Đặc Tính của Đức Tin
Huỳnh Christian Timothy
“Những ý Tưởng Trong Ngày:” https://www.timhieutinlanh.com/?page_id=2209
Toàn bộ Thánh Kinh, từ trang đầu đến trang cuối, nói đến đức tin mà loài người cần phải có và đối tượng của đức tin; nhưng Thánh Kinh không hề định nghĩa đức tin. Đối tượng của đức tin là Thiên Chúa Hằng Hữu và Lời Hằng Sống của Ngài, là Lời đã được ghi chép lại một cách hoàn tất trong Thánh Kinh. Chương thứ 11 của thư Hê-bơ-rơ, là chương ghi lại gương đức tin của các thánh đồ thời Cựu Ước, đã mở đầu bằng một câu nói về đặc tính của đức tin như sau: “Vả, đức tin là sự biết chắc vững vàng của những điều mình đương trông mong là bằng cớ của những điều mình chẳng xem thấy.”
Như vậy:
1. Đức tin dẫn đến tri thức thật: Đức tin giúp cho tôi hiểu biết về Thiên Chúa và Lời của Đức Chúa Trời, từ đó, tôi hiểu biết nguồn gốc của tôi, hiểu biết ý nghĩa và mục đích của đời sống tôi, hiểu biết những nguyên tắc khiến cho tôi có thể sống có ý nghĩa và đúng mục đích. Sự tri thức về Thiên Chúa và Lời của Đức Chúa Trời khiến cho tôi có thể thờ phượng Đức Chúa Trời đúng theo ý muốn của Ngài, và đem lại cho tôi sự bình an, sự thỏa lòng. Sự tri thức đó, khiến cho tôi dạn dĩ đến gần Đức Chúa Trời, gọi Ngài là Cha, và phó thác trọn vẹn tâm thần, linh hồn, cùng thân thể xác thịt tôi trong tình yêu của Ngài. Sự tri thức đến bởi đức tin khiến cho tôi nhận thức địa vị cao quý và thiêng liêng của tôi trong chương trình của Đức Chúa Trời và ban cho tôi năng lực để vượt qua mọi cám dỗ, thử thách trong cuộc đời ngắn ngủi trên thế gian này.
2.Đức tin trở thành chứng cớ của Đức Chúa Trời: Sự tri thức đến bởi đức tin còn khiến cho tôi, bằng con mắt thuộc linh trong tâm thần, có thể nhìn thấy được những điều tôi trông cậy nơi Thiên Chúa. Vì thế, đức tin nơi Thiên Chúa và Lời của Ngài trở thành chứng cớ trong tôi về sự thực hữu của Thiên Chúa, về sự thành tín của Thiên Chúa, về ý định của Thiên Chúa và mọi việc làm của Ngài. Nhờ chứng cớ nội tại vững chắc ấy mà đời sống của tôi được biến đổi mỗi ngày theo sự sống động của năng lực Thiên Chúa, là Thánh Linh, do Đức Thánh Linh đổ đầy đến nỗi tuôn tràn trong tôi. Chính vì đức tin biến đổi tôi mà tôi trở thành bằng cớ sống động cho thế gian về sự thực hữu của Thiên Chúa, về quyền năng sáng tạo và tái tạo của Ngài, về sự yêu thương, thánh khiết và công bình của Ngài, để đem người khác đến với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời hoặc để làm chứng cớ mà Đức Chúa Trời sẽ dùng để buộc tội những ai không tin trong ngày phán xét.
Làm sao để một người có đức tin? Người ấy hãy công nhận sự thực hữu của Thiên Chúa Hằng Hữu (được phiên âm từ tiếng Hê-bơ-rơ là: Giê-hô-va), tức là Đấng Tạo Hóa Toàn Năng, tôn kính Ngài và sẵn lòng thờ phượng Ngài trên tất cả muôn loài vạn vật, thì đức tin sẽ nảy mầm trong tâm thần của người ấy, dẫn đến sự tri thức và sự cứu rỗi, sự an bình tuyệt đối trong Thiên Chúa:
“Sự kính sợ Đức Giê-hô-va là khởi đầu sự tri thức” (Châm Ngôn 1:7).
“Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan; từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng. Ngài dành ơn cứu rỗi cho người ngay thẳng; Ngài là thuẫn đỡ của người làm theo sự đoan chính” (Châm Ngôn 2:6-7).
Tôi dâng lời tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi vì sự oai nghiêm vô biên của Ngài. Tôi dâng lời cảm tạ Đức Thánh Linh, qua Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời, đã bày tỏ cho tôi các lẽ mầu nhiệm của đức tin. Xin Ngài giúp tôi luôn vâng giữ các lẽ mầu nhiệm này bằng một lương tâm thanh sạch (I Ti-mô-thê 3:9).
Nguyện Đức Thánh Linh ban ơn cho những ai đọc lời chia sẻ này của tôi cũng sẽ được Ngài dắt vào trong sự mầu nhiệm lạ lùng của Lời Đức Chúa Trời, và họ sẽ bởi đức tin mà thắng hơn thế gian (I Giăng 5:4). A-men!
Huỳnh Christian Timothy
20.3.2013
Từ Ngữ:
Thiên Chúa: Một Đấng Tạo Hóa thể hiện trong ba thân vị, còn gọi là “Ba Ngôi Thiên Chúa:” Thiên Chúa Ngôi Cha (còn gọi là: Đức Chúa Cha hoặc Đức Chúa Trời); Thiên Chúa Ngôi Con (còn gọi là: Đức Chúa Con hoặc Đức Chúa Jesus hoặc Thiên Chúa Ngôi Hai); và Thiên Chúa Ngôi Linh (còn gọi là: Đức Thánh Linh hoặc Thiên Chúa Ngôi Ba). Không phải có ba Thiên Chúa, cũng không phải có một thân vị Thiên Chúa mang ba tên gọi khác nhau, mà là: “Chỉ có một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị và ba thân vị ấy hiệp một trong thực thể Thiên Chúa.”
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?0q638y0cyzpjfwc