấp sự không do Đức Chúa Trời thiết lập mà là do các sứ đồ thiết lập. Nguồn gốc của chức vụ chấp sự ra từ biến cố được ghi chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ 6:1-6:

1 Trong lúc đó, bởi số môn đồ càng thêm lên, nên người Hê-lê-nít phàn nàn nghịch cùng người Hê-bơ-rơ, vì những người góa bụa của họ đã bị bỏ bê trong sự cấp phát hằng ngày.
2 Mười hai sứ đồ bèn gọi hết thảy môn đồ nhóm lại, mà nói rằng: Bỏ sự dạy Lời Đức Chúa Trời mà giúp việc bàn tiệc thật chẳng xứng hợp.
3 Vậy, anh em hãy chọn trong bọn mình bảy người có danh tốt, đầy dẫy Thánh Linh và trí khôn, rồi chúng ta sẽ giao việc nầy cho.
4 Còn chúng ta sẽ cứ chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng Lời Chúa.
5 Cả hội đều lấy lời đó làm đẹp lòng, bèn cử Ê-tiên, là người đầy đức tin và Thánh Linh, Phi-líp, Bô-cô-rơ, Ni-ca-no, Ti-môn, Ba-mê-na và Ni-cô-la, là người An-ti-ốt mới theo đạo Giu-đa;
6 và trình bảy người đó cho các sứ đồ; các sứ đồ cầu nguyện rồi, thì đặt tay lên.

Dầu là chức vụ do các sứ đồ thiết lập để chăm lo các nhu cầu thuộc thể cho con dân Chúa trong Hội Thánh, nhưng phẩm chất của chấp sự không khác với phẩm chất của trưởng lão. Chúng ta có thể xem Công Vụ Các Sứ Đồ 6:3 và I Ti-mô-thê 3:10-13 là tiêu chuẩn Đức Thánh Linh đưa ra để Hội Thánh lựa chọn chấp sự:

“Những người đó cũng phải chịu thử thách trước đã, nếu không chỗ trách được thì mới được làm chức chấp sự. Những phụ nữ cũng vậy, phải nghiêm trang, chớ nói xấu, phải có tiết độ và trung tín trong mọi việc. Những nam chấp sự chỉ nên làm chồng của một vợ mà thôi, phải khéo cai trị con cái và nhà riêng mình. Vì ai khéo làm chức vụ mình thì được bực cao trọng và lòng rất dạn dĩ trong đức tin đến Đấng Christ Jesus” (I Ti-mô-thê 3:10-13).

Câu 11 đề cập đến “những phụ nữ” chứ không nói đến “vợ của những chấp sự” như một số bản dịch Anh và Việt đã dịch. Vì thế, theo văn mạch phải hiểu là những phụ nữ trong chức vụ nữ chấp sự. Từ ngữ “nghiêm trang” trong nguyên ngữ có nghĩa là: “đáng kính trọng.” Trong Rô-ma 16:1, Phao-lô nói đến nữ chấp sự Phê-bê của Hội Thánh tại Xen-cơ-rê:

“Tôi gởi gắm Phê-bê, người chị em chúng ta cho anh em, người làm nữ chấp sự của Hội Thánh Xen-cơ-rê.”

Ngày nay, có một số giáo phái mang danh là Hội Thánh của Chúa nhưng lại không cho phép phụ nữ được làm chấp sự!

Lời Kết về Các Chức Vụ Trong Hội Thánh

Đức Chúa Trời đã lập ra các chức vụ:

1. Sứ đồ.

2. Tiên tri.

3. Người dạy Lời Chúa, bao gồm: người giảng Tin Lành, người dạy giáo lý, người dạy những điều sâu nhiệm về Thánh Kinh và thần học.

4. Người chăn.

5. Người giám mục.

6. Người làm phép lạ.

7. Người chữa bệnh.

8. Người cứu giúp.

9. Người nói các ngoại ngữ.

10. Người thông giải các ngoại ngữ.

Mười chức vụ trên đây đều do các trưởng lão đảm nhận. Trưởng lão do sứ đồ cậy ơn Chúa chỉ định hoặc do chính Đức Thánh Linh chỉ ra cho Hội Thánh.

Riêng về những công việc giúp đỡ con dân Chúa trong các nhu cầu thuộc thể, thì Hội Thánh cậy ơn Chúa lựa chọn các chấp sự.

Trưởng lão và chấp sự đều phải là người hội đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất do Thánh Kinh đặt ra.

Huỳnh Christian Timothy
21.9.2013

Ghi Chú

[1] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G1411: G1411, được chuyển ngữ quốc tế thành (dynamis), phiên âm quốc tế là /dü’-nä-mēs/, phiên âm tiếng Việt là /đu-nơ-mít/.

[2] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G5059: G5059, được chuyển ngữ quốc tế thành (teras), phiên âm quốc tế là /te’-räs/, phiên âm tiếng Việt là /te-rát/.

[3] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G4592: G4592, được chuyển ngữ quốc tế thành (sēmeion), phiên âm quốc tế là /sā-mā’-on/, phiên âm tiếng Việt là /xê-mai-on/.

[4] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G1247: G1247, được chuyển ngữ quốc tế thành (diakoneō), phiên âm quốc tế là /dē-ä-ko-ne’-ō/, phiên âm tiếng Việt là /đi-a-kô-neo/.

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet: