Hỏi & Đáp: Thánh Ca và Nhạc Đời

5,293 views

Những Ý Tưởng Trong Ngày
Chức Năng Thánh Hóa Sự Diễn Đạt Tư Tưởng và Cảm Xúc

Chúa ban cho loài người chúng ta những dây tơ lòng, để diễn tả và thể hiện những sự nhận thức và cảm xúc của chúng ta, qua văn, thơ, nhạc, họa. Tiếc thay, phần lớn loài người đã dùng ơn phước đó của Chúa một cách sai lầm. Vì thế mà chúng ta có những “tác phẩm” đầy rên rỉ, đau thương, ủy mị, chán chường, tuyệt vọng, hận thù, cay đắng, ganh ghét, thô tục… và ngay cả ca ngợi tội lỗi, ca ngợi tà thần!

Thế nhưng, khi Chúa tái sinh chúng ta thì Ngài cũng ban cho chúng ta cái chức năng thánh hóa sự diễn đạt tư tưởng và cảm xúc, gọi là “nói ngôn ngữ mới” (Mác 16:17), nói tiếng mới chứ không phải là “nói tiếng lạ”, để những giai điệu, âm thanh xưa cũ, tội lỗi được biến thành những giai điệu, âm thanh tôn vinh, cảm tạ Thiên Chúa và nói lên sự vui mừng, bình an, hy vọng đầy phước hạnh của những ai ở trong Chúa. Thật, cảm tạ Chúa!

Từ nay, những lời ca thánh sẽ xua đi những lời ca không đẹp ý Chúa ra khỏi tâm trí của chúng ta, được chúng ta dâng lên Thiên Chúa trong thần trí của chúng ta, và đem lại niềm vui, sự an ủi, cùng sự dạy dỗ cho chúng ta. Cảm tạ Chúa!

Ha-lê-lu-gia!

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
28/01/2018

 

HỎI:

Con dân Chúa có nên đặt lời thánh ca cho các bài nhạc đời để hát tôn vinh Chúa hay không?

ĐÁP:

Xuất Ê-díp-tô Ký ghi lại câu chuyện dân I-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời cứu ra khỏi xứ Ê-díp-tô và Đức Chúa Trời truyền cho họ hỏi xin các loại vàng bạc, quần áo của dân Ê-díp-tô. Quần áo ấy được dân I-sơ-ra-ên sử dụng trong suốt 40 năm lang thang trong đồng vắng. Vàng bạc ấy ngoài một phần được dùng cách sai lầm trong việc đúc tượng một con bò con để qua đó thờ phượng Chúa, thì phần lớn được dùng vào việc xây dựng đền tạm để thờ phượng Chúa theo lệnh truyền của Chúa.

Điều quan trọng hơn hết là chính thân thể xác thịt của chúng ta đã từng đắm chìm trong tội lỗi, làm ra những sự gớm ghiếc trước Chúa, nhưng nay lại được chính Thiên Chúa dùng làm nơi ngự của Ngài, nơi danh Ngài được tôn cao và sự vinh quang của Ngài được chiếu sáng trong thế gian.

Vì thế, chúng ta thấy có một nguyên tắc trong Thánh Kinh về việc sử dụng những gì vốn thuộc về thế gian để làm tôn cao danh Chúa.

Việc đặt lời thánh ca cho các bản nhạc đời hay các điệu nhạc đời để tôn vinh Chúa không có gì là sai trái.

Vọng cổ và các bài dân ca Việt là các điệu nhạc dân gian của người Việt, nếu được đặt lời ca để tôn vinh Chúa thì các điệu nhạc ấy thì theo tôi không có gì sai, mà chỉ là phước hạnh. Nói cách khác, khi chúng ta đặt lời thánh cho nhạc đời là chúng ta dùng lẽ thật từ Thánh Kinh để thánh hóa những dòng nhạc đời. Một số bài mà chúng ta gọi là thánh ca truyền thống cũng là theo điệu các bài dân ca hoặc tình ca.

Francis (Fanny) Crosby là nữ nhạc sĩ viết lời cho trên 9000 bài thánh ca gọi là truyền thống, trong đó có các bài bà đặt lời theo điệu nhạc đời, như bài : “We Thank Thee, Our Father”: http://www.hymnary.org/text/we_thank_thee_our_father_for_all_we_have

Xin tham khảo hai bài dưới đây về việc đặt lời thánh ca cho nhạc đời:

Ngoài ra, những bài thơ, bài hát, bài văn ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình nhân loại, tình yêu nam nữ, tình yêu thân tộc, ca ngợi sự xinh đẹp của thiên nhiên… đều đáng được con dân Chúa ca hát. Chính Chúa ban cho chúng ta các thứ tình cảm ấy. Không có các thứ tình cảm ấy thì không phải là loài người. Sách Nhã Ca trong Thánh Kinh là một điển hình.

