Hãy Trung Tín

2,264 views

YouTube: https://youtu.be/r_dqjYNc4Fc

202104 Bài Giảng Trong Năm 2021
Hãy Trung Tín

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Cùng một từ ngữ trong nguyên ngữ của Thánh Kinh có thể được dịch sang tiếng Việt là “thành tín” hoặc “trung tín”.

Thành tín có nghĩa là chân thật hoàn thành lời hứa, được dùng cho Thiên Chúa. Trung tín có nghĩa là chân thật và hết lòng làm tròn bổn phận được giao phó một cách đáng tin cậy, được dùng cho loài người. Ngoài ra, để chỉ sự loài người giữ lời hứa, chúng ta còn có chữ “thủ tín”, nghĩa là giữ gìn sự thành thật, sự đáng tin cậy bằng cách làm tròn lời hứa.

Trung tín là một phẩm chất cao quý Thiên Chúa ban cho loài người, để họ thi hành bổn phận đối với Thiên Chúa và đối với nhau. Thiên Chúa là tình yêu và Ngài đã dựng nên loài người giống như Ngài. Vì thế, loài người cũng biết yêu như Thiên Chúa. Tình yêu của loài người trước hết là đối với Thiên Chúa, kế đó là đối với nhau. Tình yêu phát sinh bổn phận. Bổn phận của loài người đối với Thiên Chúa là phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết tâm trí mà yêu Ngài. Bổn phận của loài người đối với nhau là phải yêu người lân cận như chính mình. Người lân cận là bất cứ ai mà chúng ta gặp được trong đời sống của mình.

Sau khi loài người phạm tội thì lương tâm bị chai lì, lòng trung tín cũng bị hư hoại. Nhưng bất cứ ai tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, được Ngài phục hồi địa vị làm con của Ngài, thì người ấy cũng được phục hồi lương tâm, phục hồi lòng trung tín. Bởi đó, người ấy có thể làm tròn bổn phận của tình yêu đối với Chúa và đối với người. Vậy, như thế nào là trung tín trong sự yêu Chúa và yêu người?

Lòng trung tín của loài người đối với Thiên Chúa được thể hiện qua bốn phương diện trong sự yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức, và hết tâm trí.

Chữ “lòng” có nghĩa đen là trái tim và có nghĩa bóng là tình cảm, tức mọi cảm xúc bên trong, như: vui, buồn, giận, ghét, nghi ngờ, tin cậy, bình an, sợ hãi, lo lắng, băn khoăn… Khoa tâm lý học cho rằng, loài người có ít nhất là 40 cảm xúc khác nhau [1]. Hết lòng yêu Chúa là trọn vẹn tình cảm của chúng ta đều hướng về Chúa và dựa vào tình yêu mà Chúa đã đặt để trong chúng ta, khi Ngài tái sinh chúng ta. Chúng ta yêu những gì Chúa yêu và ghét những gì Chúa ghét. Chúng ta kính sợ Chúa vì chúng ta yêu kính Chúa, không muốn làm cho Chúa đau buồn. Chúng ta trấn áp sự sợ hãi do thế gian gây ra bằng sự bình an đến từ Chúa và sự hiểu biết Chúa không hề rời bỏ chúng ta. Chúng ta vui khi nhìn thấy hoặc cảm nhận những điều công chính. Chúng ta đau buồn khi đối diện với mọi sự gian ác, bất công. Chúng ta dẹp đi những cảm xúc cô đơn, buồn chán bằng sự vui mừng, phấn khởi trong sự hiểu biết Lời Chúa và bởi sự cảm nhận Chúa luôn đồng hành bên mình. Chúng ta đắc thắng mọi lo âu, nghi ngờ trong cuộc sống bằng sự tin cậy vào sự thành tín và sự dẫn dắt của Chúa…

Chữ “linh hồn” vừa chỉ bản ngã của chúng ta, vừa chỉ sự sống của chúng ta. Hết linh hồn yêu Chúa là trọn con người và sự sống của chúng ta đều thực hữu bởi Chúa, trong Chúa, vì Chúa, và cho Chúa:

“Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, nên tôi không còn sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Sự sống ấy mà tôi đang sống trong xác thịt, là tôi sống bởi đức tin vào trong Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20).

“Vì chẳng có người nào trong chúng ta sống cho chính mình; cũng chẳng có người nào chết cho chính mình. Vì nếu chúng ta sống, chúng ta sống cho Chúa. Cũng vậy, nếu chúng ta chết, chúng ta chết cho Chúa. Vậy nên, dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa.” (Rô-ma 14:7-8).

