Hội Thánh – Phần 02: Nền Tảng và Thiên Chức

2,932 views

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

 Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Nền Tảng của Hội Thánh

Thánh Kinh giải bày cho chúng ta biết, nguồn gốc, tên gọi, và ý nghĩa của Hội Thánh một cách rõ ràng. Thánh Kinh còn cho chúng ta biết, Hội Thánh được Đức Chúa Jesus Christ thiết lập như thế nào và được Ngài ban cho những thiên chức nào. Thánh Kinh gọi Hội Thánh là công dân thuộc vương quốc của Đức Chúa Trời, là gia đình của Đức Chúa Trời, và là đền thờ của Đức Chúa Trời. Gia đình ấy, đền thờ ấy được xây dựng trên Lời của Đức Chúa Trời, là Lời được rao truyền bởi các tiên tri, các sứ đồ, trên chính Đức Chúa Jesus Christ và trong chính Ngài. Ê-phê-sô 2:19-21 chép:

“Dường ấy anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời, đã được dựng nên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Jesus Christ là đá góc nhà, Trong Ngài, cả cấu trúc cùng nhau phát triển thành một đền thờ thánh trong Chúa. Trong Ngài, anh em được cùng nhau xây dựng thành chỗ ở của Đức Chúa Trời, trong tâm thần.”

Trước khi có dân I-sơ-ra-ên, trước khi có Hội Thánh, Đức Chúa Trời đã lập những ai tin nhận và vâng phục Ngài làm những thánh đồ, khiến họ nên một dân thánh, tức là, một dân thuộc riêng về Ngài, và họ sẽ là công dân trong vương quốc của Ngài. I Phi-e-rơ 3:5-6 cho chúng ta biết, bà Sa-ra, vợ của Áp-ra-ham, là một trong các nữ thánh đồ! Hội Thánh cũng là công dân trong vương quốc của các thánh đồ: “anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ.”

Điểm đặc biệt là Hội Thánh còn là thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời. Không phải tất cả các thánh đồ đều là thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời, mà chỉ có Hội Thánh. Hội Thánh là thành viên trong gia đình của Đức Chúa Trời vì Hội Thánh được kết hợp với và trở nên một với Đức Chúa Jesus Christ (Khải Huyền 19:6-9).

Hội Thánh được ví như là một cấu trúc, một tòa nhà, được xây dựng trên nền lẽ thật. Lẽ thật là Lời của Đức Chúa Trời (Giăng 17:17) đã được công bố cho nhân loại qua các tiên tri và các sứ đồ của Chúa. Lẽ thật còn chính là Đức Chúa Jesus Christ (Giăng 14:6), và Hội Thánh được xây dựng trong Đức Chúa Jesus Christ.

Hội Thánh được xây dựng trên nền của Lời Chúa do các tiên tri và sứ đồ rao giảng, ghi chép, có nghĩa là mỗi thành viên trong Hội Thánh nhờ nghe, đọc và tin nhận Lời của Đức Chúa Trời mà trở nên thánh đồ. Thuật ngữ “nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri” nói đến sự giảng dạy của các sứ đồ về Tin Lành của Đức Chúa Trời và nói đến ý muốn, chương trình của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại đã được rao truyền bởi các tiên tri. Nói cách khác, “nền của các sứ đồ và các đấng tiên tri” tức là những gì đã được ghi chép trong Thánh Kinh Tân Ước và Thánh Kinh Cựu Ước.

Thánh Kinh Cựu Ước trình bày các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời dành cho nhân loại, trình bày các ơn phước và lời hứa của Đức Chúa Trời dành cho những ai vâng giữ các điều răn và luật pháp của Ngài, đồng thời cũng trình bày hình phạt nghiêm khắc dành cho những ai vi phạm các điều răn và luật pháp của Ngài.

Thánh Kinh Tân Ước trình bày sự bất lực của loài người trong việc vâng giữ các điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, đồng thời trình bày phương cách Đức Chúa Trời tha tội và làm cho sạch tội những ai tin nhận ơn cứu rỗi của Ngài, rồi tái sinh họ, ban cho họ năng lực từ chính Ngài để họ có thể vâng giữ trọn vẹn các điều răn và luật pháp của Ngài.

