Nhấp vào nút play ►để nghe
Môn đồ của Đấng Christ
Trước hết, chúng ta hãy luận về tư cách, phẩm chất của một người sẽ đi ra thi hành nhiệm vụ môn đồ hóa muôn dân. Chúng ta đã biết, nếu không phải là một bác sĩ thì không thể nào đào tạo ra bác sĩ, không phải là một người thợ mộc thì không thể nào đào tạo ra thợ mộc. Cũng vậy, nếu không phải là một môn đồ của Chúa thì không thể nào đào tạo ra môn đồ của Chúa. Trước khi một người có thể đi ra và dạy dỗ hoặc môn đồ hóa muôn dân thì chính người ấy phải là một môn đồ của Đấng Christ. Nên nhớ, đây là nhiệm vụ Chúa giao phó cho các môn đồ của Ngài chứ không phải cho bất kỳ ai. Một người nghe đạo và tin đạo chưa hẳn đã là một môn đồ của Chúa. Qua ngụ ngôn gieo giống chúng ta biết có những người tin đạo nhưng sau đó bội đạo khi gặp thử thách, khó khăn, hoặc vì quá lo lắng về đời này, hoặc vì có lòng say mê của cải (Ma-thi-ơ 13, Mác 4, Lu-ca 8). Môn đồ của Chúa là người nghe và làm theo lời Chúa, vâng giữ tất cả những gì Chúa đã truyền dạy. Dầu vậy, cũng có nhiều môn đồ theo Chúa một thời gian rồi bỏ Chúa vì không chấp nhận sự giảng dạy của Ngài (Giăng 6:66).
Như thế nào là môn đồ chân thật của Chúa? Thánh Kinh bày tỏ cho chúng ta những tiêu chuẩn về phẩm chất của môn đồ Đấng Christ:
1. Môn đồ của Chúa yêu Chúa hơn tất cả mọi sự, kể cả người thân, như: cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em, và ngay cả mạng sống của chính mình: “Ai yêu cha mẹ hơn ta thì không đáng cho ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn ta thì cũng không đáng cho ta” (Ma-thi-ơ 10:37). “Nếu có ai đến theo ta mà không ghét cha mẹ, vợ con, anh em, chị em mình, và chính sự sống mình nữa, thì không được làm môn đồ ta” (Lu-ca 14:26). Môn đồ của Chúa là người có thể đồng thanh với Phao-lô: “Vả, chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà sống, cũng chẳng có người nào trong chúng ta vì chính mình mà chết; vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, và nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy nên chúng ta hoặc sống hoặc chết, đều thuộc về Chúa cả.” (Rô-ma 14:7, 8)
2. Môn đồ của Chúa phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo Chúa: “Đoạn, Ngài phải cùng mọi người rằng: Nếu ai muốn theo ta, phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta” (Lu-ca 9:23). Môn đồ của Chúa là người có thể nói: “Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ, mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi; nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.” (Ga-la-ti 2:20)
3. Môn đồ của Chúa có đồng một tâm tình với Chúa, biết hạ mình và vâng phục cho đến chết, thà vâng lời Đức Chúa Trời hơn là vâng lời người ta: “Hãy có đồng một tâm tình như Đấng Christ đã có, Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ và trở nên giống như loài người; Ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự” (Phi-líp 2:5-8). “… Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta” (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29).
4. Môn đồ của Chúa học theo Chúa, trở nên nhu mì và khiêm nhường như chính Ngài: “Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta…” (Ma-thi-ơ 11:29). Môn đồ của Chúa phải thể hiện trái của Thánh Linh trong nếp sống đạo vì đã được Chúa tái sinh: “Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ” (Ga-la-ti 5:22).
5. Môn đồ của Chúa không làm việc chi vì lòng tranh cạnh, vì hư vinh, hoặc vì lợi riêng mà mọi việc đều nhân danh Chúa mà làm và làm vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời: “Chớ làm sự chi vì lòng tranh cạnh hoặc vì hư vinh, nhưng hãy khiêm nhường, coi người khác như tôn trọng hơn mình” (Phi-líp 2:3). “Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác” (I Cô-rinh-tô 10:24). “Mặc dầu anh em nói hãy làm, cũng phải nhơn danh Đức Chúa Jêsus mà làm mọi điều, nhờ Ngài mà tạ ơn Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha” (Cô-lô-se 3:17). “Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm” (I Cô-rinh-tô 10:31).
