Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Hành Trình Hướng Đến Quê Hương Vĩnh Cửu
Vào ngày 5/08/2011, phi thuyền không gian Juno được Cơ Quan Hàng Không và Vũ Trụ Quốc Gia của Hoa Kỳ (NASA) phóng vào không gian để thám hiểm Mộc tinh với tốc độ có thể lên đến khoảng 265,541 km một giờ [1], [2]. Sau cuộc hành trình dài gần năm năm, vượt qua một khoảng không gian dài chừng 588 triệu km, phi thuyền Juno đã đến gần Mộc tinh vào ngày 4/07/2016. (Mọi người có thể tải xuống computer của mình một nhu liệu ứng dụng miễn phí từ NASA để theo dõi cuộc thám hiểm của phi thuyền Juno) [3].
Phi thuyền Juno là vật thể do loài người làm ra có tốc độ nhanh nhất hiện nay. Bình thường, chúng ta di chuyển bằng các loại xe với tốc độ trung bình không quá 100 km một giờ. Chúng ta khó tưởng tượng rằng, trong thực tế, chúng ta đang ở trên một phi thuyền không gian to lớn, đầy đủ tiện nghi, do Thiên Chúa sáng tạo, và di chuyển với tốc độ trung bình 828,000 km một giờ, tức là khoảng 230 km một giây đồng hồ. Một giây đồng hồ được đếm bằng một tiếng tích tắc của đồng hồ, đánh dấu một trong 60 lần chuyển động của kim giây. Với tốc độ đó, chúng ta chỉ cần chưa tới năm giây đồng hồ để di chuyển từ Hà Nội đến Saigon, một chặng đường thẳng chừng 1,137 km.
Mỗi người trong chúng ta, kể từ khi được hình thành trong lòng mẹ, đều đã tham dự các cuộc hành trình vũ trụ với tốc độ cao và lộ trình dài, mà chúng ta không thể khước từ.
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/wg82dhogbl0w6zz/201702_HanhTrinhHuongDenQueHuongVinhCuu.mp3
OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNDg4MjUyNjdf/201702_HanhTrinhHuongDenQueHuongVinhCuu.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201702-hanh-trinh-den-que-huong-vinh-cuu
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8
Cuộc hành trình thứ nhất và được tái lập nhiều lần nhất trong cuộc đời của chúng ta là cuộc hành trình khoảng mỗi 24 tiếng đồng hồ một lần, theo vòng tự xoay chung quanh chính mình của trái đất. Nếu chúng ta đang sống tại một điểm ngay trên xích đạo của trái đất, tức là đường phân chia nam bắc của trái đất, thì tốc độ của cuộc hành trình ấy vào khoảng 1,675 km một giờ, vượt qua một khoảng không gian có chiều dài chừng 40,030 km. Tốc độ và chiều dài ấy giảm dần khi chúng ta di chuyển về cực bắc hoặc cực nam của trái đất. Nếu chúng ta sống đến trăm tuổi thì chúng ta đã tái lập cuộc hành trình này được 36,500 lần.
Cuộc hành trình thứ nhì mỗi lần kéo dài một năm, tức là khoảng 365.256 ngày, với chặng đường dài khoảng 940,000,000 km. Đó là thời gian và khoảng cách trái đất xoay chung quanh mặt trời giáp một vòng. Tốc độ trung bình là 110,000 km một giờ. Cuộc hành trình thứ nhì này chúng ta chỉ có thể tái lập nhiều lắm là vào khoảng trên 120 lần một chút, tùy thuộc vào số tuổi thọ của chúng ta. Người duy nhất trong thế giới đã hoàn tất 123 lần là một người đàn ông ở xứ Bolivia. Theo hãng tin NBC của Hoa Kỳ thì ông ta đã sống đến 123 tuổi vào ngày 16/07/2013 [4].
Cuộc hành trình thứ ba có tốc độ trung bình 828,000 km một giờ là cuộc hành trình của thái dương hệ chúng ta xoay chung quanh trung tâm điểm của dãi ngân hà. Không một ai trong chúng ta có thể sống đủ lâu trong thân thể xác thịt hiện tại để hoàn tất cuộc hành trình này; vì phải mất đến 230,000,000 năm thái dương hệ của chúng ta mới hoàn tất một chu kỳ xoay chung quanh tâm điểm của ngân hà.
