Con Dân Chúa và Chính Trị

3,040 views

Tải xuống video tại đây: https://youtu.be/B7bpNUHD3Jc

201910 Bài Giảng Trong Năm 2019
Con Dân Chúa và Chính Trị

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xNzg1NDk5ODBf/201910_ConDanChuaVaChinhTri.mp3
SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201910-condanchuavachinhtri
MediaFire: http://www.mediafire.com/file/1j6ah24svou5zlj/201910_ConDanChuaVaChinhTri.mp3/file

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Amazon Drive: https://www.amazon.com/clouddrive/share/EERPUwTASJiTF0aRyt5inO35U3LZbPYs8qE7kOvo5oU
MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf
OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Kính thưa Hội Thánh,

Có lẽ ít nhiều gì cũng có lần quý ông bà anh chị em nghe ai đó nói câu: “Người Tin Lành không làm chính trị” hoặc “Con dân Chúa không làm chính trị”. Nói như vậy là đúng hay sai Thánh Kinh?

Bổn phận và trách nhiệm của con dân Chúa là luôn luôn đối chiếu mọi sự với Thánh Kinh, nhất là những lời được những người nhân danh Chúa rao giảng. Bổn phận là việc phải làm của một người. Trách nhiệm là việc phải làm cho trọn vẹn nếu không sẽ bị sửa phạt. Người giảng sai Lời Chúa sẽ nhận lãnh trách nhiệm trước Chúa nhưng người nghe lời rao giảng mà không đối chiếu lời rao giảng với Thánh Kinh trước khi làm theo, thì người nghe và làm theo cũng phải chịu trách nhiệm trước Chúa về sự làm sai của mình, nếu lời rao giảng ấy sai Thánh Kinh.

Trong bài này, chúng tôi xin giãi bày năm điều sau đây:

1. Chính trị là gì?

2. Làm chính trị là gì?

3. Con dân Chúa làm chính trị có đúng Thánh Kinh không?

4. Bổn phận chính trị của con dân Chúa là gì?

5. Điển hình một số hành động chính trị hoặc phản chính trị.

Điều một và điều hai chúng tôi dựa trên định nghĩa chung của xã hội để giãi bày. Điều ba, điều bốn, và điều năm chúng tôi hoàn toàn dựa trên lời dạy của Chúa trong Thánh Kinh để giãi bày. Tất cả những quy tắc, luật lệ, định nghĩa của xã hội nếu không sai nghịch Lời Chúa thì đều là sự mà con dân Chúa cần phải tiếp nhận và vâng theo. Vì chúng ta đang sống trong xã hội với bổn phận làm “muối của đất”, làm “sự sáng của thế gian”, “vâng phục các quyền cao hơn mình”, và “trở nên mọi sự cho mọi người” (Ma-thi-ơ 5:13-14; Rô-ma 13:1; I Cô-rinh-tô 9:22).

Chính Trị Là Gì?

“Chính trị” là một danh từ Hán Việt (政治). Chính có nghĩa là khuôn khổ, phép tắc, đường lối ngay thẳng do bậc cầm quyền lập ra. Trị là lo liệu, quản lý, điều hành. Chính trị là khuôn khổ, phép tắc, đường lối ngay thẳng do bậc cầm quyền lập ra để cai trị dân chúng trong nước và ứng xử với các nước khác, mà mục đích là đem lại sự hòa bình, hạnh phúc cho dân chúng. Hoà bình là không có chiến tranh và các tệ nạn xã hội. Hạnh phúc là dân chúng được hưởng các quyền tự do như đã liệt kê trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền [1] và có ăn, có mặc, có chỗ ở, có phương tiện trau dồi trí thức. Bậc cầm quyền làm được như vậy được gọi là “chính quyền”, nghĩa là nhà cầm quyền chính trực hay nhà cầm quyền công chính.

Trong tiếng Anh, “chính trị” là “politics” với các định nghĩa [2]:

  • Nghệ thuật hay khoa học về chính quyền.
  • Nghệ thuật hay khoa học liên quan đến việc lèo lái hay ảnh hưởng đến chính sách của chính quyền.
  • Nghệ thuật hay khoa học liên quan đến việc thắng và nắm giữ quyền điều khiển một chính quyền.

