Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p
Bấm vào nút “play” ► để nghe:
Bấm vào nút “play” ► để nghe:
Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
Tên Gọi và Ý Nghĩa
Danh từ “Hội Thánh” trong Thánh Kinh Việt Ngữ được dịch từ chữ: “ekklēsia,” G1577, (phiên âm sang Việt ngữ là: “ê-klế-xi-a”) của tiếng Hy-lạp [1]. Từ ngữ “ekklēsia” theo nghĩa thường dùng trong văn hóa Hy-lạp có nghĩa là: “Sự nhóm họp của công dân trong một thành phố, theo lời kêu gọi của người cai trị thành phố, để họp bàn về những việc liên quan đến sinh hoạt và số phận của thành phố.”
Khi được dùng trong Thánh Kinh, từ ngữ “ekklēsia” mang một nghĩa hoàn toàn khác với nghĩa thường dùng. Từ ngữ này do Đức Chúa Jesus Christ sử dụng lần đầu tiên trong Thánh Kinh (Ma-thi-ơ 16:18), và sau đó được các sứ đồ dùng trong suốt Tân Ước. Cũng chính Đức Chúa Jesus Christ dùng từ ngữ này lần cuối cùng trong Thánh Kinh, khi Ngài phán bảo Sứ Đồ Giăng viết bảy lá thư gửi cho “ekklēsia” tại bảy thành phố thuộc vùng Tiểu Á (Khải Huyền 2 và 3).
Chữ “ekklēsia” khi được dùng trong Thánh Kinh có nghĩa là:
“Tập thể những thánh đồ của Đức Chúa Jesus Christ, thường xuyên nhóm họp để thông công với nhau, cùng nhau thờ phượng Đức Chúa Trời trong tâm thần và lẽ thật, và cùng nhau làm những việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho họ” (Giăng 4:23-24; I Cô-rinh-tô 14:26-40; Hê-bơ-rơ 10:25; Ê-phê-sô 2:10).
Thánh đồ của Đức Chúa Jesus Christ là những người thật lòng ăn năn tội, tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại qua sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, và hết lòng vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời sau khi được cứu. Họ là những người thuộc về Đức Chúa Trời, đã được Đức Chúa Trời kêu gọi ra khỏi thế gian, và ban cho Đức Chúa Jesus Christ để làm cơ nghiệp của Ngài (Giăng 17:6; Ma-la-chi 3:17). Họ không còn thuộc về thế gian nữa, mà họ trở thành thân thể của Đức Chúa Jesus Christ (Giăng 17:14; Ê-phê-sô 5:23). Họ là những người sẽ được kết hợp làm một với Đức Chúa Jesus Christ (Khải Huyền 19:6-8), và sẽ đồng ngồi trong các nơi trên trời để đồng trị với Đức Chúa Jesus Christ trên Vương Quốc của Đức Chúa Trời cho đến mãi mãi (Ê-phê-sô 2:6; II Ti-mô-thê 2:12). Thánh Kinh gọi những người như thế là những người: “vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và có lời chứng của Đức Chúa Jesus Christ” hoặc “vâng giữ các điều răn của Đức Chúa Trời và đức tin trong Đức Chúa Jesus” (Khải Huyền 12:17; 14:12).
Nếu dịch ra tiếng Việt theo nghĩa thường dùng trong văn chương thế gian thì từ ngữ “ekklēsia” phải được dịch là “công hội,” có nghĩa là sự nhóm họp của công chúng. Tuy nhiên, khi từ ngữ “ekklēsia” được dùng trong Thánh Kinh cho con dân Chúa thì hàm ý họ là những người được Đức Chúa Trời kêu gọi ra khỏi thế gian và biệt riêng cho Ngài, trở nên dân sự của Ngài. Họ được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch tội, được Đức Thánh Linh tái sinh và ngự trong thân thể họ. Vì thế, họ là những người thánh. Chữ thánh vừa có nghĩa là biệt riêng cho Đức Chúa Trời vừa có nghĩa là giống như Đức Chúa Trời. Dịch “ekklēsia” sang tiếng Việt là “Hội Thánh” với ý nghĩa: “Hội của những người giống như Đức Chúa Trời và được biệt riêng cho Đức Chúa Trời,” tức là dịch sát nghĩa của từ ngữ này khi nó được dùng trong Thánh Kinh.
Chúng ta đã biết, có nhiều từ ngữ khi được dùng trong Thánh Kinh và thần học thì hoàn toàn mang nghĩa khác với nghĩa thường dùng trong văn chương của thế gian. Thí dụ: Ngôi Lời, Thánh Kinh, Người công bình… Từ ngữ “thánh” và “Hội Thánh” cũng vậy.
Đặc Tính
Qua Thánh Kinh, chúng ta biết được mười bốn đặc tính sau đây của Hội Thánh:
1. Hội Thánh không thực hữu trong thời Cựu Ước. Hội Thánh do Đức Chúa Jesus Christ thiết lập trong Thời Tân Ước: “Còn Ta, Ta bảo ngươi rằng: Ngươi là Phi -e-rơ, Ta sẽ lập Hội thánh Ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18). Lời phán: “Ta sẽ lập Hội Thánh Ta…” là bằng chứng mạnh mẽ và rõ ràng để bác bỏ tư tưởng thần học cho rằng Hội Thánh bắt nguồn từ dân I-sơ-ra-ên trong Cựu Ước. Bởi vì, ý nghĩa của câu: “Ta sẽ lập Hội Thánh Ta…” có nghĩa là khi Chúa phán lời này thì Ngài chưa bao giờ lập Hội Thánh của Ngài.
