Khải Huyền 1:4 – Ân Điển và Bình An

3,037 views

Nhấp vào nút play ► để nghe

I. Bảy Hội Thánh tại A-si-a

Toàn bộ sách Khải Huyền là một bức thư gửi cho bảy Hội Thánh tại xứ A-si-a. Có hai điều chúng ta cần để ý: (1) Xứ A-si-a (Asia) không phải là toàn cõi Á châu nhưng chỉ là một tỉnh thuộc đế quốc La-mã thời bấy giờ, hiện nay là Thổ-nhỉ-kỳ. (2) Trong xứ A-si-a có nhiều Hội Thánh khác, ngoài bảy Hội Thánh được nêu tên trong sách Khải Huyền. Tuy nhiên, Giăng chỉ nhận được lệnh chép và gửi sách Khải Huyền cho bảy Hội Thánh được liệt kê trong 1:11. Thánh Kinh không nói vì lý do gì bảy Hội Thánh này được chọn để nhận mạc khải, nhưng xét qua tình trạng thuộc linh của các Hội Thánh này chúng ta có thể nhận thấy đây là bảy tình trạng thuộc linh điển hình trong các Hội Thánh của Chúa ở khắp nơi, trải qua các thời đại. Như vậy, có thể nói, sách Khải Huyền được viết chung cho các Hội Thánh nhưng được trao cho bảy Hội Thánh đại diện bảy tình trạng thuộc linh của mỗi Hội Thánh địa phương và của Hội Thánh chung trong mỗi thời đại. (Những ý tưởng này sẽ được triển khai thêm khi chúng ta đọc đến bức thư viết riêng cho mỗi Hội Thánh.) Và như vậy, có thể nói sách Khải Huyền được viết cho mỗi một tín đồ Đấng Christ, sống trong bất kỳ thời đại nào. Lời chúc phước của Giăng, cũng là lời chúc phước dành cho mỗi một chúng ta.

II. Ân điển và bình an

Giăng mở đầu bức thư chung bằng lời chúc phước: “Ân điển và bình an thuộc về anh chị em.” Lời chúc phước hạnh báo trước sứ điệp phước hạnh được trình bày trong thư. Thông thường, ân điển được định nghĩa là “ân huệ và phước hạnh một người nhận được trong khi người ấy không xứng đáng lãnh nhận”. Tuy nhiên, ân điển của Đức Chúa Trời ban cho nhân loại vượt quá định nghĩa nói trên. Chẳng những chúng ta không xứng để nhận những ân huệ và phước hạnh Chúa ban cho chúng ta mà chúng ta còn đang ở trong tư thế thù nghịch, thiếu nợ Đức Chúa Trời khi ân điển được ban ra. Thí dụ sau đây có thể giúp cho chúng ta cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của ân điển đến từ Đức Chúa Trời.

Một tên trộm lẽn vào nhà một quan tòa đánh cắp một lọ cổ. Khi vừa ra khỏi nhà vị quan tòa thì tên trộm bị cảnh vệ bắt gặp. Trong khi chạy trốn, tên trộm đánh rơi chiếc lọ quý xuống đất làm cho chiếc lọ bị vỡ tan tành. Cảnh vệ bắt được tên trộm và giải đến trước mặt vị quan tòa. Dưới đây là sự đối đáp giữa quan tòa và tên trộm:

– Có phải anh ăn trộm chiếc lọ cổ của tôi?

– Thưa phải.

– Và, anh đã làm vỡ chiếc lọ?

– Dạ phải.

– Anh có biết là anh đã phạm pháp hay không?

– Thưa quan tòa tôi biết.

– Tại sao anh không làm ăn lương thiện mà đi ăn trộm?

– Thưa, tôi thất học, không biết nghề, lại nghèo túng nên không thể làm được việc gì, đành phải trộm cắp để qua ngày.

– Anh có biết là theo luật, tội ăn trộm sẽ bị phạt 2 tháng tù hoặc nộp phạt $2000 không?

– Thưa tôi biết là trộm cắp thì sẽ bị phạt.

– Ngoài ra, anh còn phải bồi thường những thiệt hại anh đã gây ra.

