YouTube: https://youtu.be/86lz5Xf_x-k
202307 Bài Giảng Trong Năm 2023
Chẳng Có Gì Mới Dưới Mặt Trời, Ngoại Trừ…
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
- SoundCloud: Bấm vào đây
Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive: Bấm vào đây
Kho chứa MP3 các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kho chứa pdf các bài giảng:
- MediaFire: Bấm vào đây
- OpenDrive:
1. Bấm vào đây
2. Bấm vào đây
Kính thưa Hội Thánh,
Lễ Vượt Qua năm nay bắt đầu vào buổi chiều tối Thứ Ba 04/04/2023, đánh dấu 1.996 năm Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá để làm sinh tế chuộc tội cho loài người. Theo các chi tiết trong Thánh Kinh được đối chiếu với các sử liệu thì Đức Chúa Jesus Christ đã bị đóng đinh trên thập tự giá vào buổi trưa ngày Thứ Tư, 14 tháng Nisan năm 3787 theo Lịch Do-thái, nhằm Thứ Tư, ngày 9 tháng 4 năm 27 theo Tây Lịch (Lịch Julian), vào khoảng 3 giờ chiều thì Ngài trút hơi thở cuối cùng. Thân thể của Ngài đã được an táng vào trong lòng đất, trước khi mặt trời lặn, kết thúc ngày Lễ Vượt Qua [1].
Lễ Vượt Qua năm nay cũng đánh dấu 1.996 năm dân I-sơ-ra-ên đã chối bỏ Đấng Christ, khi họ giao nộp Ngài vào tay người La-mã. Và vì thế mà Đức Chúa Trời đã hình phạt họ, bỏ mặc họ trong sự đui mù thuộc linh, cho tới khi trọn hai ngày đánh phạt đã được tiên tri trong Ô-sê 6:1-2:
“Hãy đến! Chúng ta hãy trở về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì Ngài đã xé nhưng Ngài sẽ chữa lành chúng ta. Ngài đã đánh nhưng Ngài sẽ buộc vết thương cho chúng ta. Sau hai ngày, Ngài sẽ khiến chúng ta sống lại. Ngày thứ ba, Ngài sẽ dựng chúng ta dậy. Chúng ta sẽ sống trước mặt Ngài.”
Hai ngày trong lời tiên tri đó tương đương với hai ngàn năm. Vì một ngày đối với Chúa như một ngàn năm:
“Vì một ngàn năm trước mắt Ngài như ngày hôm qua đã qua rồi, như một canh của đêm.” (Thi Thiên 90:4).
“Hỡi những người yêu dấu! Đừng quên điều này, với Chúa, một ngày như một ngàn năm và một ngàn năm như một ngày.” (II Phi-e-rơ 3:8).
Chỉ còn bốn năm nữa, đến ngày Lễ Vượt Qua của năm 2027, thì sẽ tròn 2.000 năm, tức là hai ngày tiên tri, dân I-sơ-ra-ên bị Đức Chúa Trời hình phạt, và Ngài sẽ làm cho họ được sống lại về thuộc linh, như lời Đức Thánh Linh đã quả quyết, qua Sứ Đồ Phao-lô, trong Rô-ma 11:25-27:
“Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi không muốn các anh chị em chẳng biết đến sự mầu nhiệm này, kẻo các anh chị em tự cho mình là khôn sáng chăng. Ấy là sự đui mù đã xảy ra cho một phần của dân I-sơ-ra-ên, cho đến chừng sự đầy trọn của các dân ngoại đến. Rồi thì cả dân I-sơ-ra-ên sẽ được cứu, như có chép: Đấng Giải Cứu sẽ đến từ Si-ôn, cất sự không tin kính ra khỏi Gia-cốp. Vì ấy là sự giao ước của Ta với họ, khi Ta sẽ cất đi những tội lỗi của họ. [Ê-sai 59:20-21; 27:9]”
Vì thế, Kỳ Tận Thế có thể bắt đầu xảy ra trong năm 2027, sau khi Đức Chúa Trời phục sinh phần thuộc linh của dân I-sơ-ra-ên. Sự phục sinh đó cũng đã được tiên tri trong Ê-xê-chi-ên 37:9-10:
“Bấy giờ Ngài phán với ta: Hãy nói tiên tri với Đấng Thần Linh! Hỡi con người! Hãy nói tiên tri và nói với Đấng Thần Linh, Chúa Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy: Hỡi Đấng Thần Linh! Hãy đến từ gió bốn phương và thở trên những người bị giết này, để cho chúng nó sống. Vậy, ta nói tiên tri như Ngài đã truyền lệnh, và hơi thở vào trong chúng nó. Chúng nó sống và đứng dậy trên chân mình, thành một đội quân rất lớn.”