Ngoài Lời của Đức Chúa Trời là nền tảng của Hội Thánh thì chính Đức Chúa Jesus Christ là “đá góc nhà” để làm chuẩn mực cho sự đặt nền của Hội Thánh. Cả Cựu Ước và Tân Ước đều hướng về Đức Chúa Jesus Christ, được giải bày bởi chính Đức Chúa Jesus Christ, được làm thành bởi Đức Chúa Jesus Christ:

“Đức Chúa Jesus bèn phán rằng: Hỡi những kẻ dại dột, có lòng chậm tin lời các đấng tiên tri nói! Há chẳng phải Đấng Christ chịu thương khó thể ấy, mới được vào sự vinh quang mình sao? Đoạn, Ngài bắt đầu từ Môi-se rồi kế đến mọi đấng tiên tri mà cắt nghĩa cho hai người đó những lời chỉ về Ngài trong cả Thánh Kinh” (Lu-ca 24:25-27).

Trên chính nền tảng đã được thiết lập đó mà Hội Thánh của Chúa được xây dựng bởi đức tin của từng cá nhân tin nhận rằng, Ngài là “Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời Hằng Sống!” Ma-thi-ơ 16:13-18 ghi lại lời trao đổi giữa Chúa và Sứ Đồ Phi-e-rơ, như sau:

“Khi Đức Chúa Jesus đã vào địa phận thành Sê-sa-rê Phi-líp, bèn hỏi môn đồ, mà rằng: Theo lời người ta nói thì Con Người là ai? Môn đồ thưa rằng: Người nói là Giăng Báp-tít; kẻ nói là Ê-li; kẻ khác lại nói là Giê-rê-mi, hay là một đấng tiên tri nào đó. Ngài phán rằng: Còn các ngươi thì xưng Ta là ai? Si-môn Phi-e-rơ thưa rằng: Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời Hằng Sống. Bấy giờ, Đức Chúa Jesus phán cùng người rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi có phước đó; vì chẳng phải thịt và huyết tỏ cho ngươi biết điều nầy đâu, bèn là Cha Ta ở trên trời vậy. Còn Ta, Ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.”

Hội Thánh được xây dựng trong Đức Chúa Jesus Christ có nghĩa là Hội Thánh được kết hợp với Đức Chúa Jesus Christ, như nhánh nho dính liền với gốc nho (Giăng 15), và tiếp nhận sự sống, năng lực, cùng thẩm quyền của chính Ngài, nên một với Ngài.

Mục đích của Hội Thánh là trở thành đền thờ thánh, bởi Đức Thánh Linh mà thờ phượng Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ. Tức là, một thực thể mà mỗi thành viên được Đức Chúa Trời ngự trị trong tâm thần, qua thân vị Đức Thánh Linh. So sánh ba câu Thánh Kinh dưới đây chúng ta sẽ thấy rõ ý nghĩa của sự kiện, mỗi thành viên trong Hội Thánh nói riêng và Hội Thánh nói chung, là đền thờ của Thiên Chúa, và Thiên Chúa ngự trị trong họ qua thân vị Đức Thánh Linh:

“Anh em há chẳng biết mình là đền thờ của Thiên Chúa, và Đấng Thần Linh của Đức Chúa Trời ở trong anh em sao” (I Cô-rinh-tô 3:16)?

“Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Thiên Chúa, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao” (I Cô-rinh-tô 6:19)?

“Có thể nào hiệp đền thờ của Thiên Chúa lại với hình tượng tà thần? Vì chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Hằng Sống, như Đức Chúa Trời đã phán rằng: Ta sẽ ở và đi lại giữa họ; Ta sẽ làm Thiên Chúa của họ, và họ làm dân Ta. Bởi vậy Chúa phán rằng: Hãy ra khỏi giữa chúng nó, hãy phân rẽ ra khỏi chúng nó, đừng đá động đến đồ ô uế, thì Ta sẽ tiếp nhận các ngươi: Ta sẽ làm Chúa các ngươi, các ngươi làm con trai con gái Ta, Chúa Toàn năng phán như vậy” (II Cô-rinh-tô 6:16-18).