Danh từ “nghệ thuật” nói đến cái hay, cái đẹp. Danh từ “khoa học” nói đến sự đúng với nguyên lý. Vậy, “politics” là sự cầm quyền cai trị một quốc gia một cách hay và đẹp, đúng với các nguyên lý về cai trị dân chúng nhằm đem lại hòa bình, hạnh phúc cho dân chúng.

Dù là trong tiếng Anh hay tiếng Hán Việt, hay trong bất cứ ngôn ngữ nào khác, thì “chính trị” cũng đều có nghĩa là cách thức đúng đắn để cai trị một quốc gia. Nếu không phải là chính trị thì quyền cai trị một quốc gia sẽ là tà quyền, bạo quyền.

Tà quyền là nhà cầm quyền lập ra những khuôn khổ, phép tắc, đường lối không ngay thẳng để gạt dân, giữ độc quyền cai trị dân, để thu lợi cho những kẻ cầm quyền. Điển hình là đảng Dân Chủ hiện nay ở Mỹ. Bạo quyền là nhà cầm quyền dùng bạo lực để cai trị dân, bóc lột dân, tước đoạt những quyền tự do căn bản của dân. Điển hình là các nhà cầm quyền Hồi Giáo và Cộng Sản.

Thánh Kinh xác nhận: Mọi quyền đều bởi Thiên Chúa chỉ định, trong đó có chính quyền. Mục đích của chính quyền là để thay Chúa cai trị dân chúng, thưởng người lành, phạt kẻ dữ. Lời Chúa dạy về chính quyền được ghi lại trong Thánh Kinh, như sau:

Rô-ma 13:1-7

1 Mọi linh hồn phải vâng phục các quyền cao hơn mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Thiên Chúa, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định.

2 Cho nên, ai chống cự chính quyền tức là đối nghịch với sự sắp xếp của Đức Chúa Trời. Nhưng những kẻ đối nghịch sẽ chuốc lấy án phạt vào mình.

3 Vì những người cai trị không phải là sự khiếp sợ cho những người lành mà là cho những kẻ ác. Ngươi muốn không sợ chính quyền chăng? Hãy làm điều lành thì ngươi sẽ được khen.

4 Vì người là tôi tớ của Thiên Chúa để làm ích cho ngươi. Nhưng nếu ngươi làm ác thì hãy sợ; vì người mang gươm chẳng phải là vô cớ. Người là tôi tớ của Thiên Chúa, là người thi hành hình phạt, giáng cơn giận trên kẻ làm ác.

5 Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng phải chỉ bởi cơn giận nhưng cũng bởi lương tâm.

6 Cũng vì vậy mà các anh chị em nộp thuế; vì họ là các tôi tớ của Thiên Chúa, hằng giữ việc ấy.

7 Vậy nên, các anh chị em hãy trả cho mọi người những gì mình thiếu họ: sự nộp thuế cho người thu thuế, sự đóng lệ phí cho người thu lệ phí, sự sợ người đáng sợ, sự kính người đáng kính [3], [4].

I Phi-e-rơ 2:13-14

13 Vì Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc của loài người, hoặc như vua, là người có quyền cao,

14 hoặc các quan, như những người vua sai ra để phạt những kẻ làm dữ và khen những người làm lành [5].

Hai phân đoạn Thánh Kinh trên đây được viết ra cho con dân Chúa sống dưới sự cai trị của đế quốc La-mã vào thế kỷ thứ nhất. Lời Chúa cho chúng ta thấy, quyền cai trị quốc gia đến từ Thiên Chúa. Bậc cầm quyền phải có chính trị, tức cách thức đúng đắn để cai trị quốc gia; còn dân chúng thì phải vâng phục chính quyền.

Trong thực tế, nhà cầm quyền của đế quốc La-mã thời ấy đã nhiều lần biến thành tà quyền, bạo quyền, thậm chí bách hại và giết chết hàng triệu con dân Chúa. Khi chính quyền biến thành tà quyền, bạo quyền, ban hành những sách lược không chính đáng, thì người dân có quyền không vâng phục.

