Báp-tem vào Trong Danh của Ba Ngôi Thiên Chúa

7,800 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống mp3 bài này
https://www.opendrive.com/folders?MV85MTgwNjA2XzRreDFs

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống pdf bài viết này
https://www.opendrive.com/folders?MV85MDg2NDQ0X0VKbTNv

Phần âm thanh của lời chứng này được xếp trong Giải Kinh
https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/sets/112_giaikinh

Bấm vào nút “play” ► để nghe:

“Chỉ có một thân thể, một thần trí, như các anh chị em đã được gọi vào trong một sự trông cậy của sự kêu gọi các anh chị em. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem. Chỉ có một Thiên Chúa và Cha của mọi sự; Đấng ở trên mọi sự, ở giữa mọi sự, và ở trong tất cả các anh chị em.” (Ê-phê-sô 4:4-6).

“Vậy, hãy đi! Các ngươi hãy khiến cho muôn dân trở nên môn đồ của Ta. Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, dạy họ giữ hết thảy mọi điều mà Ta đã truyền cho các ngươi. Và này, Ta ở với các ngươi luôn cho đến tận thế. A-men!(Ma-thi-ơ 28:19-20).

Kính thưa Hội Thánh,

Thời gian gần đây, những kẻ theo tà giáo, không công nhận Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa, không công nhận Đức Thánh Linh là Thiên Chúa, đã học theo Giáo Hội Chứng Nhân Giê-hô-va, dùng một bài viết vào năm 1961 với tựa đề: “Một Sưu Tập Các Bằng Chứng cho và Chống Lại các Từ Ngữ Truyền Thống Trong Nhóm Chữ về Phép Báp-tem Trong Ma-thi-ơ 28:19 [1]”, mà tên người viết được ghi là A. Ploughman; để cho rằng nhóm chữ: “của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh” đã bị Giáo Hội Công Giáo thêm vào lời phán của Đức Chúa Jesus Christ.

Mục đích của họ là bác bỏ giáo lý một Thiên Chúa thể hiện trong ba thân vị: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Tuy nhiên, ngay từ trong Sáng Thế Ký 1:26, chúng ta đã thấy Thiên Chúa ba lần tự xưng là “Chúng Ta” [2]:

“Thiên Chúa lại phán: Chúng Ta hãy làm ra loài người theo hình Chúng Ta, như tượng Chúng Ta, để họ cai trị loài cá biển, loài chim trời, loài súc vật, khắp cả đất, và mỗi loài côn trùng bò trên mặt đất!(Sáng Thế Ký 1:26).

Rồi, trong Sáng Thế Ký 3:22, một lần nữa, Thiên Chúa tự xưng là “Chúng Ta” và còn nhấn mạnh chi tiết “một” trong Chúng Ta:

“…Này, về sự biết điều thiện và điều ác, loài người đã trở nên như một trong Chúng Ta…”

Đến Sáng Thế Ký 11:7 trước sự không vâng phục của loài người, thì Thiên Chúa phán rằng:

“Nào! Chúng Ta hãy xuống, làm lộn xộn tiếng nói của chúng nó, để chúng nó nghe không được lời nói của người này với người kia.

Vì thế, cho dầu không có lời phán của Đức Chúa Jesus Christ như đã ghi lại trong Ma-thi-ơ 28:19, thì cũng không vì thế mà Đức Chúa Jesus Christ không phải là Thiên Chúa, Đức Thánh Linh không phải là Thiên Chúa.

Ba lý luận chính trong bài viết của A. Ploughman là:

1. Không một nơi nào trong Thánh Kinh nhắc lại công thức này.

2. Các sự kiện làm báp-tem trong Thánh Kinh không hề nói đến được làm báp-tem vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh.

3. Trong các tài liệu lịch sử của Hội Thánh lúc ban đầu không hề nhắc đến sự kiện làm báp-tem trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh!

Chúng ta hãy cùng nhau dùng Lời Chúa và các bằng chứng trong lịch sử để bẻ gãy sự quỷ biện của những kẻ gieo rắc tà giáo.

Về lý luận thứ nhất: Cho rằng, vì không một nơi nào khác trong Thánh Kinh nhắc lại trong cùng một câu nhóm chữ: “Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh”, nên nhóm chữ đó không thể có trong Ma-thi-ơ 28:19, mà chỉ được Giáo Hội Công Giáo thêm vào.

Câu trả lời là: Như vậy, có thể nào lý luận rằng, vì không có một chỗ nào khác trong Thánh Kinh chép rằng “Đức Chúa Trời là Thần” ngoại trừ Giăng 4:24, cho nên, Đức Chúa Trời không phải là Thần, mà chỉ là sự có người thêm vào Lời Chúa?

Thật ra, ngoài Ma-thi-ơ 28:19 thì còn có II Cô-rinh-tô 13:14 (trong Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống là câu 13), và I Giăng 5:7 cùng một lúc nhắc đến ba thân vị của Thiên Chúa:

“Nguyện ân điển của Đức Chúa Jesus Christ, và tình yêu của Đức Chúa Trời, và sự thông công của Đức Thánh Linh ở với tất cả các anh chị em! A-men!(II Cô-rinh-tô 13:14).

Vì có ba chứng ở trên trời: Đức Cha, Ngôi Lời, và Đức Thánh Linh. Ba chứng này là một.” (I Giăng 5:7).

Nhưng Sa-tan và các giáo sư giả của nó cũng ngang nhiên cho rằng, hai câu đó cũng được Giáo Hội Công Giáo thêm vào Thánh Kinh. Nghĩa là, chỉ cần tìm xem câu Thánh Kinh nào không hợp ý Sa-tan thì cứ đổ thừa cho Giáo Hội Công Giáo đã tự ý thêm vào Lời Chúa. Họ không cần biết các bản chép tay của Thánh Kinh Tân Ước được lưu trữ đã có từ khoảng năm 125, còn Giáo Hội Công Giáo thì hơn 250 năm sau mới được hình thành vào ngày 27/02/380 [3].

