Nguyên Tác: “The Plain Truth About Christmas” viết bởi David J. Stewart
Chuyển Ngữ: Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
https://od.lk/d/MV8yNTM1Mzc3MDZf/BG_SuThatHienNhienVeChristmas.pdf
https://www.mediafire.com/file/hfm681kn0p4kdnn/BG_SuThatHienNhienVeChristmas.pdf/file
Có phải Christmas thật sự kỷ niệm sinh nhật của Đức Chúa Jesus? Có phải Ngài đã được sinh ra vào ngày 25 tháng Mười Hai? Phao-lô, các sứ đồ, và Hội Thánh ban đầu của Tân Ước có kỷ niệm Christmas hay không? Bạn có biết Thánh Kinh nói gì về cây Christmas không?
Hãy dừng lại và suy nghĩ! Rất ít người biết tại sao chúng ta làm những điều mà chúng ta làm hoặc các thói tục của chúng ta đến từ đâu! Chúng ta lớn lên, thực hành chúng, đương nhiên tiếp nhận chúng, nhưng không bao giờ hỏi tại sao!
Một Lễ Hội của Ngoại Giáo Không Phải của Cơ-đốc Nhân
Chúng ta cho rằng Christmas là ngày lễ chính của các lễ hội Cơ-đốc. Chúng ta không hề thắc mắc khi chúng ta giả định sự giữ nó phải là một trong các giáo lý chính và các mạng lệnh của Tân Ước. Chúng ta cho rằng Đức Chúa Jesus đã được sinh ra vào ngày 25 tháng Mười Hai, và rằng, Tân Ước đã biệt riêng ngày này như là ngày lễ chính của Cơ-đốc nhân. Chúng ta cho rằng, chúng ta trao đổi quà bởi vì các nhà thông thái đã tặng quà cho hài nhi Christ.
Nhưng, đừng cho rằng nữa, mà hãy nhìn vào lịch sử và Thánh Kinh để tìm hiểu các dữ kiện!
Chữ “Christmas” có nghĩa là “Mass of Christ” (có nghĩa là lễ tái diễn sự chết của Đấng Christ) hay là, về sau được rút ngắn thành, “Christ-Mass”. Chữ đó đến với chúng ta với ý nghĩa là một lễ tế (mass) của Công Giáo La-mã. Từ đâu mà họ có chữ đó? Từ sự kỷ niệm ngày 25 tháng Mười Hai như ngày sinh của mặt trời, tức thần mặt trời, bởi dân ngoại Đạo. Thật ra, nó là nghi thức cổ thờ phượng thần Ba-anh của ngoại giáo, mà Thánh Kinh lên án là sự đáng gớm ghiếc nhất trong tất cả các sự thờ lạy thần tượng.
Lễ ấy không hề được nói đến chút nào trong Tân Ước. Lễ ấy không hề được giữ bởi Phao-lô, các sứ đồ hay Hội Thánh chân thật lúc ban đầu.
Ý tưởng cho rằng Đức Chúa Jesus được sinh ra vào ngày 25 tháng Mười Hai, là một trong các chuyện nhảm nhí mà Sứ Đồ Phao-lô đã tiên tri rằng sẽ lừa gạt thế gian trong những ngày cuối cùng này (II Ti-mô-thê 4:4).
Lẽ thật rõ ràng là, Christmas không phải là sinh nhật của Christ! Và lễ hội này, dù được xem là quan trọng đối với nhiều người, nhưng nó không thuộc về Cơ-đốc nhân, nhưng thuộc về ngoại giáo – bắt nguồn từ Ba-bi-lôn! Nhưng điều đó có gây ra sự khác biệt gì không? Có thể nào chúng ta cứ thản nhiên mà kỷ niệm nó? Không phải tinh thần của Christmas là điều tốt lành và đẹp đẽ, bất kể là nó đã được bắt đầu như thế nào hay sao? Chúng ta sẽ xem xét điều này!
Đức Chúa Jesus Không Được Sinh Ra vào Ngày 25 Tháng Mười Hai
Bây giờ, chúng ta hãy nhìn vào các chứng cớ đáng chú ý! Đức Chúa Jesus được sinh ra khi nào?
Đức Chúa Jesus không hề được sinh ra trong mùa đông. Khi hài nhi Christ được sinh ra “có mấy người chăn chiên trú ngoài đồng, ban đêm canh giữ bầy chiên của họ” (Lu-ca 2:8). Điều này không bao giờ có thể xảy ra tại xứ Pa-lét-tin (Palestine) trong tháng Mười Hai. Những người chăn luôn đem các bầy của họ từ các triền núi và các đồng cỏ về và cho vào chuồng không trễ hơn ngày 15 tháng Mười, để bảo vệ chúng khỏi mùa mưa lạnh sẽ theo sau ngày đó. Hãy để ý là chính Thánh Kinh chứng minh trong Nhã Ca 2:11 và Ê-xơ-ra 10:9, 13 rằng, mùa đông là mùa mưa khiến cho những kẻ chăn không thể ở ngoài đồng trống vào ban đêm.