Chúng ta đã được Chúa làm ra, đã được Chúa tái tạo, vì thế, sự thực hữu của chúng ta là trong Chúa, vì Chúa, và cho Chúa. Sống trong Chúa là sống với đức tin nơi Ngài và vâng theo Lời Ngài. Sống vì Chúa là mọi sự chúng ta làm đều vì sự vinh quang của Chúa, tức là chiếu ra tình yêu, sự thánh khiết, và sự công chính của Chúa. Sống cho Chúa là sống để làm tròn mọi ý muốn của Chúa. Trong đó, có ý muốn của Chúa về sự Ngài muốn cho chúng ta luôn bình an và hạnh phúc trong Ngài. Muốn được bình an và hạnh phúc trong Chúa thì phải vâng giữ các điều răn của Ngài. Vì thế, việc đầu tiên mà chúng ta sống cho Chúa chính là vâng giữ các điều răn của Ngài. Việc kế tiếp mà chúng ta sống cho Chúa chính là cai trị cơ nghiệp của Ngài. Cơ nghiệp của Chúa là toàn bộ công trình sáng tạo của Ngài. Cơ nghiệp đó sẽ hoàn toàn do chúng ta đồng trị với Đấng Christ. Nhưng ngay giờ phút này, chúng ta đang trong giai đoạn học tập cai trị bằng cách cai trị chính con người xác thịt của mình. Việc sau cùng mà chúng ta sống cho Chúa là chúng ta theo ý Chúa, làm ra bất cứ những gì Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta, để giúp cho Nước Trời mau đến trên đất. Có nghĩa là chúng ta sốt sắng rao giảng Tin Lành, đưa dắt nhiều người đến với sự cứu rỗi của Chúa. Cùng lúc, chúng ta sốt sắng gây dựng anh chị em trong Chúa lẫn nhau, để ai nấy đứng vững trong đức tin, thêm sự hiểu biết Lời Chúa, và kết nhiều quả lành trong sự hầu việc Chúa.

Chữ “sức” có nghĩa là sức mạnh và khả năng làm việc của thân thể xác thịt. Hết sức yêu Chúa là thể hiện sự yêu Chúa bằng tận năng lực trong mọi việc làm của thân thể xác thịt. Có nghĩa là làm bất cứ việc gì cũng tận sức và tận khả năng, như làm cho Chúa, chiếu sáng sự vinh quang của Chúa cho thế gian.

“Bất cứ làm việc gì, các anh chị em hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa chứ không phải làm cho loài người.” (Cô-lô-se 3:23).

Chữ “tâm trí” có nghĩa là sự nhận thức, sự lý luận, và sự quyết định. Hết tâm trí yêu Chúa trước hết là luôn suy ngẫm Lời Chúa để cẩn thận làm theo:

“Cuốn Sách Luật Pháp này chớ xa miệng ngươi, nhưng ngươi hãy suy ngẫm ngày và đêm, để cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong. Vì như vậy, ngươi sẽ được thịnh vượng trong đường lối mình và ngươi sẽ hành động thông sáng.” (Giô-suê 1:8).

Kế tiếp là luôn dùng Lời Chúa làm nền tảng cho mọi nhận thức, mọi suy luận, và mọi quyết định. Con dân Chúa không nhận thức theo cách nhận thức của thế gian. Thí dụ: Người thế gian nhận thức hình tượng là thiêng liêng hoặc xinh đẹp, và bỏ tiền ra mua về, trưng bày trong nhà. Con dân Chúa nhận thức hình tượng là vật Chúa cấm làm, là vật ô uế đối với Chúa, và dứt khoát tránh xa chúng. Con dân Chúa không suy luận theo cách suy luận của thế gian. Thí dụ: Người thế gian suy luận rằng, pha trộn hàng tốt với hàng xấu để bán theo giá hàng tốt, thì sẽ kiếm lời được nhiều hơn. Con dân Chúa không suy luận như vậy; và nếu có ai gợi ý cho thì sẽ thẳng thắn bác bỏ. Con dân Chúa không quyết định theo cách quyết định của thế gian. Thí dụ: Người thế gian quyết định hành động sao cho mình có lợi hơn người khác, mình được an toàn hơn người khác. Con dân Chúa quyết định sao cho người khác cũng có lợi như mình, được an toàn như mình.