Tất cả các bản chép tay của sách Ma-thi-ơ trong tiếng Hy-lạp đều đúng như bản dịch mà chúng ta có ngày nay, tức là có mệnh lệnh của Đức Chúa Jesus Christ truyền cho các môn đồ phải báp-tem người tin nhận Tin Lành vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh.

Ngay cả trong trường hợp, nếu như trong các bản chép tay của Thánh Kinh, có vài bản không có câu: “Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh”; thì các nhà phê bình bản văn của Thánh Kinh cũng sẽ áp dụng một trong các nguyên tắc phân tích các bản văn chép tay của Thánh Kinh, để nhận biết những bản có thêm một số chữ hay một số câu có phải là đúng với nguyên bản hay không. Nguyên tắc ấy chính là sự so sánh ý nghĩa của các chữ và các câu đó với toàn bộ sự dạy dỗ của Thánh Kinh, để xem nội dung của chúng có hiệp với sự dạy dỗ trong các nơi khác của Thánh Kinh, hay không.

Và rõ ràng, chúng ta thấy, Thánh Kinh nhiều lần xác nhận: Danh xưng “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” được dùng chung cho Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. Vì thế, Ma-thi-ơ 28:19, II Cô-rinh-tô 13:14, và I Giăng 5:7, theo như Thánh Kinh Anh Ngữ bản dịch King James và Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012, là hoàn toàn đúng với nguyên tác.

Chính Thánh Kinh chứng minh danh xưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là danh xưng của Đức Chúa Jesus Christ và danh xưng của Đức Thánh Linh. So sánh Ê-sai 6 với Giăng 12:37-41 và Công Vụ Các Sứ Đồ 28:25-27:

Ê-sai 6:1-13

1 Về năm Vua Ô-xia băng, tôi thấy Chúa ngồi trên ngôi cao sang, vạt áo của Ngài đầy dẫy Đền Thờ.

2 Những sê-ra-phim đứng bên trên Ngài; mỗi sê-ra-phim có sáu cánh, hai cái che mặt, hai cái che chân và hai cái dùng để bay.

3 Các sê-ra-phim cùng nhau kêu lên rằng: Thánh thay, thánh thay, thánh thay là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân! Khắp đất đầy dẫy sự vinh quang Ngài!

4 Bởi tiếng kêu đó, các nền ngạch cửa rúng động, và Đền đầy những khói.

5 Bấy giờ tôi nói: Khốn thay cho tôi! Xong đời tôi rồi! Vì tôi là người có môi dơ dáy, ở giữa một dân có môi dơ dáy, bởi mắt tôi đã thấy Vua, tức là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu Vạn Quân!

6 Bấy giờ một sê-ra-phim bay đến tôi, tay cầm than lửa đỏ mà đã dùng kiềm gắp nơi bàn thờ,

7 để trên miệng tôi, mà nói rằng: Này, cái này đã chạm đến môi ngươi; lỗi ngươi được bỏ rồi, tội ngươi được tha rồi.

8 Kế đó, tôi nghe tiếng Chúa phán rằng: Ta sẽ sai ai đi? Ai sẽ đi cho Chúng Ta? Tôi thưa rằng: Có tôi đây; xin hãy sai tôi.

9 Ngài phán: Đi đi! Nói với dân này rằng: Các ngươi hãy nghe, nhưng chẳng hiểu chi; hãy xem, nhưng chẳng thấy gì.

10 Hãy làm cho dân ấy béo lòng, nặng tai, nhắm mắt, kẻo mắt nó thấy được, tai nó nghe được, lòng nó hiểu được, nó trở lại và được chữa lành chăng!

11 Tôi lại nói: Lạy Chúa, cho đến chừng nào? Ngài đáp rằng: Cho đến chừng các thành bị hoang vu, không có dân ở, nhà không có người, và đất đã nên hoang vu cả;

12 cho đến chừng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu dời dân đi xa, và trong xứ rất là tiêu điều.

13 Giả sử còn lại một phần mười dân cư tại đó, họ sẽ lại bị thiêu nuốt. Nhưng, như khi người ta hạ cây thông cây dẻ, chừa gốc nó lại, thì cũng vậy, giống thánh là gốc của nó.

Giăng 12:37-41

37 Dẫu Ngài [tức là Đức Chúa Jesus Christ] đã làm bấy nhiêu phép lạ trước mặt chúng, họ cũng không tin Ngài,

38 để được ứng nghiệm lời này của đấng tiên tri Ê-sai: Lạy Chúa, ai đã tin lời giảng chúng tôi, và cánh tay Chúa đã tỏ ra cho ai?

39 Chúng không thể tin, vì Ê-sai lại có nói rằng:

40 Ngài đã khiến mắt họ mù, lòng họ cứng, để cho mắt chẳng thấy, lòng chẳng hiểu, không tự hối cải, và Ta chẳng chữa lành cho.

41 Ê-sai nói các điều đó, khi ông nhìn thấy sự vinh quang của Ngài và nói về Ngài.

“Bởi vì họ không đồng ý với nhau và ra về, nên Phao-lô chỉ nói thêm lời này: Đức Thánh Linh đã phán phải lắm, khi Ngài dùng đấng tiên tri Ê-sai mà phán với tổ phụ các ngươi rằng: Hãy đến nơi dân này và nói rằng: Các ngươi lấy lỗ tai nghe mà chẳng hiểu chi; lấy mắt xem mà không thấy gì. Vì lòng dân này đã nặng nề. Họ bịt lỗ tai, nhắm mắt lại, ngại rằng, mắt mình tự thấy, tai mình tự nghe, lòng mình tự hiểu, và họ trở lại mà Ta chữa cho lành được chăng.(Công Vụ Các Sứ Đồ 28:25-27).

