Hãy Xé Lòng! Đừng Xé Áo!

1,116 views

YouTube: https://youtu.be/xhgrvzcff0g

202220 Bài Giảng Trong Năm 2022
Hãy Xé Lòng! Đừng Xé Áo!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Kính thưa Hội Thánh,

Qua các sự kiện tội lỗi xảy ra trong Hội Thánh, Chúa đã ban cho chúng tôi sự nhận thức rất rõ ràng về nguồn gốc của sự con dân Chúa phạm tội. Đức Thánh Linh đã giúp cho chúng tôi hiểu rằng, sở dĩ có nhiều con dân Chúa vẫn còn phạm tội trong Hội Thánh là vì họ chỉ tin Chúa trong lý trí chứ không tin Chúa trong thần trí. Ngài đã soi dẫn cho chúng tôi biên soạn và giảng bài giảng: “Tin Chúa Trong Lý Trí và Tin Chúa Trong Thần Trí”, cùng với biên soạn lời thánh ca “Tình Chúa In Dấu Trong Tim Tôi” [1], [2]. Bài giảng đó và bài thánh ca đó nhằm giúp cho tất cả chúng ta cùng có cơ hội để tự hỏi mình hai điều: Chúng ta có tin Chúa trong thần trí và thờ phượng Chúa trong thần trí hay không? Chúng ta có thật sự cảm nhận tình yêu của Chúa và sống nếp sống thể hiện sự biết ơn Ngài hay không?

Tiếp theo đó, chúng tôi vẫn có sự thôi thúc để biên soạn bài giảng kế tiếp, nhằm kêu gọi con dân Chúa thật lòng ăn năn trong thần trí. Vì thế, bài giảng của tuần này như là lời kêu gọi của Chúa cho tất cả những ai là con dân Chúa mà chưa từng tin Chúa trong thần trí, chưa từng từ bỏ chính mình và mọi sự trong thế gian để chịu khổ mỗi ngày mà đi theo Chúa, thì hãy ăn năn. Ngoài ra, kèm theo bài giảng là lời thánh ca “Vì Chúa Yêu Anh” [3] để biến lời kêu gọi ăn năn thành một ca khúc thánh.

Chúng tôi tha thiết mong rằng, tình yêu và sức mạnh của Thiên Chúa, qua bài giảng và bài thánh ca tuần này, sẽ làm vỡ tan bất cứ tấm lòng cứng rắn nào còn lại trong con dân Chúa. Để những trái tim bằng đá được Đức Thánh Linh thay thế với những trái tim bằng thịt. Để toàn Hội Thánh được sẵn sàng cho sự đến của Đấng Christ. Ngày ấy đã rất gần rồi.

Chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm lời Thiên Chúa kêu gọi con dân của Ngài ăn năn, qua Tiên Tri Giô-ên:

Hãy xé lòng của các ngươi, đừng xé áo của các ngươi. Hãy trở lại với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của các ngươi. Vì Ngài là từ ái và thương xót, chậm giận và nhiều sự lành, đổi ý về sự dữ.” (Giô-ên 2:13).

Tên Giô-ên có nghĩa là: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Thiên Chúa. Giô-ên là tiên tri của Đức Chúa Trời, được Ngài sai đến với dân I-sơ-ra-ên thuộc vương quốc Giu-đa, cùng với Tiên Tri Giê-rê-mi, kêu gọi họ ăn năn, trước khi Ngài giáng hình phạt lớn trên vương quốc của họ. Tiên Tri Giê-rê-mi bắt đầu thi hành mục vụ vào khoảng năm 627 TCN và mục vụ của ông đã kéo dài khoảng 40 năm. Còn khoảng thời gian Giô-ên thi hành mục vụ có thể là từ năm 606 TCN cho tới năm 587 TCN. Đó là khoảng thời gian Vua Nê-bu-cát-nết-sa của đế quốc Ba-bi-lôn nhiều lần tiến công Giê-ru-sa-lem và bắt dân Giu-đa, đem về Ba-bi-lôn, buộc làm nô lệ. Cuối cùng, vì dân Giu-đa vẫn cứng lòng, không ăn năn, không vâng phục Thiên Chúa, nên vào ngày 29 tháng 07 năm 587 TCN thì thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thiên Chúa đã bị hủy diệt bởi quân đội Ba-bi-lôn. Dù vậy, lời giảng dạy và kêu gọi của Tiên Tri Giô-ên lẫn Tiên Tri Giê-rê-mi chắc chắn đã gây dựng đức tin cho một số rất ít người Giu-đa. Qua Thánh Kinh, chúng ta biết, Đa-ni-ên và ba người bạn của ông đã bị bắt làm nô lệ trong cung điện của Vua Nê-bu-cát-nết-sa. Nhưng lòng tin kính Chúa của họ rất vững vàng. Sách Đa-ni-ên đoạn 1, đoạn 3, và đoạn 6 đã ghi lại gương đức tin của họ.