Sách Giải Kinh của Adam Clark, cuốn 5, chương 386 (và 370), cho biết: “Theo phong tục cổ truyền của người Do-thái thời ấy, họ đưa chiên ra đồng và hoang mạc vào khoảng Lễ Vượt Qua (đầu mùa xuân), và mang chúng về lại nhà vào lúc bắt đầu cơn mưa đầu mùa.”
Tác giả nói tiếp: “trong suốt thời gian chúng ở bên ngoài, những người chăn canh giữ chúng ngày đêm. Khi… cơn mưa đầu mùa bắt đầu vào đầu tháng Marchesvan, là tháng tương đương với tháng Mười và tháng Mười Một của chúng ta [bắt đầu vào giữa tháng Mười], chúng ta thấy rằng, những con chiên được giữ ngoài trời ở miền quê trong suốt mùa hè. Và, bởi vì những người chăn chiên này chưa đem bầy của họ về lại nhà, chúng ta có thể lý luận cách giả định rằng, tháng Mười chưa bắt đầu, và như vậy, dẫn đến việc Chúa của chúng ta không được sinh ra vào ngày 25 tháng Mười Hai, là lúc mà không có bầy chiên nào còn ở ngoài đồng. Ngài cũng không thể được sinh ra sau tháng Chín, là tháng mà các bầy chiên vẫn còn ở ngoài đồng vào lúc ban đêm. Trên chính nền tảng này, câu chuyện Chúa giáng sinh vào tháng Mười Hai cần phải được loại bỏ. Sự cho các bầy chiên ăn vào ban đêm trên các đồng cỏ là một dữ kiện lịch sử…”
Bất cứ một bộ bách khoa từ điển nào hay một thẩm quyền nào khác, sẽ nói cho bạn biết rằng Đấng Christ không được sinh vào ngày 25 tháng Mười Hai. Bộ Công Giáo Bách Khoa Từ Điển nói rõ sự kiện này.
Sinh nhật chính xác của Đức Chúa Jesus là điều hoàn toàn không biết được như các nhà có thẩm quyền đã xác nhận – Tuy nhiên, nếu tôi có đủ chỗ trong cuốn sách nhỏ này, tôi có thể chỉ cho bạn những câu Thánh Kinh ít nhất cho thấy cách mạnh mẽ rằng, nó phải vào đầu mùa thu – có thể là tháng Chín – khoảng chừng sáu tháng sau Lễ Vượt Qua.
Nếu Đức Chúa Trời muốn chúng ta giữ và kỷ niệm sinh nhật của Đấng Christ thì Ngài đã không dấu đi ngày chính xác ấy.
Các Bộ Bách Khoa Từ Điển Nói Gì?
Không hề có một chữ nào trong Tân Ước hoặc trong bất cứ nơi nào của Thánh Kinh bảo chúng ta phải kỷ niệm Christmas. Các Cơ-đốc nhân trong thế kỷ thứ nhất, dưới sự giảng dạy thần cảm của Phi-e-rơ và Phao-lô cùng các sứ đồ khác, không hề kỷ niệm nó. Thật lạ lùng, không hề có thẩm quyền Thánh Kinh nào cho sự giữ nó.
Thế thì, từ đâu mà chúng ta có “Christmas”? Vì nó đến với chúng ta qua Giáo Hội Công Giáo La-mã và không bởi thẩm quyền nào ngoài thẩm quyền của Giáo Hội Công Giáo La-mã, chúng ta hãy xem xét bộ Công Giáo Bách Khoa Từ Điển, phát hành bởi giáo hội. Dưới tựa đề “Christmas”, bạn sẽ tìm thấy:
“Christmas không thuộc về các lễ hội đầu tiên của Hội Thánh… Chứng cớ đầu tiên về lễ hội này là từ Ai-cập… Các thói tục ngoại giáo tập trung vào ngày đầu tháng Giêng dồn lại thành Christmas”. Và, khi đọc thêm, chúng ta sẽ tìm thấy lời xác nhận này: “… trong Thánh Kinh, chỉ có các tội nhân, chứ không phải các thánh đồ, kỷ niệm sinh nhật của họ.”
Bộ Britannica Bách Khoa Từ Điển chép: “Christmas (tức là: the Mass of Christ). Christmas không thuộc về các lễ hội đầu tiên của Hội Thánh…” Nó không được thiết lập bởi Đấng Christ hay các sứ đồ hay bởi thẩm quyền của Thánh Kinh – Nó được thu nhận sau này từ sự thờ phượng của ngoại giáo.
