Hỏi & Đáp: Giáo Lý của Ni-cô-la và Giáo Lý của Ba-la-am

3,669 views

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download bài viết này

Hỏi:

Giáo lý của Ni-cô-la là gì? có khác giáo lý Ba-la-am không?

Đáp:

Giáo lý của Ba-la-am là giáo lý khuyến dụ con dân Chúa chung đụng với những người nữ ngoại giáo để cho họ tiêm nhiễm thói tục thờ lạy thần tượng của ngoại giáo. Khải Huyền 2:14 nói rõ, đặc tính của giáo lý Ba-la-am là xúi giục con dân Chúa ăn của cúng thần tượng và phạm tà dâm. Ngày nay, trong Hội Thánh của Chúa, hễ những ai: (1) cổ võ cho việc con dân Chúa kết hôn với người ngoại giáo trong tinh thần “đạo ai nấy giữ” hoặc “cưới gả trước rồi làm chứng cho tin Chúa sau;” hoặc (2) cổ võ cho việc Hội Thánh Chúa cử hành những ngày lễ mang danh Chúa nhưng lại pha trộn các truyền thống và thần thoại của ngoại giáo, như: Christmas [1], Easter [2], Lễ Tro, Lễ Lá… thì họ đều là những người học theo giáo lý của Ba-la-am.

Chúng ta không thể nào pha trộn các thần thoại và những truyền thống mê tín dị đoan của ngoại giáo vào trong sự thờ phượng Chúa của chúng ta. Chúa nghiêm khắc dạy cho chúng ta phải thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật; không được theo các thói tục của dân ngoại giáo mà thờ phượng Chúa:

“Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong tâm thần và lẽ thật” (Giăng 4:24 – Bản Dịch Ngôi Lời).

“Thế thì, các ngươi phải giữ điều Ta phán dặn, để đừng làm theo một trong các thói tục gớm ghiếc nào đã làm trước các ngươi, và các ngươi chớ vì các thói tục đó mà gây cho mình ô uế. Ta là Giê-hô-va Thiên Chúa của các ngươi”(Lê-vi Ký 18:30)

Tại sao chúng ta dùng tên của nữ tà thần “Easter” [2] để gọi ngày kỷ niệm Chúa phục sinh? Lại còn theo thói tục nhuộm trứng, săn trứng, làm bánh kẹo hình con thỏ vào ngày lễ kỷ niệm Chúa phục sinh! Tại sao chúng ta gọi ngày kỷ niệm Chúa sinh ra là “Christmas” [1] mà nghĩa của nó là “Đấng Christ bị giết” rồi chúng ta vui mừng nói: “Merry Christmas,” tức là: “Mừng Đấng Christ bị giết?” Lại còn dựng những cái gọi là cây giáng sinh, làm bánh hình khúc gỗ sồi, và bịa đặt chuyện “ông già Nô-en tặng quà cho các trẻ ngoan!”

Thánh Kinh không cho chúng ta biết gì về giáo lý của Ni-cô-la. Theo Peloubet’s Bible Dictionary:  “Dường như họ tin rằng việc ăn các của cúng thần tượng và phạm những điều vô đạo đức của dân ngoại giáo là hợp pháp, trong khi những điều đó nghịch lại với mạng lịnh của Hội Thánh được chép trong Công Vụ Các Sứ Đồ 15:20, 29. Tự mình hòa đồng với những sự say sưa và tình dục thác loạn trong những lễ hội cúng thần, họ đã đem sự ô uế của các lễ hội đó vào trong các buổi nhóm họp của Hội Thánh Cơ-đốc. Và cần phải nhớ rằng, tất cả những điều này được làm không phải vì chìu theo tư dục mà là một phần của một HỆ THỐNG, được hổ trợ bởi một “giáo lý,” đi kèm bởi những lời khoe khoang về sự thông hiểu lời tiên tri [3].”

Rất có thể, giáo lý của Ba-la-am và giáo lý của Ni-cô-la giống nhau trên hình thức, là cùng khuyến dụ con dân Chúa ăn của cúng thần tượng và phạm tà dâm, nhưng động cơ thì khác nhau.

Giáo lý của ba-la-am rõ ràng là giáo lý của kẻ thù muốn làm hại con dân Chúa bằng cách đồng hóa họ với các thói tục của ngoại giáo (xem Dân Số Ký 22-25 và 31:16). Trong khi đó, rất có thể, giáo lý của Ni-cô-la dựa trên tà thuyết Antinomianism (Nghịch Luật Pháp).

Tà thuyết Antinomianism dạy rằng: Bởi đức tin và ân điển của Thiên Chúa mà Cơ-đốc nhân không còn bị ràng buộc bởi luật pháp, vì thế, một khi đã tin nhận sự cứu rỗi của Thiên Chúa thì một người không cần phải vâng giữ luật pháp, kể cả Mười Điều Răn. Chính vì tin như vậy mà nhiều Cơ-đốc nhân sống một đời sống “như kẻ thù nghịch thập tự giá” mà mỗi lần nói đến, Sứ Đồ Phao-lô phải khóc (Phi-líp 3:18).

Như vậy, dù những người theo giáo lý của Ni-cô-la cũng tự do ăn của cúng tế các thần tượng và phạm tà dâm như những người theo giáo lý của Ba-la-am, nhưng lý do của phái Ni-cô-la là “Cơ-đốc nhân được tự do với luật pháp của Thiên Chúa,” còn lý do của phái Ba-la-am là dùng sự ăn uống vui chơi và tình dục thác loạn để làm hư hõng Hội Thánh Chúa. Phái Ni-cô-la là “thù trong” còn phái Ba-la-am là “giặc ngoài” của Hội Thánh.