Cuộc hành trình thứ tư có tốc độ trung bình 400,000 km một giờ là cuộc hành trình của dãi ngân hà của chúng ta hướng về dãi ngân hà Andromeda. Khoảng cách giữa hai dãi ngân hà vào khoảng bốn tỷ năm ánh sáng. Một năm ánh sáng là khoảng cách 9,460,528,400,000 km (chín ngàn bốn trăm sáu mươi tỷ – năm trăm hai mươi tám triệu – bốn trăm ngàn km) [5], [6], [7].
Minh họa khối lượng số giấy bạc 100 đô-la Mỹ cho một ngàn tỷ đô-la
Nguồn: http://www.sjassociates.com/blogs/infoMatters/those-pesky-zeros-part-1
Với bốn cuộc hành trình vũ trụ này, chẳng khác gì chúng ta đang ở trên một phi thuyền không gian có tên gọi là trái đất hoặc địa cầu, do Thiên Chúa tạo thành, cùng lúc di chuyển vùn vụt trong không gian về bốn hướng khác nhau với bốn tốc độ khác nhau khoảng: 1,675 km một giờ; 110,000 km một giờ; 400,000 km một giờ; và 828,000 km một giờ. Thêm vào đó là sự di chuyển của chúng ta trong mỗi địa phương mà chúng ta đang sống: đi lên hoặc đi xuống, đi tới hoặc đi lui, đi qua hoặc đi lại… với các tốc độ khác nhau.
Tuy nhiên, còn có một cuộc hành trình nữa, chỉ xảy ra có một lần mà mỗi một người đều phải tham dự, đó là cuộc hành trình vào vĩnh cửu. Một cuộc hành trình vượt ngoài thời gian, không gian, và thế giới vật chất hiện tại mà chúng ta đang biết. Đối với rất nhiều người, điểm đến của họ đương nhiên là hồ lửa đời đời, cho dù họ không tin như vậy hoặc không muốn như vậy. Hồ lửa hay hỏa ngục là quê hương đời đời dành cho những ai không tin nhận và vâng phục Thiên Chúa. Chúng ta có thể gọi đó là cuộc hành trình vào sự hư mất! Đối với một số ít người, điểm đến của họ là Vương Quốc Đời Đời của Đức Chúa Trời trong trời mới đất mới. Chúng ta có thể gọi đó là cuộc hành trình hướng đến quê hương thật. Một người sẽ đến nơi nào trong cuộc hành trình vào vĩnh cửu là điều hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn của người ấy, đang khi còn sống trong thân thể xác thịt này. Xin tham khảo bài “Sự Thực Hữu của Chúng Ta” trên web site: www.thanhoc.timhieutinlanh.com [8].
Quê hương thật của con dân Chúa là thiên đàng và trong cõi trời mới đất mới thì thiên đàng sẽ giáng hạ trên đất. Cuộc hành trình hướng đến quê hương thật được Thánh Kinh nói đến trong Hê-bơ-rơ 11:13-16, như sau:
13 Hết thảy những người đó đều đã chết trong đức tin, chưa nhận những lời hứa, chỉ trông thấy chúng từ xa, được bắt phục và vui nhận {chúng}; xưng mình là khách lạ và người ở nhờ trên đất.
14 Những người nói như thế, tỏ rõ rằng, họ đang mong muốn một quê hương.
15 Nếu như họ thật nhớ đến nơi mà họ đã từ đó ra đi, thì họ vẫn nắm giữ cơ hội quay lại.
16 Vì giờ đây họ khao khát sự tốt hơn ở trên trời, nên Đức Chúa Trời không hổ thẹn {khi} được gọi là Đức Chúa Trời của họ, và Ngài đã sắm sẵn cho họ một thành.
“Hết thảy những người đó” được nói đến trong câu 13 là hết thảy những người tin nhận, vâng phục, và thờ phượng Thiên Chúa vào thời xa xưa, trung tín với Thiên Chúa cho đến chết hoặc cho đến khi được Chúa cất ra khỏi thế gian, như đã được liệt kê trong các câu trước đó. Họ là: A-bên, Hê-nóc (đang lúc còn sống được Chúa cất ra khỏi thế gian), Nô-ê, Áp-ra-ham, Sa-ra, I-sác, và Gia cốp. Thánh Kinh gọi họ là những thánh đồ, tức là những người được Đức Chúa Trời biệt riêng ra cho chính Ngài, để vui hưởng tình yêu của Ngài và hầu việc Ngài.