Trong thực tế, dân I-sơ-ra-ên cũng chính là một hội chúng được làm nên thánh, dành riêng cho Đức Chúa Trời. Phục Truyền Luật Lệ Ký 7:6 chép: “Vì ngươi là một dân thánh cho Giê-hô-va Thiên Chúa ngươi; Ngài đã chọn ngươi trong muôn dân trên mặt đất, đặng làm một dân thuộc riêng về Ngài.” Vì thế, chúng ta có thể gọi dân I-sơ-ra-ên là một Hội Thánh của Đức Chúa Trời. Nhưng “Hội Thánh” I-sơ-ra-ên được thiết lập trong Thời Cựu Ước khác với Hội Thánh chung bao gồm mọi dân tộc được thiết lập trong Thời Tân Ước. Từ ngữ Hội Thánh được dùng trong Tân Ước không bao giờ được dùng để chỉ về hội chúng I-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời biệt ra thánh trong Thời Cựu Ước. Dân I-sơ-ra-ên và Hội Thánh là hai thực thể hoàn toàn khác nhau, mặc dầu trong Hội Thánh của Chúa có mặt người I-sơ-ra-ên. Sự có mặt của họ là sự có mặt của mỗi cá nhân chứ không phải là sự có mặt của một dân tộc. Vì thế, chúng ta không nên dùng danh từ Hội Thánh để gọi dân I-sơ-ra-ên; mục đích là để tránh sự hiểu lầm.
Ngày nay, Đức Chúa Trời vẫn tiến hành các giao ước Ngài lập với Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp cho dân I-sơ-ra-ên, cùng một lúc, Ngài tiến hành giao ước mà Ngài đã lập với Hội Thánh qua Đức Chúa Jesus Christ.
Một người ra từ dòng dõi xác thịt của Áp-ra-ham có thể vừa ở trong I-sơ-ra-ên vừa ở trong Hội Thánh. Người đó, vừa hưởng các quyền lợi từ giao ước Đức Chúa Trời đã lập với Áp-ra-ham, I-sác, và Gia-cốp, vừa hưởng các quyền lợi từ giao ước Đức Chúa Trời đã lập với Đức Chúa Jesus Christ.
Một người không ra từ dòng dõi xác thịt của Áp-ra-ham thì chỉ được hưởng các quyền lợi từ giao ước Đức Chúa Trời đã lập với Đức Chúa Jesus Christ.
Để biết thêm chi tiết về các giao ước của Đức Chúa Trời xin đọc và nghe bài “Các Giao Ước của Đức Chúa Trời” trên trang www.thanhoc.timhieutinlanh.com [2].
Dù Hội Thánh được lập trong Thời Tân Ước nhưng mỗi thành viên trong Hội Thánh đã được Đức Chúa Trời kêu gọi từ trước khi sáng thế:
“Trước khi sáng thế, Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ, đặng làm nên thánh không chỗ trách được trước mặt Ngài” (Ê-phê-sô 1:4).
Đây là một huyền nhiệm, cho nên, chúng ta không thể nào hiểu thấu cho đến khi chúng ta được đối mặt với Chúa trong cõi đời đời (I Cô-rinh-tô 13:12).
2. Đức Chúa Jesus Christ là đầu của Hội Thánh. Không phải “giáo hoàng” hay “tổng hội trưởng” hay “chủ tịch” của các tổ chức tôn giáo hay bất cứ ai khác, mà chính Đức Chúa Jesus Christ là đầu của Hội Thánh:
“Ngài đã bắt muôn vật phục dưới chân Đấng Christ, và ban cho Đấng Christ làm đầu Hội Thánh. Hội Thánh là thân thể của Đấng Christ, tức là sự đầy dẫy của Đấng đổ đầy mọi sự trong mọi loài” (Ê-phê-sô 1:22-23). Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống dịch là “sự đầy đủ của Đấng gồm tóm mọi sự trong mọi loài” khiến cho khó hiểu.
Mọi sự mà Đấng Christ đổ đầy trong mọi loài tức là ý muốn và năng lực của Đức Chúa Trời. Mỗi loài được Đấng Christ tạo dựng theo ý muốn của Đức Chúa Trời và được Ngài ban cho năng lực để chúng hoàn thành mục đích mà Ngài đã đặt để cho chúng. Từ một con ong, con kiến cho đến một ngọn cỏ và ngay cả một hạt bụi, một giọt nước… cũng đều được Đấng Christ đổ đầy ý muốn và năng lực của Đức Chúa Trời trong chúng.
Nói về một giọt nước, chúng ta biết nước được cấu tạo bởi hai nguyên tố hóa học là hai nguyên tử hy-drô (hydrogen) và một nguyên tử ô-xy (oxygen). Khoa học cho chúng ta biết, nguyên tố hy-drô được cấu thành bởi một hạt dương điện tử (proton) và một hạt âm điện tử (electron). Hạt âm điện tử xoay chung quanh hạt dương điện tử trong nguyên tử hy-drô với vận tốc 2,200 km/giây đồng hồ. Với vận tốc này, chúng ta có thể đi vòng quanh trái đất chỉ trong khoảng 18 giây đồng hồ! Ngày nay, khoa học có thể kích động một hạt điện tử khiến cho vận tốc của nó tăng lên gần bằng vận tốc của ánh sáng (300,000 km/giây đồng hồ).
Khoa học cũng cho chúng ta biết, một giọt nước ra từ một ống nhểu như ống nhểu thuốc nhỏ mắt chứa đến 3,340,000,000,000,000,000,000 (ba ngàn ba trăm bốn mươi tỷ tỷ) nguyên tử hy-drô [4], tức là nhiều gấp 477 tỷ lần dân số hiện nay trên thế giới! Hy-drô là nguyên tố tạo ra nước và phổ biến nhất trong vũ trụ, chiếm đến 75% tổng khối lượng của vũ trụ, và chiếm đến hơn 90% tổng số lượng các nguyên tử trong vũ trụ [5].
