Thập Tự Giá và Thánh Giá
Huỳnh Christian Timothy
Trong văn, thơ, nhạc của người tin Chúa chúng ta thường thấy danh từ “thánh giá” được dùng để gọi cây thập tự của Đức Chúa Jesus Christ, là cây thập tự mà trên đó, Đức Chúa Jesus Christ đã bị đóng đinh. Chữ “thánh,” trong danh từ “thánh giá” được dùng để gọi cây thập tự của Chúa, có nghĩa là “thiêng liêng, thánh khiết.” Và như vậy, người gọi thập tự giá của Chúa là “thánh giá,” có ý tôn thánh cây thập tự đó. Cách gọi như vậy có đúng hay không? Con dân Chúa có nên tôn thánh cây thập tự của Chúa hay không?
Những người ưa chuộng việc gọi cây thập tự của Chúa là “thánh giá” lý luận rằng: Vì thân thể thánh của Chúa bị đóng đinh trên đó, máu thánh của Chúa đã tuôn chảy trên đó, cho nên, cây thập tự ấy đã trở nên thiêng liêng, thánh khiết. Nếu lý luận như vậy thì những ngọn roi mà lính La-mã dùng để đánh Chúa, những sợi dây thừng dùng để trói tay Chúa, những vòng gai được bện làm mão gai đội trên đầu Chúa, cây giáo được dùng để đâm vào hông Chúa, những mãnh vải liệm thân xác Chúa, ngôi mộ thân xác Chúa được an táng, và ngay cả những nơi nào mà máu thánh của Chúa nhỏ xuống: từ trong pháp đình là nơi Chúa bị đánh cho đến dọc con đường từ thành Giê-ru-sa-lem dẫn lên đồi Gô-gô-tha, và vùng đất dưới chân thập tự giá tại đồi Gô-gô-tha… đều trở nên thánh vật hết!
Nếu chúng ta tra tìm trong Thánh Kinh thì không hề thấy Thánh Kinh dùng danh từ “thánh giá.” Sứ Đồ Phao-lô, người tin Chúa sau khi Chúa sống lại và thăng thiên, người nhận Tin Lành trực tiếp từ nơi Chúa, không qua một ai khác, người từng được cất lên tầng trời thứ ba… mãi hơn 30 năm sau khi Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá, ông vẫn không hề có một lần nào gọi thập tự giá của Chúa là “thánh giá.”
Trong hai thế kỷ đầu của lịch sử Hội Thánh, hình ảnh thập tự giá ít được đề cập đến. Suốt khoảng thời gian đó, con dân Chúa ở trong sự bách hại của Đế Quốc La-mã, nhiều người bị đóng đinh trên thập tự giá (điển hình là Sứ Đồ Phi-e-rơ). Hình ảnh của thập tự giá đối với con dân Chúa thời bấy giờ là hình ảnh của sự chịu khổ và chịu chết vì danh Chúa.
Trong thế kỷ thứ ba, thì trong Hội Thánh nổi lên phong trào dùng tay vạch dấu thập tự trên trán, trước và sau khi cầu nguyện. Phong trào này bắt đầu cho các truyền thống không có trong Thánh Kinh. Hễ ai đó làm ra một điều gì đó, mang cho nó một ý nghĩa thuộc linh, thì người khác bắt chước làm theo mà không cần biết Chúa có dạy cho con dân Chúa thờ phượng Chúa như vậy hay không!
Đến thế kỷ thứ tư, Giáo Hội Công Giáo [1] đã thần thánh hóa thập tự giá, dạy rằng, nó là một dấu hiệu thiêng liêng, có năng lực để bảo vệ con dân Chúa và xua trừ ma quỷ. Từ đó, danh từ “thánh giá” (holy cross) được sử dụng.
Đến thế kỷ thứ sáu thì hình thập tự giá được các tay lường gạt tạc từ các mẫu gỗ ô-li-ve, rao bán với một giá rất cao. Họ nói rằng, những mẫu gỗ thập tự giá ấy do họ làm ra từ chính gỗ của cây thập tự mà Chúa bị đóng đinh trên đó. Ngày nay, vẫn có những đại lý chuyên cung cấp các hình thập tự giá được cho là làm từ cây thập tự Chúa bị đóng đinh trên đó, có kèm theo giấy chứng nhận đàng hoàng. Hình như, có một phép lạ đã xảy ra, khiến cho hơn 1,400 năm nay, có biết bao nhiêu là hình thập tự giá được làm ra từ cây thập tự giá của Chúa mà nó không hề bị hao hụt chút nào!
