Chiên Con của Đức Chúa Trời và Sinh Tế của Lễ Vượt Qua

4,154 views

 

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết.

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgwNzYxN19JaENzNw

Bấm vào nối mạng dưới đây để nghe các bài giảng đặc biệt trong năm 2015:
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/baigiangdacbiet_2015

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:
https://www.opendrive.com/folders?MV8xMzgwNzYxM191U0ZJMQ

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

Kính thưa quý ông bà anh chị em yêu dấu trong Hội Thánh của Chúa.

Trong dịp kỷ niệm Lễ Vượt Qua năm 2015, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa hai trong các danh xưng của Đức Chúa Jesus Christ. Đó là hai danh xưng: “Chiên Con của Đức Chúa Trời” và “Sinh Tế của Lễ Vượt Qua.”

Thánh Kinh dạy cho chúng ta biết, Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời nhập thế làm người, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật.

1 Ban đầu có Ngôi Lời. Ngôi Lời ở cùng Đức Chúa Trời. Ngôi Lời là Thiên Chúa.

2 Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời.

3 Muôn vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật gì đã làm nên mà không bởi Ngài.

4 Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người.

5 Sự sáng soi trong tối tăm, tối tăm chẳng hề nhận lấy sự sáng.

6 Có một người Thiên Chúa sai đến, tên là Giăng.

7 Người đến để làm chứng, là làm chứng về sự sáng, để cho bởi người ai nấy đều tin.

8 Chính người chẳng phải là sự sáng, nhưng người phải làm chứng về sự sáng.

9 Sự sáng này là sự sáng thật, khi đến thế gian soi sáng mọi người.

10 Ngôi Lời ở thế gian, và thế gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế gian chẳng từng nhìn biết Ngài.

11 Ngài đã đến trong xứ mình, nhưng dân mình chẳng hề nhận lấy.

12 Nhưng bất cứ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền phép trở nên con cái Thiên Chúa, là ban cho những kẻ tin danh Ngài,

13 là kẻ chẳng phải sinh bởi khí huyết, hoặc bởi tình dục, hoặc bởi ý người, nhưng sinh bởi Thiên Chúa vậy.

14 Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng tôi đã ngắm xem sự vinh quang của Ngài, thật như vinh quang của Con Một đến từ nơi Cha.

Ngài mang danh hiệu “Ngôi Lời” vì Ngài là thân vị Thiên Chúa giãi bày mọi sự thuộc về Thiên Chúa cho loài người. Khi Ngài trở nên xác thịt ở giữa chúng ta, thì Ngài hoàn toàn là người như chúng ta, nhưng Ngài cũng vẫn là Thiên Chúa. Ngài từ bỏ vinh quang và uy quyền của Thiên Chúa nhưng thần tính của Ngài thì vẫn y nguyên. Nghĩa là, trong khi mỗi chúng ta mang giá trị của loài người và nhân tính thì Đức Chúa Jesus Christ vừa mang giá trị loài người cùng giá trị Thiên Chúa, vừa mang nhân tính cùng thần tính.

Dầu vậy, để có thể làm ra những phép lạ siêu nhiên, thì con người xác thịt của Ngài phải nhờ đến thánh linh, tức thẩm quyền và năng lực của Thiên Chúa, do Đức Thánh Linh ban cho. Trong khi Ngôi Lời trở nên một người, Ngài vẫn mang thần tính của Thiên Chúa, nhưng Ngài không thể hành động như Thiên Chúa trong con người xác thịt, mà con người xác thịt của Ngài phải nhờ thánh linh từ Đức Thánh Linh để làm ra các phép lạ.

Mặt khác, trong thế giới thuộc linh, Ngài vẫn cai quản muôn vật, vì “muôn vật đứng vững trong Ngài” (Cô-lô-se 1:17). Chúng ta cần phân biệt rõ: Ngôi Lời trong thân vị Thiên Chúa với Ngôi Lời trong thân vị loài người. Ngôi Lời trong thân vị Thiên Chúa không thể chết nhưng Ngôi Lời trong thân vị loài người thì có thể chết. Ngôi Lời trong thân vị Thiên Chúa cai trị và điều động muôn loài vạn vật không ngừng nghỉ nhưng Ngôi Lời trong thân vị loài người thì bị giới hạn bởi các định luật vật lý.

Mục đích của sự Ngôi Lời trở nên xác thịt vừa là để giãi bày cho loài người mọi sự thuộc về Thiên Chúa, vừa là để hoàn thành sự chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Trong công tác chuộc tội cho nhân loại, Ngài đã phải chết đi con người xác thịt của mình. Vì thế, Ngài mang danh hiệu: “Chiên Con của Đức Chúa Trời” và “Sinh Tế của Lễ Vượt Qua.”

Danh hiệu “Chiên Con của Đức Chúa Trời” được nói đến trong Giăng 1:29 và 1:36, và được định nghĩa là: “Đấng cất đi tội lỗi của thế gian!” Danh hiệu “Sinh Tế của Lễ Vượt Qua” được nói đến trong I Cô-rinh-tô 5:7.

Để hiểu rõ ý nghĩa của hai danh hiệu này, chúng ta cần đọc lại nguồn gốc của Lễ Vượt Qua, được ghi chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12. Nhưng trước hết, chúng ta phải đọc lại ngay từ trang sử đầu tiên của dân I-sơ-ra-ên, bắt đầu từ Sáng Thế Ký đoạn 12, với sự Thiên Chúa kêu gọi tổ phụ của họ, là Áp-ram (có nghĩa là: “cha cao quý”), sau này được Chúa đổi tên thành Áp-ra-ham (có nghĩa là: “cha của nhiều dân tộc”).

Áp-ram thuộc về dòng dõi của Sem, con trai út trong ba người con trai của Nô-ê. Áp-ram được sinh ra vào năm 2166 TCN tại xứ U-rơ. Xứ U-rơ (Ur) thuộc phía nam của I-rắc ngày nay. Cha của Áp-ram là Tha-rê dẫn Áp-ram với vợ của Áp-ram là Sa-rai, cùng với Lót là cháu nội của ông, rời khỏi U-rơ ngược lên hướng bắc để đi qua xứ Ca-na-an. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, khi đến Cha-ran (Haran), thì Tha-rê đã dừng lại và định cư tại đó.

Sau khi Tha-rê qua đời thì Áp-ram được Thiên Chúa kêu gọi hãy rời khỏi quê hương, bà con, và nhà cha để đi đến một nơi mà Thiên Chúa sẽ chỉ cho. Rồi Ngài sẽ làm cho Áp-ram thành một dân lớn, làm ông được nổi tiếng, và làm cho ông trở thành nguồn phước cho các chi tộc nơi thế gian. Áp-ram vâng theo lời gọi của Chúa, ra đi, và mang Lót cùng đi.

Sau khi đến xứ Ca-na-an thì Áp-ram định cư ở miền nam. Tại đó, Thiên Chúa hứa ban vùng đất Ca-na-an cho ông và con cháu ông làm sản nghiệp, và Thiên Chúa đổi tên của ông thành Áp-ra-ham, đổi tên vợ ông từ Sa-rai (có nghĩa là: “công chúa”) ra Sa-ra (có nghĩa là: “người phụ nữ cao quý”).

Áp-ra-ham sinh ra I-sác. I sác sinh ra Gia-cốp. Gia-cốp sinh ra 12 người con trai, về sau trở thành 12 tộc trưởng của 12 chi phái I-sơ-ra-ên.

Vào năm 1876 TCN, Gia-cốp đem toàn gia đình di cư đến Ê-díp-tô để đoàn tụ với Giô-sép, là đứa con mà Gia-cốp cưng yêu nhất. Giô-sép lúc đó đang là tể tướng của xứ Ê-díp-tô và đang giúp cho xứ Ê-díp-tô thoát khỏi bảy năm đói kém. Sau 30 năm đến sống tại Ê-díp-tô thì 12 chi phái của dân I-sơ-ra-ên được Thiên Chúa ban phước, khiến cho họ sinh sôi, phát triển thành số đông. Người Ê-díp-tô thấy dân I-sơ-ra-ên gia tăng nhiều thì sinh lòng nghi sợ, nên ban hành chính sách giết tất cả trẻ sơ sinh nam người I-sơ-ra-ên và bắt dân I-sơ-ra-ên làm nô lệ. Dân I-sơ-ra-ên đã phải chịu sống đời nô lệ suốt 400 năm, cho đến khi Thiên Chúa sai Môi-se đến giải cứu họ khỏi tay dân Ê-díp-tô, và đưa họ về vùng đất Ca-na-an mà 430 năm trước Ngài đã hứa ban cho Áp-ra-ham và con cháu của ông.

Tuy nhiên, Pha-ra-ôn là vua của xứ Ê-díp-tô đã không dễ dàng buông tha dân I-sơ-ra-ên. Thiên Chúa đã dùng tay Môi-se làm ra các phép lạ, giáng xuống dân Ê-díp-tô chín tai họa, nhưng Pha-ra-ôn vẫn cứng lòng. Vì thế, Thiên Chúa chuẩn bị tàn sát tất cả các con đầu lòng của xứ Ê-díp-tô, từ thái tử của Pha-ra-ôn cho đến con cả của người bị nhốt tù, và tất cả con đầu lòng của súc vật.

Giữa các dân tộc trong thế gian, Thiên Chúa đã chọn dân I-sơ-ra-ên làm con trưởng của Ngài. Vì thế, khi Pha-ra-ôn cứng lòng, không chịu buông tha con đầu lòng của Thiên Chúa, thì Ngài đánh chết con đầu lòng của Pha-ra-ôn, của toàn dân Ê-díp-tô, và ngay cả của súc vật thuộc về người Ê-díp-tô.

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se rằng: Khi trở về xứ Ê-díp-tô, hãy cẩn thận về các dấu lạ của Ta đã giao nơi tay ngươi mà làm trước mặt Pha-ra-ôn; nhưng Ta sẽ khiến người cứng lòng chẳng cho dân sự đi. Vậy, ngươi phải tâu cùng Pha-ra-ôn rằng: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu có phán như vầy: I-sơ-ra-ên là con trai Ta, tức con đầu lòng Ta, nên Ta có phán với ngươi rằng: Hãy cho con Ta đi, để nó phụng sự Ta, mà ngươi đã từ chối không cho nó đi. Này, Ta sẽ giết con trai ngươi, là con đầu lòng của ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:21-23).

Dĩ nhiên, Thiên Chúa không hề có ý tàn sát các con đầu lòng của dân I-sơ-ra-ên. Nhưng chính họ phải tỏ thái độ là họ tin cậy Ngài và bằng lòng thuộc về Ngài; bằng cách, họ phải thực hiện Lễ Vượt Qua. Điều đó có nghĩa là: Mặc dầu dân I-sơ-ra-ên được chính Thiên Chúa gọi là con trai đầu lòng của Ngài, nhưng nếu gia đình nào không làm theo lời phán dặn của Thiên Chúa, là bôi máu của sinh tế Lễ Vượt Qua trên cửa, thì các con đầu lòng trong gia đình đó vẫn bị diệt.

Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-24.

1 Tại xứ Ê-díp-tô, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se và A-rôn rằng:

2 Tháng này sẽ làm đầu cho các tháng đối với ngươi, tức là tháng đầu tiên trong năm.

3 Các ngươi hãy nói cho toàn hội chúng I-sơ-ra-ên rằng: Đến ngày mười tháng này, mỗi gia trưởng tùy theo nhà mình phải bắt một con chiên con, mỗi nhà một con.

4 Nếu nhà ít người quá không ăn hết một chiên con thì hãy chung cùng người lân cận mình. Hãy theo số người mà tính số chiên con tùy sức mỗi người ăn hết.

5 Các ngươi hãy bắt hoặc trong bầy chiên, hoặc trong bầy dê, một con đực, tuổi giáp niên, chẳng có tì vết,

6 để dành cho đến ngày mười bốn tháng này; rồi cả hội chúng I-sơ-ra-ên sẽ giết nó, vào lúc chiều tối.

7 Họ sẽ lấy máu đem bôi trên hai cây cột cửa và thanh ngang trên cửa của nhà nào ăn thịt chiên con đó.

8 Đêm ấy, họ sẽ ăn thịt chiên quay với bánh không men và rau đắng.

9 Chớ ăn thịt nửa chín nửa sống hay là luộc trong nước, nhưng phải quay trên lửa trọn cả đầu, giò, với bộ lòng.

10 Các ngươi chớ để gì còn lại đến sáng mai; nếu còn lại, hãy thiêu đi.

11 Vậy, ăn thịt đó, phải như vầy: Dây lưng cột, chân mang giày, tay cầm gậy, ăn vội vàng; ấy là Lễ Vượt Qua của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

12 Đêm đó, Ta sẽ đi qua xứ Ê-díp-tô, hành hại mọi con đầu lòng xứ Ê-díp-tô, từ loài người cho đến súc vật. Ta sẽ phán xét các thần của xứ Ê-díp-tô. Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

13 Máu bôi trên nhà các ngươi ở, sẽ dùng làm dấu hiệu. Khi Ta hành hại xứ Ê-díp-tô, thấy máu đó, thì sẽ vượt qua, sẽ chẳng có tai họa hủy diệt các ngươi.

14 Các ngươi hãy ghi ngày đó làm kỷ niệm. Trải các đời hãy giữ làm một lễ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, tức là một lễ lập ra đời đời.

15 Trong bảy ngày phải ăn bánh không men: vừa đến ngày thứ nhất, hãy dẹp men khỏi nhà đi; vì bất cứ ai ăn bánh có men từ ngày thứ nhất cho đến ngày thứ bảy, thì sẽ bị đuổi ra khỏi I-sơ-ra-ên.

16 Ngày thứ nhất, sẽ có một sự nhóm hiệp thánh; sang ngày thứ bảy các ngươi cũng sẽ có một sự nhóm hiệp thánh nữa. Các ngươi chẳng nên làm công việc gì trong hai ngày đó, chỉ sắm đồ ăn cho mỗi người cần ăn mà thôi.

17 Vậy, các ngươi hãy giữ lễ bánh không men, vì chính ngày đó Ta rút quân đội các ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô; cho nên, trải các đời phải giữ ngày đó như một lễ lập ra đời đời.

18 Ngày mười bốn tháng giêng, chiều lại, các ngươi sẽ ăn bánh không men cho đến chiều ngày hai mươi mốt tháng đó.

19 Trong bảy ngày không nên còn thấy men tại nhà các ngươi; vì bất luận người ngoại bang hay là người bản xứ, bất cứ ai ăn bánh có men sẽ bị đuổi khỏi hội chúng I-sơ-ra-ên.

20 Chớ nên ăn bánh có men; khắp nơi các ngươi ở đều phải ăn bánh không men.

21 Vậy, Môi-se nhóm lại các trưởng lão I-sơ-ra-ên mà nói rằng: Hãy đi bắt một con trong bầy cho mọi nhà các ngươi, và giết nó làm Lễ Vượt Qua.

22 Kế tiếp, hãy lấy một chùm kinh giới nhúng vào máu trong chậu, bôi lên thanh ngang trên và hai cây cột cửa. Rồi thì, trong các ngươi chớ ai ra khỏi cửa nhà mình cho đến sáng mai.

23 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu sẽ đi qua để hành hại xứ Ê-díp-tô. Khi Ngài thấy máu nơi thanh ngang trên và hai cây cột cửa, Ngài sẽ vượt qua, không cho sự tiêu diệt vào nhà các ngươi để hành hại.

24 Hãy giữ lễ này như một lệ lập ra đời đời cho các ngươi và con cháu các ngươi.

Danh từ “Lễ Vượt Qua” có nghĩa là “Sự kỷ niệm về sự vượt qua.” Sự vượt qua được kỷ niệm là sự Thiên Chúa đi ngang qua các nhà của dân I-sơ-ra-ên có bôi máu của sinh tế vào thanh ngang trên và hai cột cửa. Hành động bôi máu của sinh tế lên cửa là dấu hiệu chứng tỏ đức tin của dân I-sơ-ra-ên vào trong Thiên Chúa cùng với lòng vâng phục Thiên Chúa của họ. Nhờ đó, họ được thoát khỏi tai họa Chúa giáng xuống cho những kẻ không tin Ngài. Vì thế, ý nghĩa đích thật của Lễ Vượt Qua là: Bởi đức tin và sinh tế chuộc tội mà Thiên Chúa bỏ qua sự phạm tội của loài người.

Sinh tế của Lễ Vượt Qua là hình bóng tiêu biểu một sinh tế do chính Đức Chúa Trời sắm sẵn, sẽ đổ máu ra để chuộc tội cho toàn thể nhân loại, khi thời điểm đến. Thời điểm ấy do chính Đức Chúa Trời ấn định.

Những sự ô uế về thuộc thể thì có thể dùng nước để rửa hoặc dùng lửa để thiêu đốt; nhưng những sự ô uế về thuộc linh, tức là sự phạm tội, tức là sự chống nghịch ý muốn của Thiên Chúa, thì phải đổ máu mới có sự tha thứ. Đổ máu tức là phải hy sinh một mạng sống.

Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ máu mà được sạch: không đổ máu thì không có sự tha thứ” (Hê-bơ-rơ 9:22).

Bởi vì, hậu quả của bất cứ một sự không vâng lời nào của chúng ta cũng đều là sự chết: “Tiền công của tội lỗi là sự chết” (Rô-ma 6:23)! Cho nên, để chúng ta có thể thoát chết, thì phải có người chết thay cho chúng ta.

Trong Thời Cựu Ước, sinh tế chuộc tội là mạng sống của một con thú. Sinh tế ấy chỉ có thể giúp cho tội nhân được tạm tha cho đến khi có sinh tế là mạng sống của một người, và phải là mạng sống của một người vô tội. Trong thực tế, mạng sống của một người chỉ có thể chuộc tội cho một người. Nhưng vì Đức Chúa Jesus Christ vừa là người, vừa là Thiên Chúa, nên mạng sống của Ngài là vô hạn. Nhờ đó, chỉ một mình Ngài có thể chết thay cho toàn thể loài người. Ngài chịu khổ, chịu nhục, và chịu chết như một người, nhưng giá trị của mạng sống Ngài là vô hạn.

Thiên Chúa trong thân vị Ngôi Lời đã được Thiên Chúa trong thân vị Đức Chúa Trời sinh ra trong lòng trinh nữ Ma-ri bằng năng lực của Thiên Chúa trong thân vị Đấng Thần Linh. Trinh nữ Ma-ri đã sinh ra thân thể xác thịt của Ngôi Lời, để rồi thân thể xác thịt vô tội ấy sẽ trở thành của lễ chuộc tội cho toàn thể nhân loại.

Chính vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ được gọi là “Chiên Con của Đức Chúa Trời” vì chính Đức Chúa Trời đã sắm sẵn Đức Chúa Jesus Christ để làm sinh tế chuộc tội cho nhân loại. Đức Chúa Jesus Christ được gọi là Đấng cất đi tội lỗi của thế gian vì sự chết của Ngài có giá trị chuộc tội cho toàn thể nhân loại. Đức Chúa Trời không hề giới hạn con số người được chuộc tội bởi sự chết của Đức Chúa Jesus Christ. Nhưng chỉ có những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ thì mới được cứu. Đó là sự chọn lựa của mỗi người. Đức Chúa Trời không ép buộc ai và cũng không ai có quyền chọn lựa giùm cho ai.

Tất cả những ai tin cậy và thờ phượng Thiên Chúa kể từ A-đam cho đến khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá, thì cũng đều nhận được sự tha tội và làm cho sạch tội qua cái chết của Đức Chúa Jesus Christ. Trong thời của họ, họ đã thể hiện đức tin của họ vào sự tha thứ của Đức Chúa Trời qua sự dâng sinh tế làm của lễ chuộc tội. Sinh tế làm của lễ chuộc tội ấy là hình bóng về sự chính Đức Chúa Jesus Christ dâng thân thể Ngài làm sinh tế chuộc tội, một lần đủ cả, cho toàn thể nhân loại.

Khi Thiên Chúa chuẩn bị giải phóng dân I-sơ-ra-ên ra khỏi ách nô lệ của dân Ê-díp-tô, Ngài đã truyền cho toàn dân I-sơ-ra-ên cùng nhau dâng sinh tế. Sinh tế ấy được gọi là sinh tế của Lễ Vượt Qua và cũng là hình ảnh tiêu biểu cho sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Chính vì thế mà Thánh Kinh gọi Đức Chúa Jesus Christ là “Chiên Con của Lễ Vượt Qua;” vì máu của Đức Chúa Jesus Christ giúp cho những ai tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài được Đức Chúa Trời bỏ qua, không phán xét tội lỗi của họ.

Chiên con của Lễ Vượt Qua được toàn dân I-sơ-ra-ên giết vào buổi chiều của ngày 14 tháng Một, theo lịch mà Thiên Chúa đã ban cho dân I-sơ-ra-ên, như đã chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12. Có nghĩa là, khi mặt trời vừa khuất bóng cuối ngày 13, và bắt đầu buổi chiều của ngày 14, thì toàn dân I-sơ-ra-ên giết chiên con của Lễ Vượt Qua, rồi quay trên lửa nguyên con. Sau đó, cả gia đình cùng nhau ăn thịt chiên quay với bánh không men và rau đắng.

Vào buổi chiều Lễ Vượt Qua nhằm Thứ Tư ngày 9 tháng 4 năm 27, Đức Chúa Jesus Christ và các môn đồ của Ngài đã cùng nhau ăn bữa ăn của Lễ Vượt Qua [1]. Vào giữa bữa ăn, Đức Chúa Jesus Christ đã bẻ bánh không men, trao cho các môn đồ, bảo họ ăn, để nhớ đến sự kiện thân thể Ngài vỡ ra vì cớ họ. Sau bữa ăn, Đức Chúa Jesus Christ trao chén nước nho cho các môn đồ, bảo họ uống, để nhớ đến sự kiện máu của Ngài đổ ra vì cớ họ. Ngày nay, chúng ta gọi đó là Tiệc Thánh. Sứ Đồ Phao-lô đã ghi lại trong I Cô-rinh-tô 11:23-32, như sau:

23 Vì tôi có nhận nơi Chúa điều tôi đã trao cho anh em: ấy là Đức Chúa Jesus, trong đêm Ngài bị nộp, lấy bánh,

24 tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Hãy nhận và ăn. Đây là thân thể Ta, vì các ngươi mà vỡ ra; hãy làm điều này để nhớ đến Ta.

