A. W. Tozer: Khuôn Mẫu của Jaffray

3,028 views

Ðây có lẽ là lúc rất tốt để nhìn vào triết lý Jaffray về những sứ mệnh Cơ Ðốc. Ðó là một triết lý đơn giản dựa trên những nguyên tắc Thánh Kinh Tân Ước và thường gặp nhiều phản ứng chua chát khi được trình bày với sự cảm nhận sâu sắc. Từ triết lý đó ông phát triển một khuôn mẫu cho công việc của mình, một khuôn mẫu mà từ đó ông đã làm mọi sự từ những ngày đầu tiên ở nam Trung Hoa cho đến cuối cuộc đời.

Việc Robert Jaffray có ngồi xuống và vạch ra một chính sách nào hay không là điều khó mà biết được. Tâm trí của ông không hoạt động theo kiểu đó. Ông thu nhặt những tư tưởng của mình trong lúc đang đi lại giống như một con én đớp lấy miếng mồi của mình lúc đang bay lượn mỗi chiều tà. Quyển Kinh Thánh và một bản năng vững vàng đã hướng dẫn ông, và kinh nghiệm khó nhọc chẳng bao lâu sau đó đã sửa chữa những thiếu sót trong các học thuyết của ông. Những quan điểm của ông chẳng bao giờ quá phức tạp hoặc khó hiểu. Công việc của các sứ mệnh thật rất đơn giản. Nó chủ yếu bao gồm bốn việc để làm: tiếp xúc, truyền giảng (làm chứng), tổ chức và hướng dẫn. Chỉ có thế thôi. Nhưng để làm những điều cần thiết này, một con người có thể phải vất cả cả đời, và sự khó nhọc của anh ta sẽ mang lại kết quả, vì đây là những điều Ðấng Christ đã sai các đầy tớ mình đi ra để làm.

Tiếp xúc là điều đầu tiên. Chẳng có thể thực hiện được điều gì trước khi mối thông công được thiết lập. Một nhà truyền giáo phải đến với những bộ lạc hư mất. Ðây là nguyên lý cơ bản trong tín điều truyền giáo của ông. Và đối với ông, đó là tiếng gọi của mạng lệnh. Nó tạo nên trong tâm trí ông một sự sốt sắng không ngừng vốn chẳng bao giờ lìa ông một ngày hay một giờ nào trong suốt cuộc đời mình. Một dấu hiệu trên bản đồ hay một cái tên ngoại đạo xa lạ khuấy động ông giống như tiếng chuông cảnh báo rung lên khi đoàn xe cứu hỏa xưa kia chạy ngang. Vì thế Jaffray là một người tiên phong, một người khám phá, một nhà thám hiểm luôn bị ám ảnh bởi sự thôi thúc khám phá những dân tộc mới và những bộ lạc ẩn kín mới.

Chính khía cạnh này của công việc truyền giáo là cái đã bắt được sự chú ý của công chúng. Như thế đã đủ để tất cả chúng ta yêu thích câu chuyện cảm động về cuộc phiêu lưu truyền giáo của một người đại diện, và Jaffray biết điều này. Như là một người có tài quảng cáo, ông sẵn sàng đem đến cho những người ngồi ở nhà cái mà họ muốn. Những bức thư thông báo tin tức và các bài báo trên những tờ tạp chí thường được đọc giống như những câu chuyện cổ có thật của chốn hoang dã, nhưng họ chẳng bao giờ nói vì lợi ích của họ, cũng không nói vì một chút thích thú nào đó. Jaffray lại hoàn toàn nghiêm túc đối với bất kỳ trò chơi nào của một đứa trẻ. Nếu ông đã có thể lôi kéo sự chú ý bằng những bảng báo cáo trung thực về những phong tục đẹp đẽ và những phương cách khác thường của những dân tộc xa lạ, ông đã không bị chống đối vì làm điều đó, nhưng những động cơ của ông luôn luôn hướng về cái nhìn toàn vẹn. Ông muốn được giúp đỡ, ông muốn có tiền, nhiều tiền, nhưng ông còn muốn hơn thế nữa, ông muốn những thanh niên trai trẻ nhanh chóng ra đi để giúp đỡ ông. Và họ đã đến, những thanh niên trai trẻ đó đã đến; họ đến, chắp cánh với lời cầu nguyện và mang theo những của dâng của những người ở nhà.

Sau khi tiếp xúc thì đến phần truyền giảng Tin Lành. Ðấng Christ đã nói với những môn đồ của mình là hãy đi khắp thế gian và môn đồ hóa. Ðối với Jaffray, đó không chỉ có một ý nghĩa là: đưa những người hư mất trở lại với Ðấng Christ ngay bây giờ, đưa họ đến chỗ tin nhận Ngài như là Cứu Chúa của mình ngay lập tức, mà không cần chờ đợi những ảnh hưởng của thế giới văn minh đến, hay những chương trình đào tạo lâu dài để họ hội đủ điều kiện. Họ chỉ cần nghe Phúc Âm và họ đã có thể được cứu, cũng như bất kỳ người da trắng nào khác.

Ðó là học thuyết của Jaffray, và sự vững chắc của nó được xác định qua việc thực hành từ người này đến người khác. Nó có tác dụng, và đó chính là sự vinh quang của nó. Nhiều đời sống đã thực sự thay đổi chỉ qua một đêm, đã được biến đổi chỉ bởi phương pháp đơn giản này. Con người có thể và đã thoát khỏi sự tàn bạo, độc ác mà chạy vào vương quốc của Ðức Chúa Trời, họ chỉ việc vượt qua một biên giới mà thôi, và đối với phần còn lại, những người đã thực hiện một thay đổi vĩ đại đã sống để minh chứng sự thay đổi đó là thực và bền lâu.

Bước tiếp theo là tổ chức những Cơ Ðốc nhân mới này thành một Hội Thánh. Lúc đầu cần phải đơn giản, hơi lỏng lẻo một chút, có được sự đồng lòng của một tổ chức mà một số người nào đó được lựa chọn để làm những người lãnh đạo, và dẫn dắt cả nhóm cùng đi. Sau đó, Hội Thánh có thể phát triển thành một tổ chức hoàn hảo hơn, có một người chăn, các chấp sự và những trưởng lão; nhưng điều đó có thể chờ đợi, vì nhà truyền giáo nên hành động như là một nhà lãnh đạo thật sự cho đến khi những người mới tin đã được dạy dỗ tốt hơn. Những người thuộc giới giáo quyền có thể mỉm cười trước điều này, nhưng nó thực sự hành động, và nó vẫn còn hành động, và sự thật đó không thể bỏ qua.

Rồi thì Hội Thánh mới này phải được dạy về những lẽ thật lớn của niềm tin Cơ Ðốc, phải được dạy dỗ, thấm nhuần các giáo lý, và để hoàn thành được điều này, có hai phương tiện cần phải sử dụng: trường học và báo chí. Những điều này đến sau tổ chức và nơi mà Jaffray đã có thể thực hiện phương cách của mình không lâu sau đó.

Những ấn phẩm (báo chí) đối với Jaffray giống như các thư tín được viết tay của Phao-lô, một công cụ để giữ liên lạc với những người mới tin của mình khi họ gia tăng về số lượng, vì khoảng cách khiến cho việc liên hệ cá nhân là không thể. Rồi thì báo chí cũng có thể trở thành một hình thức văn chương thuộc linh tốt nhất cho những Cơ Ðốc nhân mới này. Thường thì các ấn phẩm của Jaffray thể hiện những vấn đề do chính ông viết ra và hướng về những nhu cầu đặc biệt nào đó, nhưng chúng cũng hình thành nên các quyển sách, truyền đạo đơn, tạp chí, bài học Kinh Thánh, và những tác phẩm văn chương dựa trên lần lượt hết sách này đến sách khác trong Kinh Thánh khi ông đã có thể chuẩn bị chúng và khi ông cảm thấy dân sự đã sẵn sàng để tiếp nhận chúng.

Cùng với các ấn phẩm là trường Kinh Thánh, cũng là một công cụ hữu hiệu cho việc truyền đạt lẽ thật. Jaffray tin nơi trường Kinh Thánh với một sự quả quyết đến độ hầu như võ đoán. Ông biết sức mạnh của nó và thúc đẩy nó với một lòng nhiệt huyết không hề suy giảm. Những giáo sĩ ngoại quốc sẽ chẳng bao giờ là lời cuối cùng cho sự truyền giảng Phúc Âm của một quốc gia. Công việc tốt và nhanh chóng nhất nên được những Cơ Ðốc nhân bản địa thực hiện ngay giữa vòng dân tộc họ. Nhưng những Cơ Ðốc nhân bản địa trước hết phải được dạy về lẽ thật và được huấn luyện để có sự phục vụ hiệu quả nhất. Trường Kinh Thánh có thể làm điều này; không có một chỗ nào khác có thể làm. Vì thế trong mỗi lĩnh vực phải có một trường học; ít nhất là một, và nhiều hơn nếu nhu cầu đòi hỏi. Ðó là quan điểm của Jaffray, và một lần nữa, sự vững chắc của nó chính là sự xác nhận công việc thực tiễn.