Từ ngữ “anh em” được dùng trong cả hai câu Thánh Kinh đầu, trong nguyên tác Hy-lạp là nhân xưng đại danh từ ngôi thứ ba số nhiều, dùng gọi chung cả nam lẫn nữ. Trong văn cảnh của hai câu, từ ngữ này gọi từng thành viên trong Hội Thánh mà cũng gọi chung cả Hội Thánh.

Nền Tảng của Hội Thánh Không Phải Là Sứ Đồ Phi-e-rơ

Từ khi Giáo Hội Công Giáo được thành lập (27.2.380) [1], công bố ngôi vị giáo hoàng là ngôi vị tiếp nối Sứ Đồ Phi-e-rơ, và người ngồi trên ngôi vị đó thay mặt Đấng Christ để cầm đầu Hội Thánh của Ngài trên đất, thì có những sự tranh biện về ý nghĩa lời phán của Chúa trong Ma-thi-ơ 16:18:

“Còn Ta, Ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi-e-rơ, Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó.”

Người Công Giáo cho rằng lời phán của Đức Chúa Jesus Christ đã khẳng định rằng, Hội Thánh của Ngài được xây dựng trên Phi-e-rơ, vì tên Phi-e-rơ có nghĩa là đá. Vì thế, Sứ Đồ Phi-e-rơ đã được Giáo Hội Công Giáo phong cho tước vị giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo (mà họ gọi là “Hội Thánh”).

Chúng ta cần chú ý đến những điểm quan trọng sau đây:

1. Tước hiệu chính thức của giáo hoàng Công Giáo là “papa” trong tiếng La-tinh, là “pappas” trong tiếng Hy-lạp, có nghĩa là “cha.” Tước hiệu này rõ ràng hoàn toàn nghịch lại lời phán dạy của chính Đức Chúa Jesus Christ trong Ma-thi-ơ 23:9: “đừng gọi người nào ở thế gian là cha mình; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời.” Dĩ nhiên, lời phán của Chúa không hề có ý ngăn cấm chúng ta gọi cha ruột, cha nuôi, cha kế của mình là “cha;” mà chỉ là ngăn cấm chúng ta gọi người nào đó bằng “cha” theo ý nghĩa là “cha thuộc linh;” như ý nghĩa của chữ “cha” mà người Công Giáo dùng để gọi các giáo hoàng và các linh mục của Giáo Hội Công Giáo.

2. Tước hiệu “Vicarius Christi” trong tiếng La-tinh (phiên âm sang Việt ngữ: Vi-cá-ri-út-s Krís-ti) được người Công Giáo dùng để gọi các giáo hoàng, có nghĩa là “Đại Diện của Đấng Christ,” hoàn toàn không có trong Thánh Kinh. Thánh Kinh không hề dạy rằng, Chúa giao cho ai đó làm công việc đại diện Chúa để cầm đầu Hội Thánh và khiến cả Hội Thánh gọi người ấy bằng “cha!” Chính Đức Chúa Jesus Christ xác định, Ngài vẫn ở cùng các môn đồ của Ngài, bao gồm Hội Thánh của Ngài, cho đến khi tận thế (Ma-thi-ơ 28:20); chứ Ngài không hề phán dạy sẽ giao cho ai quyền thay mặt Ngài trong Hội Thánh cả.

3. Danh xưng “The Holy Father” (Đức Thánh Cha) là một danh xưng phạm thượng, nâng một người lên ngang bằng với Đức Chúa Trời.

Theo nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh thì chữ “đá” được Đức Chúa Jesus dùng đặt tên cho Phi-e-rơ là một danh từ giống đực, chỉ về một viên đá nhỏ: “petros.” Trong khi đó, chữ “đá” được Đức Chúa Jesus dùng để nói Hội Thánh mà Ngài sẽ lập trên đó, là một danh từ giống cái: “petra,” chỉ về một khối đá, một tảng đá, một vầng đá, lớn gấp trăm, gấp ngàn lần một viên đá.

Trong suốt khoảng ba trăm năm đầu của Hội Thánh, khi Giáo Hội Công Giáo chưa thành lập, thì tất cả các môn đồ của Chúa đều hiểu rằng, vầng đá (petra) mà Đức Chúa Jesus sẽ lập Hội Thánh của Ngài trên đó, chính là đức tin của người tin nhận Chúa, được tuyên xưng qua môi miệng của Phi-e-rơ: “Chúa là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời Hằng Sống,” và chính thân vị của Ngài, thân vị “Con Đức Chúa Trời Hằng Sống!