Đức Chúa Trời ban lời hứa một cách trực tiếp với mỗi người, vì vào thời của họ, chưa có Thánh Kinh. Họ chỉ ghi nhận lời hứa của Đức Chúa Trời vào lòng, nhìn thấy chúng bằng con mắt đức tin. Lòng họ được bắt phục bởi sự thấy của con mắt đức tin, và họ vui mừng đón nhận các lời hứa của Đức Chúa Trời. Sự thấy bởi con mắt đức tin là sự biết và tin chắc điều mình hy vọng, dựa vào lời hứa của Đức Chúa Trời:
“Đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều {mình} đang trông mong là bằng cớ của những điều {mình} chẳng xem thấy.” (Hê-bơ-rơ 11:1).
Vì thế, suốt cuộc đời của họ, họ không còn hướng về những sự ở trong thế gian, mà hướng về những sự ở trên trời (Cô-lô-se 3:1), theo các lời hứa của Đức Chúa Trời. Họ biết rõ rằng, những sự ở dưới đất mà Đức Chúa Trời ban cho họ chỉ là những phương tiện giúp họ đạt được những sự ở trên trời. Họ tự xem chính mình là khách qua đường, ở nhờ trên đất một thời gian ngắn, rồi sẽ vào đến một nơi gọi là quê hương ở trên trời. Trái lại, nhiều con dân Chúa ngày nay, được Chúa ban cho những sự ở dưới đất để làm phương tiện dự phần trong công cuộc gây dựng Hội Thánh, thì lại giữ lấy làm của riêng và ham muốn chúng đến quên cả đường đi đến quê hương ở trên trời!
Danh từ “quê hương” được dùng trong câu 14, trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh có nghĩa là: Nơi quê cha, đất tổ; chỗ ở cố định của một người. Thế gian này không phải là quê hương của những thánh đồ của Đức Chúa Trời, mặc dù họ được sinh ra làm người trong thế gian, sống trong thế gian. Sự thực hữu của họ bắt đầu trong thế gian, họ phải trải qua cuộc sống trong thế gian, nhưng cùng lúc, họ đang trong cuộc hành trình vào cõi đời đời, để đến nơi gọi là quê hương. Nơi ấy là thiên đàng, chỗ ngự của Thiên Chúa. Nơi mà họ có thể gọi là: “nhà của Cha chúng ta”, là thành Giê-ru-sa-lem ở trên trời do Đức Chúa Trời xây dựng (Hê-bơ-rơ 11:10) và đã được Đức Chúa Jesus Christ sắm sẵn cho họ nhiều chỗ ở (Giăng 14:2). Chính Đức Chúa Jesus Christ cũng đã xác định rằng, họ không thuộc về thế gian:
“Con đã truyền lời Ngài cho họ, và thế gian ghen ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con không thuộc về thế gian vậy. Con chẳng cầu Ngài cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Ngài gìn giữ họ cho khỏi điều ác. Họ không thuộc về thế gian, cũng như con không thuộc về thế gian.” (Giăng 17:14-16).
Nếu những thánh đồ xem thế gian là quê hương như những người không biết Thiên Chúa, thì họ sẽ không còn mong muốn một quê hương nào khác. Họ sẽ không bỏ qua cơ hội xây dựng sự nghiệp trong thế gian như những người không biết Thiên Chúa. Họ sẽ quay cuồng theo cuộc sống của đời này, dồn hết tâm trí, khát vọng, và năng lực cho những sự ở trong cuộc đời này, để xây dựng một quê hương trên đất.
Chính vì những thánh đồ của Chúa không xem thế gian là quê hương, nên họ vẫn mong muốn có một quê hương, và cuộc đời của họ là hành trình hướng đến quê hương ấy. Những gì Đức Chúa Trời ban ơn cho họ làm ra trong cuộc đời chỉ cần đủ nuôi sống họ, để họ chăm lo cho cuộc hành trình hướng đến quê hương thật ở trên trời. Nếu Đức Chúa Trời ban cho họ được giàu có về vật chất, thì họ hiểu rằng, Ngài đang đặt để trong tay họ những phương tiện để họ cứu giúp những người khác và chi phí cho các mục vụ của Hội Thánh. Trong suốt cuộc đời của họ từ khi tin nhận và thờ phượng Thiên Chúa, họ không còn nghĩ đến quê hương trên đất, không còn nắm giữ bất cứ cơ hội nào để quay lại với quê hương trên đất. Mà họ chỉ khao khát một quê hương tốt đẹp hơn, đã được Đức Chúa Trời xây dựng và Đức Chúa Jesus Christ sắm sẵn chỗ cho họ trong thiên đàng. Chính vì thế, Đức Chúa Trời không hổ thẹn khi họ xưng nhận Ngài là Đức Chúa Trời của họ.
