Con Dân Chúa:
Cháu có một chút thắc mắc muốn trao đổi với chú. Hôm nọ chú có một bài giảng nói về chuyện tín hữu tin Chúa có thể làm báp-têm trước rồi mới học giáo lý căn bản. Trong khi bên giáo hội thì có quan điểm là học giáo lý trước mới được làm báp-têm. Cháu có một chút suy nghĩ hơi khác cả chú và bên giáo hội thế này. Theo chú có đúng không? Vì từ trước đến nay, tại Hội Thánh _____ đã từng có quan điểm tương tự. Nhưng có một số người lại áp dụng máy móc điều này.
Trước hết, cháu trình bày sơ qua trình tự tiến đến lễ báp-têm của một tín hữu tại Hội Thánh _____ hiện nay như thế nào để chú được rõ.
Một người ngoại được một tín hữu làm chứng về Chúa. Họ được giải thích những thắc mắc về Chúa, sau đó có thể được phát cho tài liệu để đọc. Nếu họ đã hiểu vấn đề về sự cứu rỗi như thế nào? Chúa là ai?… Họ sẽ được mời đến Hội Thánh, thậm chí không cần mời cũng được, họ tự cầu nguyện tiếp nhận Chúa Giê-xu.
Tiếp theo đó,họ đăng ký học lớp giáo lý căn bản (chương trình khoảng 12 buổi). Kết thúc buổi cuối cùng sẽ có bài kiểm tra trắc nghiệm tìm hiểu qua một số câu hỏi để xác thực được sự hiểu biết đúng về Chúa của họ. Một số câu hỏi cá nhân liên quan đến lý do đến với Chúa, gia đình có ai phản đối không…? (Vì có một số trường hợp tin Chúa không thật lòng. Ví dụ như: có cô gái vì muốn lấy chồng theo Tin Lành mà miễn cưỡng học giáo lý để làm báp-têm để hài lòng chồng hoặc ngược lại, có đôi trẻ tin Chúa chỉ để được làm lễ tại nhà thờ cho oai, cho giống phim Hàn Quốc.) Ở đây cháu cũng nói thêm về quy định được phép làm lễ kết hôn tại Hội Thánh. Để được làm lễ thành hôn theo nghi thức Tin Lành thì 2 vợ chồng phải đạt những yêu cầu sau:
– Cả 2 yêu nhau thật lòng và đã có giấy chứng nhận kết hôn của chính quyền (đề phòng trường hợp có người đã có gia đình rồi mà nói dối là chưa, điều này tránh rắc rối về pháp lý đối với Giáo hội).
– Cả 2 đều là người tin Chúa thật sự. Không phân biệt Hội Thánh miễn là Tin Lành đúng theo Kinh Thánh. Nếu có sinh hoạt tại giáo hội thì phải có giấy giới thiệu hoặc lời giới thiệu.
– Cả 2 chưa quan hệ tình dục trước hôn nhân.
Ngoài chuyện hôn nhân thì có người làm báp-têm với lý do là để xin xuất cảnh sang Mỹ cho dễ dàng hơn… rồi sau đó "từng đôi chim bay đi" và cũng chả còn thấy họ trong Hội Thánh của Chúa nữa.
Nếu trong số học viên đã tham gia lớp giáo lý có người trả lời không đúng với những niềm tin căn bản thì phải học lại để hiểu đúng (có quy định số điểm tối thiểu để được làm báp-tem). Cũng như nếu không thuộc lòng 10 điều răn chẳng hạn, sẽ phải học khi nào thuộc thì thôi. Sau đó sẽ phải thi trắc nghiệm lại. Còn ai muốn làm báp-têm với lý do nào khác như trên mà cháu đã trình bày thì sẽ được khuyên và thậm chí bị từ chối không làm báp-têm. Sau khi đạt điểm và thuộc một số tín lý căn bản thì sẽ được mục sư làm báp-têm và trở thành tín hữu chính thức. (Như vậy, để được làm báp-têm, tín hữu mới phải mất khoảng thời gian ít nhất vài tháng mới học xong giáo lý căn bản, mỗi tuần có 1 buổi học duy nhất).
