Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh

21,454 views

Ngày Chúa Chết và Ngày Chúa Phục Sinh

Huỳnh Christian Timothy

Bấm vào nối mạng dưới đây để tải xuống bài viết này:


Kính thưa quý bạn đọc:

Bài này đã được viết vào ngày 31/07/2010, sau đó, đã được hiệu đính hai lần. Trong khi biên soạn tác phẩm “Kỳ Tận Thế”, chúng tôi thu thập được nhiều dữ kiện lịch sử chính xác hơn, cho nên, chúng tôi đã làm công việc hiệu đính lần thứ ba vào ngày 23/12/2012, để giúp quý con dân Chúa có được một tài liệu tham khảo thật chính xác.

Hôm nay, 04/03/2013, chúng tôi tiến hành công việc hiệu đính lần thứ tư bài viết này, sắp xếp lại hình thức, bố cục và thêm hình minh họa, giúp cho bài viết được mạch lạc và rõ ràng hơn. Qua đó, mong rằng quý con dân Chúa sẽ nhận thức được lẽ thật lịch sử về ngày Chúa chết và ngày Chúa phục sinh, mà bỏ đi thói quen kỷ niệm sự thương khó và sự phục sinh của Chúa vào mỗi Thứ Sáu và Chủ Nhật đầu tiên sau tiết xuân phân. Thay vào đó, là kỷ niệm sự thương khó của Chúa vào mỗi ngày Lễ Vượt Qua, nhằm ngày 14 tháng Giêng Lịch Do-thái, và kỷ niệm sự phục sinh của Chúa vào mỗi ngày thứ ba của Lễ Bánh Không Men, nhằm ngày 17 tháng Giêng Lịch Do-thái.

Dẫn Nhập

Hơn 200 năm đầu của lịch sử Hội Thánh, trước khi bị ngoại giáo xâm nhập, dẫn đến việc hình thành Công Giáo [1] với tất cả những giáo lý sai lầm của nó, thì Hội Thánh không hề kỷ niệm sự giáng sinh, sự thương khó hay là sự phục sinh của Chúa. Hội Thánh chỉ biết và thực hiện hai nghi thức do chính Chúa truyền dạy: Lễ Bẻ Bánh, tức Tiệc Thánh, để nhớ đến Chúa, và Lễ Báp-tem để người mới tin Chúa công khai xưng nhận đức tin, gia nhập vào Hội Thánh [2].

Năm 325, qua công đồng lần thứ nhất tại Nicaea, Giáo Hội Công Giáo ra sắc lệnh cho toàn giáo hội kỷ niệm Chúa chịu thương khó vào ngày Thứ Sáu và kỷ niệm Chúa phục sinh vào Chủ Nhật liền sau tiết xuân phân (ngày đầu tiên của mùa xuân) [3]. Năm 787, Giáo Hội Công Giáo chính thức phê chuẩn cho sự thờ lạy hình tượng qua công đồng lần thứ bảy, tại Nicaea [4]. Năm 869, sau Công Đồng Constantinople, thì Giáo Hội Công Giáo bị phân chia thành hai khối: Khối phương tây giữ nguyên tên Công Giáo (Catholic), còn gọi là Công Giáo La-mã, và khối phương đông lấy tên là Chính Thống Giáo (Orthodox), còn gọi là Chính Thống Giáo Đông Phương [5].

Các phong trào cải cách nổi lên từ trong Công Giáo La-mã dẫn đến sự hình thành các Giáo Hội Đối Kháng (Protestant Churches). Tiếp theo đó, các phong trào cải cách nổi lên từ trong các Giáo Hội Đối Kháng dẫn đến sự hình thành các Giáo Hội Cải Chánh (Reformed Churches). Đến thế kỷ 18, các Giáo Hội Tin Lành (Evangelical Churches) được hình thành bởi những người bước ra từ các Giáo Hội Cải Chánh. Dù các Giáo Hội Đối Kháng, Cải Chánh, lẫn Tin Lành đều đem lại những sự thay đổi lớn trong tín lý, trong nếp sống đạo, và trong cơ cấu tổ chức của giáo hội so với Công Giáo La-mã và Chính Thống Giáo Đông Phương, nhưng các giáo hội này vẫn giữ nguyên Lễ Christmas để kỷ niệm ngày Chúa giáng sinh, Lễ Good Friday để kỷ niệm ngày Chúa bị thương khó, Lễ Easter để kỷ niệm ngày Chúa phục sinh… và sự nhóm họp thờ phượng Chúa vào Chủ Nhật theo truyền thống của Công Giáo, bác bỏ sự tôn kính ngày Sa-bát (tức ngày Thứ Bảy cuối tuần) của Thiên Chúa. Riêng, một số mục sư Tin Lành người Việt trong những năm gần đây, đã cho hội nhập thêm các thứ gọi là: Lễ Tro, Lễ Lá, Mùa Chay, Mùa Vọng… của Công Giáo La-mã vào trong giáo hội của mình.

Trong bài này, chúng tôi trình bày một số dữ kiện trích ra từ Thánh Kinh đã được đối chiếu với sử liệu để xác định ngày chết và ngày phục sinh của Chúa. Ước mong bài viết này sẽ giúp cho con dân chân thật của Chúa không bị những truyền thống của các giáo hội dẫn dắt đi vào sự thờ phượng Chúa trong thần trí nhưng không trong lẽ thật (Giăng 4:23-24).

Lễ Vượt Qua

Thánh Kinh ghi chép về sự Thiên Chúa thiết lập Lễ Vượt Qua và truyền cho dân I-sơ-ra-ên cách thức giữ Lễ Vượt Qua như sau, Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1-14:

1 Tại xứ Ê-díp-tô, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu phán với Môi-se và A-rôn rằng:

2 Tháng này sẽ làm đầu cho các tháng đối với các ngươi, nó sẽ là tháng thứ nhất trong năm đối với các ngươi.

3 Các ngươi hãy nói cho toàn hội chúng I-sơ-ra-ên rằng: Vào ngày mười tháng này, họ sẽ bắt cho họ, mỗi người một con chiên con, cho nhà cha của họ, mỗi nhà một con chiên con.

4 Nếu gia đình nào quá ít người cho một chiên con thì hãy chung cùng người lân cận kế nhà mình, theo số các linh hồn, tùy sức ăn mỗi người, mà các ngươi tính số chiên con.

5 Các ngươi hãy bắt trong bầy chiên hoặc dê, một con đực, tuổi giáp niên, chẳng có tì vết,

6 để dành cho đến ngày mười bốn tháng này; rồi cả hội chúng I-sơ-ra-ên sẽ giết nó, vào buổi tối.

7 Họ sẽ lấy máu đem bôi trên hai cây cột cửa và thanh ngang trên cửa của những nhà nào ăn thịt nó.

8 Đêm đó, họ sẽ ăn thịt nướng trên lửa với bánh không men, và họ sẽ ăn với rau đắng.

9 Chớ ăn sống hay là luộc trong nước, nhưng phải nướng trên lửa: đầu, chân, và thân mình của nó.

10 Các ngươi chớ để phần nào của nó còn lại cho đến buổi sáng. Nếu phần nào của nó còn lại cho đến buổi sáng thì hãy thiêu bằng lửa.

11 Các ngươi sẽ ăn như thế này: Lưng của các ngươi thắt lại, chân của các ngươi mang giày, tay của các ngươi cầm gậy, và các ngươi sẽ ăn cách vội vàng. Ấy là Lễ Vượt Qua của Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

12 Đêm đó, Ta sẽ đi qua đất Ê-díp-tô, đánh chết mọi con đầu lòng của đất Ê-díp-tô, cả loài người lẫn loài thú. Ta sẽ thi hành án phạt trên mọi thần linh của Ê-díp-tô. Ta là Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.

13 Máu sẽ là một dấu hiệu trên nhà các ngươi ở. Khi Ta nhìn thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và tai họa sẽ chẳng hủy diệt các ngươi khi Ta đánh giết đất Ê-díp-tô.

14 Ngày ấy sẽ là một ngày kỷ niệm cho các ngươi, các ngươi sẽ giữ một lễ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Trải qua các đời của các ngươi, các ngươi sẽ luôn luôn giữ một lễ theo luật.

Như vậy, chúng ta thấy Lễ Vượt Qua bắt đầu sau khi mặt trời lặn của ngày 13 tháng Nisan và kéo dài cho đến khi mặt trời lặn của ngày 14 tháng Nisan (bao gồm buổi tối và buổi sáng thành một ngày). Chiên con của Lễ Vượt Qua bị giết sau khi mặt trời lặn của ngày 13, là lúc vừa bước vào ngày 14 của Lễ Vượt Qua và được ăn trong đêm hôm ấy, không được để dư lại đến sáng hôm sau, tức là khi mặt trời mọc của ngày 14 tháng Nisan.

Theo sử liệu thì dân I-sơ-ra-ên ra khỏi xứ Ai-cập vào năm 1446 TCN Lịch Julian, nhằm năm 2315 Lịch Do-thái [6]. Theo Thánh Kinh thì dân I-sơ-ra-ên cử hành Lễ Vượt Qua lần đầu tiên trên đất Ai-cập vào ngày 14 tháng Nisan và khởi hành ra khỏi Ai-cập vào ngày 15 tháng Nisan. Qua nhu liệu hoán chuyển Lịch Do-thái và Lịch Julian, chúng ta tìm thấy ngày 14 tháng Nisan năm 2315 Lịch Do-thái của Lễ Vượt Qua đầu tiên, nhằm Thứ Tư ngày 25 tháng 3 năm 1446 TCN Lịch Julian.

Hai Ngày Sa-bát Trong Cùng Một Tuần

Thánh Kinh ghi lại khá chi tiết về tuần lễ cuối cùng của Đức Chúa Jesus Christ trước khi Ngài chịu chết trên thập tự giá. Có hai chi tiết quan trọng mà chúng ta cần chú ý. Đó là:

1. Từ khi Chúa chết cho đến khi Chúa phục sinh có hai ngày Sa-bát: Ngày Sa-bát trọng thể của Lễ Bánh Không Men và ngày Sa-bát cuối tuần. Trong nguyên tác của Thánh Kinh, Ma-thi-ơ 28:1 xác nhận rằng, thời gian từ khi Chúa chết cho đến khi Chúa sống lại có “nhiều” ngày Sa-bát, vì Ma-thi-ơ dùng danh từ Sa-bát số nhiều trong câu này:

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống: “Sau ngày Sa-bát, ngày thứ nhứt trong tuần lễ, lúc tưng tưng sáng, có Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác đến thăm mộ.”

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: “Sau các ngày Sa-bát, buổi sáng sớm ngày Thứ Nhất của các ngày Sa-bát, Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác đến thăm mộ.”

Trong khi đó, Giăng 19:31 cho biết, ngày Sa-bát liền sau ngày Chúa bị đóng đinh là một ngày Sa-bát trọng thể:“Hôm ấy là ngày sắm sửa về ngày Sa-bát các xác chết không thể ở trên các thập tự giá vào ngày Sa-bát, vì ngày Sa-bát ấy là trọng thể, cho nên dân Do-thái xin Phi-lát cho đánh gãy chân họ và đem họ đi. Chỉ có ngày Sa-bát Lễ Bánh Không Men nhằm ngày 15 tháng Nisan, tiếp liền ngày Lễ Vượt Qua, mới được gọi là ngày Sa-bát trọng thể. Ngày đó vừa là ngày Lễ Sa-bát thường niên đầu tiên, vừa là ngày mở đầu cho bảy ngày lễ hội lớn, mà ngày đầu và ngày cuối đều được biệt riêng làm ngày Sa-bát, con dân Chúa phải nghỉ lao động, và tham dự sự nhóm họp thánh.

Như vậy, qua chính các chi tiết trong Thánh Kinh mà chúng ta biết rằng, từ khi Chúa chết cho đến khi Chúa phục sinh, có hai ngày Sa-bát. Một ngày Sa-bát trọng thể là ngày Sa-bát của Lễ Bánh Không Men và một ngày Sa-bát thông thường vào ngày Thứ Bảy cuối tuần.

2. Chúa không phục sinh vào buổi sáng của ngày Thứ Nhất trong tuần lễ, tức Chủ Nhật, như sự dạy dỗ của các giáo hội. Chúa phục sinh vào cuối của ngày Thứ Bảy Sa-bát, trước khi bước qua ngày Thứ Nhất (Chủ Nhật). Rồi, vào buổi sáng sớm của ngày Thứ Nhất, Chúa hiện ra trước nhất cho bà Ma-ri Ma-đơ-len. Mác 16:9 là một câu khiến cho nhiều người hiểu lầm là Chúa sống lại trong ngày Thứ Nhất của tuần lễ. Xin so sánh câu ấy qua các bản dịch dưới đây:

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Truyền Thống: “Vả, Đức Chúa Jesus đã sống lại buổi sớm mai ngày thứ nhứt trong tuần lễ, thì trước hết hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len, là người mà Ngài đã trừ cho khỏi bảy quỉ dữ.”

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: “Sau khi đã sống lại, thì trước hết, Ngài đã hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len vào buổi sớm mai đầu tiên của tuần lễ. Bà là người Ngài đã đuổi bảy tà linh ra khỏi.”

Đọc theo câu dịch của Bản Dịch Truyền Thống thì người đọc sẽ hiểu là Chúa sống lại vào buổi sớm mai của ngày Thứ Nhất trong tuần lễ. Đọc theo câu dịch của Bản Hiệu Đính 2012 thì người đọc sẽ hiểu là sau khi sống lại (không đề cập lúc nào) thì trước hết, Chúa hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len vào buổi sáng sớm của ngày Thứ Nhất trong tuần lễ. Xin so sánh với các bản dịch Anh ngữ cổ dưới đây:

Bishops’ Bible (1568): When [Iesus] was rysen early, the first [day] after the Sabboth, he appeared firste to Marie Magdalene, out of whom he had cast seuen deuils.

Geneva Bible (1587): And when Iesus was risen againe, early the first day of the weeke, he appeared first to Marie Magdalene, out of whom he had cast seuen deuils:

Thánh Kinh nguyên ngữ Hy-lạp không có dấu chấm câu như những ngôn ngữ hiện đại, nhưng dựa vào văn phạm chúng ta có thể hiểu và dịch đúng Mác 16:9:

Mác 16:9 αναστας (Danh động từ: Đã sống lại)G450 V-2AAP-NSM δε (thì)G1161 CONJ πρωι (sáng sớm)G4404 ADV πρωτη (đầu)G4413 A-DSF-S σαββατου (của tuần lễ)G4521 N-GSN εφανη (Ngài đã hiện ra)G5316 V-2API-3S πρωτον (trước hết)G4412 ADV-S μαρια (cho Ma-ri)G3137 N-DSF τη (mạo từ xác định, hàm ý: tức là)G3588 T-DSF μαγδαληνη (Ma-đơ-len)G3094 N-DSF αφ (ra khỏi)G575 PREP ης (bà ấy)G3739 R-GSF εκβεβληκει (trước đây Ngài đã đuổi)G1544 V-LAI-3S επτα (bảy)G2033 A-NUI δαιμονια (tà linh)G1140 N-APN

Danh động từ “đã sống lại” đứng ở đầu câu như một mệnh đề độc lập, không liên quan đến trạng từ chỉ thời gian “sáng sớm đầu tuần lễ” trong mệnh đề kế tiếp. Vì thế, không thể dịch là “Chúa đã sống lại vào buổi sớm mai của ngày thứ nhất trong tuần lễ…” mà phải dịch là: “Sau khi đã sống lại, thì trước hết, Ngài đã hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len vào buổi sớm mai đầu tiên của tuần lễ. Bà là người Ngài đã đuổi bảy tà linh ra khỏi.”

Trình Tự Các Sự Kiện Trong Tuần Lễ Chúa Chịu Chết và Phục Sinh

Dựa vào hai chi tiết quan trọng được trình bày trên đây và các dữ kiện khác trong Thánh Kinh, chúng ta có thể lập ra lịch trình cho tuần lễ cuối cùng của Chúa, trước khi Ngài chịu chết và phục sinh. Xin ghi nhớ rằng: Ngày theo Lịch Do-thái bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn của ngày hôm trước cho đến khi mặt trời lặn của ngày hiện tại được ghi trên lịch. Tại Giê-ru-sa-lem, mặt trời thường lặn vào khoảng từ 4:34 giờ chiều đến 7:48 giờ chiều và mọc vào khoảng từ 5:31 giờ sáng đến 6:39 giờ sáng. Chúng tôi xin lấy từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng làm một ngày tiêu chuẩn.

Thứ Sáu ngày 9 tháng Nisan: Đức Chúa Jesus Christ về lại làng Bê-tha-ni, dự bữa ăn trong nhà La-xa-rơ. Tại đó, Ma-ri, em gái của La-xa-rơ, lấy dầu thơm xức xác Chúa (Giăng 12:1). Chúng ta cần ghi nhớ chi tiết này: Trong khi Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca ghi lại sự kiện ngày Lễ Vượt Qua theo cách tính đúng của Chúa thì Sứ Đồ Giăng ghi lại sự kiện ngày Lễ Vượt Qua theo cách tính sai của người Pha-ri-si, muộn hơn một ngày, so với ngày đúng. Nói cách khác, Ma-thi-ơ, Mác, và Lu-ca ghi theo truyền thống của Lời Chúa trong khi Sứ Đồ Giăng ghi theo truyền thống của dân Do-thái. Nhờ đó, chúng ta biết được rằng, dân Do-thái vốn đã không giữ đúng ngày các ngày lễ của Chúa, trừ ngày Sa-bát cuối tuần. Vì thế, câu “Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua…” trong Giăng 12:1 phải được hiểu là, thật ra, chỉ có năm ngày. Lễ Vượt Qua nhằm ngày 14 tháng Nisan, cho nên, năm ngày trước Lễ Vượt Qua nhằm ngày 9 tháng Nisan.

Thứ Bảy Sa-bát ngày 10 tháng Nisan: Đức Chúa Jesus Christ vào thành Giê-ru-sa-lem trong tư cách là Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Chiên Con Thật Sự của Lễ Vượt Qua (I Cô-rinh-tô 5:7), được khám nghiệm về tính tinh sạch vào ngày 10 và sẽ bị giết vào ngày 14 tháng Nisan (Ma-thi-ơ 21:1-11; Giăng 12:12, đối chiếu Xuất Ê-díp-tô Ký 12:3-5). Sự kiện dân chúng tung hô Chúa khi Chúa cưỡi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem trong ngày 10 tháng Nisan đã chứng minh: Ngài là con sinh không tì, không vết, được Đức Chúa Trời chấp nhận là của lễ chuộc tội cho toàn thế gian.

Buổi chiều, Chúa về lại thành Bê-tha-ni và qua đêm tại đó (Ma-thi-ơ 21:17; Mác 11:11).

Chủ Nhật ngày 11 tháng Nisan: Ba ngày trước Lễ Vượt Qua, buổi sáng, Đức Chúa Jesus Christ từ Bê-tha-ni trở lại thành Giê-ru-sa-lem, Ngài đói và thấy một cây vả không có trái, nên Ngài quở trách cây vả, và nó bị khô đi (Ma-thi-ơ 21:18-19; Mác 11:12-14). Kế tiếp, Chúa vào trong Đền Thờ giảng Đạo. Ngài rao giảng những điều sau đây:

1. Chúa vào Đền Thờ và dẹp sạch Đền Thờ lần thứ hai (Ma-thi-ơ 21:12-16; Mác 11:15-18). Chúa mở đầu mục vụ giảng Tin Lành, công bố sự đến của Vương Quốc Đức Chúa Trời bằng sự dọn sạch Đền Thờ và Chúa kết thúc mục vụ ấy cũng bằng sự dẹp sạch Đền Thờ.

2. Trả lời câu hỏi về thẩm quyền của Chúa (Ma-thi-ơ 21:23-27).

3. Ngụ ngôn về hai con trai (Ma-thi-ơ 21:28-32).

4. Ngụ ngôn về người trồng nho (Ma-thi-ơ 21:33-46).

5. Ngụ ngôn về tiệc cưới (Ma-thi-ơ 22:1-14).

6. Trả lời câu hỏi về sự đóng thuế (Ma-thi-ơ 22:15-22).

7. Trả lời câu hỏi về sự sống lại (Ma-thi-ơ 22:23-33).

8. Tóm lược luật pháp (Ma-thi-ơ 22:34-40).

9. Hỏi những người Pha-ri-si về mối quan hệ giữa Đấng Christ và Vua Đa-vít (Ma-thi-ơ 22:41-46).

10. Công bố sự giả hình của giới Pha-ri-si và quở trách họ trước công chúng (Ma-thi-ơ 23:1-39).

11. Lời tiên tri về sự thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá, điềm Chúa đến và tận thế (Ma-thi-ơ 24:1-42).

12. Ngụ ngôn về đầy tớ bất trung (Ma-thi-ơ 24:43-51).

13. Ngụ ngôn về mười nữ đồng trinh (Ma-thi-ơ 25:1-13).

14. Ngụ ngôn về các ta-lâng (Ma-thi-ơ 25:14-30).

15. Lời tiên tri về sự phán xét thế gian trong Kỳ Tận Thế (Ma-thi-ơ 25:31-46).

16. Buổi chiều, Chúa lên núi Ô-li-ve, qua đêm tại đó (Lu-ca 21:37).

Dưới đây là bảng liệt kê các chi tiết trong bảy ngày còn lại, từ khi Giu-đa lập mưu phản Chúa cho tới khi Chúa sống lại và hiện ra lần đầu tiên cùng các môn đồ.

12 Nisan

Thứ Hai

Hai ngày trước Lễ Vượt Qua
6 giờ chiều ngày 11 đến 6 giờ chiều ngày 12
Chúa giảng dạy trong Đền Thờ

Trước 6 giờ chiều Thứ Hai

(1) Sa-tan nhập vào Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt, khiến ông lập mưu với các thầy tế lễ cả, phản nộp Chúa cho họ (Kết hợp Ma-thi-ơ 26:1-5; Mác 14:1 với Lu-ca 22:1-6).

(2) Buổi chiều, Chúa về lại làng Bê-tha-ni và ăn tối trong nhà Si-môn (Ma-thi-ơ 26:6-13; Mác 14:3-9; Lu-ca 7:36-49).

(3) Tại nhà Si-môn, Chúa được một người đàn bà xức dầu cho xác Ngài (Ma-thi-ơ 26:6-13; Mác 14:3-9; Lu-ca 7:36-49). Sự kiện này khác với sự kiện trước đó, vào ngày 9 Nisan, Ma-ri, em của La-xa-rơ, xức dầu cho Chúa tại nhà của La-xa-rơ, để ngày hôm sau Chúa vào Đền Thờ trong tư cách Chiên Con Lễ Vượt Qua của Đức Chúa Trời, như được ghi lại trong Giăng 12:1-8.

13 Nisan

Thứ Ba

Một ngày trước Lễ Vượt Qua
6 giờ chiều ngày 12 đến 6 giờ chiều ngày 13
Chúa và các môn đồ rời Bê-tha-ni và đến Giê-ru-sa-lem

Trước 6 giờ chiều Thứ Ba

(4) Chúa sai Phi-e-rơ và Giăng chuẩn bị bữa ăn Lễ Vượt Qua. (Ma-thi-ơ 26:17-19; Mác 14:12-16; Lu-ca 22:7-13).

14 Nisan

Thứ Tư

Ngày Lễ Vượt Qua
6 giờ chiều ngày 13 đến 6 giờ chiều ngày 14
Chúa dự Lễ Vượt Qua và thiết lập Tiệc Thánh

Từ 6 giờ chiều Thứ Ba đến 6 giờ sáng Thứ Tư

(5) Chúa và các môn đồ dự bữa ăn Lễ Vượt Qua (Ma-thi-ơ 26:17-29; Mác 14:12-25; Lu-ca 22:7-23; tham khảo Giăng 13-17).

(6) Chúa thiết lập Tiệc Thánh (Ma-thi-ơ 26:17-29; Mác 14:12-25; Lu-ca 22:7-23).

(7) Chúa bị bắt trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Ma-thi-ơ 26:36-56; Mác 14:32-51; Lu-ca 22:39-53; Giăng 18:1-11).

(8) Chúa bị xét xử trước Tòa Công Luận tức giáo quyền (Ma-thi-ơ 26:57-75; Mác 14:53-72; Lu-ca 22:54-71; Giăng 18:12-27).

Từ 6 giờ sáng Thứ Tư đến 6 giờ chiều Thứ Tư

(9) Chúa bị xét xử trước Phi-lát tức thế quyền của dân ngoại (Ma-thi-ơ 27:1, 11-31; Mác 15:1-20; Lu-ca 23:1-25; Giăng 18:28-19:16)

(10) Chúa bị xét xử trước Vua Hê-rốt tức thế quyền của dân Do-thái (Lu-ca 23:8-12)

(11) Chúa bị lên án bởi dân Ngài (Ma-thi-ơ 27:22-23; Mác 15:13-14; Lu-ca 23:18-23; Giăng 18:39-40; 19:6-7, 12-16).

(12) Chúa bị đánh đòn và bị giao cho lính La-mã đem đi đóng đinh (Ma-thi-ơ 27:27-31; Mác 15:15-20).

(13) Chúa bị đóng đinh tại đồi Gô-gô-tha và chết vào khoảng 3 giờ chiều (Ma-thi-ơ 27:32-50; Mác 15:21-37; Lu-ca 23:26-46; Giăng 19:17-37).

(14) Khoảng 4 giờ chiều Chúa được chôn vào trong mồ mả (Ma-thi-ơ 27:57-66; Mác 15:42-47; Lu-ca 23:50-56; Giăng 19:38-42).

15 Nisan

Thứ Năm

Ngày Sa-bát trọng thể, ngày đầu trong bảy ngày của Lễ Bánh Không Men
6 giờ chiều ngày 14 đến 6 giờ chiều ngày 15
Trọn một đêm và một ngày xác Chúa ở trong mồ mả
Ngày thứ nhất sau khi Chúa chết

Thứ Năm

(15) Một đêm xác Chúa ở trong mồ mả (6 giờ chiều 14 Nisan đến 6 giờ sáng 15 Nisan).

(16) Một ngày xác Chúa ở trong mồ mả (6 giờ sáng 15 Nisan đến 6 giờ chiều 15 Nisan).

(17) Ngày thứ nhất sau khi Chúa chịu chết và được chôn (6 giờ chiều 14 Nisan đến 6 giờ chiều 15 Nisan).

16 Nisan

Thứ Sáu

Ngày Lễ Đầu Mùa
6 giờ chiều ngày 15 đến 6 giờ chiều ngày 16
Trọn hai đêm và hai ngày xác Chúa ở trong mồ mả
Ngày thứ nhì sau khi Chúa chết

Thứ Sáu

(18) Hai đêm xác Chúa ở trong mồ mả (6 giờ chiều 15 Nisan đến 6 giờ sáng 16 Nisan).

(19) Hai ngày xác Chúa ở trong mồ mả (6 giờ sáng 16 Nisan đến 6 giờ chiều 16 Nisan).

(20) Ngày thứ nhì sau khi Chúa chịu chết và được chôn (6 giờ chiều 15 Nisan đến 6 giờ chiều 16 Nisan).

17 Nisan

Thứ Bảy

Ngày Sa-bát Cuối Tuần
6 giờ chiều ngày 16 đến 6 giờ chiều ngày 17
Trọn ba đêm và ba ngày xác Chúa ở trong mồ mả
Ngày thứ ba sau khi Chúa chết
Chúa phục sinh vào cuối ngày thứ ba sau khi Chúa chết

Thứ Bảy

(21) Ba đêm xác Chúa ở trong mồ mả (6 giờ chiều 16 Nisan đến 6 giờ sáng 17 Nisan).

(22) Ba ngày xác Chúa ở trong mồ mả (6 giờ sáng 17 Nisan đến 6 giờ chiều 17 Nisan).

Trước 6 giờ chiều ngày 18 Nisan thì Chúa đã ở trong lòng đất đúng ba ngày ba đêm, làm ứng nghiệm lời tiên tri của chính Ngài: “Vì như Giô-na đã ba ngày và ba đêm ở trong bụng cá lớn, thì Con Người cũng sẽ ba ngày và ba đêm ở trong lòng đất.” (Ma-thi-ơ 12:40).

(23) Ngày thứ ba sau khi Chúa chịu chết và được chôn (6 giờ chiều 16 Nisan đến 6 giờ chiều 17 Nisan).

(24) Chúa phục sinh vào ngày thứ ba sau khi Ngài chịu chết và chôn (trước 6 giờ chiều 17 Nisan), làm ứng nghiệm lời Thánh Kinh:

  • Từ đó, Đức Chúa Jesus mới tỏ cho môn đồ biết rằng mình phải đi đến thành Giê-ru-sa-lem, phải chịu tại đó nhiều sự khốn khổ bởi những người trưởng lão, thầy tế lễ cả, cùng thầy thông giáo, và phải bị giết, đến ngày thứ ba phải sống lại.” (Ma-thi-ơ 16:21).

  • Họ sẽ giết Ngài, nhưng đến ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Các môn đồ lo buồn lắm.” (Ma-thi-ơ 17:23).

  • Họ sẽ nộp Ngài cho dân ngoại để nhạo báng, đánh đập, và đóng đinh trên cây thập tự; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.” (Ma-thi-ơ 20:19).

  • Vì Ngài sẽ bị nộp cho dân ngoại; họ sẽ nhạo báng Ngài, mắng nhiếc Ngài, nhổ trên Ngài, sau khi đánh đòn rồi, thì giết Ngài đi; đến ngày thứ ba, Ngài sẽ sống lại.” (Lu-ca 18:32-33).

  • “Rằng, Ngài đã bị chôn. Rằng, ngày thứ ba, Ngài đã sống lại, theo Thánh Kinh. (I Cô-rinh-tô 15:4).

(Ma-thi-ơ 28:1-6; Mác 16:1-8; Lu-ca 24:1-12; Giăng 20:1-10).

18 Nisan

Thứ Nhất
(Chủ Nhật)

Ngày Thứ Nhất trong tuần lễ
6 giờ chiều ngày 17 đến 6 giờ chiều ngày 18
Chúa hiện ra cùng các môn đồ và ban sự sống mới cho các môn đồ, tiêu biểu cho sự tái sinh của Hội Thánh trong Đức Chúa Jesus Christ

Từ 6 giờ sáng Chủ Nhật đến trước 6 giờ chiều Chủ Nhật

(25) Sáng sớm, sau khi mặt trời mọc, Chúa hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len (Mác 16:9; Giăng 20:11-18). Chúa không cho phép Ma-ri Ma-đơ-len chạm đến Chúa, vì Ngài chưa về cùng Cha.

(26) Chúa về cùng Cha.

(27) Kế tiếp, Chúa hiện ra cho Ma-ri Ma-đơ-len và Ma-ri khác (Ma-thi-ơ 28:1, 9). Lần này, Chúa cho phép họ được ôm chân Ngài mà thờ lạy (chứng minh Chúa đã về cùng Cha và quay lại).

(28) Lính canh mả Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem thuật cho các thầy tế lễ cả biết sự kiện đất rúng động, cửa mồ bị mở toang, xác Chúa không có trong mồ (Ma-thi-ơ 28:11-15).

(29) Chúa hiện ra cho hai môn đồ trên đường họ từ Giê-ru-sa-lem đi về làng Em-ma-út (Mác 16:12; Lu-ca 24:13-32).

(30) Chúa hiện ra cho Phi-e-rơ trong ngày (Lu-ca 24:33-34).

(31) Buổi chiều, trước khi mặt trời lặn, Chúa hiện ra cho các môn đồ lần thứ nhất, không có mặt Sứ Đồ Thô-ma (Mác 16:14; Lu-ca 24:36-49; Giăng 20:19-23).

(32) Chúa thổi hơi thở của Ngài trên các môn đồ, ban cho họ thánh linh sự sống của Ngài. Đây là sự kiện Hội Thánh được tái sinh trong Đức Chúa Jesus Christ: “Khi Ngài phán điều đó rồi, thì thổi hơi trên môn đồ và phán với họ: Hãy nhận thánh linh.” (Giăng 20:22, đối chiếu Sáng Thế Ký 2:7).

Năm Chúa Chết và Phục Sinh

Để truy tìm năm Chúa chết chúng ta cần dựa vào một số chi tiết trong Thánh Kinh và đối chiếu với các chi tiết trong lịch sử. Thánh Kinh cho chúng ta biết Chúa bị đóng đinh dưới thời Phi-lát làm tổng trấn xứ Giu-đê, mà lịch sử thì cho biết Phi-lát cầm quyền từ năm 26 đến năm 36 theo Lịch Julian [7]. Như vậy, chúng ta cần tìm biết xem, trong số 11 năm nói trên, ngày Lễ Vượt Qua của năm nào rơi vào Thứ Tư.

Năm thứ 26 Lịch Julian tương đương với năm 3786 của Lịch Do-thái. Dùng các nhu liệu hoán chuyển lịch chúng ta có thể bắt đầu dò tìm ngày 14 tháng Nisan từ năm 3786. Có nhiều nhu liệu hoán chuyển lịch trên Internet, chúng tôi chọn dùng nhu liệu trên website http://www.abdicate.net/cal.aspx do Bill Bennett biên soạn. Chúng tôi có liên lạc với Bill Bennett và được chính ông xác nhận: Ngày như được liệt kê trên lịch được bắt đầu từ buổi chiều của ngày hôm trước và chấm dứt lúc mặt trời lặn của ngày được liệt kê. Dưới đây là danh sách các ngày Lễ Vượt Qua từ năm 26 đến năm 36 Lịch Julian: 

  • Năm 26: Lễ Vượt Qua nhằm Thứ Sáu ngày 14 tháng Nisan năm 3786.

  • Năm 27: Lễ Vượt Qua nhằm Thứ Tư ngày 14 tháng Nisan năm 3787.

  • Năm 28: Lễ Vượt Qua nhằm Thứ Hai ngày 14 tháng Nisan năm 3788.

  • Năm 29: Lễ Vượt Qua nhằm Thứ Bảy ngày 14 tháng Nisan năm 3789.

  • Năm 30: Lễ Vượt Qua nhằm Thứ Tư ngày 14 tháng Nisan năm 3790.

  • Năm 31: Lễ Vượt Qua nhằm Thứ Hai ngày 14 tháng Nisan năm 3791.

  • Năm 32: Lễ Vượt Qua nhằm Thứ Hai ngày 14 tháng Nisan năm 3792.

  • Năm 33: Lễ Vượt Qua nhằm Thứ Sáu ngày 14 tháng Nisan năm 3793.

  • Năm 34: Lễ Vượt Qua nhằm Thứ Hai ngày 14 tháng Nisan năm 3794.

  • Năm 35: Lễ Vượt Qua nhằm Thứ Hai ngày 14 tháng Nisan năm 3795.

  • Năm 36: Lễ Vượt Qua nhằm Thứ Sáu ngày 14 tháng Nisan năm 3796.

Như vậy, năm 27 và năm 30 là hai năm mà Lễ Vượt Qua nhằm vào ngày Thứ Tư. Từ kết quả này, chúng ta tiếp tục dựa vào các chi tiết khác của Thánh Kinh và sử liệu, để tìm xem Chúa chết vào năm 27 hay là năm 30.

Lu-ca 3:1-3 chép:

“Năm thứ mười lăm đời Sê-sa Ti-be-rơ, khi Bôn-xơ Phi-lát làm thống đốc xứ Giu-đê, Hê-rốt làm vua chư hầu xứ Ga-li-lê, Phi-líp em ruột của ông làm vua chư hầu xứ I-tu-rê và tỉnh Tra-cô-nít, Li-sa-ni-a làm vua chư hầu xứ A-bi-len, [Hê-rốt An-ti-ba,] An-ne và Cai-phe làm thầy tế lễ thượng phẩm, thì có Lời của Thiên Chúa truyền cho Giăng, con của Xa-cha-ri, ở nơi đồng vắng. Ông đi qua tất cả các miền lân cận sông Giô-đanh, giảng dạy phép báp-tem về sự ăn năn để được tha tội…”

Theo sử liệu thì Sê-sa Ti-be-rơ đồng trị với Sê-sa Au-gút-tơ từ năm 10 [8]. Vậy, năm thứ 15 đời Sê-sa Ti-be-rơ nhằm vào năm 25, là năm Giăng Báp-tít khởi đầu chức vụ, và cũng là năm Đức Chúa Jesus chịu báp-tem trước kỳ Lễ Vượt Qua của năm ấy để nhận chức vụ Christ (Đấng được Đức Chúa Trời đổ đầy thánh linh để làm tiên tri, thầy tế lễ, và vua).

Như vậy, Đức Chúa Jesus đã được Giăng Báp-tít làm báp-tem trước ngày Lễ Vượt Qua của năm 25, là Lễ Vượt Qua mà Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem và dẹp sạch Đền Thờ lần thứ nhất, được đề cập đến trong Giăng 2:13. Lễ Vượt Qua của năm 26 được đề cập đến trong Giăng 6:4. Lễ Vượt Qua của năm 27, là Lễ Vượt Qua Chúa vào thành Giê-ru-sa-lem và dọn sạch Đền Thờ lần thứ nhì, rồi sau đó Ngài bị bắt và bị giết, được đề cập đến trong Giăng 12:1 và 13:1.

Kết luận: Đức Chúa Jesus Christ chết trên thập tự giá vào Thứ Tư, ngày 14 tháng Nisan năm 3787 theo Lịch Do-thái, nhằm Thứ Tư, ngày 9 tháng 4 năm 27 theo Lịch Julian, vào khoảng 3 giờ chiều, và xác Ngài được an táng trước khi mặt trời lặn.

Thêm một chi tiết khác: Ma-thi-ơ 2:16 cho chúng ta biết, Vua Hê-rốt dựa vào lời tường thuật của các nhà thông thái mà ra lệnh giết các trẻ trai từ hai tuổi trở xuống trong thành Bết-lê-hem và các vùng phụ cận. Có lẽ, Vua Hê-rốt cho rằng, Chúa đã giáng sinh trong khoảng thời gian các nhà thông thái nhìn thấy ngôi sao bên đông phương, nghĩa là trước khi họ tìm đến Giê-ru-sa-lem khoảng gần hai năm. Rất có thể, khoảng thời gian từ khi các nhà thông thái nhìn thấy ngôi sao bên đông phương cho tới khi họ đến Giê-ru-sa-lem chỉ trong vòng trên dưới một năm, nhưng Vua Hê-rốt muốn chắc chắn không giết sót, nên đã lùi lại cho tròn hai năm, thay vì ra lệnh giết các trẻ trai từ một tuổi trở xuống, vua đã ra lệnh giết các trẻ trai từ hai tuổi trở xuống.

Lịch sử cho biết, Vua Hê-rốt chết vào khoảng giữa ngày 13 tháng 3 năm 4 TCN, là ngày có hiện tượng nguyệt thực xảy ra trên vùng trời Giê-ru-sa-lem, và ngày 11 tháng 4 năm 4 TCN, là ngày Lễ Vượt Qua của năm đó. Sử gia Josephus người Do-thái ghi lại các biến cố xảy ra trong khoảng thời gian này và cho biết, Vua Hê-rốt đã chết sau ngày nguyệt thực nhưng trước ngày Lễ Vượt Qua [9]. Như vậy, Đức Chúa Jesus phải được sinh ra khoảng ba năm trước ngày Vua Hê-rốt chết, tức là vào khoảng năm 7 TCN, và Ngài phải được sinh ra trước ngày 15 tháng 10 Lịch Julian, là ngày bắt đầu vào mùa mưa lạnh, các mục đồng không thể chăn chiên ngoài đồng sau ngày ấy. Nếu Chúa được sinh vào ngày 15 tháng Tishrei nhằm ngày thứ nhất của Lễ Lều Trại năm 3755 Lịch Do-thái, nhằm ngày 8 tháng 10 năm 7 TCN Lịch Julian, thì như vậy, Chúa chưa đầy 30 tuổi khi Ngài chịu báp-tem để bắt đầu chức vụ trước Lễ Vượt Qua năm 3785 Lịch Do-thái, nhằm năm 25 Lịch Julian, đúng như lời ghi chép của Lu-ca 3:23: “Bản thân Đức Chúa Jesus vào khoảng ba mươi tuổi…”

Chúa chịu báp-tem trước Lễ Vượt Qua ngày 14 Nisan (tháng Một) trong khi phải đến ngày 15 Tishrei (tháng Bảy), Lễ Lều Trại thì Ngài mới tròn 30 tuổi. Xin đọc bài “Ngày Chúa Được Sinh Ra” [9].

Vấn Nạn Giữa Sự Giữ Lễ Vượt Qua của Chúa và của Người Pha-ri-si

Ngày Lễ Vượt Qua cũng là ngày thứ nhất dân Do-thái ăn bánh không men, mặc dù ngày hôm sau, 15 tháng Nisan mới là ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men. Ngày thứ nhất ăn bánh không men là ngày 14 tháng Nisan khác với ngày thứ nhất của Lễ Bánh Không Men là ngày 15 tháng Nisan.

Trong Ma-thi-ơ 26:17; Mác 14:12; Lu-ca 22:7 đều ghi rõ ngày Lễ Vượt Qua (là ngày con sinh làm Lễ Vượt Qua bị giết) thì Chúa và các sứ đồ dự bữa ăn của Lễ Vượt Qua.

Giăng 13:1 thì cho biết là bữa ăn tối mà Chúa thiết lập thành Tiệc Thánh thuộc về: “Trước ngày Lễ Vượt Qua.” Giăng 18:1 cho biết Chúa bị bắt trong đêm ấy.

Giăng 18:28 thì cho biết là qua sáng ngày sau vẫn chưa phải là ngày Lễ Vượt Qua, vì những người Pha-ri-si giải Chúa đến trước mặt Phi-lát nhưng không dám vào nơi công đường vì sợ bị ô uế sẽ không thể dự Lễ Vượt Qua sẽ bắt đầu sau khi mặt trời lặn của ngày hôm đó.

Câu hỏi được đặt ra: Phải chăng hoặc là Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca cùng ghi sai hoặc là Giăng đã ghi sai về ngày Chúa dự Lễ Vượt Qua? Nếu Giăng đúng, thì làm sao Chúa và các môn đồ lại có thể kỷ niệm và ăn Lễ Vượt Qua vào một ngày không phải là ngày Lễ Vượt Qua?

Khi chúng ta trở lại với nguồn gốc của Lễ Vượt Qua được ghi chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 12 thì chúng ta sẽ thấy Đức Chúa Trời truyền cho Môi-se những chi tiết sau đây:

  • Đức Chúa Trời ban truyền tháng Một cho dân I-sơ-ra-ên (và như vậy, ngày mà Chúa đang phán với Môi-se trở thành ngày Thứ Nhất của tháng đó): “Tháng này sẽ làm đầu cho các tháng đối với các ngươi, nó sẽ là tháng thứ nhất trong năm đối với các ngươi.” (12:2).

  • Đến ngày 10 biệt riêng một con sinh: “Các ngươi hãy nói cho toàn hội chúng I-sơ-ra-ên rằng: Vào ngày mười tháng này, họ sẽ bắt cho họ, mỗi người một con chiên con, cho nhà cha của họ, mỗi nhà một con chiên con.” (12:3).

  • Đến ngày 14 giết con sinh đó vào buổi chiều tối (buổi chiều tối của ngày 14 bắt đầu liền sau khi mặt trời lặn của ngày 13): “Để dành cho đến ngày mười bốn tháng này; rồi cả hội chúng I-sơ-ra-ên sẽ giết nó, vào buổi tối.” (12:6).

  • Đêm 14 dân I-sơ-ra-ên ăn thịt con sinh bị giết với bánh không men (đêm 14 là khoảng thời gian từ sau khi mặt trời lặn của ngày 13 cho đến khi mặt trời lên của ngày 14): “Đêm đó, họ sẽ ăn thịt nướng trên lửa với bánh không men, và họ sẽ ăn với rau đắng.” (12:8).

  • Ngày đó, tức ngày 14 tháng Một phải được kỷ niệm vì là một lễ lập ra đời đời: “Ngày ấy sẽ là một ngày kỷ niệm cho các ngươi, các ngươi sẽ giữ một lễ cho Đấng Tự Hữu Hằng Hữu. Trải qua các đời của các ngươi, các ngươi sẽ luôn luôn giữ một lễ theo luật.” (12:14).

Cần ghi nhớ: Theo cách tính của Thánh Kinh: “Vậy, có buổi tối và buổi sáng; ấy là ngày Thứ…” (Sáng Thế Ký 1), thì liền sau khi mặt trời lặn của ngày 13 là khởi đầu của ngày 14 và được gọi là “buổi chiều tối” của ngày 14; liền sau khi mặt trời lặn của ngày 14 là khởi đầu của ngày 15 và được gọi là “buổi chiều tối” của ngày 15. Như vậy, Đức Chúa Jesus giữ đúng ngày Lễ Vượt Qua, những người Pha-ri-si giữ sai ngày Lễ Vượt Qua.

Người Pha-ri-si, một giai cấp tự dấy lên trong khoảng thời gian 400 năm Đức Chúa Trời yên lặng với dân I-sơ-ra-ên, đã thiết lập nhiều luật lệ sai lạc với điều răn và luật pháp của Đức Chúa Trời [10], trong đó có cả sự vâng giữ cách sai lầm ngày Lễ Vượt Qua cũng như các lễ hội khác của Thiên Chúa. Họ giết con sinh Lễ Vượt Qua vào xế trưa ngày 14 và ăn thịt con sinh đó sau khi mặt trời lặn là thời điểm kết thúc ngày 14 và mở đầu cho buổi tối của ngày 15. Trong khi Thánh Kinh dạy rằng: Con sinh phải bị giết vào buổi chiều tối của ngày 14, tức là sau khi mặt trời lặn của ngày 13, và phải được ăn trước khi mặt trời lên của ngày 14. Ngoài ra, họ uống rượu, là chất có men trong ngày Lễ Vượt Qua. Truyền thống sai lầm về Lễ Vượt Qua này vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay [11].

Như vậy, Sứ Đồ Giăng ghi lại cách gọi và giữ ngày Lễ Vượt Qua của người Pha-ri-si trong khi Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca thì ghi lại cách gọi và giữ ngày Lễ Vượt Qua của Đức Chúa Jesus.

Vài Điều Suy Ngẫm về Ngày Lễ Vượt Qua

  • Chiên con của Lễ Vượt Qua đầu tiên, bị giết vào ngày Thứ Tư. Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Jesus Christ, Đấng cất tội lỗi của thế gian đi, cũng bị giết vào ngày Thứ Tư. Trong tuần lễ sáng thế, ngày Thứ Tư mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú được dựng nên để chiếu sáng và định thì tiết cho trái đất (Sáng Thế Ký 1:14-16). Trong ngày Thứ Tư của Lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jesus Christ đã chiếu ra ánh sáng của sự cứu rỗi cho toàn thế gian, rực rỡ như ánh sáng của mặt trời, phá tan bóng tối của tội lỗi và sự chết, qua sự chết chuộc tội của Ngài cho toàn thể nhân loại.

  • Qua sự chết của Đức Chúa Jesus Christ mà Hội Thánh của Chúa có thể phản chiếu ánh sáng cứu rỗi của Ngài như mặt trăng phản chiếu ánh sáng của mặt trời. Cũng kể từ ngày Thứ Tư đó, qua sự chết của Đức Chúa Jesus Christ mà mỗi cá nhân các môn đồ của Chúa chiếu sáng Tin Lành Cứu Rỗi của Ngài cho thế gian như muôn vàn tinh tú, bởi chính sự sáng của Đức Chúa Jesus Christ trong mỗi đời sống của họ.

  • Cùng với Đức Chúa Jesus Christ và Hội Thánh, mỗi cá nhân các môn đồ của Chúa chiếu rọi sự sáng của Đức Chúa Trời cho thế gian và giúp thế gian phân biệt thiện ác, đúng sai, như mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao chiếu sáng cho trái đất và giúp thế gian phân định ngày đêm, thì tiết, tháng năm. Sự sáng của Đức Chúa Trời chính là vinh quang của Ngài, sự chiếu ra chói lọi bản tính: yêu thương, thánh khiết, và công chính của Thiên Chúa.

Kết Luận

Qua cách thức tổ chức và những dạy dỗ của các giáo hội mang danh Chúa ngày nay, chúng ta có thể rút ra được kết luận sau: Những giáo hội, những tổ chức tôn giáo của loài người mang danh Đạo Chúa đã gieo rắc rất nhiều các giáo lý sai lạc Thánh Kinh, làm mất đi những ý nghĩa sâu nhiệm của Lời Chúa, đồng thời khiến cho con dân Chúa không thờ phượng Chúa theo lẽ thật, tức theo Lời Chúa. Dù vậy, chúng ta cũng nhận biết: Hội Thánh của Chúa không phải là các giáo hội, không phải là các tổ chức tôn giáo (thí dụ: các “nhà thờ”, các “trường Thần học”, các “trường Thánh Kinh”, các “chủng viện…”) nhưng trong các giáo hội và các tổ chức đó vẫn có những con dân chân thật của Chúa.

Thánh Kinh dạy: Con dân chân thật của Chúa cần phải đọc, nghe, suy ngẫm Lời Chúa và cẩn thận làm theo (Giô-suê 1:8; Khải Huyền 1:3). Vì thế, chúng ta nên hết lòng tra xem Thánh Kinh để tìm biết sự giảng dạy của những người mang danh tôi tớ Chúa có thật hay không (Công Vụ Các Sứ Đồ 17:11). Con dân chân thật của Chúa chỉ thờ phượng Chúa trong thần trí và trong lẽ thật của Lời Chúa (Giăng 4:23-24; 17:17). Con dân Chúa không thờ phượng Chúa theo truyền thống của các giáo hội là những điều sai trật, nghịch lại lẽ thật của Lời Chúa. Con dân Chúa không pha trộn văn hóa của thế gian vào nghi thức thờ phượng Chúa; không thờ phượng Chúa theo cách thức dân ngoại thờ phượng thần của họ (Lê-vi Ký 18:3, 30; 20:23).

Ngày “Thứ Sáu Lành” (Good Friday) và “Chủ Nhật Easter” mà các giáo hội kỷ niệm hơn 1.700 năm nay trong danh Chúa, hoàn toàn không đúng với sự thật như đã ghi chép trong Thánh Kinh. Đã vậy, các giáo hội còn dùng tên nữ thần Easter của ngoại giáo để đặt tên cho ngày kỷ niệm Chúa phục sinh (xem bài: “Huyền Thoại về Easter” [12]). Con dân chân thật của Chúa nên dứt khoát từ bỏ sự tổ chức các ngày “lễ” “Thứ Sáu Lành”, “Chủ Nhật Easter”, “Christmas” cùng các thứ “Lễ Tro”, “Lễ Lá”, “Mùa Chay”, “Mùa Vọng”, v.v.. Nhất là, con dân Chúa không gọi “Easter” là Lễ Chúa Phục Sinh hoặc “Christmas” là Lễ Chúa Giáng Sinh. Xin xem bài: “Sự Thật về Christmas” [13].

Thánh Kinh không dạy chúng ta tổ chức các ngày lễ kỷ niệm sự giáng sinh, sự chết, và sự phục sinh của Chúa. Tuy nhiên, trong tinh thần: Con dân Chúa được tự do làm mọi sự, miễn là không vô ích, không làm gương xấu, không nghịch lại sự vinh quang của Thiên Chúa (I Cô-rinh-tô 6:12; 10:23, 31) thì chúng ta có thể tổ chức các ngày lễ kỷ niệm ấy. Tuy nhiên, chúng ta không gọi ngày kỷ niệm Chúa giáng sinh là “Christmas” (Christmas có nghĩa là “Chúa bị giết”), không gọi ngày kỷ niệm sự chết của Chúa là “Good Friday” hoặc “Thứ Sáu Thương Khó”, không gọi ngày kỷ niệm sự phục sinh của Chúa bằng tên gọi của nữ tà thần “Easter” của ngoại giáo.

Chúng ta cũng không tổ chức kỷ niệm Chúa giáng sinh vào tháng 12, không nói Chúa giáng sinh vào ngày 24 tháng 12, không tổ chức kỷ niệm ngày Chúa chết vào Thứ Sáu và ngày Chúa phục sinh vào ngày Chủ Nhật đầu tiên sau tiết xuân phân, theo truyền thống của các giáo hội. Chúng ta nên kỷ niệm sự giáng sinh của Chúa vào dịp Lễ Lều Trại, sự chết của Chúa vào dịp Lễ Vượt Qua, và kỷ niệm sự sống lại của Chúa vào ngày thứ ba sau Lễ Vượt Qua. Ngoài ra, chúng ta cần dẹp bỏ hết các nghi thức, phong tục truyền thống của ngoại giáo trong sự kỷ niệm của chúng ta, từ việc dùng bánh kẹo hình con thỏ, việc nhuộm trứng và săn trứng, việc trưng cây Nô-en, treo vòng nguyệt quế, làm bánh hình khúc gỗ sồi, việc treo vớ bên lò sưởi để nhận quà, việc hóa trang làm Ông Già Nô-en phát quà cho trẻ con… cho đến việc không chúc tụng những câu: “Merry Christmas” (Mừng Chúa Bị Giết) và “Happy Easter” (Mừng Nữ Thần Easter Phục Sinh).

Chúng tôi cầu xin Đức Thánh Linh giúp cho tất cả con dân chân thật của Chúa khi đọc bài này sẽ được thông biết lẽ thật và được nhận lãnh năng lực từ Đức Thánh Linh để có thể sống và thờ phượng Chúa trong thần trí và trong lẽ thật. A-men!

Nguyện Chúa tha thứ cho chúng con những tội mà chúng con không biết, trong đó có tội thờ phượng Chúa không theo lẽ thật. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
31/07/2010
Hiệu đính lần thứ nhất, ngày 03/09/2011
Hiệu đính lần thứ nhì, ngày 13/03/2012
Hiệu đính lần thứ ba, ngày 23/12/2012
Hiệu đính lần thứ tư, ngày 07/03/2013

Ghi Chú

[1] Bruce L. Shelley. Church History In Plain Language, trang 94-97. Thomas Nelson Publishers, Nashville, 1995.

Năm 312, Hoàng Đế La-mã Constantine nhập Đạo; năm 313, ông ra chiếu chỉ khoan dung cho Đạo Chúa dẫn đến việc hình thành Công Giáo sau này. Hoàng Đế Theodosius I (347-395) thuộc đông đế quốc La-mã và Hoàng Đế Gratian (359-383) thuộc tây đế quốc La-mã chung nhau ra chiếu chỉ quốc giáo hóa Đạo Chúa trong toàn đế quốc La-mã vào ngày 27 tháng 2 năm 380:

http://en.wikipedia.org/wiki/Edict_of_Thessalonica

[2] The Encyclopaedia Britannica, “Easter”, 11th edition, trang 828-829.

[3] Philip Schaff. History of the Christian Church, volume 2, trang 218. Hendrickson Publishers, Peabody, Massachusetts, 2006.

Tiết xuân phân là ngày đầu tiên mở đầu cho mùa xuân.

[4] Philip Schaff. History of the Christian Church, volume 4, trang 459-474. Hendrickson Publishers, Peabody, Massachusetts, 2006.

[5] Andrew Louth. Greek East and Latin West, trang 171. St Vladimir’s Seminary Press, 2007.

[6] https://biblearchaeology.org/research/exodus-from-egypt/2954-the-biblical-date-for-the-exodus-is-1446-bc-a-response-to-james-hoffmeier

[7] https://www.britannica.com/biography/Pontius-Pilate

[8] http://www.newadvent.org/cathen/14717b.htm

[9] https://timhieutinlanh.com/thanhoc/ngay-sinh-cua-duc-chua-jesus/

[10] Flavius Josephus. Jewish Antiquities, 17.6.4.

[11] http://www.jewfaq.org/holidaya.htm

[12] https://timhieutinlanh.com/?p=289

https://timhieutinlanh.com/?p=222

[13] https://timhieutinlanh.com/?p=158

[A] Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.

[B] Chúng tôi chọn cách gọi “Trước Công Nguyên” (Before the Common Era) và “Công Nguyên” (Common Era) viết tắt là “TCN” và “CN” thay vì “BC” và “AD”.

Cách gọi “BC” (Before Christ) và “AD” (Anno Domini – tiếng La-tinh, có nghĩa: Trong Năm của Chúa) là không chính xác, bởi vì Chúa không giáng sinh vào năm 1. Chúng ta chấp nhận cách tính của Lịch La-mã mở ra một nguyên đại chung cho toàn thế gian, nên chúng ta gọi năm thứ nhất của Lịch La-mã là năm thứ nhất Công Nguyên và gọi thời gian trước năm thứ nhất đó là “trước Công Nguyên”, viết tắt là TCN.

[C] Chúng tôi dùng nhu liệu hoán chuyển lịch của Bill Bennett: http://abdicate.net/cal.aspx