Hội Thánh có đầy dẫy mọi sự của Đấng Christ vì Hội Thánh là thân thể của Ngài. Chính vì thế mà Hội Thánh sẽ đồng trị với Đấng Christ trong vương quốc của Đức Chúa Trời. Những sự đầy dẫy của Đấng Christ ở trong Hội Thánh ngay trong thời kỳ hiện tại, khi Hội Thánh còn sống giữa thế gian trong thân thể xác thịt đang chết, chỉ một phần nhỏ được phát huy. Trong vương quốc của Đức Chúa Trời là khi Hội Thánh đã được kết hợp cách mầu nhiệm với Đức Chúa Jesus Christ (Khải Huyền 19:6-9) thì trọn vẹn những sự đầy dẫy của Ngài sẽ phát huy qua Hội Thánh.
Ngày nay, ai muốn đứng đầu Hội Thánh, tức là muốn rằng, hễ mình nói gì thì Hội Thánh phải vâng theo, bất kể là điều mình nói có đúng với Lời Chúa hay không, thì ấy là người muốn chiếm đoạt địa vị của Đức Chúa Jesus Christ. Ngay từ thế kỷ thứ nhất đã có người như vậy rồi (III Giăng câu 9-10).
“Vì chồng là đầu vợ, khác nào Đấng Christ là đầu Hội Thánh, Hội Thánh là thân thể Ngài, và Ngài là Đấng Giải Cứu của Hội Thánh” (Ê-phê-sô 5:23).
Chẳng những Đức Chúa Jesus Christ là đầu của Hội Thánh mà Ngài còn là Đấng giải cứu Hội Thánh. Không phải bởi một người nào, không phải bởi một thế lực nào trong thế gian, không phải bởi tiền bạc, của cải, tri thức… nhưng chỉ bởi Đức Chúa Jesus Christ mà Hội Thánh được giải cứu. Thánh Kinh đã khẳng định: “Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu” (Công Vụ Các Sứ Đồ 4:12).
Ý nghĩa của câu: “Ngài là Đấng Giải Cứu của Hội Thánh” trước hết, phải là sự giải cứu Hội Thánh ra khỏi tội lỗi. Đôi khi, để có thể giải cứu Hội Thánh ra khỏi sự kiêu ngạo, ra khỏi sự tham lam những điều thuộc về thế gian… mà Chúa cho phép hoạn nạn, khốn khó, bắt bớ xảy đến cho Hội Thánh. Kế tiếp, trong mọi cảnh ngộ nguy hiểm và khốn khó, Ngài sẽ giải cứu Hội Thánh theo thời điểm và theo đường lối của Ngài. Hội Thánh cần phải trung tín sống theo Lời Chúa và chỉ trông cậy sự giải cứu nơi Chúa.
“Ấy cũng chính Ngài là đầu của thân thể, tức là đầu Hội Thánh. Ngài là ban đầu, sanh trước nhất từ trong những kẻ chết, hầu cho trong mọi vật, Ngài đứng đầu hàng” (Cô-lô-se 1:18).
Vì Đức Chúa Jesus Christ là đầu của Hội Thánh cho nên mọi vinh quang đều thuộc về Ngài. Không ai trong Hội Thánh có thể tìm kiếm sự vinh quang cho cá nhân; cũng không ai có thể tôn vinh một người nào khác trong Hội Thánh. Mỗi một thành viên trong Hội Thánh cùng nhau làm việc để tôn vinh Đức Chúa Jesus Christ, qua đó, tôn vinh Đức Chúa Trời là Cha của chúng ta!
Ngài là trái đầu mùa của sự sống lại và Ngài sẽ đứng đầu trong sự phục sinh của muôn vật! Rô-ma 8:21 cho chúng ta biết: “Muôn vật mong rằng mình cũng sẽ được giải cứu khỏi làm tôi sự hư nát, đặng dự phần trong sự tự do vinh quang của con cái Đức Chúa Trời.” Trong khi đó, Khải Huyền 21:5 cho chúng ta biết: “Đấng ngự trên ngai phán rằng: “Này, Ta làm mới mọi sự!” Ngài lại phán với tôi: “Hãy chép, vì những lời này là chân thật và thành tín.”” Nhờ đó, chúng ta biết rằng muôn vật sẽ được phục hồi.
3. Tên gọi chính thức của Hội Thánh. Hội Thánh là do Đức Chúa Jesus Christ lập nên. Tên của Hội Thánh do Đức Thánh Linh cậy miệng và ngòi bút của các sứ đồ để bày tỏ cho con dân Chúa. Chúng ta chỉ có thể dùng các tên gọi chính thức của Hội Thánh như đã được bày tỏ trong Thánh Kinh để gọi Hội Thánh. Chúng ta không nên tùy ý đặt tên cho Hội Thánh. Có chín tên riêng được Đức Thánh Linh dùng để gọi Hội Thánh và có một cách để gọi Hội Thánh của Chúa sinh hoạt trong mỗi địa phương.
-
“Hội Thánh của Đức Chúa Trời:” Hội của những người được biệt riêng ra cho Đức Chúa Trời (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:28; I Cô-rinh-tô 1:2; 10:32; 11:16, 22; 15:9; II Cô-rinh-tô 1:1; Ga-la-ti 1:13; I Tê-sa-lô-ni-ca 2:14).
-
“Hội Thánh của Đấng Christ:” Hội của những người được kết hợp với Đức Chúa Jesus Christ (Rô-ma 16:6).
-
“Hội Thánh của Các Thánh Đồ:” Hội của những người được Đức Chúa Trời tha tội, được Đức Chúa Jesus Christ rửa sạch tội, được Đức Thánh Linh tái sinh và ngự trong thân thể, ban cho năng lực của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 14:33).
