Khải Huyền 1:4-6 – Nguồn của Ân Điển và Bình An

3,550 views

Nhấp vào nút play ► để nghe

Phần 1

Phần 2

I. Đấng Hiện Có, Đã Có, và Còn Đến

Đây chính là ý nghĩa tên riêng của Đức Chúa Trời do Ngài mạc khải cho Môi-se trên núi Si-na-i (Xuất 3:14-15). Trong nguyên tác Cựu Ước, bốn phụ âm YHWH được dùng để ghi lại tên riêng của Đức Chúa Trời. Danh xưng này xuất hiện 6828 lần trong Cựu Ước, ngoài ra còn được viết tắt là “Yah” 50 lần. YHWH được phiên âm trong các bản dịch Anh ngữ là JEHOVAH hoặc YAHWEH, trong các bản dịch Việt ngữ là GIÊ-HÔ-VA hoặc GIA-VÊ. Nếu dịch sát nghĩa thì YHWH có nghĩa: “Ta Thực Hữu” mà sự thực hữu này tự có và còn đến mãi mãi. Tiếng Hán Việt dịch là “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” Có thể nói, trong ngôn ngữ của loài người, không còn một danh xưng nào vĩ đại hơn là danh xưng có ý nghĩa “Đấng Hiện Có, Đã Có, và Còn Đến”. Khắp thế gian, không một thần linh nào, không một giáo chủ tôn giáo nào dám xưng nhận danh xưng này! Người Y-sơ-ra-ên đã kính sợ sự cao cả, thiêng liêng, oai nghi của danh xưng này đến nỗi họ không dám phát thành âm. Ở đây, trong những dòng đầu tiên của sách Khải Huyền, Giăng đã ghi rõ ý nghĩa danh xưng của Đức Chúa Trời, bởi vì, kể từ giây phút ấy trở đi, danh xưng “Đấng Hiện Có, Đã Có, và Còn Đến” được mạc khải cho toàn thể nhân loại, không phân biệt chủng tộc!

Trong Nguyên Tác tiếng Hy-lạp của Thánh Kinh, Danh xưng Đức Chúa Trời khi không có mạo từ xác định đứng trước thì là danh xưng dùng chung cho cả Ba Ngôi Thiên Chúa, khi có mạo từ đứng trước thì được dùng để chỉ Đức Chúa Trời Ngôi Cha. (Tham khảo bài viết sau đây: http://thanhkinhthanhoc.net/tkth/?q=node/173). Trong nguyên tác, Giăng viết: ὁ ὢν ὁ ἦν ὁ ἐρχόμενος, dịch sát nghĩa là: “Đấng Hiện Có, Đấng Đã Có, Đấng Sẽ Có” để chỉ Đức Chúa Trời Ngôi Cha.

II. Bảy vị Thần đang ở trước Ngai của Ngài

Có bốn lần sách Khải Huyền đề cập đến “bảy vị thần:” 1:4; 3:1; 4:5; và 5:6). Chúng ta hãy liệt kê từng câu và để ý đến sự diễn đạt trong mỗi câu:

– 1:4 “bảy vị Thần đang ở trước Ngai của Ngài.

– 3:1 “Đấng có bảy vị Thần của Đức Chúa Trời.

– 4:5 “bảy ngọn đèn lửa đang cháy trước ngôi, là bảy vị Thần của Đức Chúa Trời.” (So sánh Xa-cha-ri 4:2).

– 5:6 “Chiên Con dường như đã bị giết, có bảy sừng và bảy mắt, là bảy vị Thần của Đức Chúa Trời sai đi vào khắp đất.” (So sánh Xa-cha-ri 4:10).

Nhiều nhà giải kinh cho rằng “bảy vị Thần” trong sách Khải Huyền là bảy vị thiên sứ đặc nhiệm của Đức Chúa Trời và là bảy vị thiên sứ phụ trách thổi bảy tiếng loa trong cơn đại nạn. Tuy nhiên, Ân điển và bình an không thể đến từ các thiên sứ. Sách Khải Huyền đề cập đến các thiên sứ rất nhiều lần nhưng không có lần nào gọi các thiên sứ là thần. Vì vậy, nhóm chữ “bảy vị Thần” được đặt ngang hàng với các danh xưng Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con chính là một danh xưng của Đức Thánh Linh.

