Lễ Vượt Qua

5,333 views

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Lễ Vượt Qua

Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa định ra bảy kỳ lễ hội và truyền cho con dân của Ngài phải vâng giữ, như đã được liệt kê theo thứ tự trong Lê-vi Ký 23 [1]. Bảy kỳ lễ hội ấy làm hình bóng cho những việc mà Đức Chúa Jesus Christ sẽ làm ra cho nhân loại trong thời Tân Ước.

Con dân Chúa trong thời Tân Ước không còn bị buộc phải giữ bảy kỳ lễ hội của Thiên Chúa như con dân Chúa trong thời Cựu Ước, vì Đức Chúa Jesus Christ đã đến. Khi hình thật đã đến thì hình bóng không còn cần thiết nữa.

Vì vậy, chớ để ai phán xét các anh chị em về sự ăn hay sự uống, hoặc trong sự dự phần của một ngày lễ, hoặc của một ngày mặt trăng mới, hoặc của những ngày Sa-bát; ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.” (Cô-lô-se 2:16-17) [2].

Tuy nhiên, con dân Chúa trong thời Tân Ước vẫn có thể giữ các ngày lễ ấy, để kỷ niệm những sự Đức Chúa Jesus Christ làm ra cho loài người, miễn là không xem đó như điều kiện để được cứu. Trong thời Vương Quốc Ngàn Năm, muôn dân trên đất sẽ cùng nhau kỷ niệm bảy kỳ lễ hội này cùng các nghi thức dâng sinh tế, để suy nghiệm về ơn cứu rỗi của Thiên Chúa cùng các ơn phước Thiên Chúa ban cho những ai tin nhận sự cứu rỗi của Ngài (Ê-xê-chi-ên 44:24).

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về Lễ Vượt Qua.

Bài Giảng Phần Âm Thanh Luôn Có Nhiều Chi Tiết Hơn Bài Giảng Viết
Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

 

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

MediaFire: http://www.mediafire.com/download/r52i2p0l9221kco/201603_LeVuotQua.mp3

OpenDrive: https://od.lk/d/MV8xMzU3NzEwNzBf/201603_LeVuotQua.mp3

SoundCloud: https://soundcloud.com/huynh-christian-timothy/201603-le-vuot-qua?in=huynh-christian-timothy/sets/bai-gi-ng-2016

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết pdf:

MediaFire: https://www.mediafire.com/folder/u3amorru4ba4t/baigiang_pdf

OpenDrive: https://od.lk/fl/MV8xNjEzMzAzNV8

Lễ Vượt Qua là lễ đứng đầu bảy kỳ lễ hội, nhằm ngày 14 tháng Ni-san, theo lịch Thiên Chúa ban hành cho dân I-sơ-ra-ên, ngày nay gọi là Lịch Hê-bơ-rơ hoặc Lịch Do-thái. Vì một ngày theo Thánh Kinh bắt đầu với buổi tối nên ngày 14 tháng Ni-san bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn của ngày 13 cho đến khi mặt trời lặn của ngày 14.

Danh từ Ni-san trong tiếng A-ra-mai ra từ danh từ “nitzan” của tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa là “nụ cây” để chỉ về sự cây cối đâm chồi, nẩy lộc vào mùa xuân. Mùa xuân tại Trung Đông bắt đầu vào khoảng cuối tháng ba đầu tháng tư Dương Lịch, là thời điểm lúa mạch trổ bông, kết hạt. Vì thế, tháng Ni-san còn được gọi là tháng lúa trổ (Xuất Ê-díp-tô Ký 13:4). Trong Thánh Kinh, danh từ Ni-san được dùng hai lần: Nê-hê-mi 2:1 và Ê-xơ-tê 3:7.

Chính Thiên Chúa quy định tháng Ni-san làm tháng thứ nhất trong năm:

Tháng này sẽ làm đầu cho các tháng đối với các ngươi, nó sẽ là tháng thứ nhất trong năm.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:2).

Nguồn Gốc:

Lễ Vượt Qua do chính Thiên Chúa thiết lập và chỉ định cho dân I-sơ-ra-ên phải vâng giữ. Chi tiết về sự giữ Lễ Vượt Qua được Thiên Chúa phán truyền cho Môi-se và A-rôn, được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12. Lễ Vượt Qua đầu tiên rất quan trọng, liên quan đến sự sống chết của các con đầu lòng, từ loài người đến thú vật, giữa vòng dân I-sơ-ra-ên.

Thiên Chúa phán truyền về sự cử hành Lễ Vượt Qua vào ngày 1 tháng 1 (tháng Ni-san) trong năm dân I-sơ-ra-ên được Thiên Chúa giải cứu khỏi ách nô lệ của đế quốc Ê-díp-tô, và dựng họ thành một dân biệt riêng cho Ngài. Cũng trong ngày ấy, Thiên Chúa ban hành lịch cho họ.

