Tội Lỗi và Sự Phạm Tội

498 views

YouTube: https://youtu.be/rZxScoMwUV8

202302 Bài Giảng Trong Năm 2023
Tội Lỗi và Sự Phạm Tội

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla

Kính mời quý con dân Chúa dành thời gian nghe bài giảng này, có nhiều thí dụ và giải thích chi tiết hơn là phần bài viết.

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào nút “play” ► dưới đây để nghe

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để nghe hoặc tải xuống mp3 bài giảng này:

Bấm vào một trong các nối mạng dưới đây để đọc hoặc tải xuống pdf bài giảng này:

Kho chứa MP3 các bài giảng:

Kho chứa pdf các bài giảng:

Chúng ta đã biết, tội lỗi là sự phản nghịch Thiên Chúa hoặc sự trái luật pháp của Thiên Chúa.

Sự phản nghịch Thiên Chúa là sự không công nhận quyền tể trị của Thiên Chúa, mặc dù biết rằng, Ngài là Đấng Tạo Hóa của muôn loài và có toàn quyền trên muôn loài.

“Thật, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là quan xét của chúng ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là Đấng ban luật pháp của chúng ta, Đấng Tự Hữu Hằng Hữu là vua của chúng ta. Ngài sẽ cứu chúng ta!” (Ê-sai 33:22).

“Kìa, các tầng trời và thiên đàng của các tầng trời, đất và mọi vật đều thuộc về Đấng Tự Hữu Hằng Hữu, Thiên Chúa của ngươi.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 10:14).

“Hãy nhớ! Chớ quên rằng, trong đồng vắng, ngươi đã chọc giận chính Thiên Chúa Tự Hữu Hằng Hữu của ngươi. Từ ngày mà ngươi đã ra khỏi đất Ê-díp-tô cho tới khi ngươi đến tận chốn này, ngươi thường phản nghịch lại Đấng Tự Hữu Hằng Hữu.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 9:7).

Dân I-sơ-ra-ên công nhận Thiên Chúa là Thiên Chúa của họ. Họ đã chứng kiến các phép lạ Thiên Chúa làm ra, từ trong xứ Ê-díp-tô, để giải phóng họ. Họ đã chứng kiến phép lạ tại Biển Đỏ giải cứu họ khỏi binh lực của Pha-ra-ôn. Họ đã chứng kiến phép lạ trụ mây ban ngày, trụ lửa ban đêm bảo vệ và dẫn dắt họ. Họ đã chứng kiến sáu ngày trong một tuần, vào buổi sáng sớm, một loại bánh gọi là ma-na từ trời rơi xuống, nuôi sống họ trong suốt 40 năm. Nhưng mỗi khi đối diện với nghịch cảnh, họ vẫn phản nghịch Thiên Chúa. Họ lầm bầm, than van, oán trách, đổ lỗi cho Môi-se và A-rôn là hai người Chúa dùng để chăn dắt họ, thay vì họ kêu cầu Ngài.

Sự phản nghịch Thiên Chúa chỉ có thể được làm ra bởi những ai đã nhận biết Thiên Chúa. Những người không biết Thiên Chúa dù có nếp sống vi phạm luật pháp của Ngài, tức là nếp sống phạm tội, nhưng họ không phạm tội phản nghịch Ngài. Vì họ vốn không biết Ngài.

Sự trái luật pháp của Thiên Chúa là sự không làm điều Thiên Chúa muốn chúng ta làm, hoặc sự làm điều Thiên Chúa không muốn chúng ta làm. Những điều Thiên Chúa muốn chúng ta làm hoặc không muốn chúng ta làm đã được ghi lại trong các điều răn của Thiên Chúa. Các điều răn của Thiên Chúa bao gồm: Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, Điều Răn Mới của Đức Chúa Jesus, và Điều Răn Nên Thánh của Đức Thánh Linh, như đã chép trong Xuất Ê-díp-tô Ký 20:1-17; Giăng 13:34; và Công Vụ Các Sứ Đồ 15:29 [1].

“Còn ai kết quả tội tức là trái luật pháp; và sự tội lỗi tức là sự trái luật pháp.” (I Giăng 3:4).

Mỗi một ý nghĩ, lời nói, hoặc việc làm vi phạm dù chỉ một điều răn của Thiên Chúa đều là tội lỗi.

Ý nghĩ muốn phạm tội ví như hạt giống của tội lỗi được gieo ra trong tâm trí của một người, bởi chính người ấy hoặc bởi ma quỷ. Khi đó, ý nghĩ muốn phạm tội chỉ mới là sự cám dỗ. Nếu người ấy gạt bỏ ngay ý nghĩ muốn phạm tội thì người ấy thắng được sự cám dỗ và không phạm tội. Hạt giống cám dỗ xem như đã được đem ra khỏi tâm trí của người bị cám dỗ. Nếu người ấy tiếp tục suy nghĩ về tội lỗi và vui thỏa với ý nghĩ phạm tội thì hạt giống của tội lỗi đã kết quả trong tâm trí của người ấy. Khi có cơ hội thì nó thể hiện thành lời nói tội lỗi và việc làm tội lỗi. Khi tội lỗi đã hình thành trong tâm trí của một người thì không bao lâu sau, nó sẽ thể hiện qua lời nói và việc làm của người ấy. Sự lớn mạnh của tội lỗi trong tâm trí của một người rất nhanh và rất vững chắc, như sự lớn mạnh của một loài cây to lớn, mà rễ của nó đâm sâu và bám chặt vào trong những sự ham muốn bất chính, trong tâm trí của người chọn phạm tội. Nó được nuôi dưỡng bởi những sự ham muốn bất chính đó. Khi tội lỗi đã đầy trọn thì sinh ra sự chết (Gia-cơ 1:15).

Sự trái luật pháp của Thiên Chúa, tức là sự phạm tội, là điều đương nhiên xảy ra cho mỗi một người, ngoại trừ Đấng Christ. Thánh Kinh khẳng định:

“Vì mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh quang của Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 3:23).

“Vì như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian và sự chết đến bởi tội lỗi, thì cũng vậy, sự chết đã trải qua trên mỗi người, vì mỗi người đều đã phạm tội.” (Rô-ma 5:12).

“Ngài không làm ra tội, trong miệng Ngài không tìm thấy sự gian trá.” (I Phi-e-rơ 2:22).

“Vì chúng ta không có thầy tế lễ thượng phẩm chẳng thể cảm thương những sự yếu đuối của chúng ta; nhưng Ngài đã trải qua suốt mọi sự cám dỗ, thử thách như chúng ta mà không phạm tội.” (Hê-bơ-rơ 4:15).

Mọi người được sinh ra trong thế gian đều phạm tội là vì đã bị di truyền bản tính muốn phạm tội từ A-đam, tổ phụ của loài người. Vua Đa-vít, bởi sự thần cảm từ Đấng Thần Linh, đã nhận biết rằng:

“Kìa, tôi đã được sinh ra trong sự gian ác. Mẹ tôi đã hoài thai tôi trong tội lỗi.” (Thi Thiên 51:5).

Được sinh ra trong sự gian ác là được sinh ra với bản tính sẵn sàng phạm tội để thỏa mãn ý muốn của mình. Vì thế, khi một người bắt đầu có năng lực để hành động thì cũng là lúc người ấy làm ra tội. Chẳng có gì lạ khi tội lỗi đầu tiên mà trẻ con phạm là tội không vâng lời. Vì tội lỗi đầu tiên của A-đam là tội không vâng lời Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên ông. Sự không vâng lời của A-đam đã di truyền cho loài người, biến thành bản tính không vâng lời, muốn phạm tội.

Được hoài thai trong tội lỗi là được thai dựng bởi nguồn sống đã nhiễm tội từ người cha. Dù thân thể xác thịt của một người là sự kết hợp của tinh trùng từ người cha với quả trứng từ người mẹ; nhưng sự sống được lưu truyền từ người cha; và bản tính tội lỗi cũng di truyền từ người cha.

Đấng Christ không phạm tội vì dù Ngài là loài người nhưng Ngài không được sinh ra từ một người cha xác thịt mà được sinh ra bởi Đức Chúa Trời, qua phép lạ. Ngài không thừa hưởng sự di truyền của bản tính muốn phạm tội từ A-đam. Đức Chúa Trời đã bởi năng lực của Thiên Chúa là thánh linh, kết hợp tâm thần và linh hồn của Thiên Chúa Ngôi Lời vào trong quả trứng của nữ đồng trinh Ma-ri. Lập tức, bào thai Jesus được hình thành. Cũng chính vì thế mà Đức Chúa Jesus hoàn toàn là người và cũng hoàn toàn là Thiên Chúa. Đức Chúa Jesus hoàn toàn là người, vì Ngài có thân thể xác thịt của loài người, do loài người sinh ra. Ngài cũng có thân thể thiêng liêng là tâm thần và bản ngã là linh hồn. Đức Chúa Jesus hoàn toàn là Thiên Chúa, vì linh hồn và tâm thần của Ngài chính là bản ngã và thân thể thiêng liêng của Thiên Chúa Ngôi Lời.

Thánh Kinh Cựu Ước dùng danh từ חַטָּאָת /khét-ta-a/ (H2403) trong tiếng Hê-bơ-rơ, có nghĩa đen là sự phạm luật để gọi chung mọi sự vi phạm luật pháp của Thiên Chúa là tội lỗi. Danh từ này xuất hiện lần đầu tiên trong Sáng Thế Ký 4:7, khi Thiên Chúa cảnh cáo Ca-in rằng, nếu ông không làm lành thì tội lỗi nằm chờ ông nơi cửa. Danh từ này cũng được dùng để gọi của lễ chuộc tội; và lần đầu tiên được dùng với ý nghĩa của lễ chuộc tội trong Xuất Ê-díp-tô Ký 29:14.

“Nếu ngươi làm lành, ngươi sẽ chẳng được chấp nhận sao? Còn nếu ngươi chẳng làm lành thì tội lỗi [H2403] nằm chờ nơi cửa. Nó thèm ngươi lắm nhưng ngươi phải quản trị nó.” (Sáng Thế Ký 4:7).

“Nhưng thịt của con bò đực, da của nó, và phân của nó ngươi sẽ thiêu với lửa, bên ngoài trại quân. Ấy là của lễ chuộc tội [H2403].” (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:14).

Thánh Kinh Cựu Ước dùng động từ חָטָא /kha-ta/ (H2398) trong tiếng Hê-bơ-rơ, lần đầu tiên xuất hiện trong Sáng Thế Ký 20:6, và Thánh Kinh Tân Ước dùng động từ ἁμαρτάνω /ha-ma-tá-nô/ (G264) trong tiếng Hy-lạp, lần đầu tiên xuất hiện trong Ma-thi-ơ 18:15, để gọi hành động phạm tội. Cả hai động từ đều có chung một nghĩa đen, đó là: sai trật mục đích, như người bắn cung hay phóng lao đã bắn hay phóng không trúng hồng tâm của tấm bia. Nghĩa bóng là hành động sai trật luật pháp của Thiên Chúa, không đúng theo luật pháp của Thiên Chúa.

Như vậy, bất cứ ý nghĩ, lời nói, hay việc làm nào không đúng theo luật pháp của Thiên Chúa thì đều là hành động phạm tội.