Trang Karaoke Thánh Ca: https://www.youtube.com/channel/UChI_BsI2T1p0wClkzZKTjlQ

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ
Huỳnh Christian Timothy

 

TÁC QUYỀN CÁC BẢN NHẠC

Tác quyền, tức là quyền của người sáng tác, là một quyền được ghi nhận trong mọi quốc gia trên thế giới (trong tiếng Anh gọi là “Copyright”). Khi một người sáng tác ra một sản phẩm thì người ấy có độc quyền trong việc sản xuất, sử dụng, và phân phối sản phẩm ấy trong sự giới hạn và sự ngoại trừ của luật tác quyền. Nhiều người gọi “sự giới hạn và sự ngoại trừ của luật tác quyền” là “Quyền của những người sử dụng”. Một trong các điều khoản của “sự giới hạn và sự ngoại trừ của luật tác quyền” là “quyền sử dụng hợp pháp” (trong tiếng Anh gọi là “Fair use”).

Sự đặt lời mới theo điệu nhạc của một bản nhạc có tác quyền không vi phạm tác quyền của bản nhạc ấy vì thuộc về quyền sử dụng hợp pháp (trong tiếng Anh gọi là “Transformative Fair Use for Music”). Người đặt lời mới không cần xin phép tác giả của bản nhạc [1].

Sự phổ biến lời mới theo một điệu nhạc có tác quyền kèm theo giai điệu của bản nhạc đó, NẾU có ghi rõ tên bản nhạc và tên tác giả, với tính cách thông tin, giải trí, không thu tiền, thuộc về quyền sử dụng hợp pháp, không cần xin phép tác giả của bản nhạc.

Người ca hát lời mới theo điệu nhạc của bản nhạc có tác quyền không vi phạm tác quyền của bản nhạc và của lời mới, nếu không phải là ca hát để thu tiền. Nếu có thu tiền hoặc ca hát để ghi âm và bán ra tiếng hát được ghi âm, thì phải xin phép tác giả của bản nhạc lẫn tác giả viết lời nhạc.

Việc con dân Chúa đặt lời thánh ca theo điệu nhạc đời mà không xin phép tác giả của bản nhạc là hợp pháp theo điều luật “quyền sử dụng hợp pháp âm nhạc trong việc biến đổi” (Transformative Fair Use for Music) trong luật tác quyền (Copyright), vì không thay đổi giai điệu của bản nhạc mà chỉ mượn giai điệu của bản nhạc để làm cho người nghe hiểu rõ ý nghĩa của lời thánh ca. Nói cách khác là làm cho lời thánh ca được biến đổi (transformed) trong khi vẫn giữ nguyên giai điệu của bản nhạc.

Việc vi phạm tác quyền của một bản nhạc trong tiếng Việt gọi là “đạo nhạc” (ăn cắp nhạc). Dưới đây là các hình thức đạo nhạc:

  • Sử dụng, phổ biến một bản nhạc có tác quyền nhưng không ghi rõ tên của tác giả, mà lại ghi tên của mình, hoặc nói bóng gió khiến cho người khác hiểu lầm mình là tác giả.

  • Sử dụng, phổ biến một bản nhạc có tác quyền với mục đích thu tiền mà không xin phép tác giả.

  • Đặt lời mới cho một bản nhạc có tác quyền mà không ghi rõ tên bản nhạc và tên tác giả của bản nhạc.

Ngoài ra, đặt lời mới cho một bản nhạc KHÔNG CÓ TÁC QUYỀN mà không ghi rõ tên bản nhạc và tên tác giả cũng là một hành động đạo nhạc. Ngay cả khi đó là một bài dân ca lâu đời, không ai biết tên tác giả, thì người đặt lời mới cũng phải ghi là: “Theo điệu dân ca…” Thay thế dấu ba chấm bằng tên của dân tộc làm ra bài dân ca đó. Thí dụ: “Theo điệu dân ca Việt Nam”.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Huỳnh Christian Timothy
27/10/2017

[1] https://www.coursera.org/learn/copyright-for-multimedia/lecture/BMPix/tr…