Khi chúng ta đối chiếu các chi tiết trong Thánh Kinh với các sử liệu ngoài Thánh Kinh, thì chúng ta tìm thấy ngày 1 tháng 1 trong năm Thiên Chúa ban hành lịch cho dân I-sơ-ra-ên và cứu họ ra khỏi xứ Ê-díp-tô nhằm Thứ Năm, ngày 12 tháng 3 năm 1446 TCN, theo Lịch Julian. Và ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên nhằm Thứ Tư, ngày 26 tháng 3 năm 1446 TCN, theo Lịch Julian [3].

Có một điều lạ lùng trong sự kiện Thiên Chúa ban hành lịch cho dân I-sơ-ra-ên mà ngày 1 tháng 1 nhằm vào Thứ Năm.

Như chúng ta đã biết, trong tuần lễ sáng tạo, đến ngày Thứ Tư, Thiên Chúa mới dựng nên mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao, để chiếu sáng trên đất và làm dấu định những mùa, những ngày, và những năm (Sáng Thế Ký 1:14-19), tức là để tạo ra lịch. Vì thế, ngày 1 tháng 1 của lịch phải bắt đầu vào ngày Thứ Năm.

Một điều lạ lùng khác là Lễ Vượt Qua đầu tiên và Lễ Vượt Qua mà Đấng Christ bị giết đều xảy ra vào ngày Thứ Tư, là ngày mà các nguồn sự sáng của địa cầu được sáng tạo.

Ngày Lễ Vượt Qua đầu tiên khi được thành lập nhằm Thứ Tư, ngày 26 tháng 3 năm 1446 TCN, tại xứ Ê-díp-tô. Có thể được xem là ngày ánh sáng của tự do xuất hiện và chiếu trên dân tộc I-sơ-ra-ên.

Ngày Lễ Vượt Qua khi Đức Chúa Jesus Christ chịu chết trên thập tự giá nhằm Thứ Tư, ngày 9 tháng 4 năm 27, tại xứ Ca-na-an. Có thể được xem là ngày ánh sáng của tự do xuất hiện và chiếu sáng trên những linh hồn đang bị nô lệ trong tội lỗi, không phân biệt chủng tộc:

Các dân ấy ngồi trong tối tăm, đã nhìn thấy ánh sáng lớn. Và cho những kẻ ngồi trong miền và bóng của sự chết, thì ánh sáng đã bừng lên.” (Ma-thi-ơ 4:16; Ê-sai 9:2).

Mục Đích:

Mục đích thứ nhất của Lễ Vượt Qua là để dân I-sơ-ra-ên thể hiện đức tin của mình vào Thiên Chúa; nhờ đó mà họ không bị họa chung với dân Ê-díp-tô trong khi Thiên Chúa giáng tai họa để hình phạt dân Ê-díp-tô. Dân I-sơ-ra-ên làm hình bóng cho những ai thuộc về Thiên Chúa, là những người tin cậy và vâng phục Thiên Chúa. Dân Ê-díp-tô làm hình bóng cho những ai thuộc về thế gian, là thế lực chống nghịch Thiên Chúa và bách hại con dân của Ngài.

Mục đích thứ nhì của Lễ Vượt Qua là để loài người biết rằng, chiên con bị giết trong Lễ Vượt Qua là hình bóng về sự Đấng Christ sẽ chịu chết để chuộc tội cho loài người. Chỉ những ai tin và thể hiện đức tin của mình vào sự chết chuộc tội của Đấng Christ thành hành động vâng phục Thiên Chúa, thì mới được thoát khỏi hình phạt của Thiên Chúa vì sự phạm tội của họ.

Ý Nghĩa:

Nghĩa đen của chữ “Vượt Qua” là Thiên Chúa sẽ đi ngang qua các nhà có khung cửa đã được đánh dấu bằng máu của chiên con, không ngừng lại để giáng tai họa trên nhà ấy. Nghĩa bóng của chữ “Vượt Qua” là Thiên Chúa sẽ không hình phạt những ai tin vào máu chuộc tội của Đấng Christ, đã đi qua cánh cửa nhuộm máu là Đức Chúa Jesus Christ, để vào trong chuồng chiên của Ngài:

Vậy, Đức Chúa Jesus lại phán với họ: Thật vậy! Thật vậy! Ta nói với các ngươi, Ta là cửa của chiên. Hết thảy những kẻ đã đến trước Ta đều là những kẻ trộm và cướp; nhưng chiên không nghe chúng nó. Ta là cái cửa! Nếu ai bởi Ta mà vào, thì sẽ được cứu, và sẽ vào ra, và sẽ gặp đồng cỏ.” (Giăng 10:7-9).

Mệnh lệnh của Thiên Chúa về Lễ Vượt Qua được ghi lại trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:3-14.

3 Các ngươi hãy nói cho toàn hội chúng I-sơ-ra-ên rằng: Vào ngày mười tháng này, họ sẽ bắt cho họ, mỗi người một con chiên con, cho nhà cha của họ, mỗi nhà một con chiên con.

4 Nếu gia đình nào quá ít {người} cho một chiên con thì hãy chung cùng người lân cận kế nhà mình, theo số các linh hồn, tùy sức ăn mỗi người, mà các ngươi tính số chiên con.