Bộ Americana Bách Khoa Từ Điển chép: “Christmas. Theo nhiều thẩm quyền, nó không hề được kỷ niệm trong các thế kỷ đầu của Hội Thánh Cơ-đốc, bởi vì, thói quen chung của các Cơ-đốc nhân là kỷ niệm sự chết của những người đáng nhớ hơn là kỷ niệm sự sinh ra của họ…” (“Tiệc Thánh” là lễ được thiết lập bởi thẩm quyền của Thánh Kinh, là sự nhớ đến sự chết của Đấng Christ.”)… một lễ hội đã được thiết lập vào thế kỷ thứ tư để ghi nhớ sự kiện này [sự sinh ra của Đấng Christ]. Vào thế kỷ thứ năm, Giáo Hội Tây Phương ra lệnh nó phải được kỷ niệm đời đời vào ngày lễ cũ của dân La-mã mừng sinh nhật thần mặt trời, vì không ai biết chắc sinh nhật của Đấng Christ nhằm ngày nào.
Bằng Cách Nào Thói Tục Ngoại Giáo Này Đã Vào Trong Hội Thánh?
Hãy lưu ý rằng, những thẩm quyền được xác nhận này đã cho thấy Christmas không hề được các Cơ-đốc nhân giữ trong hai hay ba trăm năm đầu – đó là một thời gian lâu dài hơn cả toàn chiều dài lịch sử lập quốc của Hoa Kỳ. Nó thâm nhập vào Giáo Hội Tây Phương, còn gọi là Giáo Hội La-mã, vào thế kỷ thứ tư. Mãi đến thế kỷ thứ năm thì Giáo Hội La-mã mới ra lệnh cho nó được kỷ niệm như một lễ hội chính thức của Cơ-đốc nhân!
Thế thì, thói tục này của dân ngoại đã len vào cái gọi là Cơ-đốc Giáo như thế nào?
Bộ Schaff-Herzog Bách Khoa Từ Điển giải thích cách rõ ràng trong tiết mục về “Christmas”: “Ngày của lễ hội tùy thuộc vào ngày Brumalia của ngoại giáo (25 tháng Mười Hai) theo sau ngày Saturnalia (17-24 tháng Mười Hai) và sự kỷ niệm ngày ngắn nhất trong năm cùng với ‘mặt trời mới’ như thế nào… không thể xác định. Các lễ hội Saturnalia và Brumalia của ngoại giáo đã quá chìm sâu trong các thói tục phổ thông để mà có thể bị dẹp bỏ bởi sự ảnh hưởng của Cơ-đốc nhân… Lễ hội của ngoại giáo cùng với sự náo loạn và vui chơi của nó đã quá phổ thông đến nỗi các Cơ-đốc nhân vui mà viện cớ để tiếp tục sự kỷ niệm nó với một chút thay đổi trong tinh thần và hình thức. Các nhà truyền giảng Cơ-đốc của Phương Tây và Cận Đông phản đối, chống lại sự phù phiếm không chính đáng mà sinh nhật của Đấng Christ đã được kỷ niệm với, trong khi đó, các Cơ-đốc nhân ở Mê-sô-bô-ta-mi thì lên án anh em của họ ở Phương Tây về tội thờ lạy thần tượng và mặt trời, vì là Cơ-đốc nhân mà đã tiếp nhận lễ hội này của ngoại giáo.”
Hãy nhớ rằng, thế giới La-mã thuộc về ngoại giáo. Trước thế kỷ thứ tư, Cơ-đốc nhân chỉ là số ít, dù có gia tăng, và bị bách hại bởi chính quyền và những người ngoại giáo. Nhưng, khi Constantine trở thành hoàng đế, xưng mình theo Cơ-đốc Giáo, vào thế kỷ thứ tư, đặt Cơ-đốc Giáo ngang hàng với ngoại giáo, hàng trăm ngàn dân chúng trong thế giới La-mã bắt đầu tiếp nhận Cơ-đốc Giáo đang thịnh hành.
Nhưng cũng hãy nhớ rằng, những người này đã lớn lên trong các thói tục ngoại giáo, mà đứng đầu là lễ hội thờ lạy thần tượng vào ngày 25 tháng Mười Hai. Đó là một lễ hội vui chơi với tinh thần đặc biệt của nó. Họ vui hưởng nó! Họ không muốn bỏ nó! Cũng trong cùng một chủ đề, bộ Schaff-Herzog Bách Khoa Từ Điển giải thích rằng: Chủ Nhật, vốn là ngày dân ngoại giáo thờ lạy mặt trời, đã được Constantine công nhận như thế nào, và sự ảnh hưởng của Manichaeism ngoại giáo khiến cho Con của Đức Chúa Trời đã bị đồng hóa với chính mặt trời vật chất như thế nào, khiến cho những dân ngoại giáo của thế kỷ thứ tư, cùng gia nhập tập thể vào Cơ-đốc Giáo, có được lý do để gọi ngày lễ hội ngoại giáo của họ 25 tháng Mười Hai (sinh nhật của thần mặt trời) là sinh nhật của Con Đức Chúa Trời.
Và đó là cách thức mà “Christmas” đã đi vào trong cái gọi là Cơ-đốc Giáo của chúng ta! Chúng ta có thể gọi nó bằng một tên khác, nhưng nó vẫn là lễ hội cũ của ngoại giáo thờ lạy mặt trời! Điều duy nhất thay đổi là cách mà chúng ta gọi nó. Bạn có thể gọi một con thỏ là một con “sư tử”, nhưng nó vẫn là con thỏ, y nguyên.