Ngoài ra, con dân Chúa còn luôn nghĩ đến những điều đẹp ý Chúa, giữ cho mình luôn thánh khiết, luôn vui mừng và bình an trong Chúa:

“Sau hết, hỡi các anh chị em cùng Cha! Bất cứ những điều gì chân thật, những điều gì đáng tôn, những điều gì công bình, những điều gì thánh sạch, những điều gì đáng yêu chuộng, những điều gì có tiếng tốt, nếu là trọn lành và nếu là đáng khen thì các anh chị em phải nghĩ đến những điều ấy.” (Phi-líp 4:8).

Khi con dân Chúa làm tròn bổn phận tình yêu đối với Chúa thì cũng cùng lúc làm tròn bổn phận tình yêu đối với người.

Vì khi con dân Chúa hết lòng yêu Chúa, thì tình yêu của Chúa ở trong con dân Chúa sẽ giúp cho họ yêu mọi người như Chúa yêu mọi người, đồng cảm với mọi người, nhân từ với mọi người, và xem trọng mọi người. Khi con dân Chúa hết linh hồn yêu Chúa thì con dân Chúa sẽ làm theo lời dạy của Chúa, sẵn sàng cứu giúp người khác, tới nỗi sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho người khác. Khi con dân Chúa hết sức yêu Chúa thì cũng cùng lúc con dân Chúa làm việc gì cho bất cứ ai cũng tận tâm, tận sức, như làm cho Chúa. Và khi con dân Chúa hết tâm trí yêu Chúa thì cũng cùng lúc con dân Chúa nhận định, phán đoán, và quyết định cách công chính đối với mọi người, đúng theo Lời Chúa.

Nói cách khác, nếu con dân Chúa trung tín với Chúa thì cũng cùng lúc trung tín với người. Nếu con dân Chúa không trung tín với Chúa thì cũng không thể trung tín với người. Lòng trung tín Chúa ban cho loài người đã bị băng hoại vì sự phạm tội của loài người và chỉ được Chúa phục hồi cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài. Vì thế, chỉ con dân Chúa mới có thể trung tín với Chúa và với người một cách trọn vẹn.

Sự trung tín mà Chúa kêu gọi con dân Chúa là sự cứ tiếp tục hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết tâm trí mà yêu Ngài và yêu người lân cận như chính mình. Sự trung tín đó phải tiếp tục cho tới khi con dân Chúa ra khỏi cuộc đời này, hoặc là bởi sự chết của thân thể xác thịt, hoặc là bởi sự được Chúa cất ra khỏi thế gian.

Lời kêu gọi của Đức Chúa Jesus Christ là:

“Hãy trung tín cho tới chết, và Ta sẽ ban cho ngươi mão sự sống.” (Khải Huyền 2:10b).

“Mão sự sống” tiêu biểu cho người được ban cho sự sống đời đời. Vậy, chúng ta hiểu rằng, nếu không trung tín cho tới chết thì sẽ không được ban cho sự sống đời đời.

Có nhiều người hiểu rằng, chỉ cần ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Chúa thì được sự sống đời đời. Nhưng họ lại không hiểu rằng, ăn năn tội tức là từ bỏ sự phạm tội, không tiếp tục cố ý vi phạm các điều răn của Chúa để thỏa mãn những sự ham muốn của xác thịt. Mà các điều răn của Chúa được tóm gọn lại trong một câu: hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết tâm trí mà yêu Ngài và yêu người lân cận như chính mình.

Sự cứu rỗi của Chúa không đòi hỏi chúng ta phải làm gì ngoài sự thật lòng ăn năn tội và hoàn toàn tin vào sự chết chuộc tội của Đấng Christ. Sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời chỉ mở ra cơ hội cho chúng ta được nhận sự sống đời đời, nhưng muốn nhận được sự sống đời đời thì chúng ta phải thể hiện lòng ăn năn và đức tin của chúng ta thành hành động. Lòng ăn năn chân thật thể hiện thành hành động gớm ghét tội, xa lánh tội, giữ mình không cố ý phạm tội. Đức tin chân thật thể hiện thành sự vâng giữ mọi điều răn của Chúa. Ngay cả con dân Chúa trong Kỳ Tận Thế cũng được Thánh Kinh gọi là những người vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời (Khải Huyền 12:17; 14:12). Điều đó chứng tỏ, ngay trong Kỳ Tận Thế, Tin Lành được rao giảng vẫn dạy rằng, loài người phải ăn năn tội, là sự vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, và phải vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời. Nếu không, những người tin nhận Tin Lành trong Kỳ Tận Thế làm sao biết về các điều răn của Đức Chúa Trời và vâng giữ chúng? Các điều răn của Đức Chúa Trời là các điều răn nào? Được ghi chép ở đâu trong Thánh Kinh? Quý ông bà anh chị em có đang vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời hay không? Nếu không, quý ông bà anh chị em là người tin Chúa mà không trung tín.