So sánh Giê-rê-mi 31:33-34 với Hê-bơ-rơ 10:15-17:

Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Này là giao ước mà Ta sẽ lập với nhà I-sơ-ra-ên sau những ngày đó. Ta sẽ đặt luật pháp của Ta bên trong chúng nó và chép trong lòng của chúng nó. Ta sẽ làm Thiên Chúa của chúng nó và chúng nó sẽ làm dân Ta. Chúng nó ai nấy sẽ chẳng dạy người lân cận mình hay là anh em mình, nói rằng: Hãy nhìn biết Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Vì hết thảy chúng nó đều sẽ nhìn biết Ta, người nhỏ cũng như người lớn. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán: Vì Ta sẽ tha sự gian ác của chúng nó, và Ta sẽ chẳng nhớ tội lỗi của chúng nó nữa.(Giê-rê-mi 31:33-34).

Đức Thánh Linh cũng làm chứng cho chúng ta. Vì theo lời phán trước đây, Chúa phán: Này, giao ước mà Ta sẽ lập với họ sau những ngày đó. Ta sẽ ban các luật pháp của Ta trong những tấm lòng của họ, và trong những tâm trí của họ Ta sẽ ghi chúng. Ta sẽ chẳng còn nhớ đến những tội lỗi và những sự vô luật pháp của họ nữa. (Hê-bơ-rơ 10:15-17).

Đó là chưa kể còn bao nhiêu câu Thánh Kinh gọi Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa, gọi Đức Thánh Linh là Thiên Chúa [4], [5]. Vì thế, trước những sự dối trá, ngụy biện, và quỷ biện của Sa-tan, tìm đủ mọi cách để bác bỏ thần tính của Đức Chúa Jesus Christ và của Đức Thánh Linh, chúng ta chỉ cần công bố:

Thánh Kinh gọi Đức Chúa Jesus Christ là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!

Thánh Kinh gọi Đức Thánh Linh là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!

Về lý luận thứ nhì: Cho rằng các sự kiện làm báp-tem trong Thánh Kinh không hề nói đến sự được làm báp-tem vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh; thì chỉ chứng minh rằng tác giả của bài viết thiếu hiểu biết Lời Chúa vì chính người ấy đã chối bỏ Đức Thánh Linh, là Thần Lẽ Thật!

Trước hết, Thánh Kinh nói đến nhiều phép báp-tem khác nhau mà chúng ta đã cùng nhau học biết qua bài “Ý Nghĩa Các Phép Báp-tem Trong Thánh Kinh” [6]. Ở đây, chúng ta chỉ nói đến phép báp-tem do chính Đức Chúa Jesus Christ đã truyền cho con dân Chúa phải làm cho những ai tin nhận Tin Lành của Ngài; tức là: Phép báp-tem vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh. Nói cách khác, là phép báp-tem vào trong danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, để người tin được chính thức gia nhập vào trong Hội Thánh của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ.

Và chúng ta nên nhớ: Chúa truyền cho chúng ta báp-tem người tin nhận Tin Lành vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Ngài không hề lập ra “công thức” phải tuyên xưng khi làm báp-tem. Vì thế, khi làm báp-tem cho một người, chúng ta có thể nói một trong các câu dưới đây, đều đúng cả:

  • Tôi báp-tem anh vào trong danh của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu. Hoặc: Trong danh của Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu tôi báp-tem anh.

  • Tôi báp tem anh vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh. Hoặc: Trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh tôi báp-tem anh.

  • Tôi báp-tem anh vào trong danh Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh. Hoặc: Trong danh Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh tôi báp-tem anh.

Đức Thánh Linh đã khẳng định trong Ê-phê-sô 4:5 là:Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem!

Một Chúa là một Đức Chúa Jesus Christ, là Chúa, là chủ, là Đấng đứng đầu Hội Thánh. Một đức tin là đức tin vào trong danh của Ngài, là danh Jesus Christ, là Thiên Chúa nhập thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Một phép báp-tem là phép báp-tem do chính Ngài phán truyền: Phép báp-tem vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, tức là danh: “Ta Là!” Danh: “Đấng Tự Hữu Hằng Hữu!”

Bây giờ, chúng ta hãy tìm hiểu ý nghĩa của các câu Thánh Kinh liên quan đến sự báp-tem trong Hội Thánh lúc ban đầu. Trước hết, chúng ta cần phân biệt các giới từ được dùng trong các câu này. Có hiểu rõ ý nghĩa, chức năng của các giới từ thì chúng ta mới hiểu rõ ý nghĩa của các câu Thánh Kinh dùng chúng.

Các giáo sư giả tự xưng là “Sứ Giả Nước Trời” có cái tác phong “dịch” Thánh Kinh bất chấp ngữ pháp, chẳng cần biết phân biệt mạo từ, giới từ hay bất cứ quy luật văn phạm nào. Vì thế, họ tha hồ muốn đặt cho một câu Thánh Kinh cái nghĩa nào thì đặt. Câu nào không bẻ cong được thì chụp chung cho cái mũ: “bị Giáo Hội Công Giáo thêm vào!” Vì thế, khi đọc bài này, có thể họ sẽ trề môi cho rằng: “…trích một vài câu giải nghĩa theo ý riêng theo cái loại ngữ pháp ức hiếp lẽ thật…” [7]. Nhưng bài này không được viết và không được giảng cho họ, những kẻ đã chọn che mắt, bịt tai, tự đi vào sự hư mất. Bài này được viết và được giảng cho những ai “có tai mà nghe, hãy nghe!”