-
“Hội Thánh Trong Đấng Christ Jesus:” Hội của những người được Đức Chúa Trời chọn vì cớ họ có đức tin nơi Đức Chúa Jesus Christ (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:14; Ga-la-ti 1:22).
-
“Hội Thánh Ở Trong Thiên Phụ Chúng Ta và Trong Đức Chúa Jesus Christ, là Chúa:” Hội của những người thuộc về Đức Chúa Trời và thuộc về Đức Chúa Jesus Christ (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:1).
-
“Hội Thánh của Thiên Chúa:” Hội của những người thuộc về Ba Ngôi Thiên Chúa, là những người chịu báp-tem trong danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh (I Ti-mô-thê 3:5).
-
“Hội Thánh của Thiên Chúa Hằng Sống:” Hội của những người thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu (I Ti-mô-thê 3:15).
-
“Hội Thánh của Những Con Đầu Lòng Được Ghi Tên Trong Các Từng Trời:” Hội của những người tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Jesus Christ trong suốt khoảng thời gian từ khi Chúa phục sinh cho đến khi Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Kế tiếp, sẽ có những người tin Chúa trong Thời Đại Nạn, rồi đến những người tin Chúa trong Thời Vương Quốc Ngàn Năm (Hê-bơ-rơ 12:23).
-
“Hội Thánh của Các Người Được Chọn:” Hội của những người đã đáp lại tiếng gọi của Đức Chúa Trời và được Ngài chọn làm cơ nghiệp của Ngài (I Phi-e-rơ 5:13).
-
“Hội Thánh tại… (tên của địa phương, thí dụ: Cô-rinh-tô, Ê-phê-sô, Hà Nội, Saigon… – Khải Huyền 1:11). Đây là cách gọi tập thể con dân Chúa ở mỗi địa phương.
Các tên gọi của Hội Thánh và cách gọi sự hiện diện của Hội Thánh ở mỗi địa phương đã được mạc khải trong Thánh Kinh. Ngoài các tên gọi và cách gọi đó ra, tất cả những tên gọi và cách gọi khác đều không thể dùng cho Hội Thánh.
Nhiều nơi con dân Chúa đã chấp nhận những tên gọi hoàn toàn không đúng Thánh Kinh cho Hội Thánh địa phương của mình, vì các giáo hội đã tùy ý đặt ra như vậy. Con dân Chúa nên trở lại với lẽ thật của Lời Chúa, dùng chính cách gọi tên Hội Thánh địa phương mà Đức Chúa Jesus Christ đã dùng trong Khải Huyền 2 và 3.
4. Mỗi người trong Hội Thánh bình đẳng với nhau. Tất cả mọi người trong Hội Thánh dù ở trong chức vụ nào (sứ đồ, tiên tri, người giảng Đạo, người chăn và dạy Đạo, giám mục, trưởng lão, chấp sự) cũng đều là anh chị em với nhau, con của cùng một Cha, tôi tớ của cùng một Chúa, học trò của cùng một Thầy:
“Nhưng các ngươi đừng chịu người ta gọi mình bằng thầy; vì các ngươi chỉ có một Thầy, và các ngươi hết thảy đều là anh em. Cũng đừng gọi người nào ở thế gian là cha mình; vì các ngươi chỉ có một Cha, là Đấng ở trên trời. Cũng đừng chịu ai gọi mình là chủ; vì các ngươi chỉ có một Chủ, là Đấng Christ. Song ai lớn hơn hết trong các ngươi, thì sẽ làm đầy tớ các ngươi. Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên” (Ma-thi-ơ 23:8-12).
Ai không vâng theo những lời phán dạy này của Đức Chúa Jesus Christ thì người ấy không phải là môn đồ của Ngài mà là kẻ chống nghịch Đấng Christ (antiChrist).
Mỗi người trong Hội Thánh có bổn phận xem người khác như tôn trọng hơn mình: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3). Không ai được phép bắt người khác xem mình là tôn trọng hơn người khác. Thói quen tự xưng “reverend” (có nghĩa tự xưng mình là “bậc đáng tôn kính”) tiêm nhiễm từ Công Giáo của một số người là sai nghịch Lời Chúa, là kiêu ngạo, là phạm thượng. Những người đó cần phải ăn năn và từ bỏ thói quen tự xưng là “reverend.” Con dân Chúa cũng đừng gọi người nào là “reverend.” Thánh Kinh chỉ dùng từ này có một lần để gọi Thiên Chúa: “Ngài đã sai cứu chuộc dân Ngài, truyền lập giao ước Ngài đến đời đời. Danh Ngài là thánh, đáng tôn kính (reverend)” (Thi Thiên 111:9).
5. Hội Thánh phải thi hành kỷ luật đối với người có tội mà không chịu ăn năn. Sự thi hành kỷ luật này là mệnh lệnh của Chúa. Hội Thánh kỷ luật kẻ có tội mà không chịu ăn năn bằng cách chấm dứt sự thông công với kẻ ấy, trả kẻ ấy về địa vị tội nhân:
“Nếu người không chịu nghe các người đó, thì hãy cáo cùng Hội Thánh, lại nếu người không chịu nghe Hội Thánh, thì hãy coi người như kẻ ngoại và kẻ thâu thuế vậy” (Ma-thi-ơ 18:17).
“Nhưng tôi viết khuyên anh em đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian dâm, hoặc tham lam, hoặc thờ hình tượng, hoặc chửi rủa, hoặc say sưa, hoặc chắt bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy. Vì chưng có phải tôi nên đoán xét kẻ ở ngoài sao? Há chẳng phải anh em nên đoán xét những người ở trong sao? Còn như kẻ ở ngoài, thì Đức Chúa Trời sẽ đoán xét họ. Hãy trừ bỏ kẻ gian ác khỏi anh em” (I Cô-rinh-tô 5:11-13).