Trong buổi sáng sớm ngày 07/01/2021, trong khi tôi ngồi xem trực tiếp truyền hình buổi Quốc Hội Mỹ kiểm phiếu cử tri đoàn của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, tôi học được một bài học về sự trung tín. Đó là, đến phút chót, một số nghị sĩ Cộng Hòa đã rút lời ủng hộ phản đối kết quả bầu cử tại các tiểu bang có gian lận bầu cử. Tuy nhiên, các dân biểu Cộng Hòa vẫn trung tín với bổn phận của họ đối với những công dân mà họ đại diện, đối với hiến pháp của quốc gia, nhưng trên hết là đối với lẽ phải và công lý. Họ vẫn cùng nhau đứng lên, nói rõ lý do vì sao họ phản đối kết quả bầu cử trong các tiểu bang có gian lận bầu cử, dù biết rõ, lời phản đối của họ sẽ bị bác bỏ, vì không có sự ủng hộ của ít nhất là một nghị sĩ. Tôi thật sự cảm phục sự trung tín của họ. Khi Phó Tổng Thống Mike Pence hỏi rằng, có nghị sĩ nào ủng hộ phản đối của họ hay không, họ đã khảng khái đáp, người nghị sĩ ủng hộ họ đã rút lời ủng hộ. Đám dân biểu Dân Chủ liền vỗ tay hoan hô cho sự đắc thắng của gian trá. Hình ảnh đó thật là bi hùng đối với tôi, khiến cho tôi muốn rơi nước mắt. Một hình ảnh về sự công lý bị phản bội và bị bức tử vì sự hèn nhát của một số người có bổn phận bảo vệ nó, vì sự lạm quyền tạm thời của những kẻ ác. Sự khảng khái của các dân biểu Cộng Hòa đó đã khiến cho tôi liên tưởng đến sự trung tín tới chết của con dân Chúa. Và vì thế mà bài giảng này được soạn ra để gửi đến quý con dân Chúa ngày hôm nay.

Trung tín cho tới chết là luôn luôn sống theo Lời Chúa một cách hết lòng, hết linh hồn, hết sức, hết tâm trí cho tới khi ra khỏi thân thể xác thịt hiện tại. Cho dù có nhiều khi sự hành động theo Lời Chúa không đem lại kết quả ích lợi thuộc thể trong cuộc đời này. Thậm chí, còn có thể khiến cho chúng ta bị đánh đập; bị cầm tù; bị tan nhà, nát cửa, gia đình ly tán; bị người thân từ bỏ; và bị giết.

Chúng tôi vẫn tin rằng, chúng ta đang sống trong những ngày liền trước Kỳ Tận Thế, vì thế, Đấng Christ có thể đến bất kỳ lúc nào để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Có nghĩa là, mỗi một chúng ta đều có thể vẫn đang sống mà thân thể xác thịt được biến hóa trong ngày Đấng Christ đến. Chúng tôi kính chúc quý ông bà anh chị em bởi tình yêu và bởi lòng biết ơn dành cho Chúa, bởi sức toàn năng của Chúa, sẽ luôn trung tín với Chúa cho tới ngày ấy.

Nguyện Đức Thánh Linh dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 16:13). Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta (Giăng 17:17). Nguyện Đức Chúa Trời Thành Tín của Sự Bình An giữ cho tâm thần, linh hồn, và thân thể xác thịt của mỗi một chúng ta đều được nên thánh trọn vẹn, không chỗ trách được (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23), sẵn sàng cho sự đến của Đức Chúa Jesus Christ, Cứu Chúa Yêu Dấu của chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
09/01/2021

Ghi Chú

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/Emotion#/media/File:Plutchik-wheel.svg

Karaoke Thanh Ca: “Tâm Linh Con Mừng Vui”
https://karaokethanhca.net/tam-linh-con-mung-vui/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/