Chúng ta, những người thật lòng ăn năn tội, hoàn toàn tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa, sống thánh khiết theo Lời Chúa là Thánh Kinh, chính là những thánh đồ của Đức Chúa Trời. Chúng ta có phần trong quê hương trên trời. Cuộc sống của chúng ta trong thế gian này là hành trình hướng đến quê hương ấy. Thánh Kinh có hai hình bóng về cuộc hành trình hướng đến quê hương: Áp-ra-ham là hình bóng cho hành trình của mỗi thánh đồ; dân I-sơ-ra-ên là hình bóng cho hành trình của Hội Thánh. Cả hai đều được kêu gọi bởi Đức Chúa Trời.
Áp-ra-ham và Mỗi Thánh Đồ
Áp-ra ham được Đức Chúa Trời kêu gọi rời bỏ Cha-ran để đến Ca-na-an. Trước đó, cha của Áp-ra-ham là Tha-rê đã đem cả gia đình từ U-rơ đến Cha-ran. U-rơ thuộc xứ Canh-đê, tức đế quốc Ba-by-lôn xưa, ngày nay thuộc I-rắc (Iraq). Rất có thể, U-rơ là vùng đất nằm ngoài khu vườn tại Ê-đen, nơi loài người sinh sống sau khi bị Đức Chúa Trời đuổi ra khỏi vườn vì phạm tội. Cha-ran là vùng đất nằm về phía đông bắc của xứ Ca-na-an, ngày nay thuộc Thổ-nhĩ-kỳ (Turkey).
Sáng Thế Ký 11:31 cho chúng ta biết, Tha-rê đem gia đình rời U-rơ để đến Ca-na-an, nhưng khi đến Cha-ran thì ông dừng lại, định cư tại đó, rồi qua đời. Sau khi Tha-rê qua đời thì Đức Chúa Trời kêu gọi Áp-ra-ham: “Hãy ra khỏi vùng đất của ngươi, khỏi thân tộc của ngươi, và khỏi nhà cha của ngươi, để đến một xứ mà Ta sẽ chỉ cho ngươi.” (Sáng Thế Ký 12:1).
Minh họa lộ trình của Áp-ra-ham từ U-rơ đến Cha-ran và Ca-na-an
Nguồn: http://www.bible-archaeology.info/images/haran_map.jpg
Về Tha-rê, chúng ta có thể hiểu rằng, ông làm hình bóng cho những người có tấm lòng hướng thượng, mong muốn một quê hương tốt hơn, nên đã đưa dắt gia tộc mình rời khỏi U-rơ, để đi đến Ca-na-an trù phú. U-rơ tiêu biểu cho cuộc sống tội lỗi nghèo đói lẽ thật của thế gian. Ca-na-an tiêu biểu cho một quê hương thật, đượm sữa và mật của lẽ thật. Nhìn vào bản đồ minh họa, chúng ta thấy Tha-rê đã đi lạc khỏi mục tiêu ban đầu của ông. Thay vì đi đến Ca-na-an ở hướng tây, thì Tha-rê đã lạc hướng, đi đến Cha-ran ở hướng tây bắc, và quyết định ở lại đó, bằng lòng với sự giàu có của Cha-ran. Cha-ran tiêu biểu cho các tôn giáo, tín ngưỡng, triết học của loài người, là những sự ru ngủ loài người bằng sự bình an giả tạo bởi mê tín, bởi những việc làm công đức, hay bởi sự thi hành các lễ nghi tôn giáo. Người ta chỉ có thể tạm bợ cảm giác bình an khi được thầy bói gieo cho một quẻ tốt, hay khi làm các việc công đức, hoặc khi hành lễ, tụng kinh, niệm chú, cúng lạy hình tượng, đeo bùa, đeo tượng, rảy “nước thánh”…
Trong thế gian bao giờ cũng có những người muốn tìm kiếm lẽ thật nhưng rồi bị đắm chìm trong các hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc triết học của thế gian, là những thứ ban cho họ một sự bình an và giải thoát không có thật. Họ đã đi lạc đến Cha-ran thuộc linh và đã ở lại đó, đắm mình trong các chất ma túy thuộc linh của Cha-ran.
