Huỳnh Christian Timothy
Dưới đây là phần tâm tình và giải đáp thắc mắc trong buổi nhóm Sa-bát 14/06/2014 liên quan đến các đề tài sau đây:
- Thần tính trong Con Người Jesus.
- Con của Đức Chúa Trời.
- Con Một và Con Đầu Lòng.
- Thực Thể và Thân Vị.
- Giáo lý bác bỏ lẽ thật Một Thiên Chúa Ba Ngôi là tà giáo.
Bấm vào nút “play” để nghe:
Bấm vào địa chỉ dưới đây để tải xuống MP3:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/111_hoivadap
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDk0MzY5X3FhM2Va
Bấm vào địa chỉ dưới đây để tải xuống bài viết:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDgyNjY5X29rUkp1
Hỏi:
1. Bản chất toàn tri của Chúa Jesus có được kích hoạt khi Chúa Jesus là người không? Bởi vì nếu có thì tại sao Chúa không biết thời điểm chính xác của Kỳ Tận Thế mà chỉ có Cha trên trời biết? Như vậy có thỏa mãn bản tính toàn tri hay không?
2. Sự thật là ban đầu có ba Ngôi đồng thời tự hữu. Vậy có phải chúng ta thờ phượng ba Đấng không? Bởi cho dù chúng ta gọi chung ba Ngôi là một thực thể thì bản chất vẫn là ba Ngôi/thân vị.
Ví dụ như cả vũ trụ này chỉ có chú với cháu là người. Thì có thể nói rằng tồn tại một loài (thực thể) người có hai thân vị.
Có nghĩa là khi nói đến loài người, cũng có nghĩa nói đến hai thân vị.
Vậy cách nói thờ phượng một Thiên Chúa và thờ phượng ba Đấng đâu có gì khác nhau.
Nếu vậy phải chăng chúng ta đang thờ đa thần?
3. Xin cho biết, lời phát biểu sau đây có đúng hay không? “Mối quan hệ Cha-Con đã có từ trước khi sáng thế và còn có đến đời đời, sự kiện Con Một giáng sinh là sự kiện “Đức Chúa Trời đưa Con Một của Ngài vào thế gian” cách đây 2000 năm (Hê-bơ-rơ 1:6 …Còn khi Ngài đưa Con đầu lòng mình vào thế gian…) chứ không phải Đức Chúa Trời “sinh” Con một của Ngài cách đây 2000 năm.”
Đáp:
1. Thần tính của Đức Chúa Jesus Christ không được sử dụng khi Ngài nhập thế làm người, mà chỉ là thiên tính. Cháu đọc lại bài giảng: https://timhieuthanhkinh.com/than-vi-nhan-tinh-thien-tinh-va-than-tinh-cua-duc-chua-jesus-christ/
Nếu thần tính được thể hiện trong con người xác thịt Jesus Christ thì Ngài không thể bị đói, bị khát, bị mệt, buồn ngủ, và bị giết.
Ngài vẫn có thần tính. Nhưng Ngài tự ý không dùng nó. Ngay cả khi sống lại, Ngài cũng phải được Đức Thánh Linh làm cho sống lại. Cháu hãy nghĩ đến hình ảnh của một hạt lúa mì. Dù nó không đâm chồi, nẩy mầm để thể hiện tính chất của một cây lúa mì, nhưng nó vẫn có tính chất của một cây lúa mì tiềm ẩn trong nó. “Đấng thực hữu trong hình thể của Thiên Chúa, nhưng chẳng coi sự bình đẳng của mình với Thiên Chúa là sự nên nắm giữ. Chính Ngài đã tự bỏ mình đi, nhận lấy hình thể của tôi tớ, và trở nên ở trong sự giống như loài người…” (Phi-líp 2:6-7).
2. Chúng ta thờ một Thiên Chúa trong ba thân vị. Có nghĩa là chúng ta không thờ lạy ai hay vật gì ngoài Thiên Chúa. Tuy nhiên, chúng ta thờ lạy và cầu nguyện (tương giao) với Đức Cha, lẫn Đức Con, lẫn Đức Thánh Linh.
Cháu cần phân biệt rõ thực thể và thân vị. Chính vì nhiều người nghĩ rằng thực thể và thân vị là một nên không hiểu được giáo lý Thiên Chúa Ba Thân Vị.
Một thực thể có thể không có thân vị, có thể chỉ có một thân vị, nhưng cũng có thể có nhiều thân vị, như:
- Đất nước Việt Nam là một thực thể, thực thể này không có thân vị.