Trong ngụ ngôn về kẻ khôn ngoan cất nhà trên vầng đá, được ghi lại trong Ma-thi-ơ 7:24-25, chính Đức Chúa Jesus đã khẳng định, kẻ nghe, tin, và làm theo lời phán dạy của Ngài là kẻ “cất nhà mình trên vầng đá (petra):”

“Vậy, kẻ nào nghe và làm theo lời Ta phán đây, thì giống như một người khôn ngoan cất nhà mình trên vầng đá (petra). Có mưa sa, nước chảy, gió lay, xô động nhà ấy; song không sập, vì đã cất trên đá (petra).”

Người khôn ngoan cất nhà mình trên vầng đá là người khôn ngoan sống đời sống của mình trên nền tảng đức tin vào Con của Đức Chúa Trời Hằng Sống. Vì thế, chính Thánh Kinh đã giải thích cho chúng ta biết, Hội Thánh của Chúa được xây dựng trên đức tin của những người tin nhận Chúa. Mỗi người tin nhận Chúa là một viên đá được xây thành nhà và đền thờ của Đức Chúa Trời trên nền tảng của Lời Chúa, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, trên chính bản thân Chúa, qua sự chết và sự sống lại của Ngài để chuộc tội cho nhân loại và ban sự sống đời đời cho những ai tin nhận Ngài và sống theo đức tin vào chính mình Ngài. Giu-đe câu 20 cũng cho chúng ta biết đức tin là nền tảng cho đời sống của con dân Chúa.

“Hỡi kẻ rất yêu dấu, về phần anh em, hãy tự lập lấy trên nền đức tin rất thánh của mình, và hãy cầu nguyện bởi Thánh Linh.”

Ngoài ra, Thánh Kinh cũng gọi Đức Chúa Jesus Christ là nền của “nhà Đức Chúa Trời:”

“Vả, chúng tôi là bạn cùng làm việc với Thiên Chúa; anh em là ruộng Thiên Chúa cày, nhà Thiên Chúa xây. Theo ơn Đức Chúa Trời ban cho tôi, tôi đã lập nền như một tay thợ khéo, mà có kẻ khác cất lên trên; nhưng ai nấy phải cẩn thận về sự mình xây trên nền đó. Vì, chẳng ai có thể lập một nền khác ngoài nền đã lập, là Đức Chúa Jesus Christ” (I Cô-rinh-tô 3:9-11).

Vì thế, lời tuyên xưng đức tin và những lời rao giảng của Sứ Đồ Phi-e-rơ là một phần thuộc về nền tảng của Hội Thánh; nhưng con người Phi-e-rơ không bao giờ là nền tảng của Hội Thánh. Ông cũng chỉ là một viên đá (petros) trong cấu trúc Hội Thánh được xây trên nền (petra) đức tin đã lập là Lời của Đức Chúa Trời và chính Đức Chúa Jesus Christ mà thôi.

Thiên Chức Hiện Tại của Hội Thánh

Thiên chức có nghĩa là bổn phận và trách nhiệm do Đức Chúa Trời giao phó. Thiên chức của Hội Thánh là yêu mọi người bằng tình yêu của Đức Chúa Trời và chiếu sáng sự vinh quang của Ngài cho mọi người trong thế gian, nếu không, Hội Thánh sẽ bị Chúa hình phạt.

Thiên chức của Hội Thánh cũng chính là bổn phận và trách nhiệm của từng thành viên trong Hội Thánh. Hễ ai làm tròn thiên chức ấy thì sẽ được Chúa đem về nhà Cha trong ngày Chúa trở lại giữa chốn không trung. Trong ngày ấy, những người đã qua đời thì thân thể xác thịt được sống lại; những người còn đang sống thì thân thể xác thịt được biến hóa; rồi tất cả được cất lên không trung gặp Chúa và ở cùng Chúa luôn luôn (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18).

Thiên chức của Hội Thánh được tóm gọn trong Ma-thi-ơ 5:13-14 và được giải thích trong Ma-thi-ơ 28:19-20:

Các ngươi là muối của đất… Các ngươi là sự sáng của thế gian…” (Ma-thi-ơ 5:13-14).