Một trong những sự lường gạt lớn của Sa-tan đối với các dân tộc đông phương là nó đưa ra thuyết: Tây Phương Cực Lạc, nghĩa là: hạnh phúc vô cùng ở hướng tây. Thuyết ấy cho rằng, cách mười ngàn tỷ (10,000,000,000,000) cõi Phật, về phía tây của thế giới vật chất, có một thế giới toàn thiện, gọi là An Lạc Quốc (đất nước thái bình, hạnh phúc), do Phật A-di-đà dựng nên. Theo Phật Giáo, một cõi Phật gọi là “tam thiên thế giới” bao gồm 1,000 X 1,000 X 1,000 = một tỷ thế giới thuộc thể, tức vũ trụ vật chất, lẫn thế giới thuộc linh đầy dẫy các thực thể gọi là trời, phật, ma quỷ, loài người, và các sinh linh khác. Cũng theo Phật Giáo, Tây Phương Cực Lạc không có sự ác, không có sự chết, tràn ngập hương thơm, đầy hoa trời, nhạc trời, và châu báu. Người muốn vào Tây Phương Cực Lạc chỉ cần lúc gần chết, hết lòng niệm mười lần câu thần chú: “Nam-mô A-di-đà Phật!” Mà muốn có đủ sức để niệm mười lần câu ấy lúc gần chết, thì phải tập niệm câu ấy mỗi ngày.
“Nam-mô” là một thán từ tỏ lòng tôn kính, ra từ tiếng Phạn, một ngôn ngữ xưa của Ấn-độ. Danh từ “phật” cũng ra từ tiếng Phạn, có nghĩa là: bậc giác ngộ; người tỉnh thức và nhận biết. Tỉnh thức và nhận biết ở đây có nghĩa là tỉnh thức khỏi sự say mê những gì thuộc về thế gian sẽ qua đi này, và nhận biết con đường tu hành để được giải thoát khỏi mọi đau khổ. Tu hành tức là làm ra những sự tự sửa lấy mình để được tốt hơn. Danh từ “a-di-đà” cũng ra từ tiếng Phạn, có nghĩa là: vô lượng quang và vô lượng thọ; tức là sự chiếu sáng và sự sống không có giới hạn. Theo giáo lý của Phật Giáo, Phật A-di-đà là một người nhờ tu hành qua vô lượng kiếp (luân hồi qua nhiều kiếp sống đến không thể đếm được) từ thuở xa xôi vô cùng mà thành Phật (người giác ngộ), rồi lập ra cõi An Lạc Quốc, để giúp cho người khác không cần phải tu hành qua vô lượng kiếp như ông, vẫn có thể thoát vòng sinh tử để vào cõi An Lạc Quốc, tiếp tục tu hành cho đến khi đạt được trạng thái niết-bàn. Niết-bàn cũng là một danh từ ra từ tiếng Phạn, có nghĩa là: dập tắt. Theo Phật Giáo, sự dập tắt này hàm ý dập tắt mọi sự ham muốn, thù hận, ngu dốt của một người, khiến một người chẳng còn phải đầu thai trong vòng sinh tử; và như vậy, người ấy hoàn toàn thoát khổ!
Câu thần chú: “Nam-mô A-di-đà Phật” có nghĩa là: Xin tôn kính bậc giác ngộ vinh quang bất tận hằng có vô cùng! Nếu chúng ta nhớ rằng, Sa-tan, một thiên sứ trưởng phạm tội chống nghịch Thiên Chúa, có tên riêng là Lu-xi-phe (Ê-sai 14:12), nghĩa là: vật chiếu sáng rực rỡ; thì chúng ta hiểu ngay “bậc giác ngộ vinh quang bất tận hằng có vô cùng” được tôn kính trong câu thần chú là ai.
Theo thống kê vào năm 2010 thì trên thế giới có khoảng 535,000,000 người tin theo Phật Giáo. Trong đó, Trung Quốc chiếm hơn 244 triệu; Thái-lan hơn 64 triệu; Nhật gần 46 triệu; Miến-điện hơn 38 triệu; Tích-lan và Việt Nam mỗi nước hơn 14 triệu; Cam-bốt hơn 13 triệu; Nam Hàn hơn 11 triệu; Ấn-độ hơn 9 triệu; và Mã-lai-á hơn 5 triệu; còn lại hơn 27 triệu ở rải rác trong các quốc gia khác [9]. Phật Giáo rõ ràng là một Cha-ran thuộc linh lớn của các dân tộc Á đông.
Tất cả các giáo hội mang danh Chúa ngày nay, như: Giáo Hội Chính Thống, Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội Tin Lành, v.v. cũng đều thuộc về Cha-ran thuộc linh! Vì trong các giáo hội ấy, các điều răn của Đức Chúa Trời đã không được vâng giữ, mà còn bị sửa đổi và bài bác.