Điều đó cũng có nghĩa là Đấng Christ có thể đến bất kỳ lúc nào để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, trước Kỳ Tận Thế. Vì Kỳ Tận Thế là “giờ thử thách sẽ đến trên khắp thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất”:
“Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách sẽ đến trên khắp thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất.” (Khải Huyền 3:10).
Kính thưa Hội Thánh,
Trong mấy ngày qua, khi tôi suy nghĩ đến sự đến của Đấng Christ, xem một vài đoạn phim YouTube bàn về sự đến của Đấng Christ, tôi đã được nhắc đến Lời Chúa trong Truyền Đạo 1:9-10:
“Điều gì đã có, ấy là điều sẽ có. Điều gì đã làm, ấy là điều sẽ làm. Chẳng có điều mới nào dưới mặt trời. Nếu có lời nào nói rằng: Hãy xem, cái này mới! Thì nó đã có rồi trong các thời xưa, có trước chúng ta.”
Tôi đã có biết và suy ngẫm về hai câu Thánh Kinh này. Nhưng lần này, khi suy ngẫm trở lại, tôi nhận được sự hiểu biết khác hơn. Tôi cảm tạ Chúa và tôi xin chia sẻ với Hội Thánh.
Theo nghĩa đen của hai câu Thánh Kinh trên thì tất cả những gì chúng ta nhìn thấy, tất cả những gì loài người sẽ làm ra dưới mặt trời, trên đất này, đều đã từng có, từng được làm ra trước đó. Tuyệt đối, không có gì là mới.
Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, từ điện thoại cầm tay, máy điện toán, súng, đạn, máy bay, đến phi thuyền thám hiểm vũ trụ, và ngay cả vũ khí nguyên tử cũng đã từng có trước đó.
Thực tế, theo ghi nhận của lịch sử thì:
-
Năm 1876 máy nổ chạy xăng lần đầu tiên được phát minh.
-
Năm 1879 bóng đèn điện đầu tiên được phát minh. Điện lực bắt đầu được đưa vào sử dụng rộng rãi vào đầu thế kỷ 20.
-
Năm 1885 chiếc xe chạy bằng xăng đầu tiên được phát minh.
-
Năm 1903 chiếc máy bay đầu tiên bay thành công.
Chỉ trong vòng trên dưới 120 năm sau đó, loài người đã tiến bộ thật nhanh, đến mức như chúng ta thấy ngày nay.
Thử hỏi, hơn một ngàn năm trước Cơn Lụt Lớn, với tuổi thọ lên đến tám, chín trăm tuổi, với sức khỏe và trí tuệ của loài người thời ấy chắc chắn vượt trội hơn loài người thời nay, thì làm sao loài người không có những khám phá khoa học tương tự hoặc là còn hơn cả chúng ta ngày nay?
Chúng ta thật sự không biết, vào thời của Nô-ê thì loài người đã tiến bộ đến mức nào. Nhưng nếu ngày hôm nay, thế gian bị một cơn lụt lớn toàn cầu thì toàn thể thế giới văn minh của chúng ta sẽ bị hủy diệt. Các máy bay đang bay trên trời đều sẽ bị rơi xuống đất vì cuồng phong hoặc vì không đủ nhiên liệu. Các tàu lớn nhất cũng sẽ bị chìm vì không có kích thước tương tự như chiếc tàu của Nô-ê để chịu được sóng lớn. Toàn bộ các kho vũ khí của các quốc gia, kể cả các đầu đạn nguyên tử cũng sẽ bị nhúng chìm trong các cơn địa chấn phát sinh vì Cơn Lụt Lớn.
Chúng tôi hiểu và tin Lời Chúa trong Truyền Đạo 1:9-10 theo đúng nghĩa đen. Nghĩa là tất cả những gì chúng ta thấy và những gì loài người làm ra ngày hôm nay thì cũng đã từng có và từng được làm ra vào thời của Nô-ê. Chúng tôi xét thấy và hiểu rằng, loài người thời Nô-ê văn minh, tiến bộ hơn chúng ta dễ hơn là hiểu rằng, họ sống với các công cụ thô sơ như loài người cách nay 200 năm. Chỉ sau Cơn Lụt Lớn thì tuổi thọ, sức khỏe, và trí tuệ của loài người bị giảm lại. Vì môi trường sống đã bị thay đổi quá nghiêm trọng. Có lẽ vì thế mà mãi hơn 4.400 năm sau loài người mới đạt trở lại mức tiến bộ như ngày nay.
Tuy nhiên, Truyền Đạo 1:9-10 ngoại trừ việc làm của Thiên Chúa. Vì theo lời tiên tri của Đức Chúa Jesus thì những gì xảy ra trong bảy năm của Kỳ Tận Thế là vô tiền khoáng hậu:
“Vì lúc ấy sẽ có sự hoạn nạn lớn, đến nỗi từ khi sự bắt đầu của thế gian cho tới bây giờ chưa có như vậy, mà sau này cũng sẽ không có nữa.” (Ma-thi-ơ 24:21).
Sách Khải Huyền đã ghi rõ diễn tiến của Kỳ Tận Thế. Nội dung của sách Khải Huyền cho thấy đúng là những sự sẽ xảy ra trong Kỳ Tận Thế là trước chưa có mà sau này cũng sẽ không có nữa.
Tuy nhiên, trước khi Kỳ Tận Thế xảy ra thì một sự kiện vô tiền khoáng hậu khác phải xảy ra. Đó là sự Đấng Christ đến giữa chốn không trung, gọi Hội Thánh lên gặp Ngài giữa các đám mây, và cùng Ngài vào thiên đàng. Hội Thánh bao gồm tất cả những ai đã tin nhận Tin Lành, sống theo Lời Chúa, trung tín cho tới chết hoặc cho tới khi Đấng Christ đến. Những người đã chết thì thân thể sẽ phục sinh từ trong bụi đất. Những người đang sống thì thân thể sẽ biến hóa. Mỗi người sẽ có một thân thể xác thịt vinh quang và bất tử, như thân thể phục sinh của Đấng Christ. Rồi tất cả cùng được cất lên không trung, gặp Đấng Christ, nhận phần thưởng, và theo Ngài vào thiên đàng. Đức Thánh Linh, qua Sứ Đồ Phao-lô đã dạy rõ:
I Cô-rinh-tô 15:50-54
50 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi tuyên bố rằng, thịt và máu không thể thừa hưởng vương quyền của Thiên Chúa, và sự có tính hư nát không thể thừa hưởng sự không có tính hư nát.
51 Này, tôi tỏ cho các anh chị em một sự mầu nhiệm: Chúng ta sẽ không ngủ hết, nhưng hết thảy chúng ta sẽ được biến hóa.
52 Trong khoảnh khắc, trong nháy mắt, lúc tiếng kèn chót, vì kèn sẽ thổi, những người chết sẽ được sống lại, không có tính hư nát, và chúng ta sẽ được biến hóa.
53 Vì sự có tính hư nát này phải mặc lấy sự không có tính hư nát, và sự có thể chết này phải mặc lấy sự không thể chết.
54 Khi sự có tính hư nát này sẽ mặc lấy sự không có tính hư nát, sự có thể chết này sẽ mặc lấy sự không thể chết, thì được ứng nghiệm lời đã chép: Sự chết đã bị nuốt mất trong sự thắng! [Ê-sai 25:8]
I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18
13 Hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi chẳng muốn các anh chị em không biết về phần những người đã ngủ, để cho các anh chị em chớ buồn rầu như những người khác là những người không có sự trông cậy.
14 Vì nếu chúng ta tin rằng, Đức Chúa Jesus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những người ngủ trong Đức Chúa Jesus đến với Ngài.
15 Này là điều chúng tôi nhờ Lời của Chúa mà nói với các anh chị em: Chúng ta là những người sống, còn ở lại cho tới kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi.
16 Vì chính Chúa sẽ từ trời giáng xuống với tiếng kêu lớn, với tiếng của thiên sứ trưởng, cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, và những người chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước.
17 Kế đến, chúng ta là những người sống, mà còn ở lại, sẽ cùng họ được cất lên trong những đám mây, để gặp Chúa tại nơi không trung. Như vậy, chúng ta sẽ ở cùng Chúa mãi mãi.
18 Thế thì, các anh chị em hãy dùng những lời ấy mà khích lệ nhau.
Kính thưa Hội Thánh,
Sự Đấng Christ sẽ đến giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian là một lẽ thật của Thánh Kinh. Lời tiên tri về lẽ thật ấy sẽ ứng nghiệm bất kỳ lúc nào, ngay trong thời đại của chúng ta. Thế hệ của chúng ta, trong Hội Thánh của Chúa là một thế hệ được phước lớn vô cùng. Vì chúng ta sẽ không phải trải qua sự chết của thân thể xác thịt. Xin đừng có ai vì một sự ham thích nào của xác thịt mà phạm tội, bị trật phần ân điển. Điều đáng tiếc nhất là có ai đó phạm tội ngay trong thời điểm Đấng Christ đến, không kịp ăn năn. Chúng ta thật đáng chuyên tâm hướng về sự Đấng Christ đến. Dù chúng ta vẫn xay cối trong nhà hay vẫn lao động ngoài đồng, tức là vẫn sinh hoạt bình thường trong khi chờ đợi Chúa đến, nhưng lòng chúng ta luôn hướng về sự Chúa đến.
Hôm nay, khi suy ngẫm về sự: “Lúc ấy, sẽ có hai người ở trong một đồng ruộng, một người được đem đi, còn một người bị bỏ lại; hai người đang xay cối, một người được đem đi, còn một người bị bỏ lại”, tôi chợt nghĩ, lời cảnh báo này của Đức Chúa Jesus không có ý nói về một người tin Chúa và một người không tin Chúa. Mà Chúa đang nói đến hai người cùng tin Chúa nhưng một người sống theo Lời Chúa và một người không sống theo Lời Chúa. Cũng có thể họ là các người sống trong cùng một gia đình. Chắc chắn là trong số tất cả những người xưng nhận mình là con dân Chúa đang sống trong thế gian, sẽ có rất là nhiều người bị bỏ lại, khi Đấng Christ đến.
Đức Thánh Linh đã khẳng định qua Sứ Đồ Phi-e-rơ:
“Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như một số người tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng khoan nhẫn đối với chúng ta, không muốn cho một người nào chết mất, nhưng muốn cho mọi người đều ăn năn. [Khoan nhẫn = khoan dung và nhẫn nại; tha thứ và bền lòng chịu đựng.]” (II Phi-e-rơ 3:9).
Chính Đấng Christ đã phán:
“Này, Ta đến mau chóng và đem theo tiền công của Ta với Ta, để trao cho mỗi người tùy theo kết quả việc làm của người ấy sẽ là. Ta là Đấng An-pha và Đấng Ô-mê-ga: Đấng Khởi Đầu và Đấng Kết Thúc; Đấng Trước Hết và Đấng Sau Cùng. Phước cho những kẻ giữ các điều răn của Ngài, để họ sẽ được quyền đến Cây Sự Sống và đi qua các cổng, vào trong thành.” (Khải Huyền 22:12-14).
Tiếc thay, ngày nay có rất nhiều người xưng nhận mình là con dân Chúa nhưng vẫn thản nhiên vi phạm điều răn của Chúa, vì họ tin theo sự giảng dạy tà giáo của các giáo hội mang danh Chúa. Họ có Lời Chúa là trọn bộ Thánh Kinh trong tay nhưng không suy ngẫm và cẩn thận làm theo, trái lại, họ nhắm mắt tin vào các quỷ biện “thần học” của loài người. Là những ý tưởng bịa đặt, không có trong Thánh Kinh, cố ý bẻ cong Lời Chúa, như Sa-tan đã làm đối với bà Ê-va và Đức Chúa Jesus khi xưa.
Tuy nhiên, Sa-tan còn tinh ranh, tạo ra các giáo hội mang danh Chúa, giảng dạy sự giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, theo điều răn của Chúa, nhưng lại thêm vào đó các tư tưởng “thần học” nghịch lại Thánh Kinh. Con dân chân thật của Chúa chỉ cần hết lòng làm theo mệnh lệnh của Chúa trong Giô-suê 1:8 và tận dụng các vũ khí của Đức Chúa Trời trong Ê-phê-sô 6:10-24, thì chắc chắn họ sẽ không bị sập bẫy tà giáo của Sa-tan.
“Đêm đã khuya, ngày gần đến! Vậy, chúng ta hãy lột bỏ những việc của sự tối tăm mà mặc lấy áo giáp của sự sáng.” (Rô-ma 13:12).
Mỹ Linh và tôi kính chúc quý ông bà anh chị em luôn tỉnh thức, giữ mình thánh khiết trong Chúa. Và chúng tôi mong rằng, sẽ được gặp quý ông bà anh chị em trong ngày Đấng Christ đến.
Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
08/04/2023
Ghi Chú
Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.
[1] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/
Karaoke Thánh Ca: “Tình Chúa Yêu Con”
https://karaokethanhca.net/tinh-chua-yeu-con/
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.