- Dân tộc Việt Nam là một thực thể, thực thể này có nhiều thân vị.
- Chính quyền Mỹ là một thực thể, thực thể này không có thân vị, nhưng bao gồm ba thực thể khác: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mỗi thực thể này cũng không có thân vị, nhưng lại bao gồm các thực thể khác, như: thực thể lập pháp bao gồm thực thể thượng viện và hạ viện. Chính trong các thực thể hạ tầng mới bao gồm nhiều thân vị. Tức là, trong thượng viện có nhiều thượng nghị sĩ, trong hạ viện có nhiều dân biểu, và mỗi thượng nghị sĩ, mỗi dân biểu là một thân vị.
Khoan nói đến Đức Thánh Linh, rõ ràng là cháu cũng công nhận Đức Cha và Đức Con là hai thân vị khác nhau (Đức Con ngồi bên hữu Đức Cha). Cháu cũng không phản đối việc thờ lạy Đức Cha. Còn việc thờ lạy Đức Con thì Thánh Kinh đã nói rõ:
“…để cho trong danh Jesus, mọi đầu gối trong các tầng trời, trên đất và bên dưới đất, hết thảy đều quỳ xuống…” (Phi-líp 2:10).
Có phải sự thờ phượng chỉ dành riêng cho Thiên Chúa?
“Tôi thấy không có đền thờ trong thành; vì Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng Toàn Năng, và Chiên Con là Đền Thờ của thành.” (Khải Huyền 21:22).
Có phải câu này cho thấy Đức Con riêng biệt với Đức Cha nhưng bình đẳng với Đức Cha và được thờ phượng như Đức Cha?
“Các anh chị em chẳng biết rằng, thân thể của các anh chị em là Đền Thờ của Đức Thánh Linh, Đấng đang ngự trong các anh chị em, là Đấng mà các anh chị em có từ Thiên Chúa, và các anh chị em chẳng phải thuộc về chính mình sao?” (I Cô-rinh-tô 6:19).
Có phải Đức Thánh Linh được thờ phượng?
Về từ ngữ “độc thần” và “đa thần” thì cháu cần phân biệt hai điều này:
Thánh Kinh gọi Thiên Chúa là Chân Thần, không có nghĩa là các thần khác không có thật. Mà chữ “chân” tức là “thật” hàm ý đến sự “toàn năng”. Vì thế, trong Thánh Kinh, danh từ Chân Thần chỉ được dùng cho Thiên Chúa. Các thần linh khác đều do Thiên Chúa dựng nên, đều có thật nhưng họ không toàn năng và Thánh Kinh không dùng từ “Chân Thần” để gọi họ. Khi Thánh Kinh dùng danh từ số nhiều Ê-lô-him nói chung về họ thì dịch là “đa thần”, các động từ theo sau phải là hình thức số nhiều; nhưng khi Thánh Kinh dùng danh từ số nhiều Ê-lô-him nói về Thiên Chúa thì gọi là “Thần có Một”, các động từ theo sau đó đều là hình thức số ít, dù chính Thiên Chúa Ê-lô-him xưng là “Chúng Ta!”
So sánh trong Anh ngữ:
(1) Gods (ê-lô-him) were created by Gods (Ê-lô-him) = Các thần linh được dựng nên bởi Thiên Chúa.
(2) Gods (Ê-lô-him) creates gods (ê-lô-him) = Thiên Chúa dựng nên (động từ số ít) các thần linh.
(3) Gods (ê-lô-him) worship Gods (Ê-lô-him) = Các thần linh thờ phượng (động từ số nhiều) Thiên Chúa.
Cũng vậy, từ ngữ “có một” chỉ về Thiên Chúa trong Thánh Kinh là từ ngữ nói lên sự hiệp một, như khi Đức Chúa Jesus Christ nói: “Ta với Cha là một!”
“Hỡi I-sơ-ra-ên! Hãy nghe: Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu chúng ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có một.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 6:4).
Từ ngữ “một” trong câu này, khi được dùng làm tính từ thì mang ý nghĩa “hiệp một” (united) hoặc có trước. Tham khảo Từ Điển Strong’s:
A numeral from H258; properly united, that is, one; or (as an ordinal) first: – a, alike, alone, altogether, and, any (-thing), apiece, a certain [dai-] ly, each (one), + eleven, every, few, first, + highway, a man, once, one, only, other, some, together.