6. Môn đồ của Chúa luôn tìm theo sự nên thánh, giữ mình thánh khiết trong Chúa, chiếu sáng sự vinh hiển của Chúa qua nếp sống mới trong Chúa của mình: “Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 12:14). “Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chơn thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến” (Phi-líp 4:8). “Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi khen Cha các ngươi ở trên trời” (Ma-thi-ơ 5:16).
7. Môn đồ của Chúa không ham muốn trở nên giàu có nhưng thỏa lòng trong mọi cảnh ngộ, phó thác mọi nhu cầu lên Chúa, và biết ơn Chúa trong mọi sự: “Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn. Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi, mà tìm điều công bình, tin kính, đức tin, yêu thương, nhịn nhục, mềm mại” (I Ti-mô-thê 6:6-11). “… Tôi đã tập hễ gặp cảnh ngộ nào, cũng thỏa lòng ở vậy. Tôi biết chịu nghèo hèn, cũng biết được dư dật. Trong mọi sự và mọi nơi, tôi đã tập cả, dầu no hay đói, dầu dư hay thiếu cũng được. Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:11-13). “Chớ lo phiền chi hết, nhưng trong mọi sự hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin, và sự tạ ơn mà trình các sự cầu xin của mình cho Đức Chúa Trời” (Phi-líp 4:6).
Một người chưa hội đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất trên đây thì chưa phải là môn đồ của Chúa. Nếu chưa phải là môn đồ của Chúa thì không thể đảm nhận nhiệm vụ “đi ra, môn đồ hóa muôn dân.” Chúng ta không thể nào tự mình “ráng” cho có được những phẩm chất này. Chúng ta đương nhiên có được các phẩm chất này khi chúng ta thật lòng ăn năn, từ bỏ tội lỗi và tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ để được Đức Chúa Trời tái sinh chúng ta: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới. Mọi điều đó đến bởi Đức Chúa Trời, Ngài đã làm cho chúng ta nhờ Đấng Christ mà được hòa thuận lại cùng Ngài, và giao chức vụ giảng hòa cho chúng ta” (II Cô-rinh-tô 5:17, 18). Chức vụ giảng hòa ở đây chính là nhiệm vụ: đi ra, môn đồ hóa muôn dân! Khiến cho muôn dân qua đức tin vào trong Đấng Christ mà được phục hòa với Đức Chúa Trời và với nhau.
Hãy đi, môn đồ hóa muôn dân
Đi ra, dạy dỗ muôn dân hay môn đồ hóa muôn dân có nghĩa là đến với mọi dân tộc để dạy cho họ biết về Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi của Ngài đã ban cho nhân loại trong Đức Chúa Jesus Christ. Nhiệm vụ môn đồ hóa muôn dân khác với nhiệm vụ cá nhân chứng đạo. Trong công tác cá nhân chứng đạo chúng ta làm chứng cho từng người chưa biết Chúa về kinh nghiệm được cứu của chúng ta để dẫn họ đến với sự cứu rỗi của Đấng Christ. Trong công tác môn đồ hóa muôn dân chúng ta rao giảng Tin Lành cho từng dân tộc với tính cách đại chúng, nghĩa là cùng một lúc giảng cho nhiều người nghe, giảng cho từng làng, từng thành phố, từng quốc gia, đồng thời dùng quyền năng và lẽ thật của Tin Lành để thay đổi tín ngưỡng và phong tục của một cộng đồng, một dân tộc. Điển hình cho công tác môn đồ hóa muôn dân là: Phi-líp giảng cho dân chúng thành Sa-ma-ri, Phao-lô giảng cho dân chúng thành A-thên, và Phao-lô mở trường dạy đạo tại thành Ê-phê-sô trong suốt hai năm (Công Vụ Các Sứ Đồ 8, 17, 19).