25 Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, Ngài lấy chén và phán rằng: Chén này là sự giao ước mới trong máu Ta; mỗi khi các ngươi uống, hãy làm điều này để nhớ đến Ta.

26 Vậy, mỗi lần anh em ăn bánh này, uống chén này, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc Ngài đến.

27 Bởi đó, ai ăn bánh hoặc uống chén của Chúa cách không xứng đáng, thì sẽ mắc tội với thân và máu của Chúa.

28 Vậy mỗi người phải tự xét lấy mình, và như thế mới ăn bánh uống chén ấy;

29 vì người nào không phân biệt thân Chúa mà ăn bánh uống chén ấy cách không xứng đáng, thì ăn uống sự hình phạt cho mình.

30 Bởi vì cớ đó mà trong anh em có nhiều kẻ yếu đuối, bệnh tật, và có lắm kẻ ngủ!

31 Nếu chúng ta biết tự xét mình, thì chúng ta không bị phán xét.

32 Nhưng khi chúng ta bị phán xét, thì bị Chúa sửa phạt, để cho khỏi bị hình phạt với thế gian.

Lễ Vượt Qua làm hình bóng về sự Đức Chúa Jesus Christ sẽ đến, dâng chính mạng sống của Ngài làm của lễ chuộc tội cho nhân loại. Lễ Tiệc Thánh giúp cho chúng ta nhìn vào bánh không men và nước nho để nhớ đến thân thể thánh khiết của Đức Chúa Jesus Christ đã bị vỡ ra để chuộc tội cho chúng ta; và máu thánh của Ngài đã đổ ra để rửa sạch mọi tội của chúng ta, ban cho chúng ta sự sống mới của chính Ngài, là sự sống lại và sự sống đời đời.

Chúng ta kỷ niệm Lễ Vượt Qua không phải để tuân giữ một nghi thức hay làm việc công đức, mà là để cùng nhau suy ngẫm đến ý nghĩa hai danh xưng của Đức Chúa Jesus Christ: “Chiên Con của Đức Chúa Trời” và “Sinh Tế của Lễ Vượt Qua!” Chúng ta kỷ niệm Tiệc Thánh cũng không phải để tuân giữ một nghi thức hay làm việc công đức, mà là để thật sự nhớ đến sự thương khó và sự chết của Đức Chúa Jesus Christ; nhớ đến Ngài và tất cả những gì cao quý nhất, phước hạnh nhất, mà Ngài đã làm ra cho chúng ta.

Không phải chỉ khi nào dự Tiệc Thánh thì chúng ta mới nhớ đến Chúa. Nhưng chúng ta nhớ đến Chúa trong từng giây phút của đời sống chúng ta. Vì Ngài đang đi bên cạnh chúng ta, cùng làm việc với chúng ta luôn cho đến Kỳ Tận Thế (Ma-thi-ơ 28:20). Chính Ngài mời gọi chúng ta mang ách với Ngài (Ma-thi-ơ 11:29).

Không phải chỉ khi nào chuẩn bị dự Tiệc Thánh thì chúng ta mới xét mình, nhưng chúng ta luôn xét mình để kịp thời ăn năn, xưng tội khi sai phạm, và được tha thứ, phục hồi ngay, để có thể tiếp tục cùng với Đức Chúa Jesus Christ làm các việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:10).

Nguyện chúng ta luôn ghi nhớ sự chết của Đức Chúa Jesus Christ và rao giảng về sự chết của Ngài ra cho mọi người. Chúng ta rao giảng bằng lời nói, công bố lẽ thật của Thánh Kinh. Chúng ta rao giảng bằng nếp sống đúng theo lẽ thật của Thánh Kinh.

Nguyện tình yêu của Thiên Chúa từ Đức Cha, ân điển của Thiên Chúa từ Đức Con, và sự giao thông của Thiên Chúa từ Đức Thánh Linh bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

02/04/2015

Ghi Chú

[1] https://timhieutinlanh.com/thanhoc//?p=217