Một lần nữa, từ bộ Britannica Bách Khoa Từ Điển: “Có lẽ những người La-tinh, vào khoảng năm 354, đã chuyển sinh nhật 6 tháng Giêng sang 25 tháng Mười Hai, lúc ấy là lễ hội Mithraic… hay sinh nhật của mặt trời bất khuất… Dân Syrians và Armenians, những người bám vào ngày 6 tháng Giêng, lên án dân La-mã về tội thờ mặt trời và thờ lạy thần tượng, cho rằng, lễ hội 25 tháng Mười Hai do các môn đồ của Cerinthus lập ra…”
Nguồn Gốc Thật của Christmas
Nhưng nếu chúng ta nhận Christmas từ Công Giáo La-mã, và họ nhận nó từ ngoại giáo, thì ngoại giáo nhận nó từ đâu? Ở đâu, khi nào, và cái gì là nguồn gốc thật của nó?
Nó là thói tục đứng đầu của một hệ thống hủ bại dưới tên Ba-bi-lôn, bị lên án trong suốt các lời tiên tri và các giáo lý của Thánh Kinh. Nó bắt đầu và có nguồn gốc từ Ba-bi-lôn nguyên thủy của Nim-rốt thời cổ. Vâng, nó phát sinh từ gốc rễ của kẻ xuất hiện không bao lâu sau Cơn Nước Lụt.
Nim-rốt là cháu của Cham, Cham là con của Nô-ê. Nim-rốt là người thật sự xây dựng hệ thống Ba-bi-lôn nắm bắt cả thế gian kể từ thời bấy giờ – một hệ thống ganh đua có tổ chức – của các chính quyền và đế quốc do loài người cai trị, dựa trên hệ thống kinh tế cạnh tranh và thủ lợi. Nim-rốt xây dựng tháp Ba-bên, là Ba-bi-lôn nguyên thủy, cổ thành Ni-ni-ve, và nhiều thành phố khác. Ông tổ chức vương quốc đầu tiên của thế giới. Tên Nim-rốt trong tiếng Hê-bơ-rơ ra từ chữ “Marad” và có nghĩa là “kẻ phản nghịch” (Sáng Thế Ký 10:6, 8-12).
Từ các bản thảo xa xưa, có nhiều điểm giúp cho chúng ta biết về Nim-rốt, người khởi đầu một tổ chức của thế gian, bội bạc Thiên Chúa và thống trị thế giới cho tới ngày nay. Nim-rốt rất là gian ác, ông ta đã kết hôn với chính mẹ mình, bà tên là Semiramis. Sau cái chết bất kỳ của Nim-rốt, thì Semiramis, người được gọi là vợ-và-mẹ của Nim-rốt rao truyền tà giáo về sự Nim-rốt vẫn còn sống như là một thần linh. Bà ta xưng rằng, một cây thông đã nảy sinh ra từ một gốc cây chết, qua một đêm, đã trở thành cao lớn, tiêu biểu cho sự nảy sinh từ sự chết vào trong một đời sống mới của Nim-rốt. Bà xưng rằng, hàng năm, vào sinh nhật của Nim-rốt, ông sẽ viếng thăm cây thông và lưu các món quà lại trên cây. Ngày 25 tháng Mười Hai là sinh nhật của Nim-rốt. Đây là nguồn gốc thật của cây Christmas (còn gọi là cây Nô-en).
Qua mưu kế và sắp xếp của mình, Semiramis đã trở thành “Nữ Vương Trên Trời” của Ba-bi-lôn, và Nim-rốt, dưới nhiều tên khác nhau, đã trở thành “con thánh của Trời”. Trải qua nhiều thế hệ, trong sự thờ lạy tà thần này, Nim-rốt cũng trở thành Đấng Mê-si-a giả, con của thần mặt trời Ba-anh. Trong hệ thống Ba-bi-lôn giả dối này, “Mẹ và Con” (Semiramis và Nim-rốt được phục sinh), trở thành đối tượng được thờ phượng. Sự thờ phượng “Mẹ và Con” này lan truyền khắp thế gian. Tên gọi của nó đổi khác theo từng ngôn ngữ ở mỗi quốc gia. Tại Ai-cập, nó là “Iris và Osiris”. Tại Á Châu, nó là “Cybele và Deoius”. Tại ngoại giáo La-mã, nó là “Fortuna và Jupiterpuer”. Ngay cả tại Hy-lạp, Trung Quốc (“Quan Âm và Na-tra”), Nhật Bản, và Tibet, các hình thức tương tự Madonna (bà Ma-ri) cũng được tìm thấy từ lâu đời, trước khi Đấng Christ giáng sinh.