Môn đồ hóa muôn dân là rao giảng và dạy dỗ lẽ thật của Chúa nhằm giúp cho một dân tộc từ bỏ nếp sống cũ để tiếp nhận nếp sống mới trong Chúa. Trong khi môn đồ hóa muôn dân chúng ta không thể hội nhập Tin Lành vào trong văn hóa của một dân tộc hay dung hòa cả hai vì “bình cũ không thể chứa được rượu mới,” vì khi Tin Lành đến thì “những sự cũ đã qua đi, này mọi sự đều trở nên mới.” Ngay cả văn hóa Do-thái Giáo do chính Đức Chúa Trời thiết lập cho dân tộc Y-sơ-ra-ên cũng không thể dung hòa với Tin Lành. Những khuynh hướng và phong trào kêu gọi “hội nhập văn hóa” hoàn toàn là sản phẩm dựa trên tâm lý học, dựa trên sự khôn ngoan của loài người, và phản Thánh Kinh. Khi lý luận rằng: Phải đem Tin Lành hội nhập văn hóa dân tộc mới có thể đem Tin Lành vào lòng dân tộc – là chúng ta đã vô hình chung phủ nhận quyền năng của Tin Lành. Tin Lành của Đức Chúa Trời là Tin Lành có quyền phép để cứu mọi kẻ tin (Rô-ma 1:16) chứ không phải là một thứ tôn giáo phải nhờ vào sức mạnh văn hóa của một dân tộc mới chinh phục được dân tộc đó. Văn hóa của thế gian là thứ để dành cho lửa để sẽ bị thiêu hủy mà tiêu tán (II Phi-e-rơ 3:7-10) trong khi Tin Lành là đời đời (Khải Huyền 14:6) thì làm sao có thể dung hòa với nhau?
Riêng tại Việt Nam, Giáo Hội Công Giáo mấy chục năm trước đã đi đầu trong phong trào hội nhập văn hóa qua việc cho phép giáo dân lập bàn thờ tổ tiên, dâng cúng hoa quả và thắp hương trên bàn thờ; nhiều nhà thờ được cất theo hình dáng chùa miếu với hình tượng rồng chầu; tượng của bà Ma-ri và hài nhi Jesus cũng được Việt Nam hóa: Bà Ma-ri mặc áo dài Việt Nam và hài nhi Jesus có đầu tóc ba vá (ba chòm tóc), nét mặt cả hai hình tượng là nét mặt của người Việt Nam. Mấy năm gần đây, trong cộng đồng Tin Lành người Việt, phong trào hội nhập văn hóa lại được một trường thần học Việt Nam tại California phổ biến và giảng dạy.
Muốn hoàn thành nhiệm vụ môn đồ hóa muôn dân do Đấng Christ giao phó, chúng ta phải hoàn toàn nương cậy vào quyền năng của Đức Thánh Linh (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:8): “… Ấy chẳng phải là bởi quyền thế, cũng chẳng phải là bởi năng lực, bèn là bởi Thần ta, Đức Giê-hô-va vạn quân phán vậy” (Xa-cha-ri 4:6). Thánh Kinh không bao giờ dạy chúng ta phải đem Tin Lành của Chúa hội nhập văn hóa của thế tục. Thánh Kinh không bao giờ dạy chúng ta phải tham dự những lớp huấn luyện chứng đạo hay truyền giáo. Thánh Kinh không bao giờ dạy chúng ta phải tham dự phong trào này hay phong trào nọ, hoặc phải tốt nghiệp các văn bằng thần học. Ngày nào chúng ta thực sự tin vào lời Chúa, làm đúng theo lời Chúa, ngày đó nhiệm vụ môn đồ hóa muôn dân mới có kết quả mỹ mãn. Rất dễ để cho chúng ta đọc thuộc lòng Xa-cha-ri 4:6 nhưng lại để lòng tin vào những cái gọi là huấn luyện chứng đạo, huấn luyện truyền giáo, và những bằng cấp thần học. Điều mĩa mai là trong các khóa huấn luyện, người ta thường thấy treo các biểu ngữ với câu Thánh Kinh trong Xa-cha-ri 4:6. Chúng ta đi ra chứng đạo cá nhân và truyền giáo là dựa vào sự dẫn dắt của Đức Thánh Linh và chính Ngài sẽ đặt lời nói vào môi miệng chúng ta. Chúng ta không cần theo học những khóa huấn luyện hướng dẫn cho chúng ta học thuộc lòng những câu chào hỏi, những bí quyết khai thác yếu tố tâm lý của người nghe, hoặc nghệ thuật hùng biện.