Chúng ta biết rằng, Giô-ên thi hành mục vụ sau Giê-rê-mi. Vì trong Giô-ên 1:6 cho biết, khi Giô-ên bắt đầu mục vụ thì vương quốc Giu-đa đã bị một dân mạnh sức tấn công, tức là dân Canh-đê của đế quốc Ba-bi-lôn.

Tiên Tri Giô-ên không nói đến dân Giu-đa đã phạm tội như thế nào, ông chỉ nêu lên hai sự thiệt hại lớn mà Đức Chúa Trời đã cho phép xảy ra trên vương quốc Giu-đa. Đó là nạn cào cào, châu chấu tàn phá nông sản và nạn hạn hán lớn làm chết cây cối còn lại cùng súc vật. Tiếp theo đó là lời kêu gọi dân Giu-đa ăn năn và lời cảnh cáo về tai họa lớn sẽ giáng xuống trên họ, nếu họ không ăn năn.

Lịch sử của dân I-sơ-ra-ên được ghi lại trong Thánh Kinh cho chúng ta thấy, sự hành động theo lý trí của Vua Sa-lô-môn đã dẫn đến sự vua phạm tội xây dựng các đền thờ tà thần trên lãnh thổ của I-sơ-ra-ên, khiến cho Đức Chúa Trời phạt vương quốc I-sơ-ra-ên bị chia thành hai vương quốc. Vương quốc I-sơ-ra-ên ở phía bắc với mười chi phái, ra khỏi quyền cai trị của nhà Đa-vít; (chi phái Giô-sép chia thành hai chi phái: Ma-na-se và Ép-ra-im). Vương quốc Giu-đa ở phía nam bao gồm chi phái Giu-đa và chi phái Bên-gia-min. Riêng chi phái Lê-vi không được kể đến, vì họ được biệt riêng để phụng sự Đền Thờ Thiên Chúa. Và vì thế, chi phái Lê-vi đương nhiên ở lại trong vương quốc Giu-đa.

Sau khi bị chia thành hai vương quốc thì các vua, các quan, các trưởng lão, thậm chí cả các thầy tế lễ, cùng dân chúng của cả hai vương quốc đều tiếp tục phạm tội thờ lạy thần tượng và đủ các loại tội khác, suốt trong nhiều đời. Ngay cả khi họ thờ phượng Thiên Chúa thì họ cũng chen vào các thói tục mê tín dị đoan của ngoại giáo. Thiên Chúa đã dấy lên các tiên tri để cảnh cáo cả hai vương quốc, kêu gọi họ ăn năn. Nhưng không có vương quốc nào ăn năn. Vì thế, vào năm 722 TCN, vương quốc I-sơ-ra-ên đã bị hủy diệt bởi đế quốc A-si-ri (II Các Vua 17). Vào năm 587 TCN, vương quốc Giu-đa đã bị hủy diệt bởi đế quốc Ba-bi-lôn (II Các Vua 24 và 25).

