Ngày Chúa Đến

2,179 views

Nguồn: https://youtu.be/krw1cdK2loY

Ngày Chúa Đến

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

Kính thưa Hội Thánh,

Những ngày cuối cùng của một năm luôn gợi cho lòng người một nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến. Đối với nhiều người, họ bâng khuâng vì không biết rõ những gì sẽ đến với mình trong năm mới; họ xao xuyến vì sắp thêm một tuổi, già thêm một năm, càng gần hơn với ngày phải từ biệt cõi đời này mà dường như vẫn chưa làm được bao nhiêu những việc có ý nghĩa.

Trong khi những người khác không biết chắc về tương lai của họ, chúng ta, những con dân Chúa, biết chắc tương lai của mình là phước hạnh trong tay Chúa. Chúng ta biết Chúa không xét về số lượng những gì chúng ta làm cho Chúa mà xét về tấm lòng sốt sắng của chúng ta trong sự hầu việc Chúa. Dù vậy, chúng ta vẫn có thể có nỗi niềm bâng khuâng, xao xuyến trong những ngày cuối năm. Vì chúng ta quan tâm đến những người thân yêu trong gia đình chưa tin Chúa. Vì chúng ta cảm thấy dường như mình vẫn chưa hết sức hầu việc Chúa. Có lẽ Chúa ban cho chúng ta cảm xúc ấy để chúng ta nhớ đến sự tính sổ cuộc đời của chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ biết sống những ngày còn lại một cách có ý nghĩa hơn. Cảm tạ Chúa!

Cho dù có là bâng khuâng, xao xuyến trong thoáng chốc thì con dân Chúa vẫn luôn bình an, sống trong sự trông cậy Chúa đã ban cho chúng ta. Trong những ngày cuối cùng của năm 2019 này, chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm đến sự trông cậy phước hạnh của chúng ta, sự trông cậy ngày Chúa đến!

Khi đối chiếu tình hình thời sự thế giới với Thánh Kinh, chúng ta thấy rõ, chúng ta thuộc về thế hệ cuối cùng trong Hội Thánh, trước khi Hội Thánh được Chúa cất ra khỏi thế gian.

Chúng ta cần ghi nhớ rằng, sự kiện Hội Thánh được thành lập trong ngày Lễ Ngũ Tuần, liền sau khi Đức Chúa Jesus Christ phục sinh và thăng thiên, như được ghi lại trong Công Vụ Các Sứ Đồ đoạn 2, là sự kiện ứng nghiệm lời tiên tri của Đức Chúa Jesus Christ, như đã được ghi lại trong Ma-thi-ơ 16:18.

“Nhưng Ta cũng phán với ngươi rằng, ngươi là Phi-e-rơ, và trên vầng đá này Ta sẽ lập Hội Thánh của Ta. Các cửa của âm phủ sẽ chẳng thắng được nó.” (Ma-thi-ơ 16:18).

Ngày Hội Thánh được thành lập nhằm Thứ Sáu, ngày 06 tháng Sivan năm 3787 theo Lịch Do-thái, hoặc ngày 30 tháng 05 năm 27 theo Tây Lịch (Lịch Julian) [1]. Chúng ta thấy, loài người được Chúa dựng nên vào ngày Thứ Sáu (Sáng Thế Ký 1:26-31) và Hội Thánh cũng được Chúa dựng nên vào ngày Thứ Sáu. Loài người được dựng nên vào ngày Thứ Sáu và bước vào ngày yên nghỉ Thứ Bảy cũng là hình bóng cho sự kiện Hội Thánh được dựng nên vào thời kỳ Ân Điển, là thời kỳ thứ sáu trong bảy thời kỳ lịch sử của loài người, để bước vào thời kỳ thứ bảy là thời kỳ yên nghỉ, tức thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm.

Qua Thánh Kinh, chúng ta nhận thấy, Đức Chúa Trời cho phép loài người trải qua bảy thời kỳ:

  • Thời kỳ Vô Tội, khi tội lỗi chưa vào trong thế gian.
  • Thời kỳ Lương Tâm, khi loài người sống theo sự cai trị của lương tâm, sau khi đã phạm tội.
  • Thời kỳ Chính Quyền của Loài Người, khi loài người được cai trị bởi các tổ chức chính quyền.
  • Thời kỳ Lời Hứa, khi Đức Chúa Trời ban lời hứa về sự cứu rỗi cho loài người.
  • Thời kỳ Luật Pháp, khi Đức Chúa Trời ban luật pháp của Ngài cho loài người.
  • Thời kỳ Ân Điển, khi loài người được cứu rỗi bởi đức tin vào Tin Lành.
  • Thời kỳ Vương Quốc Ngàn Năm, khi loài người được cai trị bởi Đấng Christ và Hội Thánh.

Hiểu biết về sự Hội Thánh được thành lập giúp chúng ta thấy rõ mối quan hệ giữa chúng ta và Chúa. Chúng ta là con dân Chúa được Ngài biệt riêng để vui hưởng những ơn phước và những lời hứa của Ngài. Lịch sử của Hội Thánh đã trải qua gần hai ngàn năm. Trong suốt khoảng thời gian ấy, con dân chân thật của Chúa luôn sống một đời sống thánh khiết, mong chờ ngày Đức Chúa Jesus Christ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Nhưng kể từ khi Hội Thánh được thành lập cho đến ngày 14 tháng 05 năm 1948, Hội Thánh không hề có được dấu hiệu nào báo trước về thời kỳ Đấng Christ sẽ trở lại để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Kể từ Thứ Sáu, ngày 14 tháng 05 năm 1948, là ngày dân I-sơ-ra-ên được Đức Chúa Trời tái lập quốc gia của họ trên miền Đất Hứa Ca-na-an, thì Hội Thánh có được dấu hiệu thứ nhất, cho thấy, Hội Thánh đang sống trong thời kỳ Đấng Christ sẽ trở lại.

Dù dân I-sơ-ra-ên đã được lập quốc trở lại cách lạ lùng nhưng trong ngày tái lập quốc, họ vẫn chưa hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem. Vì phía đông của thành Giê-ru-sa-lem vẫn còn thuộc chủ quyền của quốc gia Hồi Giáo Giô-đanh (Jordan). (Dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn mất nước và mất chủ quyền trên thành Giê-ru-sa-lem vào chiều ngày 29 tháng 7 năm 587 TCN, bởi tay dân Ba-by-lôn [2]). Mãi đến ngày 07 tháng 06 năm 1967, trong Cuộc Chiến Sáu Ngày chống lại sự tấn công của liên minh các quốc gia Hồi Giáo, I-sơ-ra-ên mới hoàn toàn làm chủ trở lại thành Giê-ru-sa-lem lần đầu tiên, sau 2.587 năm bị mất chủ quyền.

Các biến cố này làm ứng nghiệm lời tiên tri của Đức Chúa Jesus trong ngụ ngôn về cây vả:

“Hãy học ngụ ngôn về cây vả. Khi nhánh của nó còn non, lá mới đâm, thì các ngươi biết, mùa hạ gần tới. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, hãy biết rằng, sự ấy là gần, ngay trước các cửa. Thật! Ta nói với các ngươi, thế hệ này sẽ chẳng qua đi cho đến khi mọi điều ấy được ứng nghiệm!” (Ma-thi-ơ 24:32-34).

“Mọi điều ấy” là các điều đã được nói đến từ Ma-thi-ơ 24:4, tức là tình hình thời sự thế giới xảy ra sau khi I-sơ-ra-ên được tái lập quốc và chiếm lại chủ quyền hoàn toàn trên thành Giê-ru-sa-lem.

“Sự ấy” tức là sự Đức Chúa Jesus Christ tái lâm trên đất, như đã nói trong các câu 30 và 31. Một số bản dịch tiếng Anh dịch là: “Ngài đã gần, ngay trước các cửa!” Vì động từ “là” trong nguyên ngữ Hy-lạp của Thánh Kinh được dùng cho ngôi thứ ba số ít, có thể chỉ người mà cũng có thể chỉ sự việc hay sự vật. Nhưng theo văn mạch từ câu 30 thì nên dịch là “sự ấy” để chỉ sự Chúa tái lâm trên đất.

Cây vả được Thánh Kinh dùng làm biểu tượng cho quốc gia I-sơ-ra-ên. Vì thế, sự kiện dân I-sơ-ra-ên được tái lập quốc chẳng khác gì sự kiện cây vả I-sơ-ra-ên được trồng trở lại vào trong vùng Đất Hứa Ca-na-an, sau 2.535 năm bị bứng gốc, vì phạm tội chống nghịch Thiên Chúa. Chúng ta thấy, Chúa đã dựng lại quốc gia I-sơ-ra-ên cũng vào một ngày Thứ Sáu. Sự đâm chồi nẩy lộc của cây vả, như dấu hiệu báo tin mùa hạ đang đến, là nói đến sự kiện I-sơ-ra-ên chiếm lại chủ quyền Giê-ru-sa-lem [3].

Chúng ta cũng cần phân biệt sự đến của Đức Chúa Jesus Christ giữa chốn không trung để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian trước Kỳ Tận Thế, như đã được tiên tri trong I Cô-rinh-tô 15:51-52 và I Tê-sa-lô-ni-ca 4:15-17, là khác với sự Ngài cùng Hội Thánh tái lâm trên đất vào cuối của bảy năm đại nạn để kết thúc Kỳ Tận Thế. Sự tái lâm trên đất của Đức Chúa Jesus Christ sẽ xảy ra sau khi Hội Thánh đã kết hiệp với Ngài trong Lễ Cưới Chiên Con, trên thiên đàng, như đã được tiên tri trong Khải Huyền 19:7-9. Liền theo đó, từ câu 11 đến câu 21 là lời tiên tri về sự Đấng Christ, Hội Thánh, và các thiên sứ giáng lâm trên đất. Đấng Christ sẽ tiêu diệt AntiChrist và những ai nhận con dấu của AntiChrist; ném AntiChrist và tiên tri giả của nó, đang khi chúng còn sống trong thân thể xác thịt, vào hỏa ngục; sai thiên sứ nhốt Sa-tan vào vực sâu trong âm phủ; rồi thiết lập Vương Quốc Ngàn Năm của Ngài trên đất.

Một số người cho rằng, danh từ “những đạo binh trên trời” trong Khải Huyền 19:14 là chỉ về các thiên sứ của Chúa, không bao gồm Hội Thánh, vì Hội Thánh không phải là quân đội. Tuy nhiên, Thánh Kinh gọi con dân Chúa là những người lính của Đức Chúa Jesus Christ, được Đức Chúa Trời trang bị cho các vũ khí thuộc linh để chiến trận cùng ma quỷ (II Ti-mô-thê 2:3; Ê-phê-sô 6:11-17). Danh từ số nhiều “những đạo binh” hàm ý, đạo binh thiên sứ và đạo binh loài người. Vì thế, Hội Thánh sẽ có mặt trong những đạo binh trên trời, theo chân Đấng Christ, giáng lâm trên đất vào cuối Kỳ Tận Thế. Ngoài ra, lời hứa của chính Đức Chúa Jesus Christ, khẳng định rằng, khi Chúa đã đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian thì Hội Thánh sẽ không còn bao giờ xa cách Chúa về thuộc thể nữa:

“Khi Ta đã đi và đã sắm sẵn cho các ngươi một chỗ. Ta sẽ trở lại và sẽ đem các ngươi đến với Ta để Ta ở đâu các ngươi cũng ở đó.” (Giăng 14:3).

“Thế hệ này” được nói đến trong Ma-thi-ơ 24:34 là thế hệ của những người nhìn thấy sự kiện cây vả được trồng, nhành non của cây vả ra lá, biểu tượng cho sự dân I-sơ-ra-ên tái lập quốc (14/05/1948) rồi chiếm lại quyền làm chủ thành thánh Giê-ru-sa-lem (07/06/1967).

Thánh Kinh cho chúng ta biết, vào ngày Thứ Tư thì Chúa dựng nên mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao để cai trị ngày đêm và để chúng làm những dấu, định những mùa, những ngày, và những năm, tức là để tính lịch (Sáng Thế Ký 1:14-19). Nói cách khác, vào buổi chiều tối ngày Thứ Tư của tuần lễ sáng tạo, bước sang ngày Thứ Năm, chính là ngày 01 tháng 01 năm 01 của lịch. Một ngày theo Thánh Kinh bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn của ngày hiện tại và kết thúc khi mặt trời lặn vào ngày hôm sau. Tương tự như vậy, buổi chiều tối, sau khi mặt trời lặn của Thứ Tư, ngày 07 tháng 06 năm 1967, ngay sau khi dân I-sơ-ra-ên hoàn toàn làm chủ thành Giê-ru-sa-lem, cũng là khởi đầu của ngày Thứ Năm và là ngày bắt đầu đếm thời gian cho tuổi thọ trung bình của dòng dõi được sinh ra trong ngày ấy.

Chúng ta chú ý điều này, I-sơ-ra-ên tái lập quốc vào ngày 14 tháng 05 năm 1948. Như vậy, vào ngày 14 tháng 05 năm 1967 thì I-sơ-ra-ên tròn 19 tuổi. Sau ngày ấy, I-sơ-ra-ên bước vào tuổi 20. Theo Thánh Kinh, tuổi 20 là tuổi một người được kể là trưởng thành. Như vậy, chưa đầy một tháng sau khi bước vào tuổi trưởng thành, quốc gia I-sơ-ra-ên đã hoàn toàn làm chủ trở lại thành Giê-ru-sa-lem vào ngày 07 tháng 06 năm 1967, nhằm Thứ Tư. Buổi chiều, sau khi mặt trời lặn, của ngày ấy cũng là ngày khởi đầu thời gian tuổi thọ trung bình của “dòng dõi cây vả”. Dòng dõi ấy sẽ kéo dài trong vòng 70 năm hay 80 năm, như Thi Thiên 90:10 đã ghi rõ:

“Những ngày của những năm của chúng tôi là bảy mươi năm. Còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi năm. Nhưng sự kiêu căng của chúng chỉ là lao khổ và buồn thảm. Vì chúng chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi.” (Thi Thiên 90:10).

Thi Thiên 90 là một bài ca do Môi-se viết ra. Chúng ta biết, Môi-se sống đến 120 tuổi. Khi ông được 80 tuổi thì Chúa mới sai dùng ông làm người dẫn dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ nô lệ Ê-díp-tô. Thế mà Môi-se khẳng định đời người chỉ là 70 năm hay 80 năm. Điều đó hàm ý, Chúa đã qua Môi-se, tiên tri về tuổi thọ trung bình của đời người, kể từ khi dân I-sơ-ra-ên bước chân vào Đất Hứa.

Nếu chúng ta biết rằng, “dòng dõi cây vả” sẽ không chết hết, trước khi Kỳ Tận Thế hoàn tất, và một dòng dõi kéo dài khoảng 70 đến 80 năm, thì chúng ta có thể hiểu rằng, Kỳ Tận Thế sẽ xảy ra trong vòng 70 năm hay 80 năm, kể từ ngày I-sơ-ra-ên hoàn toàn có chủ quyền trở lại trên thành Giê-ru-sa-lem. Nếu buổi chiều tối ngày 07 tháng 06 năm 1967 là lúc thời gian bắt đầu đếm cho “dòng dõi cây vả”, thì dòng dõi ấy sẽ kết thúc vào buổi chiều tối ngày 07 tháng 06 năm 2037, hoặc nhiều lắm là vào buổi chiều tối ngày 07 tháng 06 năm 2047.

Lời tiên tri trong Đa-ni-ên và Khải Huyền cho chúng ta biết, Kỳ Tận Thế sẽ kéo dài bảy năm. Giả sử Chúa chờ cho đến cuối thời hạn đời người của dòng dõi ấy mới tiến hành sự tận thế thì sự tận thế sẽ bắt đầu vào tháng 06 năm 2030 hoặc vào tháng 06 năm 2040. Như vậy, Hội Thánh phải được Chúa cất ra khỏi thế gian trước đó. Có nghĩa là: Chúa có thể đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian vào bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ hiện tại cho đến tháng 06 năm 2030. Hoặc có lâu hơn thì cũng không quá tháng 06 năm 2040.

Nếu chỉ dựa vào ngụ ngôn cây vả thì kể từ hiện tại, Chúa có thể đến bất kỳ lúc nào trong vòng 10 hoặc 20 năm. Nhưng có hai điểm quan trọng mà chúng ta cần ghi nhớ:

  • Chúa không nhất thiết phải chờ đến lúc sắp bắt đầu Kỳ Tận Thế thì Ngài mới đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, mà là Ngài có thể đến bất kỳ lúc nào trong khoảng thời gian từ hiện tại cho đến khi Kỳ Tận Thế bắt đầu.
  • Chúa cũng không nhất thiết phải bắt đầu Kỳ Tận Thế vào bảy năm cuối cùng của dòng dõi được sinh ra vào ngày 07 tháng 06 năm 1967.

Mục đích của chúng ta không phải là tìm cho ra chính xác thời điểm sự Chúa cất Hội Thánh ra khỏi thế gian mà là chuẩn bị cho xác suất về sự ngày ấy đang đến gần. Chúng ta cần tỉnh thức, sống theo Lời Chúa, sẵn sàng ra đi với Chúa bất kỳ lúc nào. Vì Ngài sẽ đến như kẻ trộm. Lời Ngài phán:

“Vậy, hãy tỉnh thức! Vì các ngươi không biết giờ nào Chúa của các ngươi đến. Hãy biết rằng, nếu người chủ nhà đã hay canh nào kẻ trộm sẽ đến thì tỉnh thức, không để cho nhà mình bị đào ngạch. Vậy, các ngươi cũng hãy sẵn sàng. Vì Con Người đến vào giờ mà các ngươi không ngờ.” (Ma-thi-ơ 24:42-44).

Tuy nhiên, khi đọc Lời Chúa trong Ô-sê 6:1-2 thì chúng ta sẽ thấy rằng, dường như Kỳ Tận Thế sẽ không xảy ra vào cuối giới hạn đời sống của dòng dõi sinh ra vào ngày 07 tháng 06 năm 1967. Dường như Kỳ Tận Thế sẽ xảy ra sớm hơn. Và như vậy, ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian cũng sẽ đến sớm hơn. Vì Hội Thánh phải được Chúa đem ra khỏi thế gian trước khi Kỳ Tận Thế bắt đầu. Đó là lời hứa của Chúa với Hội Thánh trong Khải Huyền 3:10.

“Vì ngươi đã giữ lời của sự nhẫn nại Ta, Ta cũng sẽ giữ ngươi khỏi giờ thử thách sẽ đến trên khắp thế gian để thử nghiệm những kẻ ở trên đất.” (Khải Huyền 3:10).

Chúng tôi đã trình bày chi tiết về quan điểm này trong hai bài giảng “Ô-sê 6:1-2 và Kỳ Tận Thế”, phần 1 và phần 2 [4], [5]. Chúng tôi xin nhắc lại điểm chính dưới đây:

Lời Chúa chép:

“Hãy đến! Chúng ta hãy trở về cùng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì Ngài đã xé nhưng Ngài sẽ chữa lành chúng ta. Ngài đã đánh nhưng Ngài sẽ buộc vết thương cho chúng ta. Sau hai ngày, Ngài sẽ khiến chúng ta sống lại. Ngày thứ ba, Ngài sẽ dựng chúng ta dậy. Chúng ta sẽ sống trước mặt Ngài.” (Ô-sê 6:1-2).

“Vì một ngàn năm trước mắt Ngài như ngày hôm qua đã qua rồi, như một canh của đêm.” (Thi Thiên 90:4).

“Hỡi những người yêu dấu! Đừng quên điều này, với Chúa, một ngày như một ngàn năm và một ngàn năm như một ngày.” (II Phi-e-rơ 3:8).

Dân I-sơ-ra-ên chối bỏ Đấng Christ và giao Ngài vào tay dân La-mã để họ đóng đinh Ngài trên thập tự giá vào ngày Lễ Vượt Qua năm 27 [6]. Chúng ta có thể tính rằng, kể từ hôm đó, dân I-sơ-ra-ên đã chết thuộc linh, tức là không còn nhận biết Chúa và không còn được thông công với Ngài. Sự chết thuộc linh đó sẽ kéo dài suốt hai ngàn năm, tức hai ngày trong lời tiên tri của Ô-sê. Sau hai ngàn năm, khi ngàn năm thứ ba bắt đầu, thì Chúa sẽ làm cho dân I-sơ-ra-ên được sống lại về phần thuộc linh, tức là họ sẽ nhận biết Ngài và quay về cùng Ngài.

Ngày Lễ Vượt Qua làm hình bóng cho sự chết của Đức Chúa Jesus Christ. Kỳ Lễ Bánh Không Men bắt đầu vào ngày sau ngày Lễ Vượt Qua, làm hình bóng cho đời sống mới của con dân Chúa. Ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, theo sau ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men, làm hình bóng cho sự phục sinh của Đấng Christ, làm hình bóng cho sự phục sinh của con dân Chúa, và cũng làm hình bóng cho sự phục sinh thuộc linh của dân I-sơ-ra-ên.

Vậy, rất có thể dân I-sơ-ra-ên sẽ được tái sinh thuộc linh vào ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa của năm 2027, nhằm ngày 23 tháng 04 năm 2027, là thời điểm khởi đầu của ngàn năm thứ ba, kể từ khi dân I-sơ-ra-ên chết thuộc linh, vì đã chối bỏ Đấng Christ và khiến Ngài bị giết vào Thứ Tư, ngày 9 tháng 4 năm 27 [6]. Rất có thể đó là ngày Đức Chúa Trời sẽ chọn ra 144.000 người trong 12 chi phái của dân I-sơ-ra-ên, như đã chép trong Khải Huyền 7:1-8. Đó cũng có thể là ngày Chúa cất Hội Thánh ra khỏi thế gian như hàm ý trong Khải Huyền 7:9-17 [7].

Chúng tôi không hề khẳng định giờ ngày tháng năm Chúa đến. Chúng tôi chỉ dựa vào lịch sử thế giới, đối chiếu với Lời Chúa mà hiểu biết thời kỳ của ngày Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Chính Chúa đã phán dạy rằng, loài người có thể biết được các thời kỳ nhờ các dấu hiệu:

“Nhưng Ngài trả lời, phán với họ: Vào buổi chiều tối, các ngươi nói, thời tiết tốt, vì trời đỏ. Còn sáng sớm thì các ngươi nói: Hôm nay có mưa giông, vì trời đỏ và nhiều mây. Hỡi những kẻ giả hình! Các ngươi có thể phân biệt sắc trời mà các ngươi không thể phân biệt những dấu hiệu của các thời kỳ sao?” (Ma-thi-ơ 16:2-3).

Nói tóm lại:

  • Dựa trên ý nghĩa của ngụ ngôn về cây vả, ngày Chúa đến có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nhưng không kéo dài quá ngày 07 tháng 06 của năm 2030 hoặc 2040. Liền theo đó sẽ là bảy năm của Kỳ Tận Thế.
  • Dựa trên ý nghĩa của Ô-sê 6:1-2, ngày Chúa đến có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nhưng không kéo dài quá ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa của năm 2027, nhằm Thứ Sáu ngày 23 tháng 04 năm 2027. Liền theo đó sẽ là bảy năm của Kỳ Tận Thế.

Chúng tôi nghĩ rằng, khi chúng ta kết hiệp lời tiên tri trong Ô-sê 6:1-2 với lời tiên tri của Đấng Christ qua ngụ ngôn về cây vả trong Ma-thi-ơ 24:32-34 thì chúng ta sẽ thấy quan điểm cho rằng, ngày Chúa đến sẽ là bất kỳ lúc nào, kể từ hiện tại cho đến ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa của năm 2027, là hợp lý nhất. Quan điểm này đáp ứng được cả ý nghĩa của Ô-sê 6:1-2 lẫn ý nghĩa của ngụ ngôn về cây vả. Nghĩa là ngày Chúa đến sẽ kéo dài nhiều lắm là khoảng hơn bảy năm một chút, kể từ hiện tại. Nghĩa là chúng ta chỉ còn có nhiều lắm là khoảng bảy năm để tận dụng vàng, bạc, và những loại đá quý thuộc linh mà xây dựng trên nền đức tin của mình (I Cô-rinh-tô 3:12). Trong khoảng thời gian chờ ngày Chúa đến, một khoảng thời gian vô cùng ngắn, có thể kết thúc bất kỳ lúc nào này, quý ông bà anh chị em sẽ làm gì để giúp ích cho tương lai của mình trong cõi đời đời?

Ngoài ra, năm 2024 sẽ là lần thứ 70 của năm Vui Mừng trong dân I-sơ-ra-ên, kể từ khi dân I-sơ-ra-ên đặt chân vào Đất Hứa vào năm 1406 TCN (Lê-vi Ký 25:10). Năm Vui Mừng là năm thứ 50 của mỗi chu kỳ 49 năm. Trong năm Vui Mừng, những nô lệ và những tù nhân được trả tự do, những nợ nần được xóa sạch, và sự thương xót của Chúa sẽ thể hiện cách đặc biệt trên con dân của Ngài. Rất có thể trong năm Vui Mừng thứ 70 này, vào ngày Lễ Thổi Kèn, Chúa sẽ cất Hội Thánh ra khỏi thế gian. Ngày Lễ Thổi Kèn là hình bóng cho sự Chúa nhóm hiệp con dân của Ngài [8]. Ngày Lễ Thổi Kèn của năm 2024 sẽ nhằm Thứ Năm, ngày 03 tháng 10. Xin nhớ, chúng ta chỉ đoán rằng, có thể đó là ngày Chúa sẽ cất Hội Thánh ra khỏi thế gian. Chúng ta không biết chắc giờ và ngày Chúa đến.

Nếu Hội Thánh được Chúa cất ra khỏi thế gian vào ngày Lễ Thổi Kèn của năm Vui Mừng thứ 70, vào tháng 10 năm 2024 thì đó thật là một sự vui mừng lớn cho Hội Thánh mà cũng cho cả muôn dân trên đất. Vì khi họ thấy lời tiên tri về sự Chúa cất Hội Thánh ra khỏi thế gian được ứng nghiệm, chứng minh Thánh Kinh là chân thật, thì nhiều người sẽ ăn năn, tin nhận Tin Lành. Biến cố đó cũng thêm sức mạnh cho những người sẽ tin nhận Tin Lành trong Kỳ Tận Thế.

Nếu Chúa cất Hội Thánh ra khỏi thế gian vào ngày Lễ Thổi Kèn của năm Vui Mừng 2024 thì thế gian sẽ có thêm hai năm rưỡi để ăn năn, trước khi Kỳ Tận Thế bắt đầu. Rất có thể, trong khoảng thời gian này, nước Mỹ sẽ bị thiên tai làm cho suy sụp, không còn khả năng yểm trợ cho quốc gia I-sơ-ra-ên. Các nước Hồi Giáo sẽ liên minh tấn công I-sơ-ra-ên, như lời tiên tri trong Thi Thiên 83 [9], khiến I-sơ-ra-ên phải dùng đến vũ khí nguyên tử, tiêu diệt thủ đô Đa-mách, nước Sy-ri, nơi tập trung bộ chỉ huy quân sự của liên minh Hồi Giáo. Biến cố đó sẽ dẫn đến sự kiện AntiChrist lên cầm đầu một chính quyền toàn cầu để ký hòa ước với I-sơ-ra-ên và các quốc gia Hồi Giáo, nhằm giải tỏa các khu khai thác dầu khí đã bị I-sơ-ra-ên chiếm đóng và đe dọa sẽ dùng đầu đạn nguyên tử phá hủy, nếu Liên Hiệp Quốc đem quân trừng phạt I-sơ-ra-ên.

Giờ và ngày Chúa đến đối với mỗi con dân Chúa có thể rất khác nhau, tùy theo từng địa phương họ cư ngụ. Hay nói cách khác, chúng ta không thể có giờ và ngày thống nhất cho thời điểm Đức Chúa Jesus Christ đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian. Chúng ta không thể dùng giờ và ngày của một địa phương nào để làm chuẩn. Vì như đã nói, đây là biến cố xảy ra đồng loạt trên khắp địa cầu.

Trong khi suy ngẫm về sự kiện không ai biết ngày và giờ Chúa đến để đem Hội Thánh ra khỏi thế gian, chúng tôi được hiểu rằng:

  • Sự Chúa đến là biến cố xảy ra trên toàn thế giới chứ không phải chỉ xảy ra tại một địa phương nào.
  • Giờ và ngày ở hầu hết các địa phương trên thế giới có sự khác biệt. Nhiều nơi khác nhau đến 12 giờ đồng hồ. Thí dụ, vào khoảng đầu tháng Ba đến khoảng đầu tháng Mười Một, giờ và ngày tại vùng trung tâm của nước Mỹ đi sau giờ và ngày tại Việt Nam đúng 12 tiếng đồng hồ. Nếu ở Mỹ là 6 giờ chiều của ngày hiện tại thì ở Việt Nam lại là 6 giờ sáng của ngày hôm sau. Giả sử, đối với con dân Chúa tại I-sơ-ra-ên, Chúa đến vào lúc 6 giờ sáng ngày 23 tháng 04 năm 2027, ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa, nhằm ngày 16 tháng Nissan năm 5787 theo Lịch Do Thái. Thì đối với con dân Chúa tại Việt Nam là 10 giờ sáng cùng ngày. Còn đối với con dân Chúa tại Texas, Hoa Kỳ, đó lại là 10 giờ tối của ngày hôm trước, ngày 22 tháng 04 năm 2027.

Có thể, ngày Chúa đến sẽ cùng là một ngày đối với khắp nơi trên địa cầu, nhưng về giờ thì chắc chắn có sự khác biệt từ một đến mười hai tiếng đồng hồ. Giả sử, vừa khi mặt trời lặn của ngày thứ nhất Lễ Bánh Không Men, bước sang ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa thì Chúa đến. Như vậy, đối với con dân Chúa tại I-sơ-ra-ên sẽ là 6 giờ chiều ngày 16 tháng Nissan nhưng sẽ là 6 giờ sáng cùng ngày đối với con dân Chúa tại thành phố Adak, Alaska, Hoa Kỳ. Hai địa phương này cách nhau đúng 12 múi giờ.

Cho dù ngày Chúa đến sẽ xảy ra vào thời điểm nào thì điều chắc chắn là Chúa sẽ trở lại theo lời Ngài đã hứa và chúng ta đã có dấu hiệu để biết mình đang sống trong thời kỳ cuối cùng của Hội Thánh. Đó là dấu hiệu dân I-sơ-ra-ên được tái lập quốc và tái chiếm quyền làm chủ hoàn toàn thành Giê-ru-sa-lem.

Hãy nghĩ đến trường hợp của người bệnh ung thư đã đến thời kỳ cuối. Bác sĩ nhìn thấy các dấu hiệu cho biết người ấy sắp chết, và biết chắc người ấy chỉ còn sống thêm được vài tuần lễ. Nhưng bác sĩ không biết chắc người ấy sẽ chết vào giờ và ngày nào. Tuy nhiên, sự biết đó đủ để cho bác sĩ, bệnh nhân, và người nhà của bệnh nhân chuẩn bị cho sự chết của bệnh nhân.

Chúng ta có thể sẽ ra đi với Chúa trong nháy mắt, ngay trong hiện tại. Hay chúng ta có thể ra đi với Chúa trong ngày Lễ Thổi Kèn của năm 2024. Hay chúng ta có thể ra đi với Chúa trong vòng khoảng 7 năm nữa, giữa hiện tại và ngày Lễ Dâng Bó Lúa Đầu Mùa của năm 2027. Hay chúng ta có thể sẽ ra đi với Chúa trong vòng khoảng 10 năm nữa, vào khoảng trước tháng 06 năm 2030. Hay chúng ta có thể sẽ ra đi với Chúa trong vòng khoảng 20 năm nữa, vào khoảng trước tháng 06 năm 2040. Nhưng điều chúng ta có thể chắc chắn là dòng dõi được sinh ra vào ngày dân I-sơ-ra-ên chiếm lại chủ quyền hoàn toàn trên thành Giê-ru-sa-lem sẽ không qua đi trước khi Kỳ Tận Thế xảy ra. Và chắc chắn là Hội Thánh sẽ được Chúa cất ra khỏi thế gian trước đó.

Ngoài ra, có thể Hội Thánh sẽ chứng kiến Cuộc Chiến Trung Đông theo Thi Thiên 83 xảy ra và chứng kiến AntiChrist lên cầm đầu một chính phủ toàn cầu, trước khi Hội Thánh được Chúa cất ra khỏi thế gian. Nhưng cũng có thể sau khi Hội Thánh được Chúa cất ra khỏi thế gian thì hai sự kiện ấy mới xảy ra. Nếu Chúa cho phép Hội Thánh còn ở lại trên đất khi hai biến cố ấy xảy ra thì đó là sự thương xót lớn của Ngài đối với thế gian, vì hai biến cố ấy sẽ thức tỉnh rất nhiều người, khiến nhiều người tin nhận Tin Lành, được thêm vào Hội Thánh.

Quý ông bà anh chị em đã sẵn sàng để ra đi với Chúa chưa? Chúa có thể đến ngay trong hiện tại. Chúa có thể đến trong vòng vài năm nữa. Nhưng quý ông bà anh chị em có luôn sẵn sàng để ra đi với Chúa bất kỳ khi nào hay không? Quý ông bà anh chị em sẽ làm gì trong những ngày ngắn ngủi còn lại này để xây dựng nhà thuộc linh của mình? Nhà thuộc linh của quý ông bà anh chị em đang được xây bằng vàng, bạc, cùng các loại đá quý? Hay nhà thuộc linh của quý ông bà anh chị em đang được xây dựng bằng những loại gỗ, cỏ khô, và rơm rạ (I Cô-rinh-tô 3:12)? Hay quý ông bà anh chị em vẫn vận dụng công sức, mải mê xây dựng cho nhà thuộc thể mà không còn bao lâu nữa quý ông bà anh chị em sẽ từ bỏ nó?

Nguyện tất cả những ai đọc và nghe bài giảng này sẽ được ra đi với Chúa trong ngày Chúa đến, vì họ biết chọn điều tốt nhất, là sự cứu rỗi và sự sống đời đời, đã được Chúa ban cho họ.

Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Thiên Chúa bao phủ mỗi một chúng ta cho đến đời đời. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
28/12/2019

Ghi Chú

[1] Xem tiết mục “Năm Do-thái: 3787”
https://kytanthe.net/003-tom-luoc-lich-su-loai-nguoi/

[2] Xem tiết mục “Năm Do-thái: 3174”
https://kytanthe.net/003-tom-luoc-lich-su-loai-nguoi/

[3] https://kytanthe.net/060-cay-va-i-so-ra-en-diem-chua-den/

[4] https://kytanthe.net/o-se-61-2-va-ky-tan-the/

[5] https://kytanthe.net/065-o-se-61-2-va-ky-tan-the-phan-2/

[6] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-chua-chet-va-ngay-chua-phuc-sinh/

[7] https://kytanthe.net/034_chu-giai-khai-huyen-71-17/

[8] https://timhieuthanhkinh.com/chu-giai-co-lo-se-2_16-23/

[9] https://kytanthe.net/014-bay-bien-co-quan-trong-truoc-ky-tan-the-phan-5/

Karaoke Thánh Ca:

“Ngày Chúa Gần Tới” https://karaokethanhca.net/ngay-chua-gan-toi/

“Mùa Xuân bên Chúa” https://karaokethanhca.net/mua-xuan-ben-chua/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thanhkinhvietngu.online/tiengviet/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.
  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/