Khi chúng ta đọc Xa-cha-ri 4:2,10, chúng ta thấy hình ảnh của MỘT đèn BẢY ngọn. Điều này giải thích cho cách dùng chữ biểu tượng trong sách Khải Huyền. “Bảy vị Thần” là cách nói thậm xưng để diễn tả bảy phương diện trong công vụ của Đức Thánh Linh. Thánh Kinh bày tỏ cho chúng ta biết Thần (Spirit) của Đức Chúa Trời là Đức Thánh Linh. Nhiều nhà giải kinh cho rằng nhóm chữ “bảy vị Thần” trong sách Khải Huyền dùng để chỉ về bảy danh hiệu của Đức Thánh Linh được nêu ra trong Ê-sai 11:2:

1. Thần của Đức Giê-hô-va

2. Thần Khôn Ngoan

3. Thần Thông Sáng

4. Thần Mưu Toan

5. Thần Mạnh Sức

6. Thần Hiểu Biết

7. Thần Kính Sợ

Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng nhóm chữ “bảy vị Thần” trong sách Khải Huyền dùng để chỉ về bảy phương diện năng lực và công vụ của Đức Thánh Linh:

1. An ủi (Giăng 14:16)

“Ta lại sẽ nài xin Cha, Ngài sẽ ban cho các ngươi một Đấng An Ủi khác, để ở với các ngươi đời đời.”

2. Giảng Dạy (Giăng 14:26; 16:13-15)

“Nhưng Đấng An Ủi, tức là Đức Thánh Linh mà Cha sẽ nhân Danh Ta sai xuống, Đấng ấy sẽ dạy dỗ các ngươi mọi sự, nhắc lại cho các ngươi nhớ mọi điều Ta đã phán cùng các ngươi.”

3. Hướng dẫn (Giăng 16:13a; Rô-ma 8:14)

“Lúc nào Thần Lẽ Thật sẽ đến, thì Ngài sẽ dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật…”

“Vì hết thảy kẻ nào được Thánh Linh của Đức Chúa Trời dắc dẫn, đều là con của Đức Chúa Trời.”

4. Cáo trách (Giăng 16:8)

“Khi Ngài đến thì sẽ khiến thế gian tự cáo về tội lỗi, về sự công bình, và về sự phán xét.”

5. Làm chứng (Rô-ma 8:16)

“Chính Đức Thánh Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con cái Đức Chúa Trời.”

6. Cầu thay (Rô-ma 8:26-27)

“Cũng một lẽ ấy, Đức Thánh Linh giúp cho sự yếu đuối chúng ta. Vì chúng ta chẳng biết sự mình phải xin đặng cầu nguyện cho xứng đáng; nhưng chính Đức Thánh Linh lấy sự thở than không thể nói ra được mà cầu khẩn thay cho chúng ta.”

7. Ban ân tứ (1 Cô-rinh-tô 12:1-11)

“Vả, có các sự ban cho khác nhau nhưng chỉ có một Đức Thánh Linh.” (c.4)

Ân điển và bình an đến với chúng ta từ Đức Chúa Trời Ngôi Cha nhưng Đức Thánh Linh là Đấng vận dụng và triển khai món quà vô giá đó thành thiết thực cho chúng ta qua bảy phương diện trong công vụ của Ngài. Nhóm chữ “đang ở trước Ngai” cho thấy sự sẵn sàng hành động của Đức Thánh Linh.

III. Jesus Christ, Chứng Nhân thành tín, được sinh đầu nhất từ trong kẻ chết, là Chúa của muôn vua trên đất

Nếu không có sự hy sinh của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá thì chúng ta không thể nào nhận được ân điển và bình an của Đức Chúa Trời. Chúng ta để ý đến việc Giăng dùng danh xưng Jesus Christ trong câu chúc phước. Ở những nơi khác, Giăng chỉ dùng danh Jesus khi nói đến Đức Chúa Con, nhưng ở đây, Giăng ghi rõ tên riêng Jesus và tước hiệu Christ của Ngài, kèm theo đó là ba danh hiệu khác nữa: Chứng nhân thành tín, được sinh đầu nhất từ trong kẻ chết, và Chúa của muôn vua trên đất.

1. Jesus: Danh Jesus trong Tân Ước tương đương với danh Giô-suê (Joshua) trong Cựu Ước và có nghĩa: “Đức Giê-hô-va là sự cứu rỗi”. Ý nghĩa của danh Jesus được thiên sứ của Đức Chúa Trời xác định khi báo tin cho Giô-sép: “Người sẽ sinh một trai, ngươi khá đặt tên là Jesus, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội” (Ma-thi-ơ 1:21). Như vậy, danh xưng Jesus có thể dịch là “Đấng Cứu Thế”.