Những ai viện cớ vì “tình yêu thương” mà không chịu dứt bỏ những kẻ có tội nhưng không chịu ăn năn ra khỏi Hội Thánh, thì họ là những người tự làm ra mình lớn hơn Chúa, yêu thương hơn Chúa. Chính họ trở thành những kẻ có tội và đáng bị khai trừ khỏi Hội Thánh.
6. Hội Thánh được Chúa ban cho quyền buộc tội người có tội mà không chịu ăn năn cùng với quyền tha tội cho người có tội mà biết ăn năn. “Nếu có những ai các ngươi tha tội cho, thì chúng được tha đối với họ. Nếu có những ai các ngươi cầm giữ, thì chúng bị cầm giữ” (Giăng 20:23). Đây là quyền buộc tội và tha tội dựa trên thái độ của người phạm tội mà Chúa đã ban cho Hội Thánh của Ngài.
7. Chúa là Đấng lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh chứ không phải các giáo hội. Ngày nay, các giáo hội thường trông cậy vào một diễn giả nào đó, một phương cách chứng Đạo nào đó, một ban tổ chức truyền giảng nào đó, cùng với các phương thức khích động tâm lý bằng ánh sáng và âm thanh, để mong có được nhiều người tin nhận Chúa. Tuy nhiên, công việc của Hội Thánh chỉ đơn thuần là rao giảng Tin Lành và làm chứng lại ơn cứu rỗi mà mình đã kinh nghiệm. Còn việc người nghe được cứu hay không là giữa người nghe và Chúa. Lời Chúa ghi rõ:
“Mỗi ngày Chúa lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội Thánh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:47).
Chính vì không phải Chúa lấy thêm những kẻ được cứu vào Hội Thánh nhưng là Hội Thánh theo ý riêng, lôi kéo, dụ dỗ người ta vào Hội Thánh mà trong Hội Thánh ngày nay có quá nhiều người hữu danh vô thực. Nghĩa là, trong Hội Thánh có quá nhiều người mang danh là tín đồ của Chúa nhưng thật sự thì họ chưa được cứu.
8. Hội Thánh nhóm tại nhà của những người rao giảng Đạo, nhà của các trưởng lão, nhà của các chấp sự. Ngay từ ban đầu, khi Hội Thánh được thành lập, Hội Thánh đã tạo thói quen đến đền thờ để cầu nguyện và nhóm họp tại nhà riêng (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:46). Sau khi Hội Thánh được phát triển rộng ra khắp nơi trong Đế Quốc La-mã thì Hội Thánh nhóm họp trong nhà riêng của các trưởng lão, các chấp sự.
Đến giữa thế kỷ thứ tư, khi chính quyền La-mã quốc giáo hóa Đạo Chúa, Giáo Hội Công Giáo ra đời, thì giáo hội đã biến các đền thờ tà thần của ngoại giáo thành nơi nhóm họp thờ phượng Chúa. Cùng lúc, Giáo Hội Công Giáo dùng tên của các nhân vật trong Thánh Kinh đặt cho các hình tượng trong những đền thờ tà thần của ngoại giáo. Tiếp theo đó, với sự bảo trợ của các Hoàng Đế La-mã nhập Đạo mà Giáo Hội Công Giáo cho xây cất các nhà thờ to lớn, tráng lệ, mà kiểu mẫu thì học theo các cấu trúc của những đền thờ tà thần của ngoại giáo.
Có một điều lạ lùng là: trong Thánh Kinh không hề có chỗ nào Chúa phán dạy hoặc khuyến khích Hội Thánh phải xây dựng những cơ sở để nhóm họp thờ phượng Chúa. Hội Thánh chân thật của Chúa, ngay từ ban đầu chỉ nhóm họp tại nhà riêng (Rô-ma 16:5; I Cô-rinh-tô 16:19; Cô-lô-se 4:15; Phi-lê-môn 1:2) hay nơi công cộng, thậm chí là một bờ sông (Công Vụ Các Sứ Đồ 16:13).
Một lẽ thật khác nữa là: Chúa phán dạy Hội Thánh phải đi ra để khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Chúa; hãy đi khắp thế gian để giảng Tin Lành, chứ không phải tụ tập lại hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn người vào một chỗ, xây dựng những cơ sở bề thế, và… tổ chức truyền giảng! Tiền chi phí hàng tháng cho một sơ sở, ít thì đủ để tiếp trợ cho một người rao giảng Lời Chúa, nhiều thì đủ để tiếp trợ cho hàng trăm người. Tại Hoa Kỳ, có những cơ sở “nhà thờ” mà tiền chi phí mỗi tháng lên đến hơn 100,000 đô-la!
Trong sự hiểu biết của tôi, Hội Thánh của Chúa, dù ở bất cứ nơi nào, chỉ nên nhóm họp tại nhà riêng hoặc nơi công cộng vào mỗi ngày Sa-bát để thông công với nhau và thờ phượng Chúa. Hội Thánh không cần xây dựng một cơ sở nhóm họp nào cả.
9. Hội Thánh cung cấp nhu cầu vật chất cho người giảng Đạo. Lời Chúa truyền rằng:
“Anh em há chẳng biết rằng ai hầu việc thánh thì ăn của dâng trong đền thờ, còn ai hầu việc nơi bàn thờ thì có phần nơi bàn thờ sao? Cũng vậy, Chúa có truyền rằng ai rao giảng Tin Lành thì được nuôi mình bởi Tin Lành” (I Cô-rinh-tô 9:13-14).
