Hỏi & Đáp: Thần Tính của Đấng Christ

4,297 views

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào đây để download bài viết này

Lời Tác Giả: Trong bài viết này, danh từ Thiên Chúa được dùng để chỉ Ba Ngôi Thiên Chúa còn danh từ Đức Chúa Trời để chỉ Thiên Chúa Ngôi Cha.

Hỏi:

Khi Chúa Jesus ở trong thân xác con người, Chúa có tính toàn tại không?

Đáp:

Trước hết, chúng ta phải xác nhận lẽ thật từ Thánh Kinh rằng: Đức Chúa Jesus Christ là Con Một của Đức Chúa Trời. Ngài có từ đời đời vô cùng và còn đến mãi mãi; vì Ngài có cùng bản thể với Đức Chúa Trời cho nên Ngài cũng chính là Thiên Chúa. Ngài đã tự bỏ sự bình đẳng vốn có với Thiên Chúa để nhập thế làm người và trở nên giống như người:

“Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa.” (Giăng 1:1) [1].

“Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người; được tìm thấy trong thể trạng của một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, đến nỗi chết trên cây thập tự. [Thể trạng của loài người là bản thể lẫn bản tính của loài người, bao gồm: thể chất, ngoại hình, cảm giác và cảm xúc, ý tưởng, thái độ, hành động, nếp sống…]” (Phi-líp 2:6-8).

Vì thế, Ngài không phải chỉ là Thiên Chúa hoặc chỉ là người, mà Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người. Nói cách khác, từ cõi đời đời, Đức Chúa Con là Thiên Chúa nhưng khi Ngài nhập thế làm người mang tên Jesus thì Ngài vừa là Thiên Chúa vừa là người. Tiếng Hán Việt gọi là “Thần Nhân” nghĩa là “vừa là Trời vừa là người”.

Kế tiếp, chúng ta cần phân biệt giữa thần tính và nhân tính. Thần tính là các thuộc tính của Thiên Chúa còn nhân tính là các thuộc tính của loài người. Thuộc tính là tính chất riêng của một giống loài.

Vì Đức Chúa Jesus Christ là Thần Nhân cho nên Ngài có đủ cả thần tính và nhân tính. Từ ngữ “Chính Ngài đã tự bỏ mình đi” trong Phi-líp 2:7 không có nghĩa là Ngài bỏ đi thần tính trong khi nhập thế làm người, mà là Ngài tự bỏ đi sự vinh quang cao trọng trong thiên đàng của Thiên Chúa. Giăng 17:4-5 chứng minh cho cách hiểu này:

“Con đã tôn vinh Ngài trên đất, làm xong công việc Ngài giao cho làm. Cha ôi! Bây giờ, xin Ngài tôn vinh con bên cạnh chính Ngài, bằng sự vinh quang con vẫn có bên cạnh Ngài, trước khi thế gian thực hữu.” (Giăng 17:4-5).

Thánh Kinh khẳng định Đức Chúa Jesus Christ đầy trọn thần tính:

“Bởi vì, mọi sự đầy dẫy được vui mừng cư trú trong Ngài… [mọi sự đầy dẫy của Thiên Chúa,]” (Cô-lô-se 1:19).

“Vì hết thảy sự đầy dẫy của thể trạng Thiên Chúa đều thành hình ở trong Ngài. [Thể trạng = bản thể và bản tính.]” (Cô-lô-se 2:9).

Thánh Kinh khẳng định Đức Chúa Jesus Christ là người, và như thế, Ngài có trọn nhân tính:

“Vì, như bởi sự không vâng phục của một người mà nhiều người thành ra những kẻ có tội, thì cũng vậy, bởi sự vâng phục của một người mà nhiều người thành ra công chính.” (Rô-ma 5:19).

“Vì có một Thiên Chúa và có một Đấng Trung Bảo của Thiên Chúa và của loài người: Người Christ Jesus!” (I Ti-mô-thê 2:5).

Chính Đức Chúa Jesus Christ nhiều lần xác nhận Ngài là “Con Đức Chúa Trời” (trong nguyên tác là: Con Trai của Đức Chúa Trời) mà Ngài cũng là “Con Người” (trong nguyên tác là: Con Trai của Loài Người).

Vậy, Đức Chúa Jesus Christ thể hiện thần tính và nhân tính của Ngài như thế nào? Chúng ta thật sự không thể hiểu được điều này mà chỉ có thể tiếp nhận những gì Thánh Kinh công bố là sự thật.