Sau khi đọc phân đoạn Kinh Thánh, quan điểm của cháu như sau:
Kinh Thánh có nghi rõ: "Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế." (Ma-thiơ 28: 19-20)
Theo trật tự của đoạn Kinh Thánh trên thì chúng ta phải dạy dỗ muôn dân trước, khi họ đã hiểu rồi thì mới làm báp-têm được. Chú cho rằng trong lịch sử của Hội Thánh, chúng ta không cần dạy giáo lý trước mà làm báp-têm ngay. Quan điểm của chú hoàn toàn đúng trong bối cảnh lịch sử và văn hóa nhất định.
Người Do Thái thời Chúa Giê-xu hầu như đa số đều quá hiểu về Kinh Thánh vì văn hóa và lịch sử của họ gắn liền với Kinh Thánh, họ có những chuyên gia về Kinh luật. Nên việc giải thích về Đức Chúa Trời đối với họ đôi khi không cần thiết nữa. Thậm chí tên cướp trên thập tự giá cũng chỉ cần một chút thời gian để tin Chúa mà thôi, và theo cháu hiểu thì tên cướp cũng đã nắm được giáo lý Đức Chúa Trời rồi, kiến thức của tên cướp trên thập tự giá chắc chắn hơn kiến thức của người Việt Nam về Chúa Trời. Vì vậy, với những người này, chỉ cần giải thích đôi lời là họ hiểu nên có thể làm báp-têm cho họ luôn được. Cũng như Giăng báp-tít đã làm báp-têm cho rất nhiều người trước đó. Đối với họ, chắc chắn sẽ không có bước học giáo lý căn bản rồi mới làm báp-têm. Tất nhiên, lễ báp-têm bằng nước cũng chỉ là hình thức bên ngoài, còn quan trọng là tấm lòng họ có tin Chúa không. Phép báp-têm bằng Thánh Linh là quan trọng nhất.
Đến thời đại hiện nay, nhất là đối với người Việt Nam. Không phải người Việt Nam nào cũng biết Chúa Trời là ai? Chúa Giê-xu là ai? Vì vậy, muốn để họ hiểu, chúng ta cần giải đáp và giải thích cho họ bằng lời trước tiên. Hoặc thậm chí đưa cho họ sách để họ tự đọc. Chỉ cần họ hiểu được những điều căn bản về: Đức Chúa Trời là ai? Sáng tạo thế giới thế nào? Con người có nguồn gốc từ Chúa thế nào? Tại sao phạm tội? Sẽ bị phạt ra sao? Chúa Giê-xu giáng sinh làm gì? Làm sao để được ơn cứu rỗi của Chúa Giê-xu? Theo Chúa thì phải làm gì? (tin nhận Chúa, vâng giữ điều răn…) Khi họ đã hiểu những điều này, và công nhận mình có tội với Chúa. Họ sẽ phải tự cầu nguyện tiếp nhận Chúa. Lúc đó, chúng ta có thể làm báp-têm cho họ mà không cần phải mất nhiều thời gian đến lớp giáo lý để học rồi mới được phép làm báp-têm. Chính lúc khi chúng ta làm chứng về Chúa cho họ, đưa họ tài liệu để họ xem là lúc chúng ta đang "dạy dỗ muôn dân". Điều này chứng tỏ, họ không thể nào làm báp-têm khi chưa hiểu về Chúa. Sau khi họ làm báp-têm, họ vẫn phải tiếp tục học hỏi thêm lời Chúa qua Kinh Thánh và các bài giảng nữa để trưởng thành dần lên, thành Cơ Đốc Nhân ăn thức ăn "thuộc linh" loại cứng hơn chứ không phải "uống sữa" thuộc linh như con trẻ nữa.
Cháu không đồng tình chuyện phải đến giáo hội, mất mấy tháng ròng để học một mớ giáo lý rồi mới cho họ làm báp-têm. Thậm chí lại còn có trường hợp, có người đến nhà thờ để xin học lớp giáo lý căn bản để làm báp-têm thì lại được trả lời rằng hiện nay chưa có lớp mới, phải đợi tháng sau mới có lớp mới đăng ký để học?