Như vậy, trong thế kỷ thứ tư và thứ năm, khi hàng trăm ngàn dân ngoại giáo của thế giới La-mã bắt đầu “tiếp nhận” một Cơ-đốc Giáo mới được thịnh hành, thì họ đã mang theo các thói tục và niềm tin ngoại giáo cũ của họ, mà chỉ cần khoác cho nó những cái tên có tính Cơ-đốc. Các ý tưởng “Madonna” và “Mẹ và Hài Nhi” cũng trở nên thịnh hành, đặc biệt là vào thời điểm Christmas. Mỗi mùa Christmas bạn sẽ nghe hát và tụng hàng chục lần bài thánh ca “Đêm Yên Lặng, Đêm Thánh” với chủ đề quen thuộc “Mẹ và Hài Nhi”. Chúng ta, những người được sinh ra trong thế giới Ba-bi-lôn như vậy, được nuôi dưỡng và nhúng chìm trong những điều này suốt cả đời sống của chúng ta, được dạy rằng phải tôn những điều ấy là thánh và xem chúng là thiêng liêng. Chúng ta không bao giờ thắc mắc để tìm hiểu xem chúng đến từ đâu – Có phải chúng đến từ Thánh Kinh hay chúng đến từ sự thờ lạy thần tượng của ngoại giáo?
Chúng ta bị sửng sốt khi học biết được lẽ thật – buồn thay, một số người chống nghịch lại lẽ thật rõ ràng! Nhưng Thiên Chúa truyền cho các tôi tớ trung tín của Ngài, “Hãy kêu to lên, đừng dứt; hãy cất tiếng lên như cái loa; rao bảo tội lỗi dân ta cho nó…” (Ê-sai 58:1). Dù những dữ kiện này gây sửng sốt nhưng chúng là những dữ kiện rõ ràng của lịch sử và Thánh Kinh.
Nguồn gốc thật của Christmas đi ngược về Ba-bi-lôn thời cổ. Nó được gói gọn trong cái tổ chức bội Đạo mà Sa-tan đã dùng để kiềm chế thế gian bị lừa dối trong suốt bao nhiêu thế kỷ qua. Tại Ai-cập, người ta vẫn luôn tin rằng con của Iris (Tên trong tiếng Ai-cập của “Nữ Vương Trên Trời”) được sinh ra vào ngày 25 tháng Mười Hai. Dân ngoại giáo kỷ niệm sinh nhật danh tiếng này trong hầu hết thế giới biết được suốt hàng nhiều thế kỷ trước khi Đấng Christ giáng sinh.
Ngày 25 tháng Mười Hai không phải là sinh nhật của Đức Chúa Jesus, Đấng Christ thật! Các sứ đồ và Hội Thánh ban đầu không hề kỷ niệm sinh nhật của Đấng Christ bao giờ. Không có một mạng lệnh hay chỉ thị nào trong Thánh Kinh bảo phải kỷ niệm nó – ngược lại, tin hay không thì sự kỷ niệm sinh nhật là của những người không tin Chúa, không phải là phong tục của Cơ-đốc nhân.
Không một chỗ nào trong Thánh Kinh dạy chúng ta thờ phượng “Mẹ và Hài Nhi”. Các sứ đồ và các Cơ-đốc nhân chân thật buổi ban đầu không hề làm điều đó. Thánh Kinh cho thấy, một thiên sứ báo với Ma-ri: “Hỡi người được ơn! Chúa ở cùng ngươi. Ngươi được phước trong các người nữ.” Ê-li-sa-bét nói với Ma-ri: “Ngươi có phước trong những người nữ! Phước thay bông trái của lòng ngươi!”, và Ma-ri đáp lời: “Này, từ nay về sau, mọi dòng dõi sẽ xưng tôi là có phước.” (Lu-ca 1:28, 42, 48).
Ma-ri được Thiên Chúa ban phước nhiều và điều này được công nhận bởi mọi thế hệ kể từ ngày ấy – nhưng điều này không có nghĩa là bà phải được thần hóa, được thờ phượng, được làm cho thành một thần linh khi bà chỉ là một con người. Sự thờ phượng bà Ma-ri một cách rộng khắp như là “Mẹ Thiên Chúa”, giáo lý dạy rằng bà Ma-ri là vô nhiễm nguyên tội, xem bà như một Đấng Trung Bảo giữa loài người và Đức Chúa Trời chính là sự tiếp diễn của sự thờ lạy thần tượng từ người Ba-bi-lôn thời cổ, bắt đầu bởi sự lường gạt xảo trá của Semiramis, vợ của Nim-rốt! Nó được ràng buộc chằng chịt với ý tưởng “Christmas”.
Như vậy, sự thờ lạy thần tượng thời cổ “Huyền Nhiệm của Người Canh-đê” được thành lập bởi vợ của Nim-rốt, được lưu truyền qua các tín ngưỡng ngoại giáo vào trong Giáo Hội Công Giáo dưới những cái tên mới mang tính Cơ-đốc, và từ đó, vào trong các giáo phái Tin Lành, rồi đến với tất cả chúng ta ngày nay.
