Hội Thánh – Phần 03: Các Chức Vụ – Chức Vụ Sứ Đồ

3,857 views

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDE2ODY2X1lpSWJi

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://od.lk/f/MV8zMzE5Mzg4Nl8

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Hội Thánh là thân thể của Đức Chúa Jesus Christ trong sự tương giao với Thiên Chúa, là đền thờ của Đức Chúa Trời trong sự thờ phượng Thiên Chúa, là công cụ của Đức Thánh Linh để hoàn thành ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế, Hội Thánh là một tổ chức do chính Đức Chúa Jesus Christ lập ra theo thánh ý của Đức Chúa Trời, bởi năng lực của Đức Thánh Linh.

Là một tổ chức, Hội Thánh được điều khiển bởi chính Đức Chúa Jesus Christ. Thánh Kinh đã nhiều lần khẳng định, Đức Chúa Jesus Christ là đầu của Hội Thánh. Trong khi đó, các giáo hội mang danh Chúa ngang nhiên đưa những người cầm đầu của giáo hội vào trong địa vị đứng đầu Hội Thánh, khi họ gọi giáo hội của họ là “hội thánh” mà lại đặt ra các chức vị: giáo hoàng, hội trưởng, giáo trưởng, chủ tịch… Thánh Kinh không bao giờ nói đến những chức vị như thế. Thánh Kinh ghi rõ, Chúa lập ra các chức vụ trong Hội Thánh nhưng Thánh Kinh không hề dạy rằng các chức vụ ấy được kèm theo chức vị.

Một Số Từ Ngữ Liên Quan đến Chữ “Chức”

Trước khi tìm hiểu về các chức vụ trong Hội Thánh, thiết tưởng, chúng ta cần xét qua định nghĩa của một số từ ngữ liên quan đến chữ “chức!”

  • Chức: (Danh từ). Nhiệm vụ hoặc vai trò làm một công việc gì, như: chức ghi chép sổ sách, văn bản; chức lái xe đưa người đi đây đi đó; chức canh giữ cửa, kiểm soát người ra vào, chức cho chiên của Chúa ăn (Giăng 21:15-17; Ê-phê-sô 4:11)… Thí dụ: Trong vai trò cho chiên của Chúa ăn, Phi-e-rơ đã trung tín làm tròn nhiệm vụ Chúa giao phó!

  • Chức danh hoặc chức vụ: (Danh từ). Tên gọi của một nhiệm vụ, một vai trò làm công việc, như: thư ký, tài xế, gác dan, người chăn bầy hoặc mục tử… Thí dụ: Phi-e-rơ là người đầu tiên được Chúa giao cho chức vụ người chăn bầy.

  • Chức sắc: (Danh từ). (1) Chức vị tại làng, xã, tổng thời phong kiến, như: chánh tổng, lý trưởng, trương tuần… (2) Chức vị do các tổ chức tôn giáo ban phong trong giáo hội, như: giáo hoàng, giáo trưởng, linh mục, mục sư, thượng tọa, hòa thượng…

  • Chức vị: (Danh từ). Tên gọi của một địa vị kèm theo một chức vụ, thời phong kiến gọi là chức tước, thời nay gọi là chức vị, như: tổng thống, chủ tịch, thủ tướng…

Chúng ta thấy, có khi từ ngữ được dùng cho chức danh hoặc chức vụ cũng được dùng cho chức vị, như: chức danh hoặc chức vụ “tổng thống” và chức vị “tổng thống.” Tuy nhiên, chỉ có chức danh hoặc chức vụ “gác dan” mà không có chức vị “gác dan.” Bởi vì, chỉ có những chức vụ nào có địa vị được tôn cao theo cấp bậc trong một tổ chức thì mới có chức vị.

  • Tổ chức chính quyền có các chức vị đi từ thấp lên cao: trương tuần, lý trưởng, chánh tổng; dân biểu, nghị sĩ, bộ trưởng, tổng thống…

  • Tổ chức tôn giáo có các chức vị đi từ thấp lên cao: đại đức, hòa thượng, thượng tọa, tăng thống; phó tế, linh mục, giám mục, giáo hoàng; chấp sự hoặc trị sự, truyền đạo, mục sư, giáo trưởng hoặc hội trưởng hoặc chủ tịch…

  • Tổ chức công ty thương mãi có các chức vụ đi từ thấp lên cao: trưởng ban, trưởng phòng, giám đốc, chủ tịch hoặc tổng giám đốc.

Chỉ trong những tổ chức có chức vị mới có sự lên chức và xuống chức. Hội Thánh của Chúa không hề có sự lên chức hay xuống chức, vì trong Hội Thánh của Chúa không có chức vị.

Các Chức Vụ Trong Hội Thánh

Mỗi chức vụ trong Hội Thánh được Chúa lập ra để điều hành và phát triển Hội Thánh. Mỗi chức vụ trong Hội Thánh là một chức năng, tức khả năng làm việc, như chức năng của từng chi thể trong một thân thể. Không hề có chuyện bàn chân được lên chức bàn tay, lỗ mũi được lên chức lỗ tai, quả thận được lên chức quả tim! Thì cũng vậy, trong Hội Thánh của Chúa không hề có chuyện người rao giảng Tin Lành được lên chức chăn bầy và người chăn bầy được lên chức sứ đồ hoặc ngược lại!

Trong Hội Thánh của Chúa, chính Đức Chúa Trời lập ra các chức vụ, Đức Chúa Jesus Christ kêu gọi một người vào trong chức vụ, Đức Thánh Linh ban ân tứ và năng lực để người ấy thi hành chức vụ:

“Đức Chúa Trời đã lập trong Hội Thánh, thứ nhất là sứ đồ, thứ nhì là tiên tri, thứ ba là người giảng dạy, kế đến người làm phép lạ, rồi người được ơn chữa bịnh, cứu giúp, cai quản, nói các thứ tiếng” (I Cô-rinh-tô 12:28).

“Ấy chính Ngài đã cho một số người làm sứ đồ, một số làm tiên tri, một số làm người giảng Tin Lành, một số làm người chăn và người dạy” (Ê-phê-sô 4:11).

“Vả, có các sự ban cho khác nhau, nhưng chỉ bởi cùng Đấng Thần Linh” (I Cô-rinh-tô 12:4).

Các chức vụ trong Hội Thánh có thể được chia thành bảy phương diện như sau:

  1. Phương diện giảng dạy, bao gồm các chức vụ: sứ đồ, tiên tri, giảng Tin Lành, dạy Thánh Kinh.

  2. Phương diện làm phép lạ.

  3. Phương diện chữa bệnh.

  4. Phương diện cứu giúp.

  5. Phương diện cai trị, bao gồm các chức vụ: sứ đồ, giám mục, trưởng lão, chăn bầy.

  6. Phương diện nói ngoại ngữ và thông dịch ngoại ngữ.

  7. Phương diện điều hành các sinh hoạt thuộc thể của Hội Thánh: chức vụ chấp sự.

Vì các chức vụ được Đức Chúa Trời lập ra để xây dựng và phát triển Hội Thánh, cho nên, các chức vụ sẽ tồn tại trong Hội Thánh cho đến khi Chúa cất Hội Thánh ra khỏi thế gian. Tiếp theo đây, chúng ta hãy tìm hiểu chi tiết về mỗi chức vụ, về việc Chúa kêu gọi và ban chức vụ cho một người.

Chức Vụ Sứ Đồ

Từ ngữ “sứ đồ” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh là “ἀπόστολος,” G652, được chuyển ngữ quốc tế thành (apostolos), phiên âm quốc tế là /ap-os’-tol-os/, phiên âm tiếng Việt là /a-pó-s-tô-lót-s/; có nghĩa là: người được sai đi làm một nhiệm vụ.

Chức vụ sứ đồ là chức vụ được Chúa lập ra trước khi Hội Thánh được thành lập. Chức vụ sứ đồ đóng góp cách tích cực trong công tác rao giảng Lời Chúa, để qua đó, phối hợp với lời rao giảng của các tiên tri thời Cựu Ước và thân vị của Đức Chúa Jesus Christ, mà lập thành nền tảng chân thật của Hội Thánh (Ê-phê-sô 2:20). Sau khi Hội Thánh được thành lập trong ngày Lễ Ngũ Tuần, nhằm Thứ Sáu ngày 30.5.27 [1], thì các sứ đồ vẫn tiếp tục nhiệm vụ trong Hội Thánh.

Lúc ban đầu, có 12 môn đồ của Chúa được Chúa gọi và ban cho chức vụ Sứ Đồ (Lu-ca 6:12-16):

12 Trong lúc đó, Đức Chúa Jesus đi lên núi để cầu nguyện; và thức thâu đêm cầu nguyện Đức Chúa Trời.
13 Đến sáng ngày, Ngài đòi môn đồ đến, chọn mười hai người, gọi là sứ đồ:
14 Si-môn, Ngài đặt tên là Phi-e-rơ, Anh-rê em ruột của Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng, Phi-líp và Ba-thê-lê-my,
15 Ma-thi-ơ và Thô-ma, Gia-cơ con của A-phê, Si-môn gọi là Xê-lốt,
16 Giu-đa con của Gia-cơ và Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là kẻ phản Ngài.

Danh sách, nhiệm vụ, và năng lực của 12 sứ đồ được ghi chép cách chi tiết trong Ma-thi-ơ chương 10 như sau:

1 Đức Chúa Jesus gọi mười hai môn đồ đến, ban quyền phép trừ tà ma, và chữa các thứ tật bịnh.
2 Tên mười hai sứ đồ như sau đây: Sứ đồ thứ nhất là Si-môn, cũng gọi là Phi-e-rơ, và Anh-rê là em người; Gia-cơ con của Xê-bê-đê, và Giăng là em Gia-cơ;
3 Phi-líp cùng Ba-tê-lê-my; Thô-ma, và Ma-thi-ơ là người thâu thuế; Gia-cơ con của A-phê, cùng Tha-đê;
4 Si-môn là người Ca-na-an, cùng Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, là kẻ phản Đức Chúa Jesus.
5 Ấy đó là mười hai sứ đồ Đức Chúa Jesus sai đi, và có truyền rằng: Đừng đi đến dân ngoại, cũng đừng vào một thành nào của dân Sa-ma-ri cả;
6 song thà đi đến cùng những con chiên lạc mất của nhà I-sơ-ra-ên.
7 Khi đi đàng, hãy rao giảng rằng: Nước thiên đàng gần rồi.
8 Hãy chữa lành kẻ đau, khiến sống kẻ chết, làm sạch kẻ phung, và trừ các quỷ. Các ngươi đã được lãnh không thì hãy cho không.
9 Đừng đem vàng, hoặc bạc, hoặc tiền trong lưng các ngươi;
10 cũng đừng đem cái bao đi đường, hoặc hai áo, giày, gậy; vì người làm việc đáng được đồ ăn.
11 Các ngươi vào thành nào hay là làng nào, hãy hỏi thăm ai là người đáng tiếp rước mình, rồi ở nhà họ cho đến lúc đi.
12 Và khi vào nhà nào, hãy cầu bình an cho nhà ấy;
13 nếu nhà đó xứng đáng, thì sự bình an các ngươi xuống cho; bằng không, thì sự bình an các ngươi trở về các ngươi.
14 Nếu ai không tiếp rước, không nghe lời các ngươi, khi ra khỏi nhà đó, hay là thành đó, hãy phủi bụi đã dính chân các ngươi.
15 Quả thật, Ta nói với các ngươi, đến ngày phán xét, thì xứ Sô-đôm và xứ Gô-mô-rơ sẽ chịu đoán phạt nhẹ hơn thành ấy.
16 Kìa, Ta sai các ngươi đi khác nào như chiên vào giữa bầy muông sói. Vậy, hãy khôn khéo như rắn, đơn sơ như chim bồ câu.
17 Hãy coi chừng người ta; vì họ sẽ nộp các ngươi trước tòa án, đánh đòn các ngươi trong nhà hội;
18 lại vì cớ Ta mà các ngươi sẽ bị giải đến trước mặt các quan tổng đốc và các vua, để làm chứng trước mặt họ và các dân ngoại.
19 Song, khi họ sẽ đem nộp các ngươi, thì chớ lo về cách nói làm sao, hoặc nói lời gì; vì những lời đáng nói sẽ chỉ cho các ngươi chính trong giờ đó.
20 Ấy chẳng phải tự các ngươi nói đâu, song là Đấng Thần Linh của Cha các ngươi sẽ từ trong lòng các ngươi nói ra.
21 Anh sẽ nộp em cho bị giết, cha sẽ nộp con cho bị giết, con cái sẽ dấy lên nghịch cùng cha mẹ mà làm cho người phải chết đi.
22 Các ngươi lại sẽ bị thiên hạ ghen ghét vì danh Ta; song ai bền lòng cho đến cuối cùng, thì sẽ được rỗi.
23 Khi nào người ta bắt bớ các ngươi trong thành nầy, thì hãy trốn qua thành kia; vì Ta nói thật, các ngươi đi chưa khắp các thành dân I-sơ-ra-ên thì Con Người đã đến rồi.
24 Môn đồ không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ.
25 Môn đồ được như thầy, tôi tớ được như chủ, thì cũng đủ rồi. Nếu người ta đã gọi chủ nhà là Bê-ên-xê-bun, phương chi là người nhà!
26 Vậy, các ngươi đừng sợ; vì chẳng có việc gì giấu mà chẳng phải bày ra, cũng chẳng có việc gì kín nhiệm mà sau sẽ chẳng biết.
27 Cho nên lời Ta phán cùng các ngươi trong nơi tối tăm, hãy nói ra nơi sáng láng; và lời các ngươi nghe kề lỗ tai, hãy giảng ra trên mái nhà.
28 Đừng sợ kẻ giết thân thể mà không giết được linh hồn; nhưng thà sợ Đấng hủy diệt được linh hồn và thân thể trong địa ngục.
29 Hai con chim sẻ há chẳng từng bị bán một đồng tiền sao? Và ví không theo ý muốn Cha các ngươi, thì không hề một con nào rơi xuống đất.
30 Tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm hết rồi.
31 Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quý trọng hơn nhiều con chim sẻ.
32 Bởi đó, ai xưng Ta ra trước mặt thiên hạ, thì Ta cũng sẽ xưng họ trước mặt Cha Ta ở trên trời;
33 còn ai chối Ta trước mặt thiên hạ, thì Ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha Ta ở trên trời.
34 Chớ tưởng rằng Ta đến để đem sự bình an cho thế gian; Ta đến, không phải đem sự bình an, mà là đem gươm giáo.
35 Ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, dâu với bà gia;
36 và người ta sẽ có kẻ thù nghịch, là người nhà mình.
37 Ai yêu cha mẹ hơn Ta thì không đáng cho Ta; ai yêu con trai hay là con gái hơn Ta thì cũng không đáng cho Ta;
38 ai không vác thập tự mình mà theo Ta, thì cũng chẳng đáng cho Ta.
39 Ai gìn giữ sự sống mình, thì sẽ mất; còn ai vì cớ Ta mất sự sống mình, thì sẽ tìm lại được.
40 Ai rước các ngươi, tức là rước Ta; ai rước Ta, tức là rước Đấng đã sai Ta.
41 Ai rước một đấng tiên tri vì là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của đấng tiên tri; ai rước một người công chính vì là công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính.
42 Ai sẽ cho một người trong bọn nhỏ nầy chỉ uống một chén nước lạnh, vì người nhỏ đó là môn đồ Ta, quả thật, Ta nói với các ngươi, kẻ ấy sẽ chẳng mất phần thưởng của mình đâu.

Qua các câu Thánh Kinh trên, chúng ta nhận ra được các chi tiết sau đây, liên quan đến chức vụ sứ đồ:

  1. Được Đức Chúa Jesus Christ kêu gọi và ban cho thẩm quyền để rao giảng Tin Lành, chữa bệnh, đuổi quỷ, khiến sống kẻ chết.

  2. Không được lãnh tiền công hay tiền lương trong khi thi hành nhiệm vụ.

  3. Không tự bỏ tiền túi ra để chi phí cho các nhu cầu trong cuộc sống nhưng nhận lãnh sự tiếp trợ từ những người nghe giảng.

  4. Trước khi Hội Thánh được thành lập thì chỉ rao giảng cho người I-sơ-ra-ên. Sau khi Hội Thánh được thành lập thì rao giảng cho muôn dân: “Vậy, hãy đi khiến cho muôn dân trở nên môn đồ. Trong danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh hãy làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi” (Ma-thi-ơ 28:19-20).

  5. Bị thiên hạ ghét, bị chính quyền bắt bớ, bị người nhà từ bỏ và giao nộp cho chính quyền.

  6. Công bố những điều Chúa đã truyền cho thiên hạ.

  7. Được Đức Chúa Trời bảo vệ, được Đức Thánh Linh bênh vực, ban cho sự khôn ngoan để đối đáp với chính quyền, được Đức Chúa Jesus Christ đồng hành (Ma-thi-ơ 28:20).

Trước khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá để hoàn thành công cuộc cứu chuộc nhân loại, thì một trong 12 sứ đồ đã phản nghịch Ngài. Đó là Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Sau khi chỉ điểm cho Chúa bị bắt, Giu-đa đã hối hận và treo cổ, tự sát. Sau khi Chúa phục sinh và thăng thiên thì Sứ Đồ Phi-e-rơ đã triệu tập khoảng 120 môn đồ của Chúa để bắt thăm, chọn một sứ đồ khác, thay thế cho Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt. Môn đồ Ma-thia được trúng thăm (Công Vụ Các Sứ Đồ 1:15-26).