Nếu làm như giáo hội hiện nay là không đúng. Và sẽ là rào cản cho những người muốn tin nhận Chúa. Nhưng nếu áp dụng máy móc là một người chưa hề biết gì nhiều về Chúa mà đã làm báp-têm thì cũng không được. Có trường hợp đã xảy ra tại Hội Thánh _____ như sau: một tín hữu tại Hội Thánh _____ đi xe taxi, trên quãng đường đi, người này có nói về Chúa cho anh lái xe. Sau đó, 2 người quyết định dừng xe lại bên đường và cùng nhau xuống khúc sông gần đường đi và tiến hành cầu nguyện tiếp nhận và làm báp-têm ngay lập tức. Cháu băn khoăn rằng: liệu với một khoảng thời gian ngắn như thế? Liệu anh lái xe kia hiểu về Chúa thế nào mà đã làm báp-têm cho anh ấy? Nếu anh ấy là một người đã có chút khái niệm hoặc đã từng được nghe về Chúa rồi, bây giờ mới hiểu hoàn toàn và muốn làm báp-têm thì ok. Nhưng liệu anh ấy đã hiểu thật chưa?
Trên thực tế. Cháu biết có những người làm báp-têm rồi mà vẫn còn cho rằng ăn đồ cúng được, cho rằng đến chùa, đến nhà thờ Công giáo tôi cũng cầu nguyện với Chúa được, tôi cũng cúng Táo Quân cuối năm được, Chúa và Thượng Đế là một mà thôi, Chúa chỉ là tên gọi của bên Cơ Đốc Giáo mà thôi, và cũng giống như các tên gọi khác như Allas, Thượng Đế và các Đấng của tôn giáo khác… Đó là hậu quả của việc vội vã để một người chưa hiểu hết về Chúa làm báp-têm, hay nói cách khác là có số lượng người tin Chúa nhiều mà chất lượng lại không được là bao (thực tế tại Hội Thánh _____ hiện nay, số người mới tin Chúa đông nhưng số lượng tín hữu cũ rời bỏ Chúa cũng tương đương. Và kết quả thì vẫn không có nhiều hơn là bao). Có trường hợp tín hữu có kiến thức về Kinh Thánh hơn chút nhưng lại ra ngoài làm chứng với người chưa tin Chúa thế này: nếu anh chị tin Chúa thì dù có uống thuốc độc, axít cũng không chết, đặt tay chữa lành bệnh được… Thật là một lời chứng máy móc và nguy hiểm! Khi cháu hỏi tín hữu đó rằng: nếu người mà được làm chứng kia vặn hỏi: ông bà nói thế thì hãy chứng minh đi, thuốc độc đây, ông bà ăn xem có chết không? Nếu không chết tôi tin Chúa liền thì sao? Thì tín hữu kia trả lời với cháu rằng: nếu thế thì tôi sẽ trả lời rằng: Chúa dạy thế, nhưng vì tôi chưa đủ đức tin để làm được điều đó. ??? Cháu đã phải giải thích lại cho người tín hữu kia rằng: Chúa dạy thế, nhưng việc điều đó có thực hiện được hay không là do Chúa chứ không phải là do anh chị hay ông bà cứ cầu nguyện và muốn thế là được. Chúa không phải là ông "Thần đèn" của ông bà hay anh chị đâu.
Tìm hiểu sâu thêm về một số tín hữu mới cháu còn biết, có người chưa biết gì nhiều về Chúa nhưng được tín hữu cũ mời đến nhà thờ nghe truyền giảng. Họ cũng lịch sự và nể nang nên đến nhà thờ theo lời mời của người làm chứng. Rồi thì khi Hội Thánh kêu gọi lên tiếp nhận Chúa, thì người làm chứng cứ túm tay lôi họ lên trên bục giảng để cầu nguyện tiếp nhận, có người thì bị thụ động nên phải miễn cưỡng lên theo và rồi làm như một con rối, cũng cầu nguyện này nọ… rồi sau đó thì họ "cao chạy xa bay" vì quá sợ, cứ nghĩ như mình bị dụ dỗ vào một tổ chức gì đó… có người thì không phản ứng như thế, họ thấy tò mò, có vẻ thấy hoạt động ở nhà thờ có vẻ vui vui nên cũng cầu nguyện mà chả hiểu gì, rồi cũng học giáo lý mà không biết có hiểu gì không. Nhưng khi họ nhận ra rằng theo Chúa không đơn giản như thế, mất nhiều quyền lợi trên thế gian quá, gò bó quá… họ liền thoái lui và cũng chả còn theo nữa, mặc dù đã làm báp-têm rồi.