Giới từ là một từ ngữ giúp cho chúng ta biết sự tương quan giữa hai danh từ hoặc sự tương quan giữa một danh từ với một đại danh từ. Thí dụ: Chúng ta có hai danh từ “cuốn sách” và “cái bàn”. Giữa hai danh từ này có thể có nhiều giới từ để chỉ rõ mối quan hệ của chúng. Tùy theo ý nghĩa của mỗi giới từ mà chúng ta có những câu văn nói đến cuốn sách và cái bàn nhưng mang nghĩa hoàn toàn khác nhau:

  • Cuốn sách ở trên cái bàn.

  • Cuốn sách ở dưới cái bàn.

  • Cuốn sách ở giữa cái bàn.

  • Cuốn sách ở trong ngăn kéo của cái bàn.

  • Cuốn sách ở trước cái bàn.

  • Cuốn sách ở sau cái bàn.

  • Cuốn sách ở cạnh cái bàn.

  • V.v…

Các từ ngữ: trên, dưới, giữa, trong, trước, sau, cạnh… là các giới từ. Rõ ràng, không hiểu ý nghĩa của các giới từ thì chúng ta sẽ không hiểu đúng ý nghĩa của một câu văn.

Có ba giới từ khác nhau được dùng trong các câu Thánh Kinh liên quan đến sự báp-tem trong Hội Thánh mà chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu.

1. Giới từ “bởi”: Trong nguyên ngữ Hy-lạp là “ἐπί” G1909, phiên âm /ê-pi/, có các nghĩa như sau: bởi, vào một thời điểm nào đó, phía trên, bên trên, trên, toàn vùng, tại nơi.

“Phi-e-rơ đã nói với họ: Mỗi người trong các ngươi hãy hối cải và chịu báp-tem bởi danh của Đức Chúa Jesus Christ, vào trong sự tha thứ những tội, rồi các ngươi sẽ nhận sự ban cho Đức Thánh Linh.(Công Vụ Các Sứ Đồ 2:38).

“Chịu báp-tem bởi danh của Đức Chúa Jesus Christ có nghĩa là chịu báp-tem vì tin vào danh của Đức Chúa Jesus Christ. Tương tự như “loài người sẽ sống chẳng phải chỉ nhờ bánh nhưng nhờ [bởi] mỗi một lời phán ra từ miệng của Thiên Chúa” (Ma-thi-ơ 4:4); có nghĩa là: Người ta sống vì tin vào mọi lời phán của Thiên Chúa.

Như vậy, khi một ngườichịu báp-tem bởi danh của Đức Chúa Jesus Christ là người ấy chịu báp-tem vì tin rằng Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa nhập thế làm người để cứu chuộc nhân loại, đúng y như ý nghĩa của danh xưng JESUS CHRIST. Nên nhớ, chính Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng Cứu Rỗi chứ không phải một thần linh hay một thiên sứ nào do Thiên Chúa tạo nên là Đấng Cứu Rỗi cho nhân loại. Đó là sự mầu nhiệm được giấu kín trong các thời kỳ trước và chỉ được tỏ ra trong thời kỳ cuối cùng cho Hội Thánh:

…tức là sự mầu nhiệm đã giấu kín trải các đời, các dòng dõi, mà nay được tỏ ra cho các thánh đồ của Ngài…” (Cô-lô-se 1:26 – Xin đọc toàn đoạn 1).

Sự mầu nhiệm đó được Sứ Đồ Phao-lô, bởi sự thần cảm của Đức Thánh Linh, đã tóm gọn trong I Ti-mô-thê 3:16, như sau:

“Mọi người đều cho sự mầu nhiệm của sự tin kính là lớn lắm: Thiên Chúa đã được tỏ ra trong xác thịt, đã được xưng nghĩa trong tâm thần, đã được các thiên sứ trông thấy, đã được giảng ra trong các dân ngoại, đã được tin cậy trong thế gian, đã được cất lên trong sự vinh quang.”

Và chính vì một người tin Đức Chúa Jesus Christ là Thiên Chúa nhập thế làm người để làm Đấng Cứu Rỗi của nhân loại, nên khi chịu báp-tem thì người ấy sẽ chịu báp tem vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa, y theo lời phán truyền của Đức Chúa Jesus Christ.

2. Giới từ “trong”: Trong nguyên ngữ Hy-lạp là “ἐν” G1722, phiên âm /en/, có các nghĩa như sau: trong, với, giữa vòng, xuyên qua.

Người lại truyền làm phép báp-tem cho họ trong danh Chúa. Họ xin người ở lại với mình một vài ngày.” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:48).

Đây là trường hợp đặc biệt thứ nhất với các điểm sau đây:

  • Những người chịu báp-tem là những người dân ngoại đầu tiên được báp-tem vào Hội Thánh.

  • Họ là những người có lòng kính sợ Chúa, thờ phượng Chúa, và có thể đã chịu báp-tem về sự ăn năn tội bởi Giăng Báp-tít.

  • Họ đã được Đức Chúa Jesus báp-tem bằng thánh linh trước khi họ nhận báp-tem bằng nước.

Vì thế, họ chỉ cần chịu báp-tem trong danh của Đức Chúa Jesus. Báp-tem trong danh Chúa là nhân danh Đức Chúa Jesus để làm báp-tem. Đây là trường hợp duy nhất của những người dân ngoại lần đầu tiên đã được chính Đức Chúa Jesus Christ báp-tem vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa, vào trong Hội Thánh, nên họ chỉ cần thi hành sự báp-tem bằng nước trong danh của Đức Chúa Jesus, để hoàn thành nghi thức bên ngoài của sự báp-tem. Sự báp-tem này không áp dụng cho người tin nhận Chúa ngày nay.

Vì đây là những tín đồ người ngoại đầu tiên nên chính Đức Chúa Jesus đã chủ động làm báp-tem cho họ, để chứng minh cho người I-sơ-ra-ên biết: Hội Thánh của Chúa không phân biệt người I-sơ-ra-ên với người ngoại, không phân biệt người chịu cắt bì với người không chịu cắt bì. Qua sự kiện đó, cùng với khải tượng Chúa ban cho Phi-e-rơ (Công Vụ Các Sứ Đồ 10), mà các sứ đồ hiểu được rằng: Tin Lành phải được giảng cho muôn dân và muôn dân được gia nhập vào Hội Thánh của Chúa.

3. Giới từ “vào trong”: Trong nguyên ngữ Hy-lạp là “εἰς” G1519, phiên âm /ai-s/, có các nghĩa sau đây: vào trong, về phía, vì.

Báp-tem vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh” có nghĩa là nhúng chìm vào trong phẩm chất của danh xưng Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Phẩm chất của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là: yêu thương, công chính, và thánh khiết. Báp-tem vào trong danh của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là được nhúng chìm trong sự yêu thương, công chính, và thánh khiết của Thiên Chúa, đồng thời được biến đổi phẩm chất, để trở nên yêu thương, công chính, và thánh khiết giống như Thiên Chúa.

Báp tem vào trong danh Đức Chúa Jesus” có nghĩa là nhúng chìm vào trong phẩm chất của danh xưng Jesus. Có nghĩa là đồng chết và đồng sống lại với Đức Chúa Jesus, trở nên một với Đức Chúa Jesus, sống với Đức Chúa Jesus, trở nên giống như Đức Chúa Jesus.

Sự báp-tem vào trong danh Đức Chúa Jesus không thể thay thế cho sự báp-tem vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, những tín đồ người Sa-ma-ri chỉ được Phi-líp báp-tem vào trong danh của Đức Chúa Jesus phải được chính Đức Chúa Jesus báp-tem họ trở lại vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa, khi Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng cầu nguyện, đặt tay trên họ.

“Vì (Đấng Thần Linh) chưa giáng xuống trên một ai trong nhóm đó; họ chỉ chịu báp-tem vào trong danh Đức Chúa Jesus mà thôi.(Công Vụ Các Sứ Đồ 8:16).

Đây là trường hợp đặc biệt thứ nhì: Các tín đồ người Sa-ma-ri đã chịu báp-tem vào trong danh của Đức Chúa Jesus nhưng vẫn chưa nhận được Đức Thánh Linh và chưa được báp-tem bằng thánh linh. Chúa cho phép điều này xảy ra để cho khi Sứ Đồ Phi-e-rơ và Giăng đến nơi, đặt tay trên họ, công nhận họ được tiếp nhận vào Hội Thánh, thì họ mới được Đức Chúa Jesus báp-tem cho họ vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa, và như vậy, họ mới nhận được Đức Thánh Linh và được đầy dẫy thánh linh. Điều này để đánh tan thành kiến lâu đời giữa người I-sơ-ra-ên và người Sa-ma-ri.

Người Sa-ma-ri vốn là người I-sơ-ra-ên lai chủng với các dân tộc khác nên bị người I-sơ-ra-ên coi khinh. Vì thế, dầu họ vẫn nhận họ là con cháu của Áp-ra-ham, tin cậy và thờ phượng Thiên Chúa của Áp-ra-ham, nhưng họ không thờ phượng Chúa tại Đền Thờ ở Giê-ru-sa-lem. Vì nơi đó, họ bị kỳ thị. Họ bèn thờ phượng trên núi Ga-ri-xim trong xứ Sa-ma-ri (Giăng 4:20) là nơi mà trước đây Gia-cốp đã lập bàn thờ (Sáng Thế Ký 33:20).

Có lẽ Chúa muốn những người Sa-ma-ri phải công nhận “sự cứu rỗi là từ dân Do-thái” (Giăng 4:22) để họ hoàn toàn vâng phục sự giảng dạy của các sứ đồ; và Chúa muốn những người Do-thái không còn kỳ thị những người Sa-ma-ri nữa, nên Ngài cho phép Phi-líp chỉ nhân danh Đức Chúa Jesus để làm báp-tem cho họ và họ phải nhờ sự đặt tay của các sứ đồ để tiếp nhận họ vào Hội Thánh, thì lúc bấy giờ họ mới được chính Đức Chúa Jesus báp-tem vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

“Chúng nghe bấy nhiêu lời, thì chịu phép báp-tem vào trong danh Đức Chúa Jesus.(Công Vụ Các Sứ Đồ 19:5).

Đây là trường hợp đặc biệt thứ ba: Phao-lô gặp một số tín đồ của Chúa tại thành Ê-phê-sô, nhưng ông không nhận thấy họ có Đức Thánh Linh và thánh linh. Vì thế, ông hỏi họ: “Từ khi anh em tin, có nhận được thánh linh không?” Họ trả lời: “Chúng tôi chưa nghe có thánh linh nào” (Công Vụ Các Sứ Đồ 19:2). Phao-lô hỏi thăm tiếp thì biết là sau khi tin Chúa, họ chỉ chịu phép báp-tem của Giăng Báp-tít. Vì thế, ông giải thích cho họ hiểu là họ phải báp-tem bởi đức tin vào Đức Chúa Jesus. Họ liền chịu báp-tem vào trong danh của Đức Chúa Jesus, và Phao-lô đặt tay lên họ, tiếp nhận họ vào Hội Thánh của Chúa, tức thì Đức Chúa Jesus báp-tem họ vào trong danh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Đây cũng là điều Chúa cho phép xảy ra để ấn chứng điều mà Đức Thánh Linh đã dạy trong Ê-phê-sô 4:5: “Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp-tem.”

Như vậy, có ba trường hợp báp-tem đặc biệt trong Hội Thánh được Thánh Kinh nói đến:

1. Đức Chúa Jesus báp-tem những tín đồ dân ngoại đầu tiên vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa trước khi họ thực hành lễ báp-tem bằng nước trong danh Chúa.

2. Những tín đồ Sa-ma-ri đầu tiên được nhập vào Hội Thánh đã chịu báp-tem vào trong danh của Đức Chúa Jesus để thể hiện đức tin của họ vào sự cứu chuộc của Ngài. Nhưng tiếp theo đó, họ phải được Đức Chúa Jesus báp-tem họ vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

3. Những tín đồ tại thành Ê-phê-sô đã chịu báp-tem ăn năn tội nhưng chưa chịu báp-tem bởi danh của Đức Chúa Jesus. Vì thế họ đã phải chịu báp-tem vào trong danh của Đức Chúa Jesus, để được Đức Chúa Jesus báp-tem họ vào trong danh của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Trong cả ba trường hợp trên đây, chúng ta đều thấy có sự hiện diện của Đức Chúa Jesus và chính Ngài làm báp-tem cho cả ba nhóm người. Chúng ta biết chính Đức Chúa Jesus đã làm báp-tem cho họ vì chỉ một mình Đức Chúa Jesus là Đấng làm báp-tem bằng thánh linh cho con dân Ngài. Trong cả ba trường hợp kể trên đều biểu hiện rõ ràng, cả ba nhóm người đều được chính Đức Chúa Jesus báp-tem họ. Và đã là do chính Đức Chúa Jesus làm báp-tem cho họ thì chắc chắn đó là sự báp-tem vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh, y như lệnh truyền của Đức Chúa Jesus.

Đó là lẽ thật với đầy đủ các chứng cớ đã được ghi chép cách rõ ràng trong Thánh Kinh. Là con dân Chúa, chúng ta cùng nhau học hiểu sự trọn vẹn và sâu nhiệm của Lời Chúa. Chúng ta chỉ cần công bố lẽ thật của Lời Chúa, rao truyền lẽ thật của Lời Chúa. Chúng ta không cần phải tranh luận với những kẻ chẳng tin. Ai có thể dùng ánh sáng để soi vào đôi mắt của một người mù và mong rằng người ấy thấy được ánh sáng?

Ngoài sự báp tem vào trong danh Chúa, còn có sự báp-tem vào trong chính Chúa. Trong hai câu Thánh Kinh dưới đây thì ý nghĩa của sự báp-tem vào trong Đấng Christ mang nghĩa là con dân Chúa được nhúng chìm vào trong sự chết và sự sống lại của Chúa; được làm một với Chúa trong sự chết đi con người cũ tội lỗi và được làm một với Chúa trong sự sống lại một con người mới, giống như Ngài; được đồng trị cơ nghiệp của Đức Chúa Trời với Ngài.

“Các anh chị em chẳng biết rằng, bất cứ những ai đã được báp-tem vào trong Đấng Christ Jesus, tức là được báp-tem vào trong sự chết của Ngài sao? (Rô-ma 6:3).

“Vì bất cứ ai trong các anh chị em chịu báp-tem vào trong Đấng Christ, thì mặc lấy Đấng Christ.(Ga-la-ti 3:27).

Hai câu trên nói cho chúng ta biết, điều gì xảy ra khi một người được nhúng chìm vào trong Đức Chúa Jesus Christ. Hai câu trên KHÔNG DẠY rằng người tin Chúa không cần báp-tem vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh.

Nói tóm lại, khi chúng ta được báp-tem vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh thì chúng ta được nhúng chìm trong tình yêu, sự công chính, và sự thánh khiết của Thiên Chúa:

  • Chúng ta bị báp-tem vào trong sự Đức Cha đoán phạt tội lỗi trên thân thể xác thịt của Đức Con; nhưng chúng ta cũng được nhúng chìm vào trong tình yêu của Đức Chúa Trời.

  • Chúng ta bị báp-tem vào trong sự chết của Đức Con để đồng chết với Ngài cái bản ngã xác thịt tội lỗi; nhưng chúng ta cũng được nhúng chìm trong sự sống lại vinh quang và trong sự sống đời đời của Ngài; cũng là được nhúng chìm trong sự công chính của Ngài để cùng ngồi trên ngai phán xét với Ngài.

  • Chúng ta được nhúng chìm vào trong năng lực của Thiên Chúa là thánh linh ra từ Đức Thánh Linh, vì chúng ta được Đức Thánh Linh ngự trong thân thể của chúng ta, thánh hóa chúng ta, dạy dỗ chúng ta, an ủi chúng ta, cáo trách chúng ta, cầu thay cho chúng ta, và ban ân tứ cho chúng ta. Chúng ta được nhúng chìm trong sự thánh khiết của Thiên Chúa để thuộc riêng về Ngài.

Những ai cho rằng ngày nay con dân Chúa chỉ cần chịu báp-tem trong danh của Đức Chúa Jesus thì họ đã hiểu sai Lời Chúa và tự chuốc lấy sự mất phước cho mình.

Thứ nhất: Họ sẽ không được nhúng chìm trong tình yêu của Đức Chúa Trời. Thứ nhì: Họ sẽ không được báp-tem bằng thánh linh. Thậm chí, họ sẽ không có Đức Thánh Linh ngự trong thân thể họ. Vì thế, không bao lâu họ sẽ mất đức tin và sẽ đắm chìm trở lại trong nếp sống tội.

Những ai trước đây tin nhận Thiên Chúa Ba Ngôi, chịu báp-tem trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh; nay nghe theo tà giáo, làm báp-tem lại trong danh của Đức Chúa Jesus, thì họ cũng tự chuốc lấy sự hư mất như những kẻ giảng dạy tà giáo cho họ.

Chúa đã làm cho Lời Chúa được tôn cao hơn danh Chúa (Thi Thiên 138:2). Vì thế, ai khinh thường Lời Chúa, bỏ đi sự thông biết Lời Chúa, thì sẽ bị diệt:

“Dân Ta bị diệt vì cớ thiếu sự tri thức. Bởi ngươi bỏ sự tri thức thì Ta cũng sẽ bỏ ngươi để ngươi không làm thầy tế lễ cho Ta nữa; bởi ngươi đã quên luật pháp của Thiên Chúa mình thì Ta cũng sẽ quên con cái ngươi. Chúng nó thêm nhiều bao nhiêu, thì chúng nó phạm tội nghịch lại Ta bấy nhiêu. Ta sẽ đổi sự vinh quang của chúng nó ra sự sỉ nhục. (Ô-sê 4:6-7).

Về lý luận thứ ba: Cho rằng trong các tài liệu lịch sử của Hội Thánh lúc ban đầu không hề nhắc đến sự kiện làm báp-tem trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh; cho nên câu “Hãy báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh” là do Giáo Hội Công Giáo thêm vào Ma-thi-ơ 28:19; thì đó là một lời dối trá và vu khống trắng trợn.

Dối trá là vì ngay trong thế kỷ thứ nhì và thứ ba, trước khi Giáo Hội Công Giáo xuất hiện, thì đã có nhiều thư tín do các giám mục, trưởng lão trong các Hội Thánh địa phương thời ấy viết cho các Hội Thánh, được lưu trữ đến ngày nay, nhiều lần nhắc đến sự báp-tem trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh. Vu khống là vì làm sao Giáo Hội Công Giáo có thể “cạo sửa” tất cả các bản chép tay sách Ma-thi-ơ đã có trước khi Giáo Hội Công Giáo ra đời hơn 250 năm? Nên nhớ là các bản chép tay ấy được viết trên loại giấy chỉ thảo làm bằng thân sậy đập dập, ép thành giấy hoặc trên da thú. Sự “cạo sửa” không thể nào thực hiện! Việc một vài bản chép tay bị mất đi trang cuối của sách Ma-thi-ơ cũng là việc thường tình, không thể đổ cho Giáo Hội Công Giáo đã “xén” mất.

Dưới đây là vài chứng cớ tiêu biểu từ các thư tín của các giám mục và trưởng lão trong Hội Thánh, trước khi Giáo Hội Công Giáo được thành lập, về sự làm báp-tem vào trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh:

  • Híp-pô-li-tút (Hippolytus – 170-235) là một trưởng lão trong Hội Thánh tại La-mã. Ông là học trò của Re-ni-út (Irenaeus), Re-ni-út là học trò của Pô-li-cáp (Polycarp), và Pô-li-cáp là học trò của Sứ Đồ Giăng. Trong tác phẩm “Những Mảnh Vỡ” (Fragments), Phần 2: “Giáo Lý và Lịch Sử – Nghịch Lại Tà Thuyết của Một Người Tên là Nô-ê-tút ” (Dogmatical and Historical.–Against the Heresy of One Noetus), Híp-pô-li-tút đã viết: “…trao trách nhiệm này cho các môn đồ sau khi Ngài sống lại từ trong sự chết: Hãy đi! Và dạy dỗ muôn dân, báp-tem họ trong danh của Đức Cha, và của Đức Con, và của Đức Thánh Linh” [8]. Híp-pô-li-tút qua đời 145 năm trước khi Giáo Hội Công Giáo được hình thành [3], thì làm sao ông có thể đọc được Ma-thi-ơ 28:19 do “Giáo Hội Công Giáo cạo sửa”?

  • Tơ-tu-li-an (Tertullian – ~160-225) là nhà biện giáo đầu tiên của Hội Thánh và cũng là nhà Thần học chuyên về giáo lý “Ba Thân Vị, Một Thực Thể” (Three Persons, One Substance), mà ngày nay được gọi là giáo lý Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Vào khoảng năm 200, Tơ-tu-li-an đã viết trong chương 13 của tác phẩm “Về Báp-tem” như sau: “Vì luật báp-tem đã được áp dụng, và thể thức đã được quy định: Ngài phán: Hãy đi! Dạy dỗ muôn dân, báp-tem họ vào trong danh của Đức Cha, và của Đức Con, và của Đức Thánh Linh.” Trong chương 2 của tác phẩm “Nghịch Lại Praxeas”, ông viết: “Sau khi Ngài sống lại… Ngài truyền lệnh cho họ làm báp-tem vào trong Đức Cha, và Đức Con, và Đức Thánh Linh” [9]. Những lời này được viết ra ít nhất là 180 năm trước khi Giáo Hội Công Giáo được hình thành, và Tơ-tu-li-an qua đời khoảng 155  năm trước khi Giáo Hội Công Giáo được hình thành, thì làm sao ông có thể đọc được Ma-thi-ơ 28:19 do “Giáo Hội Công Giáo cạo sửa”?

  • Xy-pri-an (Cyprian – 200-258) là giám mục đầu tiên của Hội Thánh tại thành Cát-thạch (Carthage). Trong Công Đồng Lần Thứ Bảy tại Cát-thạch ông đã công bố: “…sau sự phục sinh của Ngài, Ngài sai các sứ đồ của Ngài, Ngài giao trách nhiệm cho họ, phán rằng: Mọi quyền phép trên trời và dưới đất đã giao cho Ta. Hãy đi! Và dạy dỗ muôn dân, báp-tem họ trong danh của Đức Cha, của Đức Con, và của Đức Thánh Linh” [9]. Xy-pri-an qua đời 122 năm trước khi Giáo Hội Công Giáo được hình thành, thì làm sao ông có thể đọc được Ma-thi-ơ 28:19 do “Giáo Hội Công Giáo cạo sửa”?

  • Rê-gô-ry Thao-ma-tu-gút (Gregory Thaumaturgus – 205-265) là một giám mục của Hội Thánh tại thành Sê-xa-rê. Trong tác phẩm “Một Tiết Mục Xưng Nhận về Đức Tin” ( A Sectional Confession of Faith), ông đã viết: “…Chúa sai các môn đồ của Ngài làm báp-tem trong danh của Đức Cha, và của Đức Con, và của Đức Thánh Linh” [9]. Rê-gô-ry Thao-ma-tu-gút qua đời 115 năm trước khi Giáo Hội Công Giáo được hình thành, thì làm sao ông có thể đọc được Ma-thi-ơ 28:19 do “Giáo Hội Công Giáo cạo sửa”?

Quý con dân Chúa có khả năng đọc Anh ngữ có thể tham khảo trên mạng [9] các thư tín và sách do các giám mục và trưởng lão trong Hội Thánh, thời kỳ trước khi Giáo Hội Công Giáo được thành lập, viết về các lẽ thật trong Thánh Kinh.

Nói dối, vu khống, ngụy biện, và quỷ biện là sở trường của Sa-tan, của các tôi tớ của nó, và của các con cái của nó. Tuy nhiên, lẽ thật từ Lời Chúa và các chứng cớ trong lịch sử luôn đánh bại mọi tà giáo do Sa-tan dựng nên. Là con dân Chúa chúng ta chỉ đặt đức tin vào trong Thánh Kinh là Lời Hằng Sống của Thiên Chúa và chỉ tin những gì Thánh Kinh giãi bày về Thiên Chúa. Điều quan trọng là khi chúng ta thật lòng ăn năn tội, tức là hối hận vì đã phạm tội và quyết tâm từ bỏ tội; rồi hết lòng tin cậy hoàn toàn vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, tức là không nhờ cậy vào các nghi thức, các việc làm công đức, hay sự gia nhập vào một giáo hội nào, mà chỉ nhờ cậy nơi máu chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ; và hết lòng vâng giữ các điều răn của Chúa, như đã được ghi chép trong Thánh Kinh; thì Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh đều hiện diện trong chúng ta. Đức Thánh Linh là Thần Lẽ Thật sẽ dắt chúng ta vào trong mọi lẽ thật của Lời Chúa, và chắc chắn, Ngài sẽ làm chứng cho chúng ta biết: Đức Chúa Jesus Christ chính là Thiên Chúa, bởi vì:

“Nhưng khi Đấng An Ủi sẽ đến, Đấng Ta sẽ sai đến với các ngươi từ Đức Cha, Đấng Thần Linh của Lẽ Thật, Đấng ra từ Cha, Ngài sẽ làm chứng về Ta. (Giăng 15:26).

“Nhưng Đấng Thần Linh của Lẽ Thật, khi Ngài đến, Ngài sẽ dẫn các ngươi vào trong mọi lẽ thật. Vì Ngài sẽ không tự mình nói, nhưng mọi điều Ngài đã nghe thì Ngài sẽ nói, và Ngài sẽ báo cho các ngươi những sự xảy đến. Đấng ấy sẽ tôn vinh Ta, vì Ngài sẽ lấy điều thuộc về Ta mà giãi bày cho các ngươi. (Giăng 16:13-14).

Đức Thánh Linh cũng giúp cho chúng ta hiểu: Đức Thánh Linh chính là Thiên Chúa!

Đức Cha luôn bao phủ chúng ta bằng tình yêu của Ngài, chu cấp mọi nhu cầu trong cuộc sống của chúng ta; nhấn chìm chúng ta trong tình yêu của Ngài để chúng ta cũng yêu như Ngài yêu chúng ta.

Đức Con luôn đồng công với chúng ta trong mọi việc chúng ta làm, vì chúng ta sống là sống cho Ngài, chết là chết cho Ngài.

Đức Thánh Linh ngoài việc dẫn chúng ta vào mọi lẽ thật của Lời Chúa thì Ngài còn an ủi chúng ta, cáo trách chúng ta, ban ân tứ và năng lực cho chúng ta, và khi cần thì cầu thay cho chúng ta.

Thật cảm tạ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu! Nguyện mọi vinh quang thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

07/03/2015

Ghi Chú

[1] “A Collection of the Evidence For and Against the Traditional Wording of the Baptismal Phrase in Matthew 28:19,” by A. Ploughman.

[2] http://timhieuthanhkinh.net/?p=1129

[3] Bruce L. Shelley. Church History In Plain Language, trang 94-97. Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1995.

Năm 312, Hoàng Đế La-mã Constantine nhập Đạo; năm 313, ông ra chiếu chỉ khoan dung cho Đạo Chúa dẫn đến việc hình thành Công Giáo sau này. Hoàng Đế Theodosius I (379-392) thuộc Đông Đế Quốc La-mã và Hoàng Đế Gratian (367-375) thuộc Tây Đế Quốc La-mã chung nhau ra chiếu chỉ quốc giáo hóa Đạo Chúa, biến Đạo Chúa thành “Công Giáo” trong toàn Đế Quốc La-mã vào ngày 27 tháng 2 năm 380: http://en.wikipedia.org/wiki/Edict_of_Thessalonica.

[4] http://timhieuthanhkinh.net/?p=1114

[5] http://timhieuthanhkinh.net/?p=536

[6] “Ý Nghĩa Các Phép Báp-tem Trong Thánh Kinh”: http://timhieuthanhkinh.net/?p=80

[7] https://www.facebook.com/huynhchristiantimothy/posts/415604508607111 hoặc xem tại đây, mục “Lý Luận của Diễn Giả…”: http://www.paulvuong.com/2015-02-07/

[8] http://thriceholy.net/Texts/Hippolytus.html

[9] http://www.ccel.org/ccel/schaff/anf01.toc.html#P2846_461430

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/