Dù Phao-lô không đòi hỏi các Hội Thánh phải nuôi ông nhưng ông đã ghi rõ trong I Cô-rinh-tô 9:1-14 về bổn phận của Hội Thánh đối với những người rao giảng Lời Chúa. Thiết nghĩ, mọi người rao giảng Lời Chúa nên theo gương Phao-lô, không đòi hỏi Hội Thánh phải nuôi mình, mà chỉ phó thác mọi nhu cầu của mình lên Chúa, là Đấng giao việc rao giảng cho mình.
Các tổ chức giáo hội đặt ra hình thức “trả lương” cho người rao giảng Lời Chúa là một hình thức sỉ nhục người hầu việc Chúa. Những ai xưng mình là người hầu việc Chúa mà chỉ bằng lòng rao giảng Lời Chúa khi được trả lương theo sự đòi hỏi của mình thì ấy chỉ là những kẻ chăn thuê, vì lợi mà làm việc.
Dù những người hầu việc Chúa qua công tác rao giảng Lời Chúa không đòi hỏi Hội Thánh phải nuôi họ; nhưng Hội Thánh phải làm tròn bổn phận đối với những người rao giảng Lời Chúa, là bổn phận mà Chúa đã giao phó cho hội Thánh:
“Kẻ nào mà người ta dạy Đạo cho, phải lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy đó” (Ga-la-ti 6:6).
Chữ “kẻ nào” trong câu Thánh Kinh này không ngoại trừ một thành phần nào cả. Hễ là người nghe Đạo và học Đạo thì “phải lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy đó.” Trong chúng ta chắc chắn không có ai nghèo như người đàn bà góa chỉ có hai đồng xu, hay nghèo như em bé chỉ có năm cái bánh và hai con cá! Vấn đề là tấm lòng yêu thương người rao giảng lẽ thật cho mình và vâng theo Lời Chúa mà chia sẻ điều mình có với người ấy.
Mệnh đề: “phải lấy trong hết thảy của cải mình mà chia cho người dạy đó” không có nghĩa là con dân Chúa chia tài sản cho người dạy Đạo. Trong nguyên ngữ của tiếng Hy-lạp là: “chia xẻ những điều tốt với người.” Ý nghĩa của mệnh đề này là con dân Chúa xem người dạy Đạo như một thành viên trong gia đình của mình, nhìn thấy người ấy có nhu cầu gì thì dùng mọi phương tiện mình có để chu cấp cho người ấy: thức ăn, nơi ở, quần áo mặc, lộ phí hoặc phương tiện di chuyển…
Tôi tin chắc rằng, hễ ai vui lòng làm theo lời dạy trên đây của Chúa, người ấy kinh nghiệm được ơn phước lạ lùng của Chúa trong sự thông biết Lời Chúa và sẽ được:
“Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh quang trong Đấng Christ Jesus” (Phi-líp 4:19).
Hội Thánh tại Phi-líp rất là có lòng với Phao-lô, họ gửi đồ cung cấp cho các nhu cầu của Phao-lô dù ông đi giảng cho các Hội Thánh khác. Chẳng những vậy, mà họ còn biệt phái Ép-ba-phô-đích đi theo Phao-lô để chăm sóc ông khi ông bị tù tại thành La-mã (Phi-líp 2:25). Phao-lô đã ghi lại tấm lòng và công đức của Hội Thánh Phi-líp trong thư Phi-líp 4:15-18. Cũng theo Lời của Phao-lô, cho đến thời điểm ông viết thư cho Hội Thánh Phi-líp, thì ngoài Hội Thánh tại Phi-líp ra, không một Hội Thánh nào khác tiếp trợ ông (Phi-líp 4:15).
10. Hội Thánh cứu giúp lẫn nhau về phần vật chất. Đó là bổn phận rất quan trọng của Hội Thánh. Trong II Cô-rinh-tô 8:1-15, Chúa dạy rõ về cách thức Hội Thánh cứu giúp lẫn nhau. Nên nhớ là không phải chờ khi chúng ta được đầy đủ, bình an thì chúng ta mới cứu giúp người khác, mà chúng ta cứu giúp những ai cần được cứu giúp ngay khi chúng ta đang “chịu nhiều hoạn nạn, thử thách, và rất nghèo khó” như các Hội Thánh ở xứ Ma-xê-đoan đã làm, cách nay gần 2,000 năm! Không phải chúng ta cứu giúp theo phong cách của người trên làm ơn cho người dưới mà là theo phong cách của người dưới dâng hiến cho người trên. Sứ Đồ Phao-lô đã ghi lại phong cách cứu giúp của các Hội Thánh tại Ma-xê-đoan, như sau:
“Họ lại làm quá lòng trông cậy của chúng tôi, vì trước hết đã dâng chính mình cho Chúa, và sau lại cho chúng tôi, theo ý muốn Thiên Chúa” (II Cô-rinh-tô 8:5).
Khi Hội Thánh của Chúa tại Giê-ru-sa-lem gặp cơn đói kém lớn, Sứ Đồ Phao-lô đã kêu gọi Hội Thánh tại Cô-rinh-tô hãy theo gương Hội Thánh tại Ga-la-ti, gom tiền cứu giúp như sau:
“Về việc góp tiền cho thánh đồ, thì anh em cũng hãy theo như tôi đã định liệu cho các Hội Thánh xứ Ga-la-ti. Cứ ngày đầu tuần lễ, mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình, hầu cho khỏi đợi khi tôi đến rồi mới góp. Khi tôi đến, tôi sẽ sai những kẻ mà anh em đã chọn cầm thơ tôi đi, đặng đem tiền bố thí của anh em đến thành Giê-ru-sa-lem” (I Cô-rinh-tô 16:1-4).