Cho đến nay, tốc độ niềm tin Cơ Ðốc lan rộng ra giữa những dân tộc chưa được biết đến xác chứng một sự thật rằng khải thị của Jaffray là sự ban cho thiêng liêng. Ông chẳng bao giờ để cho những nhân sự của mình co cụm lại với nhau; họ phải đi ra, luôn luôn đi ra và lúc nào cũng đi. Ông nhấn mạnh điều này đến nỗi một số những cộng sự của ông đã có lúc nghi ngờ sự thông sáng của ông, và một số ít người dám ra mặt chống đối lại ông. Thường thì những sự phát triển đến sau đánh giá chính ông, và những người nghi ngờ đã bị buộc phải nhìn nhận rằng ông đúng.

“Dĩ nhiên,” một viên chức nói khi Jaffray đến xin phép rao giảng Phúc Âm trong vùng của mình, “Ông sẽ tập trung lực lượng của mình chứ?”
“Chắc chắn rồi,” Jaffray nhanh chóng đáp lời. Rồi bước lại chỗ bức tường có treo một bản đồ quốc gia, ông chỉ tay vào nhiều điểm trên bản đồ.
“Chúng tôi sẽ tập trung ở đây, đây và đây.”
“Tại sao? Ông có bao nhiêu giáo sĩ?” viên chức ngạc nhiên hỏi.
“Sáu,” Jaffray đáp.
Chính chiến lược “tập trung” trên toàn bộ bản đồ này đã đẩy mạnh những hành trình truyền giáo của ông.

Tuy nhiên, dù có một vận tốc tiến bước nhanh như chớp nhoáng này, ông vẫn không bao giờ rơi vào một sai lầm diễn ra ở vài nơi trong thời đại ngày nay – ông không bao giờ tin rằng ông đã hoàn tất công việc của Ðức Chúa Trời chỉ bởi việc công bố Phúc Âm và đi tiếp. Ông không để những Cơ Ðốc nhân mới rơi trở lại tà giáo. Bất cứ nơi nào có một vài người mới tin Chúa, thì ở đó phải thành lập một Hội Thánh; công việc phải được tiếp tục. Rồi thì người sứ giả đã có thể đi tiếp, nhưng không chỉ đến khi đó. Ðây là sự thông sáng mà Thánh Kinh Tân Ước bày tỏ. Nó có thể phục vụ như là một khuôn mẫu cho mọi cộng đồng truyền giáo ở khắp nơi.

Ý niệm cho rằng chúng ta chỉ việc công bố Phúc Âm một lần cho mỗi bộ lạc và rồi đi tiếp đến chỗ khác mà không xem lại những kết quả là một ý niệm xưa cũ và sai lầm. Dù là triết lý sâu kín của nhiều đoàn truyền giáo ngày nay, nó rõ ràng là một dị giáo của phương pháp, xuất hiện do sự đọc sai trật tự. Thật thú vị khi biết rằng Wesley và những người trong hội Giám Lý của ông đã phải đối đầu với điều này trong những hoạt động truyền giáo đầu tiên của mình, và thật đáng cho chúng ta học hỏi cách mà họ đối đầu với nó như thế nào.

Trong một phần của cuốn sách Methodist Discipline (tạm dịch là Giám Lý Nhập Môn) được xuất bản năm 1848 (theo những gì tôi nhớ) và từ buổi ban đầu đã chứa đựng những dấu ấn của tâm trí Wesley, “Những Quy Tắc Rao Giảng mà chúng ta phải Tiếp Tục, hoặc là Ngừng Lại ở Bất Kỳ Nơi Nào,” vấn đề được đặt ra là, “Có khôn ngoan không khi chúng ta đi rao giảng ở thật nhiều nơi, những nơi mà chúng ta có thể đến, mà không cần thành lập bất kỳ Hội Thánh nào cả?” Câu trả lời rất nhấn mạnh: “Tuyệt nhiên không. Chúng ta đã để lại dấu vết ở nhiều nơi khác nhau; và đó là cho những lúc đáng lưu ý đến. Nhưng tất cả hột giống đã rơi vãi trên đường. Hiếm có một bông trái nào còn lại.”

Jaffray là một người thuộc hệ phái Trưởng Lão, song thật đáng ngờ việc ông lưu tâm nhiều đến những phương cách của những người Giám Lý đầu tiên; nhưng trong đám lửa nóng cháy của kinh nghiệm, ông học biết được những bài học giống như họ đã học trước ông và ông đi đến một kết luận. Ðây có thể không phải là lời cuối cùng có thể nói về đề tài này, nhưng một nhà truyền giáo khôn ngoan sẽ kính cẩn lắng nghe những bậc thầy của mình. Họ đã đưa ra bằng chứng cho triết lý của mình, sự tranh luận không thể trả lời được của một thành công vượt bậc.

A. W. Tozer