NYTTN: Mức Độ của Đức Tin – Phần 2

2,955 views

Mức Độ của Đức Tin – Phần 2

Huỳnh Christian Timothy
“Những ý Tưởng Trong Ngày:” https://www.timhieutinlanh.com/?page_id=2209

Lời Chúa cũng dạy cho tôi biết, sự kiện tôi có ít đức tin hay tôi có đức tin lớn, đức tin đầy trọn không liên quan đến việc tôi theo Chúa được bao lâu hay tôi hiểu biết nhiều bao nhiêu về Thánh Kinh. Mức độ đức tin trong tôi hoàn toàn tùy thuộc vào hai yếu tố sau đây:

  • Tin chắc Chúa sẽ ban cho mọi nhu cầu chính đáng của tôi.” Khi viên đội trưởng của lính La-mã tại thành Ca-bê-na-um tìm đến Chúa để xin Ngài chữa lành cho người đầy tớ của ông đang bị đau đớn vì chứng bại liệt, Chúa nhận lời và phán rằng, Chúa sẽ đến nhà ông để chữa cho người đầy tớ được lành. Nhưng viên đội trưởng, bởi “đức tin lớn”, đã thưa với Ngài: “Lạy Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà; xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành. Vì tôi ở dưới quyền người khác, tôi cũng có quân lính dưới quyền tôi nữa; tôi biểu tên nầy rằng: hãy đi! thì nó đi; biểu tên kia rằng: Hãy đến! thì nó đến; và dạy đầy tớ tôi rằng: Hãy làm việc nầy! thì nó làm” (Ma-thi-ơ 8:8-9). Chúa đã phán rằng, viên đội trưởng có đức tin lớn: “Quả thật, Ta nói cùng các ngươi, Ta chưa hề thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có đức tin lớn dường ấy” (Ma-thi-ơ 8:10).

Thánh Kinh cũng ghi lại câu chuyện rất cảm động về “đức tin lớn” của một người đàn bà xứ Ca-na-an: “Đức Chúa Jêsus đi từ đó, vào bờ cõi thành Ty-rơ và thành Si-đôn. Xảy có một người đờn bà xứ Ca-na-an, từ xứ ấy đến, mà kêu lên rằng: Lạy Chúa, là con cháu vua Đa-vít, xin thương xót tôi cùng! Con gái tôi mắc quỉ ám, khốn cực lắm. Nhưng Ngài chẳng đáp một lời. Môn đồ bèn đến gần, cố nài xin rằng: Xin thầy truyền cho đờn bà ấy về, vì người kêu van ở đằng sau chúng ta. Ngài đáp rằng: Ta chịu sai đến đây, chỉ vì các con chiên lạc mất của nhà Y-sơ-ra-ên đó thôi. Song người đờn bà lại gần, lạy Ngài mà thưa rằng: Lạy Chúa, xin Chúa giúp tôi cùng! Ngài đáp rằng: Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn. Người đờn bà lại thưa rằng: Lạy Chúa, thật như vậy, song mấy con chó con ăn những miếng bánh vụn trên bàn chủ nó rớt xuống. Ngài bèn phán rằng: Hỡi đờn bà kia, ngươi có đức tin lớn; việc phải xảy ra theo ý ngươi muốn! Cũng một giờ đó, con gái người liền được lành” (Ma-thi-ơ 15:21-28).

Tôi nhận thấy trong hai trường hợp nêu trên, viên đội trưởng thành Ca-bê-na-um và người đàn bà xứ Ca-na-an đều là dân ngoại, chỉ nghe tiếng đồn, chẳng biết gì nhiều về Chúa, nhưng đức tin của họ vào năng lực chữa lành của Chúa và lòng thương xót của Ngài là một đức tin trọn vẹn và chắc chắn. Họ đều có nhu cầu chính đáng, một người cầu thay cho đầy tớ của mình, một người cầu thay cho con gái của mình. Cách thức mỗi người thể hiện đức tin khác nhau nhưng họ đều có “đức tin lớn!” Ngoài ra, Thánh Kinh còn ghi lại những lần Đức Chúa Jesus Christ phán: “Đức tin ngươi đã chữa lành ngươi” (Mác 10:52; Lu-ca 8:48, 18:42)!

Lời Chúa trong Ma-thi-ơ 6:31-33 dạy cho tôi biết rằng, Cha của tôi ở trên trời biết hết mọi nhu cầu vật chất chính đáng của tôi, từ thức ăn, quần áo mặc, cho đến chỗ ở… và Ngài sẽ ban cho tôi đủ dùng mỗi ngày (I Ti-mô-thê 6:8) khi tôi hết lòng tìm kiếm vương quốc của Ngài và sự công bình của Ngài. Tôi hiểu rằng, tìm kiếm Vương Quốc của Đức Chúa Trời có nghĩa là yêu mến những sự thuộc về thế giới sắp đến thay vì yêu mến thế gian và những sự thuộc về thế gian. Tìm kiếm sự công bình của Chúa là tìm kiếm các điều răn và luật pháp của Chúa (Rô-ma 7:12) để hết lòng làm theo. Điều đó dẫn đến yếu tố kế tiếp:

  • Ngài bảo chi, hãy vâng theo cả” (Giăng 2:5). Những người hầu bàn trong tiệc cưới tại thành Ca-na đã nghe theo lời khuyên của bà Ma-ri một cách tuyệt đối, không thắc mắc, không ngần ngại. Họ hết lòng làm theo lời Chúa phán truyền, và phép lạ đã xảy ra. Tôi cần phải thể hiện đức tin của tôi nơi Chúa thành hành động, bằng cách làm theo tất cả những gì Ngài đã phán dạy mà tôi học được từ Thánh Kinh. Nếu tôi chỉ tin Chúa trong lý trí mà không thể hiện thành hành động vâng phục thì tôi đã tự lừa dối mình, vì như thế không phải là TIN CHÚA: “Hãy làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa dối mình” (Gia-cơ 1:22).

Tôi nhận thức được rằng, “ít đức tin” là chỉ tin một số điều nào đó mà không tin tất cả mọi điều, hoặc chỉ tin khi sự việc xảy ra dễ dàng nhưng không tin khi phải đối diện với các trở ngại khác thường. Các sứ đồ của Chúa đi theo Chúa mỗi ngày, được nghe Chúa giảng dạy, được nhìn thấy các phép lạ Chúa làm; tuy nhiên, Chúa gọi họ là những kẻ “ít đức tin” trong một số trường hợp: Khi họ không tin rằng Chúa có uy quyền trên thiên nhiên để khiến cho giông bão phải nín lặng (Ma-thi-ơ 8:26); khi họ không tin rằng danh của Chúa hoàn toàn đuổi được quỷ (Ma-thi-ơ 17:20).

Tôi nhận thức được rằng, “đức tin lớn” là tin một cách hết lòng vào thẩm quyền, năng lực, cùng sự nhân từ thương xót của Chúa, để biết chắc chắn Chúa sẽ đáp ứng mọi nhu cầu chính đáng của mình.

Tôi cũng nhận thức được rằng, “đầy đức tin” là có “đức tin lớn” trong tất cả mọi sự. Tôi có thể có đức tin lớn về sự cứu rỗi, về sự sống lại và sự sống đời đời Chúa ban cho tôi, nhưng tôi có thể “ít đức tin” về sự Chúa sẽ mở môi miệng tôi để tôi rao giảng Tin Lành của Ngài cho người chưa biết Chúa, và tôi tìm kiếm các lớp “huấn luyện chứng Đạo” thay vì tìm kiếm Thánh Linh của Chúa. Tôi có thể có đức tin lớn về sự tử Đạo, nếu có ai kề dao vào cổ hoặc chĩa súng vào đầu tôi, bắt tôi phải tuyên bố bỏ Chúa để được tha cho sống, thì tôi sẵn sàng chết để giữ vững đức tin nơi Chúa; nhưng tôi có thể “ít đức tin” khi phải đối diện với sự quyết định từ chối một việc làm tốt, lương cao chỉ vì việc làm đó khiến tôi phải vi phạm sự giữ ngày Sa-bát…

(Còn tiếp)

Huỳnh Christian Timothy
22.3.2013

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?xn7kszisali5yq3

Từ Ngữ:

Đạo: Lời của Đức Chúa Trời; đường lối, ý muốn của Đức Chúa Trời theo như sự bày tỏ của Thánh Kinh.

Sống Đạo: Sống theo đường lối của Đức Chúa Trời bằng cách vâng phục các điều răn của Ngài.

Thiên Chúa: Một Đấng Tạo Hóa thể hiện trong ba thân vị, còn gọi là “Ba Ngôi Thiên Chúa:” Thiên Chúa Ngôi Cha (còn gọi là: Đức Chúa Cha hoặc Đức Chúa Trời); Thiên Chúa Ngôi Con (còn gọi là: Đức Chúa Con hoặc Đức Chúa Jesus hoặc Thiên Chúa Ngôi Hai); và Thiên Chúa Ngôi Linh (còn gọi là: Đức Thánh Linh hoặc Thiên Chúa Ngôi Ba). Không phải có ba Thiên Chúa, cũng không phải có một thân vị Thiên Chúa mang ba tên gọi khác nhau, mà là: “Chỉ có một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị và ba thân vị ấy hiệp một trong thực thể Thiên Chúa.”