Chúng ta không có cách gì để biết chắc, Sứ Đồ Phi-e-rơ hành động như vậy là theo suy nghĩ của riêng ông hay là bởi sự phán dạy của Chúa. Tuy nhiên, qua Thánh Kinh, chúng ta có thể ghi nhận các chi tiết sau:

  • Việc bắt thăm, chọn người thay thế cho Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt xảy ra trước khi Đức Thánh Linh giáng lâm và ngự trong lòng người tin Chúa, tức là trước khi Hội Thánh được thành lập. Chúng ta không có dữ kiện nào trong Thánh Kinh để khẳng định việc bắt thăm, chọn người thay thế cho Giu-đa Ích-ca-ri-ốt là ý Chúa. Có nhiều điều trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta chọn làm theo sự suy nghĩ và ước muốn của chúng ta chứ không phải là ý Chúa, mà Chúa vẫn cho phép chúng ta làm, như sự kiện dân I-sơ-ra-ên đòi có vua.

  • Điều kiện do Phi-e-rơ đưa ra trong việc lập sứ đồ không được Chúa áp dụng cho Sứ Đồ Phao-lô. Đó là điều kiện: Phải là môn đồ của Đức Chúa Jesus Christ trong suốt khoảng thời gian Giăng làm báp-tem cho Chúa cho đến khi Chúa thăng thiên.

  • Lời Chúa xác nhận, Chúa đã chọn Phao-lô làm sứ đồ để rao giảng danh Ngài cho dân ngoại lẫn dân I-sơ-ra-ên: “Hãy đi, vì Ta đã chọn người nầy làm một đồ dùng Ta, để đem danh Ta rao truyền trước mặt các dân ngoại, các vua, và con cái I-sơ-ra-ên” (Công Vụ Các Sứ Đồ 9:15). Chính Phao-lô xác nhận ông được Chúa gọi làm sứ đồ: “Đức Chúa Trời, là Đấng đã để riêng tôi ra từ lúc còn trong lòng mẹ, và lấy ân điển gọi tôi, vui lòng bày tỏ Con của Ngài ra trong tôi, hầu cho tôi rao truyền Con đó ra trong người ngoại đạo” (Ga-la-ti 1:15-16). Phao-lô cũng khẳng định là các sứ đồ tại Giê-ru-sa-lem đã công nhận chức vụ sứ đồ của ông: “Trái lại, họ thấy sự giảng Tin Lành cho kẻ không chịu phép cắt bì đã giao cho tôi, cũng như sự giảng Tin Lành cho người chịu phép cắt bì đã giao cho Phi-e-rơ vậy, vì Đấng đã cảm động trong Phi-e-rơ để sai người làm sứ đồ cho những kẻ chịu cắt bì, cũng cảm động trong tôi để sai tôi làm sứ đồ cho dân ngoại” (Ga-la-ti 2:8).

Chúng ta có thể nói rằng: Chúa đã lập chức vụ sứ đồ trước khi Chúa thành lập Hội Thánh. Chúa đã kêu gọi nhiều người vào chức vụ sứ đồ trước khi Chúa thành lập Hội Thánh. Chúa tiếp tục gọi người vào chức vụ sứ đồ sau khi Hội Thánh được thành lập, mà Phao-lô là một điển hình.

Ngoài ra, Thánh Kinh cũng dùng danh xưng sứ đồ cho nhiều người khác:

  • Công Vụ Các Sứ Đồ 14:4 và 14:14, trong nguyên ngữ Hy-lạp, dùng danh từ sứ đồ số nhiều để gọi chung Phao-lô và Ba-na-ba.

  • Trong Rô-ma 16:7, Phao-lô gọi An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a là hai người nổi danh trong các sứ đồ: “Hãy chào An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a, tức là bà con và bạn đồng tù với tôi, là hai người có danh vọng trong các sứ đồ và thuộc về Đấng Christ trước tôi vậy.” Theo văn phạm của Hy-lạp thì câu này có nghĩa là: An-trô-ni-cơ và Giu-ni-a là hai sứ đồ nổi danh trong các sứ đồ.

  • Đối chiếu I Tê-sa-lô-ni-ca 1:1 với I Tê-sa-lô-ni-ca 2:6, chúng ta thấy Phao-lô gọi Si-la và Ti-mô-thê là sứ đồ: “Phao-lô, Si-la, và Ti-mô-thê gởi cho Hội-thánh ở thành Tê-sa-lô-ni-ca trong Thiên Phụ và trong Đức Chúa Jesus Christ. Nguyền xin ân điển ban cho anh em cùng sự bình an từ Thiên Phụ chúng ta và từ Đức Chúa Jesus Christ!” – “Dẫu rằng chúng tôi có thể bắt anh em tôn trọng chúng tôi, vì là các sứ đồ của Đấng Christ, song cũng chẳng cầu vinh quang đến từ loài người, hoặc từ nơi anh em, hoặc từ nơi kẻ khác.”

Cuối cùng, có những người bị gọi là sứ đồ giả, khiến cho chúng ta có thể hiểu là, ngoài các sứ đồ được ghi tên trong Thánh Kinh, vẫn có nhiều sứ đồ khác trong Hội Thánh của Chúa. II Cô-rinh-tô 11:12-13 cho biết, những người bị gọi là sứ đồ giả không phải vì họ mạo danh 12 sứ đồ ban đầu, mà vì họ dùng mưu kế và sự khoe khoang để khiến Hội Thánh công nhận họ là sứ đồ: “Song điều tôi làm, tôi còn làm nữa, để cất mọi mưu của kẻ tìm mưu, hầu cho trong những sự họ lấy mà khoe mình, chẳng có một sự nào trổi hơn chúng tôi được. Vì mấy người như vậy là sứ đồ giả, là kẻ làm công lừa dối, mạo chức sứ đồ của Đấng Christ” (II Cô-rinh-tô 11:12-13). Khải Huyền 2:2 cho biết Hội Thánh tại Ê-phê-sô đã thử nghiệm những kẻ tự xưng là sứ đồ mà không phải là sứ đồ: “Ngươi đã thử những kẻ tự xưng là các sứ đồ mà không phải và đã tìm ra chúng là những kẻ dối trá.”

Chúng ta nhận thấy, Chúa sai các sứ đồ ra đi từng cặp hai người (Mác 6:7). Khi Chúa sai 70 môn đồ ra đi làm công việc giảng Tin Lành, Ngài cũng sai họ đi từng cặp hai người (Lu-ca 10:1). Lý do có thể là vì năng lực của hai người hợp lại thì mạnh hơn là năng lực của từng người, như Phục Truyền Luật Lệ Ký 32:30 đã nói đến: “…một người rượt nổi ngàn người, và hai người đuổi mười ngàn người trốn đi.” Mặt khác, đi thành từng cặp vừa có bạn, vừa có thể nâng đỡ lẫn nhau. Vì thế, các sứ đồ ngày nay, nếu độc thân, cũng nên đi thành từng cặp, nếu có gia đình, hãy đem vợ theo.

Trên bước đường rao giảng Tin Lành, khi có người tin nhận Chúa và Hội Thánh địa phương được thành lập, thì sứ đồ có nhiệm vụ chọn các trưởng lão để chăm sóc Hội Thánh địa phương:

  • Phao-lô và Ba-na-ba chọn trưởng lão cho các Hội Thánh tại Lít-trơ, Y-cô-ni, và An-ti-ốt: “Khi hai sứ đồ khiến lựa chọn những trưởng lão trong mỗi Hội Thánh, cầu nguyện và kiêng ăn xong, thì dâng các người đó cho Chúa là Đấng mình đã tin đến” (Công Vụ Các Sứ Đồ 14:23).

  • Phao-lô nhắc nhở Tít về việc lập các trưởng lão trong mỗi thành phố: “Ta đã để con ở lại Cơ-rết, đặng sắp đặt mọi việc chưa thu xếp, và theo như ta đã răn bảo cho con mà lập những trưởng lão trong mỗi thành” (Tít 1:5). Điều này cho thấy Tít cũng là một sứ đồ.

Chúng ta có thể kết luận về chức vụ sứ đồ như sau:

  • Sứ đồ là người được Chúa chọn và sai đi khắp thế gian để rao giảng Tin Lành. Chính Đức Chúa Jesus Christ kêu gọi họ và ban cho họ thẩm quyền để giảng Đạo, chữa bệnh, trừ quỷ, khiến sống kẻ chết. Họ sẽ bị bắt bớ bởi gia đình, dân tộc, và bởi cả thế gian. Đức Chúa Cha sẽ bảo vệ họ, Đức Chúa Con sẽ đồng hành với họ, Đức Thánh Linh sẽ ban năng lực và sự khôn ngoan cho họ. Họ sẽ được nuôi mình bởi sự tiếp trợ của những người nghe họ rao giảng.

  • Chức vụ và thẩm quyền của sứ đồ là chức vụ và thẩm quyền thuộc linh, vì thế, chức vụ và thẩm quyền ấy đến trực tiếp từ Đức Chúa Jesus Christ. Chức vụ và thẩm quyền ấy không thể giao truyền theo kiểu “nối nghiệp;” cũng không do một tổ chức tôn giáo nào ban cho; và không cần một tổ chức tôn giáo nào công nhận. Chính Hội Thánh địa phương do các sứ đồ thành lập công nhận chức vụ và thẩm quyền của các sứ đồ cùng các trưởng lão do các sứ đồ lập ra. Trong I Cô-rinh-tô 9:2 Phao-lô nói với Hội Thánh Cô-rinh-tô như sau: “Nếu tôi không phải là sứ đồ cho kẻ khác, ít nữa cũng là sứ đồ cho anh em; vì chính anh em là ấn tín của chức sứ đồ tôi trong Chúa.” Ý của Phao-lô là: Chính tôi đã giảng Tin Lành cho các anh em, các anh em đã tiếp nhận Tin Lành ấy và trở nên Hội Thánh của Chúa. Vậy thì, chính các anh em là bằng chứng cho chức vụ và thẩm quyền sứ đồ của tôi!

Ngày nay, hễ người nào được sự kêu gọi của Chúa và vui lòng đáp lại, bỏ hết mọi sự, bởi đức tin, đi theo tiếng gọi của Chúa để rao giảng Tin Lành, thì người ấy là sứ đồ của Chúa.

  • Sứ đồ của Chúa có thể đem vợ theo trên bước đường rao giảng Đạo: “như các sứ đồ khác cùng các anh em Chúa và Sê-pha đã làm” (I Cô-rinh-tô 9:5).

  • Sứ đồ của Chúa nên tự túc kiếm sống như Phao-lô đã làm: “Tôi chẳng ham bạc, vàng, hay là áo xống của ai hết. Chính anh em biết rằng hai bàn tay nầy đã làm ra sự cần dùng của tôi và của đồng bạn tôi. Tôi từng bày bảo luôn cho anh em rằng phải chịu khó làm việc như vậy, để giúp đỡ người yếu đuối, và nhớ lại lời chính Đức Chúa Jesus có phán rằng: Ban cho thì có phước hơn nhận lãnh” (Công Vụ Các Sứ Đồ 20:33-35).

  • Sứ đồ của Chúa có thể tiếp nhận sự tiếp trợ vật chất từ Hội Thánh như Phao-lô đã nhận từ Hội Thánh Phi-líp: “Hỡi người Phi-líp, anh em cũng biết rằng lúc tôi khởi giảng Tin Lành trong khi lìa xứ Ma-xê-đoan, thì ngoài Hội Thánh của anh em, chẳng có Hội Thánh nào khác thông công với tôi trong sự ban cho và nhận lãnh cả; vì tại Tê-sa-lô-ni-ca, anh em đã một hai lần gởi đồ cung cấp về sự cần dùng cho tôi vậy” (Phi-líp 4:15-16).

Giáo lý dạy rằng, ngày nay không còn chức vụ sứ đồ trong Hội Thánh là một giáo lý không ra từ Thánh Kinh, mà ra từ truyền thống của một số giáo hội.

Dựa trên lẽ thật của Lời Chúa, quý anh em nào không ở trong các tổ chức giáo hội nhưng đang vâng theo tiếng gọi của Chúa, dấn thân rao giảng Tin Lành, thành lập các Hội Thánh địa phương, và sống đúng theo các tiêu chuẩn của một sứ đồ, hãy mạnh dạn cảm tạ Chúa đã ban cho mình chức vụ và thẩm quyền của một sứ đồ trong Hội Thánh của Ngài.

Trong thực tế, có một số con dân Chúa tin nhận lẽ thật của Lời Chúa qua công tác rao giảng của chúng tôi trên Internet, rồi được sự kêu gọi của Chúa, vâng lời Ngài, đi ra rao giảng Tin Lành, thành lập các Hội Thánh địa phương tại các thành phố hay nơi các thôn làng, buôn bản… Với các anh em đó, chúng tôi công nhận họ là các sứ đồ của Chúa và chúng tôi cầu xin ngày càng có nhiều sứ đồ trong Hội Thánh Việt Nam, để nhiều người Việt Nam được nghe biết lẽ thật của Thánh Kinh, được cứu, và Hội Thánh của Chúa giữa lòng dân tộc Việt Nam được lớn mạnh, vững vàng, đầy ơn, trước ngày Chúa trở lại!

Vào năm 2005, trong một lần nhà tôi là Mỹ Linh, khóc lóc, cầu nguyện cho dân tộc Việt Nam và cầu thay cho Hội Thánh Việt Nam được phục hưng, thì được nghe Chúa phán dạy, mà cô đã xin phép Chúa được lấy giấy bút ghi chép lại, như sau:

Chúa phán với Mỹ Linh:

– Hãy kêu cầu Ta, Ta sẽ trả lời cho.

Mỹ Linh ngạc nhiên, thưa với Chúa:

– Chúa ơi! Con đang kêu cầu Chúa cho dân tộc Việt Nam được cứu mà! Sao Chúa lại bảo con “Hãy kêu cầu Ta?”