Về Áp-ra-ham chúng ta có thể hiểu rằng, ông tiêu biểu cho những người đang ở trong các hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, hoặc triết học của tổ tiên, được Đức Chúa Trời kêu gọi từ bỏ hết, để đến với lẽ thật của Ngài. Đức Chúa Trời chỉ nói với Áp-ra-ham là Ngài sẽ chỉ cho ông vùng đất mà Ngài muốn ông đến. Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời và đem cả gia đình dấn thân vào cuộc hành trình mà Thánh Kinh gọi là: “ra đi mà không biết mình đi đâu” (Hê-bơ-rơ 11:8). Áp-ra-ham chỉ biết rằng, theo lời hứa của Đức Chúa Trời, mình sẽ đi đến một nơi tốt hơn, dòng dõi mình sẽ trở thành một dân tộc lớn, được hưởng phước của Đức Chúa Trời, được nổi danh, và trở thành nguồn phước cho các dân tộc khác (Sáng Thế Ký 12:1-2). Mệnh đề “ra đi mà không biết mình đi đâu” hàm ý Áp-ra-ham tin cậy Đức Chúa Trời; ông không cần phải ngồi lại thiết lập lịch trình cho chuyến đi của mình, tự mình quyết định phải đi từ đâu đến đâu, khi nào đi, khi nào nghỉ; mà ông chỉ ra đi theo sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời.
Khi Đức Chúa Trời đưa Áp-ra-ham đến xứ Ca-na-an là vùng đất mà Ngài hứa ban cho ông cùng dòng dõi của ông, thì Áp-ra-ham đã sống tại đó như một người kiều ngụ, xem đó là quê hương tạm, chờ đợi một quê hương tốt hơn. Thánh Kinh chép như sau:
“Bởi đức tin, ông đã kiều ngụ trong vùng đất hứa như trên đất ngoại quốc, ở trong các lều trại với I-sác và Gia-cốp, {hai} người đồng kế tự một lời hứa với ông. Vì ông chờ đợi một thành có nền vững chắc, mà Đức Chúa Trời là Đấng xây cất và dựng nên.” (Hê-bơ-rơ 11:9-10).
Khi chúng ta đáp lại lời kêu gọi của Đức Chúa Trời để đến với lẽ thật của Ngài, thì chúng ta cần dứt khoát với toàn bộ hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, triết học mà cha ông của chúng ta đã từng xem là quê hương thuộc linh của họ. “Vùng đất của ngươi” là các hệ thống tôn giáo, tín ngưỡng, triết học. “Thân tộc của ngươi” là những người sinh hoạt trong các hệ thống ấy, những tín đồ, những đạo hữu… “Nhà cha của ngươi” là cơ nghiệp thuộc linh của gia đình do cha ông đã xây dựng dựa trên các hệ thống ấy. Có những người mà gia đình có nhiều đời làm linh mục, phó tế; mục sư, chấp sự; thượng tọa, hoà thượng… còn bản thân thì có các bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ về thần học, phật học, triết học…
Ngay cả khi chúng ta đã đến với lẽ thật của Lời Chúa, đến với Ca-na-an thuộc linh trên đất là đời sống mới trong sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, thì chúng ta cũng không xem đó là điểm đến cuối cùng của cuộc hành trình thuộc linh, vì quê hương thật của chúng ta là Giê-ru-sa-lem ở trên trời. Tại Ca-na-an thuộc linh chúng ta phải cẩn thận giữ mình, sống thánh khiết, trung tín theo các điều răn của Thiên Chúa, để đến được quê hương hạnh phúc vĩnh cửu là thiên đàng. Đừng như Lót, là người cùng đến Ca-na-an với Áp-ra-ham nhưng lại ham mến sự thịnh vượng của thế gian, mà mang ách chung với dân chúng thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ.