“Vậy, hãy đi khiến cho muôn dân trở nên môn đồ, trong danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh hãy làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:19-20).

1. Muối của đất: Muối là một khoáng chất cần thiết cho đời sống. Muối có tính khử trùng, giữ cho thịt cá được tươi, và thêm hương vị cho thực phẩm. Trong Thánh Kinh, muối tiêu biểu cho sự thánh hóa, trung tín, bền vững, đặc biệt là tiêu biểu cho giao ước của một tình yêu bền vững không thay đổi.

Vì tính chất sát trùng mà muối được tiêu biểu cho sự thánh hóa các của lễ được dâng lên Chúa:

“Phải nêm muối các của lễ chay; chớ nên dâng lên thiếu muối; vì muối là dấu hiệu về sự giao ước của Thiên Chúa đã lập cùng ngươi; trên các lễ vật ngươi phải dâng muối” (Lê-vi Ký 2:13).

Vì tính chất bảo tồn phẩm chất và gia tăng hương vị của thực phẩm mà muối được tiêu biểu cho sự trung tín (giữ nguyên phẩm chất), bền vững (kéo dài sự tươi tốt, tinh sạch), và phát huy (đem lại phước hạnh) trong giao ước:

“Ta cứ lệ định đời đời ban cho ngươi, các con trai và các con gái ngươi, hết thảy lễ vật thánh mà dân I-sơ-ra-ên dâng giơ lên cho Đức Giê-hô-va: ấy là một giao ước bằng muối đời đời, không bỏ được, trước mặt Đức Giê-hô-va cho ngươi và cho dòng dõi ngươi” (Dân Số Ký 18:19).

Muối còn tiêu biểu cho tấm lòng và lời nói nhân hậu, trung thực, đem lại ích lợi cho người nghe, đem lại hương vị tốt lành cho cuộc sống:

“Các ngươi phải có muối trong lòng mình, lại phải hòa thuận cùng nhau” (Mác 9:51).

“Lời nói anh em phải có ân hậu theo luôn, và nêm thêm muối, hầu cho anh em biết nên đối đáp mỗi người là thể nào” (Cô-lô-se 4:6).

Hội Thánh là muối của đất, nghĩa là Hội Thánh phải có lòng nhân hậu và trung thực đối với mọi người, lòng nhân hậu và trung thực đó tỏ ra bởi những lời nói nhân hậu, thẳng thắn, không thiên vị, và bởi những việc lành. Muối cần thiết cho đời sống như thế nào thì Hội Thánh cũng cần thiết cho mọi người trong thế gian thể ấy, vì chỉ có Hội Thánh mới đem lại cho thế gian tình yêu chân thật, không thay đổi của Đức Chúa Trời. Tình yêu của Đức Chúa Trời đối với mọi người trong thế gian được thể hiện qua chính Hội Thánh.

2. Sự sáng của thế gian: Đang khi Đức Chúa Jesus Christ còn ở thế gian trong thân thể xác thịt của loài người, thì Ngài là sự sáng của thế gian:

“Ta là sự sáng của thế gian; người nào theo Ta, chẳng đi trong nơi tối tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống” (Giăng 8:12).

“Khi Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng của thế gian” (Giăng 9:5)

Nhưng sau khi Đức Chúa Jesus Christ đã về trời thì Hội Thánh là sự sáng của thế gian. Hội Thánh là sự sáng của thế gian trong ý nghĩa Hội Thánh sống theo Lời Chúa, để qua đó, thế gian phải tôn vinh Đức Chúa Trời qua các việc làm của Hội Thánh:

“Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và tôn vinh Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16).

Sự sáng của Hội Thánh chính là tất cả những gì Hội Thánh nói, làm ở giữa thế gian để thế gian nhận biết sự yêu thương, công bình, và thánh khiết của Đức Chúa Trời. Sự sáng của Hội Thánh bao gồm nếp sống Đạo và lời rao giảng Đạo của Hội Thánh. Mỗi thành viên trong Hội Thánh có bổn phận sống sao cho người thế gian nhìn thấy Chúa qua nếp sống của mình:

“Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh quang của Thiên Chúa mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31).

Mỗi thành viên trong Hội Thánh có bổn phận rao giảng về Chúa cho người khắp thế gian để họ được cơ hội biết Chúa, tin nhận Chúa, và trở nên môn đồ của Ngài. Mỗi thành viên trong Hội Thánh có nhiệm vụ làm báp-tem cho người tin nhận Chúa trong danh của Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, tức là danh Giê-hô-va, danh Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Mỗi thành viên trong Hội Thánh có nhiệm vụ dạy cho người mới tin Chúa tất cả những điều Chúa đã phán truyền và được ghi lại trong Thánh Kinh. Nghĩa là, tặng Thánh Kinh cho người mới tin Chúa, giúp họ biết cách đọc và học Thánh Kinh.

Thiên chức của Hội Thánh phải được mỗi thành viên trong Hội Thánh chịu khổ như một người lính giỏi, trung tín thi hành. Cho dù có phải trả giá bằng tất cả tiền bạc, của cải, tiện nghi, danh dự, sự tự do, và ngay cả mạng sống… mỗi thành viên trong Hội Thánh phải chuyên tâm hoàn thành thiên chức Chúa đã giao phó.

Thiên Chức Tương Lai của Hội Thánh

Trong tương lai, Hội Thánh sẽ được kết hợp với Đức Chúa Jesus Christ và sẽ đồng trị với Ngài trên toàn thể cơ nghiệp của Đức Chúa Trời. Vì Đức Chúa Jesus Christ là “Vua Trên Muôn Vua và Chúa Trên Muôn Chúa,” nên khi Hội Thánh được kết hợp làm một với Ngài thì Hội Thánh cũng cùng một quyền cai trị như Ngài.

Thánh Kinh dạy rõ:

“Tôi cầu Đức Chúa Trời của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, là Cha vinh quang, ban thần trí của sự khôn sáng và của sự tỏ ra cho anh em, để nhận biết Ngài, lại soi sáng con mắt của lòng anh em, hầu cho biết điều trông cậy về sự kêu gọi của Ngài là thể nào, sự giàu có của cơ nghiệp vinh quang Ngài cho các thánh đồ là làm sao” (Ê-phê-sô 1:17-18)

“Hãy tạ ơn Đức Chúa Cha, Ngài đã khiến anh em có thể dự phần cơ nghiệp của các thánh trong sự sáng láng” (Cô-lô-se 1:12).

“Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng. Hãy hầu việc Đấng Christ, tức là Chúa” (Cô-lô-se 3:23-24).

“Tôn vinh Đức Chúa Trời, là Cha Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, Ngài lấy lòng thương xót lớn khiến chúng ta được tái sanh, đặng chúng ta nhờ sự Đức Chúa Jesus Christ sống lại từ trong kẻ chết mà có sự trông cậy sống, là cơ nghiệp không hư đi, không ô uế, không suy tàn, để dành trong các từng trời cho anh em” (I Phi-e-rơ 1:3-4).

“Ngài phán với tôi: “Xong rồi! Ta là An-pha và Ô-mê-ga: Đấng Đầu Tiên và Đấng Cuối Cùng. Ta sẽ ban cho kẻ nào khát được tự do uống từ Nguồn Nước Sống. Kẻ nào thắng sẽ được hưởng mọi sự làm cơ nghiệp. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời người và người sẽ làm con trai Ta.”” (Khải Huyền 21:6-7).

Huỳnh Christian Timothy
20.7.2013

Ghi Chú

[1] http://en.wikipedia.org/wiki/Edict_of_Thessalonica: Năm 312, Hoàng Đế La-mã Constantine nhập Đạo; năm 313, ông ra chiếu chỉ khoan dung cho Đạo Chúa dẫn đến việc hình thành Công Giáo sau này. Hoàng Đế Theodosius I (379-392) thuộc Đông Đế Quốc La-mã và Hoàng Đế Gratian (367-375) thuộc Tây Đế Quốc La-mã, chung nhau ra chiếu chỉ quốc giáo hóa Đạo Chúa trong toàn Đế Quốc La-mã vào ngày 27 tháng 2 năm 380. Ngày đó được xem như ngày chính thức thành lập của Giáo Hội Công Giáo.

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet: