Mười Hai Từ Ngữ Liên Quan Đến Điều Răn và Luật Pháp

4,234 views

Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.

Huỳnh Christian Timothy
Nhấp vào đây để download bài viết này

Để có thể hiểu rõ ý nghĩa các câu Thánh Kinh liên quan đến điều răn và luật pháp thì chúng ta cần hiểu rõ các từ ngữ liên quan đến điều răn và luật pháp. Dưới đây là bảng liệt kê 12 từ ngữ có liên quan đến điều răn và luật pháp, được dùng trong Thánh Kinh. Quý bạn đọc có thể bấm vào các mã số Strong như: H8451 để vào website tham khảo ý nghĩa của từ ngữ trong tiếng Anh hoặc bấm vào ký hiệu phát âm như:(to-raw') để vào website nghe cách phát âm từ ngữ.

1. Luật pháp: Danh từ luật pháp trong Thánh Kinh bao gồm tất cả những gì là thánh ý của Đức Chúa Trời đối với loài người. Nói cách khác, ý muốn và lời phán của Đức Chúa Trời đều là điều răn và luật pháp. Chính Đức Chúa Jesus khi trích dẫn Thi Thiên 82:6  "Ta đã nói: Các ngươi là thần. Hết thảy đều là con trai của Đấng Chí Cao" thì Ngài đã gọi đó là luật pháp, là Kinh Thánh: "Nếu luật pháp gọi những kẻ được lời Đức Chúa Trời phán đến là các thần, và nếu Kinh Thánh không thể bỏ được, thì Ta đây, là Đấng Cha đã biệt ra thánh, và sai xuống thế gian, nói: Ta là Con Đức Chúa Trời, cớ sao các ngươi cáo Ta là nói lộng ngôn?" (Giăng 10:35, 36) [1].

Từ ngữ luật pháp trong tiếng Hê-bơ-rơ (Hebrew) có hai cách viết, là תּרהתּורה, H8451, cùng được phiên âm là /tôrâh/, phát âm là (to-raw'). Ý nghĩa chính của từ ngữ này là tất cả những quy định của Đức Chúa Trời về nguyên tắc sống dành cho loài người và hình phạt dành cho những ai vi phạm các quy định ấy. Ý nghĩa hẹp của từ ngữ này là tên gọi chung cho năm sách đầu tiên của Thánh Kinh, gồm: Sáng Thế Ký, Xuất Ê-díp-tô Ký, Lê-vi Ký, Dân Số Ký và Phục Truyền Luật Lệ Ký.

Lần đầu tiên, từ ngữ luật pháp xuất hiện trong Thánh Kinh là lúc Đức Chúa Trời phán truyền với Áp-ra-ham, được ghi lại trong Sáng Thế Ký 26:5 và được dùng dưới hình thức số nhiều:

"Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự chỉ định của Ta, các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta."(Dịch sát nghĩa nguyên ngữ Hê-bơ-rơ).

"Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, mà giữ gìn sự chỉ định của Ta, gồm các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, tức là các luật pháp của Ta."(Dịch diễn ý).

"Because that Abraham obeyed my voice, and kept my charge, my commandments, my statutes, and my laws."(Bản dịch King James).

Như vậy, Thánh Kinh cho chúng ta biết các điều răn và các luật lệ của Đức Chúa Trời, gọi chung là luật pháp, chỉ định đường lối sống cho loài người, do chính Ngài phán thành tiếng, đã ban cho loài người từ trước khi dân Israel được hình thành.

Phân tích một cách tổng quát thì luật pháp của Đức Chúa Trời được thể hiện dưới ba hình thức:

a) Luật Đạo Đức:Luật Đạo Đức bao gồm Mười Điều Răn do chính Đức Chúa Trời trực tiếp phán truyền từ trên núi Si-na-i, và sau đó, hai lần dùng chính ngón tay của Ngài ghi chép trên hai bảng đá:

"Bấy giờ Đức Chúa Trời phán mọi lời này rằng… Vả, cả dân sự nghe sấm vang, tiếng kèn thổi, thấy chớp nhoáng, núi ra khói, thì run rẩy và đứng cách tận xa. Dân sự bèn nói cùng Môi-se rằng: Chính mình người hãy nói cùng chúng tôi thì chúng tôi sẽ nghe; nhưng cầu xin Đức Chúa Trời chớ phán cùng, e chúng tôi phải chết chăng… Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Ngươi hãy nói cho dân Y-sơ-ra-ên như vầy: Các ngươi đã thấy Ta từ trên trời phán xuống cùng…"(Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-21).

"Khi Đức Giê-hô-va đã phán xong cùng Môi-se tại núi Si-na-i, bèn cho người hai bảng chứng bằng đá, với ngón tay Đức Chúa Trời viết ra"(Xuất Ê-díp-tô Ký 31:18). "Đoạn, Môi-se ở trên núi trở xuống, tay cầm hai bảng chứng; hai bảng chứng có viết hai bên, mặt nầy và mặt kia. Hai bảng đó là việc của Đức Chúa Trời làm ra; chữ cũng là chữ của Đức Chúa Trời khắc trên bảng" (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:15-16).

"Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: Hãy đục hai bảng đá như hai bảng trước; rồi Ta sẽ viết trên hai bảng nầy các lời đã ở nơi hai bảng kia, mà ngươi đã làm bể… Môi-se ở đó cùng Đức Giê-hô-va trong bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, không ăn bánh, cũng không uống nước; Đức Giê-hô-va chép trên hai bảng đá các lời giao ước, tức là mười điều răn" (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:1, 28) [2].

"Từ trong lửa, Đức Giê-hô-va phán cùng các ngươi; các ngươi nghe một tiếng nói, nhưng không thấy một hình trạng nào; chỉ nghe một tiếng mà thôi. Ngài rao truyền cho các ngươi biết sự giao ước của Ngài, tức là mười điều răn, khiến các ngươi gìn giữ lấy, và Ngài chép mười điều răn ấy trên hai bảng đá"(Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:12-13) [2].

"Ngài viết trên hai bảng nầy lời Ngài đã viết lần trước, tức là mười điều răn mà Đức Giê-hô-va từ giữa lửa tại trên núi, có phán cùng các ngươi, trong ngày nhóm hiệp; rồi Đức Giê-hô-va trao cho ta"(Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:4) [2].

"Đức Giê-hô-va tại trên núi từ giữa lửa, đã đối diện phán cùng các ngươi… Tại trên núi, giữa lửa, mây và sự tối tăm, Đức Giê-hô-va có dùng tiếng lớn phán những lời nầy cho cả hội các ngươi, Ngài không thêm chi hết; đoạn Ngài ghi các lời đó trên hai bảng đá, và trao cho ta"(Phục Truyền Luật Lệ Ký 5:4-22).

"Và Đức Giê-hô-va trao cho ta hai bảng đá, bởi ngón tay Đức Chúa Trời viết ra, có đủ những lời mà Đức Giê-hô-va từ giữa lửa, tại trên núi, có phán ra cùng các ngươi, trong ngày nhóm hiệp"(Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:10).

Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời vì thế không thể gọi là "Luật Pháp Môi-se" vì do chính Đức Chúa Trời phán trực tiếp với dân sự và do chính ngón tay Ngài hai lần viết ra trên bảng chứng. Ngài nay, cũng chính Đức Chúa Trời viết những điều đó vào tấm lòng của con dân Chúa "Đức Giê-hô-va phán: Nầy là giao ước mà Ta sẽ lập với nhà Y-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp Ta trong bụng chúng nó và chép vào lòng. Ta sẽ làm Đức Chúa Trời chúng nó, chúng nó sẽ làm dân Ta" (Giê-rê-mi 31:33). Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời cũng không phải là những điều hình bóng chỉ về những sự sẽ được Đấng Christ làm ra trong thời Tân Ước mà là tiêu chuẩn đạo đức, thánh khiết, công bình, và yêu thương đời đời của Đức Chúa Trời. Lời Chúa khẳng định: Điều răn của Đức Chúa Trời còn lại đời đời còn tất cả các luật pháp khác là ánh sáng của điều răn Ngài:

"Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài ở gần. Các điều răn Ngài là chân thật. Cứ theo chứng cớ Chúa, tôi đã biết từ lâu rằng Chúa lập các điều răn ấy đến đời đời"(Thi Thiên 119:151-152).

"Vì điều răn là một cái đèn, luật pháp là ánh sáng; Và sự quở trách khuyên dạy là con đường sự sống"(Châm Ngôn 6:23).

Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời được chính Ngài viết trên hai bảng đá, ra lệnh cho Môi-se cất vào Hòm Giao Ước. Một ngày trong tương lai, vào khoảng giữa của bảy năm đại nạn, Hòm Giao Ước sẽ hiện ra trong đền thờ ở trên trời, trước khi Đức Chúa Trời phán xét toàn thế gian. Người viết tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ căn cứ vào Mười Điều Răn do chính ngón tay của Ngài chép trên hai bảng đá để phán xét toàn thế gian về tội làm cho đất bị ô uế,"vì họ đã phạm luật pháp, trái điều răn" của Đức Chúa Trời(Ê-sai 24:5). Khải Huyền 11:19 chép: "Đền thờ Đức Chúa Trời bèn mở ra ở trên trời, Hòm Giao Ước bày ra trong đền thờ Ngài, rồi có chớp nhoáng, tiếng, sấm sét, động đất và mưa đá lớn." Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, vì thế, khác biệt với các luật pháp khác về lễ nghi hầu việc, thờ phượng Đức Chúa Trời và các luật dân sự.

Hai hình thức kế tiếp được gọi chung là "Luật Môi-se" vì mặc dù cũng là luật pháp của Đức Chúa Trời, do Đức Chúa Trời truyền dạy cho dân sự của Chúa, nhưng Ngài không phán truyền trực tiếp cũng không tự tay Ngài ghi chép mà do Môi-se chép lại và truyền lại cho dân sự, nên Thánh Kinh Tân Ước ghi là "Luật Môi-se" với ý nghĩa: "Luật pháp của Đức Chúa Trời do Môi-se truyền đạt cho dân sự của Chúa" để phân biệt với luật pháp của Đức Chúa Trời phán truyền trực tiếp cho dân sự của Ngài là "Mười Lời Phán," còn gọi là "Mười Điều Răn."

b) Luật Lễ Nghi:Luật Lễ Nghi bao gồm tất cả những điều luật liên quan đến sự tẩy uế, chuộc tội, và hầu việc, thờ phượng Đức Chúa Trời. Những Luật Lễ Nghi liên quan đến sự tẩy uế thuộc linh và chuộc tội đều là hình bóng về những điều mà Đấng Christ sẽ làm trong chức vụ tiên tri, thầy tế lễ, và Cứu Chúa của thế gian khi Ngài nhập thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Ngày nay, con dân Chúa không cần phải làm các nghi thức tẩy uế thuộc linh và chuộc tội vì đó là công việc của Đấng Christ đã hoàn thành một lần đủ cả cho những ai tin nhận Ngài:

"…Ngài làm việc đó một lần thì đủ cả, mà dâng chính mình Ngài làm tế lễ" (Hê-bơ-rơ 7:27).

 "Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men" (Khải Huyền 1:6).

"Còn nếu chúng ta xưng tội mình, thì Ngài là thành tín công bình để tha tội cho chúng ta, và làm cho chúng ta sạch mọi điều gian ác"(I Giăng 1:9).

Còn những luật lễ nghi về tẩy uế thuộc thể, hầu việc và thờ phượng Đức Chúa Trời thời Cựu Ước là hình bóng cho sự tẩy uế thuộc thể, hầu việc và thờ phượng Đức Chúa Trời của con dân Chúa trong thời Tân Ước sau khi đã được dựng nên mới trong Đấng Christ. Những điều đó đã được Đức Thánh Linh giảng dạy trong toàn bộ các thư tín Tân Ước.

c) Luật Dân Sự:Luật Dân Sự bao gồm tất cả những luật lệ liên quan đến mọi sinh hoạt dân sự trong xã hội. Ngày nay, luật dân sự đã được Đức Chúa Trời trao vào trong tay các nhà cầm quyền địa phương. Vì thế, Lời Chúa trong Tân Ước buộc con dân Chúa phải tuân phục các nhà cầm quyền vì không có quyền nào không đến từ Đức Chúa trời. Rô-ma 13:1-7:

"1 Mọi người phải vâng phục các đấng cầm quyền trên mình; vì chẳng có quyền nào mà chẳng đến bởi Đức Chúa Trời, các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định.

2 Cho nên ai chống cự quyền phép, tức là đối địch với mạng lịnh Đức Chúa Trời đã lập; và những kẻ đối địch thì chuốc lấy sự phán xét vào mình.

3 Vả, các quan quyền không phải để cho người làm lành sợ, mà để cho người làm dữ sợ. Ngươi muốn không sợ quyền phép chăng? Hãy làm điều lành, sẽ được khen thưởng;

4 vì quan quyền là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ích cho ngươi. Song nếu ngươi làm ác, thì hãy sợ, vì người cầm gươm chẳng phải là vô cớ; người là chức việc của Đức Chúa Trời để làm ra sự công bình và phạt kẻ làm dữ.

5 Vậy nên cần phải vâng phục, chẳng những vì sợ hình phạt thôi, nhưng cũng vì cớ lương tâm.

6 Ấy cũng bởi lẽ đó mà anh em nộp thuế, vì các quan quyền là đầy tớ của Đức Chúa Trời, hằng giữ việc ấy.

7 Phải trả cho mọi người điều mình đã mắc: nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế; đóng góp cho kẻ mình phải đóng góp; sợ kẻ mình đáng sợ; kính kẻ mình đáng kính."

"Vì cớ Chúa, hãy phục theo mọi phép tắc loài người lập lên, hoặc vua, như đấng rất cao, hoặc các quan, như người vua sai ra để phạt kẻ làm dữ và khen người làm lành" (I Phi-e-rơ 2:13-14).

Ngày nay, con dân Chúa sống ở địa phương nào thì tuân theo luật dân sự của chính quyền địa phương nơi ấy. Trừ khi, chính quyền ra những luật vi phạm các điều răn của Đức Chúa Trời thì khi ấy con dân Chúa phải chọn thái độ:"Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta" (Công Vụ Các Sứ Đồ 5:29).

Thánh Kinh Tân Ước được viết bằng tiếng Hy-lạp và từ ngữ luật pháp là νόμος, G3551, được phiên âm là /nomos/, phát âm là (nom'-os). Khi có mạo tự đi trước thì từ ngữ này dùng để chỉ chung các Luật Môi-se nhưng khi được dùng không có mạo tự thì chỉ đến sức mạnh thôi thúc trong lòng của một người để làm một điều gì đó, như sức mạnh của đức tin được gọi là luật pháp của đức tin:"Vậy thì sự khoe mình ở đâu? Đã bị trừ bỏ rồi. Bởi luật pháp nào? Luật pháp của việc làm chăng? Không phải, nhưng bởi luật pháp của đức tin" (Rô-ma 3:27).

Khi phân tích Sáng Thế Ký 26:5, chúng ta nhận thấy từ ngữ "luật pháp" là danh từ gọi chung các từ ngữ: Tiếng Ta – Sự chỉ định của Ta – Các điều răn của Ta – Các luật lệ của Ta. "Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếngTa, đã giữ gìn sự chỉ định của ta, các điều răn của ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta." (Dịch sát nghĩa nguyên ngữ Hê-bơ-rơ). Về sau, trong Xuất Ê-díp-tô Ký bắt đầu dùng từ ngữ: Mạng lịnh; trong Phục Truyền Luật Lệ Ký bắt đầu dùng từ ngữ: Chứng cớ; và trong Thi Thiên bắt đầu dùng các từ ngữ: Giềng mối – Đoán ngữ.

2. Chỉ định: Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là משׁמרת, H4931, được phiên âm là /mishmereth/, phát âm là (mish-meh'-reth), dịch sang tiếng Anh là guard, charge. Ý nghĩa của từ ngữ này là: thi hành một bổn phận; hoặc gìn giữ, canh gác, bảo tồn điều được giao phó. Loài người có bổn phận thi hành và gìn giữ, canh gác, bảo tồn tất cả luật pháp của Đức Chúa Trời đã ban truyền.

3. Điều răn:Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là מצוה, H4687, phiên âm là /mitsvâh/, phát âm là (mits-vaw'), dịch sang tiếng Anh là commandments. Ý nghĩa của từ ngữ này là: lời sai khiến hoặc lời ngăn cấm, ra từ chữ gốc צוה, H6680 (mạng lịnh). Trong điều răn không đề cập đến hình phạt.

4. Luật lệ:Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ với hình thức giống đực là חקּה, H2708, phiên âm là /chûqqâh/, phát âm là (khook-kaw'); với hình thức giống cái là חק, H2706, phiên âm là /chôq/, phát âm là (khoke). Cả hai hình thức được dịch sang tiếng Anh là statutes. Ý nghĩa của từ ngữ này là: những điều phải làm và những điều không được làm trong sinh hoạt của xã hội. Các luật lệ giải thích các điều răn và quy định hình phạt dành cho người vi phạm.

5. Mạng lịnh: Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là צוה, H6680, được phiên âm là /tsâvâh/, phát âm là (tsaw-vaw'), dịch sang tiếng Anh là commandment. Ý nghĩa của từ ngữ này là: sai khiến, ra lệnh; lần đầu tiên xuất hiện trong Sáng Thế Ký 2:16 mà bản dịch Phan Khôi dịch là "phán dạy:"  "Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự do ăn hoa quả các thứ cây trong vườn." Bản dịch Phan Khôi có nhiều chỗ dùng "mạng lịnh" để dịch hai từ ngữ חק, H2706, và חקּה, H2708 (luật lệ), như trong Xuất Ê-díp-tô Ký 28:43: "A-rôn cùng các con trai người sẽ mặc quần đó trong khi vào hội mạc hay là đến gần bàn thờ đặng làm việc tế lễ trong nơi thánh, thì chẳng mắc tội và chẳng chết đâu. Ấy là một mạng lịnh đời đời cho A-rôn và dòng dõi người."

6. Giềng mối:Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là פּקּוּדפּקּד, H6490, cùng được phiên âm là /piqqûd/, phát âm là (pik-kood'), dịch sang tiếng Anh là precepts. Ý nghĩa của từ ngữ này là: những lời giảng dạy về luật pháp. Thi Thiên 19:8: "Giềng mối của Đức Giê-hô-va là ngay thẳng, làm cho lòng vui mừng; Điều răn của Đức Giê-hô-va trong sạch, làm cho mắt sáng sủa."

7. Đoán ngữ: Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là משׁפּט, H4941, được phiên âm là /mishpâṭ/, phát âm là (mish-pawt'), dịch sang tiếng Anh là verdict. Ý nghĩa của từ ngữ này là: phán quyết, án lệnh; sự tuyên phán của quan tòa về hành vi phạm pháp của một người hoặc bản án dành cho phạm nhân. Thi Thiên 119:7: "Khi tôi học các đoán ngữ công bình của Chúa, Thì tôi sẽ lấy lòng ngay thẳng mà ngợi khen Chúa."

8. Chứng cớ: Nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là עדוּת, H5715, được phiên âm là /‛êdûth/, phát âm là (ay-dooth'), dịch sang tiếng Anh là testimony. Ý nghĩa của từ ngữ này là: chứng cớ, lời chứng. Thi Thiên 19:7:"Luật pháp của Đức Giê-hô-va là trọn vẹn, bổ linh hồn lại; Sự chứng cớ Đức Giê-hô-va là chắc chắn, làm cho kẻ ngu dại trở nên khôn ngoan." Tất cả những gì do Đức Chúa Trời nói và làm để bày tỏ chính Ngài, ý muốn của Ngài, và công việc của Ngài đều là chứng cớ về Đức Chúa Trời. Vì vậy, toàn bộ điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời cũng chính là chứng cớ về Ngài, do chính Ngài trưng bày.

9. Ở dưới luật pháp:Ở dưới luật pháp có nghĩa là khi vi phạm luật pháp thì bị chế tài theo như hình phạt đã định trong luật pháp. Một người ở dưới luật pháp là một người dù vô tình hay cố ý, hễ vi phạm luật pháp thì phải gánh lấy sự hình phạt do luật pháp quy định. Đức Chúa Jesus được sinh ra làm người ở dưới luật pháp: "Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài" (Ga-la-ti 4:4-5); có nghĩa là nếu Đức Chúa Jesus vi phạm luật pháp thì sẽ bị hình phạt bởi luật pháp và Con Người Vô Tội Jesus có thể nhận lãnh hình phạt của luật pháp thay cho loài người vi phạm luật pháp. Khi nói, một người không còn ở dưới luật pháp có nghĩa là người đó đã thi hành xong án phạt của luật pháp hoặc có người đã gánh thay án phạt của luật pháp dành cho sự phạm tội của người ấy chứ không có nghĩa là người ấy tha hồ phạm tội mà không bị hình phạt bởi luật pháp.

10. Ở dưới ân điển của Đấng Christ:Ở dưới ân điển của Đấng Christ có nghĩa là: ăn năn, từ bỏ tội và tin nhận sự cứu rỗi của Đấng Christ. Từ bỏ tội là từ bỏ sự vi phạm điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời, vì tội lỗi là sự vi phạm điều răn và luật pháp của Đức Chúa trời, I Giăng 3:4 chép: "Còn ai phạm tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp." Một người chưa có tấm lòng từ bỏ tội thì không thể nào ở dưới ân điển cứu rỗi của Đấng Christ. Tin Lành của Đấng Christ được Ngài rao giảng bằng lời mở đầu: "Các ngươi hãy ăn năn, vì nước thiên đàng đã đến gần" (Ma-thi-ơ 4:17). Sau khi một người có tội đã ăn năn thì Chúa truyền rằng: "Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa" (Giăng 8:11). Sứ Đồ Phi-e-rơ đã rao giảng như sau: "…Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jesus chịu phép báp-tem, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh" (Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38). Như vậy, chỉ những ai vâng theo lời phán dạy của Chúa, tức là ăn năn tội và không phạm tội nữa thì mới ở dưới ân điển của Đấng Christ, ở trong Đấng Christ, thoát khỏi sự phán xét của luật pháp.

11. Luật pháp của Đấng Christ: "Với những người không luật pháp, (dầu đối với Đức Chúa Trời tôi không phải là không luật pháp, vì tôi ở dưới luật pháp của Đấng Christ), song tôi cũng ở như người không luật pháp" (I Cô-rinh-tô 9:21). "Hãy mang lấy gánh nặng cho nhau, như vậy anh em sẽ làm trọn luật pháp của Đấng Christ" (Ga-la-ti 6:2). Tất cả nhữnglời phán dạy của Đức Chúa Jesus đều là luật pháp của Đấng Christ. Từ các mạng lịnh "Hãy ăn năn" (Ma-thi-ơ 4:17); "Hãy yêu kẻ thù nghịch, và cầu nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi" (Ma-thi-ơ 5:44); "Hãy nên trọn vẹn như Cha các ngươi trên trời là trọn vẹn" (Ma-thi-ơ 5:48); cho đến mạng lịnh "Hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp-tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi" (Ma-thi-ơ 28:19, 20); đều là luật pháp của Đấng Christ. Điều răn mới mà Chúa phán truyền trong Giăng 13:34: "Các ngươi phải yêu nhau; như Ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy" chỉ là một điều răn trong các luật pháp của Đấng Christ.

12. Luật pháp của Thánh Linh sự sống:"Vì luật pháp của Thánh Linh sự sống trong Đức Chúa Jesus Christ đã buông tha tôi khỏi luật pháp của sự tội và sự chết" (Rô-ma 8:2 – Dịch sát nghĩa). Thánh Linh sự sống trong Đức Chúa Jesus Christ chính là Đức Thánh Linh. Khi một người thật lòng ăn năn tội và tin nhận Đấng Christ thì người ấy lập tức được tái sinh, tức là được thoát khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết, và được nhận lãnh Đức Thánh Linh. Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của người đã được tái sinh để ban Thánh Linh tức là sự sống và năng lực của Đức Chúa Trời cho người ấy; và giảng dạy thánh ý của Đức Chúa Trời cho người ấy qua những lời mà Ngài đã thần cảm cho các sứ đồ và môn đồ của Chúa chép lại trong Thánh Kinh Tân Ước. Tất cả những sự giảng dạy đó chính là luật pháp của Đức Thánh Linh.

 

Huỳnh Christian Timothy
12.04.2011

 

Ghi Chú

[1] Đối chiếu thêm các câu sau đây: Giăng 15:25 với Thi Thiên 35:19; I Cô-rinh-tô 14:21 với Ê-sai 28:11-12.

[2] Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh không dùng từ ngữ "mười điều răn" mà dùng từ ngữ "mười lời." Sáng Thế Ký 1 ghi lại mười lời phán của Chúa trong công cuộc sáng thế, ban phước và giao việc cho loài người. Xuất Ê-díp-tô Ký 34:28, Phục Truyền Luật lệ Ký 4:13; 10:4, ba lần ghi lại "mười lời" phán của Chúa (mà bản dịch Phan Khôi dịch là "mười điều răn) làm nền tảng đạo đức cho con dân của Ngài.