Chúng ta có thể nói: “Đức Chúa Jesus”, hoặc “Đấng Cứu Thế”; hay chúng ta có thể nói “Đức Chúa Jesus Christ”, hoặc “Chúa Cứu Thế Christ”; nhưng chúng ta không nói “Chúa Cứu Thế Jesus”. Nói “Chúa Cứu Thế Jesus” không khác gì nói “Chúa Cứu Thế Cứu Thế” hoặc “Chúa Jesus Jesus”, bởi vì “Cứu Thế” là dịch nghĩa của “Jesus”. Lại càng không thể dùng “Chúa Cứu Thế Giê-su” để dịch “Jesus Christ” bởi vì danh xưng Christ không có nghĩa là “Cứu Thế”. Trong nhiều bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ gần đây, danh xưng “Jesus Christ” đã được dịch thành “Chúa Cứu Thế Giê-su”. Lý do các dịch giả đưa ra là: (1) Việt hóa danh xưng của Chúa. (2) Không có chữ tương đương trong Việt ngữ để dịch chữ Christ. (3) Danh xưng “Christ” khó phát âm đối với người Việt, còn nếu phiên âm thành “Cơ-đốc” hoặc “Ki-tô” thì người ngoại đọc cũng không hiểu những chữ được phiên âm đó có ý nghĩa gì.

Theo thiển ý, ba lý do nêu trên hoàn toàn không hợp lý: (1) Nếu Việt hóa danh xưng của Chúa bằng cách phiên âm Jesus thành Giê-su thì cũng có thể Việt hóa Christ thành Ki-tô, hoặc Cơ-rê (Công vụ 11:26), hoặc Cơ-rít, hoặc Cơ-đốc. (2) Không có chữ tương đương trong Việt ngữ để dịch chữ Christ, không phải là lý do để dịch chữ Christ thành “Cứu Thế”, nghĩa là dịch sai nghĩa. (3) Nếu đã phiên âm chữ Jesus thì không có lý do gì không phiên âm chữ Christ. Người ngoại cũng không biết Giê-su có nghĩa gì cho đến khi được giải thích. Nếu chúng ta có thể giải thích cho người ngoại biết Giê-su có nghĩa gì thì chúng ta cũng có thể giải thích cho người ngoại biết “Ki-tô”, “Cơ-rê”, “Cơ-rít”, hoặc “Cơ-đốc” có nghĩa gì.

Có nhiều dư luận cho rằng, tinh thần (spirit) bài bác danh xưng Christ trong các bản dịch Thánh Kinh gần đây trong những bản dịch Việt ngữ, lẫn Anh ngữ và một số các ngôn ngữ khác, cho thấy dường như Satan đang chuẩn bị dọn đường cho Anti-Christ của những ngày cuối cùng. Anti là chống lại, nghịch lại, hoặc thay thế. Anti-Christ là chống nghịch Đấng Christ hoặc thay thế Đấng Christ! Nếu gọi tinh thần bài bác danh xưng Christ trong các bản dịch Thánh Kinh là tinh thần Anti-Christ, thì cũng không phải là quá lời.

2) Christ: Danh xưng Christ trong Tân Ước tương đương với danh xưng Mê-si-a trong Cựu Ước, và có nghĩa là “Đấng Được Xức Dầu” (Anoited One). Danh xưng này xuất hiện khoảng 350 lần trong Tân Ước. Trong Cựu Ước, nghi thức xức dầu được thi hành trên những người được Đức Chúa Trời chọn và giao cho nhiệm vụ đặc biệt. Nghi thức xức dầu tượng trưng cho sự đầy dẫy Thánh Linh, đầy dẫy thẩm quyền (authority) và năng lực (power) của Đức Chúa Trời để làm tròn trách nhiệm mà Chúa đã giao phó. Cựu Ước ghi lại ba chức vụ được xức dầu là: tiên tri (1 Vua 19:16), thầy tế lễ (Xuất 29:1-9), vua (1 Sa-mu-ên 10:1; 2 Sa-mu-ên 2:4; 1 Vua 1:3). Trong lịch sử, ngoài Đức Chúa Jesus Christ, chưa hề có ai được xức dầu để cùng một lúc làm ba chức vụ: tiên tri, thầy tế lễ, và vua; vì thế, chỉ một mình Ngài mang danh hiệu Christ!

a) Tiên tri: Tiên tri là người nhận lãnh ý chỉ của Chúa và rao giảng ý chỉ của Chúa ra cho người khác. Môi se, trong Phục truyền 18:15 đã báo trước về chức vụ tiên tri của Chúa Jesus: “Từ giữa anh em ngươi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi sẽ lập lên một Đấng tiên tri như ta; các ngươi khá nghe theo Đấng ấy.”

b) Thầy Tế Lễ: Thầy Tế lễ là người dâng của lễ chuộc tội cho dân sự và cầu thay cho dân sự. Thánh Kinh trong Hê-bơ-rơ 9:11-12 cho chúng ta biết về chức vụ Thầy Tế lễ của Chúa Jesus: “Nhưng Đấng Christ đã hiện đến, làm thầy tế lễ thượng phẩm của những sự tốt lành sau này. Ngài đã vượt qua đền tạm lớn hơn và trọn vẹn hơn, không phải tay người dựng ra, nghĩa là không thuộc về đời này. Ngài đã vào nơi rất thánh một lần thì đủ hết, không dùng huyết của dê đực và của bò con, nhưng dùng chính huyết mình, mà được sự chuộc tội đời đời.”