Làm Chính Trị Là Gì?

Làm chính trị bao gồm hai phương diện: Việc làm của bậc cầm quyền và việc làm của dân chúng.

Việc làm của bậc cầm quyền: Việc làm ra chính sách và thi hành chính sách là việc làm chính trị của bậc cầm quyền, được thể hiện bởi các viên chức cầm quyền, từ trung ương đến địa phương.

Bậc cầm quyền, dù là do dân chúng bầu lên như trong các chế độ dân chủ hay do tự lập và lưu truyền trong gia tộc như trong các chế độ quân chủ, hoặc do tự lập sau các cuộc đảo chính (lật đổ chính quyền) hay các cuộc xâm lăng, thì chính trị vẫn là điều phải có. Vì chính trị là ý Trời và là bổn phận, trách nhiệm của nhà cầm quyền đối với dân chúng.

Bậc cầm quyền nào cũng có bổn phận và trách nhiệm tạo ra những khuôn khổ, phép tắc, đường lối ngay thẳng, hay, đẹp, đúng với các nguyên lý về cai trị dân chúng nhằm đem lại hòa bình, hạnh phúc cho dân chúng, gọi chung là chính sách; và thi hành chính sách một cách hữu hiệu. Nếu không, sẽ không thể gọi là chính quyền, mà chỉ là tà quyền, bạo quyền.

Việc làm của dân chúng: Việc làm chính trị của dân chúng trước hết là vâng phục chính quyền. Kế tiếp là lên tiếng phê bình, góp ý, hoặc khích lệ việc làm của chính quyền. Nếu là một chế độ dân chủ thì người có khả năng nên tích cực ứng cử vào các chức vụ trong chính quyền, người không có khả năng thì tích cực bầu cử người có khả năng vào các chức vụ trong chính quyền. Đây là nói về chế độ dân chủ thật sự, khi ai trong dân chúng cũng có quyền ứng cử. Nếu chỉ là chế độ dân chủ giả tạo, những người ứng cử do nhà cầm quyền đưa ra, thì dân chúng không cần tham dự bầu cử.

Nếu nhà cầm quyền trở thành tà quyền, bạo quyền, cai trị bằng sự dối trá và “hà chính” thì dân chúng phải tích cực phản đối. Nếu nhà cầm quyền không thay đổi thì dân chúng phải liên kết, đứng lên lật đổ tà quyền, bạo quyền để lập ra một chính quyền.

“Hà chính” là cách thức cai trị hà khắc, tàn ác. Người xưa có câu: “Hà chính mãnh ư hổ dã”, có nghĩa: Sự cai trị hà khắc còn tàn bạo hơn cọp vậy. Nếu vì một lý do gì không thể lật đổ bạo quyền thì dân chúng chỉ còn có thể chọn phương cách tha hương, tỵ nạn chính trị. Thành ngữ “người tỵ nạn chính trị” có nghĩa là: Người tránh nạn tà quyền, bạo quyền trên đất nước của mình để được hưởng chính trị trên một đất nước khác.

Con Dân Chúa Làm Chính Trị Có Đúng Thánh Kinh Không?

Ý nghĩa của “trở nên mọi sự cho mọi người” trong I Cô-rinh-tô 9:22 hàm ý con dân Chúa phải hòa mình trong hoàn cảnh xã hội, để có thể đem Tin Lành Cứu Rỗi của Đức Chúa Trời đến với mọi người, cứu chuộc những ai chịu tin nhận.

“Tôi trở nên yếu đuối như những người yếu đuối để tôi được những người yếu đuối. Tôi đã trở nên mọi sự cho mọi người để bằng mọi cách tôi cứu được một vài người. Nhưng điều này tôi làm bởi Tin Lành để tôi cũng là người dự phần.” (I Cô-rinh-tô 9:22-23).