Vì thế, việc chúng ta thờ Thiên Chúa là chúng ta thờ MỘT CHÂN THẦN. Chân Thần ấy thể hiện trong ba thân vị, mỗi thân vị đều xứng đáng nhận sự thờ lạy của chúng ta. Nhưng không gọi đó là thờ lạy “đa thần”. Từ ngữ đa thần chỉ áp dụng cho các thần linh do Thiên Chúa dựng nên, mà mỗi thần linh ấy là một thân vị có một thực thể riêng biệt, không có thần linh nào có chung thực thể với thần linh nào. Vì thế, khi nói đến các thần linh ấy, phải dùng từ đa thần, nhưng khi nói đến Thiên Chúa thì dùng từ “có một”, “là một”, “hiệp một”.
Nói thêm về sự hiệp một: Để có thể hiệp một với loài người, chính Thiên Chúa phải mang lấy bản thể xác thịt của loài người. Nếu không, loài người không thể hiệp một với Thiên Chúa. Dù loài người sẽ hiệp một với Thiên Chúa nhưng loài người không trở thành Thiên Chúa, mà chỉ hiệp một với Thiên Chúa trong phần bản thể xác thịt loài người của Thiên Chúa mà thôi.
Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh hiệp một với nhau trong bản thể Thiên Chúa.
Loài người hiệp một với nhau trong bản thể loài người.
Một trong ba thân vị của Thiên Chúa là Đức Con bằng lòng mang lấy bản thể loài người và hiệp một với một số thân vị của loài người (Hội Thánh).
Thiên Chúa có thể trở thành người nhưng người không thể trở thành Thiên Chúa.
3. Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 dịch Hê-bơ-rơ 1:6 như sau:
“Nhưng khi Ngài đem con đầu lòng vào trong thế gian, Ngài phán: Mọi thiên sứ của Thiên Chúa phải thờ phượng Đấng ấy. [Thi Thiên 97:7].”
Người giải thích Hê-bơ-rơ 1:6 như trên là người không dựa vào văn mạch của đoạn 1, cũng chẳng biết ý nghĩa của từ ngữ “con đầu lòng”, trong tiếng Anh là firstborn, trong tiếng Hy-lạp là “prōtotokos”. Chính từ ngữ này đã cho biết con người xác thịt Jesus được sinh ra bởi Đức Chúa Trời trước, sau đó, là tất cả những ai tin nhận Đức Chúa Jesus, thì cũng được sinh bởi Đức Chúa Trời (I Giăng 3:9; 5:1, 4, 18) để rồi Đức Chúa Jesus Christ làm “Con đầu lòng” trong nhiều anh chị em.
Thánh Kinh rõ ràng cho chúng ta biết, con người xác thịt Jesus được sinh ra trong dòng thời gian của thế giới vật chất chúng ta, nên Đức Chúa Trời mới phán: “Ngày nay, Ta đã sinh ngươi” (Hê-bơ-rơ 1:5). Thánh Kinh không hề nói, trước khi nhập thế làm người Ngôi Lời được Đức Chúa Trời sinh ra. Không một chỗ nào trong Thánh Kinh nói rằng Đức Chúa Trời sinh ra Ngôi Lời. Bởi vì một lẽ đơn giản: Ngôi Lời cũng chính là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu như Đức Chúa Trời là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu, như Đấng Thần Linh là Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu.
Nên nhớ là khái niệm về “ngày” chỉ có trong cuộc sáng tạo. Trước cuộc sáng tạo không có ngày hay đêm gì cả. Vậy thì, làm gì trước sáng thế có chuyện “Ngày nay, Ta đã sinh ngươi”? Và nên nhớ, chính Ngôi Lời dựng nên muôn loài vạn vật, trong đó có “ngày và đêm”. Không lẽ Ngôi Lời dựng nên một ngày gọi là “ngày nay” để trong “ngày nay” Đức Chúa Trời sinh ra Ngôi Lời? Chỉ có lẽ thật này: Ngôi Lời đã dựng nên một ngày, mà khi ngày đó đến, thì Đức Chúa Trời sinh ra một thân thể xác thịt để Ngôi Lời nhập thế làm người.
Câu: “Mối quan hệ Cha-Con đã có từ trước khi sáng thế và còn có đến đời đời” là một lời nói dối trắng trợn. Không hề có trong Thánh Kinh.