c) Vua: Đức Chúa Jesus được xức dầu để làm Vua trên muôn vua và Chúa trên muôn Chúa (Khải huyền 1:5; 17:14; 19: 16) “Chúng tranh chiến cùng Chiên Con, Chiên Con sẽ được thắng, vì là Chúa của các chúa, Vua của các vua.” – “Trên áo tơi và trên đùi Ngài có đề một danh là: Vua của các vua và Chúa của các chúa.”

Chính vì ý nghĩa trọng đại của danh xưng Christ mà Giăng đã ghi rõ ràng “Ân điển và bình an thuộc về anh chị em từ … Jesus Christ.” Nói cách khác, nếu Đức Chúa Jesus không được xức dầu để làm tiên tri, thầy tế lễ, và vua thì chúng ta sẽ không có được ân điển và bình an thiên thượng.

3. Chứng Nhân thành tín: Trong Giăng 18:37 Đức Chúa Jesus tự xác nhận Ngài là chứng nhân: “Vì sao Ta đã được sinh ra và vì sao Ta đã giáng thế? Ấy là để làm chứng cho Lẽ Thật.” Điều phải có nơi một chứng nhân là sự thành tín, nghĩa là trung thực với sự thật (3:14). Đức Chúa Jesus khẳng định Ngài là chứng nhân cho sự thật nhưng Ngài cũng xưng nhận mình chính là sự thật “Ta là Đường Đi, Lẽ Thật, và Sự Sống” (Giăng 14:6). Còn sự trung thực nào lớn hơn là tự Đức Chúa Trời làm chứng về Đức Chúa Trời? Giăng 10:30 “Ta với Cha là Một,” Giăng 12:45 “Còn ai thấy Ta, là thấy Đấng đã sai Ta đến,” Giăng 14:9 “Ai đã thấy Ta, tức là đã thấy Cha.”

Đức Chúa Jesus Christ đã làm chứng, “đã giải bày Cha cho chúng ta biết” (Giăng 1:18), nhờ đó, chúng ta biết được tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta, và biết được sự cứu rỗi mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta.

4. Được sinh đầu nhất từ trong kẻ chết: Thánh Kinh xác định “Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu hụt sự vinh hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23), và “Công giá của tội lỗi là sự chết!” (Rô-ma 6:23). Đó là sự thật về thân phận của mỗi một chúng ta. Tuy nhiên, “Sự ban cho của Đức Chúa Trời là sự sống đời đời trong Đức Chúa Jesus Christ, Chúa chúng ta” (Rô-ma 6:23). Chính Đức Chúa Jesus khẳng định rằng “Ta là sự sống lại và sự sống; ai tin Ta thì sẽ sống, mặc dầu đã chết rồi” (Giăng 11:25). Sự kiện phục sinh của Đức Chúa Jesus đã chứng minh cho lời tuyên xưng của Ngài. Ngài cũng chính là NGƯỜI đầu tiên chết vì tội lỗi và sống lại từ trong kẻ chết để sống đời đời (Cô-lô-se 1:18), vì thế, những ai đồng chết trong Ngài cũng sẽ được đồng sống lại và sống trong Ngài (Rô-ma 6:5).

5. Chúa của muôn vua trên đất: Một trong những Danh xưng của Đức Chúa Jesus là “Vua của các vua và Chúa của các Chúa” (17:14; 19:16). Một ngày kia, Hội Thánh của Đấng Christ sẽ đồng trị với Ngài. Chúng ta sẽ là những vua cho Đức Chúa Trời (c.6; 20:6) trong Nước Trời, và Đấng Christ là Vua của chúng ta!

Kết luận

Ân điển và bình an thiên thượng đến từ chính Ba Ngôi Đức Chúa Trời, và là bản chất của Đức Chúa Trời. Chúng ta nhận được ân điển và bình an vì đó là ý chỉ của Đức Chúa Cha, được ban cho qua sự chết và sự sống lại của Đức Chúa Con, được triển khai trong chúng ta qua bảy phương diện hành động của Đức Thánh Linh. Giá trị của ân điển và bình an từ thiên thượng thật vượt quá sự lãnh hội của chúng ta. Giá trị đó đã có, hiện có, và còn đến!

Kính lạy Ba Ngôi Đức Chúa Trời! Xin giúp cho chúng con hiểu biết sâu nhiệm ý nghĩa và quyền phép về ân điển và bình an mà Ngài đã ban cho chúng con. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Ngày 21-09-2008