Xét về vương quốc Giu-đa, trước khi bị hủy diệt bởi đế quốc Ba-bi-lôn thì Đức Chúa Trời đã ban cho dân Giu-đa có một nhà vua biết kính sợ Chúa và yêu thương dân. Đó là Vua Giô-si-a. Giô-si-a lên ngai lúc tám tuổi và cai trị 31 năm. Vua Giô-si-a đã cho phá hủy các đền thờ tà thần, diệt trừ những hình tượng, những đồng cốt và những thầy bói. Lời Chúa chép về Vua Giô-si-a như sau:

Trước người, chẳng có vua nào hết lòng mình, hết linh hồn mình, hết sức mình giống như người, quay lại cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, theo mọi luật pháp của Môi-se; và sau người cũng chẳng có ai trỗi lên giống như người.” (II Các Vua 23:25).

Ngoài ra, Đức Chúa Trời cũng sai Tiên Tri Giê-rê-mi rao giảng cho họ suốt 40 năm. Giê-rê-mi đã bắt đầu rao giảng cho dân Giu-đa vào năm thứ 13 của triều Vua Giô-si-a, lúc Giô-si-a được 21 tuổi. Nhưng tình trạng thuộc linh của dân Giu-đa trong lúc ấy đã được tóm gọn trong một câu, như sau:

Vì trong vòng họ, từ kẻ rất nhỏ cho đến người rất lớn, đều tham lam; từ kẻ tiên tri cho đến thầy tế lễ, đều làm sự giả dối.” (Giê-rê-mi 6:13).

Sau khi Vua Nê-bu-cát-nết-sa đem quân tiến công thành Giê-ru-sa-lem lần thứ nhất vào năm 606 TCN, Đức Chúa Trời đã sai thêm Tiên Tri Giô-ên đến với dân Giu-đa để kêu gọi họ ăn năn. Trước đó, nạn cào cào, châu chấu đã phá hủy nông sản. Tiếp theo là nạn hạn hán lớn đã làm chết những cây cối còn lại sau nạn cào cào, châu chấu; làm chết cả gia súc lẫn thú rừng; và có thể làm chết rất nhiều người. Hai nạn đó đã được Đức Chúa Trời cho phép xảy ra như đòn phạt cảnh cáo. Thế nhưng dân Giu-đa vẫn không hạ mình ăn năn.

Đối với con dân Chúa ngày nay, về phương diện thuộc linh cũng có thể xảy ra hai nạn. Nạn cào cào, châu chấu có thể tiêu biểu cho những ý tưởng tội lỗi đến từ ý riêng và ma quỷ, tàn phá những gì tốt đẹp của Lời Chúa trong tâm thần của người không hết lòng, hết linh hồn, hết sức trong sự tin kính Thiên Chúa. Nạn hạn hán có thể tiêu biểu cho sự khô cạn thánh linh của Thiên Chúa khiến cho những gì còn sót lại của Lời Chúa trong tâm thần của người ấy cũng trở thành vô ích. Nguồn nước của sự sống chảy từ trong lòng người tin Chúa (Giăng 4:14) sẽ cạn khô, khi họ tin Chúa chỉ trong lý trí và sống theo lý trí. Sự triệt hạ thành Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ Thiên Chúa, bắt dân Giu-đa làm phu tù có thể tiêu biểu cho sự Hội Thánh địa phương của người ấy bị cất đi, khi có sự phạm tội tập thể trong Hội Thánh, mà không có sự ăn năn; thân thể xác thịt của người ấy không còn là Đền Thờ của Thiên Chúa và linh hồn của người ấy hoàn toàn trở thành nô lệ của ma quỷ.