Nguồn Gốc của Vòng Lá Thánh (Holly Wreath),
Cây Chùm Gửi (Mistletoe), và Khúc Củi (Yule Log)
Từ đâu mà chúng ta có thói tục làm vòng cây chùm gửi (mistletoe) này? Trong thế giới của các dân ngoại giáo thời cổ thì cây chùm gửi được dùng trong ngày lễ hội đông chí, bởi vì, nó được xem là thiêng liêng đối với mặt trời, được cho là có năng lực chữa lành cách lạ lùng. Thói tục hôn nhau dưới cây chùm gửi của ngoại giáo là bước khởi đầu cho một đêm vui chơi và say sưa dâm dật – kỷ niệm sự chết của “mặt trời cũ” và sự sinh ra của mặt trời mới vào ngày đông chí (ngày ngắn nhất trong năm). Cây chùm gửi, thiêng liêng trong các lễ hội ngoại giáo, là một loại ký sinh (ăn bám, sống bám)!
Những trái dâu thánh cũng được xem là thiêng liêng đối với thần mặt trời. Khúc củi “Yule” thật ra, chính là “khúc củi mặt trời”. “Yule” có nghĩa là “vòng khung”, một biểu tượng của ngoại giáo dành cho mặt trời. Thế nhưng, những người xưng mình là Cơ-đốc nhân ngày nay lại nói đến “Mùa Yule thiêng liêng!”
Ngay cả việc đốt lửa và thắp nến như là một nghi thức của Cơ-đốc Giáo cũng chỉ là một sự kế tục của thói tục ngoại giáo để khích lệ thần mặt trời xế tàn khi nó xuống đến điểm thấp nhất trên vùng trời phương nam.
Bộ Americana Bách Khoa Từ Điển cho biết: “Vòng thánh, cây chùm gửi, khúc củi Yule… là những giáo tích của thời tiền Cơ-đốc.” Cuốn sách “Ngoại Giáo”, Trả Lời Các Câu Hỏi, được biên soạn bởi Frederick J. Haskins, có thể tìm thấy trong các thư viện công cộng, cho biết: “Sự sử dụng các vòng Christmas được các nhà có thẩm quyền tin rằng, có thể truy ngược về các thói tục trang trí nhà cửa và những nơi thờ phượng của ngoại giáo vào lúc lễ hội được diễn ra cùng một thời điểm với Christmas. Cây Christmas đến từ Ai-cập, và nguồn gốc của nó được tính ra là một thời điểm rất lâu dài trước thời đại Cơ-đốc.
Ngay Cả Ông Già Nô-en (Santa Claus)
Nhưng phải chăng, Ông Già Nô-en (Santa Claus) thân thương không phải là một sản phẩm của ngoại giáo? Ông ta chính là sản phẩm của ngoại giáo và tính chất thật của ông ta không nhân ái và thánh thiện như nhiều người nghĩ.
Cái tên “Santa Claus” là một cái tên đã bị biến thể từ tên “Thánh Nicholas”, một giám mục Công Giáo La-mã sống vào thế kỷ thứ năm. Xem trong bộ Britannica Bách Khoa Từ Điển, cuốn 19, trang 648-649, ấn bản thứ 11, bạn sẽ đọc thấy: “Thánh Nicholas, giám mục thành Myra… là một vị thánh được tôn kính bởi người Hy-lạp và La-tinh vào ngày 6 tháng Mười Hai… Có một huyền thoại về sự ông kín đáo tặng của hồi môn cho ba cô con gái của một người dân nghèo… được cho rằng làm phát sinh phong tục cổ về việc tặng quà cách bí mật vào đêm kỷ niệm Thánh Nicholas [6 tháng Mười Hai], rồi sau đó được chuyển sang ngày Christmas. Đó là sự liên kết giữa Christmas với Ông Già Nô-en (Santa Claus).
Trong suốt năm, các bậc cha mẹ trừng phạt con cái mình về tội nói dối. Thế rồi, vào thời điểm Christmas, chính họ lại nói dối với con cái của họ về Ông Già Nô-en. Điều đáng suy nghĩ là, có khi nào nhiều đứa trẻ lúc lớn lên, biết được sự thật thì cũng bắt đầu nghi ngờ Đức Chúa Trời cũng là một huyền thoại?
Có một em bé bị vỡ mộng về Ông Già Nô-en đã nói với bạn mình rằng: “Vậy, mình cũng sẽ xem xét lại câu chuyện về Đức Chúa Jesus Christ.” Có phải chính các Cơ-đốc nhân đã dạy cho trẻ em về những huyền thoại và những sự dối trá? Đức Chúa Trời phán: “Các ngươi chớ làm chứng dối!” Có lẽ theo lý luận loài người thì việc đó không sao, có thể làm được, nhưng Đức Chúa Trời phán “Có một con đường coi dường chính đáng cho loài người; nhưng đến cuối cùng là những nẻo của sự chết.” “Ông Già Nick” (Old Nick) cũng là một tên của Ma Quỷ. Có sự liên kết nào chăng? Sa-tan giả làm “thiên sứ của sự sáng” để lường gạt (II Cô-rinh-tô 11:14 và Khải Huyền 12:9).
