Sách Khải Huyền: Mạc Khải Cuối Cùng

8,176 views
Copyright Notice: All Rights Reserved © 2012 Vietnamese Christian Mission Ministry. Thông Báo Tác Quyền: Mọi tác quyền thuộc về Vietnamese Christian Mission Ministry. Mọi người có thể sao chép, phổ biến dưới mọi hình thức nhưng xin giữ đúng nguyên văn, kể cả thông báo về tác quyền này.
 
Huỳnh Christian Timothy
 
"Phước cho người đọc cùng những ai nghe các lời tiên tri này
và giữ gìn những điều đã chép trong đó,
vì thì giờ đã gần."

(Khải Huyền 1:3)
 
Ý nghĩa tên sách

Tên cuốn sách cuối cùng của Thánh Kinh, trong các bản dịch Việt ngữ, được dịch là "Khải Huyền" hoặc "Khải Thị". Các bản dịch Anh ngữ cùng thống nhất dịch là "Revelation". Chữ revelation phát xuất từ chữ gốc apokalupsis trong tiếng Hy-lạp. Apokalupsis là một từ ngữ ghép, gồm "apo" có nghĩa là lấy khỏi, cất đi và "kalupsis" có nghĩa là tấm màn che. Như vậy, nghĩa gốc của apokalupsis là vén màn, cất màn che đi, nghĩa biến thể là sự bày tỏ, sự tiết lộ một điều gì vốn kín giấu trước đó.

Dưới đây là ý nghĩa một số từ ngữ liên quan đến tên sách được dùng trong các bản dịch Việt ngữ:

1. Khải Huyền = Mở ra, trình bày những sự kín giấu (khải = khai mở – huyền = kín giấu)
2. Khải Thị = Mở ra, trình bày cho xem xét (khải = khai mở – thị = xem xét, quan sát)
3. Khải Tượng = Mở ra, trình bày bằng hình ảnh (khải = khai mở – tượng = hình ảnh)
4. Mạc Khải = Mở màn, vén màn (mạc = tấm màn che = khải = khai mở)

Thánh Kinh Việt ngữ, bản dịch Phan Khôi, có dùng từ ngữ "mặc thị" để dịch chữ apokalupsis. Trong tiếng Hán Việt, mặc = im lặng, tĩnh mịch – thị = xem xét, quan sát; vậy, mặc thị = xem xét hay quan sát sự tĩnh mịch, im lặng. Thiển nghĩ, dùng "sự mặc thị" để dịch "the revelation" là không đúng nghĩa. Đôi khi, chữ "mặc khải" cũng bị dùng lầm, thay vì dùng đúng chữ "mạc khải". Mặc khải = khai mở sự im lặng.

Người ghi chép

Người ghi chép Khải Huyền tự xưng là một tôi tớ của Đấng Christ tên là Giăng (1:1), được Đức Chúa Trời kêu gọi làm tiên tri để "nói tiên tri về nhiều dân, nhiều nước, nhiều tiếng, và nhiều vua" (10:11). Theo truyền thống thì Hội Thánh ban đầu tin rằng tiên tri Giăng chép sách Khải Huyền cũng chính là sứ đồ Giăng, người chép Phúc Âm Giăng. Đến thế kỷ thứ 3, một giám mục Phi Châu tên là Dionyssius nêu ra vài bằng cớ cho thấy tiên tri Giăng, người ghi sách Khải Huyền không phải là sứ đồ Giăng:

1) Văn phong và kiến thức về Hy văn của người ghi chép sách Khải Huyền khác và kém xa với người ghi chép Phúc Âm Giăng (sứ đồ Giăng).
2) Sứ đồ Giăng tránh nhắc đến tên mình trong Phúc Âm Giăng trong khi người ghi chép Khải Huyền thường xuyên nhắc đến tên mình trong sách Khải Huyền.
Mặc khải cuối cùng Trang 2
3) Toàn bộ nội dung của sách Khải Huyền không cho thấy có chỗ nào người ghi chép tự nhận hoặc ngụ ý mình là một sứ đồ.