Cảm tạ Đức Chúa Trời về sự từ ái rất lớn của Ngài. Trước khi giáng hình phạt lớn trên một người, trên một tập thể, hay trên một quốc gia, và đặc biệt là trên một Hội Thánh địa phương (Khải Huyền 2, 3), Ngài đều ban cho nhiều cơ hội để những kẻ có tội ăn năn. Bởi đó, chúng ta hiểu rằng, chỉ khi một người đã hoàn toàn cứng lòng, dửng dưng trước tình yêu của Đức Chúa Trời thì người ấy mới thản nhiên chọn tiếp tục sống trong tội. Có người vì quá xem trọng lòng tự ái không đúng. Có người vì quá kiêu ngạo, không cho rằng mình có thể sai. Có người vì quá tham muốn quyền lực, danh vọng, của cải trong thế gian. Có người vì quá ham muốn những thú vui tội lỗi, trong đó, tội tà dâm và lòng tham tiền bạc cùng đứng hàng đầu… Cũng có những người biết ăn năn nhưng chỉ là sự ăn năn trong lý trí. Tức là ăn năn theo ý riêng, ăn năn mà vẫn tìm cách bào chữa, ăn năn mà không phục người chỉ ra tội lỗi của mình, ăn năn mà vẫn muốn bảo vệ cái tôi bởi lòng tự ái không đúng. Sự ăn năn trong lý trí dẫn đến hành động tội lỗi tiếp theo, như Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Còn sự ăn năn trong thần trí khiến cho người phạm tội hoàn toàn tan vỡ tấm lòng, nhận thấy mình là vô cùng thấp hèn, không xứng đáng với Chúa và với Hội Thánh của Ngài. Lời cầu nguyện của Vua Đa-vít được ghi lại trong Thi Thiên 51 thể hiện sự ăn năn trong thần trí.

Các dân tộc vùng Trung Đông đều có chung phong tục xé áo để thể hiện sự đau buồn rất lớn, như khi than khóc về người thân đã qua đời. Hoặc khi hạ mình trước các thần linh để cầu xin sự tha thứ hay sự cứu giúp. Riêng đối với dân I-sơ-ra-ên, hành động xé áo còn được dùng để thể hiện sự bối rối, hoảng sợ, khi biết tai nạn lớn sắp xảy đến. Như trường hợp của Vua Ê-xê-chia, khi nghe tin thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị kẻ thù tiến công (Ê-sai 37:1). Hoặc được dùng để thể hiện sự tức giận, khi thấy Thiên Chúa bị ai đó phạm thượng bằng lời nói hoặc hành động. Như trường hợp Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Cai-phe khi ông cho rằng, Đức Chúa Jesus đã nói phạm thượng Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 26:65). Hành động xé áo còn được dân I-sơ-ra-ên dùng để tỏ lòng ăn năn, thống hối với Đức Chúa Trời về sự phạm tội của họ. Có khi sự xé áo kèm theo sự rải tro hoặc rải bụi đất trên đầu, có khi kèm theo sự kiêng ăn và quấn mình bằng bao lông dê. Bao hay túi lông dê được làm từ loại vải thô, nhám dệt bằng lông dê đen để đựng ngũ cốc.

Chiếc áo ban đầu được loài người kết bằng lá vả, dùng để che đậy thân thể đã mất đi sự vinh quang của Thiên Chúa, sau khi phạm tội (Rô-ma 3:23). Chiếc áo kế tiếp được Thiên Chúa lấy da thú kết thành, tự tay Ngài mặc cho loài người để che đi sự lõa lồ của họ và giúp giữ ấm cho họ (Sáng Thế Ký 3:7, 21). Kể từ đó, chiếc áo vừa giúp bảo vệ thân thể của loài người, vừa mang lại cho loài người một sự vinh quang tạm, qua nét đẹp của áo. Thực tế, chiếc áo đã được loài người dùng để thể hiện địa vị và tư cách của mình. Vì thế, hành động xé áo nói lên nỗi đau buồn rất lớn, khiến cho một người không còn tha thiết gì đến sự tiện nghi, quyền thế, địa vị, thậm chí nhân phẩm. Sự đau buồn to lớn, dù là đau buồn vì người thân qua đời, hay đau buồn về sự tai họa lớn sắp đến, hay đau buồn về sự phạm tội khiến cho một người cảm thấy như mình đã mất tất cả, đến nỗi chính mình cũng không còn giá trị gì.

Sự xé áo khiến cho thân thể bị lõa lồ nên người xé áo khi xưa phải dùng bao lông dê là một loại vải thô nhám để tạm che thân. Cách làm đó tương tự như ngày nay người ta dùng các loại bao đựng gạo, đựng các loại đậu để che thân. Tro hoặc bụi được xem là dấu hiệu của sự thấp hèn được rải lên đầu để tự hạ thấp mình. Ngồi trong tro, bụi là dấu hiệu của sự hòa mình vào trong sự thấp hèn. Sự kiêng ăn và ngay cả kiêng uống thể hiện lòng đau thương đã khiến cho thân thể xác thịt không còn quan tâm đến nhu cầu của sự sống.