Luật pháp của Thiên Chúa chia thành hai phần. Phần thứ nhất là các điều răn của Thiên Chúa, tóm lược những gì Thiên Chúa muốn hoặc không muốn loài người làm. Các điều răn của Thiên Chúa tương tự như hiến pháp của các quốc gia. Phần thứ nhì là bộ luật của Thiên Chúa, bao gồm những lời giải thích các điều răn, hướng dẫn sự áp dụng các điều răn, và quy định các hình phạt dành cho những ai vi phạm các điều răn. Bộ luật của Thiên Chúa tương tự như bộ luật của các quốc gia. Trong thời Cựu Ước, luật pháp của Thiên Chúa được ghi chép trong năm sách đầu tiên của Thánh Kinh, từ Sáng Thế Ký đến Phục Truyền Luật Lệ Ký, còn được gọi là “Sách Luật Pháp” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 28:61). Các sách còn lại trong Cựu Ước ghi chép sự tác động của luật pháp Thiên Chúa trên dân I-sơ-ra-ên. Trong thời Tân Ước, luật pháp của Thiên Chúa tiếp tục được ghi chép trong toàn bộ Thánh Kinh Tân Ước.

Thánh Kinh Cựu Ước còn dùng bốn từ ngữ trong tiếng Hê-bơ-rơ để phân biệt bốn hình thức phạm tội.

Danh từ עָוֹן /a-vôn/ (H5771), lần đầu tiên xuất hiện trong Sáng Thế Ký 4:7, có nghĩa căn bản là sự gian ác, sự không công chính. Nghĩa rộng là sự phạm tội vì ham muốn bất chính; hoặc sự phạm tội vì phạm pháp để thỏa mãn bất cứ sự ham muốn nào. Khi một người nuôi dưỡng ý nghĩ về bất cứ sự ham muốn nào nghịch lại điều răn của Thiên Chúa thì người ấy đã phạm tội vì sự ham muốn bất chính. Thí dụ, một người cứ suy nghĩ về sự vui thú tình dục với vợ hay chồng của một người khác thì người ấy đã phạm tội ngoại tình, vi phạm điều răn của Thiên Chúa. Khi một người làm ra bất cứ việc gì nghịch lại điều răn của Thiên Chúa để thỏa mãn cho sự ham muốn chính đáng của mình, thì người ấy phạm tội hành động vi phạm luật pháp của Thiên Chúa. Thí dụ, một người ăn cắp thức ăn của người khác để giải quyết cơn đói của mình.

Sự gian ác đối nghịch với sự lương thiện. Sự lương thiện là bản tính của Thiên Chúa và cũng là tiêu chuẩn của Thiên Chúa định cho muôn loài. Sự ham muốn là bản năng Thiên Chúa ban cho các loài sống có linh hồn. Có những sự ham muốn chính đáng, như muốn ăn, muốn uống, muốn vui vẻ, muốn hạnh phúc… Nhưng khi một người ham muốn sự không thuộc về mình; hoặc vi phạm luật pháp của Thiên Chúa để thỏa mãn sự ham muốn thì người ấy trở thành người gian ác.

Danh từ אָשָׁם /a-sam/ (H817), lần đầu tiên xuất hiện trong Sáng Thế Ký 26:10, có nghĩa căn bản là sự xúc phạm, làm thiệt hại người khác. Nghĩa rộng là sự phạm tội xúc phạm, làm thiệt hại người khác.

Vua A-bi-mê-léc đã quở trách I-sác về việc I-sác có thể khiến cho dân Phi-li-tin phạm tội xúc phạm I-sác và Rê-bê-ca, khi I-sác nói với dân Phi-li-tin rằng, Rê-bê-ca là em gái của ông.

Danh từ שְׁגָגָה /sê-ga-ga/ (H7684), lần đầu tiên xuất hiện trong Lê-vi Ký 4:2, có nghĩa căn bản là sự thiếu hiểu biết. Nghĩa rộng là sự phạm tội vì vô ý, hoặc sự phạm tội vì bị dẫn dắt sai lạc, hoặc sự phạm tội vì bị lừa dối.