Nhân đây cũng xin nói thêm một điều ngoài lề: Việc Phao-lô kêu gọi mỗi người trong Hội Thánh để dành tiền tại nhà mình trong ngày đầu tuần lễ không hề chứng minh rằng, Hội Thánh nhóm họp trong ngày đầu tuần lễ. Trái lại, điều đó chứng minh rằng, mọi người đi làm, lãnh lương ngay từ ngày đầu trong tuần lễ. Sau khi lãnh lương và chi phí cho các nhu cầu, còn dành dụm được bao nhiêu thì để trong nhà. Cứ như vậy, trong suốt sáu ngày làm việc. Thời đó, người ta làm việc lãnh lương công nhật, tức lãnh lương mỗi ngày. Chúng ta có thể hiểu rằng, Hội Thánh đi làm từ ngày Thứ Nhất đến ngày Thứ Sáu trong tuần lễ, mỗi ngày, để dành tiền cứu giúp tại nhà. Đến ngày Thứ Bảy Sa-bát, khi Hội Thánh nhóm họp thờ phượng Chúa, thì mới đem số tiền dành dụm trong tuần đến nộp cho các trưởng lão. Khi Phao-lô đến thì tiền cứu trợ đã có sẵn.
“Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ” (Ga-la-ti 6:2).
“Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ chúng ta sẽ gặt. Vậy, đương lúc có dịp tiện, hãy làm điều thiện cho mọi người, nhất là cho anh em chúng ta trong đức tin” (Ga-la-ti 6:9-10)
11. Đức Chúa Jesus Christ đã làm cho Hội Thánh được trở nên thánh sạch, không chỗ trách được.
“Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh, để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước tắm rửa và dùng Lời làm cho Hội tinh sạch, đặng tỏ ra Hội Thánh đầy vinh quang, không vết, không nhăn, không chi giống như vậy, nhưng thánh sạch không chỗ trách được ở trước mặt Ngài” (Ê-phê-sô 5:25-27).
Vì thế, hễ ai còn sống trong tội, chưa thật lòng ăn năn, từ bỏ tội thì người ấy không ở trong Hội Thánh của Chúa. Một người có thể mang danh là tín đồ của Chúa, thậm chí là người chăn, là trưởng lão trong Hội Thánh, nhưng vẫn không thuộc về Hội Thánh của Chúa nếu người ấy vẫn còn sống trong tội. Chúa gọi những người như vậy là thuộc về hội của Sa-tan:
“Ta biết những việc làm ngươi, sự khốn khổ và nghèo nàn ngươi – nhưng ngươi giàu có – và sự phạm thượng của những kẻ tự xưng là người Do-thái nhưng không phải mà là những kẻ thuộc hội của Sa-tan” (Khải Huyền 2:9).
“Này, Ta sẽ khiến chúng nó – những kẻ thuộc hội Sa-tan, xưng mình là người Do-thái mà không phải, chúng chỉ là những kẻ nói dối – đến phủ phục trước chân ngươi và biết rằng Ta yêu ngươi!” (Khải Huyền 3:9).
Số phận của họ đã được Chúa phán trước và ghi lại trong Thánh Kinh:
“Chẳng phải hễ những kẻ nói với Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào Vương Quốc Trời đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa với Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhân danh Chúa mà trừ quỷ sao? và lại nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng với họ rằng: Hỡi những kẻ làm gian ác, Ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi Ta!” (Ma-thi-ơ 7:21-23)!
12. Đức Chúa Jesus Christ đi giữa các Hội Thánh (Khải Huyền 2:1). Chúa đi giữa các Hội Thánh có nghĩa là Chúa hiện diện trong từng Hội Thánh địa phương. Thật vậy, chính Chúa hứa rằng Ngài sẽ ở với các môn đồ của Ngài luôn cho đến tận thế. Không những Chúa ở với Hội Thánh trong Thời Hội Thánh, mà Chúa còn ở với những ai tin nhận Chúa trong Thời Đại Nạn, cho đến ngày Chúa tái lâm và tiêu diệt chính quyền của AntiChrist:
“Và nầy, Ta ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!” (Ma-thi-ơ 28:20).
Nếu chúng ta nhận biết Chúa đang đi lại giữa Hội Thánh thì chắc chắn chúng ta sẽ không dám lên mình kiêu ngạo, xem thường những người khác trong Hội Thánh, là những người mà Chúa gọi là: “những người rất hèn mọn nầy của anh em Ta” (Ma-thi-ơ 25:40).
Nếu chúng ta nhận biết Chúa đang đi lại giữa Hội Thánh thì chắc chắn chúng ta sẽ không dám bỏ mặc nhu cầu của các anh chị em trong Hội Thánh, trong khi mình có khả năng và phương tiện cứu giúp!
Nếu chúng ta nhận biết Chúa đang đi lại giữa Hội Thánh thì chắc chắn chúng ta sẽ không dám đi tay không đến nhóm họp thờ phượng Chúa: “Người ta chẳng nên đi tay không ra mắt Đức Giê-hô-va” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 16:16). Mỗi người chúng ta nên đến nhóm họp thờ phượng Chúa với tất cả các lễ vật mà một thầy tế lễ Thời Tân Ước có bổn phận dâng lên Chúa:
-
Dâng chính thân thể mình (Rô-ma 12:1).
-
Dâng lời tôn vinh Đức Chúa Trời, xưng danh Ngài ra (Hê-bơ-rơ 13:15).
-
Dâng các việc lành và lòng bố thí (Hê-bơ-rơ 13:16).
Nếu chúng ta nhận biết Chúa đang đi lại giữa Hội Thánh thì chắc chắn chúng ta sẽ không dám đang còn sống trong tội mà đến nhóm họp với Hội Thánh của Chúa, thậm chí còn đứng lên giảng dạy cho Hội Thánh của Chúa!