5 Các ngươi hãy bắt trong bầy chiên hoặc dê, một con đực, tuổi giáp niên, chẳng có tì vết,

6 để dành cho đến ngày mười bốn tháng này; rồi cả hội chúng I-sơ-ra-ên sẽ giết nó, vào buổi tối.

7 Họ sẽ lấy máu đem bôi trên hai cây cột cửa và thanh ngang trên cửa của những nhà nào ăn thịt nó.

8 Đêm đó, họ sẽ ăn thịt nướng trên lửa với bánh không men, và họ sẽ ăn với rau đắng.

9 Chớ ăn sống hay là luộc trong nước, nhưng phải nướng trên lửa: đầu, chân, và thân mình của nó.

10 Các ngươi chớ để phần nào của nó còn lại cho đến buổi sáng. Nếu phần nào của nó còn lại cho đến buổi sáng thì hãy thiêu bằng lửa.

11 Các ngươi sẽ ăn như thế này: Lưng của các ngươi thắt lại, chân của các ngươi mang giày, tay của các ngươi cầm gậy, và các ngươi sẽ ăn cách vội vàng. Ấy là Lễ Vượt Qua của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

12 Đêm đó, Ta sẽ đi qua đất Ê-díp-tô, đánh chết mọi con đầu lòng của đất Ê-díp-tô, cả loài người lẫn loài thú. Ta sẽ thi hành án phạt trên mọi thần linh của Ê-díp-tô. Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

13 Máu sẽ là một dấu hiệu trên nhà các ngươi ở. Khi Ta nhìn thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và tai họa sẽ chẳng hủy diệt các ngươi khi Ta đánh giết đất Ê-díp-tô.

14 Ngày ấy sẽ là một ngày kỷ niệm cho các ngươi, các ngươi sẽ giữ một lễ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Trải qua các đời của các ngươi, các ngươi sẽ luôn giữ một lễ theo điều luật.

Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu ý nghĩa của từng câu trong phân đoạn này. Sau khi ban hành lịch cho dân I-sơ-ra-ên qua Môi-se và A-rôn, Thiên Chúa lập tức phán truyền cho hai ông về chi tiết của Lễ Vượt Qua mà hai ông phải truyền đạt lại cho toàn thể dân I-sơ-ra-ên.

3 Các ngươi hãy nói cho toàn hội chúng I-sơ-ra-ên rằng: Vào ngày mười tháng này, họ sẽ bắt cho họ, mỗi người một con chiên con, cho nhà cha của họ, mỗi nhà một con chiên con.

4 Nếu gia đình nào quá ít {người} cho một chiên con thì hãy chung cùng người lân cận kế nhà mình, theo số các linh hồn, tùy sức ăn mỗi người, mà các ngươi tính số chiên con.

Ngày mười tháng này” tức là ngày 10 tháng Ni-san. Trong ngày đó, các gia trưởng của dân I-sơ-ra-ên, mỗi người sẽ bắt một con chiên con cho gia đình của họ. Mỗi gia đình một con chiên con. Mặc dù trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh không dùng danh từ “gia trưởng”, nhưng qua cách nói “cho nhà cha của họ” mà chúng ta hiểu rằng, công việc bắt chiên con này được giao cho các gia trưởng, là những người đàn ông đứng đầu trong gia đình. Mỗi gia trưởng sẽ bắt một con chiên con cho gia đình của mình.

Trường hợp gia đình nào có số người quá ít không thể ăn hết một con chiên, thì phải chung cùng người lân cận kế nhà mình, để có thể ăn chung một con chiên. Có thể là hai gia đình ít người ăn chung một con chiên, hoặc một gia đình ít người hiệp với một gia đình nhiều người ăn chung hai con chiên.

Trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ của Thánh Kinh đã dùng danh từ “các linh hồn” trong câu 4 để chỉ về số người trong một gia đình, nhằm nhấn mạnh đến tính cách thuộc linh của Lễ Vượt Qua, về sự giải cứu và sự sống thuộc linh của những ai được Thiên Chúa kêu gọi và nhận làm con dân của Ngài.

5 Các ngươi hãy bắt trong bầy chiên hoặc dê, một con đực, tuổi giáp niên, chẳng có tì vết,

6 để dành cho đến ngày mười bốn tháng này; rồi cả hội chúng I-sơ-ra-ên sẽ giết nó, vào buổi tối.

Danh từ “chiên con” mà chúng ta thường thấy trong bản dịch Thánh Kinh Việt ngữ là một danh từ được dùng để gọi hoặc chiên con hoặc dê con. Thường thì chiên con được dùng trong Lễ Vượt Qua, vì số lượng chiên nhiều hơn số lượng dê. “Tuổi giáp niên” tức là vừa tròn một năm tuổi. “Chẳng có tì, vết” là không bị bệnh, không bị thương, không bị tật.

Chiên con của Lễ Vượt Qua bị giết vào buổi tối của ngày 14 tức là sau khi mặt trời lặn của ngày 13 và được ăn ngay trong đêm đó.

Khi đọc Thánh Kinh Tân Ước chúng ta nhận thấy Đức Chúa Jesus Christ và các môn đồ của Ngài đã ăn Lễ Vượt Qua vào buổi tối của ngày 14. Sau đó, Ngài bị bắt, đến sáng thì bị giải ra trước Tòa Công Luận, rồi trước tòa án của Phi-lát. Nhưng dân I-sơ-ra-ên thì vẫn chưa ăn lễ Vượt Qua, mà chờ cho đến sau khi mặt trời lặn của ngày 14 tức là đã sang ngày 15. Họ đã giữ Lễ Vượt Qua sai quy định của Thiên Chúa. So sánh các câu Thánh Kinh dưới đây:

Trong ngày thứ nhất ăn bánh không men, các môn đồ đến gần Đức Chúa Jesus mà thưa với Ngài: Ngài muốn chúng tôi dọn cho Ngài ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” (Ma-thi-ơ 26:17).

Ngày thứ nhất ăn bánh không men, khi người ta giết {sinh tế} Lễ Vượt Qua, các môn đồ của Ngài thưa với Ngài: Ngài muốn chúng tôi đi dọn cho Ngài ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” (Mác 14:12).

Rồi, ngày ăn bánh không men, khi {sinh tế} Lễ Vượt Qua phải bị giết, đã đến. Ngài sai Phi-e-rơ và Giăng đi, phán rằng: Hãy đi! Dọn Lễ Vượt Qua cho chúng ta, để chúng ta ăn.” (Lu-ca 22:7-8).

Kế đó, họ giải Đức Chúa Jesus từ Cai-phe đến toà án. Bấy giờ đang còn sớm, và họ không vào trong tòa án, cho khỏi bị ô uế, để họ được ăn Lễ Vượt Qua.” (Giăng 18:28).

Chúng ta thấy rõ: Đức Chúa Jesus Christ và các môn đồ của Ngài đã ăn Lễ Vượt Qua sau khi mặt trời lặn của ngày 13, là lúc bắt đầu ngày 14 của lễ Vượt Qua. Vài tiếng đồng hồ sau đó, Ngài bị bắt, và đến sáng sớm thì bị giải đến tòa án của Phi-lát. Những người I-sơ-ra-ên bắt Ngài đã không dám đi vào trong tòa án, để tránh bị ô uế, vì họ dự định sẽ ăn Lễ Vượt Qua sau khi mặt trời lặn của ngày 14, tức là đã bước sang ngày 15, là ngày Sa-bát của Lễ Bánh Không Men.

Dân I-sơ-ra-ên ngày nay cũng phạm cùng một lỗi lầm như dân I-sơ-ra-ên thời bấy giờ. Họ ăn Lễ Vượt Qua sau khi mặt trời lặn của ngày 14 tháng Ni-san thay vì phải ăn sau khi mặt trời lặn của ngày 13, là lúc bắt đầu của Lễ Vượt Qua, như mệnh lệnh Thiên Chúa đã truyền trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12:6.

Mặc dù Lễ Bánh Không Men bắt đầu từ ngày 15 cho đến ngày 21 của tháng Ni-san, với ngày 15 và ngày 21 là hai ngày dân I-sơ-ra-ên phải ngưng làm việc, gọi là Lễ Sa-bát, khác với ngày Sa-bát Thứ Bảy cuối tuần, để nhóm hiệp cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa truyền cho dân I-sơ-ra-ên bắt đầu ăn bánh không men từ tối ngày 14 của Lễ Vượt Qua (sau khi mặt trời lặn của ngày 13) cho đến tối ngày 21. Vì thế, ngày Lễ Vượt Qua còn gọi là ngày thứ nhất ăn bánh không men:

Ngày mười bốn tháng Một, vào buổi tối, các ngươi sẽ ăn bánh không men cho đến buổi tối ngày hai mươi mốt tháng đó.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:18).

Chúng ta cần phân biệt:

  • Ngày thứ nhất ăn bánh không men là ngày Lễ Vượt Qua, nhằm 14 tháng Ni-san, bắt đầu sau khi mặt trời lặn của ngày 13.

  • Ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men là ngày 15 tháng Ni-san và là ngày Lễ Sa-bát đầu tiên, bắt đầu sau khi mặt trời lặn của ngày 14.

  • Ngày thứ bảy của Lễ Bánh Không Men là ngày 21 tháng Ni-san và là ngày Lễ Sa-bát thứ nhì, bắt đầu sau khi mặt trời lặn của ngày 20.

Như vậy, có tất cả là tám ngày ăn bánh không men nhưng chỉ có bảy ngày thuộc về Lễ Bánh Không Men.

Trong thời Tân Ước, Đức Chúa Jesus Christ đã vào thành Giê-ru-sa-lem trong tư cách là Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Chiên Con Thật Sự của Lễ Vượt Qua (Giăng 1:29, 36; I Cô-rinh-tô 5:7), vào ngày 10 tháng Ni-san năm 27. Sự kiện dân chúng tung hô Đức Chúa Jesus Christ khi Ngài cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem trong ngày 10 tháng Nissan đã chứng minh: Ngài là sinh tế không tì, không vết, được Đức Chúa Trời chấp nhận là của lễ chuộc tội cho toàn thế gian. Ngài đã bị giết vào đúng ngày 14 tháng Ni-san, ngày Lễ Vượt Qua.

7 Họ sẽ lấy máu đem bôi trên hai cây cột cửa và thanh ngang trên cửa của những nhà nào ăn thịt nó.

Sự sống của xác thịt ở trong máu. Khi máu đổ ra thì xác thịt bị chết. Tiền công của tội lỗi là sự chết. Để chuộc tội thì phải có sự đổ máu. Vì thế, Thiên Chúa không cho phép loài người ăn máu của các loài xác thịt, mà máu chỉ có thể được dùng để làm của lễ chuộc tội:

Vì sự sống của mọi xác thịt là máu của nó; máu của nó là sự sống ở trong nó. Ta đã phán với con cháu của I-sơ-ra-ên rằng: Các ngươi không được ăn máu của xác thịt nào; vì sự sống của mọi xác thịt là máu của nó; ai ăn sẽ bị diệt.” (Lê-vi Ký 17:14).

Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ máu mà được sạch: không đổ máu thì không có sự tha thứ.” (Hê-bơ-rơ 9:22).

Hai cây cột và thanh ngang phía trên tạo thành khung cửa. Cửa tiêu biểu cho lối vào nơi trú ẩn để tránh tai họa, lối vào ân điển của Thiên Chúa, lối vào phước hạnh. Vì thế, Đức Chúa Jesus Christ xưng rằng, Ngài là cửa của chiên, cửa bảo vệ chiên khỏi sự hình phạt của Thiên Chúa trên tội lỗi và ban cho chiên một sự sống sung mãn.

Những gia đình I-sơ-ra-ên vâng theo lời phán của Thiên Chúa, cử hành Lễ Vượt Qua, là những gia đình có đức tin vào Thiên Chúa và có lòng vâng phục Ngài. Lòng vâng phục ấy được thể hiện bằng việc làm. Máu được bôi lên hai cột và thanh ngang cửa là dấu hiệu cho đức tin của họ. Đó cũng là hình bóng về sự Đức Chúa Jesus Christ là cửa của chiên và Ngài đã chịu đổ máu của mình ra, để làm giá chuộc cho bất cứ ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Ngài. Giả sử vào lúc bấy giờ, có gia đình nào ăn thịt chiên con nhưng không bôi máu của chiên con lên khung cửa, thì chắc chắn là họ sẽ không thoát khỏi tai họa. Thánh Kinh dạy rõ:

Thân xác chẳng có hơi thở thì chết, đức tin không có các việc làm thì cũng chết như vậy.” (Gia-cơ 2:26).

Đức tin chết thì không cứu được ai, như Đức Chúa Jesus Christ đã dạy qua ngụ ngôn về Người Gieo Giống (Ma-thi-ơ 13:3-23).

8 Đêm đó, họ sẽ ăn thịt nướng trên lửa với bánh không men, và họ sẽ ăn với rau đắng.

Đêm đó” tức là khoảng thời gian từ sau khi mặt trời lặn của ngày 13 cho đến khi mặt trời mọc của ngày 14 tháng Ni-san. Thịt nướng trên lửa là hình bóng xác thịt tội lỗi bị hình phạt bởi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Ăn thịt nướng của sinh tế là hình bóng cho sự tiếp nhận sự chết thay của sinh tế. Bánh không men là hình bóng cho một đời sống thánh khiết không phạm tội. Ăn bánh không men là hình bóng cho sự tiếp nhận một đời sống mới, thánh khiết. Rau đắng là hình bóng cho sự thương khó mà mỗi con dân Chúa đều được kêu gọi dự phần. Ăn rau đắng là hình bóng cho sự sẵn sàng chịu khổ vì danh Chúa. Các câu Thánh Kinh dưới đây giúp cho chúng ta hiểu rõ các ý nghĩa ấy:

Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, để cho các anh chị em trở nên bột nhồi mới không men, như các anh chị em là bánh không men vậy. Vì Đấng Christ là con sinh Lễ Vượt Qua của chúng ta, đã bị giết rồi. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men độc ác, xấu xa, nhưng dùng bánh không men của sự tinh sạch và của lẽ thật.” (I Cô-rinh-tô 5:7-8).

Giăng 6:48-58

48 Ta là bánh của sự sống.

49 Tổ phụ của các ngươi đã ăn ma-na trong đồng vắng, và đã chết!

50 Đây là bánh từ trời xuống, để cho ai ăn thì không chết.

51 Ta là bánh sống từ trời xuống. Nếu ai ăn bánh ấy, thì sẽ sống mãi. Bánh mà Ta sẽ ban cho là thịt của Ta, là bánh mà Ta sẽ ban cho vì sự sống của thế gian.

52 Bởi đó, những người Do-thái tranh cãi với nhau rằng: Làm thế nào người này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn?

53 Vậy nên, Đức Chúa Jesus phán với họ: Thật vậy! Thật vậy! Ta nói với các ngươi, trừ khi các ngươi ăn thịt của Con Người và uống máu của Ngài, thì chẳng có sự sống trong các ngươi.

54 Ai ăn thịt của Ta và uống máu của Ta thì được sự sống đời đời. Ta sẽ khiến người ấy sống lại trong ngày cuối cùng.

55 Vì thịt của Ta thật là thức ăn, máu của Ta thật là thức uống.

56 Người nào ăn thịt của Ta và uống máu của Ta thì ở trong Ta, và Ta {ở} trong người ấy.

57 Như Cha Hằng Sống đã sai Ta đến, và Ta sống bởi Cha; cũng vậy, người nào ăn Ta thì sẽ sống bởi Ta.

58 Đây là bánh từ trời xuống, chẳng phải như ma-na mà tổ phụ các ngươi đã ăn và chết; người nào ăn bánh này thì sẽ sống đời đời.

Các anh chị em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho các anh chị em, để lại cho các anh chị em một gương, để cho các anh chị em theo dấu chân Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:21).

Sự đó” tức là sự chịu khổ vì danh Chúa. Đời sống của một người sau khi được cứu ra khỏi quyền lực và hậu quả của tội lỗi là một đời sống mới, thánh khiết, sẵn sàng chịu khổ vì danh Chúa. Chịu khổ vì danh Chúa là chịu thế gian ghét bỏ, bách hại vì sống theo Lời Chúa.

9 Chớ ăn sống hay là luộc trong nước, nhưng phải nướng trên lửa: đầu, chân, và thân mình của nó.

Sự nướng trên lửa toàn thân thể của con chiên con làm hình bóng cho xác thịt hoàn toàn bị hình phạt bởi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Sự giận của Thiên Chúa được ví như lửa:

Vì Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu ngươi như một đám lửa thiêu đốt, và là Thiên Chúa hay ghen.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 4:24).

Vì Đức Chúa Trời của chúng ta là đám lửa hay thiêu đốt.” (Hê-bơ-rơ 12:29).

Tuy nhiên, dân sự bắt đầu than trách, và điều đó chẳng đẹp tai Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Đấng Tự Hữu Hằng Hữu nghe, cơn thịnh nộ Ngài nổi lên, lửa của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu cháy phừng phừng giữa dân sự và thiêu hóa đầu cùng trại quân.” (Dân Số Ký 11:1).

Thân thể xác thịt của tất cả những ai không tin nhận Thiên Chúa, không ở trong sự cứu rỗi, một ngày kia sẽ được Thiên Chúa gọi sống lại, ra trước toà phán xét chung cuộc của Thiên Chúa, để nhận lãnh án phạt về mọi tội lỗi đã làm ra, rồi bị đốt đời đời trong lửa của hỏa ngục.

10 Các ngươi chớ để phần nào của nó còn lại cho đến buổi sáng. Nếu phần nào của nó còn lại cho đến buổi sáng thì hãy thiêu bằng lửa.

Sự ăn thịt con chiên con là hình bóng cho sự tin nhận sự chết chuộc tội của sinh tế. Tùy sức ăn mỗi người hàm ý dù tội lỗi của mỗi người nhiều ít khác nhau nhưng sự tha thứ vẫn dư dật qua cái chết của sinh tế.

11 Các ngươi sẽ ăn như thế này: Lưng của các ngươi thắt lại, chân của các ngươi mang giày, tay của các ngươi cầm gậy, và các ngươi sẽ ăn cách vội vàng. Ấy là Lễ Vượt Qua của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Trong thực tế, ngay trong đêm Lễ Vượt Qua, 14 tháng Ni-san, vào khoảng một, hai giờ khuya, dân I-sơ-ra-ên đã ra khỏi nhà, đi một khoảng đường chừng 30km, từ Ram-se đến Su-cốt, tạm dừng tại Su-cốt, đóng trại, nghỉ qua đêm, trước khi ra khỏi xứ Ê-díp-tô vào sáng ngày 15 tháng Ni-san (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:37; Dân Số Ký 33:3).

Lưng thắt lại, chân mang giày, tay cầm gậy, và ăn cách vội vàng làm hình bóng cho sự kiện một người phải có quyết định dứt khoác và nhanh chóng, sẵn sàng rời bỏ cuộc sống tối tăm, đau khổ, nô lệ cho tội lỗi, mà tiếp nhận ân điển cứu chuộc của Thiên Chúa, lên đường, đi về miền Đất Hứa, sống đời sống mới. Đời sống mới ấy sẽ có những chiến đấu gian khổ nhưng Thiên Chúa sẽ luôn ở cùng, một đời sống tự do, phước hạnh, và sung mãn.

Lễ Vượt Qua được gọi là Lễ Vượt Qua của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, vì do chính Ngài lập ra, và Ngài là Đấng đi ngang qua, không dừng lại để hình phạt những ai đã thể hiện đức tin của họ nơi Ngài, qua việc làm.

12 Đêm đó, Ta sẽ đi qua đất Ê-díp-tô, đánh chết mọi con đầu lòng của đất Ê-díp-tô, cả loài người lẫn loài thú. Ta sẽ thi hành án phạt trên mọi thần linh của Ê-díp-tô. Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

Đêm đó” vẫn là khoảng thời gian từ sau khi mặt trời lặn của ngày 13 cho đến khi mặt trời mọc của ngày 14. Chính Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu sẽ ra tay thi hành án phạt trên đất Ê-díp-tô và mọi thần linh của nó. Vào lúc giữa đêm, tức là khoảng 12 giờ đêm, mọi con đầu lòng của xứ Ê-díp-tô, từ thái tử của Pha-ra-ôn, vua xứ Ê-díp-tô, cho đến con đầu lòng của những người bị tù, và mọi con đầu lòng của súc vật, đều bị đánh chết. Chúng ta không biết sự chết đã diễn ra như thế nào. Theo Xuất Ê-díp-tô Ký 12:23 thì Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đích thân đi ngang qua từng nhà có bôi máu trên khung cửa, không cho sự hủy diệt vào trong nhà ấy.

Danh từ “sự hủy diệt” có thể dịch là “sự hủy diệt” mà cũng có thể dịch là “Đấng Hủy Diệt”. Trong II Các Vua 19:35 ghi lại sự kiện, trong một đêm, thiên sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã giết chết một trăm tám mươi lăm ngàn quân lính A-si-ri. Rất có thể, trong đêm Lễ Vượt Qua đầu tiên, thiên sứ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phụ trách công việc đánh giết các con đầu lòng của xứ Ê-díp-tô.

Sự kiện Thiên Chúa đánh chết các con đầu lòng của dân Ê-díp-tô là để hình phạt sự dân Ê-díp-tô bách hại dân I-sơ-ra-ên, là dân mà Thiên Chúa gọi là con đầu lòng của Ngài:

Ngươi sẽ nói với Pha-ra-ôn: Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán như vầy, I-sơ-ra-ên là con trai của Ta, là con đầu lòng của Ta, và Ta phán với ngươi rằng, hãy cho con của Ta đi, để nó phụng sự Ta, mà ngươi đã từ chối không cho nó đi. Này, Ta sẽ giết con trai của ngươi, là con đầu lòng của ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:22-23).

Sự kiện Thiên Chúa đánh chết các con đầu lòng của súc vật trong xứ Ê-díp-tô là để cho biết mọi súc vật sẽ được dùng làm sinh tế cho các thần linh của dân Ê-díp-tô cũng bị hủy diệt. Sự hủy diệt trong đêm Lễ Vượt Qua trên xứ Ê-díp-tô đã chứng tỏ các thần linh của dân Ê-díp-tô bất lực trước sức mạnh của Thiên Chúa, chẳng những chúng không thể cứu được dân Ê-díp-tô mà cũng không giữ được những thức sẽ được dâng cúng cho chúng.

13 Máu sẽ là một dấu hiệu trên nhà các ngươi ở. Khi Ta nhìn thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và tai họa sẽ chẳng hủy diệt các ngươi khi Ta đánh giết đất Ê-díp-tô.

Đây chính là lời hứa, tức là một giao ước mà Thiên Chúa đã lập ra với dân I-sơ-ra-ên. Và Ngài đã giữ đúng lời hứa của Ngài đối với những ai vâng phục, làm theo lời phán truyền của Ngài. Đây cũng chính là hình bóng cho giao ước bằng máu mà Đức Chúa Jesus Christ sẽ lập ra trong thời Tân Ước:

…vì này là máu của Ta, máu của sự giao ước đổ ra cho nhiều người được tha tội.” (Ma-thi-ơ 26:28).

…Này là máu của Ta, máu của sự giao ước đổ ra cho nhiều người.” (Mác 14:24).

…Chén này là giao ước mới trong máu Ta vì các ngươi mà đổ ra.” (Lu-ca 22:20).

…Chén này là sự giao ước mới trong máu Ta; mỗi khi các ngươi uống, hãy làm điều này để nhớ đến Ta.” (I Cô-rinh-tô 11:25).

Ngày nay, nhà của chúng ta là Hội Thánh. Khi chúng ta ở trong Hội Thánh, chúng ta không còn ở trong sự hình phạt, vì máu của Đức Chúa Jesus Christ đã rửa sạch mọi tội lỗi của chúng ta. Sự đổ máu của Đức Chúa Jesus Christ là sự chết thay cho sự phạm tội của loài người. Sự đổ máu của Đức Chúa Jesus Christ còn là ấn chứng của giao ước mới giữa Thiên Chúa và loài người. Loài người cần tin vào lời hứa của Thiên Chúa và thể hiện đức tin bằng việc làm, để được hưởng sự tha tội của Thiên Chúa.

Thiên Chúa hứa tha tội cho những ai thật lòng ăn năn tội và tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ. Sự thật lòng ăn năn tội phải được thể hiện bằng hành động không còn vui thú sống trong tội, không còn tìm cách để phạm tội. Sự thật lòng tin nhận sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ phải được thể hiện bằng hành động không làm ra những việc lành để được tha tội.

Bất cứ ai vẫn nuôi dưỡng ý nghĩ tìm cách phạm tội, vui thú trong tội, hoặc không chịu từ bỏ lòng tự ái, tự tôn nghịch lại Lời Chúa, không chịu từ bỏ sự kiêu ngạo… thì người ấy chưa thật lòng ăn năn tội. Như vậy, người ấy không đáp ứng điều khoản của giao ước mới về sự ăn năn, người ấy không được tha tội.

Bất cứ ai tin rằng, nhờ đọc kinh, cầu nguyện, dâng hiến tiền bạc, giữ các điều răn, rao giảng Lời Chúa, đưa dắt người khác đến với sự cứu rỗi, làm các việc lành… mà được tha tội, thì người ấy cũng không đáp ứng điều khoản của giao ước mới về sự tin vào sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, người ấy cũng không được tha tội.

14 Ngày ấy sẽ là một ngày kỷ niệm cho các ngươi, các ngươi sẽ giữ một lễ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Trải qua các đời của các ngươi, các ngươi sẽ luôn giữ một lễ theo điều luật.

Ngày ấy” tức là ngày 14 tháng Ni-san, ngày Lễ Vượt Qua. Trải qua các đời của dân I-sơ-ra-ên, họ phải giữ Lễ Vượt Qua, y theo mệnh lệnh của Chúa, và mệnh lệnh ấy trở thành một điều luật trong luật pháp. Lễ Vượt Qua phải được giữ mỗi năm từ đời này sang đời khác, cho đến khi Đấng Christ hoàn thành sự chết chuộc tội cho nhân loại, lập ra giao ước mới. Kể từ khi Đấng Christ lập ra giao ước mới thì toàn bộ các điều luật về các nghi thức làm hình bóng cho sự chuộc tội, sự tha tội, và sự thánh hóa không cần phải thực hiện nữa; nhưng con dân Chúa có thể thực hiện các nghi thức ấy để kỷ niệm những điều Đấng Christ làm ra cho họ. Lời Chúa dạy rõ:

Vì vậy, chớ để ai phán xét các anh chị em về sự ăn hay sự uống, hoặc trong sự dự phần của một ngày lễ, hoặc của một ngày mặt trăng mới, hoặc của những ngày Sa-bát; ấy đều chỉ là bóng của các việc sẽ tới, còn hình thì ở trong Đấng Christ.” (Cô-lô-se 2:16-17) [2].

Quý con dân Chúa nên đọc hết Xuất Ê-díp-tô Ký 12 để có đủ chi tiết về Lễ Vượt Qua. Từ câu 15 đến câu 20 là mệnh lệnh về Lễ bánh Không Men, nhưng từ câu 21 cho đến hết đoạn là chi tiết về những gì đã xảy ra trong đêm Lễ Vượt Qua đầu tiên.

Nếu có thể được, Hội Thánh nên giữ Lễ Vượt Qua để cùng nhau suy nghiệm sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ, suy nghiệm sự được tự do khỏi tội lỗi và hình phạt của luật pháp, mà Đấng Christ đã mang đến cho những ai thật lòng ăn năn tội và tin cậy sự chết chuộc tội của Ngài.

Sau khi mặt trời lặn của ngày 13 tháng Ni-san, Hội Thánh có thể cùng nhau nhóm hiệp, ăn thịt chiên con hoặc dê con nướng trên lửa với bánh không men và rau đắng, uống nước nho. Cùng nhau đọc lại Xuất Ê-díp-tô Ký 12. Cùng chia sẻ cho nhau những sự Đức Thánh Linh dạy dỗ mình về Lễ Vượt Qua. Trưa ngày 14 tháng Ni-san, Hội Thánh có thể cùng nhau nhóm hiệp để kỷ niệm sự thương khó và sự chết của Đức Chúa Jesus Christ. Cùng nhau ăn bánh không men và uống nước nho. Cùng chia sẻ cho nhau những sự Đức Thánh Linh dạy dỗ mình về sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ.

Trường hợp không thể cùng nhau ăn bữa ăn Lễ Vượt Qua, con dân Chúa vẫn có thể nhóm hiệp để thờ phượng Chúa và suy ngẫm về ý nghĩa của Lễ Vượt Qua và sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jesus Christ trong ngày Lễ Vượt Qua; cùng nhau tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa về ân điển của Ngài.

Nguyện Đức Thánh Linh giúp cho chúng ta hiểu và luôn ghi nhớ ý nghĩa của Lễ Vượt Qua. Nguyện Đức Chúa Jesus Christ ban cho chúng ta năng lực để chúng ta sống xứng đáng với ơn cứu chuộc của Ngài. Cảm tạ tình yêu đời đời của Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
23/04/2016

Ghi Chú

[1] Xin đọc bài “Các Ngày lễ của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu” tại đây: https://timhieutinlanh.com/thanhoc/?p=13

[2] Xin đọc phần chú giải về Cô-lô-se 2:16-17 tại đây:
http://www.timhieutinlanh.net/sach-cac-dieu-ran-cua-thien-chua-10/

[3] Xin đọc tiết mục “Năm Do-thái 2315” tại đây: http://kytanthe.net/?p=40