Một người có thể vi phạm các điều răn của Thiên Chúa vì không biết các điều răn của Thiên Chúa. Đó là trường hợp của những người không biết Chúa, vì họ chưa được tiếp cận với Thánh Kinh, chưa được nghe ai rao giảng về Thiên Chúa.

Một người có thể vi phạm các điều răn của Thiên Chúa vì vô ý, không cẩn thận trong sự làm theo Lời Chúa. Thí dụ, một người mải mê làm việc đến quá giờ bước sang ngày Sa-bát, khiến cho người ấy phạm điều răn thứ tư.

Một người có thể vi phạm các điều răn của Thiên Chúa vì bị dẫn dắt sai lạc trong sự học Lời Chúa. Đó là trường hợp của những người sinh hoạt trong các giáo hội. Điển hình là sự họ bị các giáo hội dạy rằng, không cần giữ ngày Sa-bát; hoặc dạy rằng, ngày Sa-bát đã đổi từ Thứ Bảy sang Chủ Nhật, khiến họ phạm điều răn thứ tư. Những ai ở trong trường hợp này, nếu thật lòng tin kính Chúa, tha thiết tìm kiếm sự hiểu biết Lời Chúa, đọc và suy ngẫm Lời Chúa thì chắc chắn sẽ nhận ra lẽ thật về ngày Sa-bát. Bản thân tôi từng hầu việc Chúa trong giáo hội, từng giảng nhiều bài giảng bác bỏ sự giữ ngày Sa-bát Thứ Bảy, ủng hộ tà giáo dạy rằng, ngày Sa-bát đã đổi sang Chủ Nhật. Nhưng khi tôi quyết tâm ra khỏi giáo hội, bỏ đi những gì đã học được về Thánh Kinh và Thần học trong giáo hội, để chỉ chuyên tâm tìm kiếm lẽ thật qua Thánh Kinh, thì Đức Thánh Linh đã soi dẫn cho tôi biết lẽ thật về Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời, trong đó có lẽ thật về ngày Sa-bát.

Một người có thể vi phạm các điều răn của Thiên Chúa vì bị lừa dối. Sự lừa dối có thể đến từ loài người, có thể đến từ ma quỷ. Ma quỷ có thể gieo rắc những ý tưởng cám dỗ và lừa dối trong tâm trí của một người. Điển hình cho sự lừa dối đến từ loài người được ghi chép trong I Các Vua 13:11-24. Một tiên tri già đã dối gạt một tiên tri khác của Đức Chúa Trời, khiến cho tiên tri ấy phạm tội và bị sư tử giết chết. Điển hình cho sự lừa dối đến từ ma quỷ là câu chuyện Sa-tan dùng con rắn để cám dỗ bà Ê-va; và câu chuyện Sa-tan trực tiếp hiện ra, ba lần cám dỗ Đức Chúa Jesus.

Danh từ פֶּשַׁע /pê-se/ (H6588), lần đầu xuất hiện trong Sáng Thế Ký 31:36, có nghĩa đen là vượt qua giới hạn đã định. Nghĩa bóng là tội phản nghịch.

Tội phản nghịch là tội nghiêm trọng nhất. Khi người phản nghịch người thì vì lợi ích cá nhân mà đưa người có ơn với mình vào trong sự thiệt hại, một cách bất chính. Điển hình là Sứ Đồ Giu-đa Ích-ca-ri-ốt phản nghịch Đức Chúa Jesus. Khi người phản nghịch Thiên Chúa thì bất chấp luật pháp của Thiên Chúa mà làm ra bất cứ điều gì mà mình muốn. Điển hình là cách thức dân I-sơ-ra-ên cư xử với Thiên Chúa. Mỗi khi họ gặp nghịch cảnh thì họ lầm bầm, than van, oán trách người được Thiên Chúa dùng để chăn dắt họ, và nói phạm thượng Thiên Chúa. Ngay cả khi được Thiên Chúa ban cho cuộc sống bình an, vui thỏa thì họ cũng phản nghịch Thiên Chúa, bằng cách chạy theo những thú vui tội lỗi của các dân ngoại và thờ tà thần của các dân ngoại. Hoặc họ vì tham lam mà không để cho đất được nghỉ ngơi vào các năm Sa-bát.

Lần đầu tiên Thánh Kinh dùng danh từ פֶּשַׁע /pê-se/ (H6588) để chỉ sự dân I-sơ-ra-ên phản nghịch Thiên Chúa là ở trong Xuất Ê-díp-tô Ký 23:21. Theo Xuất Ê-díp-tô Ký 34:7 thì tội phản nghịch vẫn được Thiên Chúa tha thứ.

Như vậy, qua sự giãi bày của Thánh Kinh, chúng ta biết được sáu điều sau đây về tội lỗi:

  • Tội lỗi (H2403) là sự vi phạm luật pháp của Thiên Chúa.
  • Khi một người không sống đúng theo luật pháp của Thiên Chúa, tức là không vâng giữ các điều răn của Thiên Chúa (H2398; G264), thì người ấy phạm tội.
  • Một người có thể phạm tội vì bản tính gian ác, có sự ham muốn bất chính; hoặc sẵn sàng vi phạm luật pháp của Thiên Chúa để thỏa mãn sự ham muốn của mình (H5771).
  • Một người có thể phạm tội khi xúc phạm người khác, làm thiệt hại người khác (H817).
  • Một người có thể phạm tội vì thiếu hiểu biết, không nhận biết việc mình làm là phạm tội; hoặc bị sự dẫn dắt sai lạc từ người khác, như các tà giáo được giảng dạy trong các giáo hội; hoặc bị loài người hay ma quỷ lừa dối, gài bẫy (H7684).
  • Nhưng nghiêm trọng hơn hết trong sự phạm tội là sự phản nghịch Thiên Chúa. Tức là biết rõ luật pháp của Thiên Chúa mà cố tình vi phạm, sống nếp sống hoàn toàn hành xử theo ý muốn của mình (H6588).

Người cứ làm ra tội là người sống trong tội. Thánh Kinh gọi người sống trong tội là người sống vô luật pháp. Sống vô luật pháp là sống mà không vâng phục luật pháp của Thiên Chúa. Trong thực tế, từ thời của Sứ Đồ Phao-lô, đã có những người xưng nhận mình là con dân Chúa mà lại sống nếp sống vô luật pháp:

“Hỡi các anh chị em cùng Cha! Trong danh của Đức Chúa Jesus Christ chúng ta, chúng tôi truyền cho các anh chị em phải tránh bất cứ người anh chị em cùng Cha nào sống cách vô luật pháp, không theo sự dạy dỗ mà người ấy đã nhận lãnh từ chúng tôi.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:6).

“Vì chúng tôi nghe có mấy kẻ sống vô luật pháp giữa vòng các anh chị em, chẳng làm việc gì cả, ngoại trừ những việc vô ích.” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:11).

Những người như vậy, cần phải bị khai trừ khỏi Hội Thánh, tức là bị dứt thông công. Dứt thông công là Hội Thánh không cho họ sinh hoạt trong Hội Thánh và không giao tiếp với họ (I Cô-rinh-tô 5:11-13) [2], [3].

Những người cứ cố ý tái phạm tội, sau khi đã tin nhận ơn cứu rỗi của Đức Chúa Trời, thì sẽ không còn nhận được ơn tha thứ. Lời Chúa dạy rõ:

“Vì không thể nào những người đã một lần được soi sáng, đã nếm sự ban cho từ trên trời, được trở nên những người dự phần về thánh linh, đã nếm Lời phán lành của Thiên Chúa và những năng lực của đời sau, rồi họ lại sa ngã, mà được phục hồi vào trong sự ăn năn. Vì họ đang đóng đinh Con của Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình lần nữa và họ công khai sỉ nhục Ngài.” (Hê-bơ-rơ 6:4-6).

“Vì nếu chúng ta cố ý phạm tội, sau khi đã nhận lãnh tri thức về lẽ thật, thì không còn được chừa lại cho chúng ta sinh tế chuộc những tội lỗi. Nhưng chỉ có một sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ thiêu nuốt những kẻ bội nghịch.” (Hê-bơ-rơ 10:26-27).

Chúng ta không biết sự thương xót và cơ hội ăn năn Chúa ban cho mỗi người sẽ chấm dứt vào lúc nào. Nhưng chúng ta có thể tin rằng, Chúa biết trước người nào sẽ cứng lòng, không bao giờ ăn năn. Ngài có thể sớm cất đi mạng sống của những người không bao giờ ăn năn; để họ không tiếp tục phạm tội mà gánh thêm hình phạt trong ngày phán xét. Nhưng Chúa cũng có thể để cho những người không bao giờ ăn năn được kéo dài sự sống và kéo dài sự phạm tội của họ, để hoàn thành những ý định của Ngài. Có thể vì Ngài đã biết trước họ sẽ sinh ra người hết lòng tin kính Ngài. Có thể vì Ngài dùng sự phạm tội của họ để thử thách con dân của Ngài. Có thể vì Ngài dùng sự phạm tội của họ để hình phạt những kẻ Ngài muốn hình phạt.

Điều quan trọng đối với chúng ta, những con dân chân thật của Chúa, là hãy suy ngẫm Lời Chúa về tội lỗi và sự phạm tội để chúng ta được sự thông sáng mà tránh sự phạm tội. Nhất là tránh khỏi những mưu kế cám dỗ và lừa gạt của ma quỷ, tránh khỏi những tà giáo.

Nguyện Lời Chúa thánh hóa chúng ta và thêm sức cho chúng ta. Nguyện tất cả chúng ta đều giữ vững đức tin, trung tín với Chúa cho tới ngày Đấng Christ đến. Nguyện tình yêu, ân điển, và sự thông công từ Ba Ngôi Thiên Chúa: Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh, bao phủ quý ông bà anh chị em. A-men!

Huỳnh Christian Timothy
Huỳnh Christian Priscilla
21/01/2023

Ghi Chú

Nếu không truy cập được các nối mạng dưới đây, xin vào https://server6.kproxy.com/, dán địa chỉ nối mạng vào ô tìm kiếm, rồi bấm nút surf.

[1] https://timhieutinlanh.com/cac-dieu-ran-cua-thien-chua/

[2] https://timhieutinlanh.com/su-thong-cong-va-su-dut-thong-cong/

[3] https://timhieutinlanh.com/hoi-dap-su-dut-thong-cong/

Karaoke Thánh Ca: “Nếu Xuân Này”
https://karaokethanhca.net/neu-xuan-nay/

Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012: Các câu Thánh Kinh được trích dẫn trong bài này là theo Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Hiệu Đính 2012. Đây là bản Thánh Kinh Việt Ngữ trên mạng, đang trong tiến trình hiệu đính để hoàn thành Thánh Kinh Việt Ngữ Bản Dịch Ngôi Lời. Quý con dân Chúa có thể đọc tại đây: https://thewordtoyou.net/bible/.

  • Các chữ nằm trong hai dấu { } không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, nhưng được hàm ý theo cấu trúc của văn phạm tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp.

  • Các chữ nằm trong hai dấu [ ] không có trong nguyên văn của Thánh Kinh, đó là chú thích của người dịch.

Những sách nào đã được hiệu đính hoàn toàn sẽ được đăng tại đây: https://christ.thanhkinhvietngu.net/.