– Thưa quan tòa, tôi rất nghèo, không thể nộp phạt, cũng không thể bồi thường chiếc lọ đã vỡ, tôi đành chịu phạt tù vậy.

– Thôi được, tôi tha cho anh lần này. Anh về đi, và nhớ đừng bao giờ ăn trộm nữa.

Tên trộm vui mừng, tạ ơn quan tòa và tiến ra cửa. Nhưng khi ra đến cửa, tên trộm dừng bước, quay lại nhìn vị quan tòa:

– Thưa Ngài, Ngài quả thật là quá tốt đối với tôi, cho nên tôi không đành dối gạt Ngài. Tôi xin thú thật là, khi ra khỏi nơi đây, lập tức tôi sẽ tìm nhà khác để ăn trộm, bởi vì tôi không biết làm gì khác hơn là ăn trộm để sống qua ngày.

Vị quan tòa đưa tay, ra dấu gọi anh ta quay lại:

– Anh có chịu làm việc hay không?

– Thưa Ngài, như đã nói, tôi thất học và không biết nghề nghiệp gì hết.

– Anh bằng lòng làm việc bằng đôi tay và sức lực của mình để kiếm sống hay không?

– Thưa Ngài, không có ai chịu thuê mướn một tên thất học, vô nghề.

– Ngày mai anh hãy đến đây. Tôi thuê anh làm người giữ vườn. Người làm vườn của tôi sẽ dạy cho anh biết cách chăm sóc vườn.

Tên trộm ngạc nhiên, mừng rỡ, sung sướng, tạ ơn vị quan tòa nhân đức. Người cảnh vệ nói với vị quan tòa sau khi tên trộm bước ra khỏi cửa:

– Thưa Ngài, tôi khâm phục sự nhân đức của Ngài đối với tên trộm, nhưng Ngài đã vi phạm sự công chính của luật pháp khi tha cho tên trộm mà không phạt tù nó.

– Ồ! Ngày mai tôi sẽ xuất ra $2000 để nộp phạt thay cho tên trộm. Anh ta hoàn toàn tự do để làm lại cuộc đời!

Câu chuyện trên đây minh họa những lẽ thật về ân điển của Đức Chúa Trời như sau:

1) Vì lòng nhân từ, Đức Chúa Trời tha thứ tội lỗi của chúng ta. Tha thứ nghĩa là không kể chúng ta là có tội.

2) Vì lòng thương xót, Đức Chúa Trời làm sạch mọi tội lỗi của chúng ta. Làm sạch nghĩa là đem chúng ta ra khỏi quyền lực của tội lỗi, ban cho chúng ta một thân phận mới, được tái sinh, được làm con của Ngài, được Thánh Linh của Ngài ngự vào trong chúng ta, ban cho chúng ta quyền năng đắc thắng của Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời chỉ tha thứ mà không làm cho chúng ta sạch tội thì chúng ta không thể thoát vòng tôi mọi cho tội lỗi.

3) Để có thể tha thứ và làm chúng ta sạch tội, Đức Chúa Trời đã trả giá cho mọi tội lỗi của chúng ta. Đức Chúa Jesus Christ, Con Một yêu dấu của Ngài đã gánh chịu hình phạt sự phạm tội của chúng ta bằng cách chịu chết trên thập tự giá.

Để có thể đón nhận ân điển của Đức Chúa Trời, một người phải thật lòng ăn năn tội và xưng tội với Ngài. 1 Giăng 1:9 chép rằng: “Còn nếu chúng ta xưng tội mình thì Ngài là thành tín và công bình, tha tội cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác.” Sự tha thứ tội lỗi của chúng ta là ân huệ của Đức Chúa Trời. Sự làm cho chúng ta sạch tội là phước hạnh đến từ Đức Chúa Trời. Ân huệ và phước hạnh đó chính là ân điển.

Ân điển sinh ra bình an!

Khi chúng ta được tha tội, được làm cho sạch tội, chúng ta được phục hòa với Đức Chúa Trời, được trở về làm con của Ngài. Đối diện với Đức Chúa Trời, chúng ta không còn lo lắng, sợ hãi. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa diễn đạt hết ý nghĩa của sự bình an mà chúng ta có trong Chúa. Một lần nữa, chúng ta sẽ nhờ đến thí dụ về tên trộm nói trên để minh họa ý nghĩa của sự bình an.

