Của Lễ Thiêu

130 views

YouTube: https://youtu.be/HxhNHgIPgpY

202410 Bài Giảng Trong Năm 2024
Của Lễ Thiêu

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Trong Thánh Kinh, “của lễ” là lễ vật được loài người dâng lên Thiên Chúa. Có của lễ được Thiên Chúa đòi hỏi, như của lễ thường dâng và của lễ chuộc tội. Có của lễ được loài người tự ý dâng lên Thiên Chúa, như của lễ cảm tạ và của lễ hứa nguyện. Tuy nhiên, mỗi của lễ dâng lên Thiên Chúa phải đúng theo các quy định của Ngài. Các quy định đó đã được Thiên Chúa phán truyền cho Môi-se và ông đã ghi chép trong các sách từ Lê-vi Ký đến Phục Truyền Luật Lệ Ký.

Tất cả các của lễ được nói đến trong Cựu Ước đều là hình bóng cho các của lễ thật trong Tân Ước. Của lễ chuộc tội thời Cựu Ước tiêu biểu cho sự Đức Chúa Jesus Christ dâng mạng sống của Ngài lên Đức Chúa Trời, trong thời Tân Ước, để cứu loài người ra khỏi án phạt của sự phạm tội. Của lễ thường dâng thời Cựu Ước tiêu biểu cho sự con dân Chúa, trong thời Tân Ước, ngày hai lần dâng chính thân thể mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời. Các của lễ tình nguyện thời Cựu Ước được thay thế bằng các việc lành được làm trong danh Chúa, sự thông công trong Hội Thánh, và lời tôn vinh Thiên Chúa, được dâng lên Đức Chúa Trời, trong thời Tân Ước.

Mặc dù ngày nay con dân Chúa không còn dâng các của lễ hình bóng theo nghi thức thời Cựu Ước nhưng mục đích và ý nghĩa các của lễ vẫn áp dụng trong sự dâng hiến các của lễ thật. Vì thế, khi chúng ta tìm hiểu ý nghĩa và mục đích các của lễ hình bóng thời Cựu Ước, chúng ta sẽ hiểu rõ ý nghĩa và mục đích các của lễ thật thời Tân Ước.

Thời Cựu Ước có ba loại của lễ hình bóng được dâng lên Thiên Chúa: sinh tế, của lễ chay, và của lễ thức uống.

Sinh tế là sự dâng mạng sống của một con vật khỏe mạnh, không có tì vết làm của lễ. Sinh tế có thể là: bò, chiên, dê, chim cu, hoặc chim bồ câu con. Sinh tế được dâng lên Thiên Chúa như một của lễ thiêu toàn phần hoặc bán phần. Của lễ thiêu toàn phần, còn gọi là của lễ toàn thiêu, nhưng thường được gọi tắt là của lễ thiêu, có thể được một người dâng lên Thiên Chúa hoặc được thầy tế lễ thượng phẩm thay cho toàn thể dân chúng, dâng lên Thiên Chúa. Của lễ thiêu bán phần thì chỉ có một phần của sinh tế được thiêu để dâng lên Thiên Chúa, như trong trường hợp dâng của lễ chuộc tội.

Của lễ chay bao gồm: bột, dầu ô-li-ve, nhũ hương, và muối.

Của lễ thức uống là rượu nho.

Cả ba loại của lễ này thường được dâng chung với nhau.

Trong bài này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về của lễ thiêu.

Danh từ “của lễ thiêu” trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ là “עֹלָה” (H5930), /ô-la/, có nghĩa đen là đi lên trong luồng khói; có nghĩa bóng là tấm lòng và đời sống của người dâng của lễ hoàn toàn được thánh hóa và dâng lên Thiên Chúa. Một người dâng của lễ thiêu để tỏ lòng tôn kính Thiên Chúa, nhận thức sự phạm tội của mình, tìm kiếm ơn tha thứ từ Thiên Chúa, và tận hiến chính mình lên Thiên Chúa.

Lê-vi Ký đoạn 1 ghi lại nghi thức dâng của lễ thiêu.

Sinh tế phải là con vật khỏe mạnh, không có tì vết, tiêu biểu cho một mạng sống vô tội, thay thế cho mạng sống của người dâng sinh tế.

Nếu sinh tế là bò hoặc chiên thì người dâng sẽ đặt tay của mình trên đầu con vật, tiêu biểu cho sự người ấy nhận biết mình có tội và chấp nhận sự phán xét của Thiên Chúa. Nhưng con sinh sẽ gánh thay cho người ấy hình phạt từ Thiên Chúa.

Người ấy sẽ giết con sinh, rồi các thầy tế lễ sẽ dâng máu của con sinh lên Thiên Chúa, và rưới máu ấy chung quanh trên bàn thờ. Vì bản án của tội lỗi là sự chết nên sinh tế phải bị giết. Sự chết của con sinh tiêu biểu cho sự một mạng sống vô tội phải gánh thay án chết cho kẻ có tội. Kẻ có tội tự tay giết con sinh là vì bởi sự phạm tội của kẻ ấy mà con sinh bị chết. Sự sống ở trong máu (Lê-vi Ký 17:11) nên máu được dâng lên Đức Chúa Trời để tiêu biểu cho sự phán xét công chính của Ngài trên tội lỗi được thi hành. Sự chết của con sinh làm hình bóng cho sự chết của Đấng Christ để chuộc tội cho loài người. Máu của Đấng Christ được dâng lên Đức Chúa Trời để hoàn thành sự phán xét công chính của Đức Chúa Trời, trên sự phạm tội của loài người. Mỗi một người đều có phần trong sự Đấng Christ bị giết. Vì sự phạm tội của mỗi người mà Đấng Christ phải chịu chết.

Kế tiếp, các thầy tế lễ sẽ lột da con sinh và xẻ thịt nó ra từng miếng. Sự lột da con sinh tiêu biểu cho sự Đấng Christ bị lột trần, bị tước đoạt sự vinh quang, bị sỉ nhục, vì tội kiêu ngạo của loài người. Tấm da thuộc về thầy tế lễ thực hiện của lễ thiêu (Lê-vi Ký 7:8) tiêu biểu cho sự vinh quang của Đấng Christ được ban cho những ai hầu việc Ngài. Thịt của con sinh bị xẻ ra từng miếng tiêu biểu cho sự đau đớn mà Đấng Christ phải gánh chịu trên thân thể của Ngài.

Các thầy tế lễ châm lửa trên bàn thờ, chất củi, chụm lửa, rồi sắp các miếng thịt, đầu, và mỡ của con sinh lên bàn thờ. Tiếp theo, các thầy tế lễ lấy nước rửa bộ lòng và chân của con sinh, rồi đặt chúng trên bàn thờ. Tất cả đều được lửa thiêu hóa. Lửa tiêu biểu cho cơn giận và sự hình phạt từ Đức Chúa Trời đến trên tội nhân. Các miếng thịt tiêu biểu cho thân thể của Đấng Christ bị đốt trong lửa, vì thân thể của loài người hưởng những thú vui tội lỗi. Đầu tiêu biểu cho tâm trí của Đấng Christ bị đốt trong lửa, vì tâm trí của loài người luôn nghĩ đến những sự tội lỗi. Mỡ tiêu biểu cho sức sống của Đấng Christ bị đốt trong lửa, vì loài người dùng năng lực của mình để phục vụ cho những sự phạm tội. Bộ lòng tiêu biểu cho mọi cảm xúc của Đấng Christ bị đốt trong lửa, vì những cảm xúc bất chính của loài người; bao gồm những sự tham lam, giận, ghét, và sự say mê tội lỗi. Tứ chi tiêu biểu cho hành động và nếp sống của Đấng Christ bị đốt trong lửa, vì loài người dùng đôi tay làm ra những sự gian ác, dùng đôi chân đi đến những nơi tội lỗi. Sự các thầy tế lễ lấy nước rửa bộ lòng và tứ chi tiêu biểu cho sự người tin nhận ơn cứu rỗi của Đấng Christ thì tấm lòng và nếp sống của họ sẽ được thánh hóa bởi thánh linh của Thiên Chúa. Thánh linh của Thiên Chúa là những dòng nước của sự sống sẽ chảy ra từ trong lòng của người ấy (Giăng 7:38).

Trong trường hợp người dâng của lễ nghèo, không thể dâng bò hay chiên thì có thể dâng chim cu hoặc chim bồ câu con làm của lễ thiêu (Lê-vi Ký 1:14). Thầy tế lễ sẽ đem chim đến bàn thờ, vặt đứt đầu ra và thiêu đầu chim trên bàn thờ. Kế tiếp, thầy tế lễ vắt cho máu của chim chảy ra bên cạnh bàn thờ; rút diều ra khỏi thân chim; nhổ lông chim; xé đôi thân chim, giữa hai cánh, nhưng không cho rời ra thành hai phần, rồi đặt lên bàn thờ để thiêu.

Sự vặt đứt đầu của chim tiêu biểu cho sự chết của Đấng Christ. Đầu của chim được thiêu trên bàn thờ tiêu biểu cho tâm trí của Đấng Christ bị hình phạt vì những tư tưởng bất chính của loài người. Máu của chim được vắt cho chảy ra bên cạnh bàn thờ tiêu biểu cho sự máu của Đấng Christ được dâng lên Đức Chúa Trời để chuộc tội cho loài người. Diều là cái túi chứa thức ăn trong thân thể của chim và kết nối với bộ ruột. Rút diều là rút bộ lòng. Bộ lòng tiêu biểu cho cảm xúc. Cảm xúc của Đấng Christ bị hình phạt vì những cảm xúc bất chính của loài người. Sự xé đôi thân thể của chim tiêu biểu cho thân thể xác thịt của Đấng Christ phải bị đau đớn vì xác thịt loài người đã hưởng những thú vui tội lỗi. Tất cả được đặt trên bàn thờ để thiêu nói đến sự hình phạt trọn vẹn của Đức Chúa Trời trên tội nhân.

Luật dâng của lễ thiêu được ghi lại trong Lê-vi Ký 6:8-13, bao gồm các quy định sau đây:

8 Đấng Tự Hữu Hằng Hữu đã phán với Môi-se rằng:

9 Hãy truyền cho A-rôn cùng các con trai của người rằng: Này là luật về của lễ thiêu. Nó là của lễ thiêu trên lửa tại bàn thờ trọn đêm cho tới sáng mai. Lửa của bàn thờ sẽ cháy luôn.

10 Thầy tế lễ sẽ mặc áo vải gai của người và quần vải gai của người, mặc trên thân thể người; rồi hốt tro của lửa đã đốt về của lễ thiêu trên bàn thờ, và người sẽ đổ bên cạnh bàn thờ.

11 Người sẽ cởi y phục của mình, mặc vào y phục khác; rồi đem tro này ra bên ngoài trại quân, đến một nơi tinh sạch.

12 Lửa trên bàn thờ phải cháy luôn luôn, nó sẽ không được tắt. Mỗi buổi sáng, thầy tế lễ sẽ đốt củi trên nó, sắp của lễ thiêu trên nó, và thiêu những mỡ về của lễ giao hòa trên nó.

13 Lửa sẽ cháy luôn luôn trên bàn thờ, không hề tắt.

Của lễ thiêu phải được thiêu trọn đêm trên bàn thờ cho tới sáng hôm sau, tiêu biểu cho từ hiện tại tới tương lai. Thầy tế lễ mặc áo vải gai và quần vải gai là mặc bộ đồ lót thay vì mặc áo lễ để làm công việc thu dọn tro. Lửa trên bàn thờ phải cháy luôn luôn, không được tắt, tiêu biểu cho sự thánh khiết và công chính của Thiên Chúa là còn mãi.

Bất cứ ai trong dân I-sơ-ra-ên thời Cựu Ước cũng có thể dâng của lễ thiêu vào bất kỳ lúc nào. Điều đó hàm ý, bất cứ ai có lòng tìm kiếm ơn tha thứ của Thiên Chúa thì sẽ được ban cho cơ hội. Ngoài việc cá nhân dâng của lễ thiêu lên Thiên Chúa còn có các quy định dâng của lễ thiêu mà thầy tế lễ sẽ thay cho dân chúng để dâng lên Thiên Chúa.

  • Của lễ thiêu thường dâng được dâng mỗi ngày, vào hai buổi sáng chiều (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:38-42; Dân Số Ký 28:2).

  • Của lễ thiêu được dâng chung với của lễ thiêu thường dâng, vào mỗi ngày Sa-bát cuối tuần (Dân Số Ký 28:9-10).

  • Của lễ thiêu được dâng chung với của lễ thiêu thường dâng, vào mỗi ngày đầu tháng (Dân Số Ký 28:11).

  • Của lễ thiêu được dâng chung với của lễ thiêu thường dâng, vào buổi sáng, trong suốt bảy ngày của Lễ Bánh Không Men (Dân Số Ký 28:17-25).

  • Của lễ thiêu được dâng chung với của lễ thiêu thường dâng, trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Dân Số Ký 28:26-31).

  • Của lễ thiêu được dâng thêm vào của lễ thường dâng và của lễ dâng trong ngày đầu tháng, trong ngày Lễ Thổi Kèn (Dân Số Ký 29:1-6).

  • Của lễ thiêu được dâng thêm vào của lễ thường dâng, trong ngày Lễ Chuộc Tội (Dân Số Ký 29:7-11).

  • Của lễ thiêu được dâng thêm vào của lễ thường dâng, trong suốt tám ngày của Lễ Lều Trại (Dân Số Ký 29:12-38).

Lê-vi Ký 1:9, 13, 17 cho biết, của lễ thiêu là “một của lễ dùng lửa dâng lên, có mùi thơm cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu”. Lời đó hàm ý, đức tin của con dân Chúa vào ơn tha thứ của Thiên Chúa, được thể hiện qua hành động của người dâng của lễ, là sự đẹp lòng Thiên Chúa.

Mặc dù các quy định về của lễ thiêu bắt đầu được ghi chép trong Lê-vi Ký đoạn 1 nhưng của lễ thiêu đã được nói đến trong Thánh Kinh từ trước khi các quy định này được ban hành.

Dù Sáng Thế Ký 4:4 không nói rõ là A-bên dâng của lễ thiêu lên Thiên Chúa nhưng văn mạch hàm ý như vậy. Người đầu tiên được Thánh Kinh khẳng định dâng của lễ thiêu là Nô-ê. Sáng Thế Ký 8:20 cho biết, sau Cơn Lụt Lớn, sau khi ra khỏi tàu, Nô-ê đã bắt các súc vật thanh sạch, các con chim thanh sạch, làm của lễ thiêu, dâng lên Thiên Chúa. Người kế tiếp dâng của lễ thiêu được Thánh Kinh ghi lại là Áp-ra-ham. Sáng Thế Ký 22:13 cho biết, Áp-ra-ham đã bắt một con chiên đực, sừng bị mắc trong bụi cây, làm của lễ thiêu, dâng lên Thiên Chúa.

Dựa vào lời Thiên Chúa làm chứng cho Áp-ra-ham, chúng ta có thể hiểu rằng, từ trước khi các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa được ban hành cho dân I-sơ-ra-ên, trên đỉnh Núi Si-na-i, thì loài người cũng đã nhận biết các điều răn và luật pháp của Thiên Chúa, trong đó có các quy định về sự dâng của lễ.

Bởi vì Áp-ra-ham đã vâng theo tiếng Ta, đã giữ gìn sự quy định của Ta: các điều răn của Ta, các luật lệ của Ta, các luật pháp của Ta.” (Sáng Thế Ký 26:5).

Ngày nay, những con dân chân thật của Chúa, có lòng khao khát sống theo Lời Chúa, biết dành thời gian để đọc Lời Chúa và suy ngẫm ngày đêm để cẩn thận làm theo (Giô-suê 1:8) thì họ được Đức Thánh Linh ghi chép các điều răn, luật pháp của Thiên Chúa vào trong lòng của họ, vào trong tâm trí của họ (Hê-bơ-rơ 8:10).

Ngày nay, con dân Chúa không cần dâng của lễ thiêu nhưng dâng chính mình làm của lễ sống và thánh lên Đức Chúa Trời:

Vậy, hỡi các anh chị em cùng Cha! Tôi khuyên các anh chị em hãy bởi những sự thương xót của Đức Chúa Trời mà dâng các thân thể của các anh chị em làm của lễ sống và thánh, đẹp lòng Đức Chúa Trời, ấy là sự thờ phượng phải lẽ của các anh chị em.” (Rô-ma 12:1).

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà, anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
17/02/2024

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

Karaoke Thánh Ca: “Con Nguyện”
https://karaokethanhca.net/con-nguyen/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.