Và khi chúng ta xem xét các dữ kiện, chúng ta ngạc nhiên biết rằng, rốt cuộc, sự thực hành kỷ niệm Christmas không phải là một sự thực hành chân thật của Cơ-đốc nhân nhưng là một thói tục ngoại giáo – một trong những nẻo của Ba-bi-lôn mà chúng ta đã rơi vào.
Thánh Kinh Nói Gì về Cây Christmas?
Nhưng nếu Thánh Kinh im lặng về việc dạy chúng ta kỷ niệm Christmas hoặc ghi lại sự kỷ niệm nó bởi các sứ đồ của Hội Thánh thật lúc ban đầu, thì Thánh Kinh có nói đến cây Christmas.
Điều này sẽ khiến cho nhiều người ngạc nhiên nhưng đây là điều Thánh Kinh nói:
Giê-rê-mi 10:2-4 “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy: Chớ tập theo tục của các dân ngoại, chớ sợ các dấu trên trời, mặc dù dân ngoại nghi sợ các dấu ấy. Vì thói quen của các dân ấy chỉ là hư không. Người ta đốn cây trong rừng, tay thợ lấy búa mà đẽo; rồi lấy bạc vàng mà trang sức; dùng búa mà đóng đinh vào, để khỏi lung lay.”
Trên đây là lời mô tả chính xác cây Christmas, bị Đấng Hằng Hữu gọi là “tục của các dân ngoại”. Chúng ta được truyền lệnh là chớ tập hoặc theo các tục ấy. Trong phân đoạn này, nó được xem như là thần tượng. Câu thứ năm cho thấy những cây này không thể nói, không thể đi, phải được khiêng vác. “Đừng sợ các thần ấy, vì không có quyền làm họa hay làm phước.” Chúng chẳng phải là các thần để bị sợ. Nhiều người cho rằng phân đoạn Thánh Kinh này dạy rằng không có gì nguy hiểm trong việc dựng cây Christmas, nhưng đó không phải là điều Thánh Kinh dạy.
Việc Trao Đổi Quà Có Hợp Thánh Kinh Không?
Nhưng khi đến phần quan trọng nhất trong tất cả các phần của sự kỷ niệm Christmas – mùa mua sắm Christmas – sự mua sắm và trao đổi quà – nhiều người sẽ kêu lên cách đắc thắng rằng: “Ít ra thì Thánh Kinh cũng dạy chúng ta làm như vậy. Không phải những nhà thông thái đã tặng quà khi Chúa giáng sinh đó sao?”
Một lần nữa, chúng ta lại sẽ ngạc nhiên khi chúng ta biết được lẽ thật hiển nhiên. Trước hết, chúng ta hãy xem lại lịch sử nguồn gốc của việc trao đổi quà, rồi chúng ta sẽ xem Thánh Kinh nói gì về việc đó.
Từ bộ Bibliotheca Sacra, cuốn 12, trang 153-155, chúng ta đọc được: “Sự trao đổi quà giữa bạn bè là đặc tính giống nhau giữa Christmas và Saturnalia, và đã được tiếp nhận bởi các Cơ-đốc nhân từ những dân ngoại giáo, theo sự cáo trách mà Tertullian đã tỏ ra cách rõ ràng.”
Sự thực là, thói quen trao đổi quà giữa bạn bè và bà con vào mùa Christmas không hề có một chút dấu tích nào về nó trong Cơ-đốc Giáo. Dù có vẻ lạ lùng nhưng thói tục này không kỷ niệm sinh nhật của Đấng Christ mà cũng không tôn kính ngày ấy hay tôn kính Chúa. Giả sử như vào dịp sinh nhật của một người thân yêu của bạn. Bạn muốn tôn trọng sinh nhật của người ấy. Có khi nào bạn tốn kém tiền bạc mua sắm quà cho tất cả những người khác, trao đổi quà qua lại với tất cả các bạn bè và người thân khác của bạn, nhưng hoàn toàn quên lãng tặng quà cho chính người có sinh nhật mà bạn đang tôn trọng? Ngược lại, điều đó thật là lố bịch khi được xem xét như vậy, có phải không?
Nhưng đó chính xác là điều mà người ta đang làm khắp nơi trên thế giới. Họ tôn trọng một ngày không phải là sinh nhật của Đấng Christ, bằng cách tiêu phí hết từng xu mà họ dành dụm được để mua các món quà trao đổi qua lại giữa bạn bè và bà con. Tôi có thể nói theo kinh nghiệm nhiều năm của mình, như tôi tin rằng hầu hết các người chăn và người hầu việc Chúa có thể nói, rằng khi tháng Mười Hai đến gần, hầu như tất cả những người xưng mình là Cơ-đốc nhân cùng nhau quên lãng việc tặng quà cho Đấng Christ và mục vụ của Ngài.
Bây giờ, hãy xem Thánh Kinh nói gì về việc tặng quà khi Đấng Christ giáng sinh.