Thánh Kinh có ghi lại sự xé áo ăn năn của một dân tộc không phải là dân I-sơ-ra-ên. Sự ăn năn đó đã được Đức Chúa Trời chấp nhận. Vì đó là sự thể hiện sự ăn năn thật lòng trong họ. Dân thành Ni-ni-ve từ vua cho đến dân đã xé áo, mặc bao lông dê, ngồi trong tro bụi, kiêng ăn, kiêng uống, sau khi nghe Tiên Tri Giô-na tuyên bố: “Còn bốn mươi ngày nữa, Ni-ni-ve sẽ bị đổ xuống”. Ngay cả súc vật cũng được họ cho mặc bao lông dê (Giô-na 3). Sự ăn năn của dân thành Ni-ni-ve là sự ăn năn xuất phát từ thần trí. Họ đã xé lòng trước khi xé áo. Đức Chúa Trời muốn cho con dân của Ngài cũng ăn năn trong thần trí. Lời kêu gọi của Ngài đối với dân Giu-đa, qua Tiên Tri Giô-ên, cũng chính là lời kêu gọi chung cho bất cứ ai đã là con dân của Ngài nhưng vẫn đang sống theo xác thịt, vẫn cứ phạm tội.

Hãy xé lòng của các ngươi, đừng xé áo của các ngươi. Hãy trở lại với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của các ngươi. Vì Ngài là từ ái và thương xót, chậm giận và nhiều sự lành, đổi ý về sự dữ.” (Giô-ên 2:13).

Hãy xé lòng của các ngươi, đừng xé áo của các ngươi”: Trước khi thể hiện sự ăn năn thành hành động của thân thể xác thịt thì thân thể thiêng liêng là tâm thần phải thật sự nhận thức mình là tội nhân, cần phải ăn năn để được Đức Chúa Trời tha thứ. Sự ăn năn được Đức Chúa Trời chấp nhận là sự hoàn toàn nhận thức trong thần trí sự ghê gớm, đáng chết của mình về tội lỗi đã làm ra, biết mình đáng bị ném vào hỏa ngục, biết chỉ bởi sự thương xót của Đức Chúa Trời và lòng ăn năn chân thật của mình mới có thể khiến cho mình được Đức Chúa Trời tiếp nhận trở lại. Sự xé lòng là sự khiêm nhường, hạ mình, đau đớn trong thần trí vì sự phạm tội của mình. Người xé lòng nhận thức trong thần trí rằng, mình phạm tội là vì mình đã chiều theo sự ham muốn của xác thịt: chiều theo lòng kiêu ngạo, lòng tự ái không đúng, lòng tham lam, lòng ganh tị, lòng ưa thích tà dâm… Người xé lòng không đổ thừa cho hoàn cảnh, cho người khác; không bực tức người chỉ tội của mình, trái lại còn mang lòng biết ơn. Người xé lòng thật sự sợ hãi vì biết mình đã xem thường ơn thương xót của Đức Chúa Trời, đã đem mầm tai họa vào trong Hội Thánh, bởi sự phạm tội của mình.

Hãy trở lại với Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của các ngươi”: Người phạm tội là người đã tự mình xa rời khỏi Thiên Chúa và đã bị Thiên Chúa phân rẽ ra khỏi Ngài; dù người ấy chưa bị Hội Thánh chính thức dứt thông công.

Nhưng bởi sự gian ác của các ngươi đã làm phân cách giữa các ngươi và Thiên Chúa của các ngươi; và những tội lỗi của các ngươi đã che khuất mặt Ngài khỏi các ngươi mà Ngài không nghe các ngươi nữa.” (Ê-sai 59:2).

Vì thế, Thiên Chúa đã kêu gọi người ấy hãy trở lại với Ngài. Người phạm tội chỉ có thể trở lại với Thiên Chúa bằng sự xé lòng chứ không bằng sự xé áo; bằng sự ăn năn trong thần trí chứ không bằng lời nói và hành động bên ngoài.