Đấy là một số lời cháu muốn trao đổi cùng chú. Tóm lại, việc làm báp-têm cho một người mới tin Chúa còn phải phụ thuộc vào sự hiểu biết về Chúa của họ đến đâu? Nếu sự hiểu biết của họ còn quá non kém và sai lạc thì phải giải thích cho họ hiểu. Chừng nào họ hiểu thật và tin thật "tâm thần và lẽ thật". Lúc đó mình có thể làm báp-têm cho họ mà không cần bắt họ phải đi học một lớp giáo lý tại Giáo hội mấy tháng rồi mới được làm báp-têm. Còn nếu kiến thức về Chúa của họ đã tương đối rồi, nhưng có một số điều sai lạc (người Công Giáo, người Do Thái xưa và người theo Do Thái giáo…) thì chỉ cần họ hiểu đúng lại và tin nhận là làm báp-têm được.
Tim Huỳnh:
Chú không muốn bàn về việc làm, tôn chỉ, cách sống đạo của các giáo hội, hay ý kiến, quan điểm, sở thích của bất cứ ai; vì như thế sẽ tốn nhiều thời gian và công sức mà chẳng đưa chúng ta đến với lẽ thật. Nguyên tắc của chú là: học và làm theo Lời Chúa. Vậy nên, chú chỉ dùng Lời Chúa để trình bày với cháu. Trong Ma-thi-ơ 28:19, 20 Chúa dạy rằng:
"Vậy, hãy đi khiến cho muôn dân trở nên môn đồ, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!"
(Bản Hiệu Đính Phan Khôi 2011)
So sánh với bản dịch sát nghĩa: Literal Translation of the Holy Bible:
"Then having gone, disciple all nations, baptizing them into the name of the Father and of the Son and of the Holy Spirit, teaching them to observe all things, whatever I commanded you. And, behold, I am with you all the days until the completion of the age. Amen."
Trong khi bản Dịch Phan Khôi và King James đều dịch diễn ý:
"Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhơn danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế."
"Go ye therefore, and teach all nations, baptizing them in the name of the Father, and of the Son, and of the Holy Ghost: Teaching them to observe all things whatsoever I have commanded you: and, lo, I am with you alway, even unto the end of the world. Amen. "
Trong nguyên ngữ của Thánh Kinh, từ ngữ "mathēteuō" (μαθητεύω) có nghĩa là "khiến cho trở thành học trò, tức môn đồ." Có bằng lòng làm học trò rồi thì mới có thể học. Như vậy, lời phán của Chúa được hiểu như sau:
1. Hãy đi và làm cho mọi dân tộc trở thành môn đồ (của Chúa, như chúng ta là môn đồ của Ngài), bằng cách nói về Chúa cho họ. Môn đồ là người chịu theo Chúa và học Đạo của Ngài.
2. Khi có ai bằng lòng trở thành môn đồ của Chúa thì tiến hành nghi thức "nhập môn" cho họ, tức là làm báp tem cho họ trong danh: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh.
3. Kế tiếp: dạy cho họ giữ hết cả mọi điều Chúa đã truyền cho chúng ta (được ghi lại trong Thánh Kinh). Nên nhớ là dạy cho họ giữ chứ không phải dạy cho họ hiểu (Teaching them to observe all things whatsoever I have commanded you). Nghĩa là, bảo họ vâng theo mọi điều Chúa dạy trong Thánh Kinh dù họ có hiểu hay không. Khi họ tin và vâng giữ Lời Chúa thì Đức Thánh Linh sẽ giúp họ hiểu và dẫn họ vào mọi lẽ thật của Lời Ngài. Chúng ta chỉ thật sự hiểu được Lời của Chúa khi chúng ta tin và làm theo.