Mỗi chi tiết trong cuộc đời của Áp-ra-ham không nhất thiết phải là hình bóng cho những gì xảy ra trong đời sống của các thánh đồ, ngoại trừ một số biến cố quan trọng, mà qua đó chúng ta rút ra được những bài học thuộc linh. Một trong những biến cố quan trọng nhất cuộc đời của Áp-ra-ham, sau khi ông đáp lại tiếng gọi của Đức Chúa Trời, là sự ông sẵn sàng hy sinh đứa con trai duy nhất của mình làm của lễ thiêu dâng lên Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời ban cho ông điều ông khao khát vô cùng là có một con trai nối dõi. Nhưng rồi bỗng nhiên Đức Chúa Trời đòi ông dâng đứa con một yêu dấu của mình làm của lễ thiêu. Khi chúng ta đọc Sáng Thế Ký 22, tự đặt mình vào hoàn cảnh của Áp-ra-ham, chúng ta sẽ thấy xúc động vô cùng về tấm lòng thuận phục Đức Chúa Trời của ông. Áp-ra-ham đã không thắc mắc, không lý luận. Ông im lặng làm theo lời Đức Chúa Trời phán dạy. Khi chúng ta đọc đến Hê-bơ-rơ 11:17-19 thì chúng ta được xác định rằng, Áp-ra-ham đã hành động bởi đức tin:
“Bởi đức tin, Áp-ra-ham dâng I-sác trong khi bị thử thách. Ông là người đã nhận lời hứa, lại dâng con một của mình, là về con đó có phán rằng: Ấy bởi trong I-sác mà ngươi sẽ có một dòng dõi lưu danh ngươi. Ông tự nghĩ rằng, Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến người chết sống lại; cũng giống như từ trong sự chết mà ông lại được con mình.”
Trên hành trình hướng đến quê hương trên trời của chúng ta, chắc chắn sẽ có lúc Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta dâng cho Ngài điều mà chúng ta yêu quý nhất, có khi còn hơn cả mạng sống của mình. Liệu chúng ta có thể kính yêu, vâng phục Đức Chúa Trời nhiều như Áp-ra-ham kính yêu, vâng phục Ngài? Liệu chúng ta có đức tin tuyệt đối vào Đức Chúa Trời như Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời? Thực tế đau buồn trong Hội Thánh ngày nay là có quá nhiều người yêu chuộng một ít tiền bạc, một việc làm tốt, một chút danh tiếng, một người nào đó, một thú vui nào đó… hơn là yêu Đức Chúa Trời. Họ sẵn sàng vì những thứ ấy mà vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời, nói chi đến việc phải hy sinh điều mà họ yêu quý hơn chính mạng sống của họ!
I-sơ-ra-ên và Hội Thánh
Hội Thánh là sự hiệp một của các thánh đồ. Dù mỗi thánh đồ được Đức Chúa Trời kêu gọi cách riêng tư để vào trong Vương Quốc Đời Đời của Ngài, nhưng họ sẽ cùng nhau vào trong vương quốc một cách tập thể. Trong khi cuộc hành trình của Áp-ra-ham là cuộc hành trình của một cá nhân dẫn dắt gia đình của mình đến miền đất hứa, thì cuộc hành trình của dân I-sơ-ra-ên là cuộc hành trình của cả một dân tộc, được gọi là dân thánh của Đức Chúa Trời (Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:6). Chúng ta có thể xem cuộc hành trình của dân I-sơ-ra-ên từ xứ Ê-díp-tô đến vùng đất hứa Ca-na-an là hình bóng cho cuộc hành trình hướng đến quê hương ở trên trời của Hội Thánh.
Minh họa lộ trình đi từ Ram-se, Ê-díp-tô đến Giê-ri-cô, Ca-na-an của dân I-sơ-ra-ên
Nguồn: http://www.keyway.ca/gif/wildjour.gif
Sự dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ê-díp-tô là hình ảnh của sự Hội Thánh ra khỏi ách nô lệ của tội lỗi, ra khỏi nếp sống tội của thế gian.
Môi-se, A-rôn, và Mi-ri-am tiêu biểu cho những người được Đức Chúa Trời dùng chăn dắt con dân của Ngài.
Xứ Ca-na-an sẽ là quê hương trên đất của dân I-sơ-ra-ên, nơi đó sẽ có đền thờ Đức Chúa Trời ở giữa họ, và họ sẽ sống hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa, làm hình ảnh cho Vương Quốc Đời Đời với thành thánh Giê-ru-sa-lem từ trời hạ xuống trên đất và Đức Chúa Trời ở giữa loài người cho đến đời đời.
Dân I-sơ-ra-ên bị Pha-ra-ôn truy đuổi là Hội Thánh bị thế gian bách hại vì dám phân rẽ khỏi thế gian. Phép lạ vượt biển Đỏ tiêu biểu cho sự các cửa của sự chết không thắng được Hội Thánh (Ma-thi-ơ 16:18).
Dân I-sơ-ra-ên lằm bằm, oán trách khi thiếu thức ăn, nước uống, và khi thèm ăn thịt là hình bóng cho thái độ không có đức tin vào sự quan phòng của Đức Chúa Trời cho những nhu cầu vật chất trong cuộc sống.