Vì Ngài là từ ái và thương xót, chậm giận và nhiều sự lành, đổi ý về sự dữ”: Thiên Chúa là từ ái vì Ngài đối xử tốt với loài người qua sự yêu thương, dịu dàng, chân thật, đồng cảm, tha thứ, cứu giúp, và khích lệ. Thiên Chúa là thương xót vì Ngài đồng cảm và ban ơn cho những kẻ yếu đuối, bất hạnh. Thiên Chúa là chậm giận vì Ngài ban cho tội nhân nhiều cơ hội để ăn năn. Thiên Chúa là nhiều sự lành vì Ngài là thiện, sự từ ái của Ngài còn mãi, sự thành tín của Ngài còn tới đời đời:

Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là thiện. Sự từ ái của Ngài còn mãi, và sự thành tín của Ngài còn tới đời đời.” (Thi Thiên 100:5).

Thiên Chúa đổi ý về sự dữ”: Mặc dù Thiên Chúa làm ra sự dữ để hình phạt những kẻ ác nhưng Ngài sẽ đổi ý về sự hình phạt, nếu kẻ có tội thật lòng ăn năn.

Ta hình thành sự sáng và sáng tạo sự tối tăm. Ta làm ra sự bình an và sáng tạo sự dữ. Ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, làm mọi sự đó.” (Ê-sai 45:7).

Và Đức Chúa Trời đã thấy các việc họ làm, tức là họ đã lìa bỏ khỏi đường lối xấu của họ. Đức Chúa Trời đã đổi ý về sự họa mà Ngài đã phán Ngài sẽ làm cho họ; và Ngài đã không làm. (Giô-na 3:10).

Nếu chúng ta xưng nhận những tội lỗi của mình, thì Ngài là thành tín công chính để tha thứ cho chúng ta những tội lỗi của chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều không công chính.” (I Giăng 1:9).

Sự xưng nhận tội lỗi không phải chỉ là lời nói trên môi miệng, mà phải là lời nói được tác động bởi sự ăn năn trong thần trí.

Chúng ta hãy đọc và suy ngẫm mấy lời sau đây:

Rồi, Ngài phán với hết thảy mọi người: Nếu ai muốn đến, theo Ta, người ấy hãy từ bỏ chính mình, mỗi ngày vác thập tự giá của mình mà theo Ta.” (Lu-ca 9:23).

Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:7-8).

Họ không thuộc về thế gian, cũng như con không thuộc về thế gian. Xin Ngài thánh hóa họ bởi Lẽ Thật của Ngài. Lời Ngài là Lẽ Thật.” (Giăng 17:16-17).

Nhưng giờ đến và là bây giờ, khi những người thờ phượng thật sẽ thờ phượng Đức Cha trong thần trí và trong lẽ thật. Vì Đức Cha tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy. Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong thần trí và trong lẽ thật.” (Giăng 4:23-24).

Chúng ta hãy từ bỏ chính mình và mọi sự trong thế gian để mỗi ngày chịu khổ mà đi theo Chúa. Chúng ta đừng sống cho chính mình nữa mà hãy sống cho Chúa và chết cho Chúa. Có như vậy, chúng ta mới không còn phạm tội. Chúng ta hãy cùng nhau để cho Lời Chúa thánh hóa chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời trong thần trí và trong lẽ thật; thờ phượng Ngài theo sự Ngài đã bày tỏ cho chúng ta trong tâm thần; thờ phượng Ngài theo đúng lẽ thật của Thánh Kinh; thờ phượng Ngài trong sự vâng giữ trọn vẹn Mười Điều Răn của Ngài, kể cả sự tôn thánh ngày Sa-bát của Ngài [4].

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
29/10/2022

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieutinlanh.com/tin-chua-trong-ly-tri-va-tin-chua-trong-than-tri/

[2] https://karaokethanhca.net/tinh-chua-in-dau-trong-tim-toi/

[3] https://karaokethanhca.net/vi-chua-yeu-anh/

[4] https://www.timhieutinlanh.com/?p=3112

Karaoke Thánh Ca: “Vì Chúa Yêu Anh”
https://karaokethanhca.net/vi-chua-yeu-anh/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.