Thập tự giá cũng như bất cứ mộc hình [2] nào, đều là biểu tượng của sự rủa sả, sỉ nhục, vì thân xác của tội nhân bị treo trên đó:
“Đấng Christ đã chuộc chúng ta khỏi sự rủa sả của luật pháp, bởi Ngài đã nên sự rủa sả vì chúng ta, vì có lời chép: Đáng rủa thay là kẻ bị treo trên cây gỗ” (Ga-la-ti 3:13; Phục Truyền Luật Lệ Ký 21:23).
Vì thế, thập tự giá không thể là “thánh giá!” Thập tự giá cũng không có năng lực bảo vệ, ban sự bình an, chữa lành bệnh tật hay là trừ quỷ. Thánh Kinh không hề dạy các điều đó. Việc tôn kính thập tự giá, hôn thập tự giá, và việc tin vào năng lực của thập tự giá… là hành động thờ lạy thần tượng. Chúa không hề dạy con dân Chúa phải đeo hình thập tự giá hay làm dấu thập tự giá để nhớ đến Chúa, mà Ngài chỉ dạy cho Hội Thánh ăn bánh không men, uống nước nho để nhớ đến Ngài. Con dân Chúa nhắc đến thập tự giá là nhắc đến cái chết đau thương của Chúa, đồng thời để khẳng định rằng, không có sự chuộc tội ngoài sự chết của Đức Chúa Jesus Christ trên thập tự giá; ngoài ra, cũng để tự nhắc nhở mình lúc nào cũng sẵn sàng chịu khổ vì danh Chúa, chứ không phải để tôn thánh cây thập tự.
Thập tự giá có thể là biểu hiệu cho tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người nhưng thập tự giá không thể được tôn thánh và biến thành thần tượng. Đeo thập tự giá để nhớ đến tình yêu của Thiên Chúa khác với sự tôn kính nó, hôn nó, nắm nó trong tay để cầu nguyện với Chúa hoặc tin rằng nó có năng lực bảo vệ, chữa lành hoặc đuổi quỷ. Việc cố ý quỳ trước hình một cây thập tự để cầu nguyện với Chúa cũng là một hành động thờ lạy thần tượng, nâng cây thập tự lên ngang bằng với Chúa. Biến thập tự giá thành một món trang sức đắt tiền để làm đẹp cho bản thân cũng là một việc không nên làm. Là con dân Chúa, chúng ta hãy nhắc nhau thờ phượng Chúa bằng tâm thần và lẽ thật!
Huỳnh Christian Timothy
5.5.2013
Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống và in ra bài viết này:
http://www.mediafire.com/view/?jplcisbij1jevi3
Ghi Chú
[1] Giáo Hội Công Giáo chính thức hình thành vào ngày 27.2.380. Theo Bruce L. Shelley. Church History In Plain Language, trang 94-97. Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1995: Năm 312, Hoàng Đế La-mã Constantine nhập Đạo; năm 313, ông ra chiếu chỉ khoan dung cho Đạo Chúa dẫn đến việc hình thành Công Giáo sau này. Hoàng Đế Theodosius I (379-392) thuộc Đông Đế Quốc La-mã và Hoàng Đế Gratian (367-375) thuộc Tây Đế Quốc La-mã chung nhau ra chiếu chỉ quốc giáo hóa Đạo Chúa trong toàn Đế Quốc La-mã vào ngày 27 tháng 2 năm 380: http://en.wikipedia.org/wiki/Edict_of_Thessalonica.
[2] Mộc hình: Mộc là cây. Hình là hình phạt. Mộc hình là bất cứ một cây gỗ nào được dùng làm phương tiện để xử tử tội nhân. Tội nhân có thể bị treo cổ trên đó, bị đóng đinh trên đó, thậm chí, bị trói vào đó để xử chém hoặc xử bắn.