Ma-thi-ơ 2:1-11 chép: “Khi Đức Chúa Jesus đã được sinh ra tại thành Bết-lê-hem, xứ Giu-đê, đang thời Vua Hê-rốt, thì có mấy nhà thông thái ở đông phương đến thành Giê-ru-sa-lem, mà hỏi rằng: Vua dân Do-thái mới sinh tại đâu? Vì chúng ta đã thấy ngôi sao của Ngài bên đông phương, nên đến để thờ phượng Ngài… Khi họ vào trong nhà, họ nhìn thấy con trẻ cùng Ma-ri, mẹ Ngài, thì họ sấp mình xuống mà thờ phượng Ngài; rồi họ mở của báu ra; họ dâng lên Ngài những lễ vật là: vàng, nhũ hương, và một dược.”
Tại Sao Quà Được Tặng Đấng Christ?
Chúng ta chú ý đến điều này: Họ hỏi thăm về hài nhi Jesus, Đấng được sinh ra để làm vua của dân Giu-đa. Tại sao họ tặng quà Ngài? Có phải bởi vì đó là sinh nhật của Ngài? Không hề như vậy, bởi vì khi họ tìm đến nơi thì đã là nhiều ngày hay nhiều tuần sau khi Ngài được sinh ra. Sự kiện đó có là tấm gương để chúng ta noi theo mà trao đổi quà với nhau? Không! Hãy để ý kỹ: họ không trao đổi quà lẫn nhau nhưng họ “dâng cho Ngài!” Họ dâng quà của họ cho Đấng Christ chứ không phải cho bạn bè, thân thuộc hay cho lẫn nhau.
Tại sao? Tôi xin trích từ bộ giải kinh của Adam Clarke, cuốn 5, trang 46: “Câu 11. (Họ dâng quà lên Ngài). Dân đông phương không bao giờ đến gần các vua hay các bậc quyền quý mà không có quà trong tay của mình. Phong tục này thường được ghi nhận trong Cựu Ước và vẫn tồn tại ở đông phương, và trong một vài hải đảo mới được khám phá tại Nam Dương.”
Sự việc là như vậy. Họ không thiết lập một phong tục Cơ-đốc mới về việc trao đổi quà để tôn vinh sinh nhật của Đấng Christ. Họ chỉ theo phong tục cũ từ thời cổ của đông phương trong việc tặng quà cho một vị vua khi họ đến ra mắt Ngài. Họ đang ra mắt Ngài, Đấng được sinh ra để làm vua của dân Giu-đa. Vì vậy, phong tục khiến họ phải tặng quà – như khi Nữ Vương nước Sheba ra mắt Vua Sa-lô-môn – như nhiều người ngày nay mang quà theo khi họ viếng thăm tòa Bạch Ốc để gặp tổng thống.
Không, thói tục trao đổi quà qua lại không hề phát xuất từ sự kiện này trong Thánh Kinh, ngược lại, như đã trích từ lịch sử trên đây, nó là sự tiếp nối của một thói tục ngoại giáo. Thay vì tôn kính Đấng Christ, nó luôn luôn làm cho cản trở công việc của Ngài, thường làm cho chậm trễ, vào mùa Christmas mỗi năm.
Chúng Ta Đang ở Trong Ba-bi-lôn Mà Không Biết!
Christmas đã trở thành một mùa thương mãi. Những kẻ bảo trợ nó, giữ cho nó sống còn bằng những chiến dịch quảng cáo bán hàng tưng bừng nhất trong năm. Bạn sẽ thấy những hóa trang “Ông Già Nô-en” trong nhiều cửa tiệm. Các quảng cáo giữ cho chúng ta bị dẫn dắt sai lạc và bị lường gạt về “sự đẹp đẽ của tinh thần Christmas”. Các báo chí, đăng các quảng cáo, in những ấn bản sặc sỡ đề cao và tán tụng mùa ngoại giáo và “tinh thần” của nó. Những kẻ khờ dại đã bị tiêm nhiễm quá nặng, đến nỗi chống đối kịch liệt khi được nghe nói về lẽ thật. Nhưng “tinh thần Christmas” được tạo ra mỗi năm không phải để tôn kính Đấng Christ, mà để bán hàng hóa. Giống như tất cả các sự lường gạt của Sa-tan, nó hiện ra như “thiên sứ của sự sáng”, nó được làm cho thể hiện như tốt lành. Hàng tỉ đô-la đã bị tốn phí trong cơn dịch mua sắm hàng năm, trong khi mục vụ của Đấng Christ phải chịu tổn thất. Nó chính là một phần trong hệ thống kinh tế của Ba-bi-lôn.
Chúng ta là tuyển dân của Đức Chúa Trời. Nhưng chúng ta đang ở trong Ba-bi-lôn, như Thánh Kinh đã tiên tri, mà chúng ta không biết. Hãy ra khỏi nó, hỡi dân ta, để các ngươi không dự phần trong tội lỗi của nó, và các ngươi sẽ không cùng chịu sự đoán phạt của nó – sẽ đến cách nhanh chóng – là tiếng cảnh báo của Khải Huyền 18:4.
Nguyên Tác: “The Plain Truth About Christmas”
Viết bởi David J. Stewart
Chuyển Ngữ: Huỳnh Christian Timothy
12/12/2012