Thánh Kinh công bố những lời phán sau đây của Đức Chúa Jesus Christ:

  • “Ta ra từ Cha mà đến thế gian; nay Ta lìa bỏ thế gian mà về cùng Cha.” (Giăng 16:28).
  • “Và con không ở trong thế gian nữa nhưng họ ở trong thế gian, và con về với Ngài. Lạy Cha Thánh! Xin giữ gìn họ trong danh của Ngài mà Ngài đã ban cho con, để họ cũng là một như Chúng Ta.” (Giăng 17:11).

Nhưng Thánh Kinh cũng công bố những lời phán sau đây của Ngài:

  • “Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:19-20).
  • “Đức Chúa Jesus đáp lời, phán với ông: Nếu ai yêu Ta, người ấy sẽ vâng giữ những lời của Ta. Cha Ta sẽ yêu người ấy. Chúng Ta sẽ đến với người ấy và làm ra chỗ ở của Chúng Ta với người ấy.” (Giăng 14:23).

Chúng ta chỉ có thể hiểu rằng, về phương diện nhân tính và thân thể vật chất thì Đức Chúa Jesus Christ đã rời khỏi thế gian; nhưng về phương diện thần tính và thân thể thần linh thì Đức Chúa Jesus Christ vẫn hiện diện với chúng ta và hiện diện khắp nơi, vì thần tính của Thiên Chúa là toàn tại (cùng lúc có mặt khắp nơi).

Như vậy, về phương diện thân thể vật chất và nhân tính thì Thiên Chúa Ngôi Con đi lại giữa loài người và chịu những sự giới hạn mà loài người phải chịu nhưng về phương diện thân thể thần linh và thần tính thì Ngài vẫn khiến cho muôn vật được đứng vững trong Ngài, kể cả khi thân thể vật chất của Ngài đang bị treo trên thập giá hoặc đã bị chôn trong mồ:

“Ngài có trước muôn vật, và muôn vật được đứng vững trong Ngài.” (Cô-lô-se 1:17).

Trong Mác 13:32 Đức Chúa Jesus Christ phán rằng:

“Nhưng về ngày và giờ đó, chẳng ai biết, các thiên sứ trên trời cũng chẳng biết, Đức Con cũng chẳng biết, ngoại trừ Đức Cha.”

Lời phán của Chúa là sự khẳng định Ngài không biết ngày và giờ Ngài sẽ trở lại. Câu hỏi được đặt ra là: Tại sao Đức Chúa Jesus không biết ngày và giờ Ngài sẽ trở lại thế gian khi Ngài cũng chính là Thiên Chúa Toàn Tri (việc gì cũng biết)?

Trong Thánh Kinh, mỗi khi Đức Chúa Jesus dùng chữ “Con” để nói về Ngài là Ngài ngụ ý “Con của Đức Chúa Trời, có cùng một bản thể và bản tính Thiên Chúa với Đức Chúa Trời”; đồng thời cũng hàm ý “Con của Đức Chúa Trời trong xác thịt loài người”. Và như vậy, Đức Chúa Jesus nói lên một lẽ thật là: Về phương diện nhân tính, dù là một người hoàn toàn vô tội như Con Người Jesus cũng không thể nào biết được ngày giờ Thiên Chúa Ngôi Con trở lại thế gian, vì đó là việc của Thiên Chúa. Về phương diện thần tính, Thiên Chúa Ngôi Con biết rõ ngày giờ Ngài sẽ trở lại thế gian, nếu không thì Ngài không phải là Thiên Chúa.

Trong con người của Đức Chúa Jesus Christ, hai bản tính trời và người cùng tồn tại và kết hợp với nhau trong một thân vị và trong một thực thể. Sau khi phục sinh, Đức Chúa Jesus Christ vẫn là Thần Nhân, thân thể xác thịt loài người của Ngài được sống lại và biến hóa vinh quang theo như kiểu mẫu và mục đích Thiên Chúa đã định sẵn cho thân thể được cứu rỗi của loài người.

Huỳnh Christian Timothy
29/07/2011

Ghi Chú

[1] Xin xem bài viết trong link dưới đây để biết vì sao tác giả chọn dùng danh từ Thiên Chúa để chỉ Ba Ngôi Thiên Chúa và dùng danh từ Đức Chúa Trời để chỉ Thiên Chúa Ngôi Cha.
https://timhieuthanhkinh.com/thien-chua-09_danh-xung-cua-thien-chua-trong-thanh-kinh/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/