Lịch Sử Tiền Cải Chánh của Các Ấn Bản Thánh Kinh

3,641 views
Phần lớn của câu chuyện làm thế nào chúng ta có được bản Thánh Kinh Anh Ngữ, tự nó chính là câu chuyện về Cuộc Cải Chánh Tin Lành vào cuối thế kỷ 14 với John Wycliffe. Thật ra, nếu chúng ta đi ngược thời gian khoảng một ngàn năm hơn, thì lúc ấy chưa hề có thứ ngôn ngữ gọi là "tiếng Anh" (English) xuất hiện ở nơi nào cả. Tuy nhiên, câu chuyện của Thánh Kinh còn xa xưa hơn nữa.

Lời Chúa lần đầu tiên được ghi lại là khi chính tay Ngài viết xuống dưới hình thức mười điều răn trên một bảng đá và trao cho Môi-se trên đỉnh Núi Si-nai. Theo các học giả Thánh Kinh, sự kiện này đã xảy ra vào khoảng từ năm 1,400 trC đến 1,500 trC… cách đây gần 3,500 năm. Ngôn ngữ được sử dụng hầu như là tiếng tiếng Hê-bơ-rơ cổ, ngôn ngữ của các tín đồ thời Cựu Ước.

Văn bản Thánh Kinh xuất hiện sớm nhất thường được cho là "Ngũ Kinh", tức là năm sách đầu tiên của Môi-se: Sáng Thế, Xuất hành, Lê-vi, Dân số và Phục truyền… Mặc dầu có một số chứng cứ khoa học chứng tỏ sách của Gióp, thời Cựu Ước, mới thực sự là sách đầu tiên của Thánh Kinh. Thánh Kinh Cựu Ước được viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ cổ, về cơ bản, nó khác với tiếng Hê-bơ-rơ ngày nay. Các ký thuật này được chuyển tiếp qua nhiều thế hệ trong suốt nhiều ngàn năm, chúng được viết trên các cuộn da thú, thường là da chiên, nhưng đôi khi là da nai hoặc da bò. Giống vật nào mà người Do Thái cho là không tinh sạch, như heo chẳng hạn, thì không bao giờ được sử dụng để làm các cuộn da.

Hình dưới đây là bộ "SeferTorah" được trưng bày tại "Sephardic Temple Tifereth Israel", Los Angeles, California, USA vào Chúa Nhật 21/09/2003. Bộ Torah này đã được ghi chép và sử dụng trong suốt 300 năm trước thời kỳ Pháp Đình Tôn Giáo Tây Ban Nha 1492. Khi toàn bộ Ngũ Kinh được chép trên một cuộn da, thì nó được gọi là "Torah". Toàn bộ Torah, nếu không cuộn lại, có thể dài đến 150 bộ (feet). Vì mỗi con chiên chỉ dài khoảng từ hai đến ba bộ, nên toàn bộ Torah được thực hiện phải cần đến cả một bầy chiên. Những viên ký lục người Do Tháikhó nhọc chép ra từng bộ Kinh là những người cầu toàn. Trong khi sao chép, nếu họ mắc lỗi, thì dầu là lỗi nhỏ nhất, chẳng hạn như khi lỡ chép hai ký tự của một chữ dính vào nhau, thì họ sẽ tiêu hủy toàn bộ mảnh da đó (từ ba đến bốn cột chữ trước chỗ có lỗi) và tiêu hủy luôn miếng da trước đó, vì đã chạm vào miếng da có chứa lỗi. Trong khi các Cơ-đốc nhân ngày nay có thể sẽ nghĩ rằng cách xử lý này là cuồng tín và thậm chí là tội thờ thần tượng (hầu việc Thánh Kinh, hơn là hầu việc Đấng đã ban Thánh Kinh cho chúng ta), nhưng việc làm này lại chứng minh rằng: Trong hai ngàn năm đầu tiên được lưu truyền, Lời Chúa đã được bảo quản một cách rất chính xác và đáng tin cậy.

Tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Anh có một điểm tương đồng: chúng đều là "những ngôn ngữ tượng hình". Các từ liệu của chúng hình thành một hình ảnh rõ ràng trong trí của bạn. Như William Tyndale, người đầu tiên in Thánh Kinh Anh ngữ, một lần nhận định rằng, việc phiên dịch từ tiếng Hê-bơ-rơ, so với các ngôn ngữ khác, sang tiếng Anh thì dễ hơn đến mười lần. Tyndale dĩ nhiên là người có đủ tư cách để đưa ra lời nhận định trên bởi vì ông là người thông thạo đến tám ngôn ngữ, thông thạo một ngôn ngữ ở đây có nghĩa là bạn có thể công nhận ông sử dụng ngôn ngữ nào cũng như là tiếng mẹ đẻ của ông.
 
