Ba-lác và Ba-la-am

277 views

YouTube: https://youtu.be/B5VuP31hWBE

202414 Bài Giảng Trong Năm 2024
Ba-lác và Ba-la-am
Dân Số Ký 22-24

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Sách Dân Số Ký, từ đoạn 22 đến đoạn 24, ghi lại một sự việc quan trọng đã xảy ra trong hành trình từ Ê-díp-tô đến Đất Hứa Ca-na-an của dân I-sơ-ra-ên. Đó là sự việc Ba-lác, vua của dân Mô-áp, liên kết với năm vua trong dân Ma-đi-an, dùng lễ vật mua chuộc Ba-la-am, một thầy bói nổi tiếng vào thời ấy, để Ba-la-am rủa sả dân I-sơ-ra-ên. Tên Ba-lác (H1111) có nghĩa là: kẻ tàn phá; ứng với việc Ba-lác khiến cho dân I-sơ-ra-ên phạm tội và bị Đức Chúa Trời hình phạt. Tên Ba-la-am (H1109) có nghĩa là: không thuộc về dân sự; ứng với sự Ba-la-am không thuộc về dân I-sơ-ra-ên, không có ý tốt với dân I-sơ-ra-ên.

Câu chuyện bắt đầu trong Dân Số Ký đoạn 22. Lúc đó là vào khoảng cuối năm 1407 TCN. Dân I-sơ-ra-ên đã lang thang trong các đồng vắng gần trọn 40 năm. Họ đã đến bên bờ đông của Sông Giô-đanh, phía bắc của Biển Chết, đối diện với thành Giê-ri-cô, chuẩn bị tiến vào Ca-na-an. Nơi dân I-sơ-ra-ên dừng chân, đóng trại là biên giới của vương quốc Mô-áp. Dân Mô-áp đã nghe biết các câu chuyện về dân I-sơ-ra-ên trong gần 40 năm qua nên họ rất khiếp sợ dân I-sơ-ra-ên. Nhất là khi họ thấy dân I-sơ-ra-ên đã đánh bại dân A-mô-rít, một dân hùng mạnh từng đánh chiếm lãnh thổ của Mô-áp. Vì thế, vua của Mô-áp là Ba-lác đã liên kết với năm vua trong dân Ma-đi-an để tìm cách chống lại dân I-sơ-ra-ên.

Thực tế, dân I-sơ-ra-ên không có ý đánh chiếm lãnh thổ của dân A-mô-rít, hay của dân Mô-áp, hay của dân Ma-đi-an. Vì lãnh thổ của các dân này nằm ngoài Đất Hứa Ca-na-an. Riêng đối với dân Mô-áp và dân Am-môn thì Đức Chúa Trời đã không cho phép dân I-sơ-ra-ên tấn công họ; vì họ là con cháu của Lót.

Theo Dân Số Ký đoạn 21, khi dân I-sơ-ra-ên xin phép Si-hôn, vua của dân A-mô-rít, cho họ đi ngang qua xứ để tiến về Ca-na-an thì đã bị Si-hôn từ chối. Chẳng những vậy mà Si-hôn còn đem quân đánh dân I-sơ-ra-ên. Vì thế, dân I-sơ-ra-ên đã đánh bại dân A-mô-rít, chiếm lấy các thành của dân A-mô-rít. Tiếp theo đó, khi dân I-sơ-ra-ên tiến về hướng Ba-san thì vua của Ba-san cũng đã đem quân đánh dân I-sơ-ra-ên. Nhưng dân I-sơ-ra-ên cũng đã đánh thắng dân Ba-san và chiếm lấy xứ của họ.

Vì thế, khi dân I-sơ-ra-ên đến nơi đồng vắng của Mô-áp để chuẩn bị tiến vào Ca-na-an thì dân Mô-áp đã rất khiếp sợ. Sự khiếp sợ đó đã khiến cho Ba-lác, vua của dân Mô-áp, liên kết với các vua trong dân Ma-đi-an, cho sứ giả đi mời một thầy bói nổi tiếng là Ba-la-am, để nhờ Ba-la-am nói lời rủa sả dân I-sơ-ra-ên.