Sự Đức Chúa Trời ban Mười Điều Răn và luật pháp cho dân I-sơ-ra-ên làm hình bóng cho sự các điều răn và luật pháp của Ngài sẽ được ghi khắc trong tấm lòng mới của mỗi con dân Chúa trong Hội Thánh (Giê-rê-mi 31:33; Ê-xê-chi-ên 36:26-27; Hê-bơ-rơ 8:10).
Đền Tạm là hình bóng cho sự thân thể của các thánh đồ, riêng mỗi người cũng như chung trong Hội Thánh, trở thành đền thờ của Thiên Chúa.
Chức vụ thầy tế lễ của dòng Lê-vi làm hình bóng cho chức vụ thầy tế lễ của con dân Chúa trong Hội Thánh.
Sự kiện dân I-sơ-ra-ên đúc tượng vàng của con bò con tiêu biểu cho sự nhiều người trong Hội Thánh thờ phượng Đức Chúa Trời theo ý riêng của mình, dựa theo các phong tục của ngoại giáo, điển hình là các Lễ Christmas và Easter. Ngày nay, có biết bao nhiêu giáo hội mang danh Chúa, tự đúc ra những tượng bò vàng thuộc linh mà thờ phượng Đức Chúa Trời qua đó.
Sự cứng lòng, không tin của dân I-sơ-ra-ên, chống nghịch lại Môi-se tiêu biểu cho sự cứng lòng, không tin của phần lớn con dân Chúa trong Hội Thánh, chống nghịch lại những người chăn dắt mình. Nhiều người trong Hội Thánh, khi đối diện với những khó khăn trong cuộc sống thì muốn quay về nếp sống cũ tội lỗi của thế gian, để thỏa mãn những sự ham muốn của xác thịt. Nhiều người trong Hội Thánh ngại khó, ngại khổ, sợ kẻ thù của Hội Thánh, không muốn tiếp tục cuộc hành trình, nên đã không vào được đất hứa (Dân Số Ký 14).
Có những người trong Hội Thánh vì kiêu ngạo và ganh tỵ như Cô-rê và đồng bọn nên bị diệt (Dân Số Ký 16).
Những con rắn lửa và con rắn đồng tiêu biểu cho sự kiện ma quỷ luôn tìm cách cám dỗ Hội Thánh phạm tội một cách tập thể. Sau sự sửa phạt, Đức Chúa Trời vẫn thương xót ban ơn tha thứ, giải cứu.
Sự kiện dân I-sơ-ra-ên mắc phải mưu kế của Ba-la-am, phạm tội tà dâm cùng dân Mô-áp làm hình bóng cho sự con dân Chúa trong Hội Thánh mắc mưu ma quỷ mà phạm tà dâm cùng những người không tin Chúa, về thuộc thể lẫn thuộc linh.
Khi chúng ta dành thời gian đọc và suy ngẫm Thánh Kinh, chúng ta sẽ rút ra được rất nhiều bài học quý báu để áp dụng cho thực tế đời sống của chúng ta trong hành trình hướng đến quê hương trên trời.
Mỗi người trong Hội Thánh có thể tham dự cuộc hành trình hướng đến quê hương vào các thời điểm khác nhau, kết thúc cuộc hành trình cũng vào các thời điểm khác nhau, nhưng sẽ cùng nhau trong thân thể vinh quang bước vào quê hương đời đời trong ngày Đấng Christ xuất hiện giữa chốn không trung, để mang Hội Thánh vào trong thiên đàng. Ngày ấy chắc chắn không còn bao xa, vì dân I-sơ-ra-ên đã tái lập quốc từ hơn 68 năm nay, để chuẩn bị cho Kỳ Tận Thế. Đức Chúa Jesus Christ sẽ đến trước Kỳ Tận Thế. Có thể là hôm nay!
Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta, giữ gìn chúng ta được nên trọn vẹn, không chỗ trách được trong ngày Đấng Christ hiện ra. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
14/01/2017
Ghi Chú
[1] http://www.jpl.nasa.gov/infographics/infographic.view.php?id=11106
[2] https://vi.wikipedia.org/wiki/Juno_(t%C3%A0u_kh%C3%B4ng_gian)
[3] http://eyes.jpl.nasa.gov/eyes-on-juno.html
[5] http://www.space.com/19915-milky-way-galaxy.html
[6] http://www.space.com/15949-milkyway-galaxy-crash-andromeda-hubble.html
[7] http://earthsky.org/space/what-is-a-light-year
[8] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/su-thuc-huu-cua-chung-ta/
[9] https://en.wikipedia.org/wiki/Buddhism_by_country
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/. Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.