Hoà mình, hội nhập vào hoàn cảnh xã hội để đồng cảm với mọi người và rao giảng Tin Lành cho mọi người là bổn phận của mỗi một con dân Chúa. Chính Đức Chúa Jesus Christ đã hoà mình, hội nhập vào hoàn cảnh xã hội:

Ma-thi-ơ 9:9-13

9 Khi Đức Chúa Jesus đã đi khỏi nơi đó, Ngài thấy một người tên là Ma-thi-ơ đang ngồi tại trạm thu thuế. Ngài phán với ông: Hãy theo Ta! Ông đứng dậy, theo Ngài.

10 Xảy ra, Ngài đang ngồi ăn trong nhà, kìa, có nhiều người thu thuế và những kẻ có tội đến ngồi với Ngài và các môn đồ của Ngài.

11 Những người Pha-ri-si thấy vậy, thì nói với các môn đồ của Ngài: Tại sao thầy của các ngươi ăn với những người thu thuế và những kẻ có tội?

12 Khi Đức Chúa Jesus nghe thì Ngài phán với họ: Những người khỏe mạnh chẳng cần thầy thuốc, nhưng những người có bệnh.

13 Hãy đi! Các ngươi hãy học cho biết câu này nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, chẳng phải sinh tế. Vì Ta không đến để gọi những người công bình, nhưng gọi những kẻ có tội ăn năn.

Lời Chúa dạy con dân Chúa khi có dịp tiện thì phải làm điều thiện cho mọi người:

“Chớ mệt nhọc về sự làm lành; vì nếu chúng ta không chậm trễ, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt. Vậy, đang lúc chúng ta có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, trước hết là cho những người nhà trong đức tin của chúng ta.” (Ga-la-ti 6:9-10).

Làm lành và làm điều thiện cho mọi người là gì? Là làm bất cứ những gì không sai nghịch Lời Chúa để đem lại ích lợi, hạnh phúc cho mọi người. Vì thế, việc tham dự vào các chức vụ trong chính quyền hoặc bầu cử người xứng đáng vào các chức vụ trong chính quyền là hai trong số những việc lành và điều thiện mà con dân Chúa cần phải sốt sắng làm.

Tất cả mọi việc lành đều là do Đức Chúa Trời sắm sẵn cho con dân Chúa:

“Vì chúng ta là việc do Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đấng Christ Jesus cho những việc lành, mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước, để chúng ta bước đi trong chúng.” (Ê-phê-sô 2:10).

Cơ hội để ứng cử và bầu cử các chức vụ trong chính quyền trong một chế độ tự do dân chủ chính là dịp tiện cho con dân Chúa sống trong chế độ ấy làm việc lành, điều thiện có ảnh hưởng tốt đến nhiều người, thậm chí đến sự thịnh vượng của cả quốc gia. Đồng thời mang lại nhiều thuận tiện cho công cuộc rao giảng Tin Lành khi đất nước được cai trị bởi chính quyền.

Nếu chúng ta công nhận lẽ thật của Lời Chúa trong Rô-ma 13:1-7, rằng chính quyền được chỉ định bởi Đức Chúa Trời thì làm sao chúng ta có thể chấp nhận lời rao giảng: “Người Tin Lành không làm chính trị” hoặc “Con dân Chúa không làm chính trị”?

Đức Chúa Trời luôn kêu gọi mỗi con dân Chúa vào các chức vụ, các công việc trong Hội Thánh và ngoài Hội Thánh. Ngoài Hội Thánh, một người có thể được Chúa kêu gọi làm một nông dân, công nhân, thương gia, kỹ sư, giáo sư, công an, cảnh sát, quân nhân, sĩ quan quân đội, dân biểu, nghị sĩ, bộ trưởng, thủ tướng, tổng thống… để cùng nhau xây dựng, điều hành, và bảo vệ quốc gia. Mà việc xây dựng, điều hành, và bảo vệ quốc gia đòi hỏi phải có chính trị và chính quyền.

Vì chính quyền ra từ Đức Chúa Trời nên con dân Chúa có bổn phận tham dự chính quyền, chọn người xứng đáng vào các chức vụ trong chính quyền, ủng hộ chính quyền, bảo vệ chính quyền, góp ý xây dựng chính quyền… để chính quyền luôn theo đúng mục đích mà Đức Chúa Trời đã chỉ định.

Bổn Phận Chính Trị của Con Dân Chúa Là Gì?