Quả thật, chúng ta không thể phủ nhận những thành quả trước mắt do các khóa huấn luyện chứng đạo, huấn luyện truyền giáo mang tới. Tuy nhiên, sự thành công đó là sự thành công theo sự khôn ngoan của thế gian, sự thành công của xác thịt. Biết bao nhiêu công ty thương mãi trong thế gian đã thành công nhờ các khóa huấn luyện dựa vào tâm lý học. Hội Thánh của Chúa không phải là một công ty thương mãi. Hội Thánh của Chúa không thuộc về thế gian và không bước đi theo sự khôn ngoan của xác thịt. Thế nên, Hội Thánh của Chúa không thể nương cậy vào những khóa huấn luyện mà nền tảng là sự khôn ngoan của tâm lý học. Nếu có tổ chức huấn luyện trong Hội Thánh, thì chỉ là huấn luyện cho môn đồ thông hiểu lời Chúa mà tài liệu huấn luyện chính là Thánh Kinh.
Trong thư Phi-líp 1:15-17 Sứ Đồ Phao-lô cho biết có những ngưòi rao giảng Tin Lành vì lòng ganh tị và cãi lẫy, không có lòng ngay thật trong khi giảng đạo nhưng ông cũng nói: “Song có hề gì! Dẫu thế nào đi nữa, hoặc làm bộ, hoặc thật thà, Đấng Christ cũng được rao truyền; ấy vì đó tôi đương mừng rỡ, và sẽ còn mừng rỡ nữa” (Phi-líp 1:18). Dĩ nhiên, chúng ta sẽ mừng rỡ như Phao-lô khi Tin Lành được rao giảng cho dù với bất kỳ động cơ nào, hoặc làm bộ, hoặc thật thà nhưng chắc chắn là chúng ta không muốn mình thuộc vào thành phần rao giảng Tin Lành không thật thà. Nói ví dụ, có người bỏ tiền ra thuê mướn các ca sĩ không tin Chúa đến trình diễn ca nhạc miễn phí cho cộng đồng người Việt để lợi dụng buổi trình diễn đó rao giảng Tin Lành. Nếu kết quả có nhiều người tin Chúa thì chúng ta cũng vui mừng nhưng trong lương tâm những môn đồ chân chính của Chúa biết rằng làm như vậy là không thật thà.
Hãy tránh xa những khóa huấn luyện chứng đạo và truyền giảng dựa vào tâm lý học và sự khôn ngoan của thế gian. Hãy dầm thấm mình trong quyền năng của Đức Thánh Linh thì chúng ta sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ môn đồ hóa muôn dân.
Điều kiện ắt có và đủ để chúng ta có thể đảm nhận và hoàn thành nhiệm vụ môn đồ hóa muôn dân chỉ là: liều mình vác thập tự giá mình đi theo Chúa và được đầy dẫy Thánh Linh. Câu Thánh Kinh trong Ê-phê-sô 5:18: “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Thánh Linh” mặc dù nói đến rượu theo nghĩa đen là một thức uống có thể làm cho say nhưng chúng ta vẫn có thể dùng đó để răn mình về các học thuyết của đời này đang được sử dụng rộng rãi trong những khóa huấn luyện mang danh “Cơ-đốc giáo dục.” Đừng say mê chạy theo các học thuyết của đời này nhưng phải đầy dẫy Thánh Linh.
(Xin xem tiếp bài: Nhiệm vụ của môn đồ Đấng Christ – Phần 2)
Huỳnh Christian Timothy
13/01/2008