Huỳnh Christian Timothy
Hỏi:
Rất cảm ơn chú Tim đã gửi những bài viết cho tôi ! Có thể nói đó là những bài viết rất sâu để học tập, nghiên cứu, hầu tăng sự hiểu biết Kinh Thánh cách sâu nhiệm hơn. Tôi rất cảm phục về kiến thức của chú trong lĩnh vực tra cứu, nghiên cứu những tài liệu liên quan đến Lời của Đức Chúa Trời.
Nhân đây tôi xin trao đổi với chú về suy nghĩ của tôi về cách dùng từ: Thiên Chúa và Đức Chúa Trời.
Tôi thích dùng từ Đức Chúa Trời trong bản Kinh Thánh truyền thống hơn là dùng từ Thiên Chúa trong bản Kinh Thánh của Công Giáo.
Từ Thiên tôi hiểu có lẽ là từ Hán Việt có nghĩa là Trời. Khi ghép với chữ Chúa thì mọi người Việt Nam thường hiểu là Chúa Trời. Đạo Thiên Chúa là đạo Chúa Trời. Vậy thì để bày tỏ một sự kính trọng, người Việt Nam thường thêm chữ Đức gọi là Đức Chúa Trời. Khi gọi bà Ma-ry họ thường thêm chữ Đức là Đức bà Ma-ry. Nếu gọi Thánh Linh mà thêm Chữ Đức là Đức Thánh Linh sẽ bày tỏ một sự kính trọng hơn. Cũng như đạo Lương của người Việt nam có thờ Tướng Trần Hưng Đạo thì họ không gọi là thánh Trần mà họ gọi là Đức Thánh Trần.
Trên đây là suy nghĩ của tôi về hai từ này, đương nhiên dùng từ và cách gọi là hai lĩnh vực thuộc về quan niệm xã hội, có khi phụ thuộc vào lĩnh vực văn hoá truyền thống của các bộ phận khác của dân tộc và thời điểm lịch sử của dân tộc đó nữa. Tôi chỉ trao đổi với chú để chú xem xét thêm một ý kiến thế nào thôi! Rất cảm ơn chú về những bài mà tôi đọc, tôi được thêm lên sự hiểu biết rất thú vị,và bổ ích trên bước đường đi với Chúa! Nguyện xin Chúa tiếp tục gia ơn trên đời sống chức vụ của chú!
Đáp:
Cám ơn anh đã dành thời gian góp ý! Cảm nhận của anh là cảm nhận chung của những người tin Chúa qua các giáo hội Tin Lành và đã quen thuộc với Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống. Chính tôi cũng có cái cảm nhận như vậy!
Tuy nhiên, trong khi làm công tác phiên dịch Thánh Kinh, tôi học được sự phân biệt cách dùng chữ của Thánh Kinh như sau:
Trong tiếng Hê-bơ-rơ:
-
Danh từ “Ê-lô-him,” một danh từ chung số nhiều, có nghĩa là các thần linh, nhưng được Thánh Kinh dùng như là một danh từ riêng số ít để chỉ chung Ba Ngôi của Đấng Tạo Hóa. Tôi chọn dùng danh từ “Thiên Chúa” trong tiếng Việt để dịch từ này.
-
Khi Thánh Kinh dùng “Ê-lô-him” như là một danh từ riêng số ít kèm theo mạo từ xác định thì chỉ về Đấng Tạo Hóa Ngôi Cha, tức Đức Chúa Cha. Tôi chọn dùng danh từ “Đức Chúa Trời” trong tiếng Việt để dịch “Ê-lô-him đi chung với mạo từ.” Chữ “Đức” được dùng như một mạo từ.
Trong tiếng Hy-lạp:
-
Danh từ chung “Theos,” được dùng để gọi một thần linh, nhưng khi được Thánh Kinh dùng để gọi Đấng Tạo Hóa thì trở thành một danh từ riêng chỉ chung Ba Ngôi của Đấng Tạo Hóa. Tôi chọn dùng danh từ “Thiên Chúa” trong tiếng Việt để dịch từ này.
-
Khi “Theos” được kèm theo mạo từ xác định thì chỉ về Đấng Tạo Hóa Ngôi Cha, tức Đức Chúa Cha. Tôi chọn dùng danh từ “Đức Chúa Trời” trong tiếng Việt để dịch “Theos đi chung với mạo từ.” Chữ “Đức” được dùng như một mạo từ.