Là công dân trong một quốc gia, con dân Chúa có cùng bổn phận làm chính trị như mọi công dân khác, như đã nói trong phần “Làm Chính Trị Là Gì?” trên đây, nhưng với các nguyên tắc sau:

1. Tuân giữ mọi luật pháp của chính quyền, nếu những luật ấy không nghịch lại luật pháp của Chúa. Bất cứ điều luật nào của nhà cầm quyền nghịch lại luật pháp của Chúa thì con dân Chúa không tuân theo: “…Chúng ta thà vâng phục Thiên Chúa hơn là loài người.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29).

2. Tích cực tham dự vào các chức vụ trong chính quyền, nếu đó là sự Chúa kêu gọi và đặt để mình vào. Sẽ rất là vô lý khi con dân Chúa cầu nguyện xin Chúa ban cho đất nước có những người tin kính Chúa cai trị mà lại tuyên bố: “Con dân Chúa không làm chính trị”. Con dân Chúa không làm chính trị, không ứng cử hoặc không bầu cử người tin kính Chúa vào trong chính quyền thì lấy đâu ra người tin kính Chúa cai trị quốc gia?

Thánh Kinh ghi lại biết bao nhiêu trường hợp con dân Chúa làm chính trị. Như Giô-sép làm tể tướng cho Pha-ra-ôn xứ Ê-díp-tô, Môi-se thống lĩnh dân I-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ của xứ Ê-díp-tô, Giô-suê thống lĩnh dân I-sơ-ra-ên tiến vào vùng Đất Hứa Ca-na-an, rồi bao nhiêu là quan xét, bao nhiêu là vua, bao nhiêu là các quan giúp việc cho vua. Thậm chí như Đa-ni-ên và các bạn của ông, E-xơ-ra, Nê-hê-mi làm quan giúp việc cho các vua ngoại bang không tin Chúa. Rô-ma 16:23 cũng ghi lại trường hợp một con dân Chúa làm thủ quỹ của thành phố. Phi-líp 4:22 nói đến “những người nhà” của Sê-sa (hoàng đế La-mã) là những môn đồ của Đấng Christ. Danh từ “người nhà” được dùng trong câu văn không có nghĩa dành riêng để chỉ những người cùng huyết thống, mà là một danh từ để chỉ những người cùng sống chung trong một nhà. Có nghĩa là bao gồm những người cùng huyết thống với Sê-sa lẫn những quan chức và tôi tớ làm việc cho Sê-sa cùng ở chung trong cung điện.

3. Tích cực bầu cử những người xứng đáng vào trong các chức vụ của chính quyền, trước hết là những người có lòng tin kính Chúa, nếu đang sống trong một chế độ tự do, dân chủ.

4. Lên tiếng giúp chính quyền hiểu rõ những điều đúng sai hoặc chỉ ra những sai trái của chính quyền khi chính quyền biến thành tà quyền, bạo quyền.

  • Phao-lô đã từng khuyên bảo Thống Đốc Phê-lít về sự công bình, sự tiết độ, và án phạt đời sau (Công Vụ Các Sứ Đồ 24:25).
  • Giăng Báp-tít đã từng lên tiếng chỉ ra những sự sai trái của Vua Hê-rốt (Lu-ca 3:19).
  • Đức Chúa Jesus Christ đã từng phản đối bạo quyền (Giăng 18:23).

5. Cầu nguyện cho quốc gia và các bậc cầm quyền:

“Hãy tìm sự bình an cho thành mà Ta đã khiến các ngươi bị đày đến làm phu tù, hãy vì nó cầu nguyện Đấng Tự Hữu Hằng Hữu; vì sự bình an các ngươi nhờ sự bình an của nó.” (Giê-rê-mi 29:7).

“Vậy, ta khuyên rằng, trước hết, hãy làm những sự khẩn xin, những sự cầu nguyện, những sự hiệp nguyện, những sự tạ ơn cho mọi người: cho các vua, cho hết thảy các bậc cầm quyền, để chúng ta được sống một đời yên tĩnh và bình an trong mọi sự tin kính và thành thật. Ấy là một sự lành và đẹp mắt Thiên Chúa, Đấng Giải Cứu của chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến với tri thức về lẽ thật.” (I Ti-mô-thê 2:1-4).

Cầu thay cho các bậc cầm quyền là một hành động chính trị. Con dân Chúa cầu xin Chúa ban ơn, xuống phước và dẫn dắt những bậc cầm quyền là chính quyền; nhưng cầu nguyện xin Chúa sửa phạt và cất đi những nhà cầm quyền là tà quyền, bạo quyền.

Điển Hình Một Số Hành Động Chính Trị Hoặc Phản Chính Trị

Bất cứ một việc làm nào liên quan đến sự cai trị của nhà nhà cầm quyền, dù là yêu sách, ủng hộ, phản đối, đi tỵ nạn, hoặc củng cố chế độ cầm quyền đều là hành động chính trị hoặc phản chính trị:

  • Hàng triệu người Việt Nam rời bỏ miền bắc di cư vào miền nam năm 1954 là họ hành động chính trị, được gọi là bỏ phiếu bằng chân. Họ bỏ phiếu chọn chế độ tự do, nhân bản, không chấp nhận chế độ cộng sản vô nhân bản.
  • Hàng triệu người Việt Nam rời bỏ đất nước di tản ra nước ngoài sau tháng Tư năm 1975 là họ hành động chính trị. Họ chọn chế độ tự do, nhân bản, không chấp nhận chế độ cộng sản vô nhân bản. (Trong số đó chắc chắn có nhiều người là con dân Chúa hoặc xưng nhận mình là người Tin Lành.)
  • Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam bắn giết, nhốt tù những người vượt biên tỵ nạn chính trị là họ hành động phản chính trị.
    Những người dân Mỹ đội chiếc nón đỏ mang câu “Make American Great Again” (Làm cho Nước Mỹ Vĩ Đại Trở Lại) là họ hành động chính trị, thể hiện thái độ ủng hộ chính sách của Tổng Thống Donald Trump.
  • Những người dân Mỹ xuống đường, biểu tình, đốt cờ Mỹ để phản đối chính quyền do Tổng Thống Donal Trump cầm đầu là họ hành động phản chính trị.
  • Những người dân trong một nước tự do dân chủ đi bỏ phiếu bầu cử những người tự do ứng cử và có năng lực vào các chức vụ trong chính quyền là họ hành động chính trị.
  • Những người dân trong một nước độc tài, tham dự những cuộc bầu cử chỉ có những ứng cử viên do nhà cầm quyền đưa ra là họ hành động phản chính trị.
  • Những người hô hào “người Tin Lành không làm chính trị” hoặc “con dân Chúa không làm chính trị” là họ hành động phản chính trị.
  • Những người dân Việt Nam xuống đường, biểu tình phản đối sự sai trái của nhà cầm quyền Việt Nam hoặc phản đối sự bành trướng của Trung Quốc là họ hành động chính trị.
  • Nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đàn áp những cuộc biểu tình bất bạo động của dân chúng là hành động phản chính trị.

Chúng tôi mong rằng, những gì chúng tôi trình bày trong bài này sẽ giúp cho con dân Chúa người Việt Nam hiểu rõ bổn phận chính trị của mình, dù họ đang sống ở bất cứ quốc gia nào.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta, mang sự khôn sáng đến cho chúng ta, giúp cho chúng ta biết phải sống như thế nào để chúng ta thật sự là muối của đất và sự sáng của thế gian. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
27/04/2019

Ghi Chú

[1] http://www.ohchr.org/EN/UDHR/Documents/UDHR_Translations/vie.pdf

[2] https://www.merriam-webster.com/dictionary/politics

[3] Chú Giải Rô-ma 13:1 https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ro-ma-13_1/

[4] Chú Giải Rô-ma 13:2-7 https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-ro-ma-13_2-7/

[5] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-i-phi-e-ro-213-20/

Karaoke Thánh Ca: “Lòng Mừng Vui Luôn Cất Tiếng Ca Hát”:
https://karaokethanhca.net/long-mung-vui-luon-cat-tieng-ca-hat/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/