Nhấp vào nút play ►để nghe
Chớ lo phiền chi hết
Yếu tố thứ nhất của tinh thần cảm tạ, là: Chớ lo phiền chi hết. Một người đang lo phiền là một người đang có nhu cầu cần phải được giải quyết. Không ai sống trong thế gian mà không có các nhu cầu từ tinh thần cho đến vật chất. Khi nhu cầu không được giải quyết thì phát sinh ra lo phiền. Con dân của Chúa cũng có các nhu cầu nhưng lại không lo phiền, vì tin chắc:
“Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành…” (II Cô-rinh-tô 9:8)
Đức tin của người tín đồ Đấng Christ là sự hoàn toàn tin cậy vào lời của Đức Chúa Trời. Đức tin là yếu tố để phát sinh ra phép lạ, vì vậy, con dân của Chúa sống hoàn toàn nhờ đức tin vào lời Chúa. Lời của Chúa trong II Cô-rinh-tô 9:8 là lời khẳng định sự ban cho rời rộng trong mọi sự của Đức Chúa Trời cho con dân của Ngài. Không những Đức Chúa Trời ban cho chúng ta được đầy đủ các nhu cầu mà Ngài còn ban cho cách dư dật để chúng ta có thể làm các thứ việc lành mà Ngài đã sắm sẵn cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:10). Chính vì tin chắc mọi nhu cầu trong đời sống sẽ được Đức Chúa Trời ban cho mà con dân Chúa không có sự lo phiền, thay vào đó là lòng biết ơn sự chăm sóc của Chúa dành cho mình. Thi Thiên 23:1 khẳng định:
“Đức Giê-hô-va là Đấng chăn giữ tôi, tôi sẽ chẳng thiếu thốn gì!”
Có người sẽ đặt câu hỏi: Nói thế nhưng sao đời sống của tôi đầy dẫy những sự khó khăn thiếu thốn? Trong thực tế, có biết bao nhiêu người tin Chúa mà vẫn sống trong cảnh lầm than, đói rách, nghèo khổ cùng cực?
Câu hỏi đó, dẫn chúng ta đến yếu tố thứ nhì của tinh thần cảm tạ.
Cảm tạ Chúa trong mọi sự
Yếu tố thứ nhì của tinh thần cảm tạ, là: Biết ơn Đức Chúa Trời trong mọi sự. Con dân Chúa biết ơn Chúa trong mọi sự, vì:
– Đức Chúa Trời không bao giờ lỉa bỏ chúng ta trong bất kỳ cảnh ngộ nào: “Ta há không có phán dặn ngươi sao? Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng; vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi vẫn ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi.” (Giô-suê 1:9) và: “… Hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu.” (Hê-bơ-rơ 13:5)
– “… mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định.” (Rô-ma 8:28)
Cảm tạ Chúa khi được bình an, vui thỏa là chuyện dễ dàng, nhưng cảm tạ Chúa trong đau thương, hoạn nạn chỉ có thể có khi chúng ta có được một đức tin vững chắc vào lời Chúa và hiểu được thánh ý của Chúa trên đời sống của chúng ta. Lời của Chúa khẳng định những đau thương, hoạn nạn Chúa cho phép xảy đến với chúng ta là phước hạnh chứ không phải là tai họa. Để có thể cảm tạ Chúa trong mọi sự, chúng ta cần ghi nhớ và tin những lời Chúa phán sau đây:
“Hỡi anh em, hãy coi sự thử thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sanh ra sự nhịn nhục.” (Gia-cơ 1:2, 3)
“… hầu cho sự thử thách đức tin anh em quí hơn vàng hay hư nát, dầu đã bị thử lửa, sanh ra ngợi khen, tôn trọng, vinh hiển cho anh em khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra.” (I Phi-e-rơ 1:7)
“Hỡi kẻ rất yêu dấu, khi anh em bị trong lò lửa thử thách, chớ lấy làm lạ như mình gặp một việc khác thường. Nhưng anh em có phần trong sự thương khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui mừng nhảy nhót. Ví bằng anh em vì cớ danh Đấng Christ chịu sỉ nhục, thì anh em có phước; vì sự vinh hiển và Thánh Linh của Đức Chúa Trời đậu trên anh em.” (I Phi-e-rơ 4:12-14)
“Ta đã bảo các ngươi những điều đó, hầu cho các ngươi có lòng bình yên trong ta. Các ngươi sẽ có sự hoạn nạn trong thế gian, nhưng hãy cứ vững lòng, ta đã thắng thế gian rồi!” (Giăng 16:33)
“Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn. Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng, vô biên, bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy.” (II Cô-rinh-tô 4:16-18)
“Đức Chúa Trời ban mọi ơn đã gọi anh em đến sự vinh hiển đời đời của Ngài trong Đấng Christ, thì sau khi anh em tạm chịu khổ, chính Ngài sẽ làm cho anh em trọn vẹn, vững vàng, và thêm sức cho.” (I Phi-e-rơ 5:10)
Hầu hết những lời khuyên dạy trên đây do Sứ Đồ Phao-lô ghi lại trong Thánh Kinh. Thế nhưng, cũng chính Sứ Đồ Phao-lô tâm sự về hoàn cảnh sống của ông như sau:
“Họ là kẻ hầu việc của Đấng Christ phải chăng? Ừ, tôi nói như kẻ dại dột, tôi lại là kẻ hầu việc nhiều hơn! Tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn, tù rạc nhiều hơn, đòn vọt quá chừng. Đòi phen tôi gần phải bị chết; năm lần bị người Giu-đa đánh roi, mỗi lần thiếu một roi đầy bốn chục; ba lần bị đánh đòn; một lần bị ném đá; ba lần bị chìm tàu. Tôi đã ở trong biển sâu một ngày một đêm.
Lại nhiều lần tôi đi đường nguy trên sông bến, nguy với trộm cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả dối; chịu khó chịu nhọc, lắm lúc thức đêm, chịu đói khát, thường khi phải nhịn ăn, chịu lạnh và lõa lồ. Còn chưa kể mọi sự khác, là mỗi ngày tôi phải lo lắng về hết thảy các Hội thánh.” (II Cô-rinh-tô 11:23-28)
Trong mọi nghịch cảnh, Đức Chúa Trời vẫn ở cùng chúng ta. Ngài cho phép khó khăn, hoạn nạn, thử thách đến với chúng ta và nắm tay chúng ta vượt qua khỏi những sự đó để rèn luyện chúng ta. Chính vì thế mà chúng ta cần phải cảm tạ Chúa trong mọi sự.
Kết luận
Chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài luôn chăm sóc chúng ta (I Phi-e-rơ 5:7). Chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài không bao giờ lìa bỏ chúng ta. Chúng ta cảm tạ Chúa vì trong Chúa chúng ta không thiếu thốn gì. Nếu sự thiếu thốn và khó khăn có xảy đến cho chúng ta, thì chúng ta cảm tạ Chúa vì Ngài cho phép nghịch cảnh xảy ra để rèn luyện chúng ta. Chúng ta cảm tạ Chúa vì:
“… bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta.” (Rô-ma 8:38, 39)
Cho nên, tinh thần cảm tạ chính là: Chớ lo phiền chi hết và biết ơn Chúa trong mọi sự!
Huỳnh Christian Timothy
18/11/2007