Chúa phán:

– Hãy xin điều ngươi muốn Ta làm.

Cô bèn trả lời:

– Ôi! Lạy Chúa! Con muốn Chúa cứu dân tộc Việt Nam con vào nước của Ngài!

Liền theo đó, Chúa nghiêm khắc phán dạy:

– Hãy thánh sạch! Hội Thánh phải ăn năn. Ai có hai lòng, phải làm sạch lòng mình! Tay Đức Giê-hô-va chẳng ngắn. Lỗ tai Ngài không nặng nề mà không nghe đâu. Nhưng vì tội lỗi các ngươi đã che khuất mặt Ngài. Không thấy ai cầu thay. Bảo với chúng nó, Ta không chậm trể về lời hứa của Ta, nhưng vì chúng nó chậm trể. Ta giận, không phải vì chúng nó phạm tội, mà vì chúng khinh lờn huyết của Con Ta; không tin Lời Ta, và cũng không làm theo; nên chúng bị diệt, tưởng mình thông biết!

Dân tộc con phạm thượng, kêu trời vô cớ. Hãy cầu nguyện cho kẻ thù, vì họ cũng cần sự cứu rỗi. Đừng cầu nguyện xin đập tan thần tượng. Ta là bác sĩ đại tài. Trị bệnh thì trị tận gốc. Giết rắn thì phải đập đầu. Dân tộc con đã nhận rồng làm cha. Các con đã mời nó vào thì phải đuổi nó ra; thì các linh sợ hãi không còn cai trị họ. Hình tượng bị vô hiệu hóa thì Tin Lành sẽ được tiếp nhận dễ dàng… Hai mươi lăm năm trước Ta đã cho con thấy hai con rồng ở trên trời. Chính nó là chúa quỷ. Chính nó đã dẫn dụ dân tộc con thờ phượng nó. Ngày đó [2], chính con sẽ dâng hai con rồng đó lên cho Ta. Hãy kiêng ăn, cầu nguyện, vì có những thứ quỷ cần phải kiêng ăn, cầu nguyện mới đuổi được chúng.

Dựa vào sự kiện ấy, chúng tôi tin rằng, Chúa sẽ làm thành lời hứa của Ngài đối với Mỹ Linh, nếu Hội Thánh Việt Nam hết lòng ăn năn và làm tròn thiên chức của mình, theo lời kêu gọi mà Chúa đã dùng cô để kêu gọi Hội Thánh từ ngày chúng tôi kiêng ăn, cầu nguyện cho Hội Thánh và dân tộc Việt Nam vào năm 2006 đến nay. Lời kêu gọi ấy đã được Mỹ Linh lập lại một lần nữa trong ngày kiêng ăn và cầu nguyện cho dân tộc và Hội Thánh Việt Nam năm 2013 vừa qua [3], [4].

Kính lạy Đức Chúa Trời là Cha của chúng con! Chúng con xin tôn vinh và cảm tạ sự nhân từ, thương xót của Ngài dành cho dân tộc Việt Nam. Nếu có người không tin lời làm chứng trên đây, xin Ngài tha thứ cho họ! Nguyện vương quốc của Cha mau đến! A-men!

Trong bài ghi âm của bài giảng này có nhiều chi tiết được đề cập mà không có trong bài viết. Ngoài ra, có phần chú giải từng câu của Ma-thi-ơ chương 10. Kính mời quý con dân Chúa tải xuống tại đây: https://www.opendrive.com/folders?MV85MDcwNjE0X0U1RW5p

Huỳnh Christian Timothy
27.7.2013

Ghi Chú

[1] “Tóm Lược Lịch Sử Loài Người và Những Ứng Nghiệm của Các Lời Tiên Tri Trong Thánh Kinh:” http://timhieuthanhkinh.net/?p=67

[2] “Ngày đó” là ngày chúng tôi và Hội Thánh kiêng ăn cầu nguyện cho Hội Thánh và dân tộc Việt Nam trong năm 2006.

[3] “Hội Thánh Phải Ăn Năn:” http://timhieuthanhkinh.net/?p=57

[4] “Hình và Tượng Trong Hội Thánh:” http://timhieuthanhkinh.net/?p=60

[A] Tất cả những câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là từ Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống Hiệu Đính 2012. Quý bạn có thể đọc trên mạng: www.ngoiloi.thanhkinhvietngu.netwww.thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

[B] Dùng các nối mạng dưới đây để tra xem ý nghĩa trong Anh ngữ và nghe cách phát âm của một từ ngữ Hê-bơ-rơ hoặc Hy-lạp trên Internet: