Ý Nghĩa của Một Số Câu Thánh Kinh Liên Quan đến Sự Tái Sinh và Sự Thánh Hóa

4,533 views

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2011 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Christian Timothy
Bấm vào đây để download bài viết này

 
Lưu ý:Trong bài viết này, những câu Thánh Kinh trong các sách Giăng và Khải Huyền được trích từ Bản Dịch Ngôi Lời [1]; một số câu khác được tác giả dịch sát nghĩa theo nguyên ngữ của Thánh Kinh và ghi chú là "Dịch sát nghĩa;" những câu còn lại được trích từ Bản Dịch Phan Khôi đang được hiệu đính [2].
 
Nếu bạn đang kết nối với Internet trong khi đọc bài này thì bạn có thể bấm vào mã số Strong như: G4151 để xem định nghĩa của từ ngữ; bấm vào ký hiệu phát âm như: (loo-tron') để nghe cách phát âm.
 
Trong bài này, chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa chi tiết của một số câu trong Thánh Kinh có liên quan đến sự tái sinh và sự thánh hóa. Ý nghĩa của mỗi câu trong Thánh Kinh phải được giải bày và chứng minh từ những câu khác trong Thánh Kinh chứ không phải theo ý riêng của người nào (II Phi-e-rơ 1:20), đó là nguyên tắc giải kinh nhằm bảo đảm cho chúng ta hiểu đúng lẽ thật của Lời Chúa.
 
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận ra những trường hợp dùng Thánh Kinh để giải thích Thánh Kinh mà sự giải thích đó không đúng với các lẽ thật căn bản của Thánh Kinh (II Phi-e-rơ 3:16). Thí dụ: Sự kiện dùng Giăng 3:3 và Tít 3:5 để giải thích rằng phép báp-tem bằng nước tạo ra sự tái sinh, (danh từ thần học trong Anh ngữ là: "baptismal regeneration"), nghĩa là: nếu không có sự báp-tem bằng nước thì sẽ không có sự tái sinh.
 
Lẽ thật căn bản của Thánh Kinh dạy rằng: phép báp-tem bằng nước là hình thức tiêu biểu cho sự chúng ta được cứu ra khỏi sự hư mất bởi sự đoán phạt của Đức Chúa Trời, nhờ đức tin vào sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ (Rô-ma 10:9); như xưa kia gia đình của Nô-ê được cứu ra khỏi sự hư mất bởi cơn nước lụt (hình thức Đức Chúa Trời đoán phạt thế gian thời bấy giờ) nhờ đức tin vào lời của Đức Chúa Trời.
 
Phép báp-tem bằng nước chúng ta chịu ngày hôm nay cũng như sự đóng tàu và vào tàu trước cơn nước lụt của gia đình Nô-ê ngày xưa, đều thể hiện sự đáp ứng của một lương tâm tốt với Đức Chúa Trời. Lương tâm tốt tức là tấm lòng tin và làm theo Lời Chúa. I Phi-e-rơ 3:20, 21 chép:
 
"…về thời kỳ Nô-ê, khi Đức Chúa Trời nhịn nhục đã có lần chờ đợi cho chiếc tàu được đóng nên, trong đó chỉ có một số ít, là tám linh hồn được cứu qua nước. Phép báp-tem bây giờ là hình thức tiêu biểu của sự ấy để cứu chúng ta – chứ không phải là sự cất đi sự ô uế của xác thịt, nhưng là sự đáp ứng của một lương tâm tốt với Đức Chúa Trời – qua sự sống lại của Đức Chúa Jesus Christ…"(Dịch sát ý của nguyên ngữ Hy-lạp. Bản Dịch Phan Khôi dịch là "sự liên lạc lương tâm tốt").
 
Khi gọi phép báp-tem bằng nước là hình thức tiêu biểu, Thánh Kinh dạy rằng: hình thức đó giúp cho chúng ta hiểu được ý nghĩa việc làm của Đức Chúa trời trong sự tái sinh chúng ta. Phép báp tem bằng nước không làm ra sự tái sinh nhưng phép báp-tem bằng nước thể hiện một trong hai yếu tố mà Đức Chúa Trời dựa vào đó để tái sinh chúng ta. Yếu tố đó là sự chúng ta thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự rửa tội bằng huyết thánh của Đấng Christ; nghĩa là: chúng ta bằng lòng chết đi con người cũ trong sự chết của Đấng Christ (trong danh Đức Cha) để được sống lại một con người mới trong sự sống lại của Đấng Christ (trong Danh Đức Con), và chúng ta bằng lòng tiếp nhận sự thánh hóa bởi Đức Thánh Linh, qua Lời của Đức Chúa Trời (trong Danh Đức Thánh Linh).
 
I. Ý Nghĩa của Một Số Câu Thánh Kinh Liên Quan đến Sự Tái Sinh
 
1. Giăng 3:3:
"Đức Chúa Jesus lên tiếng, đáp rằng: Thật vậy, thật vậy, Ta nói với ngươi: Nếu một người chẳng sinh lại, thì không thể thấy biết được vương quốc của Đức Chúa Trời."
 
Từ ngữ "sinh lại" trong Giăng 3:3 trong nguyên ngữ Hy-lạp là "sinh từ trên cao" hàm ý "được sinh bởi Đức Chúa Trời" như Giăng 1:12, 13 đã nói rõ:
 
"Nhưng hễ những ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho họ năng quyền, để trở nên con cái của Đức Chúa Trời; là ban cho những kẻ tin vào danh Ngài: là những kẻ chẳng phải sinh bởi máu huyết, hoặc bởi ý của xác thịt, cũng chẳng bởi ý người, nhưng sinh bởi Đức Chúa Trời."
 
Từ ngữ "thấy biết" hàm ý sự nhận thức trong tâm trí, nghĩa là sự hiểu biết về Nước Trời, đồng thời cũng nói lên sự nhận thức về tác động của Nước Trời trong cuộc sống mỗi ngày. Nếu một người không được tái sinh thì không thể hiểu được về Nước Trời và cũng không thể nhìn thấy được sự đến của Nước Trời trong thế gian. Trong thời đại của Hội Thánh, Nước Trời thể hiện trong lòng của người thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ, cho nên chỉ những ai đã được tái sinh thì mới nhận biết sự hiện diện của Nước Trời trong lòng mình và trong lòng các anh chị em thật trong Chúa:
 
"Người Pha-ri-si hỏi Đức Chúa Jesus nước Đức Chúa Trời chừng nào đến, thì Ngài đáp rằng: Nước Đức Chúa Trời không đến cách rõ ràng, và người ta sẽ không nói: Ở đây, hay là: Ở đó; vì nầy, nước Đức Chúa Trời ở trong các ngươi" (Lu-ca 17:20, 21).
 
Vì thế, Thánh Kinh gọi những người ở trong Hội Thánh là "uống chung một Thánh Linh:"
 
"Vì chưng chúng ta hoặc người Giu-đa, hoặc người Gờ-réc, hoặc tôi mọi, hoặc tự chủ, đều đã chịu phép báp-tem chung một Thánh Linh để hiệp làm một thân; và chúng ta đều đã chịu uống chung một Thánh Linh nữa" (I Cô-rinh-tô 12:13).
 
Từ ngữ "uống chung một Thánh Linh" nói lên sự kiện con dân Thiên Chúa có Đức Thánh Linh hiện diện trong thân thể mình và Thánh Linh của Ngài tuôn trào trong lòng mình:
 
"Người nào tin nơi Ta, thì nước hằng sống sẽ tuôn trào từ trong lòng mình, y như Thánh Kinh đã chép vậy. Ngài phán điều đó chỉ về Đức Thánh Linh mà người nào tin Ngài sẽ nhận lấy; bởi bấy giờ, chưa có Thánh Linh, vì Đức Chúa Jesus chưa được vinh hiển." (Giăng 7:38, 39).
 
Từ ngữ "uống chung một Thánh Linh" còn nói lên sự kiện con dân Thiên Chúa "nếm sự ban cho từ trên trời""dự phần về Thánh Linh;" "nếm Lời lành của Đức Chúa Trời và quyền phép của đời sau:"
 
"Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Thánh Linh, nếm Lời lành của Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường"(Hê-bơ-rơ 6:4-6).
 
2. Giăng 3:5:
"Đức Chúa Jesus đáp rằng:Thật vậy, thật vậy, Ta nói với ngươi: Nếu một người chẳng sinh ra bởi nước và bởi Thánh Linh, thì không được vào vương quốc của Đức Chúa Trời."
 
Từ ngữ "bởi nước và bởi Thánh Linh" trong Giăng 3:5 là nói đến hai yếu tố, tức là hai điều cần phải có, để một người được tái sinh. Nhiều người cho rằng chữ "nước" là chỉ về Lời Chúa. Tuy nhiên, nguyên tắc giải kinh buộc chúng ta phải dùng cùng một phương cách để giải thích hai từ ngữ được liên kết với nhau bằng liên từ "và." Nếu từ ngữ "Thánh Linh" được hiểu theo nghĩa đen là Thánh Linh của Chúa thì từ ngữ "nước" cũng phải được hiểu theo nghĩa đen là nước. Ngoài ra, Thánh Kinh dùng nước để làm hình bóng về Thánh Linh như trong Giăng 7:38, 39; nhưng không bao giờ Thánh Kinh dùng nước để làm hình bóng về Lời Chúa.
 
Nhờ Ê-phê-sô 5:25, 26 mà chúng ta biết chắc nước và Lời Chúa (Đạo) là hai điều khác nhau. Chữ "Đạo" trong Bản Dịch Phan Khôi thật ra là chữ "Lời" trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh:
 
"Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội Thánh, phó chính mình vì Hội Thánh, để khiến Hội nên thánh sau khi lấy nước rửa và dùng Lời (Đạo) làm cho Hội tinh sạch…
 
Ý nghĩa của câu này làHội Thánh được nên thánh sau khi: (1) Đấng Christ hy sinh chuộc tội cho Hội Thánh. (2) Hội Thánh ăn năn tội, tin nhận sự chuộc tội của Đấng Christ, thể hiện qua sự chịu báp-tem tức là rửa mình trong nước, tiêu biểu cho sự kiện tội lỗi được rửa sạch bởi huyết của Đấng Christ. (3) Hội Thánh được tiếp tục thánh hóa bởi Lời Chúa (Giăng 17:17). Ý nghĩa Hội Thánh được rửa bằng nước còn được xác định trong Hê-bơ-rơ 10:19-22:
 
"Hỡi anh em, vì chúng ta nhờ huyết Đức Chúa Jesus được dạn dĩ vào nơi rất thánh, bởi đường mới và sống mà Ngài đã mở ngang qua cái màn, nghĩa là ngang qua xác Ngài, lại vì chúng ta có một thầy tế lễ lớn đã lập lên cai trị nhà Đức Chúa Trời, nên chúng ta hãy lấy lòng thật thà với đức tin đầy dẫy trọn vẹn, lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu, thân thể rửa bằng nước trong, mà đến gần Chúa."
 
Lòng được tưới sạch khỏi lương tâm xấu là bởi huyết của Đấng Christ còn thân thể rửa bằng nước trong là "bởi nước" của phép báp-tem. Sự rửa sạch thân thể bên ngoài bằng nước trong tiêu biểu cho sự rửa sạch bên trong bằng huyết của Đấng Christ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa một người phải chịu báp-tem bằng nước thì mới được tái sinh hoặc sự tái sinhxảy ra trong giây phút một người chịu báp-tem bằng nước. Chúng ta hãy cùng nhau xem bảng phân tích dưới đây:
 
Yếu tố
Nghĩa đen
Thể hiện
Tiêu biểu
Kết luận
Nước
Phép báp-tem
Lòng ăn năn năn tội và đức tin trong Đấng Christ
Tội lỗi được rửa sạch bởi huyết của Đấng Christ
(I Giăng 1:7;
Khải Huyền 1:6)
Bất kỳ lúc nào, một người thật lòng ăn năn tội, tin nhận Đấng Christ thì người ấy lập tức được Đức Chúa Trời xưng nghĩa và tái sinh thành một người mới trong Đấng Christ, thuộc về Hội Thánh, được làm chức vua và chức thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời. Sự kiện gia đình Cọt-nây được tái sinh khi họ tin nhận lời giảng của Phi-e-rơ là bằng cớ điển hình.
Thánh Linh
Quyền phép của
Đức Chúa Trời
Ân điển và sự ban cho của Đức Chúa Trời
Sự dự phần trong bản tính của Đức Chúa Trời, tức dự phần trong sự sống đời đời
(I Phi-e-rơ 1:3;
II Phi-e-rơ 1:4)
 
Như vậy, dựa trên lòng ăn tội và đức tin nơi Đấng Christ của một người và dựa trên ân điển cùng sự ban cho của Đức Chúa Trời mà Đức Thánh Linh tái sinh người ấy. Lòng ăn năn tội và đức tin nơi Đấng Christ của một người là yếu tố cần phải có về phía loài người, kết hợp với ân điển của Đức Chúa Trời để một người được xưng nghĩa, dẫn đến sự được tái sinh. Lòng ăn năn tội và đức tin nơi Đấng Christ của một người cần được thể hiện qua sự chịu báp-tem bằng nước khi hoàn cảnh cho phép, tức là sự rửa mình trong nước tiêu biểu cho sự người ấy tin nhận tội lỗi mình được rửa sạch bằng huyết của Đức Chúa Jesus Christ; nhưng phép báp-tem bằng nước không hề là yếu tố của sự tái sinh. Nếu phép báp-tem bằng nước là yếu tố của sự tái sinh thì tên trộm bị đóng đinh bên tay phải của Chúa sẽ không được vào Nước Trời.
 
Một người không thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ thì dù cho có chịu báp-tem bằng nước, sinh hoạt trong Hội Thánh, thậm chí đưa dắt nhiều người đến với sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời, người ấy vẫn không được tái sinh, không có sự cứu rỗi, và sẽ hư mất đời đời trong hỏa ngục. Mặt khác, một người thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ thì không có lý do gì từ chối chịu báp-tem bằng nước để thể hiện tấm lòng và đức tin của mình. Phép báp-tem bằng nước là mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ truyền cho những ai tin nhận Ngài. Người có thể chịu báp-tem bằng nước mà không thi hành là phạm tội không vâng phục Đấng Christ.
Đức Chúa Jesus khẳng định:
 
"Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha Ta ở trên trời mà thôi. Ngày đó, sẽ có nhiều người thưa cùng Ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, chúng tôi chẳng từng nhơn danh Chúa mà nói tiên tri sao? nhơn danh Chúa mà trừ quỉ sao? và lại nhơn danh Chúa mà làm nhiều phép lạ sao? Khi ấy, Ta sẽ phán rõ ràng cùng họ rằng: Hỡi kẻ làm gian ác, Ta chẳng biết các ngươi bao giờ, hãy lui ra khỏi Ta"(Ma-thi-ơ 7:21-23)!
 
"Làm theo ý của Cha Ta ở trên trời " là gì? Đức Chúa Jesus dạy rõ:
 
"Đây là ý muốn của Đấng đã sai Ta, hễ ai thấy Con và tin nơi Ngài, thì được sự sống đời đời; và Ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại nơi ngày sau rốt"(Giăng 6:40).
 
"Tin nơi Ngài" là gì? Là đồng ý với những gì Đức Chúa Jesus Christ phán dạy và làm theo như Ngài đã làm, nghĩa là sống như Ngài đã sống: không vi phạm bất cứ một điều răn nào của Đức Chúa Trời và vâng phục Đức Chúa Trời cho đến chết như Ngài đã vâng phục. I Giăng 2:3-6 cho chúng ta biết:
 
"Nầy tại sao chúng ta biết mình đã biết Ngài, ấy là tại chúng ta giữ các điều răn của Ngài. Kẻ nào nói: Ta biết Ngài, mà không giữ các điều răn Ngài, là người nói dối, lẽ thật quyết không ở trong người. Nhưng ai giữ lời phán Ngài, thì lòng kính mến Đức Chúa Trời thật là trọn vẹn trong người ấy. Bởi đó, chúng ta biết mình ở trong Ngài. Ai nói mình ở trong Ngài, thì cũng phải làm theo như chính Ngài đã làm."
 
Và Khải Huyền 21:8 cho biết phần của những kẻ nói dối sẽ là ở trong hồ lửa!
 
3. Giăng 3:6:
"Hễ chi sinh ra bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sinh ra bởi Đức Thánh Linh là thần.”
 
Từ ngữ "Đức Thánh Linh" trong Giăng 3:6 cho chúng ta thấy sự tái sinh được thực hiện bởi Đức Thánh Linh; và hễ ai đã được sinh ra bởi Đức Thánh Linh thì người ấy là thần linh giống như Chúa. Trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh, hai từ ngữ "Linh" và "thần" của Giăng 3:6 đều dùng chung một danh từ: "πνεῦμα," G4151, phiên âm /pneuma/, phát âm (pnyoo'-mah), tiếng Anh dịch là "spirit," có nghĩa là "thần" hoặc "linh." Tương tự như vậy là từ ngữ "Thần" và "tâm thần" trong Giăng 4:24:
 
"Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong tâm thần và lẽ thật"(Giăng 4:24).
 
Để có thể thật sự thờ phượng Đức Chúa Trời là Thần thì một người phải có tâm thần đã được tái sinh. Người chưa được tái sinh là một người có tâm thần đã chết, tức là một tâm thần không thể thông công với Đức Chúa Trời, mà chỉ có thể thông công với các tà linh. Vì thế, người không biết Chúa chỉ có thể thờ lạy hình tượng và tà thần.
 
4. Tít 3:4, 5:
"Nhưng từ khi lòng nhân từ và tình yêu đối với loài người của Đức Chúa Trời, là Đấng Giải Cứu chúng ta, đã được bày ra, thì không phải vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài mà Ngài cứu chúng ta bởi sự rửa của sự tái sinh và sự đổi mới của Thánh Linh."
 
Từ ngữ "bởi sự rửa của sự tái sinh" nói đến sự chúng ta được rửa sạch tội lỗi bởi huyết của Đấng Christ khi Đức Thánh Linh tái sinh chúng ta. Điều này được Khải Huyền 1:6 xác chứng:
 
"Đấng yêu thương chúng ta: đã rửa sạch tội lỗi chúng ta trong máu Ngài, đã lập chúng ta làm những vua và những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời Ngài và Cha Ngài – Nguyện sự vinh quang và quyền thế thuộc về Ngài cho đến đời đời. A-men!"
 
Từ ngữ "sự rửa" nguyên ngữ Hy-lạp của Tân Ước là "λουτρόν," G3067, phiên âm /loutron/, phát âm (loo-tron'), và chỉ xuất hiện có hai lần, trong Tít 3:4 và Ê-phê-sô 5:26, với nghĩa đen là "sự tắm bằng cách báp-tem trong nước, tức dìm mình trong nước." Không phải phép báp-tem bằng nước khiến cho chúng ta được tái sinh nhưng phép báp-tem bằng nước tiêu biểu cho điều mà Đức Chúa Trời đã làm cho con người bên trong của chúng ta. Điều này tương tự như: không phải tình yêu vợ chồng phát sinh ra bởi lễ cưới nhưng lễ cưới tiêu biểu cho tình yêu vợ chồng đã có giữa người đàn ông và đàn bà.
 
Từ ngữ: "sự đổi mới của Thánh Linh" (BảnDịch Phan Khôi dịch là "sự đổi mới của Đức Thánh Linh" )nói đến sự kiện Thánh Linh của Đức Chúa Trời, tức quyền phép, năng lực, và sự sống ra từ Đức Chúa Trời đã làm cho mới lại một người được tái sinh.
 
Khi Đức Chúa Trời dựng nên loài người, Ngài ban Thánh Linh của Ngài vào trong thân thể người (Sáng Thế Ký 2:7), tạo nên tâm thần của loài người, tức phần linh thể của loài người,  để loài người được tương giao với Ngài, có thể sống theo tiêu chuẩn thánh khiết, công chính, và yêu thương của Ngài, đồng thời cai trị đất cùng muôn vật trên đất. Nhưng khi loài người phạm tội thì tâm thần bị chết, tức là bị xa cách Chúa, mất đi sự tương giao với Chúa, trái lại, loài người tương giao với ma quỷ và thờ lạy tà thần, khiến cho quyền phép, năng lực, và sự sống đến từ Đức Chúa Trời trước đó bị băng hoại, ô nhiễm với tội lỗi. Vì thế, khi một người được tái sinh thì Đức Chúa Trời làm mới lại mọi sự bên trong con người đó, tức là làm mới lại Thánh Linh của Ngài trong con người đó. Ngài làm mới bằng cách hiện diện trong thân thể của người được tái sinh qua thân vị Đức Thánh Linh và tuôn tràn Thánh Linh của Ngài trong lòng người. II Cô-rinh-tô 5:17 xác chứng cho sự đổi mới đó:
 
"Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới."
 
5. I Phi-e-rơ 1:22, 23:
"Các anh em đã làm sạch linh hồn mình bởi sự vâng phục lẽ thật trong tâm thần, đặng có lòng yêu thương anh em cách chân thật, nên hãy yêu nhau sốt sắng với tấm lòng tinh sạch đã được sinh lại chẳng phải bởi giống hay hư nát, nhưng bởi giống không hư nát, là bởi Lời sống và bền vững đời đời của Đức Chúa Trời."
 
Linh hồn chính là con người còn được gọi là bản ngã. Linh hồn ở trong thân thể xác thịt và ở trong thân thể thần linh, tức tâm thần. Thân thể xác thịt có thể được rửa sạch bằng nước trong. Thân thể thần linh, còn được gọi là tâm thần, được rửa sạch bởi sự đổi mới Thánh Linh của Đức Chúa Trời như đã trình bày ở trên.
 
Một người trước khi được tái sinh thì linh hồn, tâm thần, và thể xác đang chết, tức là đang bị phân cách với Đức Chúa Trời, sau khi được tái sinh thì linh hồn và tâm thần được sống lại, tức là được phục hòa, được giao thông với Đức Chúa Trời, còn thể xác sẽ được phục sinh hoặc biến hóa trong ngày Đấng Christ trở lại. Khi được tái sinh thì con người bên trong, tức tâm thần và linh hồn, hoàn toàn được dựng nên mới, hoàn toàn tinh sạch và thánh khiết như Đấng Christ. Tuy nhiên, sau đó con người có thể phạm tội trở lại hoặc là vì thiếu sự tri thức trong Chúa mà phạm những tội không biết; hoặc là vì những thói quen xấu của xác thịt chỗi dậy bất ngờ, không kịp chế ngự, như thói quen nóng giận, lớn tiếng; hoặc là vì yếu đuối trước những cám dỗ mà phạm những tội cố ý.
 
Sau khi phạm tội, chúng ta cần ăn năn, xưng tội với Chúa thì Ngài sẽ "tha thứ cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác" (I Giăng 1:9). Đó là sự vâng phục lẽ thật được bày tỏ trong I Giăng 1:9 để làm sạch tâm thần và linh hồn. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần vâng theo các lẽ thật khác của Lời Chúa để thôi, không còn phạm tội vì bất cứ một lý do nào nữa, giữ cho mình luôn được thánh sạch.
 
Đối với những tội không biết, chúng ta có thể cầu xin sự khôn ngoan từ nơi Chúa để nhận biết chúng. Gia-cơ 1:5:
 
"Ví bằng trong anh em có kẻ kém khôn ngoan, hãy cầu xin Đức Chúa Trời, là Đấng ban cho mọi người cách rộng rãi, không trách móc ai, thì kẻ ấy sẽ được ban cho."
 
Đối với những tội vì những thói quen xấu chỗi dậy bất ngờ, chúng ta cần cầu xin Chúa tha thứ và đem những thói xấu đó ra khỏi đời sống của chúng ta; dâng thân thể mình lên cho Chúa mỗi ngày để làm công cụ cho những việc công bình là những việc Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho chúng ta làm theo; đồng thời phải nhân danh Chúa để cai trị thân thể của mình. bắt nó phải phục:
 
"Vậy, chớ để tội lỗi cai trị trong xác hay chết của anh em, và chớ chiều theo tư dục nó. Chớ nộp chi thể mình cho tội lỗi, như là đồ dùng gian ác, nhưng hãy phó chính mình anh em cho Đức Chúa Trời, dường như đã chết mà nay trở nên sống, và dâng chi thể mình cho Đức Chúa Trời như là đồ dùng về sự công bình"(Rô-ma 6:12, 13).
 
"Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa , tham lam, tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng… bởi những sự ấy cơn giận của Đức Chúa Trời giáng trên các con không vâng phục; lúc trước anh em sống trong những nết xấu đó, và ăn ở như vậy. Nhưng bây giờ anh em nên trừ bỏ hết nói sự đó, tức là sự thạnh nộ, buồn giận và hung ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục tỉu nào ra từ miệng anh em. Chớ nói dối nhau, vì đã lột bỏ người cũ cùng công việc nó, mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết đầy trọn."(Cô-lô-se 3:5-10).
 
"Vậy, hỡi anh em, tôi lấy sự thương xót của Đức Chúa Trời khuyên anh em dâng thân thể mình làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của anh em. Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào"(Rô-ma 12:1, 2).
 
"Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió; song tôi đãi thân thể mình cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng"(I Cô-rinh-tô 9:26, 27).
 
Đối với những tội vì sự yếu đuối mà chúng ta sa vào sự cám dỗ, thì chúng ta cần cầu xin Chúa tha thứ cho chúng ta và sau đó, mỗi khi đối diện với cám dỗ chúng ta phải dùng Lời của Chúa để chống cự theo gương của Đức Chúa Jesus, đồng thời gọi danh Đức Chúa Jesus Christ, xin Ngài cứu chúng ta ra khỏi sự cám dỗ: "Vì ai kêu cầu danh Chúa thì sẽ được cứu" (Rô-ma 10:13).
 
Chính lòng yêu thương anh chị em trong Chúa một cách chân thật và sốt sắng xác chứng cho chúng ta rằng chúng ta đã được tái sinh.
 
Nguyên cớ của sự tái sinh là bởi Lời của Chúa dẫn chúng ta đến sự ăn năn tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ, là Tin Lành được rao giảng cho muôn dân:
 
"Lời Chúa làm cho tôi được sống lại. Ấy là sự an ủi tôi trong cơn hoạn nạn" (Thi Thiên 119:50).
 
"Nhưng Lời Chúa còn lại đời đời. Và Lời đó là Tin Lành đã giảng ra cho anh em" (I Phi-e-rơ 1:25).
 
"Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sinh ra chúng ta, hầu cho chúng ta được nên một loại trái đầu mùa trong những tạo vật của Ngài" (Gia-cơ 1:18 – Dịch sát nghĩa).
 
Nền tảng của sự tái sinh, về phía loài người là lòng ăn năn tội và đức tin nơi Đấng Christ, thể hiện qua phép báp-tem; về phía Đức Chúa Trời là ân điển và sự ban cho của Ngài, thể hiện qua quyền phép của Đức Thánh Linh.
 
6. Ga-la-ti 3:27
"Vả, anh em thảy đều chịu phép báp-tem trong Đấng Christ, đều mặc lấy Đấng Christ vậy."
 
Ý nghĩa của sự kiện "chịu phép báp-tem trong Đấng Christ" là mỗi một tín đồ của Đấng Christ đều đồng chết và đồng sống lại với Đấng Christ. Đấng Christ chết vì tội lỗi của chúng ta, còn chúng ta thì cùng chết đi bản ngã tội lỗi trong cái chết của Ngài. Đấng Christ sống lại, đắc thắng sự chết để ban cho thân thể xác thịt của chúng ta sự sống lại và sự sống đời đời, còn chúng ta thì cùng sống lại với bản ngã mới trong sự sống lại vinh quang của Đấng Christ. Bản ngã mới được sống lại đó của chúng ta cần phải tiếp nhận tất cả những bản tính của Đấng Christ. Sự tiếp nhận đó được gọi là "mặc lấy Đấng Christ." Trong nguyên tác Hy-lạp, từ ngữ "mặc" có nghĩa là chìm ngập trong. Chúng ta cần được chìm ngập trong bản tính của Đấng Christ để chúng ta được trở nên giống như Ngài.
 
7. Ê-phê-sô 4:21-24
"Vì anh em đã nghe Ngài, và được dạy dỗ bởi Ngài, y theo lẽ thật trong Đức Chúa Jesus, rằng anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành, mà phải làm nên mới trong tâm chí mình,và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công bình và sự thánh sạch của lẽ thật."
 
Từ ngữ "mặc lấy người mới" có nghĩa là chìm ngập trong con người mới đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời. Từ ngữ "giống" được giải thích là giống trong phẩm chất công bình và thánh sạch của lẽ thật tức là theo tiêu chuẩn của Lời Chúa, vì Lời Chúa là lẽ thật (Giăng 17:17). Sự dựng nên con người mới của chúng ta đã hoàn tất. Phẩm chất con người mới của chúng ta giống như Đức Chúa Trời theo như các lẽ thật được bày tỏ qua Lời của Ngài. Việc còn lại là chúng ta phải mặc lấy, tức là phải chìm ngập trong con người mới đó, sao cho loài người, các thiên sứ, và ma quỷ cùng thấy được chúng ta sống động trong con người mới đã được Đức Chúa Trời dựng nên giống như Ngài.
 
Muốn được như vậy, chúng ta phải từ bỏ, phải thoát khỏi con người cũ, bản ngã cũ đã chết trong Đấng Christ. Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta con người mới, việc còn lại là chúng ta quyết tâm lìa khỏi con người cũ, bản ngã cũ để sống trong con người mới, bản ngã mới đó.
 
8. Cô-lô-se 3:10
"mà mặc lấy người mới là người đang đổi ra mới theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy, đặng đạt đến sự hiểu biết đầy trọn."
 
Chúng ta đã nói đến sự kiện tái sinh, dựng nên mới là sự kiện chỉ xảy ra một lần và hoàn tất do Đức Chúa Trời làm ra cho chúng ta. Vậy, từ ngữ "người mới là người đang đổi ra mới" trong Cô-lô-se 3:10 có ý nghĩa gì? Không lẽ sự tái sinh của chúng ta chưa được trọn vẹn? Không phải vậy. Chúng ta cần phải dịch sát nghĩa Cô-lô-se 3:10 để có thể hiểu rõ ý của kinh văn:
 
"mà mặc lấy người mới, là người được đổi ra mới trong sự hiểu biết, theo hình tượng Đấng dựng nên người ấy."
 
Qua câu dịch sát nghĩa trên đây, chúng ta hiểu rằng Cô-lô-se 3:10 có ý nói: Chúng ta đã vứt bỏ con người cũ để mặc lấy con người mới. Con người mới đó là con người đã được đổi mới trong sự hiểu biết và đã được dựng nên giống như hình tượng của Đấng đã dựng nên.
 
Làm sao để chúng ta biết rằng mình đã mặc lấy con người mới? Làm sao để người khác nhận biết rằng chúng ta là con người mới? Lời Chúa trong Cô-lô-se 3:12-14 cho chúng ta biết con người mới là con người mặc lấy, tức là chìm ngập trong lòng yêu thương và trong cuộc sống thể hiện lòng thương xót, nhân từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục, nhường nhịn, và tha thứ lẫn nhau như Chúa đã tha thứ cho mình, nghĩa là chịu gánh lấy hậu quả sai trái giùm cho người mình yêu, để người ấy có thể được phục hòa với mình và với Chúa:
 
"Vậy anh em là kẻ chọn lựa của Đức Chúa Trời, là người thánh và rất yêu dấu của Ngài, hãy có lòng thương xót. Hãy mặc lấy sự nhơn từ, khiêm nhường, mềm mại, nhịn nhục, nếu một người trong anh em có sự gì phàn nàn với kẻ khác thì hãy nhường nhịn nhau và tha thứ nhau: như Chúa đã tha thứ anh em thể nào, thì anh em cũng phải tha thứ thể ấy. Nhưng trên hết mọi sự đó, phải mặc lấy lòng yêu thương, vì là dây liên lạc của sự trọn lành."
 
II. Ý Nghĩa của Một Số Câu Thánh Kinh Liên Quan đến Sự Thánh Hóa
 
1. I Cô-rinh-tô 1:2
"gởi cho Hội Thánh Đức Chúa Trời tại thành Cô-rinh-tô, tức là cho những người đã được nên thánh trong Đức Chúa Jesus Christ, được gọi làm thánh đồ, lại cho mọi người bất luận nơi nào, cầu khẩn danh Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, là Chúa của những người ấy và của chúng ta:"
Trong câu này, Sứ Đồ Phao-lô định nghĩa "Hội Thánh của Đức Chúa Trời tại thành Cô-rinh-tô""những người đã được nên thánh trong Đức Chúa Jesus Christ, được gọi làm thánh đồ."
 
Từ ngữ "đã được nên thánh trong Đức Chúa Jesus Christ" nói đến hai phương diện của sự thánh hóa.
 
Phương diện thứ nhất là sự thánh hóa để phục hồi địa vị làm con Đức Chúa Trời cho người được thánh hóa. Sự thánh hóa để phục hồi này được làm ra bởi sự đổ huyết của Đấng Christ trên thập tự giá. Huyết của Đức Chúa Jesus Christ, Con của Đức Chúa Trời, làm sạch mọi tội lỗi của những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận Ngài (I Giăng 1:8,9; Khải Huyền 1:6).
 
Phương diện thứ hai là sự thánh hóa để tiếp tục phát triển sự yêu thương, công bình, và thánh khiết của Đức Chúa Trời trong và qua con người được thánh hóa. Sự thánh hóa này được làm ra bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời và Lời của Đức Chúa Trời. Người được thánh hóa ngày càng hiểu biết về Đức Chúa Trời càng hơn, hiểu biết sâu nhiệm Lời của Đức Chúa Trời càng hơn, và càng giống Đức Chúa Trời trong sự vinh quang của Ngài.
 
"Thánh đồ" là người thuộc riêng về Đức Chúa Trời, sống đúng theo thánh ý của Ngài. Từ ngữ "được gọi làm thánh đồ" nói đến mục đích của những người được thánh hóa trong Đức Chúa Jesus Christ là để họ trở nên những người thuộc riêng về Đức Chúa Trời, sống theo thánh ý của Ngài, và trở nên trọn vẹn như Ngài.
 
2. I Cô-rinh-tô 7:14:
"Bởi vì, chồng không tin Chúa, nhơn vợ mình được nên thánh, vợ không tin Chúa, nhơn chồng mình tin Chúa được nên thánh; bằng chẳng vậy, con cái anh em nên chẳng sạch, song nay đều là thánh."
 
Từ ngữ "được nên thánh" trong câu này hoàn toàn không mang lấy các ý nghĩa sau đây:
  • Một người không tin Chúa có thể nhờ vợ hay chồng tin Chúa mà được cứu rỗi.
  • Một người không tin Chúa có thể nhờ vợ hay chồng tin Chúa mà được thánh hóa bởi huyết của Đấng Christ, bởi Thánh Linh của Đức Chúa Trời, và bởi Lời của Đức Chúa Trời.
Như chúng ta đã biết, từ ngữ "thánh hóa" có nhiều nghĩa, và nghĩa được dùng trong câu này tương tự như nghĩa được dùng trong I Ti-mô-thê 4:4, 5: "Vả, mọi vật Đức Chúa Trời đã dựng nên đều là tốt lành cả, không một vật chi đáng bỏ, miễn là mình cảm ơn mà ăn lấy thì được; vì nhờ lời Đức Chúa Trời và lời cầu nguyện mà vật đó được nên thánh."
 
Lời Chúa và lời cầu nguyện làm cho thức ăn được nên thánh có nghĩa là thức ăn đó được dùng để đem ích lợi đến cho con dân Chúa chứ không có nghĩa thức ăn đó được biến hóa, được thay đổi. Cũng vậy, người vợ hay người chồng không tin Chúa được Chúa dùng để đem lại ích lợi cho người phối ngẫu đã tin Chúa của họ và bản thân họ được Chúa bảo vệ, ban phước vì cớ họ liên kết với con dân của Chúa.
 
Trong câu chuyện của Giô-sép, chúng ta thấy nhà của quan Phô-ti-pha được hưng thịnh nhờ có Giô-sép làm quản gia, đất nước Ê-díp-tô được thoát khỏi bảy năm đói kém lớn và trở nên hùng mạnh nhờ có Giô-sép làm tể tướng. Sự thánh hóa được nói đến trong I Cô-rinh-tô 7:14 và I Ti-mô-thê 4:4, 5 là sự biệt riêng một người hay một vật để người ấy, vật ấy hoàn thành mục đích mà Đức Chúa Trời đã đặt để cho. Các loài thú dù trước kia vốn bị kể là không tinh sạch, nhưng nhờ lời phán của Chúa trong Công Vụ Các Sứ Đồ 10:15 và lời cầu nguyện tạ ơn nhận lãnh của con dân Chúa, mà nay được biệt riêng ra làm thức ăn cho con dân Chúa, đúng theo mục đích Chúa đã đặt để trong Sáng Thế Ký 9:3. Người chồng hay người vợ không tin Chúa nhờ liên kết với người phối ngẫu đã tin Chúa mà được Chúa biệt riêng ra, tức thánh hóa, để làm trọn vai trò chồng hoặc vợ đối với con dân của Ngài.
 
Tuy nhiên, nếu người chồng hay vợ không tin Chúa phạm tội ngoại tình, đối xử hà khắc, thờ lạy hình tượng, hoặc muốn phân rẽ thì con dân Chúa nên phân rẽ họ. Lời khuyên không nên để bỏ người chồng hay vợ ngoại đạo với hy vọng là về sau có thể sẽ đưa được họ đến với sự cứu rỗi là một lời khuyên của riêng Phao-lô dành cho con dân Chúa. Lời khuyên đó không phải là điều răn của Chúa. Phao-lô đã nói rõ khi nhập đề: "Đến như những kẻ khác, chẳng phải Chúa, song là chính tôi bảo họ rằng: Nếu người anh em nào có vợ ngoại đạo bằng lòng ở đời với mình, thì không nên để bỏ. Lại nếu một người đờn bà có chồng ngoại đạo bằng lòng ở đời với mình, thì vợ cũng không nên lìa chồng" (I Cô-rinh-tô 7:12, 13). Ngoài ra, lời khuyên trên đây được dùng trong trường hợp cả hai vợ chồng đều không tin Chúa khi kết hôn mà về sau một trong hai người tin Chúa, chứ không phải là lý do để một người tin Chúa kết hôn với người không tin Chúa. Điều răn của Chúa không hề thay đổi: "Chớ mang ách chung với kẻ chẳng tin. Bởi vì công bình với gian ác có hội hiệp nhau được chăng? Sự sáng với sự tối có thông đồng nhau được chăng" (II Cô-rinh-tô 6:14)?
 
3. II Tê-sa-lô-ni-ca 2:13
"Hỡi anh em yêu dấu của Chúa, còn như chúng tôi, phải vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi, vì vừa lúc ban đầu, Ngài đã chọn anh em bởi sự nên thánh của tâm thần, và bởi tin lẽ thật, đặng ban sự cứu rỗi cho anh em."
 
Sự nên thánh của tâm thần bao gồm:
  • Sự tâm thần được tái sinh bởi Đức Thánh Linh:
    "Đức Chúa Trời ôi! xin hãy dựng nên trong tôi một lòng trong sạch, và làm cho mới lại trong tôi một thần linh ngay thẳng" (Thi Thiên 51:10)
    "Hễ chi sinh ra bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sinh ra bởi Đức Thánh Linh là thần" (Giăng 3:6).
  • Sự thờ phượng Đức Chúa Trời trong tâm thần:
    "Nhưng giờ đến và bây giờ là lúc những người thờ phượng thật: sẽ thờ phượng Cha trong tâm thần và lẽ thật. Vì Cha tìm kiếm những người thờ phượng Ngài như vậy. Đức Chúa Trời là Thần. Những người thờ phượng Ngài phải thờ phượng trong tâm thần và lẽ thật" (Giăng 4:23, 24)
"Vì, ấy chính chúng ta là những người chịu phép cắt bì, là những người thờ phượng Đức Chúa Trời trong tâm thần, vui mừng trong Đấng Christ, và không để lòng tin cậy trong xác thịt bao giờ" (Phi-líp 3:3).
  • Sự chăm những sự thuộc về Đức Thánh Linh, tức trái của Đức Thánh Linh:
    "Thật thế, kẻ sống theo xác thịt thì chăm những sự thuộc về xác thịt; còn kẻ sống theo tâm thần thì chăm những sự thuộc về Đức Linh" (Rô-ma 8:5)
    "Nhưng trái của Đức Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhơn từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ" (Ga-la-ti 5:22)
  • Sự làm cho chết các việc thuộc về thân thể xác thịt:
    "Thật thế, nếu anh em sống theo xác thịt thì phải chết; song nếu bởi tâm thần, làm cho chết các việc của thân thể, thì anh em sẽ sống" (Rô-ma 8:13).
  • Sự không làm theo, không sống theo thế gian nhưng làm theo, sống theo tâm thần đã được đổi mới:
    "Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào" (Rô-ma 12:2).
  • Sự làm cho sạch mọi sự ô uế trong tâm thần, tức là các tư tưởng tội lỗi, như: kiêu ngạo, mê tín dị đoan, tôn kính hình tượng, tà dâm, tham lam, dối trá, hèn nhác, v.v.:
    "Hỡi những kẻ rất yêu dấu của tôi, chúng ta đã có lời hứa dường ấy, thì hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ bẩn phần xác thịt và phần tâm thần, lại lấy sự kính sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta" (II Cô-rinh-tô 7:11).
  • Sự luôn cầu nguyện và nài xin trong tâm thần, nghĩa là luôn tương giao với Chúa trong tâm thần:
    "Trong tâm thần, thường thường làm đủ mọi thứ cầu nguyện và nài xin. Hãy dùng sự bền đổ trọn vẹn mà tỉnh thức về điều đó, và cầu nguyện cho hết thảy các thánh đồ" (Ê-phê-sô 6:18).
4. Hê-bơ-rơ 2:11:
"Vì Đấng làm nên thánh và kẻ được nên thánh, đều bởi một Cha mà ra. Cho nên Ngài không thẹn mà gọi những kẻ đó là anh em."
 
Đấng làm nên thánh là Đức Chúa Jesus Christ, kẻ được nên thánh là con dân của Chúa: "Ấy vì đó mà chính mình Đức Chúa Jesus đã chịu khổ tại ngoài cửa thành để lấy huyết mình làm cho dân nên thánh" (Hê-bơ-rơ 13:12). Dầu Đức Chúa Jesus là Con Một của Đức Chúa Trời, có cùng bản thể Đức Chúa Trời với Đức Chúa Trời (Phi-líp 2:6-8), nhưng Ngài đã nhập thế làm người để khiến cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời được thánh hóa. Vì thế, Đức Chúa Jesus Christ là anh cả của Hội Thánh:
 
"Vả, chúng ta biết rằng mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời, tức là cho kẻ được gọi theo ý muốn Ngài đã định. Vì Ngài cũng đã định sẵn để nên giống như hình bóng Con Ngài, hầu cho Con nầy được làm Con cả ở giữa nhiều anh em"(Rô-ma 8:28, 29).
 
"Vì hễ ai làm theo ý muốn Cha Ta ở trên trời, thì người đó là anh em, chị em Ta, cùng là mẹ Ta vậy" (Ma-thi-ơ 12:50).
 
"Ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, nấy là anh em, chị em, và mẹ Ta vậy"(Mác 3:35).
"Nhưng Ngài đáp rằng: Mẹ Ta và anh em Ta là kẻ nghe Lời Đức Chúa Trời và làm theo Lời ấy"(Lu-ca 8:21)
 
"Đức Chúa Jêsus bèn phán rằng: Đừng sợ chi cả; hãy đi bảo cho anh em Ta đi qua xứ Ga-li-lê, ở đó sẽ thấy Ta" (Ma-thi-ơ 28:10).
 
"Đức Chúa Jesus phán rằng: Chớ rờ đến Ta; vì Ta chưa lên cùng Cha! Nhưng hãy đi đến cùng anh em Ta, nói rằng Ta lên cùng Cha Ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời Ta và Đức Chúa Trời các ngươi"(Giăng 20:17).
 
Bài viết này được viết để bổ sung cho bài "Ba Phương Diện của Sự Cứu Rỗi: Sự Xưng Nghĩa, Sự Tái Sinh, và Sự Thánh Hóa" [3]. Mong rằng những điều trình bày trong bài viết này giúp ích cho quý con dân Chúa trong sự học Lời Chúa. Quý bạn đọc có thể theo links dưới đây [4] để nghe và download phần âm thanh trình bày nội dung của bài viết này.
 
Nguyện Đức Thánh Linh, Thần Lẽ Thật, dẫn chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa. A-men!
 
 
Huỳnh Christian Timothy
29.08.2011

Chú Thích
[4] Những câu Thánh Kinh liên quan đến sự tái sinh:  http://tinlanhvietnam.net/node/844
Những câu Thánh Kinh liên quan đến sự thánh hóa: http://tinlanhvietnam.net/node/849