Như vậy: nếu chúng ta buộc một người mới tin Chúa phải học giáo lý, thi đậu, xong mới làm báp-tem cho họ là chúng ta đã làm nghịch lại Lời Chúa. Điều cơ bản nhất trong công tác môn đệ hóa muôn dân mà chúng ta không vâng theo Lời Chúa dạy (nhưng làm theo sự khôn ngoan riêng của mình) thì chúng ta đã vô tình tạo ra thói xấu và gây ra nhiều trở ngại cho việc phát triển Hội Thánh.
Vì có "tổ chức tôn giáo," tức là các giáo hội cho nên người ta có thể vì nhiều lý do, đến với giáo hội, xin làm báp-tem để dược hưởng những quyền lợi do giáo hội đem đến. Nếu chúng ta bước ra ngoài giáo hội để hoàn toàn ở trong Hội Thánh của Chúa thì chú tin rằng việc người ta nghe chúng ta giảng Đạo và tin nhận Chúa, sẽ là thật lòng.
Quan niệm cho rằng người Do-thái thời xưa vì hiểu rõ Thánh Kinh cho nên chỉ cần nói đôi điều thì họ hiểu lẽ Đạo là hoàn toàn sai lầm! Vì họ chỉ biết Cựu Ước chứ không biết gì về Tin Lành. Chính vì biết (theo lý trí) về Cựu Ước mà họ càng tỏ ra chống đối Đạo Chúa. Phao-lô là điển hình. Như vậy, sự hiểu biết của họ chính là trở ngại lớn nhất khiến cho họ khó mà tin nhận Chúa và trở nên môn đồ của Ngài.
Điều kiện duy nhất để một người được cứu rỗi, được báp-tem vào trong thân thể của Chúa là: Thật lòng ăn năn, từ bỏ tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ và bằng lòng chấp nhận điều kiện đi theo Chúa: từ bỏ chính mình, vác thập tự giá mình mà đi theo Chúa mỗi ngày, (nghĩa là vui lòng chịu khổ mỗi ngày để sống cho Chúa và sống vì Chúa).
Ai tự ý buộc người khác phải trải qua những thể thức do loài người đặt ra trước khi được báp-tem, thì người đó nghịch lại Lời Chúa và sẽ chịu trách nhiệm trước mặt Chúa sau này.
Kết luận:
Chúng ta giảng về Tin lành cứu rỗi cho người chưa tin Chúa. Nếu họ muốn tin Chúa thì chúng ta hỏi họ:
1. Có công nhận mình là tội nhân hay không? Đọc Mười Điều răn cho họ nghe, chỉ cho họ tự đọc và giải thích: người nào vi phạm những điều đó là tội nhân trước mặt Chúa. Nếu họ công nhận thì hỏi tiếp:
2. Có hoàn toàn tin cậy vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ hay không? Nghĩa là không cậy vào việc làm công đức, nghi thức tôn giáo, không cậy vào các thần khác hay những việc làm mê tín dị đoan. Nếu họ bằng lòng thì hỏi tiếp:
3. Có sẵn sàng chịu khổ để sống theo lời Chúa dạy mỗi ngày hay không? Nghĩa là nhờ ơn Chúa để từ bỏ mọi việc làm tội lỗi, nhất là việc thờ lạy thần tượng, tổ tiên, và các thói hư tật xấu, như: gian dâm, cờ bạc, say sưa, ghiền thuốc lá hoặc ma túy… Cần giải thích rõ là họ chỉ cần có lòng thành thật muốn từ bỏ là đủ, vì chắc chắn là không ai có thể từ bỏ tội cho tới khi được Chúa tái sinh. Nếu họ bằng lòng, thì chúng ta lập tức làm báp-tem cho họ.
Dù phép báp-tem không là điều kiện để được cứu nhưng là điều kiện để được phước (vì vui lòng và sốt sắng vâng theo lời Chúa dạy) cho nên chúng ta phải lập tức thực hiện cho người mới tin Chúa. Trong Thánh Kinh luôn luôn nhấn mạnh đến sự làm báp-tem lập tức cho người mới tin Chúa, dù họ là người Do-thái hay người không phải Do-thái, chẳng biết gì về Đức Chúa Trời và Thánh Kinh Cựu Ước của người Do-thái..
Trên đây là cách khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa hoàn toàn đúng theo Thánh Kinh.
Chú mong rằng những giải thích trên đây giúp ích được cho cháu.