Theo Dân Số Ký 22:7, các trưởng lão của dân Mô-áp và của dân Ma-đi-an đã đến gặp Ba-la-am với các lễ vật dành cho thầy bói (H7081). Điều đó hàm ý, Ba-la-am là một thầy bói. Danh từ “קָסַם” /qāsam – ka-xem/ (H7080) trong tiếng Hê-bơ-rơ, được dịch là “thầy bói”, là danh từ được Thánh Kinh dùng để chỉ chung những người làm công việc bói toán, phù phép, và những tiên tri của các tà thần. Theo Dân Số Ký 22:6 thì Ba-lác biết rằng, ai được Ba-la-am chúc phước cho thì được phước; còn ai bị Ba-la-am rủa sả thì bị rủa sả. Như vậy, Ba-la-am là một thầy bói rất nổi tiếng trong dân Mô-áp và trong dân Ma-đi-an, vào thời bấy giờ. Ba-lác tin rằng, nếu dân I-sơ-ra-ên bị Ba-la-am rủa sả thì dân Mô-áp có thể đánh thắng dân I-sơ-ra-ên. Chúng ta không biết quyền lực về bùa phép của Ba-la-am là như thế nào. Nhưng thực tế cho chúng ta biết, những tôi tớ của ma quỷ cũng có một số quyền phép nhất định, tác động đến những người không thuộc về Chúa.

Theo Dân Số Ký 22:5, 23:7, và Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:4 thì có lẽ Ba-la-am thuộc về dân A-ram, ở tại thành Phê-thô-rơ, gần bờ sông Ơ-phơ-rát của xứ Mê-sô-bô-ta-mi. Ngày nay, nơi ấy thuộc khu vực phía bắc của Syria. Dân A-ram là con cháu của Sem, con út của Nô-ê (Sáng Thế Ký 10:22; xem ghi chú trong Sáng Thế Ký 5:32). Từ xứ Mô-áp đến Phê-thô-rơ là một khoảng cách khá xa. Lộ trình thời bấy giờ có thể lên đến 800 km; hành trình có thể kéo dài đến một tháng.

Ba-la-am không phải là người I-sơ-ra-ên và không là tiên tri của Đức Chúa Trời cho dân I-sơ-ra-ên. Chắc chắn Ba-la-am cũng không phải là tiên tri của Đức Chúa Trời cho dân Mô-áp hay cho dân Ma-đi-an. Ba-la-am chỉ là một thầy bùa thờ lạy các tà thần và nhận được quyền lực từ ma quỷ.

Dân Mô-áp là dòng dõi của Lót, ra từ con gái lớn của Lót (Sáng Thế Ký 19:37). Họ thờ phượng nhiều tà thần nhưng tà thần chính của họ là Kê-móc (Dân Số Ký 21:29; I Các Vua 11:7). Tà thần Kê-móc được xem là Thần Chiến Tranh. Vua Sa-lô-môn khi phạm tội đã xây dựng trên núi cao bàn thờ cho Kê-móc của dân Mô-áp và Mo-lóc của dân Am-môn (I Các Vua 11:7), đem sự thờ lạy tà thần vào trong dân I-sơ-ra-ên. Về sau, Vua Giô-si-a đã cho phá bỏ các bàn thờ của các tà thần trong vương quốc Giu-đa (II Các Vua 23:1-20).