Giăng 1:1 ghi rõ: trước khi Ngôi Lời trở nên xác thịt loài người (Giăng 1:14), thì Ngài là Thiên Chúa như Đức Chúa Trời là Thiên Chúa, Ngài đồng tự có và hằng ở bên cạnh Đức Chúa Trời. Động từ ην G1510 có nghĩa là: Ngài hằng có, Ngài hằng ở, Ngài hằng là, dùng trong Giăng 1:1 trong thể quá khứ tiếp diễn (imperfect). Nghĩa là: (1) Từ trước vô cùng đã có Ngôi Lời và Ngôi Lời vẫn thực hữu. (2) Từ trước vô cùng Ngôi Lời đã ở bên cạnh Đức Chúa Trời và Ngôi Lời vẫn ở bên cạnh Đức Chúa Trời. (3) Từ trước vô cùng Ngôi Lời là Thiên Chúa và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa.
Trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời, chúng tôi dịch là: (1) hằng có, (2) hằng ở cùng, và (3) hằng là: “Vào lúc ban đầu, hằng có Ngôi Lời. Ngôi Lời hằng có cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời hằng là Thiên Chúa.” Xin nghe phần chú giải Giăng 1:1 tại đây: https://timhieuthanhkinh.com/tin-lanh-cua-duc-chua-jesus-christ-tl001-ngoi-loi-la-thien-chua/
Dưới đây là Giăng 1:1 trong tiếng Hy-lạp với các ghi chú ngữ pháp được dịch từ chữ qua chữ sang tiếng Việt.
εν Trong/Trước G1722 PREP αρχη nguyên ủy/sự khởi đầu/nguồn gốc G746 N-DSF ην Ngài hằng có G1510 V-IAI-3S ο Ngôi G3588 T-NSM λογος Lời G3056 N-NSM και và G2532 CONJ ο Ngôi G3588 T-NSM λογος Lời G3056 N-NSM ην Ngài hằng ở G1510 V-IAI-3S προς gần/bên cạnh/với G4314 PREP τον Đức G3588 T-ASM θεον Chúa Trời G2316 N-ASM και và G2532 CONJ θεος Chúa Trời/Thiên Chúa G2316 N-NSM ην Ngài hằng là G1510 V-IAI-3S ο Ngôi G3588 T-NSM λογος Lời G3056 N-NSM
Ngoài ra, nếu Ngài không phải là Thiên Chúa, thì làm sao các thiên sứ phải thờ lạy Ngài? Nếu không phải là Thiên Chúa mà được thờ lạy thì là “một thần khác” và như vậy nghịch lại điều răn của Chúa.
Khi thân thể xác thịt của Ngôi Lời được hình thành trong lòng bà Ma-ri thì trong thân thể xác thịt ấy, Ngài là Con đầu lòng của Đức Chúa Trời, vì vậy, không có gì sai khi nói sự kiện Đức Chúa Jesus được bà Ma-ri sinh ra là sự kiện Đức Chúa Trời đưa con đầu lòng của Ngài vào thế gian. Ngày nay, khi một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ, thì người ấy cũng được Đức Chúa Trời sinh ra trong thế gian này. Thánh Kinh nói rõ: người ấy được sinh bởi Đức Chúa Trời!
Ngoài ra, chúng ta cũng cần chú ý đến sự kiện Thánh Kinh lần lượt dùng từ ngữ “Con Một” rồi “Con đầu lòng” cho Đức Chúa Jesus. “Con Một” là khi không có các con khác được sinh ra. Khi có các con khác được sinh ra, thì “Con Một” (Giăng 3:16) trở thành “Con đầu lòng” (Hê-bơ-rơ 1:6; Rô-ma 8:29).
Lời Chúa thật là mầu nhiệm, lạ lùng nhưng những kẻ kiêu ngạo thì cho rằng Lời Chúa chẳng có gì mầu nhiệm, khó hiểu, cho rằng thân vị, thần tính, và bản thể Thiên Chúa cũng không có gì mầu nhiệm, khó hiểu… thật là đáng thương và cũng đáng giận. Đáng thương vì họ sẽ chết trong sự thiếu tri thức (Ô-sê 4:6). Đáng giận vì họ theo ý riêng, diễn giải Lời Chúa không đâu vào đâu, làm rối trí người đang tìm hiểu về Chúa hoặc mới tin nhận Chúa.
Huỳnh Christian Timothy
07/06/2014
Ghi Chú
Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.
-
Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
-
Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.
Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.