Vào khoảng năm 500 trC, tất cả 39 sách của Thánh Kinh Cựu Ước đã được hoàn thành bằng tiếng Hê-bơ-rơ và được tiếp tục bảo tồn trên các cuộn da. Khi tiến đến những thế kỷ cuối cùng trước thời Đấng Christ, các sách chép về lịch sử của dân Do Thái, gọi là Ngụy Kinh (Apocrypha) được hoàn thành, nhưng chúng được ghi chép bằng tiếng Hy-lạp thay vì tiếng Hê-bơ-rơ. Cuối thế kỷ thứ nhất Công Nguyên, Thánh Kinh Tân Ước đã được hoàn thành. Nó được ghi lại bằng tiếng Hy-lạp, trên chỉ thảo (papyrus), một chất liệu mỏng giống như giấy, được làm từ những thân bị đập dập và cán mõng của một loại sậy. Từ "Kinh" (Bible) trong từ Thánh Kinh được bắt nguồn bởi từ "papyrus" trong tiếng Hy-lạp. Những tập chỉ thảo được đóng lại, hoặc buộc lại tương tự cách trình bày của những quyển sách hiện đại hơn so với những cuộn da kéo dài.

Tập hợp những ghi chép trên chỉ thảo này được gọi là "codex" (sách chép tay). Các bản sao chép sớm nhất của Thánh Kinh Tân Ước còn lại đến ngày nay mà chúng ta biết được là: bản Codex Alexandrius và bản Codex Sinaiticus tại "Bảo Tàng Thư Viện Anh quốc" ở Luân-đôn, và bản Codex Vaticannus ở Vatican. Chúng được chép vào khoảng năm 300. Vào năm 315, Athenasius, một giám mục xứ Alexandria, đã xác định 27 sách mà ngày nay, chúng ta gọi là kinh điển của Thánh Kinh Tân Ước.

Năm 382, giáo phụ của Hội Thánh thuở đầu là Jerome, đã phiên dịch Thánh Kinh Tân Ước từ nguyên bản tiếng Hi-lạp sang tiếng Latin. Bản Thánh Kinh được phiên dịch có tên là "Latin Vulgate". ("Vulgate" nghĩa là "thông tục" hoặc "bình dân"). Ông ghi chú ý bên cạnh các Ngụy Kinh (Apocrypha Books) rằng, ông không biết chúng có được Chúa soi dẫn hay không, hay chỉ là những ghi chép lịch sử của người Do Thái được viết thêm vào phần Thánh Kinh Cựu Ước.

Ngụy Kinh được giữ lại hầu như trong tất cả các bản Thánh Kinh chép tay hoặc bản in từ thuở ban đầu cho tới khoảng 120 năm trước, vào giữa thập niên 1880, là lúc chúng bị lấy ra khỏi những bản Thánh Kinh của Tin Lành. Trước thập niên 1880, mặc dầu có nhiều tranh cãi về việc Ngụy Kinh có được Chúa soi dẫn hay không, thì những tín đồ, dầu có phải Tin lành hay không, đều giữ lại Ngụy Kinh như là một phần của Thánh Kinh. Huyền thoại phổ thông cho rằng Ngụy Kinh thuộc về giáo hội "Công giáo La-mã" là không đúng. Huyền thoại này có lẽ phát sinh từ sự kiện giáo hội Công Giáo đã giữ lại 12 trong số 14 Ngụy Kinh trong các bản Thánh Kinh của họ trong khi các tín đồ Tin lành đã loại bỏ tất cả. Chẳng có một lý do chính xác nào từng được đưa ra để bảo vệ cho việc loại bỏ những ghi chép cổ đại của người Do Thái, là những ghi chép từ trước thời Đấng Christ, từng được giữ nguyên và là một phần của mỗi bản Thánh Kinh trong gần hai ngàn năm.

Vào năm 500, Thánh Kinh đã được phiên dịch sang hơn 500 ngôn ngữ. Chỉ một thế kỷ sau đó, năm 600, nó bị giới hạn trong chỉ một ngôn ngữ: bản dịch Latin Vulgate. Tổ chức giáo hội duy nhất, được công nhận vào thời điểm đó là Công Giáo của La-mã, và họ đã từ chối việc cho phép Thánh Kinh được dịch ra bất cứ ngôn ngữ nào ngoài tiếng Latin. Người nào sở hữu bản dịch Thánh Kinh khác Latin sẽ bị hành quyết! Lý do là, chỉ có các thầy lễ (priests) được dạy cho biết tiếng Latin, và điều này đem lại cho giáo hội quyền lực tối cao… là quyền thống trị mà không bị chất vấn… là quyền lừa dối… là quyền tống tiền quần chúng. Không ai có thể thắc mắc về những lời giảng "Thánh Kinh" được, bởi vì chỉ có một số ít người, ngoài những thầy lễ, có thể đọc tiếng Latin. Giáo hội đã làm giàu trên sự ngu dốt áp đặt này trong suốt 1000 năm. Thời kỳ từ năm 400 đến 1400 được biết đến với cái tên "Thời Trung Cổ Đen Tối".

Giáo hoàng Leo X đã thiết lập một thông lệ có tên là "bán bùa xá tội" như một cách để tống tiền mọi người. Ông hứa ban sự tha tội với một giá tiền tương đối nhỏ. Nếu bỏ ra thêm một ít tiền nữa, bạn sẽ được phép tiếp tục sống đời sống tội lỗi theo ý mình muốn, thí dụ như việc có tình nhân. Hơn nữa, nhờ sự phát minh ra "Ngục Luyện Tội", bạn có thể mua sự cứu rỗi linh hồn cho những người thân của bạn. Giáo hội giảng dạy với quần chúng dốt nát rằng: "Khi tiền trong hộp kêu lên, thì linh hồn tội lỗi nơi ngục luyện tội sẽ chỗi dậy!" (As soon as the coin in the coffer rings, the troubled soul from Purgatory springs!) Giáo hoàng Leo X đã phát biểu cảm nhận thật sự của ông khi thú nhận: "Truyền thuyết về Đấng Christ đem lại cho chúng ta khá nhiều lợi nhuận!"

Hội Thánh thật của Chúa ở đâu trong suốt những ngày đen tối này?

Tại đảo Scottish của Iona, vào năm 563, một người có tên Columba đã mở một Trường Thánh Kinh. Trong 700 năm sau đó, đây là nguồn của nhiều hoạt động giảng dạy Thánh Kinh Tin Lành không thuộc giáo hội Công Giáo trong suốt những thế kỷ của giai đoạn Trung Cổ Đen Tối. Những sinh viên của trường học này được gọi là "Culdees", có nghĩa là "người khách lạ". Culdees là một hội bí mật, và đức tin của những Cơ-đốc nhân chân thật còn xót lại được nuôi dưỡng nhờ vào những con người này trong suốt nhiều thế kỷ, dẫn đến Cuộc Cải Chánh Tin Lành.

Thật ra, người đầu tiên được gọi là "Culdee" chính là Giô-sép ở thành A-ri-ma-thê. Thánh Kinh cho chúng ta biết rằng Giô-sép ở thành A-ri-ma-thê đã dâng một phần mộ của mình cho Đức Chúa Jesus. Truyền thống cho chúng ta biết ông là Cậu của nữ đồng trinh Mary, và vì thế ông là ông cậu (hoặc ít nhất là ông cậu bà con xa) của Đức Chúa Jesus. Người ta cũng tin rằng Giô-sép ở thành A-ri-ma-thê đã đến British Isles trong một khoảng thời gian ngắn sau sự phục sinh của Đấng Christ, và tại đó, ông đã xây dựng Nhà Thờ Cơ-đốc đầu tiên trên đất. Cũng theo truyền thuyết, chúng ta được biết, rất có thể Đức Chúa Jesus đã dùng phần lớn khoảng đời trai trẻ (giữa tuổi 13 đến 30) du hành đây đó với ông cậu Giô-sép của Ngài… mặc dầu Thánh Kinh im lặng về những năm tháng này trong cuộc đời của Đức Chúa Jesus.

Vào cuối thập niên 1300, hội bí mật Culdees đã chọn ra John Wycliffe để lãnh đạo thế giới ra khỏi Thời Kỳ Đen Tối. Wycliffe được gọi là "Sao Mai của Cuộc Cải Chánh". Cuộc Cải Cách Tin Lành đó chỉ nhắm đến một điều: đem Lời của Đức Chúa Trời vào tay của quần chúng trở lại, trong chính tiếng mẹ đẻ của họ, nhờ đó sự thối nát của giáo hội sẽ bị phơi bày và sứ điệp về sự cứu rỗi chỉ có ở trong Đấng Christ, qua Thánh Kinh, và chỉ bởi đức tin, sẽ được rao giảng trở lại.

Chuyển ngữ: PaulTiep
Nguyên tác: The Pre-Reformation History of the Bible from 1,400 BC to 1,400 AD http://www.greatsite.com/timeline-english-bible-history/pre-reformation.html