Dân Ma-đi-an là dòng dõi của Áp-ra-ham với Kê-tu-ra (Sáng Thế Ký 25:1-2). Họ thờ phượng nhiều tà thần. Ngoại trừ một trường hợp đặc biệt là Giê-trô, cha vợ của Môi-se, thầy tế lễ của dân Ma-đi-an, là người có nhận thức về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và công nhận, Ngài là lớn hơn hết thảy các thần (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:12). Trong số các tà thần dân Ma-đi-an thờ lạy có tà thần Ba-anh Phê-ô (Dân Số Ký 25:3), là tà thần về sinh sản và tình dục. Danh từ “Ba-anh” (H1168) có nghĩa là “chúa”, được các dân ở Ca-na-an dùng để gọi tà thần cao nhất của họ. Danh từ “Phê-ô” (H6465) là tên một ngọn núi trong xứ Mô-áp. Ba-anh Phê-ô có nghĩa là “Chúa của Phê-ô”. Các lễ hội cúng tế Ba-anh Phê-ô đều có liên quan đến những hoạt động dâm dục. Chính vì thế mà khi dân I-sơ-ra-ên gian dâm với những phụ nữ Mô-áp và Ma-đi-an thì họ cũng tham dự các buổi thờ phượng Ba-anh Phê-ô.

Có lẽ Ba-la-am đã có nhiều dịp học biết về Thiên Chúa của dân I-sơ-ra-ên và có lòng tôn kính Ngài, thậm chí, ông còn biết danh “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” của Ngài. Vì thế, khi sứ giả của dân Mô-áp và của dân Ma-đi-an đến gặp Ba-la-am, thuật lại lời yêu cầu của Ba-lác, thì Ba-la-am đã yêu cầu họ ở lại qua đêm, để ông tìm kiếm ý muốn của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (Dân Số Ký 22:8).

Cho tới giờ phút đó, Ba-la-am không hề là tiên tri hay là tôi tớ của Thiên Chúa nhưng ông đã có lòng tôn kính Thiên Chúa, khi nghe biết những gì Ngài đã làm ra cho dân I-sơ-ra-ên và các kẻ thù của dân I-sơ-ra-ên. Rất có thể, Ba-la-am cũng đã tìm hiểu về Thiên Chúa và học tập cách dâng của lễ cho Thiên Chúa. Nhưng ông chỉ xem Thiên Chúa là một trong các thần linh như các tà thần mà ông thờ phượng.

Trong đêm đầu tiên, khi các sứ giả của Ba-lác lưu lại với Ba-la-am, Thiên Chúa đã đến với Ba-la-am và trò chuyện với ông. Chúng ta không thấy Thánh Kinh ghi rằng, Ba-la-am cầu hỏi Thiên Chúa; nhưng ghi rằng, Thiên Chúa đã đến với ông và hỏi ông. Sự Thiên Chúa đến với Ba-la-am có thể là đến trong chiêm bao hoặc đến trong khải tượng. Đến trong khải tượng là Ngài hiện ra với Ba-la-am, trong khi Ba-la-am đang tỉnh thức. Thánh Kinh đã ghi lại sự việc, như sau:

Dân Số Ký 22:9-12

9 Thiên Chúa đã đến với Ba-la-am và phán: Những người này với ngươi là những ai?

10 Ba-la-am đã thưa cùng Đức Chúa Trời: Ba-lác, con trai của Xếp-bô, vua của Mô-áp, đã sai họ đến tôi nói rằng:

11 Này, một dân ra từ Ê-díp-tô, bao phủ mặt đất. Hãy đến bây giờ, rủa sả nó cho ta! Có lẽ ta sẽ có thể đánh chúng và đuổi chúng.

12 Thiên Chúa đã phán với Ba-la-am: Ngươi sẽ không đi với chúng nó! Ngươi sẽ không rủa sả dân này, vì họ được ban phước!

Câu 10 xác định, Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời đã đến với Ba-la-am. Ba-la-am đã thành thật thưa với Đức Chúa Trời về sự việc Ba-lác sai sứ giả đến, mời ông đi rủa sả dân I-sơ-ra-ên. Đức Chúa Trời đã phán dạy Ba-la-am một cách rõ ràng: “Ngươi sẽ không đi với chúng nó! Ngươi sẽ không rủa sả dân này, vì họ được ban phước!” Vì thế, sáng hôm sau, Ba-la-am đã trả lời cho các sứ giả của Ba-lác rằng: “Hãy đi về xứ của các ngươi! Vì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu từ chối cho phép ta đi với các ngươi.”

Chúng ta có thể thắc mắc, không biết Đức Chúa Trời đã hiện ra với Ba-la-am như thế nào? Làm sao Ba-la-am biết chắc đó là Đức Chúa Trời của dân I-sơ-ra-ên? Thánh Kinh không cho chúng ta câu trả lời. Nhưng chúng ta thấy, Ba-la-am tin đó là Đức Chúa Trời, và ông đã vâng theo lời phán của Ngài mà không nhận lời mời của Ba-lác.

Các sứ giả của Ba-lác đã trở về, báo cáo với Ba-lác là Ba-la-am đã không nhận lời mời của Ba-lác. Có lẽ Ba-lác nghĩ rằng, Ba-la-am muốn được đối xử tôn kính hơn và được nhiều lễ vật hơn, nên Ba-lác đã sai một phái đoàn khác, gồm những người rất được tôn trọng, đến gặp Ba-la-am, với cùng một lời mời, và thêm một lời hứa. Lời hứa đó là Ba-lác sẽ làm cho Ba-la-am bất cứ điều gì Ba-la-am muốn. Ba-la-am đã đáp lời các sứ giả, như sau: “Dù Ba-lác sẽ cho ta nhà của người đầy vàng và bạc, ta sẽ chẳng vượt qua lời của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ta, để làm việc hoặc nhỏ hay lớn.” (Dân Số Ký 22:18).

Chúng ta thấy, Ba-la-am tự nhận Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Thiên Chúa của ông. Ông cũng khẳng định là sẽ không vượt qua lời phán của Ngài để làm bất cứ một việc gì, dù nhỏ hay lớn. Cho tới lúc này đây, Ba-la-am đã tỏ ra là một người có lòng tin kính và vâng phục Thiên Chúa, thậm chí, tự nhận Ngài là Thiên Chúa của ông. Nhưng đó chỉ là sự thể hiện bên ngoài của Ba-la-am. Thực tế, trong lòng Ba-la-am có sự tham muốn vinh dự và của cải mà Ba-lác có thể ban cho ông. Đó là điều Đức Thánh Linh đã bày tỏ, qua Sứ Đồ Phi-e-rơ:

Chúng nó đã bỏ đường thẳng mà đi sai lạc theo đường của Ba-la-am, con trai của Bô-sô, là kẻ tham tiền công của sự không công chính.” (II Phi-e-rơ 2:15). [Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh Cựu Ước, tên cha của Ba-la-am là “Bê-ô” (H1160). Thánh Kinh Tân Ước trong nguyên ngữ Hy-lạp đã phiên âm tên cha của Ba-la-am là “Bô-sô” (G1007).]

Chính vì thế mà sau cùng, Ba-la-am đã bày mưu cho Ba-lác dùng mỹ nhân kế, khiến dân I-sơ-ra-ên phạm tà dâm với những phụ nữ Mô-áp và Ma-đi-an, thờ lạy tà thần Ba-anh Phê-ô, để dân I-sơ-ra-ên tự gánh lấy sự rủa sả của Đức Chúa Trời. Ba-la-am đã mong rằng, nhờ đó, ông có thể nhận lấy phần thưởng từ Ba-lác (Dân Số Ký 31:16; Khải Huyền 2:14).

Thực tế, xưa nay luôn có nhiều người bên ngoài nói những lời và làm những việc thể hiện sự tôn kính và vâng phục Thiên Chúa; nhưng trong lòng của họ thì có sự tham lam. Hoặc là tham muốn danh tiếng, địa vị, chức vụ; hoặc là tham muốn tài sản, của cải vật chất; hoặc là tham muốn những thú vui của xác thịt. Vợ chồng A-na-nia và Sa-phi-ra trong Hội Thánh ban đầu tại Giê-ru-sa-lem là một điển hình (Công Vụ Các Sứ Đồ 5). Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus đã tiên tri rằng:

Vì nhiều người được gọi, nhưng ít người được chọn.” (Ma-thi-ơ 20:16; 22:14).

Và Sứ Đồ Phao-lô đã tâm tình với con dân Chúa tại Cô-rinh-tô:

Nhưng tôi kỷ luật thân thể mình, bắt nó phải phục, kẻo sau khi tôi đã giảng dạy những người khác mà chính mình phải bị bỏ.” (I Cô-rinh-tô 9:27).

Khi Ba-lác một lần nữa sai các sứ giả đến gặp Ba-la-am thì đúng ra, Ba-la-am chỉ cần lặp lại lời phán của Đức Chúa Trời trong lần trước, dứt khoát từ chối lời mời của Ba-lác. Tuy nhiên, trong lòng Ba-la-am mong đợi có sự thay đổi từ Đức Chúa Trời để ông có thể nhận sự trọng vọng và lễ vật từ Ba-lác, nên ông đã mời các sứ giả của Ba-lác ở lại qua đêm, xem Đức Chúa Trời có phán lời gì khác với ông không.

Trong thực tế, cũng có nhiều con dân Chúa sau khi nhận được sự phán dạy của Chúa không đúng với ý muốn của họ thì họ không thỏa lòng. Họ tìm cách để có thể khiến Chúa thay đổi sao cho hợp với nguyện vọng của họ. Đó là một sự ngu dại lớn của người theo Chúa. Người theo Chúa cần học theo Áp-ra-ham: Hết lòng tin cậy và vâng phục Chúa, không thắc mắc, không tìm cách xoay chuyển Chúa để Ngài làm theo ý mình.

Thử hỏi, nếu chúng ta thật sự tin rằng, Đức Chúa Trời yêu chúng ta đến nỗi đã ban Đấng Christ cho chúng ta và Ngài chỉ cho phép những gì tốt nhất xảy đến cho chúng ta, thì sao chúng ta không hết lòng vâng phục Ngài, không sốt sắng làm theo thánh ý Ngài, không hoàn toàn phó thác trọn đời sống mình trong tay Chúa? Mỗi con dân Chúa cần ghi nhớ gương đức tin của Áp-ra-ham và Rô-ma 8:26-39.

Đức Chúa Trời đã dùng Ba-la-am để qua môi miệng của ông, Ngài ban phước cho dân I-sơ-ra-ên. Nhưng Ngài cũng có sự thử thách dành riêng cho ông.

Ban đêm, Thiên Chúa đã đến với Ba-la-am và phán: Nếu các người ấy đến để gọi ngươi, hãy trỗi dậy, đi với chúng nó! Nhưng ngươi sẽ làm theo lời mà Ta sẽ phán với ngươi.” (Dân Số Ký 22:20).

Sáng hôm sau, thay vì chờ cho các trưởng quan của Mô-áp tìm đến mình thì Ba-la-am đã tự mình thắng lừa, đem theo hai người trai trẻ, cùng đi với các trưởng quan của Mô-áp. Lời của Đức Chúa Trời phán bảo Ba-la-am rất rõ ràng: “Nếu các người ấy đến để gọi ngươi, hãy trỗi dậy, đi với chúng nó!” Nhưng Ba-la-am đã tự mình trỗi dậy và đi với họ.

Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh, đại danh từהוּא” /hû’/ (H1931 – hu) trong Dân Số Ký 22:22 có nghĩa là: “tự người ấy hành động theo ý riêng”. Chính vì Ba-la-am đã tự ý đi với các trưởng quan của Mô-áp, không vâng theo lời phán của Đức Chúa Trời, mà Ngài đã nổi giận với Ba-la-am.

Nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đã nổi lên, vì người đã tự mình ra đi. Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã đứng trên đường để làm kẻ chống nghịch người. Người đã cưỡi trên lừa cái của mình. Hai kẻ trai trẻ của người đã theo với người.” (Dân Số Ký 22:22).

Danh từ được dịch là “kẻ chống nghịch” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh chính là danh từ “Sa-tan”. Kẻ chống nghịch là kẻ tạo ra tất cả những sự bất lợi và có hại cho đối phương.

Theo nhiều nhà giải kinh, danh từ “Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” và “Thiên Sứ của Đức Chúa Trời” là danh xưng của Thiên Chúa Ngôi Lời, khi Ngài lấy hình người hiện ra với loài người trong thời Cựu Ước. Chúng tôi đồng ý với sự giải thích này. Vì Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu chính là Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời nên Ngài tiếp nhận sự sấp mình thờ phượng của loài người. Như vậy, chính Thiên Chúa Ngôi Lời đã hiện ra trong tư cách là sứ giả của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu để quở trách Ba-la-am. Và cũng chính Ngài sẽ truyền cho Ba-la-am những lời phải nói về dân I-sơ-ra-ên (Dân Số Ký 22:35).

Sau ba lần con lừa cái của Ba-la-am né tránh Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, bị Ba-la-am đánh, thì Thiên Chúa đã mở miệng cho con lừa cái nói tiếng người. Thánh Kinh có hai lần ghi lại sự việc loài thú nói tiếng người. Lần thứ nhất là con rắn trong khu vườn tại Ê-đen, lên tiếng cám dỗ bà Ê-va. Lần thứ nhì là con lừa cái của Ba-la-am, lên tiếng phản đối sự ông ba lần đánh nó. Chúng ta không thấy Ba-la-am tỏ vẻ ngạc nhiên khi nghe con lừa cái của mình lên tiếng phản đối mình; nhưng ông thản nhiên đáp lời nó. Chúng tôi nghĩ rằng, rất có thể vào buổi đầu sáng thế, mọi loài vật đều có thể nói tiếng người. Rất có thể trong thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm và Vương Quốc Đời Đời thì mọi loài vật cũng có thể nói tiếng người, có sự tương giao mật thiết với loài người.

Ngay sau khi Ba-la-am đáp lời con lừa cái thì Thiên Chúa đã mở mắt của Ba-la-am để ông cũng nhìn thấy Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Ba-la-am đã lập tức cúi đầu và sấp mặt xuống đất. Vào lúc này đây, con lừa cái đã nằm phục bên dưới Ba-la-am. Có lẽ Ba-la-am đã rời khỏi lưng lừa và sấp mình trên đất, trước Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, theo cách thức thờ phượng thần linh của các dân tộc vùng Trung Đông.

Dân Số Ký 22:31-35

31 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã mở mắt của Ba-la-am. Người đã thấy Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đứng trong đường. Gươm của Ngài đã được rút ra trong tay của Ngài. Người đã cúi đầu và sấp mặt xuống đất.

32 Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán với người: Sao ngươi đã đánh lừa cái của ngươi ba lần? Này, Ta đã đi ra, làm kẻ chống nghịch ngươi, vì đường lối của ngươi là ngoan cố trước Ta.

33 Lừa cái đã thấy Ta, và đã xoay khỏi Ta ba lần. Nếu nó đã không xoay khỏi Ta, chắc chắn giờ đây Ta đã giết ngươi và để nó sống.

34 Ba-la-am đã thưa với Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu: Tôi đã phạm tội, vì tôi đã chẳng biết rằng, Ngài đã đứng trong đường để cản tôi. Bây giờ, nếu ấy là sự dữ trong mắt Ngài, tôi sẽ trở về.

35 Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán với Ba-la-am: Hãy đi với các người đó! Nhưng ngươi chỉ hãy nói lời mà Ta sẽ phán với ngươi. Ba-la-am đã đi với các trưởng quan của Ba-lác.

Lời Ba-la-am đã thưa với Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, được chép trong câu 34, hàm ý, ông nhận mình đã phạm tội và nếu sự ông tự ý ra đi với các trưởng quan của Mô-áp là một sự dữ trong mắt của Ngài thì ông sẽ quay về. Cách nói của Ba-la-am, khi dùng chữ “nếu”, vẫn là cố tìm một cơ hội để có thể đi tiếp. Ba-la-am vẫn ham thích sự tôn vinh Ba-lác đã dành cho ông và quyền lợi mà Ba-lác đã hứa với ông.

Thiên Sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã cho phép Ba-la-am được đi nhưng truyền cho ông chỉ nói lời mà Ngài sẽ phán với ông.

Ba-la-am đã gặp Ba-lác, nhưng ba lần Ba-lác đưa Ba-la-am lên các đỉnh núi cao để dâng tế lễ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu và rủa sả dân I-sơ-ra-ên thì Ba-la-am bởi mệnh lệnh và bởi sự thần cảm của Thiên Chúa đã chúc phước cho dân I-sơ-ra-ên. Ba-lác đã thất vọng và trách móc Ba-la-am. Sau đó, Ba-lác và Ba-la-am đường ai nấy đi.

Đức Chúa Trời đã dùng môi miệng của Ba-la-am để nói ra lời tôn vinh, chúc phước cho dân I-sơ-ra-ên, cùng với lời tiên tri về tương lai của I-sơ-ra-ên và của các vương quốc lân cận. Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, đó là bảy bài thơ, có thể hát thành bài hát.

Bài thứ nhất được ghi lại trong Dân Số Ký 23:7-10, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã để lời trong miệng của Ba-la-am để ông tiên tri về sự vinh quang, độc lập, và dân cư đông đúc của dân I-sơ-ra-ên.

Bài thứ nhì được ghi lại trong Dân Số Ký 23:18-24, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã hiện ra với Ba-la-am và truyền cho ông lời phải nói. Ba-la-am đã ca ngợi sự Thiên Chúa ở cùng dân I-sơ-ra-ên, sự trong dân I-sơ-ra-ên không có mê tín dị đoan, và sự hùng mạnh của I-sơ-ra-ên đối với các kẻ thù.

Bài thứ ba được ghi lại trong Dân Số Ký 24:3-9, thần trí của Thiên Chúa đã cảm động Ba-la-am để ông ca ngợi sự vinh quang và những cuộc thắng trận của dân I-sơ-ra-ên.

Bài thứ tư được ghi lại trong Dân Số Ký 24:15-19, Ba-la-am đã tiên tri về sự xuất hiện của một vị vua trong I-sơ-ra-ên sẽ chinh phục Ê-đôm và Mô-áp.

Bài thứ năm được ghi lại trong Dân Số Ký 24:20, Ba-la-am đã tiên tri về sự dân A-ma-léc sẽ bị tiêu diệt.

Bài thứ sáu được ghi lại trong Dân Số Ký 24:21-22, Ba-la-am đã tiên tri về sự dân Kê-nít sẽ bị tiêu diệt bởi dân A-si-ri.

Bài thứ bảy được ghi lại trong Dân Số Ký 24:23-24, Ba-la-am đã tiên tri về những chiếc tàu từ Kít-tim sẽ đến từ phương tây để tấn công A-si-ri và Hê-be.

Ngay từ khi Ba-la-am bắt đầu trung thực nói ra lời Thiên Chúa phán bảo ông hoặc thần cảm cho ông thì ông trở thành tôi tớ và tiên tri của Thiên Chúa. Nếu sau khi chia tay Ba-lác, Ba-la-am lên đường, trở về nơi ở của mình, không còn dính dáng đến Ba-lác nữa thì ông đã là một trong những người không phải dân I-sơ-ra-ên nhưng được làm tiên tri tốt của Đức Chúa Trời. Theo truyền thuyết trong dân I-sơ-ra-ên thì có bảy người không phải là dân I-sơ-ra-ên nhưng là tiên tri của Đức Chúa Trời. Đó là Bê-ô, cha của Ba-la-am; Ba-la-am; Gióp và bốn người bạn của Gióp.

Tiếc thay, vì tham danh và lợi mà Ba-la-am đã bày cho Ba-lác dùng mưu, khiến cho dân I-sơ-ra-ên phạm tà dâm thuộc thể với những phụ nữ trong dân Mô-áp và trong dân Ma-đi-an, phạm tà dâm thuộc linh với tà thần Ba-anh Phê-ô. Kết quả, hai mươi bốn ngàn người I-sơ-ra-ên đã bị giết trong cơn hình phạt của Đức Chúa Trời; nhưng dân Ma-đi-an bị diệt; năm vua của Ma-đi-an đều bị giết; bản thân của Ba-la-am cũng bị giết.

Một câu hỏi được đặt ra là tại sao cả dân Mô-áp và dân Ma-đi-an đều khiến dân I-sơ-ra-ên phạm tà dâm mà dân Mô-áp không bị diệt như dân Ma-đi-an. Câu trả lời nằm trong Phục Truyền Luật Lệ Ký 2:8-19. Đó là Đức Chúa Trời đã ban vùng đất A-rơ cho con cháu của Lót là dân Mô-áp và dân Am-môn làm sản nghiệp. Ngài không cho phép dân I-sơ-ra-ên gây chiến với dân Mô-áp và dân Am-môn. Tuy nhiên, dân Mô-áp và dân Am-môn không được vào hội của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Vì họ đã không tiếp đón dân I-sơ-ra-ên khi dân I-sơ-ra-ên tiến vào Đất Hứa, mà dân Mô-áp còn thuê mướn Ba-la-am rủa sả họ (Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:3-6).

Ba-la-am là người tự xưng, mình là “người nghe các lời của Thiên Chúa, biết tri thức của Đấng Rất Cao, xem khải tượng của Đấng Toàn Năng, sấp mình xuống mà mắt tự mở ra” (Dân Số Ký 24:16); nhưng ông đã tự hủy diệt mình vì lòng tham danh, tham lợi của mình. Tấm gương của Ba-la-am đáng cho mỗi con dân Chúa soi vào để xét mình. Có ai trong chúng ta được biết rõ về Thiên Chúa mà vẫn để cho những sự tham muốn của xác thịt khiến cho mình cứ phạm tội, nghịch lại Thiên Chúa? Có ba sự cám dỗ mãnh liệt mà ma quỷ vẫn dùng để cám dỗ loài người. Đó là sự cám dỗ về danh, lợi, và sắc. Về danh là sự kiêu ngạo, muốn được nhiều người thán phục, tôn vinh mình. Về lợi là sự tham muốn tiền bạc, của cải vật chất, tiện nghi đời sống. Về sắc là sự ham muốn tà dâm.

Người có sự khôn sáng là người biết hoàn toàn phó thác đời sống mình trong tay Thiên Chúa. Tin cậy và vâng phục Thiên Chúa cách trọn vẹn. Sốt sắng làm theo mọi sự phán dạy của Ngài. Người ấy không cần phải suy nghĩ nhiều mưu kế như người không có Chúa, mà chỉ cần tin cậy và vâng phục Thiên Chúa thì chính Thiên Chúa sẽ làm trọn mọi điều tốt lành cho người ấy. Lời Chúa khẳng định:

Trong lòng loài người có nhiều mưu kế; nhưng chính ý chỉ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ hoàn thành.” (Châm Ngôn 19:21).

Chúng tôi mong rằng, câu chuyện về Ba-lác và Ba-la-am sẽ giúp cho chúng ta luôn ghi nhớ rằng, những ai chỉ thể hiện sự tin cậy, vâng phục Thiên Chúa qua lời nói và hành động, mà trong lòng lại có những sự tham muốn thì sẽ có kết quả không tốt. Lời Chúa dạy rõ:

Chớ yêu thế gian, cũng đừng yêu những vật ở thế gian. Nếu ai yêu thế gian, thì tình yêu của Đức Cha chẳng ở trong người ấy. Vì mọi sự trong thế gian: sự tham muốn của xác thịt, sự tham muốn của mắt, và sự kiêu ngạo của đời sống, đều chẳng thuộc về Đức Cha, nhưng thuộc về thế gian. Và, thế gian với sự tham muốn đều qua đi, nhưng ai làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì còn lại cho tới vĩnh cửu.” (I Giăng 2:15-17).

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà, anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
06/07/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Con Mãi Luôn Cậy Trông Tình Ngài”
https://karaokethanhca.net/con-mai-luon-cay-trong-tinh-ngai

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.