13. Đức Thánh Linh phán với các Hội Thánh. Hội Thánh luôn được nghe sự phán dạy, cáo trách, kêu gọi của Đức Thánh Linh để có thể sống đúng theo Lời của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, vâng theo tiếng phán của Đức Thánh Linh hay không là sự chọn lựa của mỗi người trong Hội Thánh.
“Ai có tai, người ấy hãy nghe điều Đấng Thần Linh phán với các Hội Thánh…” (Khải Huyền 2:7, 11, 17, 29; 3:6, 13, 22).
Từ ngữ “nghe” ở đây không phải là sự ghi nhận âm thanh bằng lỗ tai, mà là sự vâng theo điều Đức Thánh Linh phán dạy. Câu Thánh Kinh trên có nghĩa là: Ai có lòng vâng phục Đức Chúa Trời, hãy vâng phục điều Đức Thánh Linh phán với các Hội Thánh! Tức là vâng phục tất cả những gì Đức Thánh Linh phán với các Hội Thánh trong mọi nơi, mọi lúc. Trước hết là vâng phục những điều Đức Thánh Linh đã phán với các Hội Thánh tại vùng Tiểu Á, được ghi lại trong sách Khải Huyền [3]. Kế đến là vâng phục những gì Đức Thánh Linh phán với Hội Thánh địa phương của mình. Sau cùng là vâng phục những gì Đức Thánh Linh phán với các Hội Thánh địa phương khác mà mình nghe biết.
Hội Thánh thật của Chúa luôn nghe sự phán dạy và dẫn dắt của Đức Thánh Linh. Lời Chúa cũng đã cảnh cáo: “Ngày nay, nếu các ngươi nghe tiếng Ngài thì chớ cứng lòng” (Hê-bơ-rơ 4:7).
14. Hội Thánh sẽ được Đức Chúa Jesus Christ đem ra khỏi thế gian trước Kỳ tận Thế. Tất cả các lý thuyết thần học cho rằng không có sự Chúa đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, cho rằng Chúa đem Hội Thánh ra khỏi thế gian vào giữa hoặc vào cuối Thời Đại Nạn, đều không đúng với Thánh Kinh.
“Hỡi anh em, chúng tôi chẳng muốn anh em không biết về phần người đã ngủ, hầu cho anh em chớ buồn rầu như người khác không có sự trông cậy. Vì nếu chúng ta tin Đức Chúa Jesus đã chết và sống lại, thì cũng vậy, Đức Chúa Trời sẽ đem những kẻ ngủ trong Đức Chúa Jesus cùng đến với Ngài. Vả, nầy là điều chúng tôi nhờ lời Chúa mà rao bảo cho anh em: chúng ta là kẻ sống, còn ở lại cho đến kỳ Chúa đến, thì không lên trước những người đã ngủ rồi. Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Thiên Chúa, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết. Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa những đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn. Thế thì, anh em hãy dùng lời đó mà yên ủi nhau” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:13-18). Các câu Thánh Kinh này khẳng định sự kiện Chúa sẽ đến và đem Hội Thánh ra khỏi thế gian.
“Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách là giờ sẽ đến trên mọi người trong thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất” (Khải Huyền 3:10). Câu Thánh Kinh này khẳng định sự kiện Chúa sẽ đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước Thời Đại Nạn.
Lời Kêu Gọi
Dựa vào Lời Chúa, chúng ta có thể nhận biết các giáo hội do loài người lập ra đã thêm những gì vào trong hoặc đã bớt những gì ra khỏi tên gọi, ý nghĩa, và các đặc tính của Hội Thánh. Khi đã nhận thức được lẽ thật từ Lời Chúa, chúng ta hãy sống và xây dựng Hội Thánh theo lẽ thật của Lời Ngài. Hội Thánh của Chúa không bao giờ thuộc về các tổ chức giáo hội và các tổ chức giáo hội không bao giờ là Hội Thánh của Chúa.
Lẽ thật là: trong các tổ chức giáo hội có sự hiện diện của những con dân chân thật của Chúa, và hễ nơi nào có hai ba con dân Chúa nhân danh Chúa nhóm lại thì có sự hiện diện của Chúa, và sự nhóm họp đó tức là sự nhóm họp của Hội Thánh. Vì thế, mặc dầu sự nhóm họp của các giáo hội không phải là sự nhóm họp của Hội Thánh, nhưng nếu trong các sự nhóm họp đó có mặt hai ba con dân Chúa nhân danh Chúa nhóm lại thì sự nhóm họp của các người đó là sự nhóm họp của Hội Thánh.
Con dân chân thật của Chúa nên ra khỏi các tổ chức giáo hội để hoàn toàn sinh hoạt trong Hội Thánh của Chúa và cho Hội Thánh của Chúa.
Huỳnh Christian Timothy
13.7.2013
Ghi Chú
[1] http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G1577
[2] “Các Giao Ước của Đức Chúa Trời:” http://timhieuthanhkinh.net/?p=21
[3] “Xét Đoán Lấy Mình:” http://timhieuthanhkinh.net/?p=24
[4] http://www.madsci.org/posts/archives/2000-10/971190308.Ch.r.html
[5] http://vi.wikipedia.org/wiki/Hydrogen
[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.net và www.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.
[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet:
-
Xem nghĩa và nghe cách phát âm các từ ngữ Hê-bơ-rơ: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=H0001
(thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra). -
Xem nghĩa và nghe cách phát âm các từ ngữ Hy-lạp: http://www.blueletterbible.org/lang/lexicon/lexicon.cfm?strongs=G0001
(thay thế 0001 bằng mã số Strong của từ ngữ muốn tra).