Chúa Không Trách Chúng Ta Vì Chúng Ta Không Khá Hơn…

1,956 views

Chúa Không Trách Chúng Ta Vì Chúng Ta Không Khá Hơn Mà Là Vì Chúng Ta Không Chịu Lấy Nhiều Hơn

Đã từng có nhiều người vi phạm Lời Chúa mà không biết nhưng vẫn có cảm giác bình an, rồi người ấy tự nghĩ rằng, mình đang đúng, mình làm như vậy chẳng có gì sai.

Chúng ta là người thuộc linh, chúng ta sống bởi đức tin vào trong lẽ thật là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa. Chúng ta không sống theo cảm giác hay suy nghĩ của mình mặc dù chúng ta có cảm xúc, suy nghĩ mà chúng ta dựa trên Thánh Kinh làm tiêu chuẩn xét đoán trong mọi sự. Chính vì thế, mọi cảm giác và suy nghĩ của chúng ta cần được đối chiếu với Lời Chúa:

Những khí giới mà chúng tôi dùng để chiến tranh là không phải thuộc về xác thịt đâu, mà là bởi quyền năng của Đức Chúa Trời, có sức mạnh để đạp đổ các đồn lũy: nhờ khí giới đó chúng tôi đánh đổ các lý luận, mọi sự tự cao nổi lên nghịch lại sự hiểu biết Đức Chúa Trời, và bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ.” (II Cô-rinh-tô 10:4-5).

Điều gì đúng với Lời Chúa thì chúng ta giữ lấy và phát huy. Cũng giống như điều gì tốt đẹp thì chúng ta tập làm, gắng sức, và từ từ quen thuộc.  Điều gì nghịch lại Lời Chúa thì chúng ta lập tức kêu cầu Chúa đem ra khỏi tâm trí mình ngay, gớm ghiếc nó như là một loại vi trùng truyền bệnh AIDS.

Nếu chúng ta có cảm giác về một việc gì không ổn, về anh chị em nào đó không ổn trong Hội Thánh thì chúng ta hết lòng cầu thay cho sự việc ấy, người ấy. Chúng ta cầu xin Chúa rằng nếu cảm xúc đó đến từ Chúa thì xin Ngài ban cho chúng ta bằng chứng, nhưng nếu như không thấy Chúa ban cho chúng ta bằng chứng nào, thì chúng ta tuyệt đối không được kết luận sự việc dựa trên cảm xúc, suy nghĩ của chúng ta.

Ma quỷ có thể cho chúng ta cảm giác bình an khi chúng ta làm sai lẽ thật mà không biết, ma quỷ có thể “ban cho” chúng ta cảm xúc cùng với muôn ngàn lý lẽ để làm thỏa mãn sự kiêu ngạo tinh vi trong chúng ta, mà thường chúng ta khó nhận ra mình kiêu ngạo. Nếu chúng ta cứ bỏ qua những lời nhắc nhở, phân tích sự việc khi được đúc kết, mà dựa trên cảm xúc của cá nhân mình thì chúng ta dễ làm lớn lên sự kiêu ngạo tinh vi mà chúng ta không biết.

Ma quỷ có thể kiên nhẫn tấn công con dân Chúa từng chút một, đến một ngày chúng ta say sưa với những sự “ban cho” từ nó để thỏa mãn sự kiêu ngạo trong chúng ta thì nó bắt đầu đánh gục chúng ta hoàn toàn, thậm chí dùng chúng ta tấn công Hội Thánh. Tương tự như một người bắt đầu nghiện ma túy, ban đầu chỉ là hút qua miệng, từ từ lâu dần thì liều lượng tăng cao, và họ chuyển sang hít qua mũi, chích thẳng vào mạch máu… rồi quay cuồng trong thế giới ảo, và có thể họ cảm nhận được sự bình an.

Ma quỷ có thể gieo rắc trong chúng ta những cảm nhận, cảm xúc về sự việc này, về sự việc kia, về anh chị em nào đó, dù không có bằng chứng xác thực. Nó dùng cùng một cách để con mồi quen dần với cảm xúc ấy, nó cứ tiếp tục kiên nhẫn giăng ra những cái bẫy tương tự, lừa dối con dân Chúa với những lý luận nghe có vẻ hợp lý làm cho con mồi càng tin chắc là đến từ Chúa để thỏa mãn cái tôi, sự kiêu ngạo trong người đó. Rồi đến một ngày, con mồi say sưa với những “bài học”, “lý luận”, “cảm xúc”… đến từ nó, nó sẽ đánh gục con mồi hoàn toàn, thậm chí làm tay sai cho nó một cách đắc lực.

Có những lúc chúng ta chưa hết lòng với Chúa nhưng ma quỷ thì vẫn luôn là sư tử rống hết sức kiên nhẫn rình mò chúng ta để có cơ hội nuốt được.

Chúng ta khác với người ngoại vì trong chúng ta có sự sống nhận từ nơi Chúa. Sự sống ấy biểu hiện ra ngoài bằng tình yêu. Tình yêu làm tròn sứ mạng của sự sống bằng cách thể hiện sự nhân từ, thương xót vốn có của nó. Nơi nào thiếu tình yêu có nghĩa là nơi ấy thiếu sự sống bên trong tâm linh. Chúng ta sẽ ngưng nhân từ, thương xót với người khác khi chúng ta ngưng chịu thiệt thòi, hi sinh bản thân mình. Trong sách “Các Nguyên Lý Cấu Tạo của Kinh Thánh” có nhắc đến một câu nói của Tấn sĩ A.B. Simpson rằng: “Chúa không trách chúng ta vì chúng ta không khá hơn, mà là vì chúng ta không chịu lấy nhiều hơn.” Câu nói ấy của ông làm cho tôi liên tưởng đến hai thí dụ của người chăn về sự đầy dẫy thánh linh của con dân Chúa. Ví dụ ấy như sau: (trích từ nguồn http://timhieuthanhkinh.net/bay-loi-keu-goi-cua-chua-5/)

Sự đổ đầy Thánh Linh của Chúa luôn xảy ra cho tất cả những ai thật lòng tin nhận Chúa, nhưng để có thể được đầy dẫy Thánh Linh thì một người phải chủ động tiếp nhận. Dưới đây là thí dụ minh họa, để giúp cho chúng ta hiểu rõ các phương diện về sự được đầy dẫy Thánh Linh.

Thí dụ 1: Chúng ta hãy hình dung ra có ba cái thùng, mỗi thùng có sức chứa 20 lít. Thùng thứ nhất hoàn toàn trống không. Thùng thứ nhì có chứa sỏi đá lên đến nửa thùng. Thùng thứ ba hoàn toàn chứa đầy sỏi đá. Nếu ba thùng ấy được dùng để lấy nước từ giếng lên thì điều gì sẽ xảy ra?

  • Thùng thứ nhất sẽ chứa được 20 lít nước. Thùng thứ nhì sẽ chứa khoảng hơn 10 lít nước. Thùng thứ ba sẽ chứa rất ít nước.
  • Thùng thứ nhì và thứ ba chứa ít nước hơn thùng thứ nhất nhưng khiến cho tốn nhiều sức hơn trong việc lấy nước, vì sức nặng của sỏi đá trong thùng.

Qua thí dụ trên, chúng ta hiểu rằng, Thánh Linh đã được Đức Thánh Linh ban cho mỗi con dân Chúa, nhưng mỗi con dân Chúa phải tự đem các sự yêu thích thế gian ra khỏi lòng mình, để lòng mình chỉ hoàn toàn yêu thích những sự thuộc về trên trời, thì khi đó, đời sống của con dân Chúa mới được đầy dẫy Thánh Linh, tức là đầy dẫy thẩm quyền và năng lực của Thiên Chúa. Ngày nào lòng chúng ta còn hướng về thế gian, còn yêu thích những sự thuộc về thế gian, thì ngày ấy chúng ta vẫn chưa được đầy dẫy Thánh Linh. Chúng ta càng yêu thích những sự thuộc về thế gian bao nhiêu, thì đời sống chúng ta càng thiếu đi thẩm quyền và năng lực của Chúa bấy nhiêu.

Thí dụ 2: Có ba chiếc xe được dùng vào công việc giao hàng. Xe thứ nhất là một xe ba bánh, có bình xăng chứa được 4 lít, dùng để giao các mặt hàng có khối lượng nhỏ trong thành phố. Xe thứ nhì là một xe tải nhỏ, có bình xăng chứa được 40 lít, dùng để giao các mặt hàng có khối lượng lớn hoặc các mặt hàng được giao đến các điểm ở ngoại ô thành phố. Xe thứ ba là một xe tải lớn, có bình xăng đôi chứa được 400 lít, được dùng để giao các mặt hàng đến các thành phố khác. Mỗi xe được dùng vào công việc giao hàng khác nhau, nhưng xe nào cũng cần được chứa đầy xăng để có thể hoàn thành công việc giao hàng.

Mỗi con dân Chúa được Chúa dùng cho cùng một mục đích là xây dựng Hội Thánh và vương quốc của Chúa, nhưng mỗi người sẽ được ban cho những chỗ đứng khác nhau, với những việc làm cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, mỗi người vẫn cần được đổ đầy Thánh Linh của Chúa để có thể hoàn thành bổn phận. Hai người cùng đầy dẫy Thánh Linh của Chúa nhưng việc làm có thể hoàn toàn khác nhau và sự thể hiện của kết quả làm việc cũng khác nhau.

Một người đầy dẫy Thánh Linh của Chúa có thể đứng lên giảng, và kết quả có ba ngàn người ăn năn tội, tin nhận Chúa, như Sứ Đồ Phi-e-rơ (Công Vụ Các Sứ Đồ 2). Một người đầy dẫy Thánh Linh của Chúa có thể không rao giảng gì cả mà chỉ nói lên những lời tôn vinh Chúa, như các môn đồ của Chúa trong ngày Đức Thánh Linh giáng lâm, Hội Thánh được thành lập và được báp-tem bằng Thánh Linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 2). Một người đầy dẫy Thánh Linh có thể chỉ làm công việc dọn thức ăn cho con dân Chúa trong Hội Thánh, như các chấp sự trong Hội Thánh lúc ban đầu tại Giê-ru-sa-lem (Công Vụ Các Sứ Đồ 6). Một người đầy dẫy Thánh Linh cũng có thể chỉ để nhìn thấy sự vinh quang của Thiên Chúa, như Chấp Sự Ê-tiên (Công Vụ Các Sứ Đồ 7).

Nói cách khác, một người được đầy dẫy Thánh Linh chính là một người hoàn toàn không còn yêu thích những sự thuộc về thế gian, mà chỉ yêu thích những sự thuộc về Vương Quốc của Đức Chúa Trời. Một người được đầy dẫy Thánh Linh là một người vừa muốn, vừa làm theo ý muốn tốt lành của Thiên Chúa (Phi-líp 2:13). Từ đó, chúng ta có thể hiểu rằng, sự đầy dẫy Thánh Linh hoàn toàn tùy thuộc về phía con dân Chúa.

Như vậy, chúng ta hãy dọn dẹp những “sỏi đá” còn sót lại trong chúng ta mỗi ngày, liên tiếp hớp lấy sự sống đời đời, là những hớp nước mát, nuôi dưỡng tâm linh chúng ta, để chúng ta trở nên như chính sự sống ấy vậy, với bản tính thánh khiết, sức mạnh trong hành động, sinh động trong cách thức, phong phú trong nội dung và còn lại đến đời đời.

Trong ân điển của Đức Chúa Jesus Christ.

Nguyễn Ngọc Tú và Trần Thị Thu Hương
Saigon, 05/12/2018