Hôm nay, tôi vừa hoàn tất việc hiệu đính “Ê-lô-him” thành “Thiên Chúa” và “Ê-lô-him + mạo từ” thành Đức Chúa Trời trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012 [1]. Anh hãy vào đọc thử và lưu ý, mỗi khi đọc thấy danh từ “Thiên Chúa” thì hãy nghĩ đến Ba Ngôi của Đấng Tạo Hóa và mỗi khi đọc thấy danh từ “Đức Chúa Trời” thì hãy nghĩ đến Đức Chúa Cha! Có những chỗ, trong cùng một câu vừa được dùng cả Thiên Chúa lẫn Đức Chúa Trời. Anh sẽ thấy hiểu rõ hơn ý nghĩa của câu kinh văn.
Thí dụ:
Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13 “Môi-se thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Nầy, tôi sẽ đi đến dân I-sơ-ra-ên, nói cùng họ rằng: Thiên Chúa của tổ phụ các ngươi sai ta đến cùng các ngươi; nhưng nếu họ hỏi: Tên Ngài là chi? thì tôi nói với họ làm sao?”
Diễn ý: “Môi-se thưa cùng Thiên Chúa Ngôi Cha rằng: Nầy, tôi sẽ đi đến dân I-sơ-ra-ên, nói cùng họ rằng: Ba Ngôi Thiên Chúa của họ, tổ phụ các ngươi sai ta đến cùng các ngươi; nhưng nếu họ hỏi: Tên Ngài là chi? thì tôi nói với họ làm sao?”
Môi-se đối đáp với Đức Chúa Cha, nhưng cả Ba Ngôi Thiên Chúa đều dự phần trong việc sai Môi-se đến cùng dân I-sơ-ra-ên: Ý muốn từ Đức Cha, Lời phán từ Đức Con, thẩm quyền từ Đức Thánh Linh.
Chúng ta hãy xem nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Xuất Ê-díp-tô Ký 3:13:
ויאמרH559 משׁהH4872 אלH413 האלהיםH430 הנהH2009 אנכיH595 באH935 אלH413 בניH1121 ישׂראלH3478 ואמרתיH559 להם אלהיH430 אבותיכםH1 שׁלחניH7971 אליכםH413 ואמרוH559 לי מהH4100 שׁמוH8034 מהH4100 אמרH559 אלהם׃H413
Ghi chú: Tiếng Hê-bơ-rơ đọc từ phải qua trái.
Ê-lô-him = אלהים
Mạo từ xác định = ה
Ê-lô-him với mạo từ xác định = האלהים
Êlô-him không có mạo từ xác định + giới từ ngôi thứ ba giống đực số nhiều = להםאלהי
Chữ (ם) chỉ số nhiều của Ê-lô-him (אלהים) được ghép chung với chữ (ם) chỉ số nhiều của giới từ “của họ” (להם)
Trong câu này chữ Đức Chúa Trời trong nguyên văn Hê-bơ-rơ là “Ê-lô-him + mạo từ xác định” (האלהים) chữ Thiên Chúa trong nguyên văn Hê-bơ-rơ là “Ê-lô-him (אלהים) không có mạo từ xác định (ה).”
Riêng về “Thánh Linh” và “Đức Thánh Linh” thì Thánh Kinh dùng “Thánh Linh” (không có mạo từ để chỉ về ân tứ, năng lực của Đức Chúa Trời. Còn “Đức Thánh Linh” tức là “Thánh Linh + mạo từ” thì được dùng để chỉ thân vị của Thiên Chúa Ngôi Ba.
Sự khác nhau giữa “Thánh Linh” và “Đức Thánh Linh” tương tự như sự khác nhau giữa “điện” và “máy phát điện.”
-
Chúng ta có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể mình và chúng ta được Đức Thánh Linh đổ đầy Thánh Linh.
-
Không thể nói chúng ta được đầy dẫy Đức Thánh Linh, mà chỉ nói, chúng ta có Đức Thánh Linh hiện diện trong chúng ta và chúng ta được đầy dẫy Thánh Linh khi chúng ta vâng phục Ngài.
-
Chúng ta không được báp-tem bằng Đức Thánh Linh, mà chúng ta được báp-tem bằng Thánh Linh.
-
Khi chúng ta đau buồn thì Đức Thánh Linh an ủi chúng ta. Khi chúng ta phạm tội thì Đức Thánh Linh cáo trách chúng ta.
-
Đức Thánh Linh ban Thánh Linh của Ngài cho chúng ta để chúng ta được sức mạnh mà thắng cám dỗ.
Nguyện Đức Thánh Linh bao phủ anh trong sự hiểu biết sâu nhiệm Lời Chúa.
Huỳnh Christian Timothy
19.8.2013
Ghi Chú
[1] https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/folder/18qyns4flqfbj/2013_hoidap