Trong chương trình cứu rỗi thiên thượng, giáo lý đức tin là trung tâm. Ðức Chúa Trời hướng Lời Ngài vào đức tin, và nơi nào không có đức tin, nơi đó hoàn toàn không thể có sự cứu rỗi thật. “Không có đức tin thì không thể nào làm vừa lòng Ngài.” (Hê-bơ-rơ 11:6a).
Mọi ơn phước tuôn chảy từ sự chuộc tội của Ðấng Christ đến với mỗi cá nhân qua cánh cổng đức tin. Sự tha thứ, sự tẩy sạch, sự tái sinh, Ðức Thánh Linh, sự đáp lại lời cầu xin, được ban cho và được tiếp nhận bởi đức tin. Không hề có một phương cách nào khác! Ðây là một giáo lý Phúc Âm thông thường và được chấp nhận bất cứ nơi nào thập giá của Ðấng Christ được thấu hiểu.
Vì đức tin có tính chất sống còn đối với mọi hy vọng của chúng ta, nên nó cũng cần thiết như thế đối với sự đầy trọn của mọi khát vọng trong lòng chúng ta, chúng ta không dám coi nó là không quan trọng. Bất cứ gì đi kèm với đức tin, chứa đựng nhiều niềm vui hay nỗi buồn, vốn thực sự quyết định thiên đàng hay âm phủ là của chúng ta, là rất quan trọng, không thể nào xao lãng được. Chúng ta không được để cho chính mình dốt nát hay tin tưởng sai lầm. Chúng ta phải biết.
Trong một vài năm gần đây, lòng tôi bị bối rối về giáo lý đức tin khi nó được tiếp nhận và dạy dỗ giữa vòng các Cơ-đốc nhân Tin Lành ở khắp mọi nơi. Ðức tin đã được nhấn mạnh rất nhiều trong những hệ phái chính thống, và điều đó là tốt, nhưng tôi vẫn băn khoăn. Một cách thật đặc biệt, điều tôi lo sợ là khái niệm hiện tại về đức tin không phải là khái niệm đức tin trong Thánh Kinh; rằng khi các giáo viên trong thời đại chúng ta dạy dỗ, họ dùng những lời không có cùng một ý nghĩa với những lời mà các trước giả Thánh Kinh đã dùng.
Những nguyên nhân khiến tôi băn khoăn là:
1. Sự thiếu hụt bông trái thuộc linh trong đời sống của quá nhiều người tuyên bố là mình có đức tin.
2. Sự hiếm hoi của một thay đổi hoàn toàn trong hành vi và quan điểm chung của những con người tuyên bố họ có đức tin mới trong Ðấng Christ, như Ngài là Cứu Chúa của cá nhân họ.
3. Sự thất bại của các giáo viên chúng ta trong việc định nghĩa hay ngay cả mô tả điều mà từ ngữ đức tin ám chỉ đến.
4. Sự thất bại đáng buồn của số đông những người tìm kiếm, dù họ rất nóng lòng, để hiểu được giáo lý (đức tin) hay để nhận lãnh bất cứ kinh nghiệm thỏa lòng nào qua nó.
5. Mối nguy hiểm thật sự đó là một giáo lý được lặp đi lặp lại như vẹt một cách rộng rãi, và được tiếp nhận mà thiếu đi óc phê bình (nhận xét) bởi quá nhiều người, đã bị chính họ hiểu sai lệch đi.
6. Tôi đã nhìn thấy đức tin được trình bày như là một điều thay thế cho sự vâng lời, một sự trốn chạy khỏi thực tại, một nơi trốn tránh khỏi nhu cầu phải động não nhiều, một nơi ẩn náu của bản tính yếu đuối. Tôi cũng biết những người bị gọi nhầm bởi tên của đức tin bằng tinh thần động vật cấp cao, chủ nghĩa lạc quan tự nhiên, xúc cảm tình cảm và chứng co giật thần kinh.
7. Một cảm giác trung thực phải cho chúng ta biết rằng bất cứ điều gì không tạo nên một sự thay đổi nào đó trong lòng người tuyên bố có nó cũng không tạo nên sự khác biệt nào đối với Ðức Chúa Trời, và đây quả là một sự thật rất dễ quan sát: đối với vô số người, sự thay đổi từ chỗ không có đức tin cho đến chỗ có đức tin thật tình chẳng tạo nên một sự khác biệt nào trong đời sống người đó.
Có lẽ chúng ta sẽ biết đức tin là gì nếu trước tiên chúng ta lưu ý việc đức tin không phải là gì. Ðức tin không phải là việc tin vào một lời tuyên bố mà chúng ta biết là thật. Tâm trí con người được tạo dựng theo cách mà nó cần thiết phải tin khi chứng cớ được trình bày cho nó có tính thuyết phục. Nó không thể tự giúp chính mình. Khi chứng cớ không thể thuyết phục được, thì không thể có chút đức tin nào. Không một lời đe dọa, không một sự trừng phạt nào có thể bắt buộc tâm trí tin vào những điều trái ngược với chứng cớ.
Ðức tin được đặt nền tảng trên lý trí là một loại đức tin, điều này là thật; nhưng nó không phải là đặc tính của đức tin trong Thánh Kinh, vì nó tuyệt đối theo sau chứng cớ và không có chút gì dính dáng đến bản chất đạo đức hay thuộc linh bên trong. Sự thiếu hụt đức tin cũng không thể đặt nền tảng trên lý trí chống lại bất kỳ ai, vì bằng chứng, chứ không phải cá nhân nào, quyết định lời phán quyết. Tống một người vào âm phủ chỉ vì tội anh ta là bám theo bằng chứng vì kết luận chính xác của nó rõ ràng là quá bất công; đoán xét một tội nhân trên nền tảng là anh ta đã quyết định dựa vào những sự thật rõ ràng sẽ biến sự cứu rỗi thành hậu quả những việc làm của một định luật chung của tâm trí như có thể áp dụng với Giu-đa hay Phao-lô. Nó sẽ đưa sự cứu rỗi ra khỏi lĩnh vực ý chí và đẩy vào lĩnh vực tinh thần, nơi mà, theo Lời Thánh Kinh, chắc chắn nó không thuộc về đó.
Ðức tin thật dựa trên bản chất của Ðức Chúa Trời và không đòi hỏi thêm bằng chứng nào khác hơn sự trọn vẹn về mặt đạo đức của Ðấng không thể nói dối. Ðức Chúa Trời đã phán, như thế là đủ rồi, và dẫu rằng lời phán đó có trái ngược với một trong năm giác quan của con người cũng như mọi kết luận logic, người tin vẫn tiếp tục tin. “Thà xưng Đức Chúa Trời là thật và loài người là giả dối” (Rô-ma 3:4a) là ngôn ngữ của đức tin thật. Thiên đàng chấp nhận đức tin đó vì nó chỉ xuất phát từ những chứng cớ của Chúa và nảy nở từ trên ngực Ngài.
Trong những năm gần đây, giữa vòng những người Tin Lành nào đó đã nổi lên một cuộc cách mạng được sắp đặt nhằm để chứng minh những lẽ thật của Thánh Kinh bằng cách áp dụng khoa học. Chứng cớ được tìm kiếm trong thế giới tự nhiên để cung cấp cho sự khải thị siêu nhiên. Bông tuyết, máu, những hòn đá, các tạo vật biển kỳ lạ, các con chim và nhiều vật tự nhiên khác được đưa ra như bằng chứng cho thấy Thánh Kinh là thật. Cái này được xem như là một nguồn cung cấp lớn cho đức tin; ý tưởng là nằm ở chỗ này: Nếu một giáo lý Thánh Kinh có thể được chứng minh là thật, đức tin sẽ nảy nở và đơm hoa như là một kết quả.
Ðiều mà những anh em này không thấy đó là việc họ cảm thấy cần thiết phải tìm kiếm bằng chứng cho những lẽ thật của Thánh Kinh cho thấy một điều hoàn toàn khác biệt: sự vô tín cố hữu của họ. Khi Ðức Chúa Trời phán, thì kẻ vô tín lại hỏi, “Làm sao tôi biết rằng điều này là thật?” TA LÀ ÐẤNG TA LÀ (TA LÀ ÐẤNG TỰ HỮU HẰNG HỮU) là nền tảng duy nhất cho đức tin. Ðào sâu vào các hòn đá, hay lặn dưới biển sâu nhằm kiếm tìm những bằng chứng chứng minh Thánh Kinh tức là lăng mạ Ðấng đã viết nên nó. Chắc chắn tôi không tin rằng điều này được cố tình thực hiện; nhưng tôi không thể hiểu làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi kết luận là nó đã được thực hiện.
Ðức tin, như Thánh Kinh viết, là đức tin nơi Ðức Chúa Trời và Con Ngài là Ðức Chúa Jesus Christ; nó là sự hồi đáp của linh hồn trước bản chất thánh khiết được bày tỏ trong Thánh Kinh; và lời hồi đáp này cũng không thể nào tách khỏi công việc bên trong mà trước đó Ðức Thánh Linh đã hoàn tất. Ðức tin là một món quà của Ðức Chúa Trời cho một linh hồn ăn năn và hoàn toàn không có chút dính líu gì đến những cảm giác hay các dữ kiện mà nó có. Ðức tin là một phép lạ; nó là khả năng Ðức Chúa Trời ban cho để tin Con Ngài; và bất cứ gì không kết quả trong hành động thuận hiệp với ý muốn Ðức Chúa Trời đều không phải là đức tin, mà là một cái gì đó khác hơn.
Ðức tin và những đức hạnh là hai mặt của cùng một đồng tiền. Thật vậy, bản chất cốt lõi của đức tin có tính chất đạo đức. Bất cứ loại đức tin nào được tuyên xưng là ở trong Ðấng Christ, tin rằng Ngài là Cứu Chúa của cá nhân, mà không đưa sự sống vào dưới sự vâng phục Ðấng Christ cách trọn vẹn, như là Chủ của mình, thì đức tin đó còn thiếu và chắc chắn sẽ phản bội nạn nhân của nó trong giây phút cuối cùng.
Người tin thì sẽ vâng lời; thất bại trong sự vâng lời là bằng chứng đầy sức thuyết phục của việc không có một đức tin thật hiện diện. Ðể đạt được những điều không thể làm được, Ðức Chúa Trời phải ban đức tin, hoặc là sẽ không có gì được thực hiện, và Ngài chỉ ban đức tin cho những tấm lòng biết vâng lời. Nơi nào có sự ăn năn thật, nơi đó có sự vâng lời; vì sự ăn năn không chỉ là buồn đau về những sai lầm và tội lỗi trong quá khứ, nó cũng là một quyết định để bắt đầu làm theo ý muốn Ðức Chúa Trời ngay khi Ngài bày tỏ nó cho chúng ta.
Tác Giả: A. W. Tozer