Phần lớn các nhà giải kinh ngày nay đều chấp nhận quan điểm cổ truyền: Sứ đồ Giăng chính là người chép sách Khải Huyền.

Ngôn ngữ được dùng để ghi chép

Sách Khải Huyền được ghi chép bằng tiếng Hy-lạp, là ngôn ngữ phổ thông thời ấy. Tuy nhiên, theo các nhà ngôn ngữ học thì lối hành văn của tác giả sách Khải Huyền đầy dẫy những lỗi lầm về văn phạm. Dường như người viết nhận thức khải tượng trong ngôn ngữ mẹ đẻ của ông là tiếng A-ram rồi viết lại bằng tiếng Hy-lạp, hoặc là Khải Huyền đã được ghi chép bằng tiếng A-ram rồi mới được dịch sang tiếng Hy-lạp, và được dịch bởi một người rất kém về văn phạm Hy-lạp.

Địa điểm ghi chép

Theo lời của Giăng (1:9-11) thì những khải tượng đến với ông đang khi ông ở trên đảo Bát-mô. Nhưng không ai biết chắc ông đã ghi lại thành sách Khải Huyền lúc ông vẫn còn trên đảo Bát-mô hay là về sau, trở lại Ê-phê-sô ông mới ghi chép. Các sử gia không thống nhất về địa điểm sách Khải Huyền được ghi chép.

Victirinus viết: "Giăng đang bị hoàng đế Domitian đày làm phu mỏ tại đảo Bát-mô, và tại đó, ông đã nhận được mạc khải…. Sau khi được trả tự do, ông đã viết lại những mạc khải đã nhận được từ Đức Chúa Trời."
Jerome viết: "Năm thứ mười bốn sau cơn bách hại của Nero, Giăng bị đày tới đảo Bát-mô, và tại đó, ông đã viết sách Khải Huyền… Sau khi Domitian qua đời, các chiếu chỉ tàn ác của hoàng đế bị nghị viện hủy bỏ, và Giăng được về lại Ê-phê-sô dưới thời Nerva."

Thời điểm ghi chép

Căn cứ vào các sự kiện lịch sử, nhiều nhà giải kinh cho rằng sách Khải Huyền được ghi chép vào khoảng năm 95 đến 96 trong bối cảnh đạo Chúa bị bách hại dữ dội dưới triều đại của hoàng đế La-mã Domitian.
VI. Bối cảnh lịch sử lúc sách được ghi chép

Domitian (81-96) là hoàng đế La-mã bạo ngược và bách hại Hội Thánh Đấng Christ dã man nhất trong lịch sử La-mã. Mặc dù trước đó, Nero (54-68), trong những năm cuối đời mình có bách hại các tín đồ Đấng Christ nhưng không phải vì cớ đức tin của họ. Truyền thuyết cho rằng Nero ra mật lệnh đốt bỏ những khu dân cư lụp xụp của thành La-mã để lấy chỗ xây dựng cung điện mới cho mình. Sau khi cơn hỏa hoạn khủng khiếp xảy ra, dân chúng nghi ngờ đó là dã tâm của Nero nên muốn nổi loạn. Nero bèn trút đổ hết trách nhiệm làm cháy thành La-mã lên những tín đồ Đấng Christ, vốn là một cộng đồng hiền hòa, yếu đuối và ra lệnh tàn sát họ. Khi Domitian lên ngôi, ông tuyên bố mình là Đức Chúa Trời, hạ lệnh cho mọi người phải thờ lạy và gọi mình là Đức Chúa Trời. Tất cả những ai không chịu thờ lạy Sê-sa Domitian, tôn xưng ông là Đức Chúa Trời, đều bị xử chết.

Dĩ nhiên, các tín đồ Đấng Christ thời ấy không thể vâng phục sắc lệnh của Domitian, sự kháng lệnh ấy dẫn đến những cuộc bắt bớ, tàn sát Hội Thánh Chúa cách dã man (93-96). Trong bối cảnh đau thương, kinh hoàng đó, sứ điệp Khải Huyền đã đến với các Hội Thánh Chúa. Sứ điệp Khải Huyền chính là bản hùng ca của Chân Lý và Đức Tin, vang lên giữa chiến trận khốc liệt của quyền lực bóng tối và sự chết đang cố chà đạp thân xác những con người đã "vượt khỏi sự chết mà vào sự sống đời đời" (1 Giăng 3:13-14).

Hoàng đế Nerva (96-98), người kế vị Domitian, ngay sau khi lên ngôi liền hủy bỏ những sắc lệnh dã man của Domitian, nhưng máu của các thánh đồ đã nhuộm thấm khắp đế quốc La-mã! Họ đã "trung tín cho đến chết" (2:10) với "Đấng yêu thương chúng ta, rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi của chúng ta trong chính huyết Ngài, và khiến chúng ta trở nên những vua, những thầy tế lễ cho Đức Chúa Trời, Cha Ngài" (1:5-6).
Khải Huyền 1:1-3 (dịch sát nghĩa):
 
Nguyên nhân, mục đích và nội dung của sách Khải Huyền
 
(1) Sự mạc khải về Đức Jesus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài đặng tỏ ra cho các tôi tớ Ngài về những điều sắp phải xảy đến thì Ngài đã sai thiên sứ Ngài biểu thị cho tôi tớ Ngài là Giăng: (2) người đã làm chứng về Lời của Đức Chúa Trời, về chứng cớ của Đức Jesus Christ, cùng những gì ông đã thấy. (3) Phước cho người đọc cùng những ai nghe các lời tiên tri này và giữ gìn những điều đã chép trong đó, vì thì giờ đã gần!

Ba câu đầu tiên của sách Khải Huyền giới thiệu nguyên nhân và mục đích của sách. Kèm theo đó là lời hứa phước hạnh cho những ai quan tâm đến sự mạc khải này bằng cách đọc, nghe theo, và giữ gìn tính trung thực của sự mạc khải. Có thể nói, sách Khải Huyền là một nguồn phước hạnh cho mọi tín đồ của Đấng Christ, thế nhưng, Khải Huyền lại là một trong những sách ít được tín đồ đọc thường xuyên và ít được giảng dạy trong Hội Thánh. Thế hệ hiện nay của chúng ta càng gần với "những ngày cuối cùng" hơn bao giờ hết, cho nên, có thể nói một cách bóng bẩy rằng: Khải Huyền là sứ điệp đặc biệt dành riêng cho thế hệ của chúng ta! Mệnh đề chót trong câu 3: "vì thì giờ đã gần!" gợi ý tính cấp bách và chung cuộc của sứ điệp được thông truyền.
 
 
1. Mạc khải đến từ Đức Chúa Trời: "Sự mạc khải của Đức Jesus Christ mà Đức Chúa Trời đã ban cho Ngài…" (c. 1). Sự mạc khải được ghi lại trong sách Khải Huyền đến từ Đức Chúa Trời Ngôi Cha, và được bày tỏ bởi Đức Chúa Jesus Christ, là Đức Chúa Trời Ngôi Con. Sự mạc khải đó sẽ được thành toàn bởi Đức Chúa Trời Ngôi Thánh Linh, và kết quả của nó sẽ được bảo tồn bởi Ngài.

2. Mạc khải được ban cho các tôi tớ của Đấng Christ: "đặng tỏ ra cho các tôi tớ Ngài." (c. 1) Đối tượng đón nhận sự mạc khải này là những tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ. Tất cả những ai tin nhận Đức Chúa Jesus Christ đều được "quyền phép trở nên con cái của Đức Chúa Trời" (Giăng 1:1:12) nhưng trong số các "con cái của Đức Chúa Trời" chỉ có một số người được Ngài kêu gọi làm "tôi tớ;" (xin xem Rô-ma 1:1; Phi-líp 1:1; Tít 1:1; Gia-cơ 1:1; II Phi-e-rơ 1:1; và Giu-đe 1:1). Theo các dẫn chứng của Thánh Kinh, chúng ta có thể hiểu danh từ "tôi tớ của Đức Chúa Trời" hoặc "tôi tớ của Đức Chúa Jesus Christ" trong thời đại Ân Điển dùng để chỉ những ai được biệt riêng làm công tác loan truyền Tin Lành, giảng dạy Lời Chúa, hoặc chăn bầy của Ngài.

Xét theo nghĩa rộng thực dụng, mỗi một con dân Chúa là một thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, (Khải Huyền 1:6), được kêu gọi đi khắp thế gian để giảng Tin Lành, (Ma-thi-ơ 20:19, 20; Mác 16:15), cho nên, bất kỳ ai đáp lại lời kêu gọi đó đều là tôi tớ của Đức Chúa Trời và của Đấng Christ. Trách nhiệm của các tôi tớ Chúa là loan truyền Lời Chúa cho muôn dân và giảng dạy Lời Chúa cho bầy của Ngài nên mạc khải được tỏ ra cho họ. Ngày nay, hơn bao giờ hết, các tôi tớ Chúa sẽ thiếu sót và phạm tội nếu không tích cực giảng và dạy những lời tiên tri trong sách Khải Huyền, "vì thì giờ đã gần!"

3. Nội dung của sự mạc khải: "về những điều sắp phải xảy đến" (c. 1). Sự mạc khải được tỏ ra cho các tôi tớ của Chúa để họ biết trước những điều sắp phải xảy đến. Xin để ý đến chữ "sắp" và chữ "phải". Khải Huyền 1:19 sẽ giải thích cho chữ "sắp" còn chữ "phải" nói lên sự chắc chắn ứng nghiệm của những lời tiên tri này. Khi đọc tiếp phần còn lại của sách Khải Huyền, chúng ta sẽ thấy những điều sắp phải xảy đến đó, sẽ xảy ra trong thế giới vật chất thuộc về thế gian, trên thiên đàng, và dưới hỏa ngục! Những điều sắp phải xảy đến đó, sẽ là câu trả lời tối hậu cho những ai thắc mắc "tại sao tội lỗi, bạo quyền, đau khổ, chiến tranh, dịch lệ, đói kém, thiên tai, chết chóc… xảy ra trong thế giới?" và "nếu có một Đức Chúa Trời thì Ngài đang ở đâu trước những nan đề của nhân loại?" Sự mạc khải trong sách Khải Huyền còn là mở đầu cho bản "khải hoàn ca" đời đời của mọi thánh đồ (Khải Huyền 21; 22:1-5).

4. Sự mạc khải mang phước hạnh đến cho những ai đọc, những ai nghe, và giữ những điều được mạc khải: "Phước cho người đọc cùng những ai nghe các lời tiên tri này, và giữ gìn những điều đã chép trong đó, vì thì giờ đã gần!" (c. 3)

Có hai thành phần được phước:

a) Người đọc: Có hai cách để giải thích về từ ngữ "người đọc." Thuở xưa, những lời tiên tri này được ghi lại và sao chép bằng tay. Có thể lắm, Giăng đã gửi cho mỗi Hội Thánh của vùng Tiểu Á một bản sao. Khi Hội Thánh nhận được các lời tiên tri thì người giữ việc đọc Lời Chúa (một chức vụ trong các Hội Thánh thuở ban đầu) sẽ tuyên đọc trước Hội Thánh. Như vậy, "người đọc" được phước ở đây là người đọc các lời tiên tri trong Khải Huyền cho Hội Thánh nghe. Hiểu theo nghĩa rộng hơn, những ai phổ biến, rao giảng những lời tiên tri trong Khải Huyền sẽ được phước!

Cách giải thích thứ hai, dựa trên ý nghĩa và cách dùng của động từ "đọc" trong nguyên tác, cho rằng bất cứ ai đọc các lời tiên tri này, cách cá nhân, đều được phước. Kinh nghiệm thực tế trong nếp sống đạo cho chúng ta thấy rằng, hễ ai có thành ý đọc Lời Chúa đều nhận được phước hạnh từ nơi Ngài, qua Lời của Ngài. Và, chỉ khi một người có lòng tìm đọc Lời Chúa, thì Đức Thánh Linh mới có cơ hội để ban phước cho người ấy qua sự tuôn đổ khôn ngoan thiên thượng để người ấy hiểu điều mình đọc.

b) Người nghe và giữ gìn những điều đã chép: Thành phần được phước thứ hai là những ai nghe và giữ gìn những lời tiên tri được ghi lại trong Khải Huyền. Lời Chúa nói rõ: chỉ những ai nghe và giữ gìn những lời tiên tri này mới được phước. Cũng có hai cách để giải thích về từ ngữ "nghe" và "giữ gìn". Cách thứ nhất cho rằng chữ "nghe" ở đây chỉ về sự các tín đồ nghe đọc các lời tiên tri bởi người giữ việc đọc Lời Chúa trong Hội Thánh. Chữ "giữ gìn" có nghĩa là ghi nhớ trong trí những điều đã nghe đọc. Cách giải thích thứ hai cho rằng chữ "nghe" được dùng với nghĩa bóng là "tin theo, vâng theo, làm theo" (so sánh chữ nghe trong Giăng 10:3) chứ không phải nghe âm thanh mà thôi. Như vậy, "nghe các lời tiên tri này" nghĩa là nhận thức những gì được bày tỏ, tin những điều đó sẽ xảy đến, và làm theo mọi khuyến cáo trong đó. Từ ngữ "giữ gìn" trong nguyên tác là tēreō có nghĩa là "canh giữ" được dùng để chỉ sự canh gác, trông chừng đừng để cho bị biến đổi mất phẩm chất hoặc bị thiệt hại, mất mát. Như vậy, những ai hiểu, tin, làm theo và giữ gìn sự trung thực của những lời tiên tri trong sách Khải Huyền trong khi loan truyền lại cho người khác sẽ được phước (Xem Khải Huyền 22:18-19).

Chúng tôi tin rằng, sách Khải Huyền là mạc khải cuối cùng của Đức Chúa Trời dành cho toàn thể nhân loại, và sách Khải Huyền hoàn tất Thánh Kinh. Sau sách Khải Huyền không còn một sự mạc khải nào của Đức Chúa Trời ban chung cho loài người. Chúng tôi không bác bỏ những mạc khải Đức Chúa Trời dành riêng cho từng cá nhân để chỉ thị, dạy dỗ hoặc làm vững đức tin của cá nhân ấy.

Ngày nay, có nhiều sách do những người tự xưng là hầu việc Chúa viết và được in ra để tuyên truyền các mạc khải về hoả ngục và thiên đàng, như là một hình thức bổ sung cho sách Khải Huyền. Tất cả những sách đó có nhiều điểm không phù hợp với sự dạy dỗ của Thánh Kinh. Những mạc khải được ghi lại trong các sách đó, nếu có thực, thì chắc chắn không phải đến từ Đức Chúa Trời. Chính Chúa Jesus đã cảnh cáo trước rằng, trong những ngày cuối cùng sẽ có nhiều kẻ giả mạo Đấng Christ và nhiều tiên tri giả sẽ dấy lên, làm nhiều phép lạ để lường gạt thiên hạ và thậm chí lường gạt ngay cả các tín đồ thật của Chúa (Ma-thi-ơ 7:15; 24:23). Chúng ta không cần bất cứ một mạc khải nào khác về thiên đàng và địa ngục ngoài những mạc khải đã được ghi lại trong Thánh Kinh.

Chúng ta, những thánh đồ của Chúa, cần ghi nhớ ý nghĩa của điều Chúa dạy trong Khải Huyền 1:3 – "đọc, nghe, và giữ gìn những điều đã chép trong sách Khải Huyền." Riêng những thánh đồ đáp ơn kêu gọi, đứng vào chức vụ rao giảng và dạy dỗ Lời Chúa, cần phải rao giảng và dạy dỗ những lời tiên tri trong Khải Huyền một cách cấp bách và quyết chắc như tính cấp bách và chung cuộc của sự mạc khải!

"Phước cho người đọc cùng những ai nghe các lời tiên tri này và giữ gìn những điều đã chép trong đó, vì thì giờ đã gần" (Khải Huyền 1:3)!

Huỳnh Christian Timothy
Ngày 07.09.2008