Theo nhà thần học J.I.Packer thì có năm trường phái Antinomianism [4]:

  • Dualistic Antinomianism (Gnostic), tức là Phái Nghịch Luật Pháp Nhị Nguyên hoặc Tri Thức Luận. Phái này cho rằng con người gồm phần hồn và xác (nhị nguyên = hai nguyên tố). Sự cứu rỗi chỉ cần cho phần hồn cho nên các sinh hoạt của phần xác không quan hệ gì tới mục đích của Thiên Chúa và phúc lợi của linh hồn.
  • Spirit-centered Antinomianism, tức là Phái Nghịch Luật Pháp Chú Về Thần Linh. Phái này cho rằng một người chỉ cần lắng nghe sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh trong lòng chứ không cần phải vâng giữ các điều răn và luật pháp của Thánh Kinh. Sự cứu rỗi khiến cho một người được tự do khỏi luật pháp có nghĩa là người ấy được tự do không cần vâng giữ luật pháp.
  • Christ-centered Antinomianism, tức là Phái Nghịch Luật Pháp Chú Về Đấng Christ. Phái này cho rằng Thiên Chúa không nhìn thấy tội lỗi trong Cơ-đốc nhân bởi vì Cơ-đốc nhân ở trong Đấng Christ và Đấng Christ đã thay cho Cơ-đốc nhân làm tròn các việc luật pháp; vì vậy, Cơ-đốc nhân sống như thế nào không phải là vấn đề, miễn là họ cứ tiếp tục tin cậy sự cứu rỗi của Đấng Christ.
  • Dispensational Antinomianism, tức là Phái Nghịch Luật Pháp Thời Đại. Phái này cho rằng Hội Thánh đang sống trong thời đại ân điển cho nên tất cả các luật pháp trong Thánh Kinh không còn là mạng lịnh trực tiếp của Thiên Chúa đối với Cơ-đốc nhân, mà các mạng lịnh đó có khi khởi động Lời của Đức Thánh Linh trong lòng người, nhưng khi Lời của Đức Thánh Linh đến, không hẳn là những lời chính xác như Lời đã chép trong Thánh Kinh.
  • Situationist Antinomianism, tức là Phái Nghịch Luật Pháp Hoàn Cảnh. Phái này cho rằng động cơ và mục đích của tình yêu là tất cả những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi Cơ-đốc nhân. Mười Điều Răn hay các luật đạo đức khác trong Thánh Kinh trực tiếp đến từ Thiên Chúa, chỉ là những luật gợi ý cách hành xử trong sự yêu thương, những luật mà nhiều khi, vì hoàn cảnh, có thể bỏ qua.

Chúng ta có thể nhận thức một cách rõ ràng rằng, một khi đem thẩm quyền của Thánh Kinh ra khỏi đức tin của Cơ-đốc nhân thì lập tức đủ loại tà thuyết xâm nhập. Năm quan điểm trên đây của các trường phái “nghịch luật pháp” tiêu biểu cho những suy luận triết học và thần học hoàn toàn không dựa trên lẽ thật của Thánh Kinh. Mỗi quan điểm đều trưng dẫn một số câu trong Thánh Kinh để hổ trợ cho lập luận của chúng; nhưng chúng ta dễ dàng nhận thấy, đó chỉ là cách dùng Thánh Kinh của Sa-tan, nhằm gài bẫy cho con dân Chúa rơi vào tội lỗi.

Tóm lại, Thánh Kinh không cho chúng ta biết chi tiết về giáo lý của Ni-cô-la nhưng dựa trên các tài liệu của Hội Thánh ban đầu thì giáo lý của Ni-cô-la cũng giống như giáo lý của Ba-la-am, chỉ khác nhau về lý do khiến cho phát sinh ra lối sống tự do ăn của cúng tế các thần tượng và tự do phạm tà dâm trong vòng con dân Chúa. Nếu quả thật giáo lý của Ni-cô-la phát xuất từ các trường phái Nghịch Luật Pháp thì giáo lý đó còn nguy hiểm hơn giáo lý của Ba-la-am nhiều, vì nó biến những người tin theo nó thành những kẻ cho rằng “đức tin vào sự cứu rỗi của Đấng Christ là giấy phép để họ tha hồ phạm tội!” Một trong những hình thức “bình mới rượu cũ” của giáo lý Nghịch Luật Pháp trong thời đại hiện nay là giáo lý: “Tin Chúa một lần được cứu vĩnh viễn” bất kể là người tin Chúa có chịu từ bỏ nếp sống tội lỗi hay không. Giáo lý này đã bỏ đi một trong hai phần ắt phải có trong nguyên tắc của sự cứu rỗi, là: Ăn năn tội + tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ.

Nguyện Thiên Chúa soi sáng lòng các con dân chân thật của Ngài để họ khỏi sa vào bẫy rập của Sa-tan và các giáo sư giả của nó. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
08.10.2011

Ghi chú

[1] Xin tham khảo: https://timhieutinlanh.com/node/299

[2] Xin tham khảo: https://timhieutinlanh.com/node/519

[3] Peloubet’s Bible Dictionary, page 449.

[4] Packer, “Concise Theology,” pages 178-180.