Qua ngày hôm sau, tên trộm trở lại nhà vị quan tòa để nhận việc làm. Quan tòa mời anh ta vào văn phòng và ký vào một tờ cam kết với nội dung như sau:

1) Tất cả những hành vi sai trái của anh ta đối với vị quan tòa hoàn toàn được tha thứ và không bao giờ bị nhắc lại.

2) Hình phạt về tội lỗi của anh ta đã được vị quan tòa thay cho anh ta nộp phạt. Đối với pháp luật, anh ta hoàn toàn được tự do.

3) Để giúp cho anh ta không bao giờ phạm pháp nữa, quan tòa ký giấy cam kết rằng, anh ta được vĩnh viễn làm việc cho quan tòa, không thể bị sa thải vì bất kỳ lý do gì, ngoài trừ anh tự ý thôi việc hoặc phạm pháp.

Kể từ giây phút ký tên vào tờ cam kết đó, tên trộm thật sự trở thành một người lương thiện. Sự bình an tràn ngập trong lòng người lương thiện này. Anh không còn lo lắng, sợ hãi về quá khứ, hiện tại, lẫn tương lai. Anh biết chắc quá khứ của mình được bôi xóa, hiện tại được vững chắc và tương lai được bảo đảm. Sự bình an mà anh có đó chính là sự bình an của vị quan tòa.

Một thí dụ khác, có thể dùng để làm nỗi bật ý nghĩa sâu sa của sự bình an đến từ thiên thượng.

Bà mẹ dạy đứa con nhỏ không được chơi dao, chơi lửa. Một ngày kia, đứa nhỏ không vâng lời, chơi lửa và khiến cho nhà bị cháy. Trong cơn hỏa hoạn, bà mẹ và đứa con bị kẹt giữa biển lửa. Mặc dù tuyệt vọng nhưng bà mẹ vẫn ôm chặt lấy đứa con vào lòng, nằm phục trên nền nhà, lấy thân mình che chắn ngọn lửa lan tỏa chung quanh và những thanh gỗ rực lửa từ trên trần nhà rơi xuống, để chúng không chạm đến thân thể của con mình. Khi những người hàng xóm dập tắt được cơn hỏa hoạn, đem được hai mẹ con ra chỗ an toàn, thì người mẹ đã bị phỏng rất nặng. Từ đó, đứa con nhận biết rằng: mẹ nó sẽ không khước từ làm bất cứ điều gì, kể cả hy sinh mạng sống để giữ cho nó được bình an!

Sự bình an của Đức Chúa Trời qua Đức Chúa Jesus Christ ban cho mỗi người tin nhận Ngài là chính sự bình an của Ngài: “Ta ban sự bình an Ta cho các ngươi” (Giăng 14:27), và thậm chí Ngài đã hy sinh mọi vinh hiển và chính mạng sống của Ngài để chúng ta có thể nhận được sự bình an đó. Sự bình an đó không tạm bợ, giới hạn như “bình an của thế gian”. Sự bình an đó, tuôn chảy từ ân điển của Đức Chúa Trời, bao trùm từ vật chất đến tâm linh, ảnh hưởng cả quá khứ, hiện tại của chúng ta, và còn mãi cho đến đời đời trong sự giàu có vô lượng vô biên của ân điển Ngài.

Kết luận

Ân điển và bình an từ thiên thượng là một đặc ân và đặc quyền Đức Chúa Trời ban cho Hội Thánh của Ngài qua mỗi một tín đồ Đấng Christ. Để có thể nhận được ân điển và bình an đó, chúng ta chỉ cần ăn năn tội lỗi, xưng nhận tội mình với Đức Chúa Trời và tin nhận rằng Đức Chúa Jesus Christ đã phải chết treo thân trên thập tự giá để đền tội cho chúng ta. Ăn năn tội nghĩa là dứt khoác từ bỏ tội và đầu phục Đức Chúa Trời, vâng giữ mọi điều Chúa phán dạy được ghi chép lại trong Thánh Kinh